CHƯƠNG 8
Người rao truyền tin mừng
Đức Giê-hô-va ban một gương mẫu hoàn hảo để chúng ta noi theo, đó là Con ngài, Chúa Giê-su (1 Phi 2:21). Những ai noi theo Chúa Giê-su phải là người phụng sự Đức Chúa Trời qua việc rao truyền tin mừng. Chúa Giê-su cho thấy công việc ấy sẽ mang lại sự tươi tỉnh về thiêng liêng khi nói: “Hãy đến với tôi, hỡi những ai nhọc nhằn và nặng gánh, tôi sẽ cho anh em được lại sức. Hãy mang ách của tôi và học theo tôi, vì tôi là người ôn hòa và có lòng khiêm nhường. Anh em sẽ được lại sức” (Mat 11:28, 29). Tất cả những ai hưởng ứng lời mời của Chúa Giê-su đã cảm nghiệm điều ngài nói thật đúng!
2 Là người phụng sự quan trọng bậc nhất của Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su đã mời một số người làm môn đồ ngài (Mat 9:9; Giăng 1:43). Ngài huấn luyện họ rao giảng và phái họ đi làm công việc giống như ngài (Mat 10:1–11:1; 20:28; Lu 4:43). Sau đó, ngài phái 70 môn đồ khác đi rao truyền tin mừng về Nước Trời (Lu 10:1, 8-11). Khi phái môn đồ đi, Chúa Giê-su nói: “Ai nghe anh em là nghe tôi. Ai khước từ anh em là khước từ tôi. Còn ai khước từ tôi là khước từ đấng sai tôi đến” (Lu 10:16). Qua lời này, Chúa Giê-su cho thấy họ có trọng trách là đại diện cho ngài và Đức Chúa Trời Tối Cao! Ngày nay, tất cả những ai hưởng ứng lời mời làm môn đồ của Chúa Giê-su có trọng trách tương tự (Lu 18:22; 2 Cô 2:17). Họ cũng được Đức Chúa Trời giao cho sứ mạng là rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ.—Mat 24:14; 28:19, 20.
3 Nhờ hưởng ứng lời mời của Chúa Giê-su, chúng ta có đặc ân tìm hiểu về ngài và Cha ngài (Giăng 17:3). Chúng ta được dạy về đường lối của Đức Giê-hô-va. Với sự giúp đỡ của ngài, chúng ta đã biến đổi tâm trí, mặc lấy nhân cách mới và thay đổi hạnh kiểm cho phù hợp với tiêu chuẩn công chính của ngài (Rô 12:1, 2; Ê-phê 4:22-24; Cô 3:9, 10). Lòng biết ơn sâu xa đã thôi thúc chúng ta dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va và biểu trưng sự dâng mình qua việc báp-têm trong nước. Lúc báp-têm, chúng ta được bổ nhiệm là người rao truyền tin mừng.
4 Hãy luôn nhớ rằng chúng ta phải phụng sự Đức Chúa Trời với tay vô tội và lòng trong sạch (Thi 24:3, 4; Ê-sai 52:11; 2 Cô 6:14–7:1). Nhờ có đức tin nơi Chúa Giê-su, chúng ta được ban cho một lương tâm trong sạch (Hê 10:19-23, 35, 36; Khải 7:9, 10, 14). Sứ đồ Phao-lô khuyên tín đồ đạo Đấng Ki-tô làm mọi điều vì sự vinh hiển của Đức Chúa Trời để không làm người khác vấp ngã. Sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy hạnh kiểm tin kính có thể cảm hóa những người không tin đạo (1 Cô 10:31, 33; 1 Phi 3:1). Làm thế nào giúp một người hội đủ điều kiện trở thành người rao truyền tin mừng?
NGƯỜI CÔNG BỐ TƯƠNG LAI
5 Khi hướng dẫn học hỏi Kinh Thánh, ngay từ ban đầu hãy khuyến khích học viên nói với người khác về những điều mình học được. Người ấy có thể nói chuyện với thân nhân, bạn bè, đồng nghiệp và những người khác. Đây là một bước quan trọng để dạy học viên noi theo Chúa Giê-su và trở thành người rao truyền tin mừng (Mat 9:9; Lu 6:40). Rồi khi tiến bộ về thiêng liêng và quen với việc làm chứng bán chính thức, chắc chắn người ấy sẽ bày tỏ ước muốn được tham gia thánh chức.
