“Biết xét-đoán lấy mình” vào kỳ Lễ Kỷ Niệm
“Nếu chúng ta biết xét-đoán lấy mình, thì khỏi bị xét-đoán... hầu cho khỏi bị [kết] án” (1 CÔ-RINH-TÔ 11:31, 32).
1. Tín đồ thật của đấng Christ nhất quyết tránh gì, và tại sao?
ĐIỀU người tín đồ đấng Christ hẳn không muốn bị Đức Giê-hô-va xử phạt. Khiến “đấng đoán-xét toàn thế-gian” phật lòng có thể sẽ đưa đến việc “bị kể cũng như người độc ác” (người thế gian) và mất hẳn hy vọng được cứu rỗi, dầu cho chúng ta có hy vọng sống trên trời với Giê-su hoặc sống đời đời trong địa-đàng trên đất (Sáng-thế Ký 18:25; I Cô-rinh-tô 11:32).
2, 3. Chúng ta có thể bị xử phạt trong vấn đề gì, và Phao-lô đã nói gì về điều nầy?
2 Trong sách I Cô-rinh-tô đoạn 11, sứ đồ Phao-lô đề cập đến một vấn đề hệ trọng mà chúng ta có thể bị xét đoán. Dù là ông nói cùng các tín đồ đấng Christ được xức dầu, tuy vậy lời khuyên của ông quan trọng cho tất cả, nhất là trong thời gian nầy. Nhận biết vị thế của mình giúp chúng ta được Đức Chúa Trời tán thưởng và không bị xử phạt. Bàn về cách cử hành lễ “Tiệc thánh của Chúa”, Phao-lô viết:
3 “Chúa Giê-su, trong đêm ngài bị nộp, lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra mà phán rằng: Nầy là thân-thể ta, vì các ngươi mà phó cho; hãy làm điều nầy để nhớ ta. Cũng một thể ấy, sau khi ăn bữa tối rồi, ngài lấy chén và phán rằng: Chén nầy là sự giao-ước mới trong huyết ta; hễ khi nào các ngươi uống, hãy làm điều nầy để nhớ ta. Ấy vậy, mỗi lần anh em ăn bánh nầy, uống chén nầy, thì rao sự chết của Chúa cho tới lúc ngài đến” (I Cô-rinh-tô 11:23-26).a
4. Điều gì sẽ diễn ra vào buổi tối ngày 30-3-1991?
4 Ngày 30-3-1991, sau khi mặt trời lặn, các Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ cử hành lễ Kỷ niệm sự chết của đấng Christ. Thường thường mỗi hội-thánh nhóm riêng như vậy sẽ có đủ chỗ cho những người khác nữa đến mà không phải là Nhân-chứng Giê-hô-va. Buổi nhóm họp sẽ diễn ra như thế nào? Sẽ có một bài giảng căn cứ theo Kinh-thánh. Sau đó, có cầu nguyện, và dĩa bánh được chuyền. Rồi cầu nguyện nữa trước khi chuyền ly rượu. Làm những điều nầy không phải theo thể thức nghi lễ cứng rắn, nhưng tùy hội-thánh địa phương chỉ định về số bánh và chén cùng cách thức rượu, bánh được chuyền tùy theo hoàn cảnh địa phương. Điều chủ yếu là các món nầy có đủ để được chuyền cho tất cả mọi người có mặt, dầu là rất có thể không ai dự phần ăn bánh và uống rượu. Tuy vậy, các món chuyền đi từng người gồm những gì và có ý nghĩa gì? Hơn nữa, chúng ta phải xem xét điều gì trước để nhận rõ vị thế của mình?
“Nầy là thân-thể ta”
5, 6. a) Giê-su đã lấy bánh làm gì? b) Ngài dùng loại bánh gì?
5 Chúng ta đã đọc rằng Phao-lô “có nhận nơi Chúa” về các điều liên quan đến lễ Kỷ niệm. Cũng có sự tường thuật của ba người viết Phúc-âm, một trong số đó có mặt khi Giê-su lập ra lễ nầy (I Cô-rinh-tô 11:23; Ma-thi-ơ 26:26-29; Mác 14:22-25; Lu-ca 22:19, 20). Các sự tường thuật nầy ghi rằng trước tiên Giê-su lấy bánh, tạ ơn, rồi bẻ ra phân phát cho các sứ đồ. Bánh nầy là gì? Tương đương với điều nầy, ngày nay chúng ta dùng gì? Bánh có nghĩa tượng trưng gì, hoặc biểu hiệu cho điều gì?
