Đức Giê-hô-va đem nhiều con đến sự vinh hiển
“[Đức Chúa Trời] vì muốn đem nhiều con đến sự vinh-hiển, thì đã khiến Đấng làm cội-rễ sự cứu-rỗi của những con ấy, nhờ sự đau-đớn mà nên trọn-lành, là phải lắm” (HÊ-BƠ-RƠ 2:10).
1. Tại sao chúng ta có thể tin chắc rằng ý định của Đức Giê-hô-va đối với loài người sẽ được ứng nghiệm?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA đã tạo nên trái đất để làm nhà ở đời đời cho gia đình nhân loại hoàn toàn hầu cho họ hưởng đời sống vô tận (Truyền-đạo 1:4; Ê-sai 45:12, 18). Đành rằng, ông tổ của chúng ta là A-đam đã phạm tội và vì thế truyền lại tội lỗi và sự chết cho con cháu. Nhưng ý định của Đức Chúa Trời cho loài người sẽ được thực hiện qua Dòng Dõi được Hứa là Chúa Giê-su Christ (Sáng-thế Ký 3:15; 22:18; Rô-ma 5:12-21; Ga-la-ti 3:16). Lòng yêu thương đối với thế gian loài người đã khiến Đức Giê-hô-va ban “Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Và lòng yêu thương đã thúc đẩy Chúa Giê-su “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28). “Giá chuộc” này chuộc lại quyền lợi và triển vọng mà A-đam đã làm mất và đem lại hy vọng sống đời đời cho loài người (I Ti-mô-thê 2:5, 6; Giăng 17:3).
2. Việc áp dụng sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su đã được tượng trưng bởi Ngày Lễ Chuộc Tội hàng năm ở Y-sơ-ra-ên như thế nào?
2 Việc áp dụng sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su được tượng trưng bởi Ngày Lễ Chuộc Tội hàng năm. Vào ngày đó, thầy tế lễ thượng phẩm của dân Y-sơ-ra-ên, trước hết dâng một con bò đực để làm của-lễ chuộc tội, và dâng huyết của con vật trước Hòm giao ước trong nơi Chí Thánh của đền tạm, và sau này trong đền thờ. Thầy tế lễ thượng phẩm dâng của-lễ chuộc tội này vì ông, gia đình ông, và chi phái Lê-vi. Tương tự như vậy, Chúa Giê-su Christ đã dâng cho Đức Chúa Trời giá trị của huyết ngài để chuộc tội, trước hết cho các “anh em” thiêng liêng của ngài (Hê-bơ-rơ 2:12; 10:19-22; Lê-vi Ký 16:6, 11-14). Vào Ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm cũng dâng một con dê làm của lễ chuộc tội, và dâng huyết con vật trong nơi Chí Thánh để chuộc tội cho 12 chi phái Y-sơ-ra-ên không thuộc ban tế lễ. Tương tự như thế, Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm Giê-su Christ sẽ dùng huyết của ngài để xóa bỏ tội lỗi của những người thực hành đức tin (Lê-vi Ký 16:15).
Đem đến sự vinh hiển
3. Theo Hê-bơ-rơ 2:9, 10, Đức Chúa Trời đã làm gì trong khoảng thời gian 1.900 năm?
3 Trong thời gian 1.900 năm, Đức Chúa Trời đã thực hiện một số việc đáng kể liên quan đến các “anh em” của Chúa Giê-su. Về điều này, sứ đồ Phao-lô viết: “Đức Chúa Jêsus nầy, mà đã ở dưới các thiên-sứ một-chút, chúng ta thấy Ngài, vì sự chết Ngài đã chịu được đội mão triều vinh-hiển tôn-trọng. Ấy vậy, bởi ân-điển của Đức Chúa Trời, Đức Chúa Jêsus đã vì mọi người nếm sự chết. Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài [Giê-hô-va Đức Chúa Trời], vì muốn đem nhiều con đến sự vinh-hiển, thì đã khiến Đấng làm cội-rễ sự cứu-rỗi của những con ấy, nhờ sự đau-đớn mà nên trọn-lành, là phải lắm” (Hê-bơ-rơ 2:9, 10). Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi chính là Chúa Giê-su Christ, tức là đấng đã học vâng lời trọn vẹn qua những sự đau đớn mà ngài đã chịu, khi làm người sống trên đất (Hê-bơ-rơ 5:7-10). Chúa Giê-su là tạo vật đầu tiên được sanh ra làm con thần linh của Đức Chúa Trời.
