Giô-sép người A-ri-ma-thê tỏ lập trường
Giô-sép người A-ri-ma-thê không biết tại sao mình lại có can đảm để đến gặp quan tổng đốc La Mã. Bôn-xơ Phi-lát có tiếng là cực kỳ ngoan cố. Tuy nhiên, để Chúa Giê-su được chôn cất một cách trịnh trọng, thì ai đó phải xin Phi-lát cho lấy xác ngài. Kết quả là Giô-sép đã đến gặp Phi-lát, và cuộc gặp đó có lẽ không khó như ông tưởng. Sau khi được một sĩ quan cho biết là Chúa Giê-su đã chết, Phi-lát chấp thuận lời thỉnh cầu. Giờ đây Giô-sép, lòng còn nặng trĩu, hớt hải trở lại nơi hành quyết.—Mác 15:42-45.
Giô-sép người A-ri-ma-thê là ai?
Ông có mối liên hệ nào với Chúa Giê-su?
Điều gì khiến câu chuyện của ông đáng để anh chị quan tâm?
MỘT THÀNH VIÊN CỦA TÒA TỐI CAO
Sách Phúc âm được soi dẫn của Mác cho biết Giô-sép là “một thành viên có danh tiếng của Hội đồng”. Trong văn cảnh này, Hội đồng chỉ có thể là Tòa Tối Cao, là cơ quan hành chính cao nhất của người Do Thái (Mác 15:1, 43). Vì thế, Giô-sép là một trong những nhà lãnh đạo của dân Do Thái. Điều này giải thích tại sao ông có thể đến gặp quan tổng đốc La Mã. Chẳng lạ gì Giô-sép cũng là người giàu có.—Mat 27:57.
Anh chị có can đảm để nhìn nhận Chúa Giê-su là Vua của mình không?
Với tư cách là một nhóm, Tòa Tối Cao đã thù ghét Chúa Giê-su. Các thành viên của tòa này lập mưu giết ngài. Tuy nhiên, Giô-sép được gọi là “một người tốt và công chính” (Lu 23:50). Không giống đa số các thành viên khác của Tòa Tối Cao, Giô-sép có lối sống lương thiện và đạo đức, ông cố gắng hết sức để vâng theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Ông cũng “trông đợi Nước Đức Chúa Trời”, và điều này giải thích tại sao ông trở thành môn đồ của Chúa Giê-su (Mác 15:43; Mat 27:57). Hẳn ông chú ý đến thông điệp của Chúa Giê-su vì chân thành muốn thấy lẽ phải và công lý.
MỘT MÔN ĐỒ BÍ MẬT
Giăng 19:38 nói rằng Giô-sép “là một môn đồ của Chúa Giê-su nhưng giữ kín vì sợ người Do Thái”. Tại sao Giô-sép sợ? Vì ông biết rằng người Do Thái coi khinh Chúa Giê-su, và họ quyết tâm đuổi khỏi nhà hội bất cứ ai công khai thừa nhận là tin ngài (Giăng 7:45-49; 9:22). Bị đuổi khỏi nhà hội đồng nghĩa với việc bị khinh miệt, cô lập và tẩy chay khỏi cộng đồng Do Thái. Do đó, Giô-sép ngần ngại công khai thừa nhận là tin nơi Chúa Giê-su, vì nếu làm thế, ông sẽ mất địa vị và uy thế.
Giô-sép không phải là người duy nhất rơi vào tình huống khó này. Theo Giăng 12:42, “ngay cả nhiều người trong giới lãnh đạo cũng đặt đức tin nơi [Chúa Giê-su], nhưng họ sợ người Pha-ri-si nên không công khai nhìn nhận ngài để không bị đuổi khỏi nhà hội”. Một người khác ở trong hoàn cảnh tương tự là Ni-cô-đem, cũng là thành viên của Tòa Tối Cao.—Giăng 3:1-10; 7:50-52.
Giô-sép là một môn đồ, nhưng ông thấy khó công khai nói ra điều đó. Đây là một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt khi nghĩ đến câu nói này của Chúa Giê-su: “Hễ ai nhìn nhận tôi trước mặt người ta, tôi cũng sẽ nhìn nhận người ấy trước mặt Cha tôi trên trời. Còn ai chối bỏ tôi trước mặt người ta, tôi cũng sẽ chối bỏ người ấy trước mặt Cha tôi trên trời” (Mat 10:32, 33). Không hẳn là Giô-sép chối bỏ Chúa Giê-su, nhưng ông cũng không có can đảm để nhìn nhận ngài. Còn anh chị thì sao?
Kinh Thánh cho biết Giô-sép đáng khen ở điểm ông không ủng hộ âm mưu của Tòa Tối Cao để chống lại Chúa Giê-su (Lu 23:51). Theo ý kiến của một số người, có lẽ Giô-sép không có mặt tại phiên tòa xét xử Chúa Giê-su. Dù sao đi nữa, hẳn Giô-sép cảm thấy đau lòng trước việc bóp méo công lý một cách trắng trợn như thế, nhưng ông không thể làm gì để ngăn cản điều đó.
