“Chúng ta cũng hãy quăng hết gánh nặng”
Chị Mary than thở: “Tôi cảm thấy thật buồn và chán nản làm sao”. Ám chỉ trách nhiệm nặng nề của tín đồ đấng Christ, chị nói tiếp: “Tôi thấy nhiều người bạn đang bị kiệt sức. Và chính tôi cũng cảm thấy mệt nhoài và căng thẳng. Xin hãy giúp đỡ tôi hiểu lý do tại sao”.
BẠN có cảm thấy chính bạn cũng bị căng thẳng, quá mệt mỏi và không thể nào làm tròn các trách nhiệm do Đức Chúa Trời giao phó không? Có phải đôi khi thánh chức của tín đồ đấng Christ có vẻ như là một gánh nặng không chịu nổi chăng? Có nhiều tín đồ đấng Christ trung thành đã trải qua những giai đoạn chán nản, bởi vì chúng ta bị bao quanh bởi những sức mạnh tiêu cực có thể làm chúng ta mất vui. Làm một tín đồ thật của đấng Christ ngày nay quả là một điều gay go. Do đó, một số người đôi khi có thể nghĩ rằng thánh chức của tín đồ đấng Christ là một gánh nặng.
Đi tìm nguyên nhân
Kinh-thánh nói rõ ràng rằng Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta làm những điều quá đáng. Sứ đồ Giăng nói rằng “điều-răn của [Đức Chúa Trời] chẳng phải là nặng-nề” (I Giăng 5:3). Giê-su cũng nói tương tợ như vậy cho các môn đồ: “Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:29, 30). Rõ ràng Đức Giê-hô-va không có ý muốn làm cho chúng ta cảm thấy công việc phụng sự Ngài là quá nặng hay cực nhọc.
Vậy thì làm sao một tín đồ trung thành lại có thể đâm ra nghĩ rằng trách nhiệm tín đồ đấng Christ là nặng nhọc? Điều này có thể liên quan đến nhiều yếu tố. Hãy lưu ý những lời này của sứ đồ Phao-lô: “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng,... lấy lòng nhịn-nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta” (Hê-bơ-rơ 12:1). Câu này của sứ đồ cho thấy đôi khi một tín đồ đấng Christ có thể tự ý chất lên mình những gánh nặng không cần thiết. Đây không nhất thiết liên can đến tội lỗi nặng, nhưng một tín đồ đấng Christ có thể phán đoán sai lầm khiến cho đời trở nên rắc rối hơn và chính người đó lại thấy khó chạy cuộc đua đã bày ra cho chúng ta.
Một quan điểm thăng bằng về vật chất
Chẳng hạn, hãy lấy thí dụ vấn đề công ăn việc làm. Tại nhiều nước, tình trạng kinh tế có lẽ khiến cho một tín đồ đấng Christ buộc lòng phải làm nhiều giờ. Tuy nhiên, thông thường thì người ta làm việc thêm chỉ để tiến thân hoặc để mua sắm xa xỉ phẩm. Khi cân nhắc lại những điều họ thật cần phải có, một số tín đồ đấng Christ thấy rằng điều khôn ngoan là nên điều chỉnh lại tình trạng công ăn việc làm của họ. Đây là trường hợp của chị Debbie và chồng chị, cả hai đều là Nhân-chứng Giê-hô-va. Chị nói: “Tình trạng tài chánh của chúng tôi đã thay đổi và tôi khỏi cần phải làm việc trọn thời gian nữa. Nhưng tôi thấy khó lòng đi đến quyết định nghỉ làm luôn”. Chẳng bao lâu chị cảm thấy có quá nhiều việc phải làm. Chị giải thích: “Tôi chỉ có mỗi một ngày rảnh rỗi là ngày Thứ Bảy để làm việc nhà. Lắm khi tôi chẳng buồn đi rao giảng chút nào. Tôi cảm thấy điều này là sái và lương tâm tôi cứ cắn rứt tôi, nhưng tôi lại quá yêu nghề! Cuối cùng tôi đã phải đương đầu với thực tại. Tôi chỉ có một giải pháp duy nhất là nghỉ làm”. Đành rằng một số người không thể làm một thay đổi lớn lao như thế, nhưng nếu xem xét kỹ lưỡng thời khóa biểu làm việc, bạn có thể thấy cần phải sửa đổi một số điều.
