CHƯƠNG 13
“Tôi yêu thương Cha”
1, 2. Sứ đồ Giăng tiết lộ điều gì về đêm cuối Chúa Giê-su ở cùng các sứ đồ?
Một người đàn ông lớn tuổi cầm cây bút trên tay, tâm trí đong đầy kỷ niệm. Ông là Giăng, sứ đồ cuối cùng còn sống. Lúc này Giăng độ 100 tuổi, ông hồi tưởng lại buổi tối đáng nhớ nhất vào khoảng bảy mươi năm trước—buổi tối cuối cùng ông và các sứ đồ khác ở bên Chúa Giê-su trước khi ngài chết. Được thần khí thánh soi dẫn, Giăng có thể nhớ và ghi lại chi tiết những sự kiện đã xảy ra.
2 Đêm đó, Chúa Giê-su nói rõ ngài sắp phải đối mặt với cái chết. Giăng là người duy nhất ghi lại lời giải thích của Chúa Giê-su về lý do ngài sẵn sàng chịu cái chết đau đớn: “Để thế gian biết tôi yêu thương Cha, tôi làm đúng theo lệnh Cha đã truyền. Hãy đứng dậy, chúng ta đi khỏi đây thôi”.—Giăng 14:31.
3. Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy ngài yêu thương Cha?
3 “Tôi yêu thương Cha”. Đối với Chúa Giê-su, không điều gì quan trọng bằng tình yêu thương của ngài với Cha. Dù chúng ta thấy câu nói ấy xuất hiện duy nhất nơi Giăng 14:31, nhưng Chúa Giê-su luôn sống đúng với những lời ấy. Tình yêu thương ngài dành cho Cha được thể hiện rõ mỗi ngày. Sự can đảm, vâng lời và chịu đựng của ngài là bằng chứng cho thấy ngài yêu thương Cha. Tình yêu này cũng là động lực thúc đẩy Chúa Giê-su thi hành thánh chức.
4, 5. Kinh Thánh nói đến tình yêu thương nào, và chúng ta có thể nói gì về tình yêu thương mà Chúa Giê-su dành cho Đức Giê-hô-va?
4 Ngày nay, khi nói đến tình yêu, người ta thường nghĩ đến tình cảm lãng mạn giữa những đôi trai gái. Loại tình yêu này hay xuất hiện trong các bài thơ ca. Kinh Thánh cũng nói về tình yêu lãng mạn, nhưng bằng những lời lẽ cao đẹp hơn người thời nay thường dùng (Châm ngôn 5:15-21). Tuy vậy, Lời Đức Chúa Trời nói nhiều hơn về một loại tình yêu khác. Loại tình yêu này không phải là cảm xúc thoáng qua, cũng không phải là triết lý khô khan. Nó bao gồm cả lòng và trí. Tình yêu thương này bắt nguồn từ bên trong, được chi phối bởi các nguyên tắc cao quý và được thể hiện qua hành động tích cực. Tình yêu thương này không hời hợt, chóng tàn phai. Lời Đức Chúa Trời nói: “Tình yêu thương tồn tại mãi”.—1 Cô-rinh-tô 13:8.
5 Không ai yêu thương Đức Giê-hô-va bằng Chúa Giê-su. Chúa Giê-su nêu gương tuyệt hảo trong việc sống theo những lời mà ngài gọi là điều răn quan trọng nhất: “Ngươi phải yêu thương Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi hết lòng, hết mình, hết tâm trí và hết sức lực” (Mác 12:30). Chúa Giê-su đã vun trồng tình yêu thương đó như thế nào? Trong thời gian ở trên đất, ngài giữ cho tình yêu thương của mình với Đức Chúa Trời luôn sâu đậm ra sao? Làm thế nào chúng ta có thể noi gương ngài?
Tình yêu thương lâu bền và mạnh mẽ nhất
6, 7. Làm sao chúng ta biết đoạn Châm ngôn 8:22-31 nói đến Con Đức Chúa Trời, chứ không phải cho sự khôn ngoan?
