Giữ quan điểm thăng bằng về việc uống rượu
“Rượu khiến người ta nhạo-báng, đồ uống say làm cho hỗn-hào; phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn-ngoan”.—CHÂM-NGÔN 20:1.
1. Người viết Thi-thiên thể hiện lòng biết ơn như thế nào trước những món quà tốt lành đến từ Đức Giê-hô-va?
MÔN ĐỒ Gia-cơ đã viết: “Mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống”. (Gia-cơ 1:17) Được thúc đẩy bởi lòng biết ơn đối với vô số ân điển tốt lành của Đức Chúa Trời, người viết Thi-thiên hát: “Ngài làm cho cỏ đâm lên cho súc-vật, cây-cối để dùng cho loài người, và khiến thực-vật sanh ra từ nơi đất. Rượu nho, là vật khiến hứng chí loài người, và dầu để dùng làm mặt-mày sáng-rỡ, cùng bánh để thêm sức cho lòng loài người”. (Thi-thiên 104:14, 15) Rượu và những thức uống chứa cồn cũng như cây cối, bánh, dầu, đều là món quà tốt lành đến từ Đức Chúa Trời. Chúng ta nên sử dụng chúng như thế nào?
2. Về việc uống rượu, chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
2 Một món quà chỉ “tốt-lành” khi được sử dụng cách hợp lý. Chẳng hạn, mật tuy “ngon” nhưng “ăn mật nhiều quá lấy làm chẳng tốt”. (Châm-ngôn 24:13; 25:27) Cũng thế, dù việc uống “một ít rượu” có thể khiến thích thú, nhưng lạm dụng rượu lại là một vấn đề nghiêm trọng. (1 Ti-mô-thê 5:23) Kinh Thánh cảnh báo: “Rượu khiến người ta nhạo-báng, đồ uống say làm cho hỗn-hào; phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn-ngoan”. (Châm-ngôn 20:1) Tuy nhiên, thế nào là dùng rượu quá độ?a Uống bao nhiêu là quá nhiều? Quan điểm thăng bằng về vấn đề này là gì?
Thế nào là uống rượu “quá độ”?
3, 4. (a) Làm sao chúng ta biết Kinh thánh lên án việc say sưa? (b) Một vài dấu hiệu của người say rượu là gì?
3 Trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa, đứa con hoang đàng và say sưa không chịu ăn năn bị ném đá chết. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 21:18-21) Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “Đừng làm bạn với kẻ nào tự xưng là anh em, mà là gian-dâm, hoặc tham-lam, hoặc thờ hình-tượng, hoặc chưởi-rủa, hoặc say-sưa, hoặc chắt-bóp, cũng không nên ăn chung với người thể ấy”. Rõ ràng Kinh Thánh lên án việc say sưa.—1 Cô-rinh-tô 5:11; 6:9, 10.
4 Miêu tả những dấu hiệu của người say rượu, Kinh Thánh nói: “Chớ xem-ngó rượu khi nó đỏ-hồng, lúc nó chiếu sao trong ly, và tuôn chảy dễ-dàng; rốt lại, nó cắn như rắn, chít như rắn lục; hai mắt con sẽ nhìn người dâm-phụ [“những điều kỳ dị”, Tòa Tổng Giám Mục], và lòng con sẽ nói điều gian-tà”. (Châm-ngôn 23:31-33) Uống rượu quá độ như bị rắn độc cắn, gây bệnh tật, rối loạn tâm thần, thậm chí hôn mê. Một người say rượu thấy “những điều kỳ dị” theo nghĩa người đó có thể bị ảo giác hoặc hoang tưởng. Người đó cũng có thể thiếu kiềm chế nên dễ nói ra những ý nghĩ và dục vọng “gian-tà” hoặc sai trái mà bình thường kìm giữ được.
5. Uống rượu thiếu chừng mực có hại như thế nào?
5 Nếu một người dùng rượu nhưng cẩn thận không uống đến mức có dấu hiệu say sưa thì sao? Một số người biểu lộ rất ít dấu hiệu say rượu ngay dù sau khi đã uống nhiều. Tuy thế, nghĩ rằng thói quen ấy vô hại là một hình thức tự dối mình. (Giê-rê-mi 17:9) Dần dần, một người có thể ngày càng lệ thuộc vào rượu và trở nên “làm mọi cho rượu”. (Tít 2:3, Ghi-đê-ôn) Liên quan đến vấn đề này, tác giả Caroline Knapp nói: “Trở thành người nghiện rượu là một tiến trình chậm, dần dần và âm thầm”. Uống rượu thiếu chừng mực thật là một cạm bẫy chết người!
