Bạn có “ý của Đấng Christ” không?
“Nguyện Đức Chúa Trời của sự nhẫn-nại và sự yên-ủi ban cho anh em đồng tâm-chí... y theo Christ-Jêsus”.—RÔ-MA 15:5, GHI-ĐÊ-ÔN.
1. Chúa Giê-su được miêu tả như thế nào trong nhiều tranh vẽ của tôn giáo tự xưng theo Đấng Christ, và tại sao sự miêu tả này về Chúa Giê-su không trung thực?
“KHÔNG ai đã từng thấy ngài cười bao giờ”. Chúa Giê-su đã được miêu tả như thế trong một tài liệu mạo nhận là do một viên chức La Mã ngày xưa viết. Người ta nói rằng tài liệu này, như được biết dưới dạng hiện nay từ khoảng thế kỷ 11, đã ảnh hưởng nhiều họa sĩ.a Trong một số tranh vẽ, Chúa Giê-su trông có vẻ buồn rầu, nếu có thì cũng rất hiếm khi cười. Nhưng đó chắc chắn không phải là sự miêu tả trung thực về Chúa Giê-su, người mà các sách Phúc Âm tả là nhân từ, nồng hậu, có tình cảm sâu sắc.
2. Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng “đồng tâm-chí... y theo Christ-Jêsus”, và điều này sẽ trang bị chúng ta làm gì?
2 Rõ ràng, muốn biết Chúa Giê-su thật, trong lòng và trí, chúng ta phải hiểu biết chính xác Chúa Giê-su thật sự là người như thế nào khi ở trên đất. Vậy chúng ta hãy xem xét vài lời tường thuật của sách Phúc Âm để hiểu rõ “ý của Đấng Christ”—tức là cảm xúc, nhận thức, ý nghĩ và cách lập luận của ngài. (1 Cô-rinh-tô 2:16) Khi thảo luận, chúng ta hãy suy xét xem mình có thể vun trồng “đồng tâm-chí... y theo Christ-Jêsus” như thế nào. (Rô-ma 15:5, Ghi) Nhờ đó, chúng ta có thể được trang bị tốt hơn trong đời sống và trong cách cư xử với người khác để noi theo gương mà ngài đã nêu ra cho chúng ta.—Giăng 13:15.
Dễ đến gần
3, 4. (a) Bối cảnh của lời tường thuật ghi nơi Mác 10:13-16 là gì? (b) Chúa Giê-su đã phản ứng như thế nào khi các môn đồ cố ngăn cản không cho trẻ con đến với ngài?
3 Người ta thích đến với Chúa Giê-su. Có nhiều lần, người thuộc các lứa tuổi và quá trình khác nhau tự động đến với ngài. Hãy xem sự kiện ghi nơi Mác 10:13-16. Việc này xảy ra lúc gần cuối thánh chức của ngài khi ngài trên đường đi đến Giê-ru-sa-lem lần cuối cùng, để chịu chết một cách đau đớn.—Mác 10:32-34.
4 Hãy hình dung cảnh tượng đó. Người ta bắt đầu đem con cái, cả em bé, đến để Chúa Giê-su ban phước.b Tuy nhiên, các môn đồ tìm cách ngăn cản không cho trẻ con đến gần Chúa Giê-su. Có lẽ các môn đồ nghĩ Chúa Giê-su chắc hẳn không muốn bị trẻ con làm phiền trong những tuần lễ trọng đại này. Nhưng họ nghĩ sai. Chúa Giê-su không hài lòng khi biết được các môn đồ đang làm gì. Chúa Giê-su kêu trẻ con đến với ngài và nói rằng: “Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng cấm chúng nó”. (Mác 10:14) Rồi ngài làm một điều cho thấy ngài rất dịu dàng và thương yêu thật sự. Lời tường thuật nói: “Ngài lại bồng những đứa trẻ ấy, đặt tay trên chúng nó mà chúc phước cho”. (Mác 10:16) Trẻ con rõ ràng thấy tự nhiên, thoải mái khi Chúa Giê-su ôm chúng trong cánh tay trìu mến.
