CHƯƠNG MƯỜI CHÍN
Ông che chở, chu cấp và kiên trì
1, 2. (a) Giô-sép và gia đình phải đối mặt với những thay đổi nào? (b) Giô-sép đã báo tin xấu nào cho vợ?
Giô-sép chất thêm đồ lên lưng lừa. Hãy hình dung ông nhìn xung quanh làng Bết-lê-hem đang chìm trong bóng đêm và vỗ nhẹ vào hông con vật thồ khỏe mạnh. Hẳn ông đang nghĩ đến chặng đường dài phía trước. Ai Cập, một nơi đất khách quê người, tiếng nói và phong tục lạ lẫm! Làm sao gia đình nhỏ của ông có thể thích nghi với quá nhiều thay đổi đến thế?
2 Thật không dễ để báo tin xấu cho người vợ yêu dấu là Ma-ri, nhưng Giô-sép đã lấy hết dũng khí để làm điều đó. Ông kể cho vợ nghe giấc mơ mà trong đó thiên sứ đã truyền thông điệp từ Đức Chúa Trời: Vua Hê-rốt muốn giết đứa con bé bỏng của họ! Họ phải rời đi ngay. (Đọc Ma-thi-ơ 2:13, 14). Ma-ri vô cùng lo lắng. Tại sao lại có người muốn giết đứa con ngây thơ, vô tội của cô? Cả Giô-sép lẫn Ma-ri đều không hiểu nổi. Dù vậy, họ tin cậy Đức Giê-hô-va và sẵn sàng lên đường.
3. Giô-sép và gia đình khởi hành từ Bết-lê-hem như thế nào? (Cũng xem hình).
3 Cư dân Bết-lê-hem ngủ say, không hay biết Giô-sép, Ma-ri và em nhỏ Giê-su lặng lẽ rời làng trong màn đêm. Họ đi về phía nam khi mặt trời dần ló dạng ở phía đông, và chắc hẳn Giô-sép băn khoăn về tương lai trước mắt. Làm sao người thợ mộc tầm thường như ông có thể che chở vợ con khỏi những thế lực hùng mạnh? Ông có luôn chu cấp được cho gia đình không? Liệu ông có thể kiên trì thi hành trọng trách Đức Chúa Trời giao, là chăm sóc và nuôi dạy người con đặc biệt này không? Giô-sép đối mặt với nhiều thử thách cam go. Khi xem xét cách ông đối phó với từng thử thách, chúng ta sẽ biết tại sao những người làm cha ngày nay và tất cả chúng ta cần noi theo đức tin của Giô-sép.
Giô-sép che chở gia đình
4, 5. (a) Cuộc đời Giô-sép hoàn toàn thay đổi ra sao? (b) Làm thế nào một thiên sứ đã khuyến khích Giô-sép gánh vác sứ mạng lớn lao?
4 Hơn một năm trước tại quê nhà Na-xa-rét, cuộc đời Giô-sép hoàn toàn thay đổi sau khi đính hôn với con gái của Hê-li. Giô-sép biết Ma-ri là một thiếu nữ trong trắng và trung thành. Nhưng sau đó ông biết cô có thai! Ông định kín đáo ly dị để tránh tai tiếng cho Ma-ria. Tuy nhiên, thiên sứ nói với ông trong giấc mơ, giải thích rằng Ma-ri thụ thai bởi thần khí của Đức Giê-hô-va, và con trai cô sinh ra sẽ “cứu dân mình khỏi tội lỗi”. Thiên sứ còn trấn an Giô-sép: “Đừng ngại lấy Ma-ri làm vợ”.—Mat 1:18-21.
5 Vì là người công chính và vâng lời nên Giô-sép làm y như thế. Ông gánh vác sứ mạng lớn lao là nuôi dạy và chăm sóc người con không phải con ruột của mình nhưng là con yêu quý nhất của Đức Chúa Trời. Sau này, vì vâng theo chiếu chỉ của hoàng đế nên Giô-sép đưa người vợ đang mang thai trở về Bết-lê-hem để đăng ký tên vào sổ. Tại đó, đứa trẻ chào đời.