4. Khi nào và bằng cách nào Chúa Giê-su được nhận làm Con thiêng liêng của Đức Chúa Trời?
4 Đức Giê-hô-va qua thánh linh, hay sinh hoạt lực, đã sanh ra Chúa Giê-su làm Con thiêng liêng, để đem ngài đến sự vinh hiển trên trời. Trong lúc ở một mình với Giăng Báp-tít, Chúa Giê-su đã trầm mình hoàn toàn dưới nước để biểu trưng sự trình diện với Đức Chúa Trời. Sách Phúc Âm của Lu-ca tường thuật: “Khi hết thảy dân-chúng đều chịu phép báp-têm, Đức Chúa Jêsus cũng chịu phép báp-têm. Ngài đương cầu-nguyện thì trời mở ra, Đức Thánh-Linh lấy hình chim bồ-câu ngự xuống trên Ngài; lại có tiếng từ trên trời phán rằng: Ngươi là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường” (Lu-ca 3:21, 22). Giăng nhìn thấy thánh linh ngự trên Chúa Giê-su, và nghe Đức Giê-hô-va công khai chấp nhận Chúa Giê-su làm Con yêu dấu ngài. Vào lúc bấy giờ và qua thánh linh, Đức Giê-hô-va sanh ra Chúa Giê-su với tư cách là con đầu tiên trong số ‘nhiều người con được đem đến sự vinh hiển’.
5. Ai là những người đầu tiên hưởng lợi ích từ sự hy sinh của Chúa Giê-su, và có bao nhiêu người trong số họ?
5 Các “anh em” của Chúa Giê-su là những người đầu tiên được hưởng lợi ích từ sự hy sinh của ngài (Hê-bơ-rơ 2:12-18). Trong sự hiện thấy, sứ đồ Giăng thấy họ đã ở trong sự vinh hiển trên Núi Si-ôn trên trời cùng với Chiên Con là Chúa Giê-su Christ được sống lại. Giăng cũng tiết lộ con số những người này, nói rằng: “Tôi nhìn xem, thấy Chiên Con đứng trên núi Si-ôn, và với Ngài có mười bốn vạn bốn ngàn người đều có danh Chiên Con và danh Cha Chiên Con ghi trên trán mình... Những kẻ đó đã được chuộc từ trong loài người, để làm trái đầu mùa cho Đức Chúa Trời và Chiên Con; trong miệng chúng chẳng có lời nói dối nào hết, cũng không có dấu-vết gì” (Khải-huyền 14:1-5). Vậy thì số ‘nhiều người con được đem đến sự vinh hiển’ trên trời chỉ gồm có 144.001 người—tức là Chúa Giê-su và các anh em thiêng liêng của ngài.
“Sanh bởi Đức Chúa Trời”
6, 7. Ai được “sanh bởi Đức Chúa Trời”, và điều này có nghĩa gì đối với họ?
6 Những người nào được Đức Giê-hô-va ban sự sống thiêng liêng đều phải “sanh bởi Đức Chúa Trời”. Khi nói về những người như thế, sứ đồ Giăng viết: “Ai sanh bởi Đức Chúa Trời, thì chẳng phạm tội, vì hột giống của Đức Chúa Trời ở trong người, và người không thể phạm tội được, vì đã sanh bởi Đức Chúa Trời” (I Giăng 3:9). “Hột giống” này chính là thánh linh của Đức Chúa Trời. Thánh linh cùng với lẽ thật của Đức Chúa Trời đã khiến mỗi người trong số 144.000 người được ‘sanh lại’ để có hy vọng lên trời (I Phi-e-rơ 1:3-5, 23).
