Bày tỏ sự yêu thương và kính trọng với tư cách làm chồng
“Mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình” (Ê-PHÊ-SÔ 5:33).
1, 2. a) Nạn ly dị trầm trọng đến mức nào trên thế giới ngày nay? b) Ngược lại có hoàn cảnh nào khác vẫn còn tồn tại?
BÁO ‹‹Tâm lý học ngày nay›› (Psychology Today) giữa thập niên 1980 có đăng: “Mỗi năm trên một triệu cặp vợ chồng [tại Hoa-kỳ] đi đến ly dị; trung bình mỗi cuộc hôn nhân tại Hoa-kỳ chỉ kéo dài được khoảng 9,4 năm... Thật ra dường như có thể nói ít người nào có hôn nhân mà được hạnh phúc” (số ra tháng 6 năm 1985). Xét đến con số người lớn lẫn trẻ con liên hệ thì có thể lên đến ít nhất 3.000.000 người bị ảnh hưởng bởi sự tan vỡ của hôn nhân chỉ trong một xứ thôi. Thế mà việc ly dị là một nạn xảy ra khắp thế giới, cho thấy sự yêu thương và kính trọng rất thiếu trong hằng triệu hôn nhân.
2 Mặt khác, có “một nhóm khác nhỏ hơn mà người ta ít để ý đến: những cặp vợ chồng tiếp tục sống chung với nhau, nhất định không rời bỏ nhau trừ phi bị chết” (Báo Psychology Today). Như vậy, vẫn còn hằng triệu cặp vợ chồng cố gắng ra công gìn giữ hôn nhân của họ.
3. Chúng ta có thể tự đặt những câu hỏi nào?
3 Tình trạng hôn nhân bạn như thế nào? Vợ chồng có sự yêu thương đầm ấm và quý trọng nhau không? Cha mẹ, con cái có yêu thương nhau như thế trong gia đình bạn không? Hoặc giả đôi khi bạn cảm thấy tức giận và nghi ngờ? Vì lẽ không ai trong chúng ta là hoàn toàn, gia đình nào cũng có lúc có thể gặp vấn đề khó khăn, ngay đến các gia đình mà tất cả đều cố gắng sống theo đạo đấng Christ, vì “mọi người đều đã phạm tội, thiếu mất sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời” (Rô-ma 3:23).
4. Làm thế nào Phao-lô và Phi-e-rơ đã cho biết ai có vai trò then chốt khiến cho gia đình hạnh phúc?
4 Với sự kiện là gia đình nào cũng có thể gặp vấn đề khó khăn thì ai có vai trò then chốt để gìn giữ sự bình an, hòa hợp trong gia đình? Trong các lá thư của họ sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ cho câu trả lời bằng cách trực tiếp khuyên nhủ. Phao-lô viết: “Tôi muốn anh em biết đấng Christ là đầu mọi người; người đờn-ông là đầu người đờn-bà; và Đức Chúa Trời là đầu của đấng Christ”. Ông còn nói thêm: “Hãy kính-sợ đấng Christ mà vâng-phục nhau. Hỡi kẻ làm vợ, phải vâng-phục chồng mình như vâng-phục Chúa, vì chồng là đầu vợ, khác nào đấng Christ là đầu Hội-thánh” (I Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:21-23). Cùng trong ý tưởng đó, Phi-e-rơ viết: “Hỡi người làm vợ, hãy phục chồng mình” (I Phi-e-rơ 2:21 đến 3:1).
Đấng Christ—một gương xán lạn (sáng lạng)
5, 6. Giê-su là một gương tốt thế nào trong vấn đề thực hành vai trò lãnh đạo?
5 Theo quan điểm Kinh-thánh như trong lời khuyên vừa kể trên thì người chồng là đầu của gia đình. Nhưng làm đầu với ý nghĩa gì? Vai trò lãnh đạo trong gia đình nên thực hành thế nào? Có những người chồng dễ đòi hỏi sự kính trọng bằng cách nhấn mạnh mình ‹‹là đầu của gia đình, chính Kinh-thánh nói vậy››. Nhưng điều này có thể so sánh thế nào với gương tốt của đấng Christ? Đấng Christ có lên mặt đòi hỏi các môn đồ phải kính trọng ngài không? Có lần nào chúng ta đọc thấy ngài tự kiêu nói: “Nội đây ai là Con của Đức Chúa Trời vậy? Các ngươi phải kính trọng ta chứ!” hay không? Không, ngược lại, Giê-su đã tỏ ra ngài đáng được kính trọng. Thế nào? Qua gương tốt của ngài trong hạnh kiểm, lời nói, và lối cư xử nhân từ đối với người khác (Mác 6:30-34).