5. Lời tường thuật nơi Mác 10:13-16 cho chúng ta biết gì về Chúa Giê-su?
5 Lời tường thuật vắn tắt đó cho chúng ta biết rất nhiều về nhân cách Chúa Giê-su. Hãy lưu ý là ngài dễ đến gần. Mặc dù từng có địa vị cao quý ở trên trời, ngài không coi thường những người bất toàn mà cũng không làm họ sợ. (Giăng 17:5) Ngay cả trẻ con cũng cảm thấy thoải mái ở gần ngài; chẳng phải điều đó cũng đáng chú ý hay sao? Chắc chắn chúng hẳn không cảm thấy muốn đến gần một người lạnh lùng, buồn rầu, không bao giờ mỉm cười hoặc cười rộ! Người ở mọi lứa tuổi đến với Chúa Giê-su vì họ cảm thấy ngài là một người nồng hậu, ân cần, và họ tin chắc ngài sẽ không từ chối tiếp họ.
6. Làm thế nào trưởng lão có thể trở nên dễ đến gần hơn?
6 Suy nghĩ về lời tường thuật này, chúng ta có thể tự hỏi: ‘Tôi có ý của Đấng Christ không? Tôi có dễ đến gần không?’ Trong thời kỳ khó khăn này, chiên của Đức Chúa Trời cần những người chăn chiên dễ đến gần, những người được ví như “nơi núp gió”. (Ê-sai 32:1, 2; 2 Ti-mô-thê 3:1) Hỡi các trưởng lão, nếu các anh vun trồng lòng quan tâm chân thành đối với anh em và sẵn sàng bỏ công sức giúp họ thì họ sẽ cảm nhận được sự quan tâm của các anh. Họ sẽ thấy điều đó qua nét mặt, nghe qua giọng nói và nhận thấy qua cử chỉ ân cần của các anh. Lòng nhiệt tình và quan tâm chân thật như thế có thể tạo một bầu không khí tin cậy, khiến người khác, kể cả trẻ em, dễ đến gần các anh hơn. Một nữ tín đồ Đấng Christ giải thích tại sao chị có thể nói chuyện cởi mở với một anh trưởng lão: “Anh ấy nói với tôi một cách dịu dàng và thương xót. Nếu không, tôi có lẽ không nói lấy một lời. Anh làm tôi cảm thấy an toàn”.
Quan tâm đến người khác
7. (a) Chúa Giê-su cho thấy ngài quan tâm đến người khác như thế nào? (b) Có thể vì lý do nào mà Chúa Giê-su làm cho một người mù nọ dần dần sáng mắt lại?
7 Chúa Giê-su quan tâm đến người khác. Ngài nhạy cảm với cảm xúc của người khác. Chỉ cần nhìn thấy người ta đau khổ, ngài cũng vô cùng xúc động mà cứu chữa họ. (Ma-thi-ơ 14:14) Ngài cũng quan tâm đến giới hạn và nhu cầu của người khác. (Giăng 16:12) Có lần người ta đem đến cho ngài một người mù và nài xin ngài cứu chữa. Chúa Giê-su làm cho người đó sáng mắt lại, nhưng một cách dần dần. Lúc đầu, người đó chỉ thấy người ta một cách lờ mờ—“họ đi giống như cây”. Rồi Chúa Giê-su làm ông ta sáng mắt lại hoàn toàn. Tại sao ngài lại chữa người đó một cách dần dần? Việc này rất có thể là để giúp một người đã quá quen bóng tối thích nghi với sự thay đổi khi đột ngột thấy một thế giới phức tạp và chan hòa ánh nắng.—Mác 8:22-26.
8, 9. (a) Việc gì xảy ra chẳng bao lâu sau khi Chúa Giê-su và môn đồ đi vào vùng Đê-ca-bô-lơ? (b) Hãy miêu tả việc Chúa Giê-su chữa lành người điếc.
