Bạn có tâm trí của đấng Christ không?
“Xin Đức Chúa Trời hay nhịn-nhục và yên-ủi ban cho anh em được đồng lòng ở với nhau theo Đức Chúa Giê-su Christ” (RÔ-MA 15:5).
1. Nếu một người tự xưng là một tín đồ đấng Christ, có những câu hỏi nào cần được trả lời?
Theo thống kê có hơn một tỷ người trên khắp thế giới tự xưng theo đấng Christ. Điều này có nghĩa gì? Có nghĩa là ít ra theo danh nghĩa thì họ tin nơi Giê-su và tự nhận họ là tín đồ hay môn đồ của ngài (Ma-thi-ơ 10:24, 25). Nhưng cần phải làm gì để noi theo gương mẫu, hay cách sống của đấng Christ? Dĩ nhiên, bạn phải biết ngài. Bạn có thật sự biết Giê-su người Na-xa-rét không? Bạn có một ý tưởng rõ ràng Giê-su là người như thế nào khi ngài ở trên đất không? Hay bạn có biết ngài đối xử với người ta trong những hoàn cảnh khác nhau thế nào không? Bạn có tâm trí hay “ý của đấng Christ” không? (I Cô-rinh-tô 2:16; Ê-phê-sô 4:13).
2, 3. Làm thế nào chúng ta có thể biết được tâm trí của đấng Christ?
2 Làm sao chúng ta có thể biết được một người đã từng sống cách đây gần 2.000 năm và chỉ công khai hoạt động trong vòng ba năm rưỡi? Trong trường hợp của Giê-su, có bốn bản tiểu sử đáng tin cậy giúp cho hình dung được ngài là hạng người thế nào. Đọc kỹ bốn sách tin mừng (Phúc-âm), chúng ta có thể hiểu được những tư tưởng nào thúc đẩy ngài hành động. Do đó, cần phải làm gì để là tín đồ thật sự của đấng Christ thay vì chỉ tự xưng theo ngài? Giê-su nêu ra điều kiện này: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3; II Phi-e-rơ 3:18).
3 Vậy mỗi tín đồ đấng Christ phải hiểu biết sâu rộng về Đức Chúa Cha Giê-hô-va, và đời sống cùng sự giảng dạy của Con Ngài là Giê-su Christ. Chỉ tự xưng mình là tín đồ đấng Christ và Nhân-chứng Giê-hô-va không đủ. Để có tâm trí của đấng Christ, chúng ta phải đều đặn ghi nhớ trong tâm trí của chúng ta sự hiểu biết về đời sống và gương mẫu của Giê-su. Điều này có nghĩa là chúng ta cần học Kinh-thánh đều đều và thật sự với sự giúp đỡ của những tài liệu giúp học Kinh-thánh để hiểu rõ ý nghĩa và đoạn văn. Cũng cần phải có một tâm trạng đúng để chúng ta có thể hiểu và chấp nhận vai trò của đấng Christ trong ý định của Đức Chúa Trời (Giăng 5:39-47; Ma-thi-ơ 24:45-47).
Một người nhiều tình cảm
4. Giê-su là hạng người thế nào?
4 Giê-su đã hoạt động tích cực và có sức khỏe tốt. Ngài làm thánh chức khi trên 30 tuổi (Lu-ca 3:23). Nhưng ngài là hạng người thế nào? Ngài có lạnh nhạt và giữ khoảng cách không? Không, trái lại, vì là người Do-thái ở Trung Đông, ngài là người hay bộc lộ tình cảm. Ngài là người cởi mở và không tự khép mình quá. Ngài công khai cho thấy nhiều loại cảm xúc từ sự buồn bã và thương xót cho tới sự bất bình và giận dữ trước điều không công bình (Mác 6:34; Ma-thi-ơ 23:13-36).
5. Khi hay tin La-xa-rơ chết, Giê-su có phản ứng gì?
5 Thí dụ, khi ngài thấy Ma-thê và Ma-ri khóc thương anh em họ là La-xa-rơ đã chết, Giê-su phản ứng thế nào? Giăng kể lại: “(Ngài) bèn đau lòng cảm-động” và “khóc” (Giăng 11:33-36). Ngài chia xẻ tình cảm của ngài với các người bạn thân này. Ngài không thấy xấu hổ mà cùng khóc với họ. Dù là “Con Đức Chúa Trời”, ngài bộc lộ tình cảm của con người (Giăng 1:34). Chắc chắn Ma-thê và Ma-ri phải cảm động lắm! (So sánh Lu-ca 19:41-44).
