Lời Đức Giê-hô-va là lời sống
Những điểm nổi bật trong sách Lu-ca
Người ta cho rằng sách Phúc âm của Ma-thi-ơ được viết chủ yếu cho người Do Thái, và sách Phúc âm của Mác là cho những người không thuộc dân Do Thái. Tuy nhiên, sách Phúc âm của Lu-ca thì dành cho mọi dân. Sách này được viết vào khoảng năm 56-58 CN và là lời tường thuật đầy đủ về đời sống cũng như thánh chức của Chúa Giê-su.
Với quan điểm của một bác sĩ cẩn thận và có lòng quan tâm, ông Lu-ca ghi lại “kỹ-càng từ đầu mọi sự” trong khoảng thời gian 35 năm, từ năm 3 TCN đến 33 CN (Lu 1:3). Gần 60% các sự kiện trong sách Phúc âm của Lu-ca không được ghi trong các sách Phúc âm khác.
GIAI ĐOẠN ĐẦU CỦA THÁNH CHỨC
Sau khi tường thuật chi tiết về sự ra đời của Giăng Báp-tít và của Chúa Giê-su, ông Lu-ca cho chúng ta biết Giăng khởi đầu thánh chức vào năm thứ 15 đời Sê-sa Ti-be-rơ, đó là mùa xuân năm 29 CN (Lu 3:1, 2). Giăng làm báp têm cho Chúa Giê-su vào mùa thu năm ấy (Lu 3:21, 22). Đến năm 30 CN, ‘Chúa Jêsus trở về xứ Ga-li-lê, và dạy-dỗ trong các nhà hội’.—Lu 4:14, 15.
Chúa Giê-su khởi đầu chuyến rao giảng lần thứ nhất trong xứ Ga-li-lê. Ngài phán cùng đoàn dân đông: “Ta cũng phải rao Tin-lành của nước Đức Chúa Trời nơi các thành khác” (Lu 4:43). Ngài dẫn theo người đánh cá tên Si-môn và những người khác. Ngài nói: “Các ngươi hãy theo ta, ta sẽ cho các ngươi nên tay đánh lưới người” (Mat 4:18, 19; Lu 5:1-11). Trong chuyến rao giảng lần thứ nhì ở xứ Ga-li-lê, có 12 sứ đồ cùng đi với ngài (Lu 8:1). Trong chuyến rao giảng lần thứ ba, ngài phái 12 sứ đồ “đi rao-giảng về nước Đức Chúa Trời cùng chữa lành kẻ có bịnh”.—Lu 9:1, 2.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
1:35—Tế bào trứng hay noãn bào của bà Ma-ri có góp phần trong việc hình thành phôi thai không? Để con của bà trở thành dòng dõi thật của tổ phụ Áp-ra-ham, Giu-đa và Đa-vít như lời Đức Chúa Trời hứa, noãn bào của bà Ma-ri hẳn được dùng trong việc hình thành phôi thai (Sáng 22:15, 18; 49:10; 2 Sa 7:8, 16). Đức Giê-hô-va đã dùng thánh linh để chuyển sự sống hoàn toàn của Con Ngài vào lòng bà Ma-ri và tạo nên sự thụ thai (Mat 1:18). Dường như việc này loại bỏ mọi tính bất toàn trong noãn bào của bà, và ngay từ đầu đã che chở phôi thai khỏi bất cứ khiếm khuyết nào.
1:62—Xa-cha-ri có bị điếc khi câm không? Không. Ông chỉ bị câm mà thôi. Khi người ta “ra dấu” hỏi ông muốn đặt tên gì cho con thì không có nghĩa là Xa-cha-ri bị điếc. Rất có thể ông đã nghe vợ mình nói về việc đặt tên con. Có lẽ những người khác đã hỏi ý kiến của Xa-cha-ri về điều này bằng cách ra dấu hoặc làm điệu bộ. Vì chỉ có khả năng nói của ông cần được phục hồi, điều này cho thấy thính giác của ông không bị ảnh hưởng.—Lu 1:13, 18-20, 60-64.
