BÀI HỌC 12
Học thêm về Đức Giê-hô-va qua công trình sáng tạo
“Dù Đức Chúa Trời là vô hình, nhưng từ lúc thế gian được dựng nên, khi xem xét những vật ngài tạo ra thì người ta có thể thấy rõ các đặc tính của ngài”.—RÔ 1:20.
BÀI HÁT 6 Bầu trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời
GIỚI THIỆUa
1. Một cách để Gióp biết về Đức Giê-hô-va rõ hơn là gì?
Trong tất cả những cuộc trò chuyện trong đời của Gióp, hẳn cuộc trò chuyện mà ông ấn tượng nhất là với Đức Giê-hô-va. Để củng cố lòng tin chắc của Gióp nơi sự khôn ngoan và khả năng chăm sóc cho các tôi tớ của ngài, Đức Giê-hô-va nhắc đến một số đặc điểm đáng chú ý trong thiên nhiên. Chẳng hạn, ngài nhắc Gióp nhớ rằng ngài chăm sóc cho các loài vật, nên ngài cũng có thể chăm sóc cho Gióp (Gióp 38:39-41; 39:1, 5, 13-16). Qua việc xem xét công trình sáng tạo, Gióp học được nhiều điều về các đức tính của Đức Chúa Trời.
2. Tại sao việc xem xét công trình sáng tạo không phải lúc nào cũng dễ?
2 Chúng ta cũng có thể học thêm về Đức Chúa Trời khi xem xét công trình sáng tạo của ngài. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ để làm thế. Nếu sống ở thành phố, có lẽ chúng ta ít nhìn thấy thiên nhiên trong đời sống hằng ngày. Ngay cả nếu sống gần với thiên nhiên, có thể chúng ta cảm thấy mình không có nhiều thời gian để tìm hiểu về nó. Vì thế, hãy xem tại sao việc dành thời gian và nỗ lực để quan sát công trình sáng tạo là điều đáng công. Chúng ta sẽ xem Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su dùng sự sáng tạo như thế nào để dạy dỗ, và mình có thể làm gì để rút ra thêm những bài học từ thiên nhiên.
TẠI SAO NÊN QUAN SÁT CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO?
3. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va muốn A-đam vui hưởng sự sáng tạo?
3 Đức Giê-hô-va muốn người đầu tiên vui hưởng sự sáng tạo. Khi tạo ra A-đam, Đức Chúa Trời ban cho ông một địa đàng tuyệt đẹp để khám phá và giao cho ông nhiệm vụ chăm sóc và nới rộng địa đàng đó (Sáng 2:8, 9, 15). Hãy hình dung A-đam hào hứng thế nào khi thấy hạt giống nảy mầm và những bông hoa nở rộ. Quả là đặc ân cho ông khi được chăm sóc vườn Ê-đen! Đức Giê-hô-va cũng bảo A-đam đặt tên cho các loài vật (Sáng 2:19, 20). Ngài đã có thể tự đặt tên cho chúng, nhưng ngài giao cho A-đam nhiệm vụ đó. Chắc hẳn trước khi đặt tên cho các loài vật, A-đam đã xem xét kỹ, quan sát những đặc tính và thói quen của chúng. Hẳn ông rất thích thú với công việc này. Chắc chắn đó là cơ hội để A-đam gia tăng lòng quý trọng sự khôn ngoan, óc nghệ thuật và sáng tạo của Cha trên trời.
4. (a) Một lý do chúng ta nên xem xét công trình sáng tạo là gì? (b) Anh chị đặc biệt biết ơn về điều gì trong sự sáng tạo?
4 Một lý do chúng ta nên xem xét công trình sáng tạo là vì Đức Giê-hô-va muốn mình làm thế. Ngài bảo chúng ta: “Hãy ngước mắt lên trời xem!”, và ngài hỏi: “Ai đã tạo các vật ấy?”. Câu trả lời rất rõ ràng (Ê-sai 40:26). Đức Giê-hô-va tạo ra vô số công trình tuyệt vời không chỉ ở trên trời mà còn trên đất và dưới biển, tất cả các công trình này đều dạy chúng ta về ngài (Thi 104:24, 25). Cũng hãy nghĩ đến cách mà Đức Chúa Trời tạo ra chúng ta. Ngài ban cho chúng ta khả năng thưởng thức vẻ đẹp trong thiên nhiên. Ngài cũng ban cho chúng ta năm giác quan là thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác và khứu giác để vui hưởng sự đa dạng trong công trình sáng tạo.