8 Cũng hãy xem xét một việc xảy ra sau ngày Lễ Vượt Qua năm 32 CN. Chúa Giê-su và môn đồ đi vào vùng Đê-ca-bô-lơ, phía đông Biển Ga-li-lê. Chẳng bao lâu đám người đông đảo tìm thấy họ nơi đó và đem đến cho Chúa Giê-su nhiều người bệnh và tàn tật, và ngài chữa cho họ. (Ma-thi-ơ 15:29, 30) Điều đáng chú ý là Chúa Giê-su lưu tâm đến một người. Mác, người viết Phúc Âm và người duy nhất ghi lại việc này, tường thuật việc xảy ra.—Mác 7:31-35.
9 Người đó điếc và hầu như không nói được. Chúa Giê-su có lẽ thấy ông này ngượng nghịu hoặc lúng túng. Rồi Chúa Giê-su làm một điều khác thường. Ngài đem riêng người đó ra, cách xa đám đông. Rồi Chúa Giê-su dùng vài dấu hiệu cho người đó biết ngài sắp làm gì. Ngài “để ngón tay vào lỗ tai người, và thấm nước miếng xức lưỡi người”. (Mác 7:33) Kế đến, Chúa Giê-su ngước mắt lên trời và thở ra sau khi cầu nguyện. Những hành động này như nói với người đó: ‘Điều ta sắp làm cho ngươi là nhờ quyền phép Đức Chúa Trời’. Cuối cùng, Chúa Giê-su nói: “Hãy mở ra!” (Mác 7:34) Lập tức tai người đó nghe được, và ông có thể nói bình thường.
10, 11. Làm thế nào chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm đến cảm nghĩ của người khác trong hội thánh? trong gia đình?
10 Chúa Giê-su tỏ lòng quan tâm thật chu đáo đối với người khác! Ngài nhạy cảm với cảm xúc của họ, và lòng quan tâm thông cảm này thúc đẩy ngài hành động theo cách không làm buồn lòng họ. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta nên vun trồng và biểu lộ ý của Đấng Christ về phương diện này. Kinh Thánh khuyên nhủ chúng ta: “Hết thảy anh em phải đồng lòng đầy thương-xót và tình yêu anh em, có lòng nhân-từ và đức khiêm-nhượng”. (1 Phi-e-rơ 3:8) Điều này chắc chắn đòi hỏi chúng ta, khi nói và hành động, phải lưu ý đến cảm nghĩ của người khác.
11 Trong hội thánh, chúng ta có thể tỏ lòng quan tâm đến cảm nghĩ của người khác bằng cách tôn trọng phẩm cách họ, đối xử với họ như chúng ta muốn được đối xử. (Ma-thi-ơ 7:12) Điều đó bao hàm việc thận trọng trong lời nói cũng như cách nói. (Cô-lô-se 4:6) Hãy nhớ rằng “lời vô độ đâm-xoi khác nào gươm”. (Châm-ngôn 12:18) Còn trong gia đình thì sao? Vợ chồng nào thật sự yêu thương nhau thì nhạy cảm về cảm nghĩ của nhau. (Ê-phê-sô 5:33) Họ tránh những lời gay gắt, luôn chỉ trích và mỉa mai đay nghiến—tất cả những điều này có thể làm tổn thương mà không dễ gì hàn gắn. Con cái cũng có cảm xúc, và cha mẹ yêu thương lưu ý đến điều này. Khi cần sửa trị con cái, các bậc cha mẹ như thế tôn trọng nhân phẩm của chúng và không làm chúng xấu hổ một cách không cần thiết.c (Cô-lô-se 3:21) Khi tỏ lòng quan tâm như thế đối với người khác, chúng ta cho thấy mình có ý của Đấng Christ.