6 Lúc ấy có sẵn các món vẫn hằng dùng trong lễ Vượt qua của người Do-thái, một món là bánh không men, mà Môi-se gọi là “bánh không men, tức là bánh hoạn-nạn” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:3; Xuất Ê-díp-tô Ký 12:8). Bánh được làm với bột không có thêm men, muối hoặc gia vị. Không có men (theo tiếng Hê-bơ-rơ mats.tsah’), bánh thì dẹp và dòn, phải bẻ ra từng mảnh nhỏ để ăn (Mác 6:41; 8:6; Công-vụ các Sứ-đồ 27:35).
7. Các Nhân-chứng Giê-hô-va dùng gì làm bánh dùng trong lễ Kỷ niệm?
7 Giê-su đã dùng bánh không men trong buổi lễ “Tiệc thánh của Chúa”, do đó các Nhân-chứng Giê-hô-va ngày nay cũng làm vậy. Nếu mua được bánh mát-xô (matzoth) thường mà người Do-thái làm sẵn để bán thì có thể dùng được nếu không có thêm những món như mạch nha, hành hoặc trứng gà. (Bánh mát-xô nếu có thêm các món nầy thì không hợp với sự miêu tả là “bánh hoạn-nạn”). Hoặc có thể các trưởng lão cử người nào trong hội-thánh làm bánh không men dùng bột mì và nước lã. Nếu nơi nào không có sẵn bột mì thì có thể làm bánh không men với bột lúa mạch, bột gạo, bắp hoặc ngũ cốc khác. Bột được cán mỏng và hấp trong lò trên một miếng thiếc có tráng chút dầu.
8. Tại sao bánh không men là một biểu hiệu thích hợp và dùng bánh đó có ý nghĩa gì? (Hê-bơ-rơ 10:5-7; I Phi-e-rơ 4:1).
8 Bánh thể nầy thích hợp vì không có men (bột nổi), vì theo Kinh-thánh men tượng trưng cho sự hư nát hoặc tội lỗi. Phao-lô đã răn dạy về một người vô luân trong hội-thánh: “Một chút men làm cho cả đống bột dậy lên... Hãy làm cho mình sạch men cũ đi, hầu cho... như anh em là bánh không men vậy. Vì đấng Christ là con sinh lễ Vượt-qua của chúng ta, đã bị giết rồi. Vậy thì, chúng ta hãy giữ lễ, chớ dùng men cũ, chớ dùng men gian-ác độc-dữ, nhưng dùng bánh không men của sự thật-thà và của lẽ thật” (I Cô-rinh-tô 5:5-8; so sánh Ma-thi-ơ 13:33; 16:6, 12). Bánh không men dùng làm biểu hiệu thích hợp cho thân thể xác thịt của Giê-su vì ngài “thánh-khiết, không tội, không ô-uế, biệt khỏi kẻ có tội” (Hê-bơ-rơ 7:26). Giê-su có mặt ở đó trong thể xác thịt hoàn toàn khi ngài nói cùng các sứ đồ: “Hãy lấy bánh ăn và ăn đi, nầy là thân-thể ta” (Ma-thi-ơ 26:26). Ăn bánh có nghĩa một người tin vào các lợi ích của sự chết hy sinh của Giê-su và nhận sự hy sinh nầy. Tuy nhiên, còn có ý nghĩa nhiều hơn thế nữa.
Rượu với nghĩa tượng trưng
9. Giê-su nói phải dùng một món biểu hiệu nào khác?
9 Giê-su dùng một món biểu hiệu khác nữa: “Ngài lại lấy chén, tạ ơn rồi, đưa cho môn-đồ mà rằng: Hết thảy hãy uống đi; vì nầy là huyết ta, huyết của sự giao-ước đã đổ ra cho nhiều người được tha tội” (Ma-thi-ơ 26:27, 28). Ngài đã chuyền một chén chung trong đó có gì, và có nghĩa gì cho chúng ta khi chúng ta cố gắng tự đoán xét vị thế của mình?