7 Chúa Giê-su là Con trên đất của Đức Chúa Trời từ lúc sanh ra làm người, giống như người hoàn toàn A-đam là “con Đức Chúa Trời” (Lu-ca 1:35; 3:38). Tuy nhiên, sau khi Chúa Giê-su làm báp têm, việc Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ngươi là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường”, là một điều đáng kể (Mác 1:11). Qua lời tuyên bố này cùng với sự sinh hoạt của thánh linh, rõ ràng là lúc bấy giờ, Đức Chúa Trời sanh ra Chúa Giê-su làm Con thiêng liêng của Ngài. Nói theo nghĩa bóng, vào lúc đó Chúa Giê-su được “sanh lại” với quyền làm Con thần linh của Đức Chúa Trời trên trời một lần nữa. Giống như ngài, các anh em thiêng liêng của ngài gồm 144.000 người đều được “sanh lại” (Giăng 3:1-8; xem số Tháp Canh, ngày 15-8-1993, trang 3-6). Cũng giống như Chúa Giê-su, họ được Đức Chúa Trời xức dầu và được giao cho sứ mệnh rao truyền tin mừng (Ê-sai 61:1, 2; Lu-ca 4:16-21; I Giăng 2:20).
Bằng chứng được Đức Chúa Trời sanh ra
8. Có bằng chứng nào là những người này được thánh linh sanh ra: a) Chúa Giê-su và b) các môn đồ thời ban đầu?
8 Có bằng chứng cho thấy rằng, Chúa Giê-su đã được sanh ra bởi thánh linh. Giăng Báp-tít đã nhìn thấy thánh linh ngự trên Chúa Giê-su, và nghe lời tuyên bố của Đức Chúa Trời là đấng Mê-si mới được xức dầu đã trở thành con thiêng liêng của ngài. Nhưng làm thế nào các môn đồ của Chúa Giê-su biết rằng, họ đã được thánh linh sanh ra? Vào ngày ngài lên trời, Chúa Giê-su nói: “Giăng đã làm phép báp-têm bằng nước, nhưng trong ít ngày, các ngươi sẽ chịu phép báp-têm bằng Đức Thánh-Linh” (Công-vụ các Sứ-đồ 1:5). Các môn đồ của Chúa Giê-su đã làm “báp-têm bằng Đức Thánh-linh” vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Vào lúc thánh linh được đổ xuống, cũng có ‘tiếng từ trời như tiếng gió thổi ào-ào’ và “lưỡi rời rạc... như lưỡi bằng lửa” trên mỗi môn đồ. Điều đáng chú ý nhất, là các môn đồ có khả năng “nói các thứ tiếng khác, theo như Đức Thánh-Linh cho mình nói”. Vậy người ta đã trông và nghe thấy bằng chứng cho thấy rằng con đường đưa đến sự vinh hiển trên trời với tư cách là con Đức Chúa Trời đã được mở ra cho các môn đồ của đấng Christ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-4, 14-21; Giô-ên 2:28, 29).
9. Có bằng chứng nào cho thấy rằng người Sa-ma-ri, ông Cọt-nây, và những người khác vào thế kỷ thứ nhất đã được thánh linh sanh ra?
9 Một khoảng thời gian sau đó, người rao truyền tin mừng là Phi-líp rao giảng trong xứ Sa-ma-ri. Mặc dù những người Sa-ma-ri đã chấp nhận thông điệp của ông và làm báp têm, nhưng họ thiếu bằng chứng để minh chứng rằng Đức Chúa Trời đã sanh ra họ làm con của ngài. Khi sứ đồ Phi-e-rơ và Giăng cầu nguyện và đặt tay trên những người tin đạo này thì họ “đều được nhận lấy Đức Thánh-Linh” và những người quan sát đã nhìn thấy rõ ràng điều đó (Công-vụ các Sứ-đồ 8:4-25). Đây chính là bằng chứng cho thấy rằng những người Sa-ma-ri tin đạo đã được sanh ra bằng thánh linh để làm con cái của Đức Chúa Trời. Tương tự như thế, vào năm 36 CN, Cọt-nây và những người ngoại khác đã nhận lẽ thật của Đức Chúa Trời. Phi-e-rơ và những người Do Thái tin đạo đi theo ông “đều lấy làm lạ, vì thấy sự ban-cho Đức Thánh-Linh cũng đổ ra trên người ngoại nữa. Vì các tín-đồ đó nghe họ nói tiếng ngoại-quốc [lạ, NW], và khen-ngợi Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:44-48). Nhiều tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất đã nhận được “sự ban-cho thiêng-liêng [thánh linh, NW]”, chẳng hạn như nói tiếng lạ (I Cô-rinh-tô 14:12, 32). Cho nên những người này có bằng chứng rõ ràng là họ đã được thánh linh sanh ra. Nhưng làm thế nào các tín đồ đấng Christ sau này có thể biết rằng chính họ có được thánh linh sanh ra hay không?
