Hãy là những thợ gặt vui mừng!
“Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa mình”.—MA-THI-Ơ 9:37, 38.
1. Điều gì giúp chúng ta bền đỗ làm theo ý muốn Đức Chúa Trời?
KHI hồi tưởng lại ngày làm báp têm để trở thành tôi tớ Đức Giê-hô-va, dù đã vài năm hay thậm chí nhiều năm rồi, đôi khi chúng ta có cảm tưởng như mới xảy ra hôm qua. Sau khi dâng mình, việc ngợi khen Đức Giê-hô-va trở thành trọng tâm trong đời sống chúng ta. Khi lợi dụng thì giờ để giúp người khác biết và chấp nhận thông điệp Nước Trời, mối quan tâm chính của chúng ta là vui mừng phụng sự Đức Giê-hô-va. (Ê-phê-sô 5:15, 16) Hôm nay nhìn lại, chúng ta thấy thời gian trôi qua thật nhanh khi bận rộn “làm công-việc Chúa cách dư-dật”. (1 Cô-rinh-tô 15:58) Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng niềm vui làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va luôn thúc đẩy chúng ta tiếp tục.—Nê-hê-mi 8:10.
2. Điều gì góp phần tạo nên niềm vui trong công việc mùa gặt theo nghĩa bóng?
2 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta được tham gia thực hiện một mùa gặt theo nghĩa bóng. Chúa Giê-su Christ ví việc thu nhóm những người xứng đáng được hưởng sự sống đời đời như mùa gặt. (Giăng 4:35-38) Xem xét niềm vui của những thợ gặt tín đồ Đấng Christ thời xưa sẽ khích lệ chúng ta rất nhiều trong mùa gặt này. Chúng ta sẽ xem lại ba yếu tố góp phần tạo nên niềm vui trong công việc mùa gặt ngày nay, đó là (1) thông điệp của chúng ta mang lại hy vọng, (2) những thành tựu trong công cuộc tìm kiếm, và (3) thái độ ôn hòa của thợ gặt.
Được sai đi làm thợ gặt
3. Các môn đồ thời xưa của Chúa Giê-su đã vui mừng về điều gì?
3 Cuộc đời của các thợ gặt thời xưa, đặc biệt là 11 sứ đồ trung thành của Chúa Giê-su, đã thay đổi biết bao kể từ ngày họ lên núi ở Ga-li-lê gặp Đấng Christ sau khi ngài sống lại vào năm 33 CN! (Ma-thi-ơ 28:16) Có thể “hơn năm trăm anh em” đã có mặt vào dịp đó. (1 Cô-rinh-tô 15:6) Sứ mạng Chúa Giê-su giao phó văng vẳng bên tai họ. Ngài nói: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Dù bị ngược đãi và bắt bớ dữ dội, họ vẫn có niềm vui lớn trong công việc mùa gặt khi nhìn thấy các hội thánh tín đồ Đấng Christ được thành lập hết nơi này đến nơi khác. Cuối cùng, ‘tin lành đã được giảng ra giữa mọi vật dựng nên ở dưới trời’.—Cô-lô-se 1:23; Công-vụ 1:8; 16:5.
4. Các môn đồ của Đấng Christ được sai đi trong những hoàn cảnh nào?
4 Trước đó, khi làm thánh chức ở Ga-li-lê, Chúa Giê-su đã sai 12 sứ đồ đi, đặc biệt để công bố: “Nước thiên-đàng gần rồi”. (Ma-thi-ơ 10:1-7) Chính ngài cũng đã “đi khắp các thành, các làng [xứ Ga-li-lê], dạy-dỗ trong các nhà hội, giảng tin-lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật-bịnh”. Chúa Giê-su xót xa cho đám dân đông “vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”. (Ma-thi-ơ 9:35, 36) Vô cùng xúc động, ngài bảo các môn đồ: “Mùa gặt thì thật trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy cầu-xin chủ mùa gặt [Đức Giê-hô-va] sai con gặt đến trong mùa mình”. (Ma-thi-ơ 9:37, 38) Chúa Giê-su cũng nhận định như thế về nhu cầu thợ gặt trong thời gian ở tại xứ Giu-đê và thánh chức trên đất của ngài chỉ còn sáu tháng. (Lu-ca 10:2) Và trong cả hai lần, ngài đều sai các môn đồ đi làm thợ gặt.—Ma-thi-ơ 10:5; Lu-ca 10:3.