10. Rượu được thêm vào lễ Vượt qua của dân Do-thái như thế nào?
10 Khi ban đầu Môi-se viết luật về lễ Vượt qua, ông không đề cập đến một thức uống nào. Nhiều học giả tin rằng một thời gian dài sau đó thì rượu mới có phần trong lễ Vượt qua, có lẽ vào thế kỷ thứ hai trước tây lịch.b Dầu sao, việc dùng rượu trong lễ ăn nầy thành thông thường vào thế kỷ thứ nhất, và Giê-su không chống đối việc nầy. Ngài đã dùng rượu của lễ Vượt qua khi thành lập lễ Kỷ niệm.
11. Dùng rượu loại nào mới thích hợp cho lễ “Tiệc thánh của Chúa”?
11 Bởi lễ Vượt qua của người Do-thái diễn ra một thời gian lâu sau mùa hái nho, Giê-su đã dùng, không phải nước nho không lên men, mà là rượu đỏ dễ dàng tượng trưng cho huyết của ngài. (So sánh Khải-huyền 14:20). Huyết của đấng Christ không cần gia vị, do đó rượu thường là được, không nên dùng các thứ rượu pha mạnh thêm bằng rượu nồng (như rượu porto, rượu trắng hoặc rượu nho xạ) hoặc có thêm gia vị hay được thảo (như rượu vermouth, hiệu Dubonnet hoặc nhiều rượu khai vị). Song chúng ta không cần quá bận tâm về các chất gì có trong rượu, hoặc có thêm đường vào hay không khi rượu lên men để vừa uống hoặc chuẩn độ rượu cao hay thấp hoặc có bỏ lưu huỳnh vào hay không cho khỏi mau hư.c Nhiều hội-thánh dùng rượu đỏ mua ở tiệm (như thể hiệu Chianti, Burgundy, Beaujolais hoặc rượu chát đỏ) hoặc giản dị rượu đỏ làm tại nhà. Rượu và bánh chỉ là những biểu hiệu để tượng trưng; do đó, còn dư thì có thể mang về nhà sau đó và dùng như các thức ăn và đồ uống thường.
12. Giê-su giải thích rượu có ý nghĩa tượng trưng gì?
12 Sự kiện Giê-su đề cập đến huyết ngài trong đêm có lễ Vượt qua có thể làm tưởng nhớ đến huyết của các con chiên (làm lễ vật hy sinh) hồi thời ở tại Ê-díp-tô. Nhưng hãy lưu ý thật ra Giê-su đã nói đến một điều khác biệt: “Chén nầy là giao-ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra” (Lu-ca 22:20). Trước đó Đức Chúa Trời đã lập một giao ước với dân Y-sơ-ra-ên xác thịt, và khánh thành điều đó với huyết của vật sinh lễ. Có sự tương ứng với huyết của các vật sinh lễ nầy với huyết của Giê-su. Cả hai điều đều có liên quan đến việc Đức Chúa Trời lập một giao ước với dân sự Ngài làm thành một dân tộc (hay một nước) (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:3-8; Hê-bơ-rơ 9:17-20). Một đặc điểm của giao ước Luật pháp là dân Y-sơ-ra-ên xác thịt có triển vọng lập thành một nước có các vua kiêm thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6). Tuy nhiên, sau khi dân Y-sơ-ra-ên không vâng giữ nổi giao ước của Đức Giê-hô-va, Ngài nói sẽ thay thế “giao-ước trước” bằng “một giao-ước mới” (Hê-bơ-rơ 9:1, 15; Giê-rê-mi 31:31-34). Chén rượu mà nay Giê-su chuyền cho các sứ đồ trung thành tượng trưng cho giao ước mới nầy.
13, 14. a) Được ở trong giao ước mới có nghĩa là gì? b) Dự phần ăn bánh và uống rượu dùng làm các món biểu hiệu có nghĩa tượng trưng là gì?
