HÃY NOI THEO ĐỨC TIN CỦA HỌ | MA-RI MA-ĐƠ-LEN
“Tôi đã thấy Chúa!”
Ma-ri Ma-đơ-len nhìn lên, lệ tuôn tràn. Chúa yêu dấu của bà đang bị treo trên cây cột. Đó là vào mùa xuân, khoảng lúc giữa trưa, “nhưng bóng tối bao trùm khắp xứ”! (Lu-ca 23:44, 45). Bà kéo áo choàng quanh vai và xích lại gần những phụ nữ bên cạnh. Bóng tối này không thể là hiện tượng nhật thực vì nhật thực chỉ kéo dài vài phút chứ không kéo dài ba tiếng đồng hồ. Có lẽ Ma-ri và những người khác đứng gần Chúa Giê-su bắt đầu nghe thấy tiếng của những con vật thường chỉ kêu vào ban đêm. Một số người có mặt ở đó “rất đỗi sợ hãi”. Họ nói: “Người này đúng là Con Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 27:54). Có thể các môn đồ của Chúa Giê-su và những người khác nghĩ rằng Đức Giê-hô-va đang thể hiện sự đau buồn và tức giận khi chứng kiến Con ngài bị đối xử một cách tàn nhẫn.
Thật khó tưởng tượng khi Ma-ri Ma-đơ-len phải chứng kiến cảnh này, dù vậy bà vẫn nán lại (Giăng 19:25, 26). Hẳn Chúa Giê-su phải chịu nỗi đau tột cùng. Mẹ của ngài cũng cần được an ủi và hỗ trợ.
Sau tất cả những gì Chúa Giê-su đã làm cho Ma-ri, bà muốn làm mọi điều có thể cho ngài. Bà từng là một phụ nữ đau khổ và bị khinh thường, nhưng Chúa Giê-su đã thay đổi đời sống bà. Ngài đã nâng cao phẩm giá của bà và giúp bà có đời sống ý nghĩa. Bà trở thành một người nữ có đức tin mạnh. Như thế nào? Chúng ta cũng có thể học được gì qua gương đức tin của bà?
“Dùng của cải mình mà phục vụ ngài và các sứ đồ”
Câu chuyện về Ma-ri Ma-đơ-len mở đầu bằng một món quà. Chúa Giê-su đã ban cho bà sự tự do bằng cách giải thoát bà khỏi sự giam cầm khủng khiếp. Thời đó có rất nhiều người bị các quỷ ảnh hưởng. Các ác thần này tấn công nhiều người, thậm chí còn nhập vào một số người và kiểm soát họ. Chúng ta không biết các quỷ gây ảnh hưởng ra sao trên người phụ nữ đáng thương Ma-ri Ma-đơ-len; chúng ta chỉ biết bà bị bảy quỷ đồi bại và tàn ác nhập vào. Nhờ Chúa Giê-su, bà đã được thoát khỏi các quỷ!—Lu-ca 8:2.
Hẳn Ma-ri cảm thấy thật nhẹ nhõm và vui mừng biết bao! Một đời sống mới mở ra trước mắt bà. Bà đã thể hiện lòng biết ơn qua cách nào? Bà trở thành một môn đồ trung thành của Chúa Giê-su. Khi thấy người khác có nhu cầu thì bà sẵn sàng đáp ứng. Chúa Giê-su cùng các sứ đồ cần thức ăn, áo mặc và chỗ nghỉ đêm. Họ không phải là những người giàu có và cũng không làm việc ngoài đời lúc đó. Vì thế, để tập trung vào công việc rao giảng và dạy dỗ, họ cần được hỗ trợ về nhu cầu thể chất.
Ma-ri và một số phụ nữ khác đã giúp đáp ứng những nhu cầu ấy. Họ “dùng của cải mình mà phục vụ ngài và các sứ đồ” (Lu-ca 8:1, 3). Có lẽ một số phụ nữ cũng khá giả. Kinh Thánh không nói rõ họ có chuẩn bị thức ăn, giặt áo và sắp xếp chỗ ở khi Chúa Giê-su và các sứ đồ đi từ làng này đến làng nọ hay không. Nhưng các phụ nữ ấy sẵn sàng làm những công việc để hỗ trợ cho nhóm Chúa Giê-su, có lẽ khoảng 20 người. Chắc chắn sự giúp đỡ của họ đã giúp Chúa Giê-su và các sứ đồ toàn tâm toàn ý cho công việc rao giảng. Dĩ nhiên, Ma-ri biết bà sẽ chẳng bao giờ có thể đền đáp Chúa Giê-su về những điều ngài đã làm cho bà, nhưng bà rất vui khi làm những gì có thể để giúp ngài.