5. Theo Rô-ma 1:20, chúng ta nhận được lợi ích nào khi xem xét công trình sáng tạo?
5 Kinh Thánh cho biết lý do quan trọng khác mà chúng ta nên xem xét công trình sáng tạo. Đó là sự sáng tạo dạy mình về các đức tính của Đức Giê-hô-va. (Đọc Rô-ma 1:20). Chẳng hạn, hãy xem xét những thiết kế được thấy rõ trong thiên nhiên. Chẳng phải chúng tiết lộ về sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời sao? Cũng hãy nghĩ về thức ăn đa dạng mà chúng ta có thể thưởng thức. Đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy tình yêu thương của ngài dành cho nhân loại. Khi thấy những đức tính của Đức Giê-hô-va qua điều ngài tạo ra, chúng ta biết rõ hơn về ngài và muốn đến gần ngài hơn. Hãy xem xét một số cách mà Đức Giê-hô-va dùng sự sáng tạo để dạy con người những bài học quan trọng.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA DÙNG CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO ĐỂ DẠY VỀ NGÀI
6. Chúng ta học được gì khi quan sát loài chim di cư?
6 Đức Giê-hô-va có lịch trình. Hằng năm, từ cuối tháng 2 đến giữa tháng 5, dân Y-sơ-ra-ên thường thấy những con cò bay qua xứ khi chúng di cư về phía bắc. Đức Chúa Trời phán với họ: “Con cò trên trời còn biết các mùa” (Giê 8:7). Giống như Đức Giê-hô-va đã định một thời điểm cho loài chim này di cư, ngài cũng ấn định một thời điểm để thi hành sự phán xét. Ngày nay, khi quan sát loài chim di cư, chúng ta được nhắc rằng mình có thể tin chắc là Đức Giê-hô-va có “kỳ định” để chấm dứt thế gian gian ác này.—Ha-ba 2:3.
7. Việc quan sát con chim bay vút lên cao có thể dạy chúng ta điều gì? (Ê-sai 40:31)
7 Đức Giê-hô-va ban sức mạnh cho tôi tớ ngài. Qua Ê-sai, Đức Giê-hô-va hứa rằng ngài sẽ thêm sức để dân ngài “cất cánh bay vút tựa như đại bàng” khi họ cảm thấy yếu đuối hoặc nản lòng. (Đọc Ê-sai 40:31). Dân Y-sơ-ra-ên thường thấy những con đại bàng bay vút lên nhờ luồng không khí bốc lên mà hầu như không tốn sức. Điều này nhắc chúng ta nhớ rằng nếu Đức Giê-hô-va đã ban sức mạnh cho loài chim này thì ngài cũng có thể ban sức mạnh cho tôi tớ ngài! Khi thấy một con chim mạnh mẽ bay càng lúc càng cao trên bầu trời mà gần như không cần đập cánh, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va có thể thêm sức để anh chị đương đầu với vấn đề.
8. Gióp học được gì khi xem xét công trình sáng tạo, và chúng ta rút ra bài học nào?
8 Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta tin cậy. Đức Giê-hô-va đã giúp Gióp củng cố lòng tin cậy nơi ngài (Gióp 32:2; 40:6-8). Khi nói chuyện với Gióp, ngài đề cập đến nhiều điều mà ngài tạo ra, trong đó có những ngôi sao, đám mây và tia chớp. Đức Giê-hô-va cũng nói về các loài vật, chẳng hạn như bò rừng và ngựa (Gióp 38:32-35; 39:9, 19, 20). Tất cả những điều này là bằng chứng không chỉ cho thấy quyền năng vô hạn mà còn cho thấy tình yêu thương và sự khôn ngoan vĩ đại của Đức Chúa Trời. Nhờ cuộc nói chuyện này, Gióp tin cậy Đức Giê-hô-va hơn bao giờ hết (Gióp 42:1-6). Tương tự, khi xem xét công trình sáng tạo, chúng ta được nhắc rằng Đức Giê-hô-va khôn ngoan và có quyền năng vượt trội hơn mình biết bao! Ngài cũng có khả năng và sẽ chấm dứt mọi thử thách của chúng ta. Điều này có thể củng cố lòng tin cậy của chúng ta nơi ngài.