Được thánh linh làm chứng
10, 11. Trên căn bản Rô-ma 8:15-17, bạn sẽ giải thích thế nào về việc thánh linh làm chứng cho những người đồng kế tự với đấng Christ?
10 Tất cả 144.000 tín đồ đấng Christ được xức dầu đều có bằng chứng dứt khoát cho thấy rằng họ có thánh linh của Đức Chúa Trời. Về phương diện này, Phao-lô viết: “[Anh em] đã nhận lấy thần-trí của sự làm con nuôi, và nhờ đó chúng ta kêu rằng: A-ba! Cha! Chính Đức Thánh-Linh làm chứng cho lòng chúng ta rằng chúng ta là con-cái Đức Chúa Trời. Lại nếu chúng ta là con-cái, thì cũng là kẻ kế-tự: kẻ kế-tự Đức Chúa Trời và là kẻ đồng kế-tự với Đấng Christ, miễn chúng ta đều chịu đau-đớn với Ngài, hầu cho cũng được vinh-hiển với Ngài” (Rô-ma 8:15-17). Các tín đồ đấng Christ được xức dầu đều có tình con thắm thiết với Cha trên trời của họ. Họ nhận thức sâu sắc rằng họ là con ngài (Ga-la-ti 4:6, 7). Họ hoàn toàn tin chắc rằng họ đã được Đức Chúa Trời sanh ra làm con thiêng liêng và sẽ đồng kế tự với đấng Christ trong Nước Trời. Trong việc này, thánh linh của Đức Giê-hô-va đóng một vai trò rõ ràng.
11 Dưới ảnh hưởng của thánh linh Đức Chúa Trời, những người được xức dầu có một tinh thần, hoặc thái độ mạnh mẽ, thúc đẩy họ tích cực đáp ứng những điều được nói đến trong Lời của Đức Chúa Trời liên quan đến hy vọng lên trời. Chẳng hạn, khi đọc đến những câu Kinh-thánh nói về con cái thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, họ tự nhiên nhận biết rằng những câu như thế áp dụng cho họ (I Giăng 3:2). Họ biết rằng họ đã làm “báp-têm trong Đức Chúa Jêsus-Christ” và trong sự chết của ngài (Rô-ma 6:3). Họ tin tưởng một cách chắc chắn rằng họ là con cái thiêng liêng của Đức Chúa Trời và họ sẽ chết và được làm sống lại để vào sự vinh hiển trên trời giống như Chúa Giê-su.
12. Thánh linh của Đức Chúa Trời đã có tác động nào đối với những tín đồ đấng Christ được xức dầu?
12 Việc được sanh ra làm con thiêng liêng không phải do sự cố ham muốn mà được. Những người được sanh ra bằng thánh linh không phải muốn lên trời chỉ vì họ đau buồn về những sự gian khổ hiện tại trên đất (Gióp 14:1). Trái lại, thánh linh của Đức Giê-hô-va tác động trên những người thật sự được xức dầu để sinh ra niềm hy vọng và ước muốn không giống như người ta nói chung. Những người được xức dầu biết rằng sự sống đời đời với tư cách là người hoàn toàn trong địa đàng trên đất giữa những người thân yêu và bạn bè hạnh phúc là một đời sống tuyệt diệu. Tuy nhiên, đời sống như thế không phải là điều ước ao chính trong lòng họ. Những người được xức dầu có niềm hy vọng lên trời mạnh mẽ đến nỗi họ sẵn sàng hy sinh tất cả triển vọng và tình cảm gắn bó trên đất (II Phi-e-rơ 1:13, 14).
13. Theo II Cô-rinh-tô 5:1-5, Phao-lô ‘hết sức mong’ điều gì, và điều này cho thấy gì về những người được thánh linh xức dầu?
