Đức Giê-hô-va—Cha Nhân Từ Thương Xót của chúng ta
“Chúa [Đức Giê-hô-va] đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” (GIA-CƠ 5:11).
1. Tại sao những người thấp hèn cảm thấy muốn đến gần Giê-hô-va Đức Chúa Trời?
VŨ TRỤ bao la đầy những dải thiên hà đến độ các nhà thiên văn không thể đếm hết được. Dải thiên hà của chúng ta là Ngân hà, rộng lớn đến độ người ta không thể đếm tất cả các vì sao trong đó. Một số ngôi sao, như Antares, lớn hơn và sáng hơn mặt trời của chúng ta hàng ngàn lần. Đấng Tạo hóa Vĩ đại của tất cả vì sao trong vũ trụ thật đầy quyền lực biết bao! Thật vậy, Ngài là “Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, mà đặt tên hết thảy” (Ê-sai 40:26). Thế nhưng Đức Chúa Trời đáng kính sợ này cũng “đầy lòng thương-xót và nhơn-từ”. Các tôi tớ hèn mọn của Đức Giê-hô-va cảm thấy thoải mái biết bao khi biết được điều này, nhất là những người đang chịu khổ vì bị bắt bớ, bệnh tật, chán nản hoặc gặp khó khăn khác!
2. Người đời thường xem những cảm xúc mềm mại như thế nào?
2 Nhiều người xem những cảm xúc mềm mại, như “lòng yêu-mến và lòng thương-xót” của đấng Christ, như một nhược điểm (Phi-líp 2:1). Vì bị ảnh hưởng bởi triết lý của thuyết tiến hóa, họ khuyến khích người ta đặt mình lên trên hết, dù điều đó có nghĩa là làm đau lòng người khác. Một số người được coi là gương mẫu trong giới giải trí và thể thao, là những người tự cho mình có đầy nam tính không thèm rơi lệ hoặc tỏ lòng trìu mến. Một số nhà cầm quyền cũng có những hành động tương tự. Triết gia phái khắc kỷ (Stoic) là Seneca, người đã từng dạy hoàng đế độc ác Nero, nhấn mạnh rằng “tính thương hại là một nhược điểm”. Một bách khoa tự điển (M’Clintock and Strong’s Cyclopædia) nói: “Ảnh hưởng của triết lý khắc kỷ... tiếp tục tác động đến tâm trí của đàn ông ngay cả trong thời kỳ này”.
3. Đức Giê-hô-va tự miêu tả cho Môi-se như thế nào?
3 Trái lại, Đấng Tạo hóa của nhân loại có cá tính làm cho chúng ta ấm lòng. Ngài tự miêu tả cho Môi-se qua những lời này: “Giê-hô-va! Giê-hô-va! là Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực,... xá đều gian-ác, tội-trọng, và tội-lỗi; nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô-tội” (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va kết luận sự miêu tả về chính Ngài bằng cách làm nổi bật tính công bình của Ngài. Ngài không miễn cho những người cố tình phạm tội khỏi bị trừng phạt xứng đáng. Dù thế, Ngài vẫn miêu tả chính mình là một Đức Chúa Trời đầy thương xót, đó là đặc tính chính của Ngài.
4. Chữ Hê-bơ-rơ thường được dịch là “thương xót” có nghĩa gì?
4 Đôi khi người ta nghĩ chữ “thương xót” hay khoan hồng chỉ là sự không trừng phạt theo nghĩa lạnh lùng của luật pháp. Tuy nhiên, khi so sánh các bản dịch Kinh-thánh, người ta thấy ý nghĩa phong phú của tĩnh từ tiếng Hê-bơ-rơ bắt nguồn từ động từ ra·chamʹ. Theo một số học giả, nghĩa gốc của chữ này là “mềm mại”. Sách Synonyms of the Old Testament (Các chữ đồng nghĩa trong Cựu Ước) giải thích: “Racham nói lên cảm giác thương xót sâu xa và mềm mại, như cái cảm giác khi chúng ta thấy sự yếu đuối hoặc đau khổ của những người chúng ta thương mến hay cần sự giúp đỡ của chúng ta”. Chúng ta có thể tìm thấy những định nghĩa khác của đức tính đáng mến chuộng này trong sách Insight on the Scriptures (Thông hiểu Kinh-thánh), Quyển 2, trang 375-379.