6 Vậy thì người chồng và người cha muốn thực hành cho đúng vai lãnh đạo trong gia đình mình thì phải theo gương tốt của Giê-su Christ. Mặc dầu Giê-su không bao giờ lấy vợ, lối ngài đối xử với các môn đồ là gương mẫu cho những người làm chồng. Điều này chắc chắn là một thách đố cho bất cứ ai làm chồng, vì lẽ đấng Christ là một gương mẫu hoàn toàn (Hê-bơ-rơ 4:15; 12:1-3). Tuy vậy, càng theo sát gương mẫu của ngài thì người chồng càng có thể được gia đình yêu thương và kính trọng hơn. Thế thì chúng ta nên xem xét kỹ hơn về lối cư xử của Giê-su để xem ngài là hạng người như thế nào (Ê-phê-sô 5:25-29; I Phi-e-rơ 2:21, 22).
7. Giê-su có hứa gì cho các môn đồ ngài, và điều đó đến từ nguồn gốc nào?
7 Có lần Giê-su nói với đám đông: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng”. Vậy thì, Giê-su đã hứa ban cho người nghe điều gì? Sự yên nghỉ (thoải mái) về tinh thần (thiêng liêng)! Nhưng sự yên nghỉ (thoải mái) sẽ đến từ đâu? Ngài mới nói trước đó: “Ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha”. Điều này chứng tỏ Giê-su sẽ ban sự yên nghỉ thiêng liêng bằng cách dạy dỗ các môn đồ thật về Cha ngài. Nhưng các lời nhận xét của Giê-su cũng ngụ ý những ai kết hợp với ngài thì sẽ được sự yên nghỉ (thoải mái) về tinh thần (thiêng liêng) vì ngài “có lòng nhu-mì, khiêm-nhường” (Ma-thi-ơ 11:25-30).
Ban sự yên nghỉ với tư cách người chồng và cha trong gia đình
8. Người làm chồng và cha có thể ban sự yên nghỉ (thoải mái) cho gia đình bằng những cách nào?
8 Các lời của Giê-su giúp chúng ta thấy rằng một người tín đồ đấng Christ làm chồng phải có thể ban sự yên nghỉ (thoải mái) cho gia đình cả về phương diện tinh thần (thiêng liêng) và cá nhân. Bằng cách làm gương tốt về sự nhu mì và dạy dỗ, người có thể giúp gia đình hiểu biết nhiều hơn về Đức Chúa Trời. Hạnh kiểm của người nên phản ảnh tâm tình và các hành động của Con Đức Chúa Trời (Giăng 15:8-10; I Cô-rinh-tô 2:16). Thật là sự yên nghỉ (thoải mái) cho tất cả mọi người trong gia đình khi kết hợp (sống chung và giao thiệp) với một người như thế vì là người thật đáng yêu với tư cách làm chồng, làm cha và làm bạn. Mọi người trong gia đình phải dễ đến gần người để nói chuyện và người không bao giờ quá bận để lắng nghe. Thật vậy, người phải biết lắng nghe, chứ không chỉ nghe mà thôi (Gia-cơ 1:19).
9. Có vấn đề nào đôi khi ảnh hưởng tới các trưởng lão trong hội-thánh?
9 Điều này gợi đến một vấn đề đôi khi ảnh hưởng tới các trưởng lão và gia đình họ. Các trưởng lão thường bận rộn chăm sóc cho các nhu cầu thiêng liêng của hội-thánh. Họ cần làm gương tốt về việc nhóm họp, làm thánh chức rao giảng và việc chăn chiên (Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Tuy nhiên, có nhiều trưởng lão làm quá sức cho hội-thánh, đâm ra xao lãng về gia đình, điều này đôi khi dẫn đến hậu quả tai hại. Có trường hợp một trưởng lão quá bận nên không dạy Kinh-thánh cho chính con trai mình được, phải nhờ người khác dạy thế!
