Hãy kính sợ Đức Giê-hô-va, Đấng nghe lời cầu nguyện
“Hỡi Đấng nghe lời cầu-nguyện, các xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài”. (THI-THIÊN 65:2).
1. Tại sao chúng ta nghĩ hẳn Đức Giê-hô-va có những đòi hỏi dành cho những ai muốn đến gần Ngài bằng lời cầu nguyện?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI là “Vua của muôn đời”. Ngài cũng là “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, Đấng mà “mọi xác-thịt đều sẽ đến cùng Ngài” (Khải-huyền 15:3; Thi-thiên 65:2). Nhưng họ đến với Ngài thế nào? Các vua chúa trên đất đặt ra nghi thức như là cách ăn mặc và điệu bộ cử chỉ cho những người được phép vào chầu vua. Vậy thì hẳn là Vua đời đời có những điều đòi hỏi nơi bất cứ người nào đến với Ngài bằng lời nài xin và cảm tạ (Phi-líp 4:6, 7).
2. Có những cầu hỏi nào về vấn đề cầu nguyện?
2 Vua đời đời đòi hỏi gì nơi những người đến gần Ngài bằng lời cầu nguyện? Ai có thể cầu nguyện và được Ngài nghe? Và họ có thể cầu nguyện gì?
Đến gần Vua đời đời
3. Bạn có thể cho thí dụ nào về lời cầu nguyện của những tôi tớ thời ban đầu của Đức Chúa Trời và họ có cần người trung gian nào không?
3 Trước khi phạm tội, A-đam “con của Đức Chúa Trời” chắc hẳn nói chuyện cùng với Vua đời đời (Lu-ca 3:38; Sáng-thế Ký 1:26-28). Khi con A-đam là A-bên dâng “chiên đầu lòng trong bầy” cho Đức Chúa Trời thì chắc là sự dâng của-lễ có đi đôi với lời nài xin và ca ngợi Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 4:2-4). Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp dựng bàn thờ để khẩn nguyện dâng của-lễ hy sinh cho Đức Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 8:18-22; 12:7, 8; 13:3, 4, 18; 22:9-14; 26:23-25; 33:18-20; 35:1, 3, 7). Lời cầu nguyện của Sa-lô-môn, E-xơ-ra và của những người được soi dẫn viết Thi-thiên cho thấy những người Y-sơ-ra-ên đến với Đức Chúa Trời không cần người trung gian (I Các Vua 8:22-24; E-xơ-ra 9:5, 6; Thi-thiên 6:1, 2; 43:1; 55:1; 61:1; 72:1; 80:1; 143:1).
4. a) Cách mới nào để đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện được lập ra vào thế kỷ thứ nhất? b) Tại sao cầu nguyện qua danh của Giê-su là đặc biệt thích hợp?
4 Một cách mới để đến gần Đức Chúa Trời qua lời cầu nguyện được lập ra vào thế kỷ thứ nhất tây lịch. Đó là qua Giê-su Christ, Con của Đức Chúa Trời, là đấng có tình yêu thương đặc biệt đối với nhân loại. Trước khi xuống thế gian, Giê-su đã vui vẻ làm “thợ cái”, vui thích những gì thuộc về loài người (Châm-ngôn 8:30, 31). Lúc làm người trên đất, Giê-su đã trìu mến giúp đỡ về phương diện thiêng liêng cho những người bất toàn, chữa lành người bệnh và ngay cả làm sống lại người chết (Ma-thi-ơ 9:35-38; Lu-ca 8:1-3, 49-56). Trên hết mọi sự, Giê-su đã “phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28). Vậy những người muốn được hưởng giá chuộc nay đến gần Đức Chúa Trời qua trung gian một đấng yêu thương nhân loại nhiều như thế thật là thích hợp! Bây giờ đây là cách duy nhất để đến gần Vua đời đời vì chính Giê-su đã nói: “Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” và: “Điều chi các ngươi sẽ cầu-xin nơi Cha, thì Ngài sẽ nhơn danh ta mà ban cho các ngươi” (Giăng 14:6; 16:23). Hỏi xin những gì qua danh Giê-su có nghĩa nhận biết ngài là đường duy nhất để đến gần Đấng nghe lời cầu nguyện.
5. Thái độ của Đức Chúa Trời đối với thế gian là gì, và điều nầy có ảnh hưởng nào đến sự cầu nguyện?
5 Chúng ta nên đặc biệt biết ơn lòng yêu thương mà Đức Giê-hô-va bày tỏ bằng cách cung cấp giá chuộc. Giê-su nói: “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Tình yêu thương sâu xa của Đức Chúa Trời được diễn tả rõ ràng trong lời của người viết Thi-thiên: “Vì hễ các từng trời cao hơn đất bao nhiêu, thì sự nhơn-từ Ngài càng lớn cho kẻ kính-sợ Ngài bấy nhiêu. Phương đông xa cách phương tây bao nhiêu, thì Ngài đã đem sự vi-phạm chúng tôi khỏi xa chúng tôi bấy nhiêu. Đức Giê-hô-va thương-xót kẻ kính-sợ Ngài, khác nào cha thương-xót con-cái mình vậy. Vì Ngài biết chúng tôi nắn nên bởi giống gì, Ngài nhớ rằng chúng tôi bằng bụi-đất” (Thi-thiên 103:11-14). Thật ấm lòng biết bao để biết rằng lời cầu nguyện của các nhân-chứng đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va được đến tai Đức Chúa Cha đầy yêu thương qua Con Ngài!