2:1, 2—Làm thế nào việc nhắc đến lần “lập sổ dân” đầu tiên giúp xác định thời gian Chúa Giê-su sinh ra? Dưới triều đại Sê-sa Au-gút-tơ, việc lập sổ dân được tổ chức không chỉ một lần—lần đầu tiên vào năm 2 TCN, ứng nghiệm lời của Đa-ni-ên 11:20 và lần thứ nhì vào năm 6 hoặc 7 CN (Công 5:37). Qui-ri-ni-u làm quan tổng-đốc xứ Sy-ri trong hai lần lập sổ dân nói trên và có lẽ ông giữ chức vụ này hai lần. Việc Lu-ca nhắc đến lần lập sổ dân đầu tiên cho thấy Chúa Giê-su sinh vào năm 2 TCN.
2:35—“Một thanh gươm” sẽ đâm thấu qua lòng bà Ma-ri như thế nào? Điều này ám chỉ nỗi buồn bà Ma-ri sẽ trải qua khi thấy đa số dân chúng không thừa nhận Chúa Giê-su là Đấng Mê-si và nỗi đau bà cảm nhận trước cái chết đau đớn của con.—Giăng 19:25.
9:27, 28—Tại sao Lu-ca nói rằng sự hóa hình xảy ra “tám ngày” sau khi Chúa Giê-su hứa với các môn đồ rằng vài người trong số họ “sẽ không chết” cho đến khi họ thấy ngài đến trong vương quyền Nước Trời, trong khi đó Ma-thi-ơ và Mác nói rằng điều đó xảy ra sau “sáu ngày”? (Mat 17:1; Mác 9:2) Dường như Lu-ca tính thêm 2 ngày—ngày Chúa Giê-su hứa với các môn đồ và ngày Chúa Giê-su hóa hình.
9:49, 50—Tại sao Chúa Giê-su không ngăn cản một người trừ quỉ, dù người đó không theo ngài? Chúa Giê-su không ngăn cản người đó vì bấy giờ hội thánh đạo Đấng Christ chưa hình thành. Vì vậy, người đó không nhất thiết phải đi chung với Chúa Giê-su nhằm biểu lộ đức tin nơi danh ngài và đuổi quỉ.—Mác 9:38-40.
Bài học cho chúng ta:
1:32, 33; 2:19, 51. Bà Ma-ri ghi nhớ những lời và sự kiện làm ứng nghiệm lời tiên tri. Chúng ta có ghi nhớ lời Chúa Giê-su báo trước về “sự cuối cùng của hệ thống mọi sự”, so sánh những gì ngài đã phán với những gì đang diễn ra ngày nay hay không?—Mat 24:3, NW.
2:37. Qua gương của An-ne, chúng ta học được rằng phải trung kiên thờ phượng Đức Giê-hô-va, “bền lòng mà cầu-nguyện” và không quên “nhóm lại” tại các buổi họp của đạo Đấng Christ.—Rô 12:12; Hê 10:24, 25.
2:41-50. Giô-sép đặt quyền lợi thiêng liêng lên hàng đầu trong đời sống và chăm lo cho sự an lạc về vật chất lẫn thiêng liêng của gia đình. Trong những khía cạnh này, ông đã nêu gương tốt cho những người làm chủ gia đình.
4:4. Chúng ta không nên để một ngày trôi qua mà không suy nghĩ đến vấn đề thiêng liêng.
6:40. Người giảng dạy lời Đức Chúa Trời phải nêu gương tốt cho học viên. Người đó phải thực hành những gì mình dạy.
8:15. Để “gìn-giữ [đạo], và kết-quả một cách bền lòng”, chúng ta phải hiểu, quý trọng và hấp thu Lời của Đức Chúa Trời. Suy ngẫm và cầu nguyện là những điều phải làm khi đọc Kinh Thánh cũng như các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh.
GIAI ĐOẠN SAU TRONG THÁNH CHỨC CỦA CHÚA GIÊ-SU
Chúa Giê-su sai 70 môn đồ khác đi trước ngài đến các thành và các chỗ trong xứ Giu-đê (Lu 10:1). Ngài đi đến “các thành các làng, vừa dạy-dỗ”.—Lu 13:22.