Có thể có những cách khác để chúng ta trút bớt những gánh nặng không cần thiết. Nói gì về việc bớt đi du lịch, giảm hoạt động thể thao hoặc giải trí ít hơn—kể cả việc bớt xem vô tuyến truyền hình? Ngay cả sau khi đạt được quân bình trong những khía cạnh này, chúng ta có lẽ cần phải duyệt xét lại và điều chỉnh luôn để giữ cho sự quân bình ấy được bền lâu.
Điều trọng yếu là giữ mức vừa phải
Biết giữ mức vừa phải trong những vấn đề như thế sẽ giúp chúng ta thích nghi với những hoàn cảnh mới. Nhờ đó chúng ta có thể duy trì một quan điểm tích cực về thánh chức rao giảng của chúng ta (Ê-phê-sô 5:15-17; Phi-líp 4:5).
Bạn có cảm thấy bị áp lực để chạy theo những người khác trong công việc phụng sự Đức Chúa Trời không? Điều này cũng có thể gia tăng sự lo âu và bực bội trong cuộc sống của bạn. Trong khi gương tốt của người khác chắc chắn khuyến khích bạn làm nhiều hơn, nhưng nếu biết mức vừa phải thì bạn sẽ đặt ra những mục tiêu thực tiễn phù hợp với hoàn cảnh và khả năng riêng của bạn. Kinh-thánh nói với chúng ta: “Mỗi người phải thử-xét việc làm của mình, thì sự khoe mình chỉ tại mình thôi, chớ chẳng phải tại kẻ khác. Vì ai sẽ gánh lấy riêng phần nấy” (Ga-la-ti 6:4, 5).
Các phong tục và tập quán địa phương cũng có thể gán thêm gánh nặng cho chúng ta. Vào thời Giê-su người ta mệt mỏi vì cố làm theo nhiều giới luật và truyền thống tôn giáo do loài người đặt ra. Ngày nay, dân sự của Đức Giê-hô-va đã được giải thoát khỏi những truyền thống tôn giáo giả. (So sánh Giăng 8:32). Tuy thế, một tín đồ đấng Christ vẫn còn có thể lo lắng quá độ đến những phong tục địa phương. Thí dụ, đôi khi những dịp như lễ cưới thường có những phong tục rườm rà. Những phong tục này có lẽ không có gì là sai quấy mà còn có thể độc đáo và thú vị là khác. Tuy nhiên, tín đồ đấng Christ có thể không có thì giờ và tiền bạc để theo đúng tất cả các phong tục đó, và nếu cố làm theo thì ắt có thể tạo thêm những gánh nặng không cần thiết.
Hãy xem chuyện gì xảy ra khi Giê-su viếng thăm một người đàn bà tên là Ma-thê. Thay vì hưởng lợi ích trọn vẹn từ những lời khôn ngoan mà ngài nói ra, “Ma-thê mảng lo về việc vặt”. Nàng đã bỏ ra nhiều công phu để làm việc khác (Lu-ca 10:40). Nhưng Giê-su tử tế đề nghị nàng nấu nướng đơn giản để còn có thể nghe ngài giảng dạy và được bổ ích (Lu-ca 10:41, 42). Điều này cho thấy rõ rằng nếu biết suy xét chín chắn và giữ mức vừa phải thì bạn sẽ giữ sự thăng bằng trong thánh chức rao giảng (Gia-cơ 3:17).
Chúng ta cũng cần phải suy xét chín chắn khi chọn bạn. Châm-ngôn 27:3 cảnh cáo: “Đá thì nặng, cát cũng nặng; nhưng cơn tức-giận của kẻ ngu-dại còn nặng hơn cả hai”. Nhất định là các bạn bè thân cận của bạn sẽ gây ảnh hưởng mạnh trên cách bạn suy nghĩ. Giao du với những kẻ ưa phanh phui lỗi lầm và chỉ trích người khác trong hội-thánh có thể gieo mầm mống cho sự chán nản và tư tưởng tiêu cực nơi lòng bạn (I Cô-rinh-tô 15:33). Nếu bạn nhận thấy điều này gây khó khăn cho bạn thì hãy khôn ngoan thay đổi bạn bè sao cho nhẹ gánh hơn.