TIÊU CHUẨN ĐỂ LÀM NGƯỜI CÔNG BỐ
6 Trước khi mời học viên cùng đi rao giảng từng nhà lần đầu, anh chị nên chắc chắn là người ấy hội đủ một số điều kiện. Một người cùng đi rao giảng với chúng ta tự nhận mình là Nhân Chứng Giê-hô-va. Vì thế, điều hợp lý là người đó đã sống phù hợp với các tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va và có thể làm người công bố chưa báp-têm.
7 Trong quá trình dạy học viên và thảo luận các nguyên tắc Kinh Thánh, hẳn anh chị dần dần biết hoàn cảnh của người ấy. Anh chị cũng thấy người ấy thay đổi đời sống phù hợp với những gì đã học. Dù vậy, có một số khía cạnh trong đời sống của học viên mà các trưởng lão cần xem xét chung với người ấy và anh chị.
8 Giám thị điều phối sẽ sắp xếp để hai trưởng lão (một trong hai phải là thành viên của ủy ban công tác) xem qua những điều đó với anh chị và học viên. Nếu trong hội thánh thiếu trưởng lão thì một trưởng lão và một phụ tá có khả năng có thể nói chuyện với học viên. Những anh được chỉ định làm việc này nên cố gắng nhanh chóng gặp học viên và người hướng dẫn. Chẳng hạn, nếu tại một buổi nhóm họp ở hội thánh, các trưởng lão được biết học viên có ước muốn trở thành người công bố chưa báp-têm, các anh có thể gặp người hướng dẫn và học viên sau buổi nhóm họp hôm đó. Buổi nói chuyện nên diễn ra trong không khí thoải mái. Trước khi được chấp thuận làm người công bố chưa báp-têm, học viên cần hội đủ những điều kiện sau:
(1) Người đó tin rằng Kinh Thánh là Lời được Đức Chúa Trời soi dẫn.—2 Ti 3:16.
(2) Người đó biết và tin sự dạy dỗ căn bản của Kinh Thánh để khi có ai đặt câu hỏi, người đó sẽ trả lời đúng theo Kinh Thánh, thay vì theo ý riêng hoặc sự dạy dỗ của tôn giáo sai lầm.—Mat 7:21-23; 2 Ti 2:15.
(3) Người đó vâng theo mệnh lệnh của Kinh Thánh là tham dự các buổi nhóm họp nếu hoàn cảnh cho phép.—Thi 122:1; Hê 10:24, 25.
(4) Người đó biết sự dạy dỗ của Kinh Thánh về gian dâm, bao gồm ngoại tình, đa thê, đồng tính luyến ái, và đang sống phù hợp với sự dạy dỗ ấy. Nếu người đó sống chung với một người khác phái như vợ chồng thì phải có giấy hôn thú.—Mat 19:9; 1 Cô 6:9, 10; 1 Ti 3:2, 12; Hê 13:4.
(5) Người đó vâng theo mệnh lệnh của Kinh Thánh là không say sưa và không dùng các chất gây nghiện hoặc ảnh hưởng đến tâm trí, dù là chất tự nhiên hay tổng hợp (ngoại trừ lý do y khoa).—2 Cô 7:1; Ê-phê 5:18; 1 Phi 4:3, 4.
(6) Người đó hiểu mình nên tránh các mối giao tiếp không lành mạnh.—1 Cô 15:33.
(7) Người đó không còn là thành viên của tôn giáo sai lầm mà mình từng gia nhập trước đây. Người ấy đã ngưng tham gia thờ phượng hoặc ủng hộ các hoạt động của tôn giáo đó.—2 Cô 6:14-18; Khải 18:4.
(8) Người đó hoàn toàn không dính líu tới vấn đề chính trị của thế gian.—Giăng 6:15; 15:19; Gia 1:27.