6-8. (a) Cuộc sống của Giô-sép và gia đình lại thay đổi vì những sự kiện nào? (b) Bằng chứng nào cho thấy Sa-tan đã làm ngôi sao hiện ra? (Cũng xem chú thích).
6 Giô-sép đã không đưa gia đình trở lại Na-xa-rét. Thay vì thế, họ ổn định cuộc sống ở Bết-lê-hem, chỉ cách Giê-ru-sa-lem khoảng 10km. Dù nghèo nhưng Giô-sép đã làm tất cả để Ma-ri và Giê-su không phải chịu cảnh thiếu thốn và khổ sở. Không lâu sau, họ tìm được một căn nhà đơn sơ. Rồi khi Giê-su không còn là trẻ sơ sinh, có lẽ đã hơn một tuổi, cuộc sống của họ lại bất ngờ thay đổi.
7 Một nhóm chiêm tinh gia đến từ phương đông, hẳn là từ Ba-by-lôn xa xôi. Họ đi theo một ngôi sao dẫn đến nhà Giô-sép và Ma-ri để tìm một con trẻ sẽ trở thành vua dân Do Thái. Những người này biểu lộ lòng kính trọng sâu xa.
8 Dù biết hay không, những chiêm tinh gia đã đặt em nhỏ Giê-su vào tình thế nguy hiểm. Ngôi sao không dẫn họ đến thẳng Bết-lê-hem, nhưng đến Giê-ru-sa-lem trướcb. Tại đó, họ nói với vua Hê-rốt gian ác rằng họ đang tìm một con trẻ sẽ trở thành vua dân Do Thái. Tin này khiến vua nổi giận vì ghen tị.
9-11. (a) Có lực mạnh hơn Hê-rốt và Sa-tan như thế nào? (b) Hành trình đến Ai Cập khác với những câu chuyện thần thoại trong ngụy thư ra sao?
9 Thế nhưng, đáng mừng là có lực mạnh hơn Hê-rốt và Sa-tan. Mạnh hơn như thế nào? Khi những chiêm tinh gia đến nhà Giê-su và thấy con trẻ cùng với mẹ thì họ dâng một số quà mà không cần đền đáp. Hẳn Giô-sép và Ma-ri lấy làm lạ khi bỗng nhiên sở hữu những thứ quý giá như “vàng, nhũ hương và trầm hương”! Những chiêm tinh gia định quay lại và báo cho vua Hê-rốt biết họ đã tìm thấy nơi ở của con trẻ. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va đã can thiệp. Qua một giấc mơ, ngài bảo họ nên trở về quê hương bằng đường khác.—Đọc Ma-thi-ơ 2:1-12.
10 Không lâu sau khi những chiêm tinh gia đi khỏi, Giô-sép được thiên sứ của Đức Giê-hô-va cảnh báo: “Hãy thức dậy, đưa con trẻ cùng mẹ ngài trốn qua xứ Ai Cập và ở đó cho đến khi tôi báo tin thì hãy về, vì Hê-rốt sắp tìm giết con trẻ” (Mat 2:13). Như chúng ta đã biết ở phần đầu chương, Giô-sép nhanh chóng vâng theo. Ông đặt sự an toàn của con lên trên hết và đưa gia đình sang Ai Cập. Vì những chiêm tinh gia ngoại giáo đã dâng những món quà quý giá nên giờ đây Giô-sép có đủ chi phí để trang trải đời sống trước mắt.
11 Sau này, những câu chuyện thần thoại trong ngụy thư và truyền thuyết đã miêu tả li kì về hành trình đến Ai Cập, cho rằng em nhỏ Giê-su đã làm phép lạ khiến chuyến đi ngắn hơn, vô hiệu hóa kẻ cướp, thậm chí làm cây chà là cong xuống để mẹ hái tráic. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là chuyến hành trình dài gian khổ đến một nơi xa lạ.
