Bạn có tỏ lòng biết ơn không?
Tại một nhà giáo sĩ ở Tây Phi, trước đây có một con chó tên Teddy. Khi có người ném cho Teddy một miếng thịt, nó nuốt chửng ngay lập tức, không thưởng thức, không nhai. Lè lưỡi ra thở dưới ánh mặt trời nhiệt đới, nó chờ miếng khác quăng về phía nó. Khi hết thịt, nó bỏ đi.
Con Teddy không hề tỏ lòng biết ơn chút nào về những gì nó nhận được. Không ai mong đợi nó làm thế. Nghĩ cho cùng, nó chỉ là một con chó.
NÓI về lòng biết ơn, chúng ta thường mong đợi nơi người đồng loại nhiều hơn là nơi thú vật. Nhưng chúng ta thường thất vọng. Nhiều người vơ vét những gì có thể được trong đời sống và mong có thêm. Điều này cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Kinh Thánh đã báo trước rằng trong những ngày sau rốt, người ta bội bạc.—2 Ti-mô-thê 3:1, 2.
Tuy nhiên, tôi tớ của Đức Chúa Trời có một tinh thần khác. Họ nghe theo lời khuyên của sứ đồ Phao-lô dành cho anh em cùng đức tin: “Phải biết ơn”.—Cô-lô-se 3:15.
Đức Giê-hô-va tỏ lòng cảm kích
Giê-hô-va Đức Chúa Trời nêu gương mẫu hoàn hảo trong việc tỏ lòng cảm kích. Hãy xem Ngài nghĩ thế nào về các tôi tớ trung thành. Dưới sự soi dẫn, Phao-lô viết cho tín đồ Đấng Christ người Hê-bơ-rơ: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”.—Hê-bơ-rơ 6:10.
Có nhiều gương về việc Đức Giê-hô-va cảm kích các tôi tớ trung thành của Ngài. Ngài đã ban phước cho Áp-ra-ham bằng cách gia tăng con cháu ông gấp bội, hầu cho họ trở nên “như sao trên trời, đông như cát bờ biển”. (Sáng-thế Ký 22:17) Cảm kích trước sự trung thành của Gióp trong thử thách, Đức Giê-hô-va không những phục hồi tài sản lớn của Gióp mà còn ban cho “gấp hai lần”. (Gióp 42:10) Cách Đức Giê-hô-va đối xử với nhân loại trải qua bao thiên niên kỷ đã chứng thực lời tuyên bố: “Vì con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”.—2 Sử-ký 16:9.
Sự cảm kích của Đức Chúa Trời và tính hay ban thưởng cho những ai tìm cách làm theo ý muốn Ngài là những nét đặc trưng chính yếu của cá tính Ngài. Việc công nhận điều này là trọng tâm của đức tin đạo Đấng Christ. Phao-lô viết: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng... Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài”.—Hê-bơ-rơ 11:6.
Nếu Đức Giê-hô-va biểu lộ một tinh thần khắc nghiệt, hay chỉ trích, thì tất cả chúng ta đều sẽ bị kết án. Từ lâu người viết Thi-thiên đã nêu lên quan điểm này: “Hỡi Đức Giê-hô-va, nếu Ngài cố-chấp sự gian-ác, thì, Chúa ôi! ai sẽ còn sống?” (Thi-thiên 130:3) Đức Giê-hô-va không phải là không cảm kích hoặc hay phê phán. Ngài quí chuộng những ai phụng sự Ngài và tỏ lòng cảm kích đối với họ.
Chúa Giê-su—Một Đấng có lòng cảm kích sâu xa
Phản ánh hoàn toàn những cá tính của Cha ngài trên trời, Chúa Giê-su tỏ lòng cảm kích đối với những điều người khác làm vì đức tin. Hãy xem những gì đã xảy ra trong đền thờ tại Giê-ru-sa-lem: “Đức Chúa Jêsus vừa ngó lên, thấy những kẻ giàu bỏ tiền lễ vào rương, lại thấy một mụ góa nghèo bỏ vào hai đồng tiền. Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác. Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu-thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình”.—Lu-ca 21:1-4.
Theo quan điểm tiền bạc, số tiền đóng góp ấy không đáng là bao, đặc biệt khi so với phần đóng góp của người giàu. Hầu hết những người có mặt chắc chẳng thèm để ý đến bà chút nào. Thế nhưng, Chúa Giê-su đã nhìn thấy bà góa ấy. Ngài nhận thức được hoàn cảnh của bà. Chúa Giê-su đã nhìn thấy và cảm kích trước việc bà làm.