(9) Người đó tin và sống phù hợp với điều Ê-sai 2:4 nói về những cuộc xung đột giữa các nước.
(10) Người đó thật sự muốn trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.—Thi 110:3.
9 Nếu không chắc học viên nghĩ gì về những vấn đề trên thì các trưởng lão nên hỏi người ấy, và họ có thể dùng các câu Kinh Thánh được viện dẫn. Điều quan trọng là học viên cần hiểu rằng những người tham gia rao giảng với Nhân Chứng Giê-hô-va phải có lối sống phù hợp với đòi hỏi trong Kinh Thánh. Những gì người ấy nói sẽ giúp các trưởng lão biết người ấy có hiểu rõ những điều đòi hỏi nơi cá nhân mình hay không, và có hội đủ điều kiện ở mức độ hợp lý để tham gia thánh chức hay không.
10 Các trưởng lão nên sớm báo cho học viên biết họ có được chấp thuận hay không, thông thường sẽ báo ngay sau buổi nói chuyện. Nếu học viên hội đủ điều kiện, các anh sẽ nồng ấm tiếp đón người ấy vào hàng ngũ những người công bố (Rô 15:7). Các trưởng lão nên khuyến khích người ấy bắt đầu tham gia thánh chức càng sớm càng tốt và nộp báo cáo rao giảng vào cuối tháng. Các anh sẽ giải thích rằng khi một học viên được chấp thuận làm người công bố chưa báp-têm và nộp báo cáo rao giảng lần đầu thì hội thánh sẽ làm Phiếu người công bố cho người ấy và lưu lại trong hồ sơ. Cho người ấy biết trưởng lão lưu lại thông tin cá nhân của họ, nhờ thế tổ chức có thể coi sóc hoạt động tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới, và họ được tham gia hoạt động của hội thánh cũng như nhận sự giúp đỡ của trưởng lão. Cũng cho người ấy biết là mọi thông tin cá nhân đó được sử dụng theo Chính sách bảo vệ dữ liệu toàn cầu của Nhân Chứng Giê-hô-va, có thể tìm trên jw.org.
11 Chúng ta nên làm quen với người công bố mới và quan tâm đến sự tiến bộ của người ấy. Điều này có thể tác động tốt, thôi thúc người ấy rao giảng đều đặn và nỗ lực nhiều hơn để phụng sự Đức Giê-hô-va.—Phi-líp 2:4; Hê 13:2.
12 Sau khi được chấp thuận làm người công bố, người ấy sẽ nhận sách Được tổ chức để thi hành ý muốn Đức Giê-hô-va. Sau khi người ấy nộp báo cáo rao giảng lần đầu, hội thánh sẽ thông báo vắn tắt người ấy là người công bố chưa báp-têm.
GIÚP NGƯỜI TRẺ
13 Các em trẻ cũng có thể hội đủ điều kiện làm người công bố tin mừng. Chúa Giê-su từng tiếp nhận con trẻ và chúc phước cho chúng (Mat 19:13-15; 21:15, 16). Dù cha mẹ có trách nhiệm chính, nhưng các anh chị khác trong hội thánh cũng có thể giúp những em trẻ nào thật lòng muốn tham gia công việc rao giảng. Nếu anh chị là cha mẹ, gương tốt của anh chị trong thánh chức sẽ khuyến khích con hăng hái phụng sự Đức Chúa Trời. Nói sao nếu một em có hạnh kiểm tốt và chia sẻ niềm tin từ lòng với người khác?
14 Cha mẹ nên đến gặp một trưởng lão trong Ủy ban Công tác Hội thánh để xem con mình có hội đủ điều kiện làm người công bố hay không. Giám thị điều phối sẽ sắp xếp để hai trưởng lão (một trong hai phải là thành viên của ủy ban công tác) gặp em đó cùng cha mẹ tin đạo hoặc người giám hộ. Có hai điều giúp đánh giá sự tiến bộ của em ấy, đó là em có sự hiểu biết căn bản về Kinh Thánh và có dấu hiệu cho thấy em muốn tham gia thánh chức. Sau khi xem xét hai yếu tố ấy và những yếu tố khác áp dụng cho người trưởng thành, hai trưởng lão có thể xác định em ấy có hội đủ điều kiện trở thành người công bố chưa báp-têm hay không (Lu 6:45; Rô 10:10). Khi nói chuyện với một em trẻ, không cần đề cập đến những vấn đề liên quan đến người trưởng thành và không áp dụng cho trẻ em.