Nhiều người ngày nay xem thường những người làm công việc thấp hèn để phục vụ người khác. Nhưng Đức Chúa Trời không cảm thấy như vậy. Hãy hình dung ngài hài lòng biết bao khi thấy Ma-ri thể hiện tinh thần hy sinh và làm những gì có thể để hỗ trợ Chúa Giê-su và các sứ đồ! Ngày nay cũng vậy, nhiều tín đồ trung thành vui mừng làm những việc tầm thường để mang lại lợi ích cho người khác. Đôi khi những việc nhỏ nhặt nhưng thực tế hay ngay cả chỉ một lời nhân từ có thể giúp ích rất nhiều. Đức Giê-hô-va quý trọng những sự đóng góp như thế.—Châm ngôn 19:17; Hê-bơ-rơ 13:16.
“Đứng gần cây khổ hình của Chúa Giê-su”
Ma-ri Ma-đơ-len là một trong số nhiều phụ nữ đi theo Chúa Giê-su đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua năm 33 CN (Ma-thi-ơ 27:55, 56). Khi nghe Chúa Giê-su bị bắt và xét xử trong đêm, chắc chắn bà rất buồn. Tình hình ngày càng tồi tệ hơn. Trước áp lực của giới lãnh đạo Do Thái giáo và đám đông, quan tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát đã nhượng bộ và ra lệnh xử tử Chúa Giê-su trên cây cột. Có lẽ Ma-ri chứng kiến Chủ yêu dấu, mình đẫm máu và kiệt sức, lê bước trên những con đường và vác cây cột được dùng để xử tử ngài.—Giăng 19:6, 12, 15-17.
Tại nơi Chúa Giê-su bị xử tử, sau khi bóng tối bao trùm khắp xứ vào giữa trưa, Ma-ri Ma-đơ-len và những phụ nữ khác “đứng gần cây khổ hình của Chúa Giê-su” (Giăng 19:25). Ma-ri ở đó cho đến phút cuối. Bà thấy và nghe Chúa Giê-su giao mẹ mình cho sứ đồ yêu dấu là Giăng chăm sóc. Bà nghe thấy tiếng kêu não lòng của Chúa Giê-su khi ngài kêu Cha. Bà cũng nghe những lời cuối cùng ngài nói ngay trước khi tắt thở: “Mọi việc đã hoàn tất”. Lòng bà quặn thắt. Dù vậy, sau khi Chúa Giê-su chết, bà vẫn ở đấy. Rồi sau đó, bà cứ ngồi lại trước ngôi mộ mà một người giàu tên Giô-sép người A-ri-ma-thê đặt thi thể của Chúa Giê-su.—Giăng 19:30; Ma-thi-ơ 27:45, 46, 57-61.
Gương của Ma-ri nhắc chúng ta về những gì mình có thể làm khi thấy anh em đồng đạo đương đầu với khó khăn thử thách. Dù không thể ngăn cản nghịch cảnh hoặc lấy đi nỗi đau của người ấy, nhưng chúng ta có thể biểu lộ lòng trắc ẩn và sự can đảm. Có một người bạn ở bên trong những lúc khó khăn sẽ giúp ích rất nhiều. Khi trung thành ủng hộ một anh chị gặp khó khăn, chúng ta cho thấy mình có đức tin mạnh và mang lại niềm an ủi lớn cho họ.—Châm ngôn 17:17.
“Tôi sẽ đến lấy xác ngài”
Sau khi thi thể Chúa Giê-su được đặt trong mộ, Ma-ri cùng một số phụ nữ khác đã mua thêm hương liệu để sau đó mang đến xức lên thi thể ngài (Mác 16:1, 2; Lu-ca 23:54-56). Rồi hôm sau, khi ngày Sa-bát đã qua, bà dậy rất sớm. Hãy hình dung bà và những phụ nữ khác đi bộ đến mộ Chúa Giê-su lúc trời còn mờ sáng. Họ thắc mắc không biết làm thế nào để lăn tảng đá chặn cửa mộ (Ma-thi-ơ 28:1; Mác 16:1-3). Dù vậy, họ đã không thoái lui. Rõ ràng, đức tin đã thôi thúc họ làm những gì có thể và để phần còn lại trong tay Đức Giê-hô-va.
