Những việc thiện làm đẹp lòng Đức Chúa Trời
CHÚA GIÊ-SU và môn đồ đang thưởng thức một bữa tiệc ngon tại Bê-tha-ni cùng với một số bạn thân, trong đó có Ma-ri, Ma-thê và La-xa-rơ, người vừa được sống lại. Khi Ma-ri lấy một cân (khoảng 300 gram) dầu quý xức chân Chúa Giê-su, Giu-đa Ích-ca-ri-ốt liền tức giận lên tiếng phản đối: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đơ-ni-ê [khoảng bằng một năm lương] đặng bố-thí cho kẻ nghèo?” Những người khác cũng nhanh chóng tỏ ý không vừa lòng như vậy.—Giăng 12:1-6; Mác 14:3-5.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su đáp: “Hãy để mặc người... Vì các ngươi hằng có kẻ khó-khăn [“người nghèo”, Bản Dịch Mới] ở cùng mình, khi nào muốn làm phước cho họ cũng được; nhưng các ngươi chẳng có ta ở luôn với đâu”. (Mác 14:6-9) Các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái dạy rằng bố thí không những là một việc đức độ mà còn có thể đền bù tội lỗi. Trong khi đó Chúa Giê-su cho thấy rõ bố thí cho người nghèo không phải là việc thiện duy nhất làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Xem qua những việc thiện của hội thánh tín đồ Đấng Christ thời ban đầu sẽ giúp chúng ta thấy rõ một số cách thực tiễn để biểu lộ sự quan tâm và như thế làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Điều này cũng sẽ giúp chúng ta nhận ra một việc thiện đặc biệt mang lại lợi ích tốt nhất.
“Bố-thí”
Nhiều lần Chúa Giê-su khuyến khích các môn đồ “bố-thí”. (Lu-ca 12:33) Tuy nhiên, ngài cảnh giác họ về những hành động phô trương chỉ nhằm mục đích đề cao người cho, chứ không phải nhằm tôn vinh Đức Chúa Trời. Ngài nói: “Khi ngươi bố-thí, đừng thổi kèn trước mặt mình, như bọn giả-hình làm trong nhà hội và ngoài đường, để được người ta tôn-kính”. (Ma-thi-ơ 6:1-4) Làm theo lời khuyên này, các tín đồ thời ban đầu tránh những hành động phô trương của giới lãnh đạo tôn giáo đạo đức giả vào thời họ, và giúp đỡ những người thiếu thốn bằng cách cho riêng hoặc làm một việc gì cho họ.
Chẳng hạn Lu-ca 8:1-3 cho biết Ma-ri Ma-đơ-len, Gian-nơ, Su-xan-nơ và một số người khác đã âm thầm dùng “của-cải” họ để giúp Chúa Giê-su và các sứ đồ. Mặc dù Chúa Giê-su và các sứ đồ ngài không thiếu thốn, nhưng họ đã bỏ công ăn việc làm để tập trung toàn bộ công sức vào thánh chức. (Ma-thi-ơ 4:18-22; Lu-ca 5:27, 28) Khi giúp đỡ họ chu toàn sứ mạng mà Đức Chúa Trời giao phó, trên thực tế những phụ nữ này đã tôn vinh Đức Chúa Trời. Và Đức Chúa Trời đã thể hiện sự chấp nhận của Ngài khi cho ghi lại lòng nhân từ rộng lượng của họ trong Kinh Thánh để tất cả thế hệ sau đọc.—Châm-ngôn 19:17; Hê-bơ-rơ 6:10.
Bà Đô-ca là một phụ nữ tử tế khác “làm nhiều việc lành và hay bố-thí”. Bà sống ở thành Giốp-bê ven biển và thường may quần áo cho những góa phụ thiếu thốn. Chúng ta không biết bà đã mua tặng cả vải hay chỉ may giúp, nhưng dù sao nhờ những việc tốt đó, bà đã được những người mà bà giúp đỡ và Đức Chúa Trời yêu quý; Ngài đã thương xót ban thưởng cho lòng lành của bà.—Công-vụ 9:36-41.
Điều thiết yếu là có động lực đúng
Điều gì đã thúc đẩy những người này làm việc thiện? Đó không chỉ là lòng thương xót nhất thời được khơi dậy bởi một lời van xin giúp đỡ thống thiết, mà là chính bản thân họ cảm thấy có trách nhiệm về mặt đạo đức phải làm những gì mình có thể làm được mỗi ngày để giúp đỡ những người nghèo khổ, cơ nhỡ, bệnh tật hay gặp những khó khăn khác. (Châm-ngôn 3:27, 28; Gia-cơ 2:15, 16) Đây là việc thiện làm đẹp lòng Đức Chúa Trời. Nó được thôi thúc chủ yếu bởi tình yêu thương sâu xa đối với Đức Chúa Trời và lòng ao ước noi theo bản tính thương xót và rộng lượng của Ngài.—Ma-thi-ơ 5:44, 45; Gia-cơ 1:17.