15 Trong buổi nói chuyện, các trưởng lão nên khen em đó vì đã tiến bộ và khuyến khích em đặt mục tiêu báp-têm. Cha mẹ đã nỗ lực rất nhiều để khắc ghi chân lý vào lòng con, vì thế các anh cũng nên khen cha mẹ. Ngoài ra, các anh nên hướng cha mẹ đến phần “Đôi lời nhắn gửi cha mẹ đạo Đấng Ki-tô” nơi trang 179-181 để họ tiếp tục giúp con.
BƯỚC DÂNG MÌNH VÀ BÁP-TÊM
16 Khi đã biết và yêu mến Đức Giê-hô-va, làm theo đòi hỏi của ngài cũng như tham gia thánh chức, thì giờ đây anh chị cần thắt chặt mối quan hệ với ngài. Bằng cách nào? Đó là dâng đời sống mình cho ngài và biểu trưng điều này qua phép báp-têm trong nước.—Mat 28:19, 20.
17 Dâng có nghĩa là biệt riêng ra cho một mục tiêu thánh khiết. Dâng mình cho Đức Chúa Trời có nghĩa là hứa một cách trang trọng với ngài qua lời cầu nguyện rằng mình sẽ dùng đời sống để phụng sự và bước theo đường lối ngài. Điều này có nghĩa là dành cho ngài lòng sùng kính chuyên độc cho đến mãi mãi (Phục 5:9). Đây là quyết định cá nhân, không ai có thể quyết định thay anh chị.
18 Tuy nhiên, nói riêng với Đức Giê-hô-va là muốn thuộc về ngài thì chưa đủ, anh chị cần cho người khác thấy mình đã dâng đời sống cho ngài. Anh chị làm thế qua việc chịu phép báp-têm trong nước, như Chúa Giê-su đã làm (1 Phi 2:21; 3:21). Nếu đã quyết định phụng sự Đức Giê-hô-va và muốn chịu phép báp-têm, anh chị nên làm gì? Hãy cho giám thị điều phối biết ước muốn của mình. Anh ấy sẽ sắp xếp để một số trưởng lão nói chuyện với anh chị và xem anh chị có hội đủ những tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va để chịu phép báp-têm hay không. Để biết thêm thông tin, xin xem phụ lục “Vài lời ngỏ cùng người công bố chưa báp-têm” nơi trang 182-184, và phụ lục “Câu hỏi cho người muốn chịu phép báp-têm” nơi trang 185-207.
BÁO CÁO VỀ SỰ TIẾN TRIỂN CỦA CÔNG VIỆC RAO GIẢNG
19 Nhiều năm qua, những báo cáo cho thấy sự thờ phượng thanh sạch tiến triển trên khắp thế giới luôn là nguồn khích lệ cho dân Đức Giê-hô-va. Kể từ thời Chúa Giê-su tiên tri rằng tin mừng sẽ được giảng ra khắp đất, các tín đồ chân chính đều muốn biết lời ấy sẽ được ứng nghiệm thế nào.—Mat 28:19, 20; Mác 13:10; Công 1:8.
20 Các môn đồ thời ban đầu vui thích khi được nghe báo cáo về sự tiến triển của công việc rao giảng (Mác 6:30). Sách Công vụ thuật lại rằng thần khí thánh đổ trên khoảng 120 môn đồ vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Không lâu sau, số môn đồ lên đến khoảng 3.000, rồi khoảng 5.000 người. Báo cáo cho biết “mỗi ngày, Đức Giê-hô-va cũng tiếp tục thêm vào số họ những người được cứu” và “có rất nhiều thầy tế lễ tin đạo” (Công 1:15; 2:5-11, 41, 47; 4:4; 6:7). Các môn đồ hẳn được khích lệ biết bao khi nghe về sự gia tăng này! Hẳn các báo cáo hào hứng ấy đã giục lòng họ tiếp tục thi hành sứ mạng Đức Chúa Trời giao phó, bất kể sự bắt bớ dữ dội đến từ giới lãnh đạo Do Thái giáo!