13 Niềm hy vọng lên trời của những người này do Đức Chúa Trời ban cho rất mãnh liệt đến nỗi họ có cùng cảm nghĩ giống như của Phao-lô, ông viết: “Chúng ta biết rằng nếu nhà tạm [cái lều, NW] của chúng ta dưới đất đổ-nát, thì chúng ta lại có nhà đời đời tại trên trời, bởi Đức Chúa Trời, không phải bởi tay người làm ra. Vì chúng ta thật than-thở trong nhà tạm [cái lều, NW] nầy, mà hết sức mong được mặc lấy nhà chúng ta từ trên trời, miễn là gặp thấy chúng ta đang mặc áo, không trần-truồng. Bởi chưng chúng ta ở trong nhà tạm nầy, than-thở dưới gánh nặng, vì chúng ta không cầu cho bị lột trần, song cầu cho được mặc lại, để sự gì hay chết trong chúng ta bị sự sống nuốt đi. Đấng đã gây-dựng chúng ta cho được sự ấy, ấy là Đức Chúa Trời, đã ban của-tin của Đức Thánh-Linh cho chúng ta” (II Cô-rinh-tô 5:1-5). Phao-lô “hết sức mong” được sống lại trên trời với tư cách là một tạo vật thần linh bất tử. Khi nói về thể xác con người, ông dùng phép ẩn dụ về cái lều có thể gấp gọn, một chỗ trú ẩn mỏng manh và tạm thời so với một căn nhà. Mặc dù sống trên đất trong thể xác thịt có thể chết được, nhưng những tín đồ đấng Christ nào nhận được thánh linh như một vật làm tin về sự sống ở trên trời, đều trông đợi “nhà... bởi Đức Chúa Trời”, một thể thần linh bất tử không hư nát (I Cô-rinh-tô 15:50-53). Giống như Phao-lô, họ có thể nói một cách mạnh mẽ: “Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin-cậy, muốn lìa bỏ thân-thể [xác-thịt] nầy đặng ở cùng Chúa [trên trời] thì hơn” (II Cô-rinh-tô 5:8).
Được nhận vào giao ước đặc biệt
14. Khi thiết lập Lễ Kỷ Niệm, Chúa Giê-su đã đề cập đầu tiên đến giao ước nào, và giao ước đó đóng vai trò nào liên quan đến dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng?
14 Các tín đồ được thánh linh sanh ra biết chắc rằng họ đã được nhận vào hai giao ước đặc biệt. Chúa Giê-su đã nhắc đến một trong hai giao ước này khi ngài dùng bánh không men và rượu để thiết lập Lễ Kỷ Niệm sự chết của ngài; ngài nói về ly rượu: “Chén nầy là giao-ước mới trong huyết ta vì các ngươi mà đổ ra” (Lu-ca 22:20; I Cô-rinh-tô 11:25). Ai có phần trong giao ước mới? Giê-hô-va Đức Chúa Trời và những người thuộc Y-sơ-ra-ên thiêng liêng—tức là những người mà Đức Giê-hô-va có ý định đem đến sự vinh hiển trên trời (Giê-rê-mi 31:31-34; Ga-la-ti 6:15, 16; Hê-bơ-rơ 12:22-24). Nhờ huyết của Chúa Giê-su đổ ra mà giao ước mới này có hiệu lực. Giao ước ấy lấy ra từ các nước một dân tộc mang danh Đức Giê-hô-va và khiến những tín đồ được thánh linh sanh ra này trở thành một phần của “dòng-dõi” Áp-ra-ham (Ga-la-ti 3:26-29; Công-vụ các Sứ-đồ 15:14). Qua giao ước mới, tất cả những người Y-sơ-ra-ên thiêng liêng được đem đến sự vinh hiển qua sự sống lại để sống bất tử trên trời. Là “giao-ước đời đời”, cho nên các lợi ích trong giao ước đó sẽ còn lại mãi mãi. Tương lai sẽ cho chúng ta thấy là giao ước này sẽ đóng một vai trò nào đó trong thời đại Một Ngàn Năm và sau đó hay không (Hê-bơ-rơ 13:20).
15. Phù hợp với Lu-ca 22:28-30, các môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su bắt đầu được nhận vào giao ước nào khác, và khi nào điều đó xảy ra?