Năm ngày trước Lễ Vượt Qua vào năm 33 CN, Chúa Giê-su cưỡi lừa con vào thành Giê-ru-sa-lem. Đấy là lúc ứng nghiệm lời ngài nói với các môn đồ: “Con người phải chịu nhiều điều khốn-khổ, phải bị các trưởng-lão, các thầy tế-lễ cả, và các thầy thông-giáo bỏ ra, phải bị giết, ngày thứ ba phải sống lại”.—Lu 9:22, 44.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
10:18—Chúa Giê-su muốn ám chỉ gì khi ngài phán với 70 môn đồ: “Ta đã thấy quỉ Sa-tan từ trời sa xuống như chớp”? Chúa Giê-su không nói rằng Sa-tan đã bị đuổi khỏi các tầng trời. Điều này xảy ra không lâu sau khi Chúa Giê-su được phong vương trên trời vào năm 1914 (Khải 12:1-10). Tuy chúng ta không thể võ đoán nhưng dường như Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh là điều đó chắc chắn sẽ xảy ra khi ngài dùng thì quá khứ để nói đến một sự kiện trong tương lai.
14:26—Các môn đồ của Đấng Christ “ghét” người nhà mình theo nghĩa nào? Trong Kinh Thánh, từ “ghét” có thể ám chỉ việc yêu một người hay một vật ít hơn một người hay một vật khác (Sáng 29:30, 31). Tín đồ Đấng Christ “ghét” người nhà mình theo nghĩa là yêu họ ít hơn yêu Chúa Giê-su.—Mat 10:37.
17:34-37—“Chim ó” là những ai, và “xác chết” mà chim ó nhóm lại là gì? Những người “được rước đi”, hay được giải cứu, ví như những con chim ó có mắt nhìn thật xa. “Xác chết” mà chim ó nhóm lại là Đấng Christ vào lúc ngài hiện diện một cách vô hình và là thức ăn thiêng liêng mà Đức Giê-hô-va cung cấp cho họ.—Mat 24:28.
22:44—Tại sao Chúa Giê-su trải qua sự đau đớn cực độ đến thế? Điều này xảy ra vì một số lý do. Chúa Giê-su lo rằng cái chết của ngài với tư cách là một tội nhân sẽ ảnh hưởng đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời và danh Ngài. Hơn nữa, Chúa Giê-su biết rõ sự sống bất tử của ngài và tương lai của toàn thể nhân loại đều tùy thuộc vào sự trung kiên của ngài.
23:44—Có phải sự tối tăm trong ba tiếng đồng hồ là do hiện tượng nhật thực không? Không. Nhật thực chỉ xảy ra vào kỳ trăng non, chứ không phải kỳ trăng tròn vào Lễ Vượt Qua. Sự tối tăm xảy ra vào ngày Chúa Giê-su chết là phép lạ của Đức Chúa Trời.
Bài học cho chúng ta:
11:1-4. Lời hướng dẫn này tuy hơi khác với những lời mà Chúa Giê-su dạy cầu nguyện trong Bài giảng trên núi trước đó 18 tháng, nhưng lời hướng dẫn này cho thấy rõ rằng chúng ta không nên lặp đi lặp lại một số từ nào đó trong lời cầu nguyện.—Mat 6:9-13.
11:5, 13. Dù Đức Giê-hô-va sẵn lòng nhậm lời cầu nguyện của chúng ta nhưng chúng ta nên kiên trì cầu nguyện.—1 Giăng 5:14.
11:27, 28. Hạnh phúc thật đến từ việc trung thành làm theo ý muốn Đức Chúa Trời chứ không đến từ những mối quan hệ trong gia đình hoặc của cải vật chất.
11:41. Việc chúng ta bố thí phải xuất phát từ lòng yêu thương và tự nguyện.
12:47, 48. Người có trọng trách mà không chu toàn thì có lỗi nhiều hơn người không biết hoặc không hiểu hết trách nhiệm của mình.
14:28, 29. Chúng ta khôn ngoan chi tiêu trong phạm vi tài chính của mình.
22:36-38. Chúa Giê-su không bảo các môn đồ mang khí giới để tự vệ. Thay vì thế, việc họ mang theo gươm trong đêm ngài bị phản bội là dịp để Chúa Giê-su dạy họ một bài học quan trọng: “Hễ ai cầm gươm thì sẽ bị chết vì gươm”.—Mat 26:52.
[Hình nơi trang 31]
Là chủ gia đình, ông Giô-sép nêu gương tốt
[Hình nơi trang 32]
Lu-ca viết nhiều chi tiết nhất về đời sống và thánh chức của Chúa Giê-su