13 Các tín đồ đấng Christ được dự phần trong giao ước mới nầy hợp thành một dân tộc thiêng liêng hay một nước gồm các vua kiêm thầy tế lễ (Ga-la-ti 6:16). Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Anh em là dòng-giống được lựa-chọn, là chức thầy tế-lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao-giảng nhơn-đức của đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối-tăm, đến nơi sáng-láng lạ-lùng của Ngài” (I Phi-e-rơ 2:9). Sự cứu rỗi họ nhận được thật rõ ràng—đó là đời sống trên trời với tư cách là phó vua cùng với Giê-su. Khải-huyền 20:6 xác nhận điều nầy: “Phước thay và thánh thay những kẻ được phần về sự sống lại thứ nhứt!.. những người ấy sẽ làm thầy tế-lễ của Đức Chúa Trời và của đấng Christ, cùng sẽ trị-vì với Ngài trong một ngàn năm”.
14 Thật thế, sau khi dạy các sứ đồ dùng các món làm biểu hiệu là bánh và rượu, Giê-su nói họ sẽ “được ăn uống chung bàn trong nước [của ngài], và được ngồi ngai để xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 22:28-30). Do đó, dự phần ăn và uống các món biểu hiệu nầy trong ngày lễ Kỷ niệm có ý nghĩa sâu xa hơn là chỉ tin vào sự hy sinh của Giê-su. Tất cả các tín đồ đấng Christ đều phải chấp nhận giá chuộc và thực hành đức tin nếu muốn đạt đến sự sống đời đời (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 6:51). Nhưng dự phần ăn bánh và uống rượu tượng trưng có nghĩa người đó ở trong giao ước mới, được chọn để ở với Giê-su trong Nước Trời.
Cần xét đoán lấy mình vào kỳ lễ Kỷ niệm
15. Giê-su đã đưa ra thế nào một hy vọng mới cho các tôi tớ của Đức Chúa Trời?
15 Như bài trước đã giải thích, trước thời của Giê-su thì các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời không có hy vọng lên trời. Họ trông mong vào đời sống vĩnh cửu trên đất, chỗ ở nguyên thủy của loài người. Giê-su Christ là người đầu tiên được sống lại trong thể thần linh, và ngài là người đầu tiên được cất lên trời (Ê-phê-sô 1:20-22; I Phi-e-rơ 3:18-22). Phao-lô đã xác nhận điều nầy, khi ông viết: “Chúng ta nhờ huyết Chúa Giê-su được dạn-dĩ vào nơi rất thánh, bởi đường mới và sống mà ngài đã mở” (Hê-bơ-rơ 10:19, 20). Sau khi Giê-su đã mở đường như vậy, có ai sẽ được theo sau ngài?
16. Những ai dự phần ăn bánh uống rượu làm biểu hiệu tượng trưng có tương lai gì?
16 Trong đêm Giê-su lập ra lễ “Tiệc thánh của Chúa”, ngài cho các sứ đồ trung thành biết ngài sẽ đi sửa soạn cho họ một chỗ trên trời (Giăng 14:2, 3). Song le, hãy nhớ Giê-su cũng có nói những ai dự phần ăn bánh uống rượu làm biểu hiệu tượng trưng sẽ được ở trong Nước Trời và ngồi trên các ngai để đoán xét. Đây chỉ nói về các sứ đồ thôi sao? Không, vì sau đó sứ đồ Giăng được biết có những tín đồ đấng Christ khác cũng sẽ đắc thắng và “ngồi với [Giê-su] trên ngôi [ngài]”, và cùng nhau hợp thành một “nước, và thầy tế-lễ... trị-vì trên mặt đất” (Khải-huyền 3:21; 5:10). Giăng cũng được biết tổng số các tín đồ đấng Christ “được chuộc khỏi đất” là 144.000 người (Khải-huyền 14:1-3). Bởi vì đây là một nhóm tương đối nhỏ, một “bầy nhỏ” nếu so với tất cả những người thờ phượng Đức Chúa Trời từ trước tới nay, chúng ta cần tự xét đoán lấy mình cách kỹ lưỡng trong kỳ lễ Kỷ niệm (Lu-ca 12:32).
17, 18. a) Có những tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô đã phát triển một thực hành xấu nào? b) Tại sao ăn uống quá độ trở nên một vấn đề quan trọng đến thế? (Hê-bơ-rơ 10:28-31).