Giô-sép hy sinh lợi ích cá nhân vì quyền lợi của gia đình
12. Cha mẹ nuôi dạy con cái trong một thế gian nguy hiểm có thể học được gì từ Giô-sép?
12 Những bậc cha mẹ có thể học nhiều điều từ Giô-sép. Ông sẵn sàng ngưng công việc và hy sinh lợi ích cá nhân để che chở gia đình khỏi nguy hiểm. Rõ ràng, ông xem gia đình là sự ủy thác thiêng liêng của Đức Giê-hô-va. Những người làm cha mẹ thời nay nuôi dạy con cái trong một thế gian nguy hiểm, đầy dẫy những ảnh hưởng có thể gây nguy hại, hư hỏng, thậm chí hủy hoại người trẻ. Những bậc cha mẹ hành động quyết đoán giống Giô-sép thật đáng khâm phục! Họ đang nỗ lực che chở con cái khỏi những ảnh hưởng tai hại ấy.
Giô-sép chu cấp cho gia đình
13, 14. Tại sao Giô-sép và Ma-ri trở về Na-xa-rét để nuôi nấng các con?
13 Dường như gia đình Giô-sép không ở Ai Cập lâu, vì chẳng lâu sau đó thiên sứ báo cho ông biết Hê-rốt đã chết. Giô-sép đưa gia đình trở về quê hương. Một lời tiên tri xưa báo trước rằng Đức Giê-hô-va sẽ gọi con ngài “ra khỏi Ai Cập” (Mat 2:15). Giô-sép đã giúp làm ứng nghiệm lời tiên tri này, nhưng giờ đây ông đưa gia đình đi đâu?
14 Giô-sép đã thận trọng. Ông khôn ngoan khi sợ A-khê-lao, người kế vị Hê-rốt, vì vua này cũng là kẻ giết người tàn bạo và độc ác. Đức Chúa Trời hướng dẫn Giô-sép đưa gia đình lên phía bắc, cách xa Giê-ru-sa-lem và những mưu đồ đen tối, trở về quê nhà Na-xa-rét ở Ga-li-lê. Ông cùng Ma-ri nuôi nấng các con tại đó.—Đọc Ma-thi-ơ 2:19-23.
15, 16. Giô-sép có công việc như thế nào? Có thể ông đã dùng những dụng cụ nào?
15 Cuộc sống của họ tuy đạm bạc nhưng không dễ dàng. Kinh Thánh cho biết Giô-sép là thợ mộc, một từ ám chỉ nhiều công việc liên quan đến gỗ, chẳng hạn như đốn, kéo, xẻ và phơi gỗ để làm nhà, thuyền, cầu nhỏ, xe kéo, bánh xe, ách và mọi công cụ thuộc nghề nông (Mat 13:55). Đó là công việc chân tay nặng nhọc. Thợ mộc vào thời Kinh Thánh thường làm việc gần cửa căn nhà đơn sơ của họ hoặc tại một chỗ được dựng lên cạnh nhà.
16 Giô-sép dùng nhiều loại dụng cụ, một số trong đó hẳn là do cha ông để lại. Có thể ông đã dùng thước vuông góc, quả dọi, dây bật phấn, rìu nhỏ, cưa, rìu lưỡi vòm, búa, vồ, đục, khoan tay hình cung, nhiều loại keo, và có lẽ một ít đinh dù chúng đắt tiền.
17, 18. (a) Cậu bé Giê-su được cha nuôi dạy những gì? (b) Tại sao Giô-sép phải làm việc ngày càng vất vả hơn?