6. Tại sao một người nên tránh việc ăn uống thiếu chừng mực?
6 Cũng hãy xem xét lời Chúa Giê-su cảnh báo: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa; vì ngày đó sẽ đến cho mọi người ở khắp trên mặt đất cũng vậy”. (Lu-ca 21:34, 35) Dù không đến mức say sưa, việc uống rượu nhiều có thể làm cho một người lừ đừ và uể oải—về phương diện thể chất cũng như thiêng liêng. Nếu ngày của Đức Giê-hô-va đến và bắt gặp một người đang ở trong tình trạng ấy thì sao?
Việc lạm dụng rượu có thể dẫn đến hậu quả nào?
7. Tại sao việc lạm dụng rượu không hợp với chỉ thị ghi nơi 2 Cô-rinh-tô 7:1?
7 Việc uống rượu vô độ khiến một người dễ lâm vào nhiều tình thế nguy hiểm—cả về phương diện thể chất lẫn thiêng liêng. Trong số những bệnh do việc lạm dụng rượu gây ra là bệnh xơ gan, viêm gan, và rối loạn thần kinh như chứng mê sảng của người nghiện rượu nặng. Lạm dụng rượu lâu dài cũng có thể dẫn đến bệnh ung thư, đái tháo đường, một số bệnh về tim và bao tử. Lạm dụng rượu rõ ràng không hợp với chỉ thị của Kinh Thánh: “Hãy làm cho mình sạch khỏi mọi sự dơ-bẩn phần xác-thịt và phần thần-linh, lại lấy sự kính-sợ Đức Chúa Trời mà làm cho trọn việc nên thánh của chúng ta”.—2 Cô-rinh-tô 7:1.
8. Theo Châm-ngôn 23:20, 21, việc lạm dụng rượu có thể dẫn đến hậu quả nào?
8 Việc lạm dụng rượu cũng có thể dẫn đến hoang phí tiền kiếm được, thậm chí mất việc làm. Vua Sa-lô-môn của xứ Y-sơ-ra-ên xưa cảnh báo: “Chớ đồng bọn cùng những bợm rượu, hoặc với những kẻ láu ăn”. Tại sao? Ông giải thích: “Vì bợm rượu và kẻ láu ăn sẽ trở nên nghèo; còn kẻ ham ngủ sẽ mặc rách-rưới”.—Châm-ngôn 23:20, 21.
9. Tại sao tự kiềm chế không uống rượu nếu phải lái xe là điều khôn ngoan?
9 Chỉ về một tác hại khác, cuốn The Encyclopedia of Alcoholism (Bách khoa tự điển về chứng nghiện rượu) nói: “Các cuộc nghiên cứu cho thấy rượu làm giảm kỹ năng lái xe, tức là thời gian phản xạ, sự phối hợp giữa các động tác, sự tập trung, khả năng nhìn và sự sáng suốt”. Lái xe sau khi uống rượu gây hậu quả thảm khốc. Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong và hàng trăm ngàn người bị thương tật trong các tai nạn giao thông liên quan đến rượu. Đặc biệt dễ bị nguy hiểm là giới trẻ, những người non kém kinh nghiệm trong việc lái xe cũng như uống rượu. Một người lái xe sau khi uống nhiều ly rượu có thể nào cho rằng mình tôn trọng sự sống như món quà đến từ Giê-hô-va Đức Chúa Trời không? (Thi-thiên 36:9) Xét đến sự thánh khiết của sự sống, điều tốt nhất cho một người khi phải lái xe là tuyệt đối không uống rượu.