5. Sự thương xót được thấy rõ trong Luật của Môi-se như thế nào?
5 Chúng ta thấy rõ lòng thương xót nhân từ của Đức Chúa Trời qua Luật pháp mà Ngài ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Những người bị thiệt thòi chẳng hạn như góa phụ, kẻ mồ côi và người nghèo phải được đối xử một cách đầy thương xót (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22-27; Lê-vi Ký 19:9, 10; Phục-truyền Luật-lệ Ký 15:7-11). Tất cả mọi người, kể cả nô lệ và thú vật, đều phải được hưởng ngày nghỉ hàng tuần trong ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10). Hơn nữa, Đức Chúa Trời chú ý đến những người đối xử nhân từ với người thấp hèn. Châm-ngôn 19:17, NW, nói: “Ai chiếu cố đến kẻ thấp hèn, tức cho Đức Giê-hô-va vay mượn; Ngài sẽ đền đáp lại cho người ấy”.
Lòng thương xót của Đức Chúa Trời có giới hạn
6. Tại sao Đức Giê-hô-va sai các tiên tri và sứ giả đến với dân Ngài?
6 Dân Y-sơ-ra-ên mang danh của Đức Chúa Trời và thờ phượng tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem, đó là “đền cho danh Đức Giê-hô-va” (II Sử-ký 2:4; 6:33). Tuy nhiên, với thời gian họ đã dung túng tội vô luân, thờ hình tượng và giết người, làm ô danh Đức Giê-hô-va rất nhiều. Phù hợp với cá tính thương xót của Ngài, Đức Chúa Trời kiên nhẫn cố gắng sửa chữa tình trạng xấu xa này mà không giáng họa cho cả nước. Ngài “hằng sai sứ-giả đến cùng chúng; nhưng chúng nhạo-báng sứ-giả của Đức Chúa Trời, khinh-bỉ các lời phán Ngài, cười-nhạo những tiên-tri của Ngài, cho đến đỗi cơn thạnh-nộ của Đức Giê-hô-va nổi lên cùng dân-sự Ngài, chẳng còn phương chữa được” (II Sử-ký 36:15, 16).
7. Khi lòng thương xót của Đức Chúa Trời đã đến giới hạn cuối cùng, điều gì đã xảy ra cho xứ Giu-đa?
7 Mặc dù Đức Giê-hô-va thương xót và chậm giận, nhưng khi cần, Ngài có bày tỏ cơn giận chính đáng. Vào thời đó, lòng thương xót của Đức Chúa Trời đã đến giới hạn cuối cùng. Chúng ta đọc về những hậu quả: “Vì vậy, Đức Chúa Trời khiến vua dân Canh-đê lên hãm đánh chúng, người dùng gươm giết những trai-trẻ của chúng tại đền thánh họ; người chẳng thương-xót đến, hoặc trai-trẻ, nữ đồng-trinh, già-cả, hay là kẻ đầu bạc: Ngài phó hết thảy vào tay của vua Canh-đê” (II Sử-ký 36:17). Vậy, thành Giê-ru-sa-lem cùng đền thờ đã bị hủy diệt, và dân chúng bị dẫn đi làm phu tù tại Ba-by-lôn.
Thương xót cho danh Ngài
8, 9. a) Tại sao Đức Giê-hô-va tuyên bố rằng Ngài sẽ thương xót cho danh Ngài? b) Các kẻ thù của Đức Giê-hô-va bị im tiếng như thế nào?
8 Các nước lân bang đã vui mừng về tai họa này. Chúng nói một cách chế giễu: “Ấy là dân của Đức Giê-hô-va; chúng nó đã ra đi từ đất Ngài”. Vì ý thức rõ lời sỉ nhục này, Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Nhưng ta tiếc danh thánh của ta... Ta sẽ làm nên thánh danh lớn của ta... Như vậy, các dân-tộc sẽ biết ta là Đức Giê-hô-va” (Ê-xê-chi-ên 36:20-23).
