Giăng Báp-tít—Một gương mẫu về việc duy trì niềm vui
Anh chị có đang mong muốn đảm nhận một nhiệm vụ trong hội thánh nhưng hiện tại vẫn chưa đạt được không? Có lẽ đó là nhiệm vụ mà người khác đang đảm nhận, hoặc là nhiệm vụ mà anh chị từng làm trước đó. Tuy nhiên, vì vấn đề tuổi tác, sức khỏe, tài chính hoặc trách nhiệm gia đình nên hiện tại anh chị không thể làm nhiều như mình muốn. Hoặc có thể anh chị phải ngưng nhiệm vụ mà mình đã làm trong nhiều năm vì tổ chức có sự thay đổi. Dù lý do là gì, có thể anh chị cảm thấy mình không phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều như mình muốn. Trong tình huống đó, điều dễ hiểu là đôi khi anh chị cảm thấy thất vọng. Dù vậy, điều gì có thể giúp anh chị chế ngự cảm xúc tiêu cực, như sự nản lòng, cay đắng hoặc oán giận? Làm thế nào anh chị duy trì được niềm vui?
Chúng ta có thể rút ra bài học về việc duy trì niềm vui khi xem xét gương của Giăng Báp-tít. Giăng có những đặc ân đặc biệt, nhưng dường như điều mà ông mong đợi khác với những gì đã xảy ra. Có lẽ ông không hình dung là thời gian ông ở tù lâu hơn thời gian mà ông làm thánh chức. Dù vậy, Giăng vẫn giữ được niềm vui, và ông giữ tinh thần đó trong suốt cuộc đời còn lại. Điều gì đã giúp ông? Và làm thế nào chúng ta có thể duy trì niềm vui ngay cả khi cảm thấy thất vọng?
MỘT NHIỆM VỤ MANG LẠI NHIỀU NIỀM VUI
Vào mùa xuân năm 29 CN, Giăng bắt đầu nhiệm vụ với tư cách là người dọn đường cho Đấng Mê-si. Ông rao giảng: “Hãy ăn năn, vì Nước Trời đã đến gần” (Mat 3:2; Lu 1:12-17). Nhiều người đã hưởng ứng tích cực trước thông điệp của ông. Thực tế, có những người từ nơi xa xôi đã đến để nghe ông giảng, và nhiều người được thúc đẩy để ăn năn và chịu phép báp-têm. Giăng cũng dạn dĩ cảnh báo giới lãnh đạo tôn giáo, những người tự cho mình là công chính, về sự phán xét đang chờ họ nếu họ không thay đổi (Mat 3:5-12). Thánh chức của ông đạt đến cao điểm là vào mùa thu năm 29 CN, khi ông làm báp-têm cho Chúa Giê-su. Từ đó trở đi, Giăng hướng người ta đi theo Chúa Giê-su, Đấng Mê-si được hứa trước.—Giăng 1:32-37.
Chúa Giê-su nói như sau về vai trò đặc biệt của Giăng: “Trong số những người lọt lòng mẹ và được phái đến với dân chúng, không ai lớn hơn Giăng Báp-tít” (Mat 11:11). Chắc chắn, Giăng vui mừng về những ân phước mình nhận được. Giống như Giăng, nhiều anh chị ngày nay cũng cảm nghiệm được vô vàn ân phước. Chẳng hạn như kinh nghiệm của anh Terry. Anh và vợ là chị Sandra đã phụng sự trọn thời gian trong hơn 50 năm. Anh Terry nói: “Tôi nhận được nhiều đặc ân tuyệt vời. Tôi làm tiên phong đều đều, thành viên Bê-tên, tiên phong đặc biệt, giám thị vòng quanh, giám thị địa hạt và giờ đây đang làm đặc biệt trở lại”. Đúng là rất vui khi nhận được những đặc ân thần quyền, nhưng một điều chúng ta sẽ học từ gương của Giăng là để duy trì niềm vui thì đòi hỏi nỗ lực khi hoàn cảnh thay đổi.
DUY TRÌ LÒNG BIẾT ƠN
Một bí quyết giúp Giăng Báp-tít duy trì niềm vui là ông luôn biết ơn về những đặc ân mình nhận được. Hãy xem một ví dụ. Sau khi Chúa Giê-su báp-têm, thánh chức của Giăng bắt đầu giảm bớt, còn thánh chức của Chúa Giê-su thì gia tăng. Những môn đồ của Giăng đến gặp ông và nói: “Thưa Thầy, hãy xem kìa,... hiện giờ người đang làm phép báp-têm và hết thảy đều đến cùng người” (Giăng 3:26). Giăng đáp lại: “Người có cô dâu là chú rể. Còn bạn của chú rể, khi đứng bên cạnh và nghe tiếng chú rể thì rất vui mừng. Vậy, niềm vui của tôi đã được trọn vẹn” (Giăng 3:29). Giăng không ganh đua với Chúa Giê-su; ông cũng không nghĩ rằng những đặc ân mà ông nhận được trở nên vô giá trị vì vai trò của Chúa Giê-su quan trọng hơn. Thay vì thế, Giăng vẫn giữ được niềm vui vì ông quý trọng vai trò của mình với tư cách là “bạn của chú rể”.
Quan điểm của Giăng giúp ông tiếp tục vui mừng dù nhiệm vụ của ông không dễ dàng. Chẳng hạn, Giăng là người Na-xi-rê từ lúc sinh ra, vì thế ông không được phép uống rượu (Lu 1:15). Khi Chúa Giê-su nói: “Giăng đến không ăn không uống”, ngài muốn nói đến lối sống nghiêm ngặt mà Giăng phải giữ. Trái lại, Chúa Giê-su và các môn đồ không bị ràng buộc bởi lời thề của người Na-xi-rê, nên họ có đời sống như những người khác (Mat 11:18, 19). Ngoài ra, Giăng không thực hiện bất cứ phép lạ nào, trong khi những môn đồ của Chúa Giê-su, gồm vài người từng là môn đồ của ông, được ban cho quyền năng làm phép lạ (Mat 10:1; Giăng 10:41). Thay vì để những điều đó khiến mình phân tâm, Giăng tiếp tục bận rộn thi hành nhiệm vụ mà Đức Giê-hô-va giao.