6 Có lẽ bạn từng làm việc chung với một người bạn và cả hai càng trở nên thân thiết. Trải nghiệm vui đó có thể giúp bạn hiểu phần nào về tình yêu thương giữa Đức Giê-hô-va và Con một. Những chương trước đã đề cập câu Châm ngôn 8:30, nhưng giờ đây chúng ta hãy xem xét kỹ câu này trong văn cảnh. Trong đoạn Châm ngôn 8:22-31, sự khôn ngoan được nhân cách hóa. Làm sao chúng ta biết những lời này nói đến Chúa Giê-su?
7 Trong câu 22, sự khôn ngoan nói: “Đức Giê-hô-va đã tạo nên ta là khởi đầu của công cuộc sáng tạo, là công trình đầu tiên trong những công trình thuở xa xưa của ngài”. Câu này không nói đến sự khôn ngoan, vì đức tính này không được “tạo nên”. Đức Giê-hô-va luôn hiện hữu và ngài luôn là đấng khôn ngoan, vì thế sự khôn ngoan không có khởi đầu (Thi thiên 90:2). Nhưng Chúa Giê-su là “con đầu tiên trong tất cả các tạo vật”. Ngài được tạo nên và là công trình đầu tay của Đức Giê-hô-va (Cô-lô-se 1:15). Như sách Châm ngôn nói, người Con này đã hiện hữu từ trước khi trời đất được dựng nên. Là Ngôi Lời, tức Phát Ngôn Viên của Đức Chúa Trời, ngài phản ánh hoàn hảo sự khôn ngoan của Cha.—Giăng 1:1.
8. Chúa Giê-su đã làm gì trước khi xuống thế, và chúng ta ý thức điều gì khi thán phục các công trình sáng tạo?
8 Trong vô số năm trước khi xuống trái đất, Chúa Giê-su đã làm gì? Câu 30 cho biết ngài làm việc bên cạnh Đức Chúa Trời với tư cách là “thợ cả”. Điều này có nghĩa gì? Cô-lô-se 1:16 giải thích: “Qua Con ấy mà mọi tạo vật khác được dựng nên ở trên trời và dưới đất... Mọi tạo vật khác đều được dựng nên qua ngài và cho ngài”. Vậy, Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa, đã dùng Con làm “thợ cả” để tạo ra muôn vật, bao gồm tạo vật thần linh trên trời, vũ trụ bao la, trái đất với nhiều loại động thực vật phong phú và đỉnh điểm của công trình sáng tạo trên đất là con người. Theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể ví sự cộng tác giữa Cha và Con với sự cộng tác giữa kiến trúc sư và chủ thầu xây dựng, người thực hiện bản thiết kế. Khi trầm trồ thán phục các công trình sáng tạo, thật ra chúng ta đang ngợi khen Kiến Trúc Sư Vĩ Đại (Thi thiên 19:1). Tuy nhiên, chúng ta cũng ý thức rằng đó là kết quả của sự cộng tác lâu năm và mỹ mãn giữa Đấng Tạo Hóa và “thợ cả”.
9, 10. (a) Điều gì củng cố tình yêu thương giữa Đức Giê-hô-va và Con ngài? (b) Điều gì có thể giúp bạn củng cố tình yêu thương với Cha trên trời?
9 Hai người bất toàn làm việc chung thì đôi khi nảy sinh bất đồng. Nhưng Đức Giê-hô-va và Con ngài không như thế! Con làm việc vô số năm cùng với Cha và “luôn luôn vui mừng tại trước mặt ngài” (Châm ngôn 8:30). Thật vậy, Chúa Giê-su vui thích làm việc cùng Cha, và Đức Giê-hô-va cũng thế. Điều đương nhiên là Con ngày càng giống Cha, tập noi theo các đức tính của Cha. Vì thế, chẳng lạ gì khi tình yêu thương giữa hai Cha Con rất sâu đậm! Có thể nói đó là tình yêu thương lâu bền và mạnh mẽ nhất trong vũ trụ.
10 Nhưng điều đó có nghĩa gì với chúng ta? Có thể bạn cảm thấy mình không thể vun trồng tình yêu thương như thế với Đức Giê-hô-va. Đúng là không ai trong chúng ta có vị thế như Chúa Giê-su, nhưng chúng ta có một cơ hội tuyệt vời. Hãy nhớ Chúa Giê-su gần gũi với Cha hơn nhờ làm việc cùng Cha. Đức Giê-hô-va yêu thương cho chúng ta cơ hội “cùng làm việc” với ngài (1 Cô-rinh-tô 3:9). Khi tham gia thánh chức, hãy luôn nhớ rằng chúng ta là người cùng làm việc với Đức Chúa Trời. Nhờ thế, tình yêu thương của chúng ta với Đức Giê-hô-va ngày càng sâu đậm. Có đặc ân nào lớn hơn thế không?
