Hãy cho thấy rõ sự tiến bộ của bạn
“Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con”.—1 TI-MÔ-THÊ 4:15.
1. Làm thế nào bạn biết một trái cây chín và ăn được?
HÃY tưởng tượng trong trí hình ảnh trái cây bạn ưa thích nhất: đào, lê, xoài hoặc quả khác. Bạn có biết khi nào trái ấy chín và ăn được không? Chắc chắn là có. Mùi thơm, màu sắc và cảm giác khi sờ vào quả, tất cả điều ấy làm cho ta biết mình sắp được ăn ngon miệng. Bỏ một miếng vào miệng, bạn có thể sẽ xuýt xoa: Sao mà ngon thế! Cảm giác ấy mang lại cho bạn sự vui thú.
2. Làm sao thấy rõ sự thành thục của một người, và điều ấy gây ảnh hưởng gì trên mối quan hệ cá nhân?
2 Kinh nghiệm đơn giản nhưng thú vị này tương ứng với những khía cạnh khác của đời sống. Thí dụ, như một trái cây chín mọng, sự chín chắn về thiêng liêng của một người cũng thể hiện qua nhiều cách. Sự thành thục của họ được thấy rõ qua các đặc điểm sâu sắc, thông sáng, khôn ngoan v.v... (Gióp 32:7-9) Quả là thú vị khi giao tiếp và cùng làm việc với người thể hiện những đức tính ấy qua thái độ và hành động.—Châm-ngôn 13:20.
3. Lời miêu tả của Chúa Giê-su về những người đồng thời cho thấy gì về sự thành thục?
3 Mặt khác, một người có thể trưởng thành về thể chất, nhưng sự non nớt về cảm xúc và thiêng liêng của họ lại thể hiện rõ qua cách hành động và nói năng. Thí dụ, nói về dòng dõi ương ngạnh vào thời mình, Chúa Giê-su Christ phán: “Giăng đã đến, không ăn, không uống, người ta nói rằng: Giăng bị quỉ ám. Con người đến, hay ăn hay uống, thì họ nói rằng: Kìa, là người ham ăn mê uống”. Dù những người này đã trưởng thành về thể chất, nhưng Chúa Giê-su phán rằng họ vẫn hành động giống như “con trẻ”—thiếu sự thành thục. Vì vậy, Ngài thêm: “Song le, sự khôn-ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy”.—Ma-thi-ơ 11:16-19.
4. Sự tiến bộ và sự thành thục được thấy rõ qua những cách nào?
4 Qua những lời của Chúa Giê-su, chúng ta có thể nhận biết một người có sự khôn ngoan thật hay không—dấu tiêu biểu cho sự thành thục—là do việc làm và kết quả thu lượm được. Phù hợp với điều này, hãy xem xét lời sứ đồ Phao-lô khuyên Ti-mô-thê. Sau khi liệt kê những việc Ti-mô-thê cần theo đuổi, Phao-lô nói: “Hãy săn-sóc chuyên-lo những việc đó, hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới của con”. (1 Ti-mô-thê 4:15) Thật vậy, một tín đồ Đấng Christ tiến đến sự thành thục được mọi người “thấy” rõ, biết rõ. Sự thành thục của người tín đồ Đấng Christ giống như ánh sáng rực rỡ, không phải là một đức tính tiềm ẩn hay được giấu kín. (Ma-thi-ơ 5:14-16) Thế nên chúng ta sẽ xem xét hai phương pháp chính giúp thấy rõ sự tiến bộ và sự thành thục: (1) phát triển tri thức, sự hiểu biết, và sự khôn ngoan; (2) thể hiện bông trái của thánh linh.
Hiệp một trong đức tin và sự hiểu biết
5. Sự thành thục có thể được định nghĩa như thế nào?
5 Hầu hết các tự điển đều miêu tả sự thành thục là một trạng thái phát triển hoàn toàn, đầy đủ về mọi mặt, và đạt đến mức hoàn chỉnh. Một trái cây, như đã đề cập ở trên, chín muồi khi hoàn tất chu kỳ phát triển tự nhiên và hình dáng bên ngoài, màu sắc, mùi thơm, hương vị của trái đạt đến mức ăn ngon. Thế nên, thành thục đồng nghĩa với xuất sắc, toàn vẹn, thậm chí hoàn hảo.—Ê-sai 18:5; Ma-thi-ơ 5:45-48; Gia-cơ 1:4.
