BÀI HỌC 40
Anh chị có thể kiên trì như Phi-e-rơ
“Lạy Chúa, xin tránh xa tôi vì tôi là người tội lỗi”.—LU 5:8.
BÀI HÁT 38 Ngài sẽ làm chúng ta mạnh mẽ
GIỚI THIỆUa
1. Phi-e-rơ phản ứng thế nào trước phép lạ bắt được nhiều cá?
Phi-e-rơ đã dành cả đêm để đánh cá mà không bắt được con nào. Thật ngạc nhiên khi Chúa Giê-su nói với ông: “Các anh hãy chèo ra chỗ sâu và thả lưới ở đó” (Lu 5:4). Phi-e-rơ nghĩ ông sẽ chẳng bắt được gì nhưng vẫn làm theo chỉ dẫn. Ông và các bạn chài bắt được nhiều cá đến nỗi rách cả lưới. Khi nhận ra mình vừa chứng kiến một phép lạ, họ “rất đỗi kinh ngạc”. Phi-e-rơ thốt lên: “Lạy Chúa, xin tránh xa tôi vì tôi là người tội lỗi” (Lu 5:6-9). Hẳn Phi-e-rơ cảm thấy không xứng đáng để đồng hành với Chúa Giê-su.
2. Tại sao xem xét gương của Phi-e-rơ là điều hữu ích?
2 Phi-e-rơ nói đúng, ông là “người tội lỗi”. Kinh Thánh cho biết đôi khi ông nói và làm những điều mà sau này phải hối tiếc. Anh chị có bao giờ cảm thấy như Phi-e-rơ không? Anh chị có đang tranh đấu với một nhược điểm hoặc một khuynh hướng tội lỗi dai dẳng không? Nếu có, anh chị có thể được an ủi khi học về gương của Phi-e-rơ. Như thế nào? Hãy nghĩ về điều này: Đức Giê-hô-va đã có thể chọn để không cho ghi lại những thiếu sót của Phi-e-rơ trong Kinh Thánh. Tuy nhiên, ngài soi dẫn để ghi lại những điều đó hầu dạy dỗ chúng ta (2 Ti 3:16, 17). Khi học về Phi-e-rơ, người có nhược điểm và cảm xúc như mình, chúng ta sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không đòi hỏi chúng ta phải hoàn hảo. Ngài muốn chúng ta kiên trì, không bỏ cuộc, bất kể những nhược điểm của mình.
3. Tại sao chúng ta cần kiên trì?
3 Tại sao chúng ta cần kiên trì? Có câu nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Hãy xem minh họa sau: Một nhạc sĩ có thể phải mất nhiều năm để chơi thành thạo một nhạc cụ. Trong thời gian đó, ông có thể chơi sai nốt hàng ngàn lần. Nhưng nếu kiên trì tập, ông sẽ chơi tốt hơn. Ngay cả khi ông đã trở thành nhạc sĩ giỏi, có lúc ông vẫn phạm lỗi. Dù vậy, ông không bỏ cuộc. Ông tiếp tục trau dồi kỹ năng của mình. Tương tự, ngay cả sau khi nghĩ rằng mình đã vượt qua nhược điểm nào đó, chúng ta vẫn có thể tái phạm. Nhưng chúng ta tiếp tục cố gắng để cải thiện. Tất cả chúng ta đều nói hoặc làm những điều mà sau này mình phải hối tiếc. Tuy nhiên, nếu chúng ta không bỏ cuộc, Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình tiến bộ (1 Phi 5:10). Giờ đây, hãy xem xét gương kiên trì của Phi-e-rơ. Việc Chúa Giê-su thể hiện lòng trắc ẩn với Phi-e-rơ bất kể thiếu sót của ông có thể thúc đẩy chúng ta tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va.