Nếu cũng quý trọng đặc ân mình đang có trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể duy trì niềm vui. Anh Terry được đề cập ở trên nói: “Tôi chú tâm vào mỗi nhiệm vụ mình được giao”. Nhìn lại quãng đời phụng sự trọn thời gian, anh cho biết: “Tôi không có điều gì hối tiếc mà chỉ có những kỷ niệm tuyệt vời”.
Chúng ta có thể gia tăng niềm vui trong việc phụng sự bằng cách suy ngẫm điều thật sự làm cho trách nhiệm thần quyền của mình có giá trị. Đó là đặc ân được “cùng làm việc với Đức Chúa Trời” (1 Cô 3:9). Giống như việc đánh bóng vật gia truyền có thể giúp giữ được vẻ đẹp của chúng, việc suy ngẫm về đặc ân phụng sự Đức Giê-hô-va có thể giúp chúng ta điều chỉnh quan điểm sai lầm làm lu mờ niềm vui. Chúng ta muốn tránh so sánh những sự hy sinh của mình với người khác. Chúng ta sẽ không hạ thấp đặc ân của mình khi nghĩ đến đặc ân của người khác.—Ga 6:4.
CHÚ TÂM VÀO ĐIỀU THIÊNG LIÊNG
Hẳn Giăng biết rằng thánh chức của ông không kéo dài mãi, nhưng có lẽ ông không ngờ là thánh chức của mình sẽ kết thúc một cách đột ngột (Giăng 3:30). Vào năm 30 CN, khoảng sáu tháng sau khi làm báp-têm cho Chúa Giê-su, Giăng bị vua Hê-rốt bỏ tù. Dù ở trong chốn lao tù, Giăng vẫn tiếp tục làm chứng (Mác 6:17-20). Điều gì giúp ông duy trì niềm vui bất kể sự thay đổi? Đó là ông tiếp tục chú tâm vào điều thiêng liêng.
Khi đang ở trong tù, Giăng nghe kể rằng thánh chức của Chúa Giê-su ngày càng gia tăng (Mat 11:2; Lu 7:18). Giăng tin chắc Chúa Giê-su là Đấng Mê-si, nhưng có lẽ ông băn khoăn không biết Chúa Giê-su sẽ làm ứng nghiệm mọi điều Kinh Thánh tiên tri về ngài như thế nào. Đấng Mê-si sẽ được ban cho vương quyền, liệu ngài có sớm cai trị không? Ngài có cứu ông khỏi cảnh tù đày không? Vì muốn được hiểu rõ hơn về vai trò của Chúa Giê-su, Giăng đã sai hai môn đồ mình đến gặp Chúa Giê-su để hỏi: “Ngài có phải là Đấng Sẽ Đến, hay chúng tôi phải đợi một đấng khác nữa?” (Lu 7:19). Khi các môn đồ trở lại, hẳn Giăng đã chăm chú lắng nghe họ kể những phép lạ chữa lành mà Chúa Giê-su thực hiện, cũng như những lời Chúa Giê-su bảo họ nói với Giăng: “Người mù thấy được, người què đi được, người phong cùi được sạch, người điếc nghe được, người chết sống lại và người nghèo được nghe tin mừng”.—Lu 7:20-22.
Chắc chắn Giăng được vững mạnh khi nghe những điều các môn đồ kể. Những gì Chúa Giê-su làm đang làm ứng nghiệm các lời tiên tri về Đấng Mê-si. Dù Chúa Giê-su không cứu Giăng ra khỏi tù, nhưng Giăng biết rằng thánh chức của mình không vô ích. Bất kể hoàn cảnh là gì, ông có lý do để vui mừng.
Như Giăng, nếu chú tâm vào điều thiêng liêng, chúng ta sẽ có thể chịu đựng nghịch cảnh với niềm vui và lòng kiên nhẫn (Cô 1:9-11). Điều có thể giúp chúng ta chịu đựng là đọc và suy ngẫm Kinh Thánh, nhớ rằng công việc mình làm trong việc phụng sự sẽ không hề vô ích (1 Cô 15:58). Chị Sandra cho biết: “Đọc một chương Kinh Thánh mỗi ngày giúp tôi đến gần hơn với Đức Giê-hô-va. Thói quen này giúp tôi chú tâm vào ngài, thay vì bản thân”. Chúng ta cũng có thể chú tâm vào những báo cáo về công việc Nước Trời. Điều này có thể giúp chúng ta nhìn xa hơn hoàn cảnh hiện tại và tập trung vào điều Đức Giê-hô-va đang thực hiện. Chị Sandra cho biết thêm: “Chương trình Kênh truyền thông mỗi tháng giúp mình gần gũi hơn với tổ chức và duy trì niềm vui trong nhiệm sở”.
Trong thời gian ngắn làm công việc thánh chức, Giăng Báp-tít đã rao giảng với “tinh thần và sức lực như Ê-li-gia”, và giống như Ê-li-gia, ông “cũng là người có cảm xúc như chúng ta” (Lu 1:17; Gia 5:17). Nếu noi theo gương của ông về lòng biết ơn và chú tâm vào điều thiêng liêng, chúng ta cũng có thể duy trì niềm vui trong việc phụng sự, bất kể điều gì xảy ra.