10. Các trưởng lão cần có sự thăng bằng thế nào trong việc dìu dắt hội-thánh và gia đình?
10 Điều này nhấn mạnh gì? Sự cần thiết giữ thăng bằng giữa bổn phận đối với hội-thánh và bổn phận đối với vợ con. Ví dụ, sau nhóm họp các trưởng lão thường bận bàn nhiều vấn đề. Nếu có thể được và nếu thuận tiện, nên sắp đặt nhờ ai đưa vợ con mình về nhà trước, thay vì bắt vợ con ngồi chờ hằng giờ trong Phòng Nước Trời. Phải chăng điều này giúp vợ con được yên nghỉ (thoải mái) hơn? Theo các điều đòi hỏi trong Kinh-thánh, có thể nói rằng “việc chăn chiên bắt đầu ngay tại nhà”. Nếu một trưởng lão xao lãng gia đình mình thì có thể bị mất sự bổ nhiệm. Bởi thế, các trưởng lão hãy đắn đo và nhớ đến các nhu cầu tình cảm, tinh thần (thiêng liêng) và các nhu cầu khác nữa của gia đình mình (I Ti-mô-thê 3:4, 5; Tít 1:5, 6).
11, 12. Người tín đồ đấng Christ làm chồng được sự ủng hộ của gia đình như thế nào và mỗi người chồng cần tự đặt những câu hỏi gì?
11 Một người tín đồ đấng Christ làm chồng ban sự yên nghỉ (thoải mái) bằng cách tránh cư xử độc tài, làm quyết định mà không cần hỏi ý ai trong gia đình. Có lẽ cần quyết định về những điều như thay đổi công ăn việc làm hoặc dọn nhà hay giản dị như việc giải trí cho gia đình. Bởi lẽ mọi người trong gia đình đều liên hệ đến vấn đề, phải chăng là khôn ngoan và nhân từ hơn nên hỏi ý tất cả? Các ý kiến của mọi người có thể giúp người làm chồng và cha đi đến một quyết định khôn ngoan và thận trọng hơn. Và điều này khiến mọi người trong gia đình sẽ dễ dàng ủng hộ người hơn. (So sánh Châm-ngôn 15:22).
12 Những điều nói trên cho thấy rõ rằng một người tín đồ đấng Christ làm chồng và cha không chỉ có vai trò dạy dỗ, sửa trị cho gia đình. Người cũng phải ban sự yên nghỉ (thoải mái) cho gia đình. Hỡi người làm chồng và cha, bạn có giống như đấng Christ không? Bạn có ban sự yên nghỉ (thoải mái) cho gia đình không? (Ê-phê-sô 6:4; Cô-lô-se 3:21).
Khôn ngoan trong sự ăn ở với vợ
13. Phi-e-rơ cho lời khuyên tốt nào cho các người làm chồng?
13 Như đã nói trên, cả Phi-e-rơ và Phao-lô đều cho lời khuyên tốt cho các cặp vợ chồng. Phi-e-rơ là người có vợ nên có lợi thế hơn trong lời khuyên của ông: kinh nghiệm và sự dẫn dắt của thánh linh (Ma-thi-ơ 8:14). Ông có lời khuyên rõ này cho những người làm chồng: “Hỡi người làm chồng, hãy tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ mình, như là với giống yếu-đuối”. Bản dịch dài dòng (paraphrased translation) của J. W. C. Wand viết: “Cũng như thể ấy thì những người làm chồng phải áp dụng cách thông minh các nguyên tắc của đạo đấng Christ trong sự liên lạc với vợ” (I Phi-e-rơ 3:7).
14. Cần đặt ra những câu hỏi nào?
14 Vậy thì, “tỏ điều khôn-ngoan ra” hoặc “áp dụng cách thông minh các nguyên tắc của đạo đấng Christ” trong sự ăn ở với vợ có nghĩa gì? Người chồng có thể xem trọng vợ như thế nào? Thật vậy, một người tín đồ đấng Christ làm chồng nên hiểu lời khuyên của Phi-e-rơ như thế nào?
15. a) Tại sao một số hôn nhân đi đến chỗ tan vỡ? b) Sự thách đố thật sự trong một hôn nhân là gì?
15 Nhiều cuộc hôn nhân chỉ căn cứ trên các yếu tố vật chất và sự hấp dẫn thể xác. Nhưng một hôn nhân bền lâu không thể chỉ nhờ vào vẻ tốt tươi bề ngoài, vì sắc đẹp mau tàn phai. Ai đã sống lâu cũng không khỏi bị tóc bạc và da nhăn. Nhưng nên nhớ rằng hôn nhân là sự kết hợp giữa hai tâm trí, hai nhân cách, hai người với vốn liếng khác nhau về học vấn và giá trị thiêng liêng, và hai lối nói chuyện. Thật cả một sự thách đố không nhỏ! Thế nhưng hiểu rõ được điều này là rất quan trọng để có được một hôn nhân hạnh phúc (Châm-ngôn 17:1; 21:9).