SỰ TRANH ĐẤU CỦA PHI-E-RƠ VÀ ÂN PHƯỚC ÔNG NHẬN ĐƯỢC
4. Theo Lu-ca 5:5-10, Phi-e-rơ đã nói gì về bản thân, nhưng Chúa Giê-su đã trấn an ông như thế nào?
4 Kinh Thánh không cho biết tại sao Phi-e-rơ nói mình là “người tội lỗi” hoặc ông đang nghĩ về những tội nào. (Đọc Lu-ca 5:5-10). Nhưng có lẽ ông đã phạm một số lỗi nghiêm trọng. Chúa Giê-su nhận ra Phi-e-rơ đang sợ. Có lẽ ông sợ vì cảm thấy mình không đủ khả năng. Chúa Giê-su cũng biết rằng Phi-e-rơ có thể giữ trung thành. Vì thế, ngài nhân từ bảo ông: “Đừng sợ”. Việc Chúa Giê-su tin tưởng Phi-e-rơ đã tác động lâu dài đến ông. Sau này, Phi-e-rơ và em mình là Anh-rê đã bỏ công việc kinh doanh đánh cá để theo Đấng Mê-si trọn thời gian, là quyết định dẫn đến những ân phước tuyệt vời.—Mác 1:16-18.
5. Nhờ vượt qua nỗi sợ và nhận lời mời của Chúa Giê-su, Phi-e-rơ nhận được những ân phước nào?
5 Phi-e-rơ đã có nhiều trải nghiệm đặc biệt khi làm môn đồ của Chúa Giê-su. Ông thấy ngài chữa lành người bệnh, đuổi quỷ và thậm chí làm người chết sống lạib (Mat 8:14-17; Mác 5:37, 41, 42). Phi-e-rơ cũng thấy khải tượng về sự vinh hiển của Chúa Giê-su trong Nước Trời, và điều này đã tác động lớn đến ông (Mác 9:1-8; 2 Phi 1:16-18). Thật vậy, Phi-e-rơ thấy những điều mà ông không bao giờ nghĩ mình sẽ được thấy. Hẳn ông vui mừng biết bao vì đã không để cho những cảm xúc tiêu cực về bản thân khiến mình bỏ lỡ những ân phước ấy!
6. Phi-e-rơ có nhanh chóng vượt qua nhược điểm của mình không? Hãy giải thích.
6 Bất kể những gì đã thấy và nghe, Phi-e-rơ vẫn phải tranh đấu với nhược điểm của mình. Hãy xem một vài ví dụ. Khi Chúa Giê-su cho biết ngài sẽ chịu khổ và chết để làm ứng nghiệm lời tiên tri trong Kinh Thánh, Phi-e-rơ đã trách ngài (Mác 8:31-33). Nhiều lần ông và các sứ đồ khác đã cãi nhau xem ai lớn nhất (Mác 9:33, 34). Vào đêm trước khi Chúa Giê-su chết, Phi-e-rơ đã hấp tấp chém đứt tai của một người (Giăng 18:10). Cũng trong đêm ấy, Phi-e-rơ đã khuất phục trước nỗi sợ và ba lần chối bỏ bạn mình là Chúa Giê-su (Mác 14:66-72). Điều đó khiến ông khóc lóc cay đắng.—Mat 26:75.
7. Sau khi Chúa Giê-su sống lại, Phi-e-rơ được cho cơ hội nào?
7 Chúa Giê-su đã không từ bỏ sứ đồ đang vô cùng nản lòng này. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã cho Phi-e-rơ cơ hội để xác nhận ông yêu thương ngài. Chúa Giê-su mời ông khiêm nhường chăn chiên của ngài (Giăng 21:15-17). Phi-e-rơ đã hưởng ứng lời mời ấy. Ông đã có mặt ở Giê-ru-sa-lem vào ngày Lễ Ngũ Tuần và ở trong số những người đầu tiên được xức dầu bằng thần khí thánh.
