‘Anh em đáng nên thánh là dường nào!’
“Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào!”—2 PHI 3:11.
1. Tại sao lá thư thứ hai của Phi-e-rơ là lời khuyên đúng lúc cho các tín đồ vào thời ông?
Khi sứ đồ Phi-e-rơ được soi dẫn viết lá thư thứ hai, hội thánh tín đồ Đấng Christ đã chịu nhiều ngược đãi, nhưng không giảm đi lòng sốt sắng hoặc phát triển chậm lại. Vì thế Ma-quỉ dùng mưu kế khác, từng thành công nhiều lần trước đó. Như Phi-e-rơ cho biết, Sa-tan cố làm bại hoại dân Đức Chúa Trời bằng những giáo sư giả, những người có ‘cặp mắt đầy sự gian-dâm’ và “lòng quen thói tham-dục” (2 Phi 2:1-3, 14; Giu 4). Do đó, lá thư thứ hai của Phi-e-rơ là những lời nhiệt tình khuyên chúng ta giữ lòng trung thành.
2. Chương 3 của lá thư thứ hai của Phi-e-rơ tập trung vào điều gì, và chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào?
2 Phi-e-rơ viết: “Tôi còn ở trong nhà-tạm nầy bao lâu, thì coi sự lấy lời răn-bảo mà tỉnh-thức anh em, là bổn-phận của tôi vậy; vì tôi biết tôi phải vội lìa nhà-tạm nầy... Nhưng tôi ân-cần rằng sau khi tôi đi, anh em có thể hằng nhớ điều tôi đã nói” (2 Phi 1:13-15). Đúng vậy, Phi-e-rơ biết mình sắp chết, nhưng ông mong muốn những lời răn bảo đúng lúc của ông sẽ được ghi nhớ. Và thật thế, những lời đó đã trở thành một phần của Kinh Thánh và tất cả chúng ta ngày nay có thể đọc. Chương 3 trong lá thư thứ hai của Phi-e-rơ đặc biệt đáng cho chúng ta chú ý, vì chương này tập trung vào “những ngày sau-rốt” của hệ thống hiện nay và sự hủy diệt của các từng trời và đất theo nghĩa bóng (2 Phi 3:3, 7, 10). Phi-e-rơ khuyên chúng ta điều gì? Áp dụng lời khuyên của ông sẽ giúp chúng ta như thế nào để được Đức Giê-hô-va chấp nhận?
3, 4. (a) Phi-e-rơ đã cho lời khuyên nào, và cảnh báo gì? (b) Chúng ta sẽ xem xét ba điểm nào?
3 Sau khi đề cập sự hủy diệt của thế gian Sa-tan, Phi-e-rơ viết: “Anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào!” (2 Phi 3:11, 12). Phi-e-rơ biết chỉ những ai làm theo ý muốn Đức Giê-hô-va và biểu lộ các đức tính đẹp lòng Ngài mới được bảo toàn trong “ngày báo-thù” sắp đến (Ê-sai 61:2). Vì thế, sứ đồ này nói thêm: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì anh em đã được biết trước, vậy hãy giữ cho cẩn-thận, e anh em cũng bị sự mê-hoặc của những người ác ấy [các giáo sư giả] dẫn-dụ, mất sự vững-vàng của mình chăng”.—2 Phi 3:17.
4 Là một trong số những người “đã được biết trước”, Phi-e-rơ biết rằng trong những ngày sau rốt, tín đồ Đấng Christ phải đặc biệt cẩn thận để giữ được lòng trung kiên. Sau này, sứ đồ Giăng giải thích rõ lý do. Ông thấy trước Sa-tan bị đuổi khỏi trời và giận dữ đối với “những kẻ vẫn giữ các điều-răn của Đức Chúa Trời và lời chứng của Đức Chúa Jêsus” (Khải 12:9, 12, 17). Những tôi tớ trung thành được xức dầu của Đức Chúa Trời cùng với những bạn đồng hành trung thành thuộc lớp “chiên khác” sẽ chiến thắng (Giăng 10:16). Nhưng cá nhân chúng ta thì sao? Liệu chúng ta sẽ giữ lòng trung kiên không? Chúng ta sẽ làm được nếu cố gắng (1) vun trồng các đức tính đẹp lòng Đức Chúa Trời, (2) giữ mình không dấu vết và chẳng chỗ trách được về đạo đức và thiêng liêng, và (3) có cái nhìn đúng về gian nan thử thách. Chúng ta hãy xem những điểm này.