21 Trong thư viết cho các tín đồ ở thành Cô-lô-se vào khoảng năm 60-61 CN, Phao-lô cho biết tin mừng ‘đang sinh hoa kết quả và phát triển trong thế gian’ cũng như “được rao giảng giữa mọi tạo vật ở dưới trời” (Cô 1:5, 6, 23). Thật vậy, những tín đồ thời ban đầu đã vâng theo Lời Đức Chúa Trời, và thần khí thánh đã giúp họ thực hiện công việc rao giảng rộng lớn trước khi hệ thống Do Thái chấm dứt vào năm 70 CN. Họ được khích lệ biết bao khi nghe báo cáo về những việc đã được thực hiện!
Anh chị có đang nỗ lực hết sức để thực hiện công việc rao giảng trước khi sự kết thúc đến không?
22 Ngày nay cũng vậy, tổ chức Đức Giê-hô-va ghi lại những việc chúng ta thực hiện để làm ứng nghiệm những lời sau nơi Ma-thi-ơ 24:14: “Tin mừng này về Nước Trời sẽ được rao truyền khắp đất để làm chứng cho muôn dân, bấy giờ sự kết thúc sẽ đến”. Là tôi tớ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, chúng ta có công việc cấp bách phải thi hành. Chúng ta cần nỗ lực hết sức để thực hiện cặn kẽ công việc rao giảng trước khi sự kết thúc đến. Chính Đức Giê-hô-va sẽ làm cho công việc này được hoàn thành, nên nếu chúng ta góp phần của mình thì sẽ làm ngài vui lòng.—Ê-xê 3:18-21.
BÁO CÁO VỀ HOẠT ĐỘNG RAO GIẢNG CÁ NHÂN
23 Chúng ta cần báo cáo gì? Phiếu Báo cáo rao giảng của hội thánh cho biết những điều cần báo cáo. Sau đây là một số thông tin hữu ích.
24 Trong mục “Ấn phẩm (Bản in và điện tử)”, hãy ghi tổng số tài liệu trên giấy và tài liệu điện tử mà anh chị đã cho người chưa báp-têm xem. Dưới mục “Số lần cho xem video”, hãy ghi tổng số lần anh chị cho người ta xem video.
25 Trong mục “Viếng thăm”, hãy ghi tổng số lần anh chị đến thăm lại những người chưa là Nhân Chứng với mục đích vun trồng sự chú ý của họ. Anh chị có thể tính một lần thăm lại mỗi khi viết thư, gọi điện thoại, gửi tin nhắn, gửi thư điện tử, hoặc để lại sách báo. Cũng nên tính một lần thăm lại mỗi khi điều khiển học hỏi Kinh Thánh. Cha mẹ có thể tính một lần thăm lại khi điều khiển buổi thờ phượng của gia đình cho con chưa báp-têm, dù học bao nhiều lần thì chỉ được tính một tuần một lần.
26 Trong mục “Số học hỏi Kinh Thánh”, hãy điền tổng số học hỏi Kinh Thánh khác nhau mà anh chị hướng dẫn trong tháng, chứ không báo cáo số lần học trong tháng. Anh chị có thể tính học hỏi Kinh Thánh khi hướng dẫn người chưa báp-têm, Nhân Chứng ngưng hoạt động (theo chỉ dẫn của một anh trong ủy ban công tác) hoặc người mới báp-têm mà chưa hoàn tất sách Vui sống mãi mãi!.