6. Tại sao Giê-su không thiếu nam tính vì ngài đã khóc?
6 Tuy nhiên, ngày nay một số người có thể kết luận Giê-su yếu hèn vì ngài đã từng khóc với các đàn bà giữa đám đông. Thật thế, tác giả Hilaire Belloc người Công giáo nói Giê-su “nhu nhược”. Có thật vậy không? Giê-su có thiếu nam tính như các công trình nghệ thuật của Giáo hội tự xưng theo đấng Christ thường diễn tả không? Không, nước mắt không nhất thiết nói lên sự yếu đuối. Một tập san y học đã phát biểu ý kiến đó như sau: “Đè nén không cho một tình cảm êm dịu bộc lộ đúng cách là điều phi lý và có hại...Chỉ có con người mới có đặc tính bộc lộ tình cảm êm dịu, nhất là khóc” (So sánh II Sa-mu-ên 13:36-38; Giăng 11:35).
7. Ngày nay gương nhân đạo của Giê-su có thể giúp chúng ta bằng những cách nào?
7 Phản ứng của Giê-su trước sự đau khổ thật là phù hợp với bản tính của con người và lòng nhân đạo, khiến chúng ta hiểu được con người của ngài và tâm trí ngài. Chúng ta không noi theo một hình ảnh huyền thoại không có nhân tính nào, nhưng chúng ta noi theo “Con Đức Chúa Trời hằng sống”, người hoàn toàn và gương mẫu do Đức Chúa Trời sai đến (Ma-thi-ơ 16:16; Giăng 3:16, 17; 6:68, 69). Thật là một gương mẫu cho tất cả tín đồ đấng Christ ngày nay, đặc biệt cho các tín đồ đấng Christ làm trưởng lão, vì họ thường phải an ủi và biết đặt mình vào địa vị của người khác trong những trường hợp bị mất người thân và khủng hoảng tinh thần! Đúng vậy, trong những trường hợp vừa kể, có tâm trí và lòng của đấng Christ có thể làm dịu bớt tình thế (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:7,8).
Một người can đảm tích cực hành động
8. Giê-su đã tỏ ra can đảm và hành động dạn dĩ thế nào?
8 Giê-su cũng chứng tỏ là người có niềm tin can đảm và hành động tích cực. Thí dụ, hai lần nọ ngài mạnh mẽ đuổi những kẻ buôn bán thú vật và những kẻ đổi tiền ra khỏi đền thờ (Mác 11:15-17; Giăng 2:13-17). Ngài cũng đã không ngần ngại công khai vạch trần sự giả hình của những thầy thông giáo và người Pha-ri-si tự xưng công bình. Ngài can đảm kết án họ và cảnh cáo: “Khốn cho các ngươi thầy thông-giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả-hình! vì các ngươi giống như mồ-mả tô trắng bề ngoài cho đẹp, mà bề trong thì đầy xương người chết và mọi thứ dơ-dáy”. Chắc chắn, không có gì là yếu đuối cả trong những lời này! (Ma-thi-ơ 23:27, 28; Lu-ca 13:14-17).
9, 10. a) Tại sao khi tỏ sự bất bình, Giê-su không phạm tội? b) Gương mẫu của Giê-su có ảnh hưởng nào đối với một tín đồ đấng Christ làm trưởng lão?
9 Giê-su có thiếu tự chủ khi biểu lộ sự bất bình đó không? Phi-e-rơ, một người thân cận với Giê-su trong thánh chức của ngài, nói: “Ngài chưa hề phạm tội” (I Phi-e-rơ 2:22). Sứ đồ Phao-lô viết: “Vì chúng ta không có thầy tế-lễ thượng-phẩm chẳng có thể cảm-thương sự yếu-đuối chúng ta, bèn có một thầy tế-lễ bị thử-thách trong mọi việc cũng như chúng ta, song chẳng phạm tội” (Hê-bơ-rơ 4:15). Sự bất bình đúng lý và có kiểm soát khác với sự nóng giận không kiểm soát (So sánh Châm-ngôn 14:17; Ê-phê-sô 4:26).