Vun trồng các đức tính đẹp lòng Đức Chúa Trời
5, 6. Chúng ta phải cố gắng vun trồng những đức tính nào? Và tại sao việc này đòi hỏi “gắng hết sức”?
5 Ở phần đầu của lá thư thứ hai, Phi-e-rơ viết: “Về phần anh em, phải gắng hết sức thêm cho đức-tin mình sự nhân-đức, thêm cho nhân-đức sự học-thức, thêm cho học-thức sự tiết-độ, thêm cho tiết-độ sự nhịn-nhục, thêm cho nhịn-nhục sự tin-kính, thêm cho tin-kính tình yêu-thương anh em, thêm cho tình yêu-thương anh em lòng yêu-mến. Vì nếu các điều đó có đủ trong anh em và đầy-dẫy nữa, thì ắt chẳng để cho anh em ở dưng hoặc không kết quả trong sự nhận biết Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta đâu”.—2 Phi 1:5-8.
6 Thật vậy, chúng ta phải “gắng hết sức” để có thể tham gia các hoạt động giúp chúng ta vun trồng những đức tính đẹp lòng Đức Chúa Trời. Chẳng hạn, chúng ta phải cố gắng để tham dự tất cả các buổi nhóm, đọc Kinh Thánh hằng ngày và duy trì chương trình học hỏi cá nhân hữu ích. Chúng ta có thể phải nỗ lực và khéo sắp xếp để gia đình có buổi tối thờ phượng đều đặn, thích thú và bổ ích. Nhưng một khi thực hiện cách đều đặn, những thói quen tốt ấy sẽ trở nên dễ dàng hơn—nhất là khi chúng ta cảm nghiệm được lợi ích.
7, 8. (a) Một số anh chị nói gì về Buổi thờ phượng của gia đình? (b) Bạn nhận được lợi ích nào qua Buổi thờ phượng của gia đình?
7 Về Buổi thờ phượng của gia đình, một chị viết: “Buổi thờ phượng này giúp chúng tôi học hỏi về rất nhiều đề tài”. Một người khác nói: “Thật lòng mà nói, tôi không muốn chương trình buổi học cuốn sách chấm dứt. Đó là buổi học tôi thích nhất. Nhưng giờ đây, khi có một buổi tối cho Buổi thờ phượng của gia đình, tôi nhận ra rằng Đức Giê-hô-va biết chúng ta cần gì và khi nào chúng ta cần”. Một chủ gia đình nói: “Buổi thờ phượng của gia đình giúp chúng tôi rất nhiều. Thật tuyệt vời khi có một buổi học phù hợp với nhu cầu cụ thể của vợ chồng tôi! Chúng tôi cảm thấy mình tiến bộ hơn trong việc thể hiện trái của thánh linh, và có nhiều niềm vui hơn trong thánh chức”. Một chủ gia đình khác cho biết: “Con cái chúng tôi tự nghiên cứu và học hỏi rất nhiều. Chúng rất thích thú. Sự sắp đặt này càng làm chúng tôi tin cậy rằng Đức Giê-hô-va biết các mối quan tâm và đáp lời cầu nguyện của chúng tôi”. Bạn có cùng cảm nghĩ như thế về sự sắp đặt thiêng liêng tuyệt vời này không?