9 Sau khi dân Y-sơ-ra-ên bị làm phu tù 70 năm, Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời thương xót, đã giải cứu họ và cho họ trở về để xây lại đền thờ tại Giê-ru-sa-lem. Điều này đã làm các nước lân bang im tiếng, họ kinh ngạc nhìn xem (Ê-xê-chi-ên 36:35, 36). Tuy nhiên, điều đáng buồn là dân Y-sơ-ra-ên lại thực hành những điều xấu xa lần nữa. Người Do Thái trung thành là Nê-hê-mi đã cố sửa lại tình trạng này. Trong một lời cầu nguyện trước công chúng, ông ôn lại sự đối xử đầy thương xót của Đức Chúa Trời đối với dân tộc, ông nói:
10. Nê-hê-mi làm nổi bật lòng thương xót của Đức Giê-hô-va như thế nào?
10 “Trong thời hoạn-nạn chúng kêu-cầu cùng Chúa, thì từ các từng trời Chúa có nghe đến; theo lòng nhân-từ lớn-lao của Chúa, Chúa bèn ban cho những đấng giải-cứu để cứu chúng khỏi tay kẻ cừu-địch mình. Nhưng khi chúng được an-tịnh, bèn khởi làm lại đều ác trước mặt Chúa; vì vậy, Chúa bỏ chúng vào tay kẻ thù-nghịch để quản-hạt chúng; song khi chúng trở lại, kêu-cầu cùng Chúa, thì Chúa từ trên trời nghe đến, và vì lòng thương-xót Chúa, nên giải-cứu chúng nhiều lần... Chúa dung-thứ chúng nhiều năm” (Nê-hê-mi 9:26-30; cũng xem Ê-sai 63:9, 10).
11. Có sự khác biệt nào giữa Đức Giê-hô-va và các thần của loài người?
11 Cuối cùng, sau khi từ bỏ Con yêu dấu của Đức Chúa Trời một cách tàn nhẫn, nước Y-sơ-ra-ên đã mất địa vị đặc ân mãi mãi. Sự gắn bó trung thành của Đức Chúa Trời với họ đã kéo dài đến 1.500 năm. Đây là một chứng cớ đời đời cho thấy Đức Giê-hô-va quả là Đức Chúa Trời có lòng thương xót. Thật là một sự tương phản rõ rệt với những thần độc ác và nhẫn tâm mà con người tội lỗi đã tưởng tượng ra! (Xin xem trang 8).
Sự bày tỏ cao quí nhất về lòng thương xót
12. Đức Chúa Trời có sự bày tỏ cao quí nhất nào về lòng thương xót?
12 Sự bày tỏ cao quí nhất về lòng thương xót của Đức Chúa Trời là khi Ngài sai Con yêu dấu của Ngài đến trái đất. Đành rằng sự trung kiên của Giê-su đã đem lại niềm vui mừng lớn lao cho Đức Giê-hô-va, cung cấp cho Ngài một lời giải đáp hoàn hảo cho lời vu cáo của Ma-quỉ (Châm-ngôn 27:11), nhưng khi phải chứng kiến người Con yêu quí chết một cách tàn nhẫn và nhục nhã, chắc chắn Đức Giê-hô-va đau khổ nhiều hơn bất cứ cha mẹ nào trên đất này đã từng đau khổ. Đó là một sự hy sinh đầy yêu thương, mở đường cho nhân loại được cứu rỗi (Giăng 3:16). Như cha của Giăng Báp-tít là Xa-cha-ri đã tiên tri, điều đó cho thấy rõ ràng “Đức Chúa Trời chúng tôi động lòng thương-xót” (Lu-ca 1:77, 78).