17 Hãy hình dung cậu bé Giê-su nhìn cha nuôi làm việc, đôi mắt tròn xoe, chăm chú nhìn từng động tác của Giô-sép. Chắc chắn cậu thán phục sức mạnh của đôi vai rộng, cánh tay mạnh mẽ, bàn tay khéo léo và đôi mắt nhanh nhạy của cha. Có lẽ Giô-sép bắt đầu dạy con trai cách làm những việc đơn giản như đánh nhẵn miếng gỗ xù xì bằng da cá khô. Rất có thể ông cũng cho con biết sự khác nhau giữa những loại gỗ mà ông dùng, chẳng hạn như gỗ cây vả, sồi hoặc ô-liu.
18 Ngoài ra, cậu bé Giê-su biết được rằng chính đôi tay rắn chắc đó đã đốn gỗ, đẽo xà nhà, nện những khớp lại với nhau nhưng cũng nhẹ nhàng vỗ về, an ủi cậu cũng như mẹ và các em cậu. Thật vậy, Giô-sép và Ma-ri có một gia đình ngày càng đông đúc với ít nhất sáu con, không kể Chúa Giê-su (Mat 13:55, 56). Giô-sép phải làm việc ngày càng vất vả hơn để chăm sóc và nuôi sống gia đình.
Giô-sép hiểu rằng chăm sóc nhu cầu tâm linh cho gia đình là quan trọng nhất
19. Giô-sép chăm sóc nhu cầu tâm linh cho gia đình như thế nào?
19 Dù vậy, Giô-sép hiểu rằng chăm sóc nhu cầu tâm linh cho gia đình là quan trọng nhất. Thế nên, ông dành thời gian dạy các con về Đức Chúa Trời và những điều răn của ngài. Ông và Ma-ri đều đặn dẫn các con đến nhà hội địa phương, nơi người ta đọc lớn tiếng và giải nghĩa Luật pháp. Có lẽ sau đó Giê-su đã thắc mắc nhiều điều, và Giô-sép nỗ lực để thỏa mãn sự khao khát về tâm linh của con. Giô-sép cũng đưa gia đình đi dự những lễ hội tôn giáo ở Giê-ru-sa-lem. Với Lễ Vượt Qua hằng năm, có lẽ họ phải mất hai tuần để thực hiện chuyến đi dài 120km, tham dự lễ và trở về nhà.
20. Những người chủ gia đình đạo Đấng Ki-tô noi gương Giô-sép bằng cách nào?
20 Ngày nay, những người chủ gia đình đạo Đấng Ki-tô noi gương Giô-sép. Họ hy sinh vì các con, đặt sự dạy dỗ về tâm linh lên trên mọi mối bận tâm khác, kể cả vật chất. Họ cố gắng hết sức để hướng dẫn sự thờ phượng của gia đình, đưa các con đi nhóm họp và hội nghị. Như Giô-sép, họ biết rằng đó là sự đầu tư tốt nhất vì lợi ích của con cái.
“Rất khổ sở”
21. Chuyến đi dự Lễ Vượt Qua của gia đình Giô-sép diễn ra thế nào? Khi nào Giô-sép và Ma-ri mới nhận ra là cậu bé Giê-su bị lạc?
21 Khi Chúa Giê-su 12 tuổi, Giô-sép đưa gia đình đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua như thường lệ. Vào thời điểm đó, nhiều gia đình hợp lại thành đoàn lữ hành đi qua miền quê đang mùa xuân cây trái sum sê. Khi đến vùng đất cằn cỗi gần Giê-ru-sa-lem phía trên cao, nhiều người hát những bài ca đi lên đền thờ (Thi 120-134). Thành phố lúc ấy tấp nập hàng trăm ngàn người. Khi lễ hội kết thúc, những gia đình bắt đầu trở về nhà. Giô-sép và Ma-ri có lẽ rất bận rộn và tưởng rằng Giê-su đi cùng những người khác, có thể là bà con. Chỉ sau khi đi hết một ngày đường, họ mới nhận ra một điều khủng khiếp: Cậu bé Giê-su bị lạc!—Lu 2:41-44.