17 Điều nầy Phao-lô nêu lên trong thư ông gửi cho các anh em ở Cô-rinh-tô, thời đó một số sứ đồ còn sống và Đức Chúa Trời kêu gọi những tín đồ đấng Christ để trở nên “thánh-đồ”. Phao-lô nói có những anh em đã phát triển một thực hành xấu khi họ phải dự phần ăn bánh uống rượu. Một ít người đã ăn uống quá độ trước khi đến nhóm lại, do đó buồn ngủ và không còn tâm trí sáng suốt nữa. Bởi vậy họ không thể “phân-biệt thân Chúa”, có nghĩa thân thể xác thịt của Giê-su được tượng trưng bởi bánh. Điều nầy quan trọng đến thế sao? Chắc chắn. Khi dự phần ăn uống cách không xứng đáng thì họ sẽ “mắc tội với thân và huyết của Giê-su”. Nếu tỉnh táo về mặt tâm trí lẫn thiêng liêng họ sẽ có thể “xét-đoán lấy mình, thì khỏi bị xét-đoán” (I Cô-rinh-tô 1:2; 11:20-22, 27-31).
18 Các tín đồ đấng Christ thời đó cần phải suy xét kỹ về điều chi và thế nào? Trước tiên, họ phải ý thức trong lòng và trong trí rằng họ được chọn trong lớp 144.000 người để thừa hưởng sự sống trên trời. Làm sao họ biết được, và phải chăng nhiều người ngày nay tin họ cũng thuộc nhóm nhỏ mà Đức Chúa Trời đã bắt đầu chọn từ thời các sứ đồ?
19. Lễ Kỷ niệm năm 1990 cho thấy rõ sự kiện nào?
19 Thực ra, ngày nay chỉ một thiểu số rất nhỏ các tín đồ thật của đấng Christ xét được điều nầy cho họ. Vào lễ “Tiệc thánh của Chúa” năm 1990, có trên 9.950.000 người nhóm lại trong các hội-thánh Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp đất. Khoảng hơn 8.800 người tự tin họ có hy vọng được “cứu-vớt vào trong nước trên trời” (II Ti-mô-thê 4:18). Còn đa số—đúng, hằng triệu các tín đồ khác cũng trung thành và được phước cùng tụ tập—tự xét đoán lấy mình rằng họ có hy vọng sống đời đời trên đất.
20. Làm thế nào những người trong số 144.000 biết rằng họ đã được chọn? (I Giăng 2:27).
20 Trong lễ Ngũ tuần năm 33 tây lịch, Đức Chúa Trời bắt đầu chọn 144.000 người để cho họ sống trên trời. Vì đây là hy vọng mới mẻ, mà các tôi tớ của Đức Chúa Trời trước thời Giê-su không hề có, vậy làm thế nào những người được chọn đó biết chắc về hy vọng cho họ? Họ nhận biết nhờ sự làm chứng của thánh linh Đức Chúa Trời. Điều nầy không có nghĩa họ thấy được thánh linh (vì đó không phải là một nhân vật) hoặc liên lạc được với thánh linh, và cũng chẳng phải họ nghe những tiếng lạ từ miệt thiêng liêng. Phao-lô giải thích: “Chính thánh linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời... cũng là kẻ kế-tự: kẻ kế-tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế-tự với đấng Christ” (Rô-ma 8:16, 17).
21. a) Làm thế nào những người được xức dầu biết chắc họ có hy vọng lên trời? (I Cô-rinh-tô 10:15-17). b) Những người xức dầu là hạng người như thế nào, và họ cần gì để khiêm nhường chứng minh hy vọng của họ?
21 Sự làm chứng hoặc sự nhận biết nầy khiến họ điều chỉnh lối suy nghĩ và hy vọng sống của họ. Họ vẫn còn là người, vui hưởng những điều tốt trong sự sáng tạo vật chất của Đức Giê-hô-va, song chiều hướng chính của đời họ và những cố gắng ưu tiên đều hướng đến vai trò “đồng kế-tự” với đấng Christ. Họ không dựa vào sự xúc động nhất thời để thay đổi như vậy. Họ là những người bình thường, thăng bằng trong quan điểm và hạnh kiểm. Song thánh linh của Đức Chúa Trời đã làm cho họ nên thánh, họ thành thực tin chắc về sự kêu gọi đó, họ không có một chút nghi ngờ nào. Họ nhận biết sự cứu rỗi của họ là sẽ được lên trời nếu họ chứng tỏ trung thành (II Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; II Ti-mô-thê 2:10-12). Họ hiểu biết giá chuộc của Giê-su có ý nghĩa gì cho họ và họ xét đoán thấy mình thuộc về những người được xức dầu. Như vậy, trong sự khiêm nhường, họ dự phần ăn bánh uống rượu là các biểu hiệu tượng trưng trong lễ Kỷ niệm.