15 Mỗi người trong số “nhiều người con” mà Đức Giê-hô-va có ý định ‘đem đến sự vinh hiển’ cũng được nhận vào giao ước về một Nước ở trên trời. Chúa Giê-su nói về giao ước này giữa ngài và các môn đồ theo ngài như sau: “Còn như các ngươi, đã bền lòng theo ta trong mọi sự thử-thách ta, nên ta [lập giao ước, NW] ban nước cho các ngươi, cũng như Cha ta đã [lập giao ước, NW] ban cho ta vậy, để các ngươi được ăn uống chung bàn trong nước ta, và được ngồi ngai để xét-đoán mười hai chi-phái Y-sơ-ra-ên” (Lu-ca 22:28-30). Giao ước về Nước Trời bắt đầu có hiệu lực khi các môn đồ của Chúa Giê-su được thánh linh xức dầu vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Giao ước đó vẫn còn hiệu lực mãi mãi giữa đấng Christ và những người là vua phụ cùng cai trị với ngài (Khải-huyền 22:5). Vậy thì những tín đồ đấng Christ được thánh linh sanh ra biết chắc rằng họ đang ở trong giao ước mới và trong giao ước về Nước Trời. Cho nên trong buổi lễ Bữa Tiệc Thánh của Chúa, chỉ những người được xức dầu còn sót lại trên đất, con số tương đối ít, mới dùng bánh, tượng trưng cho thân thể không có tội của Chúa Giê-su, và rượu, tiêu biểu cho huyết hoàn toàn của ngài đã đổ ra cho đến chết để làm cho giao ước mới có hiệu lực (I Cô-rinh-tô 11:23-26; xem số Tháp Canh (Anh ngữ), ngày 1-2-1989, trang 17-20).
Được kêu gọi, được chọn và tỏ ra trung tín
16, 17. a) Để đem đến sự vinh hiển, tất cả 144.000 người phải làm gì? b) “Mười vì vua” là ai, và họ đối xử với các “anh em” của đấng Christ còn sót lại trên đất như thế nào?
16 Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su có tác dụng đầu tiên là tạo cơ hội để 144.000 người được kêu gọi lên trời và được Đức Chúa Trời chọn để xức dầu bằng thánh linh. Dĩ nhiên, để được đem đến sự vinh hiển, họ phải hết sức ‘chắc-chắn về sự Chúa kêu-gọi và chọn-lựa của họ’ và họ phải tỏ ra trung tín cho đến chết (II Phi-e-rơ 1:10; Ê-phê-sô 1:3-7; Khải-huyền 2:10). Một nhóm nhỏ những người được xức dầu còn sót lại trên đất đang giữ lòng trung kiên, dù họ bị “mười vì vua”, tượng trưng cho tất cả các cường quốc chính trị, chống đối. Một thiên sứ đã nói: “Chúng chiến-tranh cùng Chiên Con, Chiên Con sẽ được thắng, vì là Chúa của các chúa, Vua của các vua; và những kẻ được kêu-gọi, những kẻ được chọn cùng những kẻ trung-tín đều ở với Chiên Con, cũng thắng được chúng nữa” (Khải-huyền 17:12-14).
17 Các nhà cầm quyền không thể chống lại Chúa Giê-su, “Vua của các vua”, vì ngài đang ở trên trời. Nhưng họ tỏ ra thù nghịch đối với các “anh em” của Chúa Giê-su vẫn còn sót lại trên đất (Khải-huyền 12:17). Sự thù nghịch đó sẽ chấm dứt tại trận chiến Ha-ma-ghê-đôn của Đức Chúa Trời, khi đó, “Vua của các vua” và các “anh em” của ngài, là “những kẻ được kêu-gọi, những kẻ được chọn cùng những kẻ trung-tín” chắc chắn sẽ chiến thắng những kẻ thù nghịch (Khải-huyền 16:14, 16). Trong khi chờ đợi, các tín đồ đấng Christ được thánh linh sanh ra rất bận rộn. Họ hiện giờ đang làm gì, trước khi được Đức Giê-hô-va đem đến sự vinh hiển?
Bạn trả lời thế nào?
◻ Đức Chúa Trời đem ai đến ‘sự vinh hiển trên trời’?
◻ “Sanh bởi Đức Chúa Trời” có nghĩa gì?
◻ Làm thế nào ‘thánh linh làm chứng’ cho lòng của một số tín đồ đấng Christ?
◻ Những người được thánh linh xức dầu được nhận vào giao ước nào?
[Hình nơi trang 15]
Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, có bằng chứng cho thấy cơ hội được vào sự vinh hiển trên trời đã được mở ra