22, 23. Giô-sép và Ma-ri làm gì khi con bị lạc? Ma-ri nói gì khi tìm được con?
22 Họ cuống cuồng quay lại Giê-ru-sa-lem và tìm con khắp nơi. Hãy tưởng tượng có lẽ họ cảm thấy thành phố vắng lặng và lạ lẫm trong khi hớt hải đi qua những con phố, gọi lớn tên con. Con trai của họ đang ở đâu? Đến ngày tìm kiếm thứ ba, Giô-sép có bắt đầu băn khoăn không? Có thể ông tự hỏi liệu ông có thất bại thảm hại khi thực hiện sự ủy thác thiêng liêng của Đức Giê-hô-va hay không. Cuối cùng, họ đến đền thờ. Ở đó, họ tìm kiếm cho đến khi vào một căn phòng có nhiều thầy dạy đạo thành thạo Luật pháp, và cậu bé Giê-su đang ngồi giữa họ! Hãy hình dung Giô-sép và Ma-ri thấy nhẹ nhõm làm sao!—Lu 2:45, 46.
23 Giê-su vừa lắng nghe những thầy dạy đạo vừa háo hức đặt những câu hỏi. Ai nấy đều kinh ngạc trước sự hiểu biết và lời đối đáp của cậu. Còn Giô-sép và Ma-ri thì rất ngạc nhiên. Kinh Thánh không cho biết Giô-sép nói gì. Nhưng Ma-ri khéo léo nói lên nỗi lòng của cả hai: “Con ơi, sao lại đối xử với cha mẹ thế này? Cha mẹ tìm con rất khổ sở”.—Lu 2:47, 48.
24. Làm thế nào Kinh Thánh vẽ nên bức tranh thực tế về vai trò làm cha mẹ?
24 Chỉ qua vài nét tinh tế, Lời Đức Chúa Trời vẽ nên bức tranh thực tế về vai trò làm cha mẹ. Người làm cha mẹ có thể bị căng thẳng, ngay cả khi con hoàn hảo! Nuôi dạy con trong thế gian nguy hiểm ngày nay có thể dẫn đến rất nhiều “khổ sở”, nhưng bậc cha mẹ được an ủi khi biết Kinh Thánh có nhắc đến những khó khăn của họ.
25, 26. Cậu bé Giê-su đáp lời cha mẹ ra sao? Có thể Giô-sép cảm thấy thế nào về những lời của con?
25 Giê-su đã ở một nơi cậu thấy gần gũi nhất với Cha trên trời, Đức Giê-hô-va. Tại đó, cậu hăng hái hấp thu bất cứ điều gì có thể học được. Giê-su thành thật đáp lời cha mẹ: “Sao cha mẹ lại kiếm con? Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con sao?”.—Lu 2:49.
26 Hẳn Giô-sép nghĩ về những lời ấy nhiều lần và ông thấy hãnh diện. Suy cho cùng, ông đã ân cần dạy cậu con nuôi cảm thấy như thế về Đức Giê-hô-va. Khi đó, dù chỉ là một cậu bé nhưng Chúa Giê-su đã cảm nhận được ý nghĩa ấm áp của từ “cha”. Cảm xúc ấy có được phần lớn là nhờ những năm ngài sống cùng Giô-sép.
27. Là người làm cha, bạn có đặc ân nào? Tại sao bạn nên nhớ gương của Giô-sép?
27 Nếu làm cha, bạn có thấy rõ đặc ân giúp con hình thành ý niệm về người cha yêu thương và che chở không? Nếu bạn có con nuôi hoặc con riêng của vợ, hãy nhớ gương của Giô-sép, xem mỗi đứa con là đặc biệt và quý giá. Hãy giúp các con gần gũi hơn với Cha trên trời.—Đọc Ê-phê-sô 6:4.