8 Đừng để những điều không quan trọng cản trở Buổi thờ phượng của gia đình. Một cặp vợ chồng nói: “Trong bốn tuần qua, mỗi tối thứ năm đều có chuyện xảy ra trong gia đình khiến chúng tôi suýt bỏ buổi học, nhưng chúng tôi đã không để những điều đó cản trở”. Dĩ nhiên, đôi khi bạn phải điều chỉnh thời khóa biểu. Nhưng hãy cương quyết không bỏ Buổi thờ phượng của gia đình—dù chỉ một tuần!
9. Đức Giê-hô-va nuôi dưỡng Giê-rê-mi về thiêng liêng như thế nào? Và chúng ta học được gì từ gương của ông?
9 Nhà tiên tri Giê-rê-mi là gương tốt cho chúng ta. Ông cần sự nuôi dưỡng về thiêng liêng đến từ Đức Giê-hô-va và ông rất biết ơn điều đó. Sự nuôi dưỡng ấy giúp ông kiên trì rao giảng cho những người không hưởng ứng. Ông nói: “Lời của Đức Giê-hô-va... như lửa đốt-cháy, bọc kín trong xương tôi” (Giê 20:8, 9). Lời ấy cũng giúp ông chịu đựng trong thời kỳ khó khăn mà đỉnh điểm là sự hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem. Ngày nay chúng ta có toàn bộ Lời Đức Chúa Trời. Khi siêng năng học Kinh Thánh và có cùng quan điểm với Ngài, thì như Giê-rê-mi, chúng ta có thể tiếp tục vui vẻ thi hành thánh chức, trung thành qua các thử thách và giữ mình thanh sạch về đạo đức cũng như thiêng liêng.—Gia 5:10.
Giữ mình “không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”
10, 11. Tại sao chúng ta phải hết sức giữ mình “không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”? Và điều đó đòi hỏi gì?
10 Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta biết mình đang sống trong thời kỳ cuối cùng. Do đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thế gian chỉ nghĩ đến những điều Đức Giê-hô-va ghét, như tham lam, tình dục đồi bại và bạo lực. Chiến lược của Sa-tan có thể tóm tắt như sau: “Nếu không đe dọa được tôi tớ của Đức Chúa Trời, thì hãy cố làm chúng bại hoại” (Khải 2:13, 14). Vì thế, chúng ta phải ghi nhớ lời khuyên yêu thương của Phi-e-rơ: “Phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”.—2 Phi 3:14.
11 Như lời khuyên trước đó, trong câu này Phi-e-rơ cũng nói “làm hết sức”. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va—Đấng soi dẫn Phi-e-rơ viết ra những cảm nghĩ này—biết chúng ta cần cố gắng để giữ mình “không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”, không bị ô uế bởi những điều bại hoại của thế gian Sa-tan. Điều này bao gồm việc giữ tấm lòng không bị chế ngự bởi những ham muốn sai quấy. (Đọc Châm-ngôn 4:23; Gia-cơ 1:14, 15). Điều này cũng bao gồm việc giữ vững lập trường trước những người lấy làm lạ và “gièm-chê” lối sống của chúng ta là tín đồ Đấng Christ.—1 Phi 4:4.
12. Chúng ta có lời bảo đảm nào nơi Lu-ca 11:13?
12 Vì bất toàn, chúng ta phải tranh đấu để làm điều đúng (Rô 7:21-25). Chúng ta chỉ hy vọng thành công nếu nhờ cậy Đức Giê-hô-va, Đấng ban thánh linh rộng rãi cho những ai thành thật cầu xin Ngài (Lu 11:13). Thánh linh ấy giúp chúng ta phát huy những đức tính làm hài lòng Đức Chúa Trời. Những đức tính đó giúp chúng ta không những đương đầu với cám dỗ trong đời sống mà cả với gian nan thử thách, là điều có thể gia tăng khi ngày Đức Giê-hô-va đến gần.