10 Vì thế, trong khi một tín đồ đấng Christ làm trưởng lão không có tánh hay “giận-dữ”, anh chắc chắn phải có can đảm để có thể “bác lại kẻ chống-trả”, và còn làm thế một cách nghiêm khắc nữa, nếu cần. Anh phải có khả năng “bẻ-trách, nài-khuyên, sửa-trị” (Tít 1:7-13; II Ti-mô-thê 4:1, 2). Cũng có vài tình thế khiến anh trưởng lão phải bất bình đúng lý, đặc biệt nếu anh thấy có gì đe dọa rõ rệt sự đoàn kết, tình trạng thiêng liêng, hay sự trong sạch về đạo đức của hội-thánh. Như Phao-lô có nói, đôi khi “phải bịt miệng” những kẻ “hay nói hư-không và phỉnh-dỗ”, những kẻ “vì mối lợi đáng bỉ mà dạy điều không nên dạy, và phá-đổ cả nhà người ta”. Trong những trường hợp ấy, có tâm trí của đấng Christ sẽ giúp các trưởng lão tỏ ra can đảm, giữ quân bình, và cương quyết (Xem I Cô-rinh-tô 5:1-5; Khải-huyền 2:20-23; 3:19).
11. Những câu hỏi nào giúp chúng ta biết chúng ta phải bắt chước Giê-su ra sao?
11 Trong các chuyến đi ngang qua xứ Ga-li-lê, Sa-ma-ri và Giu-đê, Giê-su tiếp xúc với mọi hạng người: đàn ông, đàn bà, trẻ con, người bệnh và những kẻ xem ngài như kẻ thù không đội trời chung. Ngài đối xử với họ thế nào? Ngài có tỏ ra khách sáo, giữ khoảng cách, hay dễ thân thiện? Ngài có hiểu được những nỗi khó khăn và những cám dỗ của người ta không? Ngài cố chấp hay có lòng thương xót? Từ lời giải đáp cho những câu hỏi này chúng ta có thể rút tỉa cách chúng ta phải bắt chước Giê-su trong những hành động và phản ứng hàng ngày của chúng ta (Rô-ma 15:5; Phi-líp 2:5).
Giê-su đối xử với các trẻ con thế nào?
12. Vào một dịp nọ các môn đồ và Giê-su đối xử với trẻ con thế nào?
12 Mác đoạn 10, câu 13-16 thuật lại rất hay cho chúng ta biết Giê-su đối xử với trẻ con thế nào: “Người ta đem những con trẻ đến cùng ngài, đặng ngài rờ chúng nó; nhưng môn-đồ trách những kẻ đem đến”. Kinh-thánh không có nói tại sao các môn đồ hành động như vậy. Đó là vào năm 33 tây lịch, và Giê-su đang đi từ miền Ga-li-lê xuyên qua miền Phê-rê để hoàn tất thánh chức của ngài tại Giê-ru-sa-lem và các vùng phụ cận. Có lẽ họ nghĩ rằng lúc đó Giê-su là một người quá quan trọng hay quá bận rộn để bận tâm với trẻ con. Tuy nhiên, chính ngài có cho thấy là ngài quá bận rộn không? “Giê-su thấy vậy, bèn giận mà phán cùng môn-đồ rằng: Hãy để cho con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó; vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những kẻ giống như con trẻ ấy... Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”.
13. Dân chúng có phản ứng thế nào đối với Giê-su?
13 Bây giờ chúng ta còn học được điều gì khác về tâm trí của đấng Christ? Chúng ta nhìn thấy sự cương quyết của ngài đối với các môn đồ đang lầm lẫn và thái độ nhân đạo của ngài đối với những ai thấp kém hơn. Ngài hiểu điều gì đã thúc đẩy cha mẹ các con trẻ dẫn chúng đến cùng ngài. Họ muốn ngài rờ và chúc phước cho con họ. Và chúng ta học được gì nơi hành động đó của Giê-su? Dân chúng không sợ hãi ngài. Ngài tiếp xúc với mọi người và người ta muốn ở gần ngài. Ngay đến trẻ con cũng thấy thoải mái ở gần ngài, và ngài thấy thoải mái ở gần bên trẻ con. Người ta, kể cả trẻ con, có thấy dễ chịu khi ở gần bạn không? (Mác 1:40-42; Ma-thi-ơ 20:29-34).
14. Đặc biệt những ai nên theo gương của Giê-su về việc niềm nở tiếp đón?