Thông điệp mang hy vọng
5. Chúng ta công bố thông điệp nào?
5 Là tôi tớ thời nay của Đức Giê-hô-va, chúng ta vui mừng hưởng ứng lời mời làm thợ gặt. Một yếu tố góp phần quan trọng tạo nên sự vui mừng của chúng ta là được mang thông điệp đầy hy vọng đến cho những người đau buồn và nản lòng. Như các môn đồ của Chúa Giê-su vào thế kỷ thứ nhất, thật là một đặc ân cho chúng ta được công bố tin mừng—một thông điệp mang lại hy vọng thật sự—cho những người “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”!
6. Các sứ đồ đã tham gia hoạt động nào vào thế kỷ thứ nhất?
6 Vào khoảng giữa thế kỷ thứ nhất, sứ đồ Phao-lô đã bận rộn rao truyền tin mừng. Việc gặt hái của ông chắc chắn đạt kết quả vì trong thư gửi cho anh em ở thành Cô-rinh-tô vào khoảng năm 55 CN, ông viết: “Tôi nhắc lại cho anh em Tin-lành mà tôi đã rao-giảng và anh em đã nhận lấy, cùng đứng vững-vàng trong đạo ấy”. (1 Cô-rinh-tô 15:1) Các sứ đồ và tín đồ Đấng Christ thời xưa đều chăm chỉ gặt hái. Mặc dù Kinh Thánh không cho biết có bao nhiêu sứ đồ sống sót qua những biến cố hệ trọng đưa đến sự hủy phá thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN, nhưng chúng ta biết rằng sứ đồ Giăng vẫn tiếp tục rao giảng suốt khoảng 25 năm sau đó.—Khải-huyền 1:9.
7, 8. Hơn bao giờ hết, tôi tớ Đức Giê-hô-va đang khẩn trương công bố thông điệp nào mang hy vọng?
7 Kế tiếp là sự thống trị trong nhiều thế kỷ của hàng giáo phẩm khối đạo tự xưng theo Đấng Christ, “người tội-ác” bội đạo. (2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3) Tuy nhiên, đến cuối thế kỷ 19, những người cố gắng sống theo mẫu mực của đạo Đấng Christ thời ban đầu đảm nhận tiếp việc truyền bá thông điệp mang hy vọng, và loan báo Nước Trời. Thật vậy, ngay từ số phát hành đầu tiên (tháng 7-1879), tiêu đề của tạp chí này đã có dòng chữ “Sứ giả loan báo sự hiện diện của Đấng Christ”, “Sứ giả loan báo Nước Đấng Christ”, hay “Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va”.
8 Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập dưới sự cai trị của Chúa Giê-su Christ vào năm 1914, vì thế hơn bao giờ hết chúng ta đang khẩn trương công bố thông điệp mang hy vọng. Tại sao? Vì trong số những ân phước mà Nước Trời mang lại có sự cáo chung gần kề của hệ thống gian ác hiện tại. (Đa-ni-ên 2:44) Còn thông điệp nào tốt cho bằng? Còn có niềm vui nào lớn hơn là được tham gia thông báo về Nước Trời trước khi “hoạn-nạn lớn” bùng nổ?—Ma-thi-ơ 24:21; Mác 13:10.
Một công cuộc tìm kiếm thành công
9. Chúa Giê-su cho các môn đồ sự hướng dẫn nào, và người ta phản ứng ra sao đối với thông điệp Nước Trời?
9 Một yếu tố khác góp phần tạo nên niềm vui của thợ gặt là sự thành công trong việc tìm kiếm môn đồ, những người sẽ cùng chúng ta thực hiện mùa gặt. Vào năm 31-32 CN, Chúa Giê-su hướng dẫn các môn đồ: “Khi vào thành phố hay xã thôn nào, nên tìm đến nhà người chân thành xứng đáng”. (Ma-thi-ơ 10:11, Bản Diễn Ý) Thái độ của người ta đối với thông điệp Nước Trời cho thấy không phải mọi người đều xứng đáng. Dù vậy, các môn đồ của Chúa Giê-su vẫn sốt sắng rao truyền tin mừng ở bất cứ nơi nào có người.
10. Phao-lô kiên trì tìm kiếm những người xứng đáng như thế nào?
10 Sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại, công cuộc tìm kiếm những người xứng đáng vẫn tiếp diễn sôi nổi. Phao-lô lý luận với người Do Thái trong các nhà hội và với những người ông gặp ở chợ tại thành A-thên. Khi ông làm chứng tại A-rê-ô-ba, “có mấy kẻ theo người và tin; trong số đó, có Đê-ni, là một quan tòa nơi A-rê-ô-ba, và một người đàn-bà tên là Đa-ma-ri, cùng các người khác”. Đi đến đâu, ông cũng nêu gương trong việc giảng đạo “giữa công-chúng, hoặc từ nhà nầy sang nhà kia”.—Công-vụ 17:17, 34; 20:20.