Một trường hợp khác liên quan đến Ma-ri, một người đàn bà giàu có. Khi Chúa Giê-su nằm tựa bên bàn ăn, bà đổ dầu thơm rất đắt tiền lên đầu và chân ngài. Một số người phê phán hành động của bà, lý luận rằng dầu ấy đáng lẽ nên đem bán đi, và dùng tiền giúp người nghèo. Chúa Giê-su ứng xử thế nào? Ngài nói: “Hãy để mặc người; sao các ngươi làm rầy người mà chi? Người đã làm một việc tốt cho ta. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, trong khắp cả thế-gian, hễ nơi nào Tin-lành nầy được giảng ra, việc người đã làm cũng sẽ được nhắc lại để nhớ đến người”.—Mác 14:3-6, 9; Giăng 12:3.
Chúa Giê-su không than phiền chỉ trích vì dầu quí giá đó đã không được dùng vào việc khác. Ngài cảm kích hành động rộng rãi biểu lộ tình yêu thương và đức tin của Ma-ri. Sự việc này được ghi lại trong Kinh Thánh để nhắc đến nghĩa cử của bà. Những lời tường thuật này và nhiều chuyện khác nữa chứng tỏ rằng Chúa Giê-su đã có lòng cảm kích sâu xa.
Nếu bạn là một tôi tớ của Đức Chúa Trời, bạn có thể chắc chắn rằng cả Đức Giê-hô-va lẫn Chúa Giê-su Christ đều cảm kích sâu xa trước những nỗ lực của bạn nhằm phát huy sự thờ phượng thanh sạch. Sự hiểu biết như thế giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su và thúc đẩy chúng ta noi gương hai Đấng ấy bằng cách tỏ lòng biết ơn.
Tinh thần hay chỉ trích của Sa-tan
Bây giờ chúng ta hãy xem xét một trường hợp của một kẻ vong ân—Sa-tan Ma-quỉ. Sự vô ơn của Sa-tan đã khiến hắn dẫn đầu cuộc phản loạn tai hại chống lại Đức Chúa Trời.
Khi đã ấp ủ một tinh thần bất mãn hay chỉ trích trong thâm tâm, Sa-tan bắt đầu gieo rắc tinh thần ấy vào lòng người khác. Hãy xem xét các biến cố trong vườn Ê-đen. Đức Giê-hô-va đã tạo nên người nam và người nữ đầu tiên, đặt họ vào một cảnh vườn địa đàng, và bảo họ: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn”. Chỉ có một hạn chế. Đức Chúa Trời nói: “Về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”.—Sáng-thế Ký 2:16, 17.
Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, Sa-tan đã thách thức uy tín của Đức Giê-hô-va. Một phần vì muốn biến Ê-va thành một kẻ vong ân đối với Đức Giê-hô-va đến nỗi lòng vô ơn thúc đẩy bà chống lại Ngài, giống như chính Sa-tan đã làm phản vậy. Sa-tan hỏi: “Đức Chúa Trời há có phán dặn các ngươi không được phép ăn trái các cây trong vườn sao?” (Sáng-thế Ký 3:1) Hàm ý là Đức Chúa Trời đã giữ lại cho riêng mình một điều quí giá mà không cho Ê-va, một cái gì đó khiến bà sáng mắt ra, trở nên giống như Đức Chúa Trời. Thay vì tỏ lòng biết ơn về những ân phước mà Đức Giê-hô-va đã rộng rãi ban cho, Ê-va bắt đầu thèm thuồng điều bị cấm đoán.—Sáng-thế Ký 3:5, 6.
Hậu quả tai hại đã quá rõ. Dù mang danh Ê-va, “vì bà là mẹ của tất cả các sinh linh”, nhưng theo một nghĩa khác lại trở thành mẹ của mọi người đang đi dần đến chỗ chết. Từ A-đam, cả nhân loại gánh chịu tội lỗi gây ra sự chết.—Sáng-thế Ký 3:20, Trịnh Văn Căn; Rô-ma 5:12.
Hãy noi gương Đức Chúa Trời và Đấng Christ
Hãy xem xét sự tương phản giữa Sa-tan và Chúa Giê-su. Kinh Thánh mô tả Sa-tan là “kẻ kiện-cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện-cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời”. (Khải-huyền 12:10) Chúa Giê-su “có thể cứu toàn-vẹn những kẻ nhờ Ngài mà đến gần Đức Chúa Trời, vì Ngài hằng sống để cầu thay cho những kẻ ấy”.—Hê-bơ-rơ 7:25.
Sa-tan buộc tội các tôi tớ của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su tỏ lòng cảm kích và cầu thay cho họ. Là những người noi gương Đấng Christ, các tín đồ Đấng Christ nên cố gắng tìm kiếm những điều tốt của nhau, tỏ lòng cảm kích và quí trọng lẫn nhau. Làm thế, họ tỏ lòng biết ơn đối với Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng nêu gương mẫu siêu việt về lòng cảm kích.—1 Cô-rinh-tô 11:1.
[Hình nơi trang 17]
Chúa Giê-su tỏ lòng cảm kích về nghĩa cử của Ma-ri