Hãy bước đi cách khiêm tốn với Đức Chúa Trời
Mi-chê 6:8 đặt ra câu hỏi này làm cho chúng ta phải suy gẫm: “Điều mà Đức Giê-hô-va đòi ngươi há chẳng phải là...bước đi cách khiêm tốn với Đức Chúa Trời ngươi sao?” (NW) Khiêm tốn có nghĩa là ý thức rằng sức mình có hạn. Những ai không nhìn nhận sức họ có hạn thì có thể chồng chất trên mình quá nhiều điều ràng buộc. Điều này đã xảy ra cho một số tín đồ đấng Christ thành thục, ngay cả cho các giám thị, làm cho họ sinh ra chán nản, bực bội và mất vui. Anh Kenneth là một trưởng lão tín đồ đấng Christ đã thú thật: “Tôi cảm thấy mình đang rơi vào trạng thái chán nản, và tôi tự nhủ: ‘Tôi sẽ không để cho mình đi đến chỗ đó đâu’. Do đó tôi đã bỏ bớt một số những điều ràng buộc tôi và tập trung vào những gì mà tôi có thể thực hiện được”.
Ngay cả nhà tiên tri khiêm nhường Môi-se cũng đã khó lòng nhìn nhận sức ông có hạn. Do đó, Giê-trô là cha vợ Môi-se đã phải cho ông biết rằng một mình ông gánh lấy quá nhiều công việc. Giê-trô hỏi: “Con làm chi cùng dân-sự đó?...Điều con làm chẳng tiện. Quả thật, con...sẽ bị đuối chẳng sai, vì việc đó nặng-nề quá sức con, một mình gánh chẳng nổi... Nhưng hãy chọn lấy trong vòng dân-sự mấy người tài-năng... nếu có việc can-hệ lớn, họ hãy giải lên cho con; còn những việc nhỏ-mọn, chính họ hãy xét-đoán lấy. Hãy san bớt gánh cho nhẹ; đặng họ chia gánh cùng con”. Môi-se lập tức chia bớt việc cho người khác, nhờ vậy mà ông cảm thấy nhẹ nhõm vì trút bớt được một gánh nặng không thể cáng đáng nổi (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13-26).
Vào một dịp khác Môi-se nói với Đức Giê-hô-va: “Tôi không thế một mình gánh hết dân-sự nầy, vì thật là rất nặng-nề cho tôi quá!” Một lần nữa, giải pháp là ông phải ủy quyền cho người khác. Có lẽ đây cũng là giải pháp cho bạn nếu bạn cảm thấy mình đã lãnh quá nhiều trách nhiệm và rồi làm không xuể (Dân-số Ký 11:14-17).
Đức Giê-hô-va giúp chúng ta gánh lấy phần trách nhiệm
Giê-su nói rằng ách ngài dễ chịu và gánh ngài nhẹ nhàng, nhưng gánh đó không phải là không nặng gì cả. Ách mà Giê-su mời chúng ta gánh lấy không phải là ách nhàn rỗi. Đó là ách của một người đã dâng mình hoàn toàn cho Đức Chúa Trời với tư cách một môn đồ của Giê-su Christ. Do đó, làm một tín đồ thật của đấng Christ có nghĩa là gánh lấy một sức nặng hay áp lực nào đó (Ma-thi-ơ 16:24-26; 19:16-29; Lu-ca 13:24). Trong khi tình hình thế giới tệ hại thêm nhiều, các áp lực sẽ gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta có lý do để có một cái nhìn tích cực bởi vì lời mời của Giê-su ngụ ý nói rằng những người khác có thể gánh lấy ách cùng với ngài và ngài sẽ giúp đỡ họ.a Do đó, hễ chúng ta còn noi theo sự chỉ huy của đấng Christ, thì chúng ta sẽ gánh vác nổi phần trách nhiệm của mình vì ngài sẽ giúp chúng ta.
Đức Chúa Trời chăm sóc những ai yêu mến Ngài và Ngài gìn giữ lòng và trí của tất cả những ai trút hết gánh nặng của họ cho Ngài qua lời cầu nguyện (Thi-thiên 55:22; Phi-líp 4:6, 7; I Phi-e-rơ 5:6, 7). Người viết Thi-thiên nói: “Đáng ngợi-khen Chúa thay, là Đấng hằng ngày gánh gánh-nặng của chúng tôi, tức là Đức Chúa Trời sự cứu-rỗi của chúng tôi” (Thi-thiên 68:19). Đúng, hãy tin chắc rằng Đức Chúa Trời hàng ngày cũng sẽ gánh giùm gánh của bạn nếu bạn quăng hết mọi gánh nặng và kiên trì chạy cuộc đua bày ra cho bạn.
[Chú thích]
a Lời phụ chú bên dưới nói: “Hãy cùng ta gánh chung một ách”.
[Hình nơi trang 24]
Các trưởng lão khôn ngoan sẵn lòng ủy thác một số phận sự của họ và san sẻ phần trách nhiệm