11. Nhiều năm trước đây, những phương pháp rao giảng nào được sử dụng?
11 Vào những thập kỷ cuối của thế kỷ 19, các tín đồ được xức dầu đã mạnh dạn tìm kiếm những người xứng đáng. Một bài có nhan đề “Được xức dầu để rao giảng” trong Tháp Canh Si-ôn (Anh ngữ) tháng 7/8 năm 1881 viết: “Tin mừng đang được rao truyền... đến những ‘người nhu mì’, những người biết và muốn lắng nghe, để từ đó phát triển thân thể Đấng Christ, tức số người đồng kế tự”. Hồi đó, các thợ gặt của Đức Chúa Trời thường tìm gặp người ta ở nhà thờ sau các buổi lễ và tặng họ những tờ giấy nhỏ có thông điệp Kinh Thánh, nhằm gợi sự hưởng ứng của những người xứng đáng. Sau khi xem xét lại tính hiệu quả của phương pháp làm chứng này, Tháp Canh ngày 15-5-1903 khuyến khích thợ gặt phân phát các tờ giấy nhỏ “từ nhà này sang nhà kia vào các buổi sáng Chủ Nhật”.
12. Làm thế nào công việc rao giảng của chúng ta đã đạt hiệu quả hơn? Hãy cho thí dụ.
12 Trong những năm gần đây, chúng ta không chỉ đến tiếp xúc tại nhà riêng mà còn mở rộng thánh chức ra những nơi khác. Sự cải tiến này rất hiệu quả ở những xứ mà điều kiện kinh tế và việc theo đuổi thú vui khiến người ta thường vắng nhà vào những giờ chúng ta viếng thăm. Khi một Nhân Chứng ở Anh và người cùng đi với chị để ý thấy là sau khi chơi ở bãi biển cả ngày du khách thường đi về bằng xe buýt, họ thu can đảm lên các xe buýt để giới thiệu Tháp Canh và Tỉnh Thức! cho hành khách. Trong vòng một tháng, họ đã phân phát được 229 tạp chí. Họ kể: “Chúng tôi không còn sợ rao giảng ở bãi biển, khu thương mại, hay bất kỳ một thách đố nào khác vì biết rằng Đức Giê-hô-va luôn ở cùng chúng tôi”. Họ thiết lập được một lộ trình tạp chí, bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh, và cả hai đều tham gia làm tiên phong phụ trợ.
13. Một số nơi cần có điều chỉnh nào trong thánh chức?
13 Trong khi tiếp tục tìm kiếm người xứng đáng, có lẽ cũng cần xem xét lại cách thi hành thánh chức tại vài nơi. Nhiều Nhân Chứng thường rao giảng từ nhà này sang nhà kia vào sáng Chủ Nhật, nhưng tại một số nơi những cuộc viếng thăm vào sáng sớm không mấy hiệu quả vì chủ nhà có thể vẫn đang ngủ. Vì thế, hiện nay nhiều Nhân Chứng đã điều chỉnh lại thời gian biểu, đi muộn hơn, có khi sau buổi nhóm họp. Điều này thật sự đã đem lại kết quả. Năm ngoái, số người công bố Nước Trời trên khắp thế giới gia tăng 2,3 phần trăm. Kết quả trên làm vinh hiển Chủ mùa gặt và đem lại niềm vui cho chúng ta.
Hãy giữ thái độ ôn hòa khi thực hiện mùa gặt
14. Chúng ta trình bày thông điệp với thái độ nào, và tại sao?
14 Một nguyên do khác đem lại vui mừng liên quan đến thái độ ôn hòa của chúng ta khi thực hiện mùa gặt. Chúa Giê-su nói: “Vào nhà nào thì hãy chào họ: nếu là nhà xứng đáng, thì bình an các ngươi chúc sẽ đến trên nhà ấy”. (Ma-thi-ơ 10:12, 13, Nguyễn Thế Thuấn) Cả câu chào trong tiếng Hê-bơ-rơ và cụm từ tương ứng trong tiếng Hy Lạp của Kinh Thánh đều có ý là ‘Chúc bình an’. Đây là thái độ chúng ta nên có khi tiếp xúc với người ta để rao truyền tin mừng. Chúng ta hy vọng họ sẽ hưởng ứng thông điệp Nước Trời. Những người hưởng ứng có triển vọng được hòa thuận lại với Đức Chúa Trời nếu họ ăn năn tội lỗi, trở lại và làm theo ý muốn Ngài. Cuối cùng, sự hòa thuận với Đức Chúa Trời sẽ đem lại sự sống đời đời.—Giăng 17:3; Công-vụ 3:19, 20; 13:38, 48, NW; 2 Cô-rinh-tô 5:18-20.