10. Rượu ảnh hưởng đến trí của chúng ta như thế nào, và tại sao đó là nguy hiểm?
10 Việc uống rượu vô độ làm hại người ta chẳng những về phương diện thể chất mà còn về thiêng liêng. Kinh Thánh nói: “Rượu cũ và rượu mới cất lấy hết trí-khôn”. (Ô-sê 4:11) Rượu ảnh hưởng đến trí. Một ấn phẩm do Viện Nghiên Cứu Việc Lạm Dụng Chất Gây Nghiện Quốc Gia Hoa Kỳ giải thích: “Khi một người uống rượu, chất cồn vào máu qua hệ tiêu hóa và nhanh chóng đến não. Nó bắt đầu làm cho những phần có chức năng điều khiển suy nghĩ và cảm xúc của não hoạt động chậm lại. Người đó trở nên thiếu kiềm chế, dễ buông thả mình hơn”. Trong tình trạng ấy, chúng ta rất có thể có hành vi ‘quá trớn’, suồng sã, và dễ rơi vào cám dỗ hơn.—Châm-ngôn 20:1.
11, 12. Uống rượu thiếu chừng mực có thể gây tổn hại nào về thiêng liêng?
11 Ngoài ra, Kinh Thánh dạy: “Anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh-hiển Đức Chúa Trời mà làm”. (1 Cô-rinh-tô 10:31) Có bao giờ việc uống nhiều rượu mang lại sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời không? Một tín đồ Đấng Christ chắc chắn muốn tránh mang tiếng là người uống nhiều rượu. Tiếng xấu ấy chỉ mang lại sự sỉ nhục, không phải sự vinh hiển cho danh của Đức Giê-hô-va.
12 Nếu việc uống rượu thiếu chừng mực của một tín đồ Đấng Christ gây vấp phạm cho anh em đồng đức tin, có lẽ là môn đồ mới, thì sao? (Rô-ma 14:21) Chúa Giê-su cảnh báo: “Nếu ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin ta sa vào tội-lỗi, thì thà buộc cối đá vào cổ, mà quăng nó xuống đáy biển còn hơn”. (Ma-thi-ơ 18:6) Uống rượu quá độ cũng có thể dẫn đến hậu quả là mất đặc ân trong hội thánh. (1 Ti-mô-thê 3:1-3, 8) Hậu quả khác không kém tai hại của việc lạm dụng rượu là có thể gây mâu thuẫn trong gia đình.
Tránh các tác hại—Bằng cách nào?
13. Điều gì là chủ yếu trong việc tránh lạm dụng rượu?
13 Bí quyết để tránh tác hại của việc lạm dụng rượu là biết phân định đâu là ranh giới, không phải giữa việc uống thiếu chừng mực và say sưa nhưng là giữa việc uống có chừng mực và thiếu chừng mực. Ai có thể quyết định ranh giới này cho bạn? Không có luật lệ chính xác nào về việc uống bao nhiêu là quá nhiều vì nó liên quan với nhiều yếu tố. Mỗi người phải tự biết giới hạn của mình và ở trong giới hạn đó. Điều gì sẽ giúp cho quyết định uống bao nhiêu là quá nhiều đối với bạn? Có nguyên tắc chỉ đạo nào không?
14. Nguyên tắc chỉ đạo nào sẽ giúp bạn vạch ra ranh giới giữa việc uống rượu có chừng mực và thiếu chừng mực?
14 Kinh Thánh dạy: “Khá gìn-giữ sự khôn-ngoan thật và sự dẽ-dặt... thì nó sẽ là sự sống của linh-hồn con, và như đồ trang-sức cho cổ con”. (Châm-ngôn 3:21, 22) Vậy, nguyên tắc chỉ đạo là: Bất cứ lượng rượu nào gây trở ngại cho sự phán đoán và làm chậm khả năng suy luận thì nó là quá nhiều đối với bạn. Nhưng bạn phải trung thực với chính mình trong việc nhận thức thế nào là giới hạn của bản thân!
15. Khi nào có lẽ dù chỉ uống một ly cũng là quá nhiều?
15 Trong vài hoàn cảnh, dù chỉ uống một ly có thể cũng là quá nhiều. Xét đến việc gây nguy hiểm cho bào thai, phụ nữ đang mang thai có thể quyết định tuyệt đối không uống rượu. Tránh uống rượu khi có mặt người từng bị nghiện rượu, hoặc người mà lương tâm không tán thành việc uống rượu, chẳng phải là hành động tử tế sao? Đức Giê-hô-va ra mạng lệnh cho những người thi hành nhiệm vụ tế lễ tại đền tạm: “Khi nào vào hội-mạc, ... ngươi chớ nên uống rượu hay là uống vật chi có tánh say, e phải chết chăng”. (Lê-vi Ký 10:8, 9) Vì thế, hãy tránh uống rượu trước khi dự các buổi họp đạo Đấng Christ, khi tham gia rao giảng và thi hành những trách nhiệm thiêng liêng khác. Ngoài ra, tại những nước cấm uống rượu hoặc chỉ cho phép uống ở độ tuổi nào đó, tín đồ Đấng Christ nên tôn trọng luật pháp địa phương.—Rô-ma 13:1.
