Kinh Thánh có thể giúp bạn tìm được niềm vui
TUY không phải là một cẩm nang y khoa nhưng Kinh Thánh có bàn về ảnh hưởng của cảm xúc, cả tích cực lẫn tiêu cực, đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người. Kinh Thánh viết: “Lòng vui-mừng vốn một phương thuốc hay; còn trí nao-sờn làm xương-cốt khô-héo”. Một câu khác nói: “Nếu con ngã lòng trong ngày hoạn-nạn, thì sức-lực con nhỏ-mọn thay”. (Châm-ngôn 17:22; 24:10) Sự nản lòng có thể làm tiêu hao năng lực, khiến chúng ta cảm thấy yếu đuối và dễ sa ngã, không muốn thay đổi hay tìm sự giúp đỡ.
Sự nản lòng cũng có thể ảnh hưởng đến tình trạng thiêng liêng của người ta. Những người nghĩ mình vô giá trị thường cho rằng họ không bao giờ có thể có được một mối quan hệ tốt với Đức Chúa Trời và được Ngài ban phước. Chị Simone, được nói đến ở bài trước, không tin “Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận hạng người” như chị. Tuy nhiên, khi xem xét Lời của Đức Chúa Trời, tức Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy rằng Ngài yêu chuộng những người cố gắng làm đẹp lòng Ngài.
Đức Chúa Trời thật sự quan tâm
Kinh Thánh nói với chúng ta rằng: “Đức Giê-hô-va ở gần những người có lòng đau-thương, và cứu kẻ nào có tâm-hồn thống-hối”. Ngài không xem thường “lòng đau-thương thống-hối”, nhưng Ngài hứa “làm tươi-tỉnh thần-linh của những kẻ khiêm-nhường, và làm tươi-tỉnh lòng người ăn-năn đau-đớn [“cõi lòng tan nát”, Tòa Tổng Giám Mục]”.—Thi-thiên 34:18; 51:17; Ê-sai 57:15.
Có lần Con của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su, cảm thấy cần lưu ý các môn đồ về sự thật là Đức Chúa Trời nhìn vào điểm tốt của các tôi tớ Ngài. Qua một minh họa, ngài nói Đức Chúa Trời để ý cả đến việc một con chim sẻ rơi xuống đất—điều mà phần đông người ta xem là chuyện nhỏ nhặt. Ngài cũng nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời biết cả những chi tiết nhỏ nhất về con người, thậm chí số tóc trên đầu họ. Kết thúc minh họa, ngài nói: “Vậy, đừng sợ chi hết, vì các ngươi quí-trọng hơn nhiều con chim sẻ”. (Ma-thi-ơ 10:29-31)a Chúa Giê-su cho thấy dù người ta tự đánh giá mình ra sao đi nữa, những người có đức tin quả thật có giá trị đối với Đức Chúa Trời. Thật thế, sứ đồ Phi-e-rơ nhắc nhở chúng ta: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”.—Công-vụ 10:34, 35.
Giữ sự thăng bằng
Lời Đức Chúa Trời khuyến giục chúng ta tập có cái nhìn thăng bằng về chính mình. Dưới sự soi dẫn, sứ đồ Phao-lô viết: “Nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường, y theo lượng đức-tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người”.—Rô-ma 12:3.
Chắc chắn chúng ta không muốn tự đánh giá mình quá cao đến độ trở nên kiêu ngạo; chúng ta cũng không muốn đi đến thái cực khác là xem mình không ra gì. Thay vì thế, mục tiêu của chúng ta là tập có cái nhìn thăng bằng về chính mình, nhận ra cả những ưu điểm và giới hạn của mình. Một nữ tín đồ Đấng Christ diễn đạt điều này như sau: “Tôi không phải hoàn toàn thánh thiện, cũng không phải hoàn toàn xấu xa. Như mọi người, tôi có khuyết điểm và cũng có ưu điểm”.
Dĩ nhiên, có được quan điểm thăng bằng như thế là điều dễ nói hơn làm. Có thể phải nỗ lực rất nhiều mới dứt bỏ được những suy nghĩ quá tiêu cực về bản thân đã đâm rễ từ nhiều năm qua. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta có thể thay đổi nhân cách và nhân sinh quan của mình. Thật thế, đây là điều Lời Đức Chúa Trời khuyến giục chúng ta làm: “Phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư-hỏng bởi tư-dục dỗ-dành, mà phải làm nên mới trong tâm-chí mình, và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật”.—Ê-phê-sô 4:22-24.
Bằng cách cố gắng thay đổi ‘tâm trí’, tức khuynh hướng mạnh mẽ của tâm trí, chúng ta có thể thay đổi nhân cách, từ người quá tiêu cực trở thành người tích cực. Chị Lena, được đề cập trong bài trước, đã nhận ra rằng nếu chị chưa từ bỏ được suy nghĩ là không ai có thể thương chị hay giúp đỡ chị, thì những mặc cảm của chị sẽ mãi còn đó. Những lời khuyên thiết thực nào trong Kinh Thánh đã giúp các chị Lena, chị Simone và những người khác thay đổi nhân cách như thế?