16. “Tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ” có liên hệ đến gì?
16 Muốn “tỏ điều khôn-ngoan ra” trong sự ăn ở với vợ thì người tín đồ đấng Christ làm chồng cần nhất là phải hiểu rõ các nhu cầu của người vợ. Không chỉ những nhu cầu thể chất mà thôi, nhưng quan trọng hơn nữa, về mặt tình cảm, tâm lý và tinh thần (thiêng liêng). Nếu “tỏ điều khôn-ngoan ra” người chồng sẽ hiểu vai trò của mình mà Đức Chúa Trời giao phó. Điều này cũng có nghĩa người kính trọng phẩm giá của vợ. Như thế, khác hẳn với quan điểm của những người theo phái trực quan (Gnostics, biết Đức Chúa Trời cách trực tiếp) thời Phi-e-rơ, cho rằng “đàn bà bị khinh miệt là vật thấp kém, nhục dục và bẩn thỉu” (The Anchor Bible). Một bản dịch tân thời tiếng Tây Ban Nha ghi lại những lời của Phi-e-rơ như sau: “Về phần các người chồng: hãy tế nhị trong đời sống chung, tỏ ra quan tâm đến vợ, vì thể chất của nàng mỏng manh hơn” (Nueva Biblia Española). Đây là một điểm tế nhị mà nhiều người chồng thỉnh thoảng quên đi.
17. a) Trong các yếu tố khác nhau, có yếu tố nào được gồm trong việc người vợ có ‹‹thể chất mỏng manh hơn››? b) Một cách mà người chồng có thể bày tỏ sự quý trọng đối với phẩm giá của vợ là gì?
17 Tại sao người vợ có ‹‹thể chất mỏng manh hơn››? Trước hết, Đức Chúa Trời ban cho người đàn bà khả năng sanh đẻ. Thời kỳ còn sanh được là thời gian người đàn bà phải chịu có tháng, nghĩa là giai đoạn hằng tháng gồm mấy ngày mà người đàn bà cảm thấy bị giới hạn hay yếu đuối. Nếu người chồng không hiểu vợ và đòi hỏi nơi vợ như mỗi ngày trong tháng thì đó là việc thiếu kính trọng phẩm giá của nàng. Trong trường hợp này người sẽ tỏ ra ngu xuẩn trong sự ăn ở với vợ thay vì tỏ ra khôn ngoan (Lê-vi Ký 18:19; I Cô-rinh-tô 7:5).
Quý trọng người yếu đuối hơn
18. a) Một số người chồng có thể sa vào thói quen gì? b) Một người tín đồ đấng Christ làm chồng nên hành động thế nào?
18 Một cách khác để người chồng có thể bày tỏ sự yêu thương và kính trọng cho vợ mình là bộc lộ và nói lên sự nhận biết về cá nhân và các đức tính của nàng. Một người chồng có thể sa vào thói quen nói xấu vợ hoặc dùng vợ làm đầu đề đùa cợt. Có lẽ một người chồng như thế tưởng là làm vậy sẽ khiến người ta thấy hắn là tốt hơn. Nhưng thật ra thì khác hẳn, vì nếu hắn thường chế giễu vợ cho nàng là ngu ngốc thì câu hỏi hiển nhiên người ta sẽ hỏi là: Thế thì tại sao hắn lại cưới vợ ngu ngốc vậy? Quả thật, dường như chỉ người chồng nào bất an mới dùng đến những lối này. Một người chồng có yêu thương sẽ kính trọng vợ (Châm-ngôn 12:18; I Cô-rinh-tô 13:4-8).
19. Tại sao một người chồng không nên dùng lời hạ thấp vợ?
19 Tại một vài xứ, có cả phong tục người đàn ông làm hạ phẩm giá vợ như một hình thức để tỏ ra là mình khiêm tốn. Ví dụ, một người Nhật sẽ giới thiệu vợ dùng chữ “Gu-sai”, có nghĩa ‹‹vợ ngu ngốc hoặc dại dột››. Chủ ý là để người khách sẽ làm thăng bằng câu đó bằng một câu khen ngợi người đàn bà. Nếu một tín đồ đấng Christ làm chồng dùng lối giới thiệu như thế, có thể nói được rằng người thật tình quý trọng vợ như lời Phi-e-rơ đã khuyên hay không? Xét về khía cạnh khác, người chồng cư xử như vậy có nói sự thật cho người lân cận không? Người có thật sự tin là vợ mình ngu ngốc không? (Ê-phê-sô 4:15, 25; 5:28, 29).