27 Trong mục “Giờ”, hãy ghi tổng số giờ anh chị dành cho công việc rao giảng từng nhà, thăm lại, hướng dẫn học hỏi và làm chứng chính thức hay bán chính thức cho những người chưa báp-têm. Số giờ báo cáo cần phải chính xác. Hai người công bố đi rao giảng chung thì cả hai có thể tính giờ, nhưng chỉ một người được tính số thăm lại và học hỏi. Cha mẹ cùng tham gia hướng dẫn con trong Buổi thờ phượng của gia đình, mỗi người có thể tính tối đa một giờ một tuần. Những anh trình bày bài diễn văn công cộng và anh chị thông dịch cũng có thể tính giờ. Tuy nhiên chúng ta không được tính giờ khi chuẩn bị cho thánh chức, tham dự nhóm rao giảng, làm những việc lặt vặt, v.v. dù những hoạt động này cần thiết.
28 Về cách tính giờ rao giảng, mỗi anh chị công bố nên làm theo lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện. Mỗi khu vực mỗi khác. Một số anh chị công bố rao giảng ở khu vực đông dân, số khác thì rao giảng ở khu vực có ít dân và phải đi xa. Mỗi anh chị công bố cũng có quan điểm khác nhau. Hội đồng Lãnh đạo cho phép anh em trên thế giới làm theo lương tâm của mình về cách tính giờ trong thánh chức, và không ai có quyền đặt luật về vấn đề này.—Mat 6:1; 7:1; 1 Ti 1:5.
29 Khi báo cáo rao giảng thì nên làm tròn số giờ. Chỉ có ngoại lệ là trường hợp người công bố bị giới hạn nhiều vì tuổi tác, không thể ra khỏi nhà, ở trong viện dưỡng lão hoặc có hạn chế khác. Những anh chị ấy có thể báo cáo rao giảng từng 15 phút, và dù chỉ làm chứng được 15 phút trong cả tháng thì cũng nên báo cáo. Nhờ đó, những anh chị ấy sẽ được kể là người công bố đều đặn. Sự sắp đặt này cũng áp dụng cho người công bố bị giới hạn tạm thời, chẳng hạn không thể di chuyển trong khoảng một tháng vì bị bệnh nặng hoặc chấn thương. Sự sắp đặt này chỉ áp dụng đối với những anh chị công bố rất hạn chế trong công việc rao giảng. Ủy ban công tác sẽ xem xét từng trường hợp.
PHIẾU NGƯỜI CÔNG BỐ
30 Báo cáo rao giảng hằng tháng của anh chị được ghi lại trên Phiếu người công bố. Các phiếu này thuộc quyền sở hữu của hội thánh. Nếu định dọn đến một hội thánh khác, anh chị nên báo cho trưởng lão biết. Anh thư ký sẽ chuyển Phiếu người công bố của anh chị đến hội thánh mới. Nhờ thế, các trưởng lão trong hội thánh đó có thể tiếp đón và chăm sóc anh chị về thiêng liêng. Nếu anh chị vắng mặt tại hội thánh của mình không quá ba tháng, xin tiếp tục nộp báo cáo rao giảng cho hội thánh của mình như thường lệ.
TẠI SAO CẦN NỘP PHIẾU BÁO CÁO RAO GIẢNG?
31 Thỉnh thoảng anh chị có quên nộp phiếu báo cáo rao giảng không? Đôi khi chúng ta cần được nhắc nhở về điều này. Nhưng nếu có quan điểm đúng về việc nộp báo cáo và hiểu tại sao điều này là quan trọng, chúng ta sẽ dễ nhớ hơn.
32 Một số người thắc mắc: “Đức Giê-hô-va biết tôi làm bao nhiêu rồi, vậy tại sao tôi cần nộp báo cáo?”. Đúng là Đức Giê-hô-va biết chúng ta làm bao nhiêu và có phụng sự ngài hết lòng, hết khả năng hay không. Nhưng hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã cho ghi lại nhiều chi tiết liên quan đến hoạt động của tôi tớ ngài. Ngài cho ghi lại số ngày Nô-ê ở trong tàu và số năm dân Y-sơ-ra-ên lang thang trong hoang mạc, số người trung thành và số người bất tuân. Ngài cho chép lại quá trình chinh phục xứ Ca-na-an và chiến công của các quan xét. Chính ngài soi dẫn cho những người viết Kinh Thánh ghi lại những sự việc ấy. Qua đó, chúng ta biết ngài rất xem trọng việc ghi chép thông tin chính xác.