Sứ đồ Giăng nêu bật khía cạnh quan trọng này của việc thiện khi ông hỏi: “Nếu ai có của-cải đời nầy, thấy anh em mình đương cùng-túng mà chặt dạ, thì lòng yêu-mến Đức Chúa Trời thể nào ở trong người ấy được”? (1 Giăng 3:17) Câu trả lời quá rõ ràng. Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời khiến người ta có lòng bác ái. Đức Chúa Trời quý trọng và ban thưởng cho những ai thể hiện tinh thần rộng lượng như Ngài. (Châm-ngôn 22:9; 2 Cô-rinh-tô 9:6-11) Ngày nay, chúng ta còn thấy lòng rộng lượng như thế không? Hãy xem điều mới xảy ra trong một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va.
Một phụ nữ tín đồ Đấng Christ lớn tuổi đang ở trong một căn nhà bị hư hỏng nặng, rất cần sửa chữa. Chị sống một mình và không có người thân giúp đỡ. Nhiều năm qua, chị luôn mở rộng cửa đón tiếp anh em tín đồ Đấng Christ đến nhóm họp, và thường mời họ đến dùng bữa. (Công-vụ 16:14, 15, 40) Thấy hoàn cảnh khó khăn của chị, các thành viên trong hội thánh bèn hợp lại giúp đỡ. Người góp công kẻ góp của. Sau vài kỳ cuối tuần làm việc, những người tình nguyện đã lợp xong mái mới, lắp đặt nhà tắm mới, quét vôi và sơn lại toàn bộ tầng trệt, và đặt những chiếc tủ mới trong nhà bếp. Việc thiện của họ không những đáp ứng nhu cầu của chị, mà còn khiến hội thánh gần gũi nhau hơn và để lại ấn tượng tốt nơi những người láng giềng, như một điển hình về việc thiện của tín đồ Đấng Christ thật.
Có rất nhiều cách để chúng ta đích thân giúp người khác. Chúng ta có thể dành thời gian cho một bé trai hoặc bé gái mồ côi cha không? Có thể đi mua đồ hoặc may quần áo giúp một góa phụ lớn tuổi không? Hay nấu ăn hoặc giúp đỡ tiền bạc cho một người có tài chính eo hẹp? Chúng ta không cần phải giàu mới có thể giúp đỡ. Sứ đồ Phao-lô viết: “Nếu mình lấy lòng tốt mà làm, thì được đẹp ý theo điều mình có, chớ chẳng theo điều mình không có”. (2 Cô-rinh-tô 8:12) Nhưng có phải việc thiện duy nhất được Đức Chúa Trời ban phước là sự giúp đỡ cá nhân trực tiếp không? Không.
Còn sự cứu trợ có tổ chức thì sao?
Đôi khi nỗ lực cá nhân không đủ. Thật ra, Chúa Giê-su và các sứ đồ ngài đã có một quỹ chung để giúp đỡ người nghèo, và họ cũng nhận sự đóng góp của những người hảo tâm mà họ gặp trong thánh chức. (Giăng 12:6; 13:29) Tương tự thế, các hội thánh vào thế kỷ thứ nhất cũng quyên góp khi có nhu cầu và tổ chức việc cứu trợ trên quy mô lớn.—Công-vụ 2:44, 45; 6:1-3; 1 Ti-mô-thê 5:9, 10.
Một dịp như thế đã nảy sinh vào năm 55 CN. Các hội thánh trong xứ Giu-đê trở nên túng thiếu, có lẽ do nạn đói lớn vừa xảy ra trước đó. (Công-vụ 11:27-30) Sứ đồ Phao-lô, vốn luôn quan tâm đến người nghèo, đã vận động cả đến các hội thánh ở xa tận Ma-xê-đoan giúp đỡ. Đích thân ông đã đứng ra tổ chức việc quyên góp và dùng những người được chọn để chuyển đồ cứu trợ. (1 Cô-rinh-tô 16:1-4; Ga-la-ti 2:10) Cả ông và những người khác tham gia việc này đều không nhận thù lao.—2 Cô-rinh-tô 8:20, 21.