CHÚA GIÊ-SU DÙNG CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO ĐỂ DẠY VỀ CHA NGÀI
9, 10. Mặt trời và mưa cho chúng ta biết gì về Đức Giê-hô-va?
9 Chúa Giê-su biết rất nhiều về thiên nhiên. Là “thợ cả”, ngài có đặc ân phụ giúp Cha tạo dựng vũ trụ (Châm 8:30). Sau này, trong thời gian sống trên đất, Chúa Giê-su dùng sự sáng tạo để dạy các môn đồ về Cha trên trời. Hãy xem một số bài học ấy.
10 Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với mọi người. Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su hướng các môn đồ đến hai điều trong thiên nhiên mà nhiều người nghĩ tự nhiên mà có, đó là ánh nắng và mưa. Cả hai điều này đều thiết yếu cho sự sống. Đức Giê-hô-va đã có thể không ban những điều đó cho những người không xứng đáng. Thay vì thế, ngài đã yêu thương cung cấp mặt trời và mưa cho mọi người (Mat 5:43-45). Chúa Giê-su dùng bài học này để dạy các môn đồ là Đức Giê-hô-va muốn chúng ta thể hiện tình yêu thương với tất cả mọi người. Mỗi khi thấy cảnh hoàng hôn tuyệt đẹp hoặc một cơn mưa rào mát mẻ, chúng ta có thể suy ngẫm về tình yêu thương không thiên vị của Đức Giê-hô-va. Gương của ngài có thể thúc đẩy chúng ta thể hiện tình yêu thương như thế bằng cách rao giảng cho mọi người.
11. Việc quan sát loài chim trời khích lệ chúng ta như thế nào?
11 Đức Giê-hô-va chăm lo cho nhu cầu thể chất của chúng ta. Cũng trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Hãy quan sát kỹ loài chim trời, chúng không gieo, gặt hoặc thâu trữ vào kho mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng”. Có lẽ những người đang nghe có thể thấy chim bay trên trời khi Chúa Giê-su hỏi họ: “Chẳng phải anh em còn quý hơn chúng hay sao?” (Mat 6:26). Quả là hình ảnh ấm lòng để đảm bảo với chúng ta rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo cho nhu cầu thể chất của mình! (Mat 6:31, 32). Bài học này từ sự sáng tạo tiếp tục khích lệ các tôi tớ trung thành. Một chị tiên phong trẻ ở Tây Ban Nha cảm thấy nản lòng vì không thể tìm được một nơi ở phù hợp. Nhưng sau khi thấy những chú chim mổ hạt và quả mọng, chị được lên tinh thần. Chị cho biết: “Những con chim ấy nhắc tôi nhớ rằng Đức Giê-hô-va chăm sóc cho chúng và ngài cũng sẽ chăm sóc cho tôi”. Và đúng vậy, không lâu sau chị đã tìm được chỗ ở.
12. Theo Ma-thi-ơ 10:29-31, chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua chim sẻ?
12 Đức Giê-hô-va quý trọng mỗi cá nhân chúng ta. Trước khi phái các sứ đồ đi rao giảng, Chúa Giê-su giúp họ vượt qua nỗi sợ bị chống đối. (Đọc Ma-thi-ơ 10:29-31). Ngài làm thế bằng cách nói đến một trong những loài chim phổ biến nhất ở Y-sơ-ra-ên, đó là chim sẻ. Những con chim này rất ít giá trị vào thời Chúa Giê-su. Nhưng ngài nói với các môn đồ: “Không một con nào rơi xuống đất mà Cha trên trời không biết”. Rồi ngài nói thêm: “Anh em còn quý giá hơn nhiều con chim sẻ”. Qua đó, Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ rằng Đức Giê-hô-va quý trọng từng cá nhân họ, nên họ không có lý do để sợ sự ngược đãi. Hẳn các môn đồ nhớ lại những lời của Chúa Giê-su khi họ nhìn thấy chim sẻ trong lúc rao giảng ở các thị trấn và làng mạc. Mỗi khi nhìn thấy một con chim nhỏ, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va quý trọng cá nhân anh chị vì anh chị cũng “quý giá hơn nhiều con chim sẻ”. Với sự trợ giúp của ngài, anh chị không cần sợ hãi khi đối mặt với sự chống đối.—Thi 118:6.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC THÊM VỀ ĐỨC CHÚA TRỜI QUA CÔNG TRÌNH SÁNG TẠO?