Có lẽ Ma-ri đi trước những phụ nữ khác. Khi đến gần mộ, bà đột nhiên khựng lại và sửng sốt: Tảng đá chặn cửa mộ đã được lăn đi, và ngôi mộ trống rỗng! Là người năng động, bà liền chạy đến gặp Phi-e-rơ và Giăng để kể cho họ nghe điều bà thấy. Hãy tưởng tượng bà vừa thở hổn hển vừa nói: “Người ta đã mang Chúa đi khỏi mộ, chúng tôi không biết họ đặt ngài ở đâu”! Nghe vậy, Phi-e-rơ và Giăng bèn chạy ra mộ và thấy ngôi mộ trống không. Rồi họ trở về nhà.a—Giăng 20:1-10.
Khi trở lại ngôi mộ, Ma-ri nán lại ở đó một mình. Lúc ấy còn sáng sớm, không khí tĩnh lặng bao trùm. Nghĩ đến ngôi mộ trống rỗng, lòng bà dâng trào cảm xúc và bật khóc nức nở. Bà cúi người xuống nhìn vào mộ, vẫn không tin là Chúa không còn ở đó. Rồi bà thấy một điều thật sửng sốt: Hai thiên sứ mặc áo trắng đang ngồi trong mộ! Họ hỏi: “Sao bà khóc?”. Lòng đầy bối rối, bà lặp lại điều đã nói với các sứ đồ: “Người ta đã mang Chúa của tôi đi, tôi không biết họ đặt ngài ở đâu”.—Giăng 20:11-13.
Bà quay lại và thấy một người đàn ông đang đứng phía sau mình. Vì không biết người ấy là ai nên bà nghĩ đó là người làm vườn. Ông nhân từ hỏi bà: “Này bà, tại sao bà khóc? Bà tìm ai?”. Bà đáp: “Thưa ông, nếu ông đã mang ngài đi, xin cho tôi biết ông đặt ngài ở đâu, tôi sẽ đến lấy xác ngài” (Giăng 20:14, 15). Hãy nghĩ về những lời Ma-ri nói. Làm sao một phụ nữ như bà có thể mang được thi thể Chúa Giê-su, một người đàn ông từng rất khỏe mạnh và cường tráng? Ma-ri không bận tâm về điều đó. Bà chỉ biết rằng mình cần làm những gì có thể.
Khi đương đầu với thử thách và sự đau buồn dường như quá sức chịu đựng, hẳn chúng ta muốn noi gương Ma-ri Ma-đơ-len. Nếu chỉ tập trung vào khuyết điểm và những hạn chế của bản thân, có lẽ chúng ta sẽ trở nên tê liệt bởi nỗi sợ và sự bấp bênh. Nhưng nếu quyết tâm làm mọi điều có thể và để phần còn lại trong tay Đức Chúa Trời, có lẽ chúng ta sẽ làm được nhiều điều hơn mình nghĩ (2 Cô-rinh-tô 12:10; Phi-líp 4:13). Quan trọng hơn, chúng ta sẽ làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Chắc chắn Ma-ri đã làm thế, và ngài ban thưởng cho bà theo cách không ngờ.
“Tôi đã thấy Chúa!”
Người đàn ông đứng trước mặt Ma-ri không phải là người làm vườn. Người đó từng là thợ mộc, sau đó là người thầy và là Chúa yêu dấu của Ma-ri. Nhưng bà không nhận ra ngài, và bà bắt đầu quay đi. Ma-ri không thể hình dung sự thật: Chúa Giê-su đã được sống lại ở thể thần linh mạnh mẽ. Thế nên lúc này ngài mặc lấy hình người để hiện ra với bà, nhưng không phải với thân thể mà ngài đã hy sinh. Sau khi Chúa Giê-su được sống lại, có nhiều lần ngay cả những người biết rõ ngài cũng không nhận ra ngài.—Lu-ca 24:13-16; Giăng 21:4.
Bằng cách nào Chúa Giê-su cho Ma-ri biết mình là ai? Đó là qua cách ngài gọi tên của bà: “Ma-ri!”. Bà quay lại và gọi ngài bằng một từ Hê-bơ-rơ quen thuộc mà bà đã gọi ngài biết bao lần: “Ráp-bô-ni!”. Đó là người Thầy yêu dấu của bà! Vui mừng khôn xiết, bà nắm lấy ngài và không muốn buông ra.—Giăng 20:16.
Chúa Giê-su hiểu suy nghĩ của bà. Ngài nói với bà: “Đừng níu tôi nữa”. Chúng ta có thể hình dung ngài nói một cách nhân từ, có lẽ nở nụ cười nồng ấm, nhẹ nhàng kéo tay bà ra và trấn an: “Tôi chưa lên với Cha”. Đó chưa phải là lúc ngài trở về trời. Ngài vẫn có công việc phải làm trên đất, và ngài muốn Ma-ri giúp. Dĩ nhiên, Ma-ri lắng tai nghe những lời của Chúa Giê-su. Ngài nói: “Hãy đi gặp anh em tôi và nói với họ: ‘Tôi sắp lên với Cha tôi và Cha anh em, với Đức Chúa Trời tôi và Đức Chúa Trời anh em’ ”.—Giăng 20:17.