Ngày nay, Nhân Chứng Giê-hô-va cũng nhanh chóng đến trợ giúp khi tai ương xảy ra. Chẳng hạn, trong mùa hè năm 2001, giông bão đã gây ra một trận lụt lớn ở Houston, Texas, Hoa Kỳ. Tổng cộng có đến 723 ngôi nhà của các Nhân Chứng bị thiệt hại, trong đó nhiều căn bị hư hỏng nặng. Một ủy ban cứu trợ gồm các trưởng lão tín đồ Đấng Christ có khả năng được thành lập ngay để xem xét nhu cầu của từng người, và phân phát quỹ cứu trợ hầu giúp các Nhân Chứng địa phương đối phó với hoàn cảnh và sửa chữa nhà cửa. Những người tình nguyện đầy thiện chí từ các hội thánh kế cận đã thực hiện toàn bộ việc sửa chữa. Một chị Nhân Chứng đã cảm kích trước sự giúp đỡ đến độ ngay khi nhận được tiền bồi hoàn để sửa nhà từ công ty bảo hiểm, lập tức góp toàn bộ số tiền cho quỹ cứu trợ để có thể giúp những người khó khăn khác.
Tuy nhiên, đối với hoạt động cứu trợ có tổ chức, chúng ta cần thận trọng xem xét những lời kêu gọi quyên góp. Một số tổ chức từ thiện có chi phí hành chính hoặc phí gây quỹ rất cao nên chỉ một phần nhỏ số tiền đóng góp được dùng cho mục đích đã định. Châm-ngôn 14:15 nói: “Kẻ ngu-dốt tin hết mọi lời; nhưng người khôn-khéo xem-xét các bước mình”. Vì thế, khôn ngoan là nên cẩn thận xem xét các dữ kiện.
Việc thiện mang lại lợi ích tốt nhất
Có một cách giúp đỡ còn quan trọng hơn cả việc từ thiện. Chúa Giê-su đã gián tiếp nói đến điều này khi một viên quan trẻ giàu có hỏi ngài ông ta phải làm gì để được sống đời đời. Chúa Giê-su bảo ông: “Hãy đi bán hết gia-tài mà bố-thí cho kẻ nghèo-nàn, thì ngươi sẽ có của quí ở trên trời; rồi hãy đến mà theo ta”. (Ma-thi-ơ 19:16-22) Hãy lưu ý Chúa Giê-su không đơn thuần nói: ‘Hãy bố-thí cho kẻ nghèo thì ngươi sẽ có sự sống’. Thay vì thế, ngài thêm: “Hãy đến mà theo ta”. Nói cách khác, tuy việc từ thiện là một hành động đáng khen và lợi ích, nhưng việc làm môn đồ Đấng Christ bao hàm nhiều hơn.
Mối quan tâm chính của Chúa Giê-su là giúp đỡ người khác về mặt tinh thần. Ít lâu trước khi chết, ngài nói với Phi-lát: “Vì sao ta đã sanh và vì sao ta đã giáng-thế: ấy là để làm chứng cho lẽ thật”. (Giăng 18:37) Dù dẫn đầu trong việc giúp đỡ người nghèo, chữa lành người bệnh và cung cấp thức ăn cho người đói, Chúa Giê-su chủ yếu huấn luyện các môn đồ rao giảng. (Ma-thi-ơ 10:7, 8) Thật thế, một trong những chỉ thị cuối cùng của ngài là mệnh lệnh này: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”, giúp họ trở thành môn đồ.—Ma-thi-ơ 28:19, 20.
Dĩ nhiên việc rao giảng không thể giải quyết mọi vấn đề trên thế giới. Tuy nhiên, việc chia sẻ tin mừng về Nước Đức Chúa Trời với mọi tầng lớp làm vinh hiển Đức Chúa Trời bởi vì việc rao giảng hoàn thành ý muốn Ngài và mở đường dẫn đến lợi ích vĩnh cửu cho những ai chấp nhận thông điệp Ngài. (Giăng 17:3; 1 Ti-mô-thê 2:3, 4) Sao không lắng nghe những gì Nhân Chứng Giê-hô-va chia sẻ khi họ đến thăm bạn lần tới? Họ đến với một món quà tinh thần, và họ biết đó là cách tốt nhất để giúp bạn.
[Các hình nơi trang 6]
Có nhiều cách để bày tỏ sự quan tâm của chúng ta
[Hình nơi trang 7]
Việc chúng ta rao giảng tin mừng làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và mở đường dẫn đến những lợi ích vĩnh cửu