16. Bạn nên quyết định thế nào khi rượu được bày ra trước mắt?
16 Khi rượu được mời hoặc được bày ra trước mắt bạn, câu hỏi đầu tiên là: ‘Tôi có nên uống không?’ Nếu quyết định uống, bạn hãy nhớ rõ giới hạn của mình, và đừng vượt quá giới hạn đó. Đừng để lòng hiếu khách của chủ nhà ảnh hưởng đến bạn. Và hãy cảnh giác với những buổi tiệc mà rượu được phục vụ tự do, chẳng hạn như tiệc cưới. Tại nhiều nơi, luật pháp cho phép trẻ em uống rượu. Cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái về việc uống rượu và giám sát mọi hành động của chúng trong vấn đề này.—Châm-ngôn 22:6.
Bạn có thể đối phó với vấn đề
17. Điều gì có thể giúp bạn nhận thức bạn có vấn đề về lạm dụng rượu hay không?
17 Việc lạm dụng rượu và thức uống say có phải là vấn đề của bạn không? Nếu có, đừng tự dối mình. Việc lén lút lạm dụng rượu sớm muộn gì cũng lộ ra. Vậy, hãy trung thực xem xét kỹ chính mình. Hãy tự kiểm bằng những câu hỏi như: ‘Tôi có uống thường xuyên hơn trước không? Rượu tôi uống có nồng độ mạnh hơn trước không? Tôi có dùng rượu để trốn tránh những lo lắng, căng thẳng hoặc những vấn đề không? Có thành viên nào trong gia đình hoặc người bạn nào tỏ ra lo lắng về việc uống rượu của tôi không? Việc tôi uống rượu có gây vấn đề trong gia đình không? Tôi có cảm thấy khó khi không uống rượu trong một tuần, một tháng, hoặc vài tháng không? Tôi có giấu người khác lượng rượu hoặc thức uống say mà tôi dùng không?’ Nếu vài câu trả lời cho những câu hỏi này là ‘có’ thì sao? Đừng giống như người ‘soi mặt mình trong gương, rồi liền quên mặt ra thể nào’. (Gia-cơ 1:22-24) Hãy tiến hành những bước cần thiết để sửa chữa vấn đề. Bạn có thể làm gì?
18, 19. Làm thế nào bạn có thể ngưng dùng rượu vô độ?
18 Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ Đấng Christ: “Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông-tuồng; nhưng phải đầy-dẫy Đức Thánh-Linh”. (Ê-phê-sô 5:18) Hãy quyết định xem lượng rượu thế nào là quá độ đối với bạn, và ấn định giới hạn thích hợp. Quyết tâm không vượt quá giới hạn đó; hãy tiết độ hoặc tự chủ. (Ga-la-ti 5:22, 23) Bạn có giao tiếp với những người thường ép bạn uống nhiều không? Hãy cảnh giác. Kinh Thánh nói: “Ai giao-tiếp với người khôn-ngoan, trở nên khôn-ngoan; nhưng kẻ làm bạn với bọn điên-dại sẽ bị tàn-hại”.—Châm-ngôn 13:20.
19 Nếu bạn uống rượu để trốn tránh một vấn đề, hãy đối phó trực diện với vấn đề ấy. Việc áp dụng lời khuyên từ Lời Đức Chúa Trời có thể giúp giải quyết được nhiều vấn đề. (Thi-thiên 119:105) Đừng do dự tìm sự giúp đỡ của một trưởng lão đáng tin cậy. Hãy tận dụng những sự cung cấp của Đức Giê-hô-va để xây dựng tình trạng thiêng liêng của bạn. Củng cố mối quan hệ của bạn với Đức Chúa Trời. Đều đặn cầu nguyện với Ngài—đặc biệt về những điểm yếu của bạn. Cầu xin Đức Chúa Trời ‘rèn-luyện lòng dạ bạn’. (Thi-thiên 26:2) Như đã thảo luận trong bài trước, hãy gắng sức bước đi trong đường lối thanh liêm.