13. Giê-su phản chiếu cá tính của Cha ngài bằng cách quan trọng nào?
13 Việc sai Con Đức Chúa Trời xuống trái đất cũng cho nhân loại thấy rõ hơn về cá tính của Đức Giê-hô-va. Bằng cách nào? Bằng cách là Giê-su đã phản chiếu một cách hoàn toàn cá tính của Cha Ngài, nhất là trong cách Ngài đối xử với những người thấp hèn một cách đầy nhân từ thương xót! (Giăng 1:14; 14:9). Về phương diện này, ba người viết Phúc âm là Ma-thi-ơ, Mác và Lu-ca đã dùng động từ Hy Lạp splag·khniʹzo·mai, đến từ chữ Hy Lạp có nghĩa là “ruột”. Một học giả Kinh-thánh là William Barclay giải thích: “Chính từ chữ gốc này, người ta thấy rằng chữ này không mô tả sự thương hại hoặc thương xót bình thường, nhưng nói đến một sự xúc động đi thấu vào tận đáy sâu của tâm hồn một người. Đó là một chữ Hy Lạp mạnh mẽ nhất nói về cảm giác thương xót. Chữ này được dịch nhiều cách khác nhau chẳng hạn như “thương-xót” hoặc “động lòng thương-xót” (Mác 6:34; 8:2).
Khi Giê-su động lòng thương xót
14, 15. Trong một thành ở Ga-li-lê, Giê-su động lòng thương xót như thế nào, và điều đó cho thấy gì?
14 Cảnh tượng xảy ra trong một thành ở Ga-li-lê. Một người “mắc bịnh phung đầy mình” đến gần Giê-su mà không báo trước như thường lệ (Lu-ca 5:12). Giê-su có trách người đó một cách gay gắt vì hắn không la lên “Ô-uế! ô-uế!” như Luật của Đức Chúa Trời đòi hỏi không? (Lê-vi Ký 13:45). Không. Thay vì thế, Giê-su lắng nghe lời cầu xin tuyệt vọng của người đó: “Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được”. Giê-su “động lòng thương-xót” giơ tay rờ người phung và nói rằng: “Ta khứng, hãy sạch đi”. Người đó lập tức được lành bệnh. Qua việc đó, Giê-su cho thấy không những chỉ quyền lực của Đức Chúa Trời ban cho ngài để làm phép lạ mà thôi, nhưng còn cho thấy cảm giác trìu mến đã thúc đẩy ngài dùng quyền lực đó (Mác 1:40-42).
15 Có phải Giê-su đợi người ta đến với ngài rồi ngài mới bày tỏ sự thương xót không? Không. Một thời gian sau, ngài gặp một đám tang từ thành Na-in ra. Chắc chắn, Giê-su đã chứng kiến nhiều đám tang trước đó, nhưng đám này đặc biệt thảm thương. Người chết là con một của bà góa. “Động lòng thương-xót”, Giê-su đến gần bà và nói: “Đừng khóc!” Rồi ngài đã làm phép lạ cho con trai bà sống lại (Lu-ca 7:11-15).
16. Tại sao Giê-su thương xót đoàn dân đông đi theo ngài?
16 Những biến cố trên cho chúng ta bài học sống động là khi Giê-su “động lòng thương-xót”, ngài làm một điều tích cực để giúp người khác. Vào một dịp sau đó, Giê-su quan sát một đoàn dân đông đi theo ngài. Ma-thi-ơ ghi lại rằng “ngài động lòng thương-xót vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Những người Pha-ri-si hầu như không làm gì để thỏa mãn sự đói kém về thiêng liêng của dân chúng. Thay vì vậy, họ làm cho người ta nặng gánh với nhiều điều luật không cần thiết (Ma-thi-ơ 12:1, 2; 15:1-9; 23:4, 23). Những gì họ nói về các người nghe lời của Giê-su cho thấy rõ quan điểm của họ đối với đám thường dân: “Lũ dân nầy không biết luật chi cả, thật là dân đáng rủa!” (Giăng 7:49).