Làm sao Chúa Giê-su giữ tình yêu thương với Cha luôn mạnh mẽ?
11-13. (a) Tại sao có thể ví tình yêu thương như một cây, và làm thế nào Chúa Giê-su giữ tình yêu thương với Cha luôn mạnh mẽ? (b) Điều gì cho thấy Chúa Giê-su thích được Đức Giê-hô-va dạy dỗ, cả trước khi xuống thế và khi ở trên đất?
11 Có thể ví tình yêu thương như một cây. Cây cần được chăm sóc để phát triển tốt và tình yêu thương cũng thế. Nếu thiếu sự chăm sóc, tình yêu thương sẽ suy giảm và tàn lụi. Chúa Giê-su không bao giờ nghĩ rằng tình yêu thương của ngài với Cha tự phát triển và bền vững. Ngài giữ cho tình yêu thương đó luôn mạnh mẽ trong suốt thời gian trên đất. Bằng cách nào?
12 Hãy nghĩ đến lời Chúa Giê-su nói tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem lúc còn bé. Khi cha mẹ đi tìm ngài, Chúa Giê-su nói với họ: “Sao cha mẹ lại kiếm con? Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lu-ca 2:49). Hồi nhỏ, hẳn những ký ức về đời sống trên trời chưa tái hiện trong Chúa Giê-su. Tuy nhiên, tình yêu thương ngài dành cho Cha rất mạnh mẽ. Ngài ý thức rằng tình yêu thương ấy cần được thể hiện qua việc thờ phượng. Vì thế, không nơi nào trên đất thu hút Chúa Giê-su bằng nhà Cha, nơi thờ phượng thanh sạch. Ngài rất muốn ở đó và không muốn rời khỏi. Hơn thế, khi ở đấy, ngài không thụ động ngồi xem. Ngài háo hức học về Đức Giê-hô-va và chia sẻ những gì ngài biết. Những cảm xúc ấy không chỉ mới bắt đầu lúc ngài 12 tuổi và cũng không chấm dứt khi đó.
13 Trước khi xuống thế, Con Đức Chúa Trời đã sốt sắng học từ Cha. Một lời tiên tri nơi Ê-sai 50:4-6 cho biết Đức Giê-hô-va dạy Con về vai trò của Đấng Mê-si. Dù sự giáo dục đó bao gồm những thử thách mà Đấng Được Xức Dầu phải chịu, nhưng Chúa Giê-su vẫn hăng hái học. Sau này, khi xuống trái đất và lớn lên là người trưởng thành, ngài tiếp tục háo hức đến nhà Cha để thờ phượng cũng như tham gia vào chương trình giáo dục mà Đức Giê-hô-va sắm sẵn cho dân ngài. Kinh Thánh tường thuật Chúa Giê-su đều đặn đến đền thờ và nhà hội (Lu-ca 4:16; 19:47). Nếu muốn giữ cho tình yêu thương của mình với Đức Giê-hô-va luôn mạnh mẽ, chúng ta cần siêng năng tham dự các buổi nhóm họp. Tại đó, chúng ta thờ phượng Đức Giê-hô-va và gia tăng sự hiểu biết cũng như lòng biết ơn đối với ngài.
14, 15. (a) Tại sao Chúa Giê-su tìm những nơi vắng vẻ? (b) Chúa Giê-su thể hiện sự thân mật và kính trọng với Cha như thế nào trong lời cầu nguyện?
14 Chúa Giê-su cũng giữ cho tình yêu thương của ngài với Đức Giê-hô-va mạnh mẽ qua việc đều đặn cầu nguyện. Dù là người hòa đồng và thân thiện, Chúa Giê-su rất quý những giây phút được ở một mình. Chẳng hạn, Lu-ca 5:16 nói: “Ngài thường đi đến những nơi vắng vẻ để cầu nguyện”. Tương tự, Ma-thi-ơ 14:23 cho biết: “Sau khi cho đoàn dân về, ngài lên núi một mình để cầu nguyện. Khi trời tối, ngài vẫn ở đó một mình”. Nhiều lần Chúa Giê-su tìm nơi vắng vẻ, không phải để ở ẩn hoặc tránh tiếp xúc với mọi người, nhưng ngài muốn có thời gian riêng để nói chuyện thoải mái với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện.