Sẵn sàng tin cậy người khác
12. Chúa Giê-su có quan điểm thăng bằng, thực tế nào về môn đồ ngài?
12 Chúa Giê-su có quan điểm thăng bằng và thực tế về môn đồ ngài. Ngài biết rõ họ không hoàn toàn. Xét cho cùng, ngài có thể biết được lòng người. (Giăng 2:24, 25) Ngay dù thế, ngài không chỉ nhận thấy những khuyết điểm của họ mà cả những đức tính tốt của họ nữa. Ngài cũng thấy tiềm năng nơi những người mà Đức Giê-hô-va đã kéo đến. (Giăng 6:44) Quan điểm tích cực của Chúa Giê-su về môn đồ ngài thể hiện qua cách ngài cư xử và đối đãi với họ. Trước hết là ngài tỏ ra sẵn sàng tin cậy họ.
13. Chúa Giê-su cho thấy ngài tin cậy các môn đồ như thế nào?
13 Chúa Giê-su biểu lộ lòng tin cậy đó như thế nào? Khi rời trái đất, ngài ủy thác một trách nhiệm nặng nề cho các môn đồ được xức dầu của ngài. Ngài đặt trong tay họ trách nhiệm chăm sóc quyền lợi của Nước ngài trên khắp thế giới. (Ma-thi-ơ 25:14, 15; Lu-ca 12:42-44) Trong thời gian làm thánh chức, ngài cho thấy qua cả cách nho nhỏ, gián tiếp là ngài tin cậy họ. Khi làm đồ ăn gia tăng bằng phép lạ để cho đám đông ăn, ngài giao cho môn đồ trách nhiệm phân phát thức ăn.—Ma-thi-ơ 14:15-21; 15:32-37.
14. Bạn tóm tắt lời tường thuật ghi nơi Mác 4:35-41 như thế nào?
14 Cũng hãy xem lời tường thuật ghi nơi Mác 4:35-41. Vào dịp này, Chúa Giê-su và môn đồ lên thuyền đi về phía đông băng qua Biển Ga-li-lê. Ít lâu sau khi rời bờ, Chúa Giê-su nằm xuống nơi phía sau thuyền và ngủ thiếp đi. Nhưng chẳng bao lâu, “có cơn bão lớn nổi lên”. Những cơn bão như thế không phải là hiếm thấy trên Biển Ga-li-lê. Vì vùng này rất thấp (thấp hơn mặt biển khoảng 200 mét), không khí ở đó ấm hơn nhiều so với vùng xung quanh, vì thế gây ra sự xáo trộn không khí. Thêm vào đó, những luồng gió mạnh thổi xuống Thung Lũng Giô-đanh từ Núi Hẹt-môn, nằm ở phía bắc. Biển đang lặng sóng có thể thình lình chuyển sang dông bão dữ dội. Hãy nghĩ về điều này: Chúa Giê-su chắc chắn biết là thường có bão, vì ngài lớn lên ở Ga-li-lê. Thế nhưng, ngài ngủ yên, tin ở kỹ năng của môn đồ mà một số là người đánh cá.—Ma-thi-ơ 4:18, 19.
15. Chúng ta có thể noi theo việc Chúa Giê-su sẵn sàng tin cậy môn đồ ngài như thế nào?
15 Chúng ta có thể noi theo việc Chúa Giê-su sẵn sàng tin cậy môn đồ không? Một số người thấy khó giao phó trách nhiệm cho người khác. Có thể nói là họ phải luôn luôn cầm đầu. Họ có thể nghĩ: ‘Nếu muốn việc gì làm cho đúng thì tôi phải tự làm!’ Nhưng nếu phải tự làm mọi việc, chúng ta ở vào nguy cơ bị kiệt sức và có lẽ phải dùng thì giờ đáng lẽ dành cho gia đình. Ngoài ra, nếu không giao phó những công việc và trách nhiệm thích hợp cho người khác, chúng ta có thể làm họ mất cơ hội có được kinh nghiệm và sự huấn luyện cần thiết. Điều khôn ngoan là tập tin cậy người khác, giao phó việc cho họ. Chúng ta nên thành thật tự hỏi: ‘Tôi có ý của Đấng Christ về vấn đề này không? Tôi có sẵn sàng giao phó những việc nào đó cho người khác, tin rằng họ sẽ làm hết sức mình không?’