15. Làm thế nào để duy trì thái độ ôn hòa khi gặp phải phản ứng tiêu cực trong công việc rao giảng?
15 Làm thế nào để duy trì thái độ ôn hòa khi gặp phải phản ứng tiêu cực? Chúa Giê-su hướng dẫn: “Nhược bằng nhà ấy không xứng đáng, thì bình an các ngươi chúc sẽ trở lại về với các ngươi”. (Ma-thi-ơ 10:13, NTT) Theo lời tường thuật của Lu-ca, khi sai 70 môn đồ đi, Chúa Giê-su nói: “Nếu nhà đó có người nào đáng được bình-an, sự bình-an của các ngươi sẽ giáng cho họ; bằng không, sẽ trở về các ngươi”. (Lu-ca 10:6) Khi tiếp xúc để trình bày tin mừng, tốt hơn chúng ta nên có thái độ vui vẻ và ôn hòa. Nếu chủ nhà đáp lại bằng thái độ lãnh đạm, thiếu tế nhị, hay phàn nàn, điều đó chỉ khiến thông điệp mang bình an ‘trở lại cùng chúng ta’, chứ không lấy đi được sự bình an, bông trái thánh linh, của chúng ta.—Ga-la-ti 5:22, 23.
Một mục tiêu tốt cho thợ gặt
16, 17. (a) Khi viếng thăm lại, mục tiêu của chúng ta là gì? (b) Làm thế nào chúng ta có thể giúp những người có thắc mắc về Kinh Thánh?
16 Là thợ gặt, chúng ta vui sướng được góp phần thâu nhóm những người xứng đáng nhận lãnh sự sống đời đời. Thật vui mừng khi rao giảng cho một người biết hưởng ứng tích cực, muốn học hỏi thêm và tỏ ra là ‘người đáng được bình-an’! Có lẽ người đó có rất nhiều thắc mắc về Kinh Thánh mà chúng ta không thể giải đáp hết một lần. Hơn nữa, nấn ná quá lâu trong buổi viếng thăm đầu tiên cũng không thích hợp. Vậy, chúng ta nên làm gì? Chúng ta nên nhắm đến một mục tiêu đã được đề nghị cách đây 60 năm.
17 “Tất cả Nhân Chứng Giê-hô-va nên sẵn sàng hướng dẫn những buổi học Kinh Thánh mẫu mực”. Câu này được ghi nơi cuốn ba trong loạt sách nhỏ hướng dẫn Model Study (Buổi học mẫu) được xuất bản từ năm 1937 đến 1941. Cuốn sách viết tiếp: “Tất cả những người công bố [Nước Trời] nên chịu khó giúp đỡ bằng mọi cách những người có thiện chí và tỏ ra chú ý đến thông điệp Nước Trời. Nên trở lại viếng thăm những người đó, giải đáp thắc mắc..., và bắt đầu một buổi học mẫu mực càng sớm càng tốt”. Vâng, mục tiêu của chúng ta khi trở lại viếng thăm là để bắt đầu một cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà và tiếp tục học đều đặn.a Thái độ thân thiện và lòng yêu thương quan tâm đến người chú ý thúc đẩy chúng ta sửa soạn kỹ và hướng dẫn buổi học một cách hiệu quả.
18. Làm sao giúp những người mới trở thành môn đồ Chúa Giê-su Christ?
18 Nhờ sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời và sách mỏng như cuốn Đức Chúa Trời đòi hỏi gì nơi chúng ta?, chúng ta có thể hướng dẫn cách hữu hiệu các cuộc học Kinh Thánh tại nhà và do đó góp phần giúp những người mới chú ý trở thành môn đồ. Khi cố gắng noi theo Thầy Dạy Lớn, Chúa Giê-su Christ, chúng ta còn làm gương để người học cũng tập có tính cách ôn hòa, vui vẻ, thành thật, và kính trọng những tiêu chuẩn cùng sự dẫn dắt của Đức Giê-hô-va. Khi giải đáp thắc mắc cho những người mới, cũng hãy cố gắng dạy họ biết cách trả lời người khác. (2 Ti-mô-thê 2:1, 2; 1 Phi-e-rơ 2:21) Là những thợ gặt theo nghĩa bóng, chắc chắn chúng ta có thể vui mừng vì trong năm công tác trước, bình quân đã có 4.766.631 cuộc học hỏi Kinh Thánh tại nhà được điều khiển trên khắp thế giới. Chúng ta càng đặc biệt vui mừng khi chính mình dự phần vào công việc đó.