14 Giê-su tỏ ra ưu ái nồng nhiệt và nhân hậu (Mác 9:36, 37). Ngài niềm nở tiếp đón người khác. Là môn đồ của Giê-su, bạn có tâm trí của ngài dưới khía cạnh đó không? Những tín đồ đấng Christ làm giám thị địa hạt, vòng quanh, giám thị hội-thánh, và những ai có trách nhiệm cai quản trong các văn phòng chi nhánh Hội Tháp Canh (Watch Tower Society) trên khắp thế giới nên tự hỏi: Tôi có độc đoán và cứng rắn không? Hay tôi khiến cho những người lớn bé cảm thấy dễ chịu khi ở gần tôi? Tôi có thật niềm nở tiếp đón người khác không? (Châm-ngôn 12:18; Truyền-đạo 7:8).
Cách Giê-su đối xử với đàn bà
15, 16. Giê-su khác với những người Do-thái đương thời thế nào trong việc đối xử với đàn bà?
15 Trên cương vị trưởng lão, tôi tớ chức vụ và các anh trong hội-thánh đấng Christ, chúng ta có tâm trí của đấng Christ khi đối xử với các chị em tín đồ đấng Christ và với đàn bà nói chung không? Giê-su là người độc thân, ngài phản ứng như thế nào khi tiếp xúc với đàn bà trong nhiều hoàn cảnh khác nhau vào thời ngài?
16 Trong xã hội Do-thái thời đó dưới sự chủ quyền của người đàn ông, Giê-su tỏ ra là thầy dạy khác thường khi ngài sẵn sàng nói chuyện với đàn bà, ngay đến những đàn bà không phải người Do-thái (Giăng 4:7-30). Thí dụ, khi ngài đến viếng thăm một người sống trong vùng đất Ty-rơ và Si-đôn thuộc dân ngoại, một đàn bà người Gờ-réc (Hy-lạp) cầu xin ngài giúp đứa con gái của bà bị quỉ ám. Thường thì một người Do-thái chính thống sẽ không muốn giao thiệp với bà. Nhưng Giê-su nghe bà nói và để thử lòng tin của bà, ngài nói: “Hãy để con-cái (người Do-thái) ăn no-nê trước đã; vì không lẽ lấy bánh của con-cái quăng cho chó (dân ngoại)”. Giọng nói của Giê-su có cộc lốc để cắt ngang câu chuyện không? Ngài có độc đoán không muốn tiếp tục nói chuyện nữa không? Hẳn là không, vì người đàn bà đáp lại cách tế nhị: “Lạy Chúa, hẳn vậy rồi; nhưng mà chó dưới bàn ăn mấy miếng bánh vụn của con-cái.” Giê-su động lòng và chữa lành con gái bà (Mác 7:24-30).
17. Cách Giê-su đối xử với một đàn bà nọ có tội có thể dạy chúng ta điều gì?
17 Giê-su có tâm trí cởi mở đối với đàn bà và không có nhìn bề ngoài mà đoán xét (Ma-thi-ơ 22:16). Vào một dịp khác, khi ăn uống trong nhà của một người Pha-ri-si, ngài đã để cho một người đàn bà nổi tiếng là có tội, có lẽ một gái điếm, rửa chân ngài, đoạn tẩm dầu thơm. Bà làm vậy để tỏ ra ăn năn tội lỗi mình (Lu-ca 7:36-50). Giê-su không có vội vàng kết án bà và xua đuổi bà vì bà là một người vô luân. (Cũng xem Giăng 4:7-30). Ngài tha thứ bà vì bà “đã yêu-mến nhiều”. Điều đó nói lên điều gì về tâm trí của đấng Christ? Ngài thương xót và thông cảm người đàn bà đó. Chúng ta có thể nào hành động giống vậy trong hội-thánh và trong thánh chức của chúng ta hay không? (Lu-ca 19:1-10; Rô-ma 14:10-13; I Cô-rinh-tô 6:9-11).
Cách Giê-su đối xử với môn đồ của ngài
18. a) Một số người đối xử thế nào với những ai làm việc dưới quyền họ? b) Giê-su đã đối xử thế nào với các môn đồ và những người khác? (Mác 6:54-56).
18 Đôi khi những người có uy quyền cảm thấy bị đe dọa vì những thuộc hạ của họ muốn lấn áp quyền họ. Trong tiềm thức họ, họ nghĩ rằng phải ngăn chận ngay sự tranh quyền này, và họ để cho sự tự cao xui khiến. Họ vội chỉ trích và ít khi khen ngợi những ai làm việc dưới quyền họ. Sự khinh miệt ra mặt của họ khiến họ không tỏ kính trọng nhân phẩm của người khác. Nhưng Giê-su thì sao? Ngài đối xử thế nào với các môn đồ, những người dưới quyền ngài? Ngài có làm cho họ cảm thấy họ thấp kém, thiếu khả năng, hoặc ngu dốt không? Hay trái lại, họ cảm thấy dễ chịu khi làm việc cùng với Giê-su? (So sánh Ma-thi-ơ 11:28-30; 25:14-23).