Những nguyên tắc Kinh Thánh làm tăng thêm niềm vui
“Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi”. (Thi-thiên 55:22) Muốn tìm thấy niềm vui thật, điều quan trọng nhất là cầu nguyện. Chị Simone nói: “Bất cứ khi nào cảm thấy chán nản, tôi đều tìm đến Đức Giê-hô-va và xin Ngài giúp đỡ. Bao giờ tôi cũng cảm thấy được Ngài hướng dẫn và thêm sức”. Khi khuyến khích chúng ta trao gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, người viết Thi-thiên thật ra muốn nhắc nhở chúng ta rằng Đức Giê-hô-va không chỉ quan tâm mà còn xem chúng ta là những người đáng được Ngài giúp đỡ và hỗ trợ. Vào đêm Lễ Vượt Qua năm 33 CN, môn đồ của Chúa Giê-su rất buồn rầu khi nghe ngài nói sắp lìa họ. Ngài khuyến giục họ cầu nguyện với Cha, rồi nói thêm: “Hãy cầu-xin đi, các ngươi sẽ được, hầu cho sự vui-mừng các ngươi được trọn-vẹn”.—Giăng 16:23, 24.
“Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh”. (Công-vụ 20:35) Như Chúa Giê-su dạy, ban cho là bí quyết để tìm được niềm vui thật trong cuộc sống. Áp dụng lẽ thật này của Kinh Thánh giúp chúng ta chú ý đến nhu cầu của người khác, thay vì đến những thiếu sót của mình. Khi giúp người khác và được họ bày tỏ lòng biết ơn, chúng ta cảm thấy mình nghĩ tốt về mình hơn. Chị Lena nhận thức ra rằng thường xuyên chia sẻ tin mừng Kinh Thánh với người lân cận giúp chị về hai phương diện. Chị nói: “Thứ nhất, công việc này đem lại cho tôi niềm vui và sự mãn nguyện như Chúa Giê-su nói. Thứ hai, tôi gặp được nhiều người tỏ ra thích thú với tin mừng, điều này cũng mang lại cho tôi niềm vui”. Khi tận tình giúp người khác, chúng ta sẽ trải nghiệm được sự thật nơi Châm-ngôn 11:25 (Tòa Tổng Giám Mục): “Chính kẻ cho uống lại được uống thỏa thuê”.
“Người buồn, ngày nào cũng xấu, người vui, tiệc tùng liên tiếp”. (Châm-ngôn 15:15, Trịnh Văn Căn). Việc xem mình và hoàn cảnh của mình như thế nào là tùy mỗi người chúng ta. Chúng ta có thể chọn nhìn mọi việc một cách tiêu cực để rồi cảm thấy đau khổ, hoặc nhìn một cách tích cực để cảm thấy “vui-mừng” như thể đang dự yến tiệc. Chị Simone nói: “Tôi cố gắng giữ quan điểm tích cực. Tôi luôn bận rộn trong thánh chức và việc học hỏi cá nhân, đồng thời kiên trì cầu nguyện. Tôi cũng cố gắng làm bạn với những người có quan điểm tích cực và sẵn sàng giúp đỡ người khác”. Một thái độ như thế sẽ mang lại niềm vui thật, như Kinh Thánh khuyến giục: “Hỡi người công-bình, hãy vui-vẻ và hớn-hở nơi Đức Giê-hô-va! Ớ các người có lòng ngay-thẳng, hãy reo-mừng!”—Thi-thiên 32:11.
“Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”. (Châm-ngôn 17:17) Tâm sự với một người thân yêu hoặc một người đáng tin cậy có thể giúp chúng ta đương đầu với cảm xúc tiêu cực và gạt nó đi trước khi nó lấn át tâm trí chúng ta. Nói chuyện với người khác có thể giúp chúng ta có cái nhìn thăng bằng và tích cực. Chị Simone công nhận: “Nói ra được cảm xúc của mình giúp tôi rất nhiều. Bạn cần nói ra cảm xúc của mình với một người nào đó. Thường chỉ cần làm thế là đủ”. Khi làm thế, bạn sẽ cảm nghiệm được sự thật của câu châm ngôn: “Sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ”.—Châm-ngôn 12:25.
Bạn có thể làm gì?
Trên đây chỉ mới là một vài điều trong nhiều nguyên tắc tuyệt diệu và thiết thực của Kinh Thánh có thể giúp chúng ta khắc phục những cảm xúc tiêu cực và tìm thấy niềm vui thật. Nếu bạn là người đang phải vật lộn với mặc cảm tự ti, chúng tôi mời bạn hãy xem xét kỹ hơn Lời Đức Chúa Trời là Kinh Thánh. Hãy phát huy những cảm xúc lành mạnh và thực tế về bản thân và mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Chúng tôi thành thật mong rằng với sự hướng dẫn của Lời Đức Chúa Trời, bạn sẽ tìm được niềm vui thật trong mọi việc.
[Chú thích]
a Đoạn Kinh Thánh này được thảo luận chi tiết nơi trang 22 và 23.
[Hình nơi trang 7]
Sống theo nguyên tắc Kinh Thánh làm tăng thêm niềm vui