Hãy tiếp tục vui mừng trong mùa gặt
19. Tại sao có lý do để vui mừng trong mùa gặt vào thời Chúa Giê-su làm thánh chức và ít lâu sau đó?
19 Có nhiều lý do để vui mừng trong mùa gặt vào thời Chúa Giê-su làm thánh chức và ít lâu sau đó. Hồi đó, nhiều người đã hưởng ứng tin mừng. Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN là một dịp vui mừng đặc biệt vì bấy giờ khoảng 3.000 người đã chấp nhận lời hướng dẫn của Phi-e-rơ, nên được nhận lãnh thánh linh Đức Giê-hô-va, và trở thành một phần của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Thật vậy, số môn đồ ngày một gia tăng, và niềm vui của họ càng chan chứa hơn khi “mỗi ngày [Đức Giê-hô-va] lấy những kẻ được cứu thêm vào Hội-thánh”.—Công-vụ 2:37-41, 46, 47; Ga-la-ti 6:16; 1 Phi-e-rơ 2:9.
20. Điều gì khiến chúng ta tràn đầy vui mừng trong mùa gặt?
20 Vào thời đó, lời tiên tri của Ê-sai đã nghiệm đúng: “Chúa [Đức Giê-hô-va] đã làm cho dân nầy thêm nhiều; và thêm sự vui cho họ. Mọi người đều vui-mừng trước mặt Chúa, như vui-mừng trong ngày mùa gặt, như người ta reo-vui trong lúc chia của cướp [“chiến quả”, NTT]”. (Ê-sai 9:2) Mặc dù ngày nay ‘dân thêm nhiều’ đó, tức nhóm những người được xức dầu, hầu như đã đủ, nhưng chúng ta vẫn tràn đầy vui mừng khi thấy số thợ gặt khác tiếp tục gia tăng mỗi năm.—Thi-thiên 4:7; Xa-cha-ri 8:23; Giăng 10:16.
21. Chúng ta sẽ thảo luận về điều gì trong bài tới?
21 Chắc chắn chúng ta có nhiều lý do để tiếp tục vui mừng trong công việc mùa gặt. Thông điệp mang hy vọng, công cuộc tìm kiếm những người xứng đáng, và thái độ ôn hòa của chúng ta—tất cả những yếu tố này đem lại niềm vui cho chúng ta với tư cách là những thợ gặt. Tuy nhiên, những điều này cũng khiến nhiều người có phản ứng thù nghịch. Sứ đồ Giăng đã nếm trải kinh nghiệm đó. Ông đã bị giam trên đảo Bát-mô “vì cớ lời Đức Chúa Trời và chứng của Đức Chúa Jêsus”. (Khải-huyền 1:9) Vậy, làm sao chúng ta có thể tiếp tục vui mừng khi bị bắt bớ và chống đối? Điều gì có thể giúp chúng ta kiên trì trước thái độ ngày càng cứng rắn của nhiều người ngày nay? Bài tới sẽ giúp giải đáp các câu hỏi này dựa trên Kinh Thánh.
[Chú thích]
a Lúc đầu, các buổi học chỉ được tổ chức ở những nơi có thể tập hợp nhiều người chú ý. Tuy nhiên, ít lâu sau việc học riêng với từng cá nhân hay từng gia đình cũng được thực hiện.—Xem sách Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom, trang 574, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
Bạn trả lời thế nào?
• Công việc mùa gặt theo nghĩa bóng là gì?
• Chúng ta công bố thông điệp nào?
• Tại sao có thể nói công cuộc tìm kiếm môn đồ của chúng ta thành công?
• Làm thế nào để giữ thái độ ôn hòa trong công việc mùa gặt?
• Tại sao chúng ta tiếp tục vui mừng trong mùa gặt?
[Các hình nơi trang 12, 13]
Rao giảng trong thế kỷ thứ nhất và thế kỷ 20
[Các hình nơi trang 13]
Giống như Phao-lô, những thợ gặt ngày nay cố gắng tìm gặp người ta ở mọi nơi
[Hình nơi trang 13]
Công bố tin mừng với thái độ vui vẻ