Ngài biểu lộ lòng tin nơi môn đồ
16, 17. Vào đêm cuối của cuộc đời trên đất, Chúa Giê-su đã trấn an các sứ đồ về điều gì dù ngài biết họ sẽ bỏ ngài?
16 Chúa Giê-su biểu lộ một quan điểm tích cực về môn đồ qua một cách quan trọng khác nữa. Ngài cho họ biết là ngài tin tưởng nơi họ. Chúng ta thấy rõ điều này qua lời ngài trấn an các sứ đồ vào đêm cuối của cuộc đời ngài trên đất. Hãy để ý việc gì xảy ra.
17 Đó là một buổi tối mà Chúa Giê-su rất bận rộn. Ngài dạy các sứ đồ một bài học thực tế về sự khiêm nhường bằng cách rửa chân họ. Sau đó, ngài thiết lập bữa ăn tối sau này sẽ là lễ tưởng niệm sự chết của ngài. Thế rồi, các sứ đồ lại tranh luận dữ dội xem ai có vẻ lớn nhất. Luôn luôn kiên nhẫn, Chúa Giê-su không quở mắng họ mà lý luận với họ. Ngài nói với họ điều sẽ xảy ra: “Đêm nay các ngươi sẽ đều vấp-phạm vì cớ ta, như có chép rằng: Ta sẽ đánh kẻ chăn chiên, thì chiên trong bầy sẽ bị tan-lạc”. (Ma-thi-ơ 26:31; Xa-cha-ri 13:7) Ngài biết rằng những người bạn thân thiết nhất sẽ bỏ ngài lúc ngài cần đến họ. Thế nhưng, ngài vẫn không lên án họ. Ngược lại, ngài bảo họ: “Song sau khi ta sống lại rồi, ta sẽ đi đến xứ Ga-li-lê trước các ngươi”. (Ma-thi-ơ 26:32) Đúng vậy, ngài bảo đảm với họ rằng dù họ sẽ bỏ ngài nhưng ngài vẫn không bỏ họ. Khi thử thách gay go này qua khỏi, ngài sẽ gặp lại họ.
18. Tại Ga-li-lê, Chúa Giê-su đã giao cho môn đồ sứ mệnh trọng đại nào, và các sứ đồ thực thi điều đó như thế nào?
18 Chúa Giê-su đã giữ lời. Sau đó, tại Ga-li-lê, Chúa Giê-su phục sinh đã hiện ra trước 11 sứ đồ trung thành; họ hiển nhiên đã tập hợp lại với nhiều người khác. (Ma-thi-ơ 28:16, 17; 1 Cô-rinh-tô 15:6) Ở đó, Chúa Giê-su giao cho họ một sứ mệnh trọng đại: “Vậy, hãy đi dạy-dỗ muôn-dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh-Linh mà làm phép báp-têm cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Sách Công-vụ các Sứ-đồ cho chúng ta bằng chứng rõ ràng là các sứ đồ đã thực thi sứ mệnh đó. Họ trung thành dẫn đầu công việc rao giảng tin mừng trong thế kỷ thứ nhất—Công-vụ các Sứ-đồ 2:41, 42; 4:33; 5:27-32.
19. Hành động của Chúa Giê-su sau khi ngài sống lại dạy chúng ta điều gì về ý của Đấng Christ?
19 Lời tường thuật sâu sắc này dạy chúng ta điều gì về ý của Đấng Christ? Chúa Giê-su thấy tính xấu nhất của các sứ đồ, nhưng ngài ‘cứ yêu họ cho đến cuối-cùng’. (Giăng 13:1) Mặc dù họ có khuyết điểm, ngài vẫn cho họ biết là ngài tin nơi họ. Hãy để ý là Chúa Giê-su đã không tin cậy sai chỗ. Lòng tin cậy và tin tưởng mà ngài đã biểu lộ nơi họ chắc chắn củng cố tinh thần họ để họ quyết tâm thi hành công việc ngài truyền bảo họ làm.