22. Hầu hết những người dự “Tiệc thánh của Chúa” sẽ xét đoán về điều gì?
22 Đa số những người vâng lời nhóm lại trong ngày 30-3-1991 không có hy vọng nầy, vì Đức Chúa Trời đã không “xức dầu” họ bằng thánh linh, không chọn họ lên trời. Như nói trên, Đức Chúa Trời đã bắt đầu chọn số 144.000 người từ thời các sứ đồ. Nhưng khi con số nầy đủ rồi thì hẳn những người khác cùng đến thờ phượng Ngài sẽ có hy vọng giống như Môi-se, Đa-vít, Giăng Báp-tít và những người trung thành khác đã chết trước khi Giê-su mở đường lên trời. Như vậy, hằng triệu tín đồ đấng Christ trung thành và hăng hái ngày nay không dự phần ăn uống các món biểu hiệu tượng trưng trong lễ Kỷ niệm. Những tín đồ đấng Christ nầy xét đoán lấy mình về vị thế của họ trước mặt Đức Chúa Trời có nghĩa họ suy xét để biết mình có hy vọng chắc chắn gì. Họ hưởng lợi ích từ thân và huyết của Giê-su nhờ được tha tội và rồi đạt đến sự sống vô tận trên đất (I Phi-e-rơ 1:19; 2:23; Khải-huyền 7:9, 15).
23. Tại sao ngày lễ Kỷ niệm sẽ là một sự cử hành vui vẻ? (So sánh II Sử-ký 30:21).
23 Vậy thì chúng ta hãy vui mừng hướng về buổi lễ cử hành ngày 30-3-1991. Đó là một kỳ lễ để tự xét đoán và cũng là một kỳ để vui mừng. Vui mừng cho số ít người có hy vọng lên trời, họ làm đúng và vâng phục Đức Chúa Trời khi dự phần ăn bánh và uống rượu (Khải-huyền 19:7). Cũng vui mừng vì hằng triệu tín đồ đấng Christ đến đó sẽ phấn khởi xem xét, học hỏi và có hy vọng được mãi mãi sống trên đất để nhớ dịp lễ đầy ý nghĩa nầy (Giăng 3:29).
[Chú thích]
a “Chúa Yêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy Bánh, và tạ ơn xong, Ngài bẻ ra và nói: Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự này mà nhớ đến Ta. Cũng vậy về Chén, sau khi dùng bữa tối xong, Ngài nói: Chén này là Giao ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến Ta”. (Bản dịch linh mục Nguyển thế Thuấn).
b Một học giả đề nghị quan điểm nầy để giải thích tại sao rượu được thêm vào: “[Lễ Vượt qua] không còn là một lễ trang trọng dành cho người nam trưởng thành, mà là một dịp lễ trong gia đình, do đó đương nhiên là có rượu”. (trích “Lễ Vượt qua của người Hê-bơ-rơ—Từ thuở ban đầu cho đến năm 70 tây lịch”. [The Hebrew Passover—From Earliest Times to A.D. 70], do J. B. Segal).
c Từ thuở xưa, người ta dùng muối, lòng trắng trúng gà và các chất khác để làm cho rượu được trong hoặc làm nổi màu hoặc mùi vị của rượu, người La-mã dùng ngay đến lưu huỳnh để khử trùng khi làm rượu.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Tại sao bánh không men được dùng trong dịp lễ Kỷ niệm, và điều nầy có nghĩa tượng trưng gì?
◻ Chén gì sẽ được chuyền trong lễ “Tiệc thánh của Chúa” và điều nầy tượng trưng cho gì?
◻ Tại sao cần suy xét cẩn thận liên quan đến lễ Kỷ niệm?
◻ Tại sao bạn vui mưng chờ đón được dự ngày lễ Kỷ niệm sắp tới?