6, 7. (a) Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va nhiệt tình quan tâm đến việc tất cả những người thờ phượng Ngài tiến tới sự thành thục về thiêng liêng? (b) Sự thành thục về thiêng liêng liên hệ mật thiết với điều gì?
6 Giê-hô-va Đức Chúa Trời nhiệt tình quan tâm đến việc tất cả những người thờ phượng Ngài tiến tới sự thành thục về thiêng liêng. Nhằm mục đích ấy, Ngài đã ban những sắp đặt tuyệt diệu trong hội thánh Đấng Christ. Sứ đồ Phao-lô viết cho những tín đồ Đấng Christ ở thành Ê-phê-sô: “Ngài đã cho người nầy làm sứ-đồ, kẻ kia làm tiên-tri, người khác làm thầy giảng Tin-lành, kẻ khác nữa làm mục-sư và giáo-sư, để các thánh-đồ được trọn-vẹn về công-việc của chức-dịch và sự gây-dựng thân-thể Đấng Christ, cho đến chừng chúng ta thảy đều hiệp một trong đức-tin và trong sự hiểu-biết Con Đức Chúa Trời, mà nên bậc thành-nhân, được tầm-thước vóc-giạc trọn-vẹn của Đấng Christ. Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa-đảo, bị mưu-chước dỗ-dành làm cho lầm-lạc, mà day-động và dời-đổi theo chiều gió của đạo lạc”.—Ê-phê-sô 4:11-14.
7 Trong những câu này, Phao-lô giải thích Đức Chúa Trời ban những sự sắp đặt thiêng liêng dồi dào cho hội thánh là vì mọi người cần ‘hiệp một trong đức-tin và sự hiểu-biết’, trở nên người “thành-nhân”, và có ‘tầm-thước vóc-giạc của Đấng Christ’. Chỉ khi nào làm được như vậy chúng ta mới an toàn, khỏi bị những học thuyết và dạy dỗ sai lầm làm thay đổi như con trẻ về thiêng liêng. Vì vậy chúng ta thấy có mối liên hệ mật thiết giữa việc tiến tới sự thành thục của tín đồ Đấng Christ và việc đạt được sự “hiệp một trong đức-tin và trong sự hiểu-biết Con Đức Chúa Trời”. Chúng ta nên ghi khắc vào lòng một số điểm được nêu lên trong lời khuyên của Phao-lô.
8. “Hiệp một” trong đức tin và trong sự hiểu biết đòi hỏi điều gì?
8 Thứ nhất, vì phải “hiệp một” nên người tín đồ Đấng Christ thành thục phải hợp nhất với anh em về những điều liên quan đến đức tin và sự hiểu biết. Người đó không bênh vực hay khăng khăng bảo thủ ý kiến cá nhân hoặc ấp ủ ý tưởng riêng về phương diện hiểu biết Kinh Thánh. Đúng hơn, người đó hoàn toàn tin cậy lẽ thật Đức Giê-hô-va tiết lộ qua Con của Ngài, Chúa Giê-su Christ, và lớp “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”. Đều đặn nhận thức ăn thiêng liêng được cung cấp “đúng giờ” qua những ấn phẩm, các buổi họp, hội nghị và đại hội, chắc chắn giúp chúng ta duy trì sự “hiệp một” với những anh em tín đồ Đấng Christ trong đức tin và sự hiểu biết.—Ma-thi-ơ 24:45.
9. Hãy giải nghĩa từ ngữ “đức-tin” sứ đồ Phao-lô dùng trong lá thư gửi cho những người ở thành Ê-phê-sô.
9 Thứ nhì, từ ngữ “đức-tin” không nói đến niềm tin mà từng cá nhân tín đồ Đấng Christ biểu lộ, nhưng ám chỉ niềm tin chung của tất cả chúng ta, việc “hiểu thấu bề rộng, bề dài, bề cao, bề sâu” của đức tin. (Ê-phê-sô 3:18; 4:5; Cô-lô-se 1:23; 2:7) Trên thực tế, làm sao một tín đồ Đấng Christ hiệp một với anh em cùng đức tin được nếu như người ấy chỉ tin hoặc chấp nhận một phần “đức-tin” mà thôi? Điều này có nghĩa là chúng ta không nên thỏa mãn với sự hiểu biết về những dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh hoặc chỉ hiểu biết lờ mờ hay một phần của lẽ thật. Thay vì thế, chúng ta nên chú ý tận dụng tất cả những sắp đặt của Đức Giê-hô-va qua tổ chức của Ngài để hiểu thấu đáo Lời Ngài. Chúng ta phải nỗ lực để có thể đạt tới sự hiểu biết chính xác và đầy đủ về ý muốn và ý định của Đức Chúa Trời. Điều này bao gồm việc đọc và học hỏi Kinh Thánh cùng các ấn phẩm Kinh Thánh, cầu nguyện xin Đức Chúa Trời giúp đỡ và ban sự hướng dẫn, tham dự đều đặn các buổi họp, thực hiện đầy đủ công việc rao giảng về Nước Trời và đào tạo môn đồ.—Châm-ngôn 2:1-5.