19. Giăng 13:1-17 dạy chúng ta điều gì về Giê-su?
19 Giê-su dạy môn đồ ngài một trong những bài học hay nhất dưới khía cạnh này trong Giăng đoạn 13. Chúng tôi mời bạn đọc từ câu 1 đến câu 17. Vào thời đó đường xá đầy bụi bậm, và người ta thường sai đầy tớ rửa chân khách. Giê-su đứng ra làm việc hèn mọn này. Khi rửa chân cho các môn đồ, ngài nhấn mạnh đức tính gì? Ngài dạy họ một bài học thực tiễn về sự khiêm nhường. Chúng ta học được gì về tâm trí của đấng Christ qua việc này? Giê-su trả lời: “Đầy-tớ chẳng lớn hơn chủ mình, sứ-giả cũng chẳng lớn hơn kẻ sai mình. Ví bằng các ngươi biết những sự nầy, thì có phước, miễn là các ngươi làm theo” (Giăng 13:16, 17).
20. Chúng ta có thể tự phân tích chính mình thế nào để xem chúng ta có tâm trí của đấng Christ, hay không có?
20 Chúng ta có tâm trí của đấng Christ dưới khía cạnh này không? Chúng ta có sẵn sàng làm những việc khiêm tốn, hèn hạ, trong nhà và trong hội-thánh không? Hay chúng ta chỉ muốn làm những việc có vẻ “quan trọng” hoặc sẽ khiến chúng ta có vẻ “đặc biệt”? Chúng ta có sẵn sàng tham gia trong công việc rao giảng tin mừng từ nhà này sang nhà kia, dù đôi khi phải bị nhục mạ không? Hay chúng ta chỉ muốn nói bài giảng từ trên bục tại Phòng Nước Trời? Thật ra, nếu có tâm trí của đấng Christ, chúng ta sẽ tỏ ra khiêm nhường và sẵn sàng tiếp đón người khác, giống như Giê-su vậy (Rô-ma 12:3).
21. Giê-su biểu lộ thế nào tình cảm ngài với các sứ đồ? Với đám đông?
21 Vào một dịp nọ, sau một chuyến đi rao giảng đặc biệt, Giê-su chứng tỏ quan tâm nhiều tới các sứ đồ. Dù ngài hoàn toàn, ngài không chờ đợi sự hoàn toàn nơi những người khác. Sau một chuyến đi rao giảng ngài không bắt buộc các sứ đồ phải trở lại đi rao giảng ngay và làm tốt hơn nữa. Ngài thấy họ cần được nghỉ ngơi và dẫn họ đến một nơi vắng vẻ, yên tịnh. Nhưng khi đám đông kéo đến theo họ, Giê-su có bực tức và nóng nảy không? Không, vì Kinh-thánh nói “ngài động lòng thương-xót đến” (Mác 6:30-34).
22. Điều gì nữa sẽ giúp chúng ta hiểu thêm tâm trí của đấng Christ?
22 Với một gương mẫu tốt như vậy, có gì lạ không, nếu phần lớn các sứ đồ trung thành noi theo Giê-su? Chắc chắn Phi-e-rơ lấy làm cảm kích về những việc học được khi gần gũi với Giê-su. Có lẽ ông đã cung cấp cho Mác phần lớn các chi tiết để Mác viết ra sách Phúc-âm (tin mừng). Dù chậm nhưng chắc chắn, Phi-e-rơ đã thích nghi với tâm trí của đấng Christ. Xem xét lá thư thứ nhất của Phi-e-rơ sẽ giúp chúng ta theo sát hơn gương mẫu của Giê-su (Ma-thi-ơ 16:15-17, 21-23).
Bạn có nhớ không?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể có tâm trí của đấng Christ?
◻ Giê-su là hạng người như thế nào?
◻ Giê-su đối xử thế nào với trẻ con? Với đàn bà?
◻ Cách Giê-su đối xử với các môn đồ dạy chúng ta điều gì?
[Hình nơi trang 17]
Giê-su hay thương xót và không đè nén tình cảm của ngài
[Hình nơi trang 19]
Giê-su can đảm hành động
[Hình nơi trang 22]
Giê-su đặt ra một gương mẫu xuất sắc về sự khiêm nhường