8. Phi-e-rơ đã phạm lỗi nghiêm trọng nào ở An-ti-ốt?
8 Ngay cả sau khi trở thành tín đồ được xức dầu, Phi-e-rơ vẫn phải tranh đấu với nhược điểm của mình. Vào năm 36 CN, Phi-e-rơ có mặt khi Cọt-nây, một người dân ngoại chưa cắt bì, được xức dầu bằng thần khí thánh. Đây là bằng chứng rõ ràng cho thấy “Đức Chúa Trời không hề thiên vị” và dân ngoại có thể gia nhập hội thánh đạo Đấng Ki-tô (Công 10:34, 44, 45). Sau đó, Phi-e-rơ cảm thấy thoải mái ăn chung với người thuộc dân ngoại, là điều mà nếu là trước đây ông sẽ không bao giờ làm (Ga 2:12). Tuy nhiên, một số tín đồ gốc Do Thái cảm thấy rằng người Do Thái và dân ngoại không nên ăn chung. Khi một số người có quan điểm ấy đến An-ti-ốt, Phi-e-rơ ngừng ăn chung với các anh em gốc dân ngoại, rất có thể vì sợ làm phật lòng các tín đồ gốc Do Thái. Sứ đồ Phao-lô thấy sự giả tạo này và khiển trách Phi-e-rơ trước nhiều người (Ga 2:13, 14). Dù phạm lỗi ấy, Phi-e-rơ vẫn kiên trì phụng sự. Điều gì đã giúp ông?
ĐIỀU GÌ GIÚP PHI-E-RƠ KIÊN TRÌ?
9. Làm thế nào Giăng 6:68, 69 cho thấy lòng trung thành của Phi-e-rơ?
9 Phi-e-rơ đã trung thành, không để bất cứ điều gì khiến ông bỏ cuộc. Vào một dịp, ông thể hiện lòng trung thành khi Chúa Giê-su nói một điều mà các môn đồ không hiểu. (Đọc Giăng 6:68, 69). Nhiều môn đồ không chờ câu trả lời hoặc xin lời giải thích mà lại ngưng theo Chúa Giê-su. Nhưng Phi-e-rơ thì không làm thế. Ông nhận biết rằng chỉ có Chúa Giê-su “có những lời mang lại sự sống vĩnh cửu”.
10. Chúa Giê-su cho thấy ngài tin tưởng Phi-e-rơ như thế nào? (Cũng xem hình).
10 Chúa Giê-su đã không từ bỏ Phi-e-rơ. Vào đêm cuối của đời sống trên đất, ngài biết rằng ông và các sứ đồ khác sẽ bỏ ngài. Dù vậy, Chúa Giê-su cho thấy ngài tin chắc Phi-e-rơ sẽ trở lại và giữ trung thành (Lu 22:31, 32). Chúa Giê-su biết “tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác lại yếu đuối” (Mác 14:38). Vì thế, ngay cả sau khi Phi-e-rơ chối là không biết ngài, Chúa Giê-su đã không từ bỏ sứ đồ này. Sau khi sống lại, ngài hiện ra với Phi-e-rơ, hẳn khi ông đang ở một mình (Mác 16:7; Lu 24:34; 1 Cô 15:5). Chắc chắn điều đó đã khích lệ sứ đồ đang nản lòng này rất nhiều!
11. Làm thế nào Chúa Giê-su giúp Phi-e-rơ tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ hỗ trợ ông?
11 Chúa Giê-su đã giúp Phi-e-rơ tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ hỗ trợ ông. Sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã làm thêm một phép lạ để Phi-e-rơ và các sứ đồ đánh được nhiều cá (Giăng 21:4-6). Hẳn phép lạ này giúp Phi-e-rơ tin chắc rằng Đức Giê-hô-va có thể dễ dàng cung cấp những điều ông cần về vật chất. Có lẽ lúc đó ông nhớ lại lời mà Chúa Giê-su nói là Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp cho những ai ‘luôn tìm kiếm Nước Trời trước hết’ (Mat 6:33). Phù hợp với điều đó, Phi-e-rơ đã đặt thánh chức lên hàng đầu, chứ không phải việc đánh cá. Ông đã dạn dĩ làm chứng vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, giúp hàng ngàn người chấp nhận tin mừng (Công 2:14, 37-41). Sau đó, ông giúp người Sa-ma-ri và người thuộc dân ngoại chấp nhận Đấng Ki-tô (Công 8:14-17; 10:44-48). Rõ ràng, Đức Giê-hô-va đã dùng Phi-e-rơ rất nhiều để giúp mọi loại người vào hội thánh.
CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC GÌ?
12. Nếu đang đương đầu với một nhược điểm dai dẳng, gương của Phi-e-rơ giúp chúng ta như thế nào?
12 Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta kiên trì. Có thể chúng ta phải tranh đấu để làm thế, đặc biệt nếu đang đương đầu với một nhược điểm dai dẳng. Đôi khi, những nhược điểm của chúng ta dường như khó hơn của Phi-e-rơ, nhưng Đức Giê-hô-va có thể ban cho chúng ta sức mạnh để không bỏ cuộc (Thi 94:17-19). Chẳng hạn, một anh từng có lối sống đồng tính trong nhiều năm trước khi học chân lý. Anh đã dứt khoát từ bỏ những thực hành vô luân ấy. Dù vậy, đôi khi anh vẫn phải tranh đấu với những ham muốn sai trái. Điều gì đã giúp anh kiên trì? Anh cho biết: “Đức Giê-hô-va thêm sức cho chúng ta”. Anh nói thêm: “Nhờ thần khí của ngài,… tôi học được rằng việc tiếp tục đi trong đường lối chân lý là điều có thể… Đức Giê-hô-va đã dùng tôi trong công việc của ngài, và bất kể những nhược điểm của tôi, ngài luôn thêm sức cho tôi”.
13. Làm thế nào chúng ta có thể noi theo điều Phi-e-rơ làm nơi Công vụ 4:13, 29, 31? (Cũng xem hình).
13 Như chúng ta thấy, Phi-e-rơ đã rơi vào bẫy sợ loài người không chỉ một lần. Nhưng nhờ cầu xin sự dạn dĩ, Phi-e-rơ đã có thể hành động một cách can đảm. (Đọc Công vụ 4:13, 29, 31). Chúng ta cũng có thể vượt qua nỗi sợ. Hãy xem điều đã xảy ra với anh Horst, một anh trẻ sống vào thời Đức Quốc Xã. Có những lúc anh đã chiều theo áp lực ở trường và chào “Heil Hitler!”, có nghĩa là “Hitler sẽ giải cứu chúng ta”. Thay vì trách mắng, cha mẹ anh Horst đã cầu nguyện với anh, xin Đức Giê-hô-va ban cho anh sự can đảm. Nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ và việc nương cậy nơi Đức Giê-hô-va, cuối cùng anh đã có sức mạnh để đứng vững. Sau này, anh nói: “Đức Giê-hô-va đã không bao giờ bỏ rơi tôi”.c