17. Lòng thương xót của Giê-su đối với đám đông khiến ngài làm gì, và ngài ban sự hướng dẫn nào có hiệu lực lâu dài?
17 Trái lại, Giê-su rất xúc động trước tình trạng thiêng liêng thảm thương của đoàn dân đông. Nhưng có quá nhiều người chú ý đến thông điệp Nước Trời đến độ ngài không chăm sóc riêng từng người được. Vì vậy ngài bảo môn đồ hãy cầu nguyện để có thêm con gặt (Ma-thi-ơ 9:35-38). Phù hợp với lời cầu nguyện này, Giê-su sai các sứ đồ đi nói thông điệp: “Nước thiên-đàng gần rồi”. Những lời chỉ dẫn của Giê-su vào dịp đó được xem như là một sự hướng dẫn quí giá cho tín đồ đấng Christ đến tận thời kỳ ngày nay. Chắc chắn, tình cảm thương xót của Giê-su đã khiến ngài thỏa mãn sự đói khát về thiêng liêng của nhân loại (Ma-thi-ơ 10:5-7).
18. Giê-su phản ứng thế nào khi bị đám đông quấy rầy, và điều đó dạy chúng ta bài học nào?
18 Vào một dịp khác, Giê-su lần nữa cảm thấy lo lắng cho nhu cầu thiêng liêng của đoàn dân. Lần này ngài và các sứ đồ rất mệt mỏi sau một chuyến hành trình giảng đạo bận rộn, và họ đang đi tìm một chỗ để nghỉ ngơi. Nhưng chẳng bao lâu dân chúng tìm gặp họ. Thay vì bực tức vì bị quấy rầy, Mác ghi lại rằng Giê-su “động lòng thương-xót”. Và lý do nào đã khiến Giê-su có cảm xúc sâu xa đó? “Vì [họ] như chiên không có người chăn”. Lần nữa, Giê-su đã bày tỏ cảm xúc của ngài qua hành động và bắt đầu dạy dỗ đoàn dân về “Nước Đức Chúa Trời”. Đúng vậy, ngài rất xúc động trước tình trạng đói khát về thiêng liêng của họ đến độ ngài hy sinh thì giờ nghỉ ngơi để dạy họ (Mác 6:34; Lu-ca 9:11).
19. Ngoài nhu cầu thiêng liêng của đoàn dân, Giê-su còn quan tâm đến điều gì khác nữa?
19 Trong lúc Giê-su quan tâm trước hết đến nhu cầu thiêng liêng của dân chúng, ngài không bao giờ bỏ qua nhu cầu căn bản về thể chất. Cũng trong dịp đó, ngài “chữa cho những kẻ cần được lành bịnh” (Lu-ca 9:11). Vào một dịp khác sau đó, đoàn dân đã theo Giê-su nhiều ngày và ở cách xa nhà. Biết họ bị đói, Giê-su nói với môn đồ: “Ta thương-xót đoàn dân nầy; vì đã ba ngày ở cùng ta, bây giờ không có chi ăn hết. Ta không muốn để họ nhịn đói mà về, e phải mệt lủi dọc đường chăng” (Ma-thi-ơ 15:32). Bấy giờ Giê-su làm một điều để tránh sự đau khổ có thể xảy ra. Ngài làm phép lạ cho hàng ngàn người đàn ông, đàn bà và trẻ con có đồ ăn trong khi dùng bảy cái bánh và vài con cá.
20. Chúng ta học được gì trong lần cuối cùng Kinh-thánh ghi lại về việc Giê-su động lòng thương xót?
20 Lần cuối cùng Kinh-thánh ghi lại về việc Giê-su động lòng thương xót là trong chuyến đi cuối cùng đến thành Giê-ru-sa-lem. Một đoàn dân đông cùng đi với ngài để cử hành lễ Vượt qua. Trên con đường ở gần thành Giê-ri-cô, hai người ăn mày bị mù cứ la lên: “Lạy Chúa, xin thương-xót chúng tôi!” Đoàn dân cố gắng biểu họ nín đi, nhưng Giê-su gọi họ và hỏi họ muốn ngài làm gì. Họ van xin: “Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi được mở ra”. “Động lòng thương-xót”, ngài rờ mắt họ và họ thấy được (Ma-thi-ơ 20:29-34). Câu chuyện này cho chúng ta một bài học trọng yếu làm sao! Giê-su chỉ còn một tuần cuối để làm thánh chức trên đất. Ngài có nhiều việc phải làm trước khi chết, một cái chết đau đớn do bọn làm công cụ cho Sa-tan gây ra. Tuy nhiên, ngài không để cho áp lực của giờ phút quan trọng đó ngăn cản ngài bày tỏ lòng thương xót nhân từ đối với nhu cầu kém quan trọng hơn của con người.