10. Nhóm từ “cho đến chừng chúng ta thảy đều” nơi Ê-phê-sô 4:13 có ý nghĩa gì?
10 Thứ ba, Phao-lô mở đầu việc diễn tả mục tiêu gồm ba phần với nhóm từ “cho đến chừng chúng ta thảy đều”. Về cụm từ “chúng ta thảy”, một sách hướng dẫn Kinh Thánh định nghĩa “không phải chúng ta, với tư cách riêng lẻ, nhưng hết thảy chúng ta cùng một lúc”. Nói cách khác, mỗi người trong chúng ta nên cùng với toàn thể hiệp hội anh em gắng sức theo đuổi mục tiêu tiến tới sự thành thục của người tín đồ Đấng Christ. Cuốn The Interpreter’s Bible nhận xét: “Một cá nhân đơn độc không thể đạt đến mức thành thục trọn vẹn về thiêng liêng, cũng như một bộ phận của cơ thể không thể phát triển hoàn toàn trừ phi toàn bộ cơ thể tiếp tục phát triển lành mạnh”. Phao-lô nhắc nhở tín đồ Đấng Christ ở thành Ê-phê-sô là họ nên hiệp “cùng các thánh-đồ” phấn đấu để cảm nghiệm trọn vẹn tác động của đức tin.—Ê-phê-sô 3:18a.
11. (a) Tiến bộ về thiêng liêng không có nghĩa gì? (b) Chúng ta cần phải làm gì để tiến bộ?
11 Lời của Phao-lô cho thấy rõ sự tiến bộ về thiêng liêng không có nghĩa là chỉ thu thập thật nhiều kiến thức theo kiểu nhồi sọ. Người tín đồ Đấng Christ thành thục không phải là người hay khoe tài trí để lòe thiên hạ. Đúng hơn, Kinh Thánh nói: “Con đường người công-bình giống như sự sáng chiếu rạng, càng sáng thêm lên cho đến giữa trưa”. (Châm-ngôn 4:18) Thật thế, đó là “con đường”, chứ không phải cá nhân “càng sáng thêm lên”. Chúng ta sẽ tiến bộ về thiêng liêng nếu liên tục nỗ lực để theo kịp sự hiểu biết ngày càng chói rạng về Lời Đức Chúa. Trong trường hợp này, theo kịp nghĩa là tiến lên, và đó là điều tất cả chúng ta đều có thể làm.—Thi-thiên 97:11; 119:105.
Thể hiện “trái của Thánh-Linh”
12. Tại sao thể hiện bông trái của thánh linh là điều quan trọng trong việc chúng ta tìm cách tiến bộ về thiêng liêng?
12 Tuy việc đạt được sự “hiệp một trong đức-tin và trong sự hiểu-biết” là quan trọng, nhưng sự thể hiện bông trái thánh linh của Đức Chúa Trời trong mọi khía cạnh của đời sống chúng ta cũng quan trọng không kém. Tại sao? Vì như chúng ta đã thấy, sự thành thục không tiềm ẩn hay được giấu kín, nhưng phải thể hiện rõ ràng qua những đặc tính đem lại lợi ích và xây dựng cho người khác. Dĩ nhiên, tìm cách tiến bộ về thiêng liêng không đơn giản là nỗ lực để ra vẻ trí thức hoặc ta đây. Thay vì thế, khi lớn mạnh về thiêng liêng theo hướng dẫn của thánh linh Đức Chúa Trời, thái độ và hành động của chúng ta sẽ thay đổi một cách tuyệt vời. Sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy bước đi theo Thánh-Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa-muốn của xác-thịt”.—Ga-la-ti 5:16.