20. Bạn có thể phải dùng biện pháp nào nếu việc uống rượu thiếu chừng mực vẫn xảy ra?
20 Nếu vấn đề uống rượu thiếu chừng mực vẫn xảy ra bất chấp những nỗ lực của bạn thì sao? Bạn phải theo lời khuyên của Chúa Giê-su: “Nếu tay ngươi làm cho ngươi phạm tội, hãy chặt nó đi; thà rằng một tay mà vào sự sống, còn hơn đủ hai tay mà sa xuống địa-ngục [“Ghê-hen-na”, NW]”. (Mác 9:43) Giải pháp là: Bỏ hẳn rượu. Đó là điều mà một phụ nữ, chúng ta sẽ gọi tên chị là Irene, đã quyết tâm làm. Chị ấy nói: “Sau khi kiêng rượu gần hai năm rưỡi, tôi bắt đầu nghĩ rằng mình có thể uống thử một ly, chỉ để xem tôi sẽ xử lý vấn đề như thế nào mà thôi. Nhưng vừa chớm có ý nghĩ ấy, tôi vội cầu nguyện với Đức Giê-hô-va ngay. Tôi nhất quyết không uống rượu đến khi hệ thống mới đến, thậm chí trong hệ thống mới cũng không”. Việc kiêng rượu không là một giá quá đắt phải trả nhằm đổi lấy sự sống trong thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời.—2 Phi-e-rơ 3:13.
“Hãy chạy cách nào cho được thưởng”
21, 22. Trở ngại nào có thể ngăn cản chúng ta chạy đến đích trong cuộc đua dành sự sống, và làm thế nào chúng ta có thể tránh nó?
21 Ví đời sống của người tín đồ Đấng Christ giống như cuộc chạy đua, hoặc một trận đấu, sứ đồ Phao-lô nói: “Anh em há chẳng biết rằng trong cuộc chạy thi nơi trường đua, hết thảy đều chạy, nhưng chỉ một người được thưởng sao? Vậy, anh em hãy chạy cách nào cho được thưởng. Hết thảy những người đua-tranh, tự mình chịu lấy mọi sự kiêng-kỵ, họ chịu vậy để được mão triều-thiên hay hư-nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều-thiên không hay hư-nát. Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá-vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió; song tôi đãi thân-thể tôi cách nghiêm-khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng-dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng”.—1 Cô-rinh-tô 9:24-27.
22 Giải thưởng chỉ có thể trao cho những người hoàn tất thắng lợi cuộc đua. Trong cuộc đua dành sự sống, việc lạm dụng rượu có thể ngăn cản chúng ta chạy đến đích. Chúng ta phải “kiêng-kỵ” tức là tự chủ. Để không chạy “bá-vơ”, chúng ta phải tránh thói ‘uống quá-độ’. (1 Phi-e-rơ 4:3) Chúng ta cần tự chủ trong mọi việc. Về việc uống rượu, chúng ta tỏ ra khôn ngoan khi ‘chừa-bỏ sự không tin-kính và tình-dục thế-gian, sống theo tiết-độ, công-bình, nhân-đức’.—Tít 2:12.
[Chú thích]
a Trong bài này, từ “rượu” bao gồm bia, rượu nho, rượu mạnh và các loại thức uống chứa cồn.
Bạn có nhớ không?
• Thế nào là lạm dụng rượu?
• Việc lạm dụng rượu dẫn đến những hậu quả tai hại nào?
• Làm thế nào bạn có thể tránh tác hại của việc lạm dụng rượu?
• Một người có thể đối phó với vấn đề lạm dụng rượu như thế nào?
[Hình nơi trang 19]
Rượu “khiến hứng chí loài người”
[Hình nơi trang 20]
Chúng ta phải biết giới hạn của mình và ở trong giới hạn đó
[Hình nơi trang 21]
Quyết định trước đâu là giới hạn
[Hình nơi trang 22]
Đều đặn cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về những điểm yếu của bạn
[Hình nơi trang 23]
Cha mẹ có trách nhiệm dạy dỗ con cái về việc uống rượu