Những minh họa làm nổi bật lòng thương xót
21. Việc người chủ tha cho đầy tớ món nợ lớn điển hình cho điều gì?
21 Động từ Hy Lạp splag·khniʹzo·mai, được dùng trong các sự tường thuật về đời sống của Giê-su, cũng được dùng trong ba thí dụ minh họa của ngài. Trong một câu chuyện, người đầy tớ xin chủ hoãn cho hắn một thời gian để trả món nợ lớn. Người chủ “động lòng thương-xót” tha luôn món nợ đó. Điều này cho thấy Giê-hô-va Đức Chúa Trời tỏ lòng thương xót bao la trong việc tha thứ những tội lỗi như một món nợ lớn cho mỗi tín đồ đấng Christ thực hành đức tin nơi sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su (Ma-thi-ơ 18:27; 20:28).
22. Câu chuyện ví dụ về đứa con hoang đàng minh họa điều gì?
22 Rồi đến câu chuyện của đứa con trai hoang đàng. Hãy nhớ lại những gì xảy ra khi đứa con bướng bỉnh trở về nhà. “Khi còn ở đàng xa, cha nó thấy thì động lòng thương-xót, chạy ra ôm lấy cổ mà hôn” (Lu-ca 15:20). Điều này cho thấy khi một tín đồ đấng Christ trước đây bướng bỉnh, nhưng nay thật lòng ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ động lòng thương xót và sẽ chấp nhận người đó trở lại. Vậy, qua hai ví dụ minh họa này, Giê-su cho thấy Cha trên trời của chúng ta, Đức Giê-hô-va “đầy lòng thương-xót và nhơn-từ” (Gia-cơ 5:11).
23. Chúng ta học được bài học nào qua câu chuyện của Giê-su về người Sa-ma-ri biết thương người lân cận?
23 Chữ splag·khniʹzo·mai được dùng lần thứ ba khi nói về một người Sa-ma-ri đầy lòng trắc ẩn đã “động lòng thương-xót” khi thấy tình cảnh khốn khó của một người Do Thái bị cướp và nằm giữa đường nửa sống nửa chết (Lu-ca 10:33). Hành động theo cảm xúc, người Sa-ma-ri làm tất cả những gì người có thể làm để giúp người lạ đó. Điều này cho thấy Đức Giê-hô-va và Giê-su mong muốn tín đồ thật của đấng Christ bắt chước gương mẫu của họ trong việc bày tỏ lòng trìu mến và thương xót. Bài tới sẽ bàn luận về vài cách mà chúng ta có thể làm được điều này.
Câu hỏi ôn lại
◻ Thương xót có nghĩa gì?
◻ Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài thương xót cho danh Ngài thế nào?
◻ Có sự bày tỏ cao quí nhất nào về lòng thương xót?
◻ Giê-su phản chiếu cá tính của Cha ngài bằng cách nổi bật nào?
◻ Chúng ta học được gì qua hành động đầy lòng thương xót của Giê-su và qua những minh họa của ngài?
[Khung nơi trang 12, 13]
MỘT TỪ SINH ĐỘNG DIỄN TẢ “SỰ CHĂM SÓC TRÌU MẾN”
“LÒNG RUỘT, lòng ruột tôi đòi đoạn”, nhà tiên tri Giê-rê-mi kêu than như thế. Có phải ông phàn nàn về chứng đau ruột vì ăn phải đồ ăn hư không? Không, Giê-rê-mi dùng phép ẩn dụ trong tiếng Hê-bơ-rơ để mô tả sự lo lắng sâu xa trước tai họa sắp xảy ra cho nước Giu-đa (Yêrêmya 4 19 [Giê-rê-mi 4:19], Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn).
Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời có tình cảm sâu sắc, chữ “ruột” trong tiếng Hê-bơ-rơ (me·ʽimʹ) cũng được dùng để mô tả các cảm xúc trìu mến của Ngài. Thí dụ, nhiều thập niên trước thời Giê-rê-mi, dân của nước Y-sơ-ra-ên gồm mười chi phái bị vua A-si-ri bắt đi làm phu tù. Đức Giê-hô-va cho phép điều này để trừng phạt tội bất trung của họ. Nhưng Đức Chúa Trời có quên họ trong lúc họ bị lưu đày không? Không, Ngài vẫn gắn bó khắng khít với họ vì họ thuộc dân ở trong giao ước với Ngài. Khi nhắc về họ bằng tên của một chi phái quan trọng là Ép-ra-im, Đức Giê-hô-va hỏi: “Họa chăng đối với Ta, Ephraim thật là quí tử, một đứa con cưng, để cứ chốc chốc Ta lại nhắc đến nó, và Ta nhớ canh cánh bên lòng, khiến lòng ruột Ta những rạo rực lên vì nó, thương da diết” (Yêrêmya 31 20 [Giê-rê-mi 31:20], Bản dịch Nguyễn Thế Thuấn).
Khi nói “lòng ruột Ta những rạo rực lên”, Đức Giê-hô-va dùng cách nói bóng bẩy để diễn tả tình cảm trìu mến sâu sắc của Ngài đối với dân bị lưu đày. Khi bình luận về câu này, học giả Kinh-thánh vào thế kỷ 19 là E. Henderson viết: “Không gì xúc động hơn là khi thấy cha mẹ bày tỏ tình thương sâu đậm đối với đứa con hoang đàng nay trở về, ở đây nói về trường hợp của Đức Giê-hô-va... Mặc dù Ngài nói nghịch cùng [Ép-ra-im thờ hình tượng] và phạt họ..., Ngài không bao giờ quên họ, nhưng trái lại, Ngài vui mừng trông đợi đến lúc họ cuối cùng trở lại với Ngài”.
Chữ “ruột” trong tiếng Hy Lạp được dùng tương tự như thế trong Kinh-thánh phần Hy Lạp. Công-vụ các Sứ-đồ 1:18 nói về ruột theo nghĩa đen, nhưng khi không được dùng theo nghĩa đen, chữ đó ám chỉ tình cảm yêu thương trìu mến hoặc lòng trắc ẩn (Phi-lê-môn 12). Chữ này đôi khi đi liền với chữ Hy Lạp có nghĩa “tốt” hay “lành”. Sứ đồ Phao-lô và Phi-e-rơ dùng từ ngữ kép này khi khuyến khích tín đồ đấng Christ hãy có “đầy-dẫy lòng thương-xót”, theo nghĩa đen là “có ý muốn tốt để tỏ lòng thương hại” (Ê-phê-sô 4:32; I Phi-e-rơ 3:8). Chữ “ruột” trong tiếng Hy Lạp cũng có thể đi kèm với chữ Hy Lạp là pol·yʹ. Hai chữ hợp lại có nghĩa đen là “có nhiều ruột”. Thành ngữ Hy Lạp này rất ít thấy, được dùng chỉ một lần trong Kinh-thánh, và nói về Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới dịch là “Đức Giê-hô-va đầy lòng yêu thương trìu mến” (Gia-cơ 5:11).
Chúng ta nên biết ơn biết bao vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng quyền năng cao cả nhất trong vũ trụ, không giống các thần độc ác do con người không có lòng trắc ẩn tưởng tượng ra! Vì muốn bắt chước Đức Chúa Trời “đầy dẫy lòng thương xót”, tín đồ thật của đấng Christ phải tỏ lòng yêu thương trìu mến trong cách cư xử với người khác (Ê-phê-sô 5:1).
[Hình nơi trang 10]
Khi lòng thương xót của Đức Giê-hô-va đã đến giới hạn cuối cùng, Ngài cho phép người Ba-by-lôn chinh phục dân tộc bướng bỉnh của Ngài.
[Hình nơi trang 11]
Chứng kiến con yêu quí của mình chết, Giê-hô-va Đức Chúa Trời chắc hẳn đã đau khổ tột cùng, hơn bất cứ người nào khác đã từng đau khổ
[Hình nơi trang 15]
Giê-su phản chiếu một cách hoàn toàn cá tính đầy thương xót của Cha ngài