13. Sự thay đổi nào là dấu hiệu rõ ràng của sự tiến bộ?
13 Tiếp đến, Phao-lô liệt kê “các việc làm của xác-thịt”, nhiều vô số và “rõ-ràng”. Trước khi một người hiểu được giá trị những đòi hỏi của Đức Chúa Trời, cuộc sống của họ rập khuôn theo đường lối thế gian và có thể đầy dẫy những điều mà Phao-lô nói đến: “Gian-dâm, ô-uế, luông-tuồng, thờ hình-tượng, phù-phép, thù-oán, tranh-đấu, ghen-ghét, buồn-giận, cãi-lẫy, bất-bình, bè-đảng, ganh-gổ, say-sưa, mê ăn-uống cùng các sự khác giống như vậy”. (Ga-la-ti 5:19-21) Nhưng khi tiến bộ về thiêng liêng, dần dần người ấy thắng được những “việc làm của xác-thịt” đáng ghét và dành chỗ cho bông “trái của Thánh-Linh”. Sự thay đổi bên ngoài dễ nhận thấy này là dấu hiệu rõ ràng cho thấy người đó đang tiến bộ trở nên một tín đồ Đấng Christ thành thục.—Ga-la-ti 5:22.
14. Hãy giải nghĩa hai cụm từ “việc làm của xác-thịt” và “trái của Thánh-Linh”.
14 Chúng ta nên chú ý đến hai cụm từ “việc làm của xác-thịt” và “trái của Thánh-Linh”. “Việc làm” là kết quả do công sức tạo ra, thành quả của một hành động. Nói cách khác, những điều mà Phao-lô liệt kê như việc làm của xác thịt là hệ quả của hành động có ý thức hoặc do ảnh hưởng xác thịt bất toàn của con người. (Rô-ma 1:24, 28; 7:21-25) Trái lại, cụm từ “trái của Thánh-Linh” ngụ ý rằng những đức tính được liệt kê không phải là những kết quả của nỗ lực phát huy cá tính hoặc trau dồi nhân cách, nhưng là kết quả tác động của thánh linh Đức Chúa Trời trên một người. Giống như cây sinh bông trái khi được chăm sóc đúng mức, cuộc sống của một người được thánh linh tác động sẽ giúp họ nảy sinh trái của thánh linh.—Thi-thiên 1:1-3.
15. Tại sao việc chú ý đến tất cả những khía cạnh “trái của Thánh-Linh” là điều quan trọng?
15 Một điểm khác cần xem xét là cách Phao-lô dùng từ “trái” bao gồm tất cả những đức tính đáng yêu chuộng mà ông đã đề cập. Thánh linh không sinh nhiều loại trái khác nhau để chúng ta lựa chọn theo sở thích riêng. Tất cả những đức tính Phao-lô liệt kê—lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ—đều quan trọng như nhau, và cùng nhau hợp thành nhân cách mới của người tín đồ Đấng Christ. (Ê-phê-sô 4:24; Cô-lô-se 3:10) Thế nên, dù trong cuộc sống chúng ta thấy một số đức tính được thể hiện rõ ràng hơn nhờ vào nhân cách vốn có và khuynh hướng riêng, nhưng điều quan trọng là chúng ta vẫn phải chú tâm đến tất cả những khía cạnh mà Phao-lô đề cập. Bằng cách này, nhân cách Đấng Christ sẽ được chúng ta phản ánh đầy đủ hơn trong cuộc sống.—1 Phi-e-rơ 2:12, 21.
16. Mục tiêu trong việc chúng ta theo đuổi sự thành thục của người tín đồ Đấng Christ là gì, và làm thế nào để đạt kết quả?
16 Từ lời bàn luận của Phao-lô chúng ta có thể rút ra bài học quan trọng là khi theo đuổi sự thành thục của người tín đồ Đấng Christ, chúng ta không nhắm vào việc phải tiếp nhận thật nhiều tri thức và hiểu biết, hoặc vun trồng phong cách người trí thức. Mục tiêu là để thánh linh Đức Chúa Trời tác động đến cuộc sống chúng ta. Càng để thánh linh Đức Chúa Trời hướng dẫn tư tưởng và hành động bao nhiêu, chúng ta càng trở nên thành thục về thiêng liêng bấy nhiêu. Làm thế nào đạt được mục tiêu này? Chúng ta phải sẵn sàng để thánh linh Đức Chúa Trời tác động đến lòng và trí. Điều này bao gồm việc đều đặn tham dự và bình luận trong các buổi họp của hội thánh. Chúng ta cũng phải đều đặn học và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời, để những nguyên tắc của Ngài hướng dẫn chúng ta cách cư xử với người khác, cách chọn lựa và quyết định. Đương nhiên nhờ thế chúng ta sẽ tiến bộ rõ rệt.
Tiến bộ để ngợi khen Đức Chúa Trời
17. Sự tiến bộ liên quan thế nào đến việc ngợi khen Cha chúng ta ở trên trời?
17 Cuối cùng, việc cho mọi người thấy rõ sự tiến bộ của chúng ta làm sáng danh và tôn vinh, không phải chúng ta, nhưng Cha chúng ta ở trên trời, Đức Giê-hô-va, Đấng khiến chúng ta có thể đạt đến sự thành thục về thiêng liêng. Vào đêm trước khi bị giết, Chúa Giê-su đã phán cùng các môn đồ: “Nầy, Cha ta sẽ được sáng danh là thể nào: ấy là các ngươi được kết nhiều quả, thì sẽ làm môn-đồ của ta vậy”. (Giăng 15:8) Nhờ trái của thánh linh và nhờ kết quả thánh chức rao giảng về Nước Trời, các môn đồ ngợi khen Đức Giê-hô-va.—Công-vụ 11:4, 18; 13:48.
18. (a) Mùa gặt vui mừng nào đang diễn ra ngày nay? (b) Mùa gặt này đưa ra thách thức gì?
18 Ngày nay Đức Giê-hô-va ban phước cho dân của Ngài khi họ tham gia vào mùa gặt thiêng liêng toàn cầu. Trong những năm gần đây, mỗi năm khoảng 300.000 người mới dâng mình cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng sự dâng mình qua báp têm trong nước. Chúng ta vui mừng về điều này và hiển nhiên Đức Giê-hô-va cũng vui lòng. (Châm-ngôn 27:11) Tuy nhiên, để điều này luôn đem lại niềm vui và lời ngợi khen Đức Giê-hô-va, tất cả những người mới cần “tiếp tục bước đi trong sự hợp nhất với [Đấng Christ],... đâm rễ và xây dựng trong ngài và được vững vàng trong đức tin”. (Cô-lô-se 2:6, 7, NW) Điều này đưa ra một thách thức gồm hai khía cạnh cho dân Đức Chúa Trời. Một mặt, nếu mới báp têm, liệu bạn có chấp nhận đương đầu với thách thức “hầu cho thiên-hạ thấy sự tấn-tới” của bạn không? Mặt khác, nếu đã ở trong lẽ thật một thời gian, bạn có chấp nhận thách thức gánh vác trách nhiệm chăm sóc lợi ích thiêng liêng cho những người mới không? Trong bất cứ trường hợp nào, tiến đến sự thành thục rõ ràng là điều cần thiết.—Phi-líp 3:16; Hê-bơ-rơ 6:1.
19. Bạn có thể nhận được đặc ân và những ân phước nào khi thể hiện rõ sự tiến bộ của mình?
19 Những ân phước tuyệt diệu đang chờ đón tất cả những ai nỗ lực cho mọi người thấy rõ sự tiến bộ của mình. Hãy nhớ lại lời khích lệ của Phao-lô sau khi ông khuyên Ti-mô-thê tiến bộ: “Hãy giữ chính mình con và sự dạy-dỗ của con. Phải bền-đỗ trong mọi sự đó, vì làm như vậy thì con và kẻ nghe con sẽ được cứu”. (1 Ti-mô-thê 4:16) Bạn cũng góp phần vào đặc ân ca ngợi danh Đức Chúa Trời và vui hưởng những ân phước Ngài ban khi siêng năng cho mọi người thấy rõ sự tiến bộ của bạn.
Bạn còn nhớ không?
• Sự thành thục về thiêng liêng được thấy rõ qua những cách nào?
• Loại tri thức và sự hiểu biết nào phản ánh sự thành thục?
• Việc thể hiện “trái của Thánh-Linh” cho thấy chúng ta tiến bộ về thiêng liêng như thế nào?
• Chúng ta nên chấp nhận thách thức nào khi quyết tâm tiến tới sự thành thục?
[Hình nơi trang 13]
Sự chín muồi có thể nhận thấy rõ
[Hình nơi trang 15]
Chúng ta tiến bộ về thiêng liêng bằng cách theo kịp lẽ thật được tiết lộ
[Hình nơi trang 17]
Việc cầu nguyện giúp chúng ta biểu lộ “trái của Thánh-Linh”