Hãy để gian nan thử thách làm bạn vững mạnh
13. Khi gặp gian nan thử thách, điều gì sẽ giúp chúng ta chịu đựng?
13 Sống trong hệ thống này, chúng ta không thể tránh được gian nan thử thách. Thay vì nản lòng, sao không xem đó là cơ hội để khẳng định tình yêu thương với Đức Chúa Trời và củng cố đức tin nơi Ngài cũng như Lời Ngài? Môn đồ Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, hãy coi sự thử-thách trăm bề thoạt đến cho anh em như là điều vui-mừng trọn-vẹn, vì biết rằng sự thử-thách đức-tin anh em sanh ra sự nhịn-nhục” (Gia 1:2-4). Cũng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va “biết cứu-chữa những người tin-kính khỏi cơn cám-dỗ [“những thử thách”, Bản Dịch Mới]”.—2 Phi 2:9.
14. Gương của Giô-sép khích lệ bạn như thế nào?
14 Hãy xem trường hợp của con trai Gia-cốp là Giô-sép, bị chính các anh mình bán làm nô lệ (Sáng 37:23-28; 42:21). Giô-sép có bị mất đức tin vì hành động tàn ác ấy không? Ông có trở nên cay đắng với Đức Chúa Trời vì đã để điều ác xảy ra với ông không? Lời Đức Chúa Trời rõ ràng trả lời là không! Nhưng không chỉ có thế vì sau đó Giô-sép còn bị vu oan về tội cưỡng hiếp và bị bỏ tù. Tuy nhiên, ông vẫn giữ lòng tin kính (Sáng 39:9-21). Ông đã để gian nan thử thách làm mình vững mạnh, và nhờ đó được ban phước dồi dào.
15. Chúng ta học được gì qua gương của Na-ô-mi?
15 Gian nan thử thách có thể làm chúng ta đau buồn, thậm chí nản lòng. Có lẽ Giô-sép đôi lúc cảm thấy như thế. Những tôi tớ trung thành khác của Đức Chúa Trời chắc chắn cũng vậy. Hãy xem trường hợp của Na-ô-mi, người đã mất chồng và hai con trai. Bà nói: “Chớ gọi tôi là Na-ô-mi, hãy gọi là Ma-ra [nghĩa là “cay đắng”], vì Đấng Toàn-năng đã đãi tôi cách cay-đắng lắm” (Ru 1:20, 21). Phản ứng của Na-ô-mi là điều tự nhiên và cũng dễ hiểu. Nhưng như Giô-sép, bà không mất đức tin, và vẫn giữ lòng trung thành. Vì thế, Đức Giê-hô-va ban thưởng cho người phụ nữ đáng quý này (Ru 4:13-17, 22). Ngoài ra, trong Địa Đàng sắp đến, Ngài sẽ sửa đổi mọi tổn hại mà Sa-tan và thế gian ác của hắn gây ra, và “những việc trước sẽ chẳng nhớ nữa, chẳng còn nhắc đến nữa”.—Ê-sai 65:17.
16. Chúng ta nên có thái độ nào về việc cầu nguyện, và tại sao?
16 Dù chúng ta gặp thử thách nào, biết Đức Chúa Trời yêu thương mình sẽ giúp sức cho chúng ta. (Đọc Rô-ma 8:35-39). Tuy Sa-tan sẽ không ngưng tìm cách làm chúng ta nản lòng, nhưng hắn sẽ thất bại nếu chúng ta “khôn-ngoan tỉnh-thức mà cầu-nguyện” (1 Phi 4:7). Chúa Giê-su nói: “Hãy tỉnh-thức luôn và cầu-nguyện, để các ngươi được tránh khỏi các tai-nạn sẽ xảy ra, và đứng trước mặt Con người” (Lu 21:36). Hãy lưu ý từ Chúa Giê-su dùng được dịch là “cầu-nguyện” nói đến việc cầu nguyện thống thiết. Qua lời khuyên ấy, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng đây không phải là lúc xem nhẹ vị thế của mình trước mặt ngài và Cha ngài. Chỉ những ai ở vị thế được chấp nhận mới có triển vọng sống sót trong ngày của Đức Giê-hô-va.