13. Điều gì sẽ giúp chúng ta rút ra những bài học từ sự sáng tạo?
13 Chúng ta có thể học được nhiều bài học khác về Đức Giê-hô-va qua sự sáng tạo. Bằng cách nào? Trước hết, chúng ta cần dành thời gian để quan sát sự sáng tạo. Kế tiếp, chúng ta cần suy nghĩ xem mình học được gì về Đức Giê-hô-va. Có lẽ không phải lúc nào cũng dễ để làm hai điều này. Một chị đến từ Cameroon tên là Géraldine nói: “Vì lớn lên ở thành phố nên tôi thấy mình cần phải cố gắng nhiều hơn thì mới có thể quan sát thiên nhiên”. Một trưởng lão tên Alfonso cho biết: “Tôi nhận thấy rằng mình cần dành thời gian cố định để ở một mình và quan sát công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va, rồi sau đó xem mình học được gì về ngài”.
14. Đa-vít học được gì khi suy ngẫm về công trình sáng tạo?
14 Đa-vít suy ngẫm về công trình sáng tạo của Đức Chúa Trời. Ông thưa với Đức Giê-hô-va: “Khi con ngắm các tầng trời, công việc của ngón tay ngài, trăng sao do ngài dựng nên, phàm nhân là gì mà ngài nhớ đến?” (Thi 8:3, 4). Thật vậy, khi ngắm nhìn bầu trời đêm, Đa-vít làm nhiều hơn là chỉ cảm kích trước sự bao la của vũ trụ. Ông cũng suy ngẫm xem các ngôi sao cho biết gì về Đức Chúa Trời. Ông học được rằng Đức Giê-hô-va thật vĩ đại. Vào những dịp khác, Đa-vít ngẫm nghĩ về cách mình phát triển trong bụng mẹ. Khi suy ngẫm về những chi tiết đáng kinh ngạc này, ông càng thán phục sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va.—Thi 139:14-17.
15. Anh chị thấy những đức tính nào của Đức Giê-hô-va qua công trình sáng tạo? Hãy nêu ví dụ. (Thi thiên 148:7-10)
15 Giống như Đa-vít, anh chị không cần đi đâu xa mới tìm được một điều trong thiên nhiên để suy ngẫm. Nếu nhìn xung quanh, anh chị có thể nhận ra nhiều đức tính của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, hãy nghĩ đến quyền năng của ngài khi cảm nhận hơi ấm mặt trời (Giê 31:35). Hãy nhận ra sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va khi thấy một con chim làm tổ. Hãy nghĩ đến tính hài hước của ngài khi thấy một chú chó con đang vờn đuôi của nó. Và hãy cảm tạ Đức Giê-hô-va về tình yêu thương của ngài khi thấy một người mẹ chơi đùa với đứa con bé bỏng. Chúng ta có rất nhiều cơ hội để học về Đức Giê-hô-va vì mọi công trình sáng tạo, từ lớn đến nhỏ, từ xa đến gần, đều ngợi khen ngài.—Đọc Thi thiên 148:7-10.
16. Chúng ta nên quyết tâm làm gì?
16 Đức Chúa Trời là đấng vô cùng khôn ngoan, quyền năng, đầy lòng quan tâm và có óc nghệ thuật. Chúng ta có thể thấy những đức tính này và nhiều đức tính khác trong thiên nhiên nếu xem xét kỹ sự sáng tạo xung quanh mình. Mong sao chúng ta đều đặn dành thời gian chiêm ngưỡng công trình sáng tạo, và nghĩ xem mình học được gì về Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta sẽ càng đến gần Đấng Tạo Hóa hơn (Gia 4:8). Bài tới sẽ xem làm thế nào các bậc cha mẹ có thể dùng công trình sáng tạo để giúp con đến gần Đức Giê-hô-va.
BÀI HÁT 5 Các công việc kỳ diệu của Đức Chúa Trời
a Công trình sáng tạo của Đức Giê-hô-va thật đáng kinh ngạc! Từ năng lượng khủng khiếp của mặt trời đến những cánh hoa mỏng manh, tất cả công việc của ngài đều khiến chúng ta thán phục. Những bài học từ công trình sáng tạo cũng có thể giúp chúng ta thấy được các đức tính của Đức Giê-hô-va. Bài này sẽ xem tại sao nên dành thời gian để xem xét công trình sáng tạo, và điều đó giúp chúng ta đến gần hơn với Đức Chúa Trời như thế nào.