Đó quả là một sứ mạng tuyệt vời! Ma-ri là một trong những môn đồ đầu tiên có đặc ân thấy Chúa Giê-su sau khi ngài được sống lại, và giờ đây bà được ngài tín nhiệm giao đặc ân nói cho người khác về tin mừng này. Hãy hình dung bà vui mừng, háo hức thế nào khi đi gặp các môn đồ. Hẳn những lời bà nói trong lúc còn thở hổn hển vẫn còn vang vọng mãi về sau trong tâm trí bà và các môn đồ: “Tôi đã thấy Chúa!”. Với giọng đầy hào hứng, bà nói với họ mọi điều Chúa Giê-su phán dặn (Giăng 20:18). Những gì bà nói giúp các môn đồ có thêm bằng chứng để tin vào những gì họ nghe từ các phụ nữ kia.—Lu-ca 24:1-3, 10.
“Họ không chịu tin những phụ nữ ấy”
Các môn đồ phản ứng thế nào? Lúc đầu họ không tin. Kinh Thánh cho biết: “Chuyện đó có vẻ phi lý đối với các sứ đồ và môn đồ, và họ không chịu tin những phụ nữ ấy” (Lu-ca 24:11). Những nam tín đồ này lớn lên trong một xã hội mà người ta thường không tin tưởng phụ nữ. Theo truyền thống của các ráp-bi, một phụ nữ không được làm chứng trước tòa. Có lẽ các sứ đồ không nhận ra là mình đang bị ảnh hưởng bởi văn hóa này. Nhưng Chúa Giê-su và Cha ngài không có những thành kiến như thế. Hai đấng ấy quả đã ban cho người phụ nữ trung thành này đặc ân lớn!
Chắc chắn Ma-ri không để cho phản ứng của các môn đồ khiến bà buồn bực. Bà biết Chủ tin cậy bà, và điều đó là đủ. Hết thảy những ai đi theo Chúa Giê-su cũng được tín nhiệm giao cho một thông điệp để rao truyền. Kinh Thánh gọi thông điệp đó là “tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 8:1). Chúa Giê-su không hứa với các môn đồ rằng mọi người đều sẽ tin lời họ hoặc quý trọng công việc của họ. Ngài nói điều ngược lại (Giăng 15:20, 21). Vì thế, tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay muốn ghi nhớ gương của Ma-ri Ma-đơ-len. Dù bị anh em đồng đạo nghi ngờ nhưng bà không mất đi niềm vui khi chia sẻ tin mừng về việc Chúa Giê-su được sống lại!
Sau đó, Chúa Giê-su hiện ra với các sứ đồ và rồi ngài hiện ra với ngày càng nhiều môn đồ. Có lần, ngài hiện ra với hơn 500 môn đồ cùng một lúc! (1 Cô-rinh-tô 15:3-8). Chắc chắn đức tin của Ma-ri ngày càng mạnh hơn mỗi lần ngài hiện ra, dù bà tận mắt chứng kiến hay nghe người khác kể lại. Có lẽ Ma-ri Ma-đơ-len là một trong những phụ nữ có mặt tại buổi nhóm ở Giê-ru-sa-lem vào ngày Lễ Ngũ Tuần khi thần khí thánh được đổ trên các môn đồ của Chúa Giê-su.—Công vụ 1:14, 15; 2:1-4.
Dù sao đi nữa, chúng ta có nhiều lý do để tin chắc điều này: Ma-ri Ma-đơ-len đã trung thành cho đến cuối cùng. Mong sao mỗi chúng ta cũng quyết tâm làm thế! Noi gương Ma-ri Ma-đơ-len, chúng ta hãy tỏ lòng biết ơn về tất cả những gì Chúa Giê-su đã làm cho mình, khiêm nhường phục vụ người khác và tin cậy nơi sự trợ giúp của Đức Chúa Trời.
a Rõ ràng, Ma-ri rời ngôi mộ trước khi những phụ nữ khác gặp thiên sứ và được cho biết Đấng Ki-tô đã được sống lại. Nếu không thì hẳn Ma-ri đã cho Phi-e-rơ và Giăng biết là bà đã gặp thiên sứ và thiên sứ cho biết lý do thi thể Chúa Giê-su không còn ở đó.—Ma-thi-ơ 28:2-4; Mác 16:1-8.