Tích cực tham gia thánh chức
17. Nếu khu vực rao giảng của bạn là một thách đố, làm thế nào bạn có thể được lợi ích qua gương tốt của các tiên tri thời xưa?
17 Phi-e-rơ nói: “Anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào” (2 Phi 3:11). Lời này nhắc chúng ta nhớ đến tầm quan trọng của việc tham gia những hoạt động thiêng liêng bổ ích. Điều quan trọng nhất trong các hoạt động này là rao truyền tin mừng (Mat 24:14). Phải công nhận rằng ở một số khu vực, công việc rao giảng là một thách đố, có lẽ vì sự lãnh đạm, chống đối hoặc đơn giản là người ta quá bận rộn với đời sống thường ngày. Các tôi tớ thời xưa của Đức Giê-hô-va phải đối phó với những thái độ tương tự. Nhưng họ không bao giờ bỏ cuộc mà tiếp tục trở lại để rao báo thông điệp của Đức Chúa Trời. (Đọc 2 Sử-ký 36:15, 16; Giê 7:24-26). Điều gì giúp họ kiên trì như thế? Họ xem nhiệm vụ của mình theo quan điểm của Đức Giê-hô-va, chứ không theo thế gian. Họ cũng xem mang danh Đức Chúa Trời là vinh dự cao quý nhất.—Giê 15:16.
18. Công việc rao giảng về Nước Trời sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc làm rạng danh Đức Chúa Trời trong tương lai?
18 Chúng ta cũng có đặc ân loan báo danh và ý định của Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ về điều này: Vì chúng ta thực hiện công việc rao giảng nên kẻ thù của Ngài sẽ không thể nào viện cớ là chưa được nghe về Ngài khi bị Ngài phán xét trong ngày lớn. Như Pha-ra-ôn thời xưa, họ sẽ biết chính Đức Giê-hô-va nghịch cùng họ (Xuất 8:1, 20; 14:25). Đồng thời, Đức Giê-hô-va sẽ làm tôi tớ trung thành của Ngài được vinh dự qua việc cho thấy rõ họ chính là những người đại diện cho Ngài.—Đọc Ê-xê-chi-ên 2:5; 33:33.
19. Làm thế nào chúng ta cho thấy mình muốn tận dụng thời gian khi Đức Giê-hô-va còn tỏ ra nhịn nhục?
19 Gần cuối lá thư thứ hai, Phi-e-rơ viết cho anh em đồng đạo: “Phải nhìn biết rằng sự nhịn-nhục lâu-dài của Chúa chúng ta cốt vì cứu-chuộc” (2 Phi 3:15). Vậy, chúng ta hãy tận dụng thời gian khi Đức Giê-hô-va còn tỏ ra nhịn nhục. Như thế nào? Bằng cách vun trồng những đức tính làm đẹp lòng Ngài, giữ mình “không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”, có quan điểm đúng về gian nan thử thách và tiếp tục bận rộn trong công việc Nước Trời. Như thế, chúng ta có triển vọng hưởng ân phước vô tận mà “trời mới đất mới” mang lại.—2 Phi 3:13.
Bạn còn nhớ không?
• Làm thế nào chúng ta có thể vun trồng những đức tính đẹp lòng Đức Chúa Trời?
• Làm thế nào chúng ta có thể giữ mình “không dấu-vít, chẳng chỗ trách được”?
• Chúng ta có thể học được gì từ Giô-sép và Na-ô-mi?
• Tại sao tham gia công việc rao giảng là một đặc ân lớn?
[Hình nơi trang 9]
Là người chồng, điều gì sẽ giúp bạn vun trồng các đức tính tin kính cho chính mình và gia đình?
[Hình nơi trang 10]
Chúng ta học được gì từ cách Giô-sép đương đầu với gian nan thử thách?