Giô-sép luôn kiên trì
28, 29. (a) Những lời nơi Lu-ca 2:51, 52 cho biết gì về Giô-sép? (b) Giô-sép giúp con ngày càng khôn ngoan bằng cách nào?
28 Về cuộc đời của Giô-sép, Kinh Thánh chỉ cho biết thêm đôi điều nhưng rất đáng để xem xét. Kinh Thánh nói Chúa Giê-su “tiếp tục vâng phục” cha mẹ, và “ngày càng khôn ngoan, cao lớn, được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta”. (Đọc Lu-ca 2:51, 52). Những lời này cho biết vài điều về Giô-sép. Ông tiếp tục dẫn đầu gia đình, vì người con hoàn hảo đã tôn trọng và phục tùng uy quyền làm cha của ông.
29 Ngoài ra, vì Chúa Giê-su “ngày càng khôn ngoan” nên chắc hẳn Giô-sép đã nỗ lực nhiều để giúp con về phương diện ấy. Thời đó, người Do Thái có câu châm ngôn nổi tiếng mà người ta vẫn còn dùng cho đến thời nay. Câu đó quả quyết rằng chỉ những người nhàn rỗi mới có thể thật sự khôn ngoan, còn dân lao động như thợ mộc, nông dân, thợ rèn “không thể phát biểu về sự công bằng và sự phán xét; và họ không có mặt tại nơi người ta nói chuyện dụ ngôn”. Sau này, Chúa Giê-su chứng tỏ câu đó hoàn toàn sai. Khi còn bé, đã biết bao lần ngài lắng nghe cha nuôi, dù chỉ là thợ mộc nghèo hèn, dạy những bài học thực tế về “sự công bằng và sự phán xét” của Đức Giê-hô-va! Chắc chắn Chúa Giê-su được cha dạy như thế vô số lần.
30. Giô-sép nêu gương cho những người chủ gia đình như thế nào?
30 Chúng ta cũng thấy bằng chứng rằng Giô-sép đã nuôi Chúa Giê-su “cao lớn”. Do được chăm sóc chu đáo nên ngài trở thành một người đàn ông mạnh khỏe. Hơn nữa, Giô-sép cũng dạy con trai kỹ năng của nghề mộc. Người ta không chỉ biết Chúa Giê-su là con của thợ mộc mà còn biết ngài là “thợ mộc” (Mác 6:3). Giô-sép đã huấn luyện Chúa Giê-su thành công. Những người chủ gia đình khôn ngoan noi gương ông khi chăm sóc con về thể chất và giúp con có thể tự mưu sinh sau này.
31. (a) Có bằng chứng nào cho thấy thời điểm Giô-sép qua đời? (Bao gồm khung). (b) Giô-sép để lại gương nào cho chúng ta noi theo?
31 Đến lúc Chúa Giê-su làm báp-têm vào năm ngài khoảng 30 tuổi, Kinh Thánh không còn nhắc đến Giô-sép nữa. Có bằng chứng cho thấy Ma-ri đã là góa phụ khi Chúa Giê-su bắt đầu thánh chức. (Xem khung “Giô-sép qua đời khi nào?”). Tuy nhiên, Giô-sép để lại gương sáng về một người cha che chở, chu cấp cho gia đình và luôn kiên trì đến cùng. Bất cứ người cha, người chủ gia đình hay tín đồ đạo Đấng Ki-tô nào cũng nên noi theo đức tin của Giô-sép.
a Vào thời bấy giờ, đính hôn được xem là gần như đã kết hôn.
b Ngôi sao này không phải là hiện tượng thiên văn tự nhiên, cũng không phải do Đức Chúa Trời làm hiện ra. Rõ ràng, Sa-tan dùng hình thức siêu nhiên đó như là một phần trong mưu đồ hiểm độc của hắn nhằm diệt trừ Giê-su.
c Kinh Thánh cho thấy rõ là “Chúa Giê-su làm phép lạ đầu tiên” sau khi ngài báp-têm.—Giăng 2:1-11.