VƯỢT QUA SỰ DO DỰ
Đến thời điểm Chúa Giê-su chết, rõ ràng Giô-sép đã vượt qua nỗi sợ, và quyết định đứng về phía các môn đồ của ngài. Quyết định đó được thấy nơi Mác 15:43: “Giô-sép... can đảm đến gặp Phi-lát để xin thi thể Chúa Giê-su”.
Dường như Giô-sép có mặt khi Chúa Giê-su chết. Thật vậy, ông biết Chúa Giê-su chết trước khi Phi-lát biết. Vì thế, khi Giô-sép xin lấy xác ngài, quan tổng đốc “muốn biết Chúa Giê-su đã chết chưa” (Mác 15:44). Nếu đã chứng kiến sự đau đớn của Chúa Giê-su trên cây khổ hình, có phải cảnh tượng khủng khiếp đó thúc đẩy Giô-sép xem lại lương tâm của mình và cuối cùng quyết định là phải ủng hộ chân lý? Rất có thể. Dù sao đi nữa, giờ đây Giô-sép được thúc đẩy để hành động. Ông không còn là môn đồ bí mật nữa.
GIÔ-SÉP CHÔN CẤT CHÚA GIÊ-SU
Luật pháp của người Do Thái quy định rằng người bị kết án tử hình phải được chôn cất trước khi mặt trời lặn (Phục 21:22, 23). Nhưng đối với người La Mã, thi thể của phạm nhân bị tử hình có thể để lại trên cây cột cho đến khi thối rữa, hoặc là quăng vào mồ tập thể. Nhưng Giô-sép không muốn điều đó xảy ra với Chúa Giê-su. Gần nơi hành quyết, Giô-sép có một ngôi mộ mới được đục trong đá. Mộ này chưa từng được dùng và điều này cho thấy Giô-sép mới chuyển từ A-ri-ma-thêa đến Giê-ru-sa-lem, và ông mong được dùng khu này làm nơi chôn cất của gia đình mình (Lu 23:53; Giăng 19:41). Việc Giô-sép chôn cất Chúa Giê-su trong ngôi mộ ông chuẩn bị cho mình chứng tỏ lòng rộng rãi của ông, và làm ứng nghiệm lời tiên tri về việc Đấng Mê-si được chôn “với hàng giàu sang”.—Ê-sai 53:5, 8, 9.
Anh chị có xem bất cứ điều gì là quan trọng hơn mối quan hệ với Đức Giê-hô-va không?
Cả bốn sách Phúc âm đều tường thuật rằng sau khi thi thể Chúa Giê-su được lấy khỏi cây cột, Giô-sép liệm thi thể ngài bằng vải lanh mịn và đặt vào ngôi mộ của mình (Mat 27:59-61; Mác 15:46, 47; Lu 23:53, 55; Giăng 19:38-40). Kinh Thánh chỉ nhắc đến một người đã giúp Giô-sép, đó là Ni-cô-đem, người mang hương liệu đến để an táng Chúa Giê-su. Vì hai người này có địa vị cao, nên hẳn họ không tự mình mang xác của Chúa Giê-su đi. Rất có thể họ dùng các tôi tớ để khiêng xác và chôn cất. Dù vậy, việc mà hai người này làm cũng rất đáng kể. Bất cứ ai chạm vào xác chết thì bị ô uế trong bảy ngày, và mọi thứ họ chạm vào đều bị ô uế (Dân 19:11; Ha-gai 2:13). Một người ở trong hoàn cảnh đó thì phải tách biệt trong suốt tuần của Lễ Vượt Qua, và không được tham gia mọi nghi lễ của kỳ lễ này (Dân 9:6). Khi sắp xếp việc chôn cất Chúa Giê-su, Giô-sép cũng có thể bị các đồng sự chế nhạo. Nhưng vào lúc này, ông sẵn sàng chấp nhận hậu quả của việc chôn cất Chúa Giê-su một cách trịnh trọng và công khai cho biết mình là môn đồ của ngài.
CÂU CHUYỆN VỀ GIÔ-SÉP KHÉP LẠI
Sau những lời tường thuật trong Phúc âm về việc chôn cất Chúa Giê-su, Kinh Thánh không còn nói đến Giô-sép người A-ri-ma-thê nữa. Điều này đưa đến câu hỏi: Chuyện gì xảy ra với ông sau đó? Sự thật là chúng ta không biết. Tuy nhiên, qua những gì vừa xem xét, rất có thể ông công khai tuyên bố mình là tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Suy cho cùng, vào thời điểm khó khăn và thử thách, đức tin và lòng dạn dĩ của ông gia tăng thay vì suy giảm. Đó là dấu hiệu tốt.
Câu chuyện này đặt ra câu hỏi mà tất cả chúng ta cần suy nghĩ: Chúng ta có xem bất cứ điều gì như địa vị, nghề nghiệp, của cải, tình cảm gia đình hoặc thậm chí sự tự do của chính mình, là quan trọng hơn mối quan hệ với Đức Giê-hô-va không?
a A-ri-ma-thê rất có thể là Ra-ma, nay là Rentis (Rantis). Đây là quê hương của nhà tiên tri Sa-mu-ên, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 35km, về phía tây bắc.—1 Sa 1:19, 20.