15 Khi cầu nguyện, có lúc Chúa Giê-su nói “A-ba, Cha ơi” (Mác 14:36). Trong thời Chúa Giê-su, “A-ba” là cách gọi thân mật và kính trọng của con đối với cha, là một trong những tiếng gọi đầu đời của một em bé. Như vậy, cách Chúa Giê-su gọi “A-ba” không những cho thấy sự thân mật giữa ngài và Cha, mà còn cho thấy lòng kính trọng của ngài đối với uy quyền của Đức Giê-hô-va. Sự thân mật và kính trọng đó luôn thể hiện trong những lời cầu nguyện của Chúa Giê-su. Chẳng hạn, Giăng chương 17 ghi lại lời cầu nguyện dài và chân thành của Chúa Giê-su trong đêm cuối cùng trên đất. Chúng ta nên xem xét và bắt chước lời cầu nguyện đó, không phải bằng cách lặp lại nguyên văn, nhưng bằng cách tìm mọi cơ hội để cầu nguyện chân thành với Đức Giê-hô-va. Khi làm thế, chúng ta sẽ giữ cho tình yêu thương của mình với ngài luôn mạnh mẽ.
16, 17. (a) Chúa Giê-su bày tỏ tình yêu thương với Cha qua cách nào? (b) Làm thế nào Chúa Giê-su cho thấy Cha có lòng rộng rãi?
16 Như đã nói ở trên, câu nói của Chúa Giê-su là “tôi yêu thương Cha” chỉ xuất hiện một lần trong các lời tường thuật về ngài. Tuy nhiên, nhiều lần ngài đã bày tỏ tình yêu thương ấy bằng lời. Ngài cầu nguyện: “Lạy Cha, là Chúa của trời đất, con ca ngợi Cha trước công chúng” (Ma-thi-ơ 11:25). Trong phần 2, chúng ta đã biết Chúa Giê-su thích ca ngợi Cha qua việc giúp người khác biết về Cha. Chẳng hạn, ngài ví Đức Giê-hô-va như một người cha rất muốn tha thứ cho người con lầm lạc. Ông chờ đợi người con ấy trở về, và khi thấy con ở đằng xa, ông chạy đến ôm choàng lấy cổ (Lu-ca 15:20). Có ai không cảm động khi đọc lời miêu tả sinh động của Chúa Giê-su về tình yêu thương và lòng khoan dung của Đức Giê-hô-va?
17 Chúa Giê-su thường khen ngợi lòng rộng rãi của Cha. Ngài dùng ví dụ về người cha bất toàn để đảm bảo rằng Cha trên trời sẽ ban cho chúng ta thần khí thánh khi cần (Lu-ca 11:13). Chúa Giê-su cũng nói về hy vọng mà Cha rộng lòng ban cho. Ngài vui sướng miêu tả về hy vọng của mình là sắp được về trời bên cạnh Cha (Giăng 14:28; 17:5). Ngài nói với môn đồ về hy vọng Đức Giê-hô-va ban cho “bầy nhỏ”, đó là họ sẽ được lên trời cai trị với Vua Mê-si (Lu-ca 12:32; Giăng 14:2). Ngài cũng an ủi một kẻ tử tội bằng cách chia sẻ với anh ta hy vọng sống trong địa đàng (Lu-ca 23:43). Chắc chắn, việc nói cho người khác về lòng rộng rãi của Cha đã giúp Chúa Giê-su giữ cho tình yêu thương của ngài với Cha luôn mạnh mẽ. Nhiều môn đồ Chúa Giê-su thấy việc nói cho người khác biết về Đức Giê-hô-va, và hy vọng ngài ban cho những ai yêu mến ngài là cách tốt nhất để củng cố tình yêu thương và đức tin của mình với ngài.
Bạn có noi gương Chúa Giê-su không?
18. Điều quan trọng nhất chúng ta cần noi gương Chúa Giê-su là gì, và tại sao?