Đặc ân có giới hạn (dành cho một số người)
6. Cần phải có thái độ nào để đến gần Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện?
6 Các vua chúa loài người không cho phép bất cứ người nào vào trong cung điện mà không thông báo trước. Được chầu vua là một đặc ân hiếm có. Lời cầu nguyện với Vua đời đời cũng giống như vậy. Dĩ nhiên những người biết tôn trọng sự vinh hiển của Đức Chúa Trời mà đến với Ngài qua trung gian của Giê-su có thể được Ngài nghe. Phải đến với Vua đời đời bằng thái độ tôn kính và thờ phượng; và những ai muốn được Ngài nghe lời cầu nguyện của họ phải bày tỏ “sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” (Châm-ngôn 1:7).
7. “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” là gì?
7 “Sự kính-sợ Đức Giê-hô-va” là gì? Đây là sự tôn sùng sâu xa, đi đôi với một sự kính sợ lành mạnh không muốn làm phật lòng Ngài. Sự kính sợ nầy phát xuất từ lòng biết ơn sâu xa đối với tình yêu thương và nhân từ của Ngài (Thi-thiên 106:1). Điều nầy cũng liên quan đến việc nhận biết Ngài là Vua đời đời, có quyền và có sức mạnh để đem sự trừng phạt, kể cả sự chết, trên những ai không vâng lời Ngài. Những người bày tỏ sự kính sợ đối với Đức Giê-hô-va có thể cầu nguyện cùng Ngài và chờ đợi được Ngài nghe.
8. Tại sao Đức Chúa Trời nghe lời cầu nguyện của những người kính sợ Ngài?
8 Dĩ nhiên là Đức Chúa Trời không đáp lại lời cầu nguyện của những kẻ ác, bất trung và tự cho mình là công bình (Châm-ngôn 15:29; Ê-sai 1:15; Lu-ca 18:9-14). Nhưng những người kính sợ Đức Giê-hô-va được Ngài nghe bởi vì họ đã thay đổi theo tiêu chuẩn công bình của Ngài. Thế nhưng họ còn làm hơn nữa. Những người kính sợ Đức Giê-hô-va đã dâng mình cho Đức Chúa Trời bằng lời cầu nguyện và biểu hiệu điều nầy bằng phép báp têm trong nước. Vì thế họ có đặc ân cầu nguyện không giới hạn.
9, 10. Người chưa làm báp têm có thể cầu nguyện với hy vọng được nghe không?
9 Để được Đức Chúa Trời nghe thì một người phải bày tỏ cảm giác sùng bái hòa hợp với ý định của Đức Chúa Trời. Đúng vậy, người đó phải chân thật, nhưng còn có sự đòi hỏi hơn thế nữa. Sứ đồ Phao-lô viết: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiến Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6). Thế thì có nên khuyến khích những người chưa làm báp têm cầu nguyện với hy vọng là được Đức Chúa Trời nghe không?
10 Nhận biết cầu nguyện là một đặc ân có giới hạn, Vua Sa-lô-môn hỏi xin Đức Giê-hô-va chỉ nghe những người ngoại cầu nguyện hướng về đền thờ Giê-ru-sa-lem mà thôi (I Các Vua 8:41-43). Nhiều thế kỷ sau, người ngoại Cọt-nây là người tin kính đã “cầu-nguyện Đức Chúa Trời không thôi”. Khi được sự hiểu biết chính xác, Cọt-nây đã dâng mình cho Đức Chúa Trời, rồi Ngài ban thánh linh cho ông. Sau đó, Cọt-nây và các người ngoại khác đã làm báp têm (Công-vụ các Sứ-đồ 10:1-44). Như Cọt-nây, bất cứ người nào ngày nay tiến đến gần sự dâng mình nên được khuyến khích cầu nguyện. Nhưng một người không thành thật về việc học hỏi Kinh-thánh, không biết những đòi hỏi của Đức Chúa Trời về sự cầu nguyện, và chưa bày tỏ thái độ làm vui lòng Đức Chúa Trời thì không thể nào nói là có lòng kính sợ Đức Giê-hô-va, có đức tin hay sốt sắng tìm kiếm Ngài được. Người như thế không có vị thế để dâng lời cầu nguyện mà Đức Chúa Trời chấp nhận.
11. Điều gì xảy ra cho một số người trước kia đã tiến gần đến sự dâng mình, và họ nên tự hỏi gì?
11 Một số người một thời đã tiến gần đến sự dâng mình nhưng sau đó thì dừng lại. Nếu họ không có đủ lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời trong lòng mà dâng mình vô điều kiện cho Ngài thì họ nên tự hỏi xem họ còn có đặc ân cầu nguyện không. Có lẽ là không, bởi vì những người đến gần Đức Chúa Trời phải sốt sắng tìm kiếm Ngài, tìm kiếm sự công bình và sự nhu mì nữa (Sô-phô-ni 2:3). Người nào thật sự kính sợ Đức Giê-hô-va là người có lòng tin đi đến sự dâng mình cho Đức Chúa Trời và hiểu điều đó bằng việc làm báp têm (Công-vụ các Sứ-đồ 8:13; 18:8). Chỉ người tin đạo đã báp têm mới được đặc ân không giới hạn để đến gần Vua đời đời qua lời cầu nguyện.