14. Người chăn đầy lòng quan tâm có thể khích lệ những anh chị đang nản lòng như thế nào?
14 Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su sẽ không bỏ rơi chúng ta. Phi-e-rơ đã đứng trước một ngã rẽ trong cuộc đời sau khi chối Chúa Giê-su. Liệu ông sẽ bỏ cuộc hay sẽ kiên trì làm môn đồ ngài? Chúa Giê-su đã cầu xin Đức Giê-hô-va giúp Phi-e-rơ không mất đức tin. Ngài cho Phi-e-rơ biết về lời cầu nguyện đó và bày tỏ lòng tin chắc là sau này ông sẽ làm vững mạnh anh em mình (Lu 22:31, 32). Hẳn Phi-e-rơ được an ủi biết bao khi nhớ lại những lời ấy của Chúa Giê-su! Khi chúng ta đứng trước một ngã rẽ trong cuộc đời, Đức Giê-hô-va có thể dùng những người chăn đầy lòng quan tâm để cung cấp sự khích lệ cần thiết, giúp chúng ta giữ trung thành (Ê-phê 4:8, 11). Một trưởng lão lâu năm tên Paul đã cố gắng cung cấp sự khích lệ ấy. Anh đề nghị những anh chị đang muốn bỏ cuộc nhớ lại lúc đầu Đức Giê-hô-va đã kéo họ đến với chân lý như thế nào. Rồi anh trấn an họ rằng vì tình yêu thương thành tín của ngài, Đức Giê-hô-va sẽ không bao giờ bỏ rơi họ. Anh kết luận: “Tôi thấy nhờ sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va, nhiều anh chị nản lòng vẫn tiếp tục kiên trì”.
15. Làm thế nào trường hợp của Phi-e-rơ và anh Horst cho thấy Ma-thi-ơ 6:33 nói rất đúng?
15 Đức Giê-hô-va đã cung cấp về vật chất cho Phi-e-rơ và các sứ đồ khác. Tương tự, ngài cũng sẽ chăm lo nhu cầu vật chất cho chúng ta khi mình đặt thánh chức lên hàng đầu trong đời sống (Mat 6:33). Sau Thế Chiến II, anh Horst, được đề cập ở trên, đã nghĩ đến công việc tiên phong. Tuy nhiên, anh rất nghèo và nghĩ rằng mình không thể vừa tự nuôi sống bản thân vừa làm thánh chức trọn thời gian. Anh sẽ làm gì đây? Anh quyết định thử Đức Giê-hô-va bằng cách tham gia thánh chức trong suốt tuần mà giám thị vòng quanh viếng thăm. Vào cuối tuần đó, anh kinh ngạc khi giám thị vòng quanh đưa cho anh một bao thư từ một người vô danh. Trong đó có đủ tiền để anh có thể làm tiên phong một thời gian. Anh xem món quà này là lời bảo đảm rằng Đức Giê-hô-va sẽ chăm lo cho mình. Từ đó cho đến cuối cuộc đời, anh đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu.—Mal 3:10.
16. Tại sao chúng ta nên chú ý đến gương của Phi-e-rơ và những lá thư của ông?
16 Hẳn Phi-e-rơ hạnh phúc biết bao vì Chúa Giê-su đã không tránh xa ông, như ông từng xin! Chúa Giê-su tiếp tục huấn luyện Phi-e-rơ để trở thành sứ đồ trung thành và gương mẫu nổi bật cho tín đồ đạo Đấng Ki-tô. Lời tường thuật về sự huấn luyện ấy chứa đựng nhiều bài học quý giá có thể mang lại lợi ích cho chúng ta. Phi-e-rơ đã chia sẻ một số bài học đó và nhiều điều khác trong hai lá thư được soi dẫn mà ông gửi cho các hội thánh vào thế kỷ thứ nhất. Bài sau sẽ thảo luận một vài lời nhắc nhở từ những lá thư này và cách chúng ta có thể áp dụng ngày nay.
BÀI HÁT 126 Hãy luôn tỉnh thức, đứng vững và mạnh mẽ
a Bài này được biên soạn để trấn an những ai đang đối phó với nhược điểm của mình là họ có thể vượt qua và kiên trì trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va.
b Nhiều câu Kinh Thánh được viện dẫn trong bài này là từ Phúc âm Mác. Dường như ông ghi lại những điều nghe được từ Phi-e-rơ, là người tận mắt chứng kiến các sự kiện ấy.
c Xem video Anh Horst Henschel: Đức Giê-hô-va là một ngọn tháp kiên cố cho tôi trên jw.org.
d HÌNH ẢNH: Như trong hình diễn lại này, cha mẹ của anh Horst Henschel đã cầu nguyện với anh và giúp anh củng cố lòng quyết tâm để đứng vững.