18 Trong tất cả những điều chúng ta cần noi gương Chúa Giê-su, điều quan trọng nhất là yêu thương Đức Giê-hô-va hết lòng, hết mình, hết sức lực và hết tâm trí (Lu-ca 10:27). Tình yêu thương này cần được chứng thực qua hành động, chứ không chỉ cảm xúc. Chúa Giê-su không chỉ yêu thương Cha bằng cảm xúc hay đơn thuần nói “tôi yêu thương Cha”. Ngài nói: “Để thế gian biết tôi yêu thương Cha, tôi làm đúng theo lệnh Cha đã truyền” (Giăng 14:31). Sa-tan đã cáo buộc rằng con người phụng sự Đức Giê-hô-va vì động cơ ích kỷ (Gióp 2:4, 5). Để đáp lại thỏa đáng lời vu khống hiểm độc đó, Chúa Giê-su đã can đảm hành động và cho thế gian biết ngài yêu Cha đến mức nào. Ngài vâng lời Cha đến độ sẵn sàng hy sinh mạng sống. Bạn có noi gương Chúa Giê-su không? Bạn có cho thế gian thấy mình thật sự yêu thương Đức Giê-hô-va không?
19, 20. (a) Chúng ta muốn đều đặn tham dự nhóm họp vì những lý do quan trọng nào? (b) Chúng ta nên có quan điểm nào về việc học hỏi cá nhân, suy ngẫm và cầu nguyện?
19 Tình yêu thương với Đức Giê-hô-va là điều thiết yếu giúp chúng ta vững mạnh về thiêng liêng. Vì thế, Đức Giê-hô-va có sự sắp đặt thờ phượng nhằm giúp chúng ta nuôi dưỡng và củng cố tình yêu thương đó. Hãy nhớ rằng khi tham dự nhóm họp, bạn đang thờ phượng Đức Giê-hô-va. Khía cạnh thờ phượng này bao gồm có mặt để cùng cầu nguyện, hát chúc tụng Đức Giê-hô-va, chăm chú lắng nghe và tham gia vào buổi họp nếu có thể. Các buổi nhóm họp cũng cho bạn cơ hội để khuyến khích anh em đồng đạo (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Đều đặn thờ phượng Đức Giê-hô-va tại các buổi nhóm họp sẽ giúp bạn củng cố tình yêu thương với ngài.
20 Việc học Kinh Thánh cá nhân, suy ngẫm và cầu nguyện cũng giúp chúng ta vun đắp tình yêu thương với Đức Giê-hô-va. Hãy xem đó là những cơ hội để chúng ta có thời gian riêng với ngài. Khi học và suy ngẫm Lời ngài, Đức Giê-hô-va cho chúng ta biết ý của ngài. Khi cầu nguyện, chúng ta trải lòng với ngài. Hãy nhớ rằng lời cầu nguyện bao hàm nhiều hơn là chỉ cầu xin. Đó cũng là cơ hội để chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va về những ân phước mình nhận được và ngợi khen các công việc kỳ diệu của ngài (Thi thiên 146:1). Ngoài ra, việc vui mừng và sốt sắng ca ngợi Đức Giê-hô-va trước công chúng là cách tốt nhất để cảm tạ ngài và chứng tỏ chúng ta yêu thương ngài.
21. Tình yêu thương với Đức Giê-hô-va quan trọng như thế nào, và chúng ta sẽ xem điều gì trong những chương tới?
21 Tình yêu thương với Đức Giê-hô-va là bí quyết để có được niềm hạnh phúc vĩnh hằng. Đó chính là đức tính mà A-đam và Ê-va cần để giữ sự vâng lời, nhưng họ lại không vun trồng. Đó là đức tính chính yếu mà chúng ta cần để vượt qua những thử thách về đức tin, kháng cự cám dỗ và chịu đựng gian khổ. Đó là yếu tố quan trọng nhất để một người có thể bước theo Chúa Giê-su. Dĩ nhiên, tình yêu thương với Đức Chúa Trời gắn liền với tình yêu thương người đồng loại (1 Giăng 4:20). Trong những chương tới, chúng ta sẽ xem Chúa Giê-su đã thể hiện tình yêu thương với con người như thế nào. Chương kế tiếp sẽ xem tại sao nhiều người cảm thấy dễ đến gần Chúa Giê-su.