33 Các lời tường thuật về lịch sử trong Kinh Thánh chứng tỏ dân Đức Giê-hô-va ghi chép những sự việc một cách chính xác. Trong nhiều trường hợp, những lời tường thuật ấy khó có thể tác động mạnh mẽ nếu thiếu các con số cụ thể. Hãy xem các thí dụ sau: Sáng thế 46:27; Xuất Ai Cập 12:37; Quan xét 7:7; 2 Các vua 19:35; 2 Sử ký 14:9-13; Giăng 6:10; 21:11; Công vụ 2:41; 19:19.
34 Vào thế kỷ thứ nhất, sau khi các sứ đồ rao giảng trở về, họ thuật lại cho Chúa Giê-su “mọi điều họ đã làm và dạy” (Mác 6:30). Phiếu báo cáo rao giảng tuy không liệt kê mọi điều chúng ta làm trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va, nhưng chứa đựng những thông tin hữu ích cho tổ chức. Chẳng hạn, các phiếu báo cáo cho thấy hội thánh cần chú tâm đến khía cạnh nào trong thánh chức. Những con số trong phiếu cho thấy hội thánh tiến bộ hoặc chậm lại trong khía cạnh nào, thí dụ như số người công bố. Dựa vào đó, các giám thị biết hội thánh có cần sự khích lệ hoặc có vấn đề nào cần được giải quyết. Các giám thị sẽ xem xét các phiếu báo cáo và cố gắng khắc phục những vấn đề cản trở sự tiến bộ của từng cá nhân hoặc của cả hội thánh.
35 Ngoài ra, các báo cáo giúp tổ chức xác định nơi nào có nhu cầu về người rao giảng. Khu vực nào đạt nhiều kết quả? Khu vực nào ít kết quả? Cần có sách báo nào để giúp người ta học về chân lý? Các báo cáo cũng giúp tổ chức dự trù sách báo cần thiết cho công việc rao giảng trên thế giới để kịp thời đáp ứng nhu cầu.
36 Đối với người công bố, các báo cáo còn là nguồn khích lệ. Hẳn chúng ta rất hào hứng khi nghe về công việc rao giảng của anh em trên khắp thế giới. Nhờ các báo cáo, chúng ta có cái nhìn bao quát về sự phát triển của tổ chức. Các kinh nghiệm làm chúng ta ấm lòng, tràn đầy sự hăng hái và thúc đẩy chúng ta tham gia thánh chức trọn vẹn hơn (Công 15:3). Thật vậy, nộp báo cáo đều đặn là điều quan trọng. Khi làm thế, chúng ta cho thấy mình quan tâm đến anh em ở khắp nơi và phục tùng sự sắp đặt của tổ chức Đức Giê-hô-va trong việc nhỏ nhất.—Lu 16:10; Hê 13:17.
ĐẶT MỤC TIÊU CÁ NHÂN
37 Chúng ta không nên so sánh công việc rao giảng của mình với người khác (Ga 5:26; 6:4). Hoàn cảnh mỗi người mỗi khác. Tốt hơn là nên đặt mục tiêu thực tế cho bản thân để đo lường sự tiến bộ của mình. Việc đạt được mục tiêu này sẽ mang lại cho chúng ta sự thỏa lòng.
38 Rõ ràng Đức Giê-hô-va đang xúc tiến công việc thâu nhóm những người sẽ sống sót qua “hoạn nạn lớn”. Chúng ta sống trong thời kỳ mà lời tiên tri của Ê-sai được ứng nghiệm: “Người rất nhỏ sẽ nên một ngàn, người hèn mọn sẽ thành dân mạnh. Chính ta, Đức Giê-hô-va, sẽ xúc tiến việc ấy đúng lúc” (Khải 7:9, 14; Ê-sai 60:22). Quả là đặc ân khi được rao truyền tin mừng trong những ngày sau cùng này!—Mat 24:14.