20, 21. Chúng ta có thể biểu lộ quan điểm tích cực về các anh em đồng đức tin như thế nào?
20 Chúng ta có thể biểu lộ ý của Đấng Christ về phương diện này như thế nào? Chớ bi quan về các anh em đồng đức tin. Nếu bạn nghĩ đến cái xấu nhất, thì lời nói và hành động của bạn có thể sẽ cho thấy cảm nghĩ đó. (Lu-ca 6:45) Tuy nhiên, Kinh Thánh nói với chúng ta rằng tình yêu thương “tin mọi sự”. (1 Cô-rinh-tô 13:7) Tình yêu thương thì tích cực chứ không tiêu cực. Nó xây dựng chứ không đánh đổ. Người ta sẵn sàng đáp lại tình yêu thương và sự khích lệ hơn là sự dọa dẫm. Chúng ta có thể xây dựng và khích lệ người khác bằng cách bày tỏ lòng tin cậy nơi họ. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11) Nếu, giống như Đấng Christ, chúng ta có quan điểm tích cực về anh em, chúng ta sẽ đối xử với họ theo cách xây dựng họ và khuyến khích họ biểu lộ những đức tính tốt.
21 Vun trồng và biểu lộ ý của Đấng Christ có ý nghĩa sâu sắc hơn là chỉ bắt chước những điều gì đó Chúa Giê-su làm. Như được đề cập trong bài trước, nếu thật sự muốn hành động như Chúa Giê-su, trước tiên chúng ta phải học tập nhìn vấn đề theo quan điểm của ngài. Các sách Phúc Âm giúp chúng ta thấy được khía cạnh khác của nhân cách ngài, tức ý nghĩ và tình cảm của ngài về công việc ngài được giao phó, như bài tới sẽ thảo luận.
[Chú thích]
a Trong tài liệu này, kẻ giả mạo miêu tả ngoại diện được cho là của Chúa Giê-su, kể cả màu tóc, râu và mắt. Dịch giả Kinh Thánh Edgar J. Goodspeed giải thích rằng tài liệu giả mạo này “nhằm xác nhận sự miêu tả ngoại diện Chúa Giê-su trong các sổ tay của họa sĩ”.
b Rõ ràng những đứa trẻ này ở những tuổi khác nhau. Từ ở đây dịch là “con trẻ” cũng được dùng nói đến đứa con gái 12 tuổi của Giai-ru. (Mác 5:39, 42; 10:13) Tuy nhiên, khi tường thuật cùng câu chuyện này, Lu-ca dùng một từ mà cũng được dùng để chỉ em bé.—Lu-ca 1:41; 2:12; 18:15.
c Xin xem bài “Bạn có tôn trọng phẩm giá của họ không?” trong Tháp Canh, ngày 1-4-1998.
Bạn có thể giải thích không?
• Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào khi các môn đồ cố ngăn cản không cho trẻ con đến với ngài?
• Chúa Giê-su biểu lộ lòng quan tâm đến người khác qua những cách nào?
• Chúng ta có thể noi theo việc Chúa Giê-su sẵn sàng tin cậy môn đồ như thế nào?
• Chúng ta có thể noi theo lòng tin tưởng mà Chúa Giê-su biểu lộ nơi các sứ đồ ngài như thế nào?
[Hình nơi trang 16]
Trẻ con cảm thấy tự nhiên, thoải mái ở gần Chúa Giê-su
[Hình nơi trang 17]
Chúa Giê-su đối xử với người khác một cách nhân từ
[Hình nơi trang 18]
Trưởng lão dễ đến gần là một ân phước