20. a) Một hoàn cảnh trái nghịch có thể xảy ra thế nào giữa vợ chồng? b) Có thể tránh điều này bằng cách nào?
20 Đôi khi một người chồng sẽ tỏ thiếu sự yêu thương và kính trọng đối với vợ giản dị bằng cách quên rằng vợ cũng là một chị em tín đồ đấng Christ, không chỉ tại hội-thánh mà cũng ở nhà và nơi khác nữa. Thật không khó bày tỏ sự ân cần và kính trọng chỉ tại Phòng Nước Trời nhưng ở nhà thì lại cộc cằn và thô lỗ với vợ! Do đó, lời khuyên này của Phao-lô thật là đúng! Ông viết: “Vậy chúng ta hãy tìm cách làm nên hòa-thuận và làm gương sáng cho nhau”. “Mỗi người trong chúng ta nên làm đẹp lòng kẻ lân-cận mình, đặng làm điều ích và [nêu] gương tốt” (Rô-ma 14:19; 15:2). Không có người lân cận nào gần gũi hơn vợ hoặc chồng!
21. Chồng có thể làm gì để khuyến khích vợ?
21 Bởi thế cho nên một người tín đồ đấng Christ làm chồng đầy yêu thương sẽ bày tỏ lòng biết ơn đối với vợ qua lời nói và hành động. Một thi sĩ vô danh đã viết như vầy:
“Ví dầu chồng vợ phiền hà;
Đôi khi có chuyện rầy rà, trái ngang,
Vợ anh duyên dáng, dịu dàng;
Xin anh nói thẳng cho nàng biết nha!...
Tình em tha thiết, mặn mà,
Tình anh chung thủy, đậm đà, chứa chan;
Đừng ghi bia đá muộn màng;
Xin anh nói thẳng cho nàng biết nha!”
Mẹ vua Lê-mu-ên xưa cũng ủng hộ rõ rệt các cảm nghĩ này. Bà miêu tả một phần nào người vợ lý tưởng bằng những lời này: “Con cái nàng chổi-dậy, chúc nàng được phước; chồng nàng cũng chổi-dậy, và khen-ngợi nàng rằng: Có nhiều người con gái làm-lụng cách tài-đức, nhưng nàng trổi hơn hết thảy” (Châm-ngôn 31:1, 28, 29). Hỡi người làm chồng, bạn có năng khen vợ bạn không, hay chỉ làm thế hồi mới quen nhau mà thôi?
22, 23. Một hôn nhân thành công phải dựa trên căn bản gì?
22 Bài xem xét ngắn này cho thấy rõ rằng bày tỏ sự yêu thương và kính trọng trong hôn nhân không có nghĩa là người chồng chỉ đem lương về cho vợ là đủ rồi. Một hôn nhân thành công phải dựa vào một sự liên hệ đầy yêu thương, chung thủy và kính nể (I Phi-e-rơ 3:8, 9). Với thời gian trôi qua, mối liên hệ này sẽ trở nên sâu đậm thêm khi cả vợ lẫn chồng nhận biết các tính tốt cũng như các ưu điểm của người hôn phối và học cách bỏ qua và tha thứ các khuyết điểm cho nhau (Ê-phê-sô 4:32; Cô-lô-se 3:12-14).
23 Nếu người chồng dẫn đầu làm gương tốt trong việc bày tỏ sự yêu thương và kính trọng, cả gia đình sẽ được phước. Những người tín đồ đấng Christ làm vợ có vai trò nào trong hạnh phúc gia đình? Bài tới sẽ bàn luận về điều này và các câu hỏi liên hệ.
Bạn còn nhớ không?
◻ Ai có vai trò then chốt trong một hôn nhân hạnh phúc, và tại sao vậy?
◻ Các người làm chồng có thể theo gương tốt của Giê-su như thế nào?
◻ Cần có sự thăng bằng gì giữa các trách nhiệm trong hội-thánh và trong gia đình?
◻ Một người chồng có thể “tỏ điều khôn-ngoan ra trong sự ăn-ở với vợ” như thế nào?
◻ ‹‹Quý trọng vợ như giống yếu đuối hơn›› có nghĩa gì?
[Hình nơi trang 9]
Một trưởng lão có thăng bằng biết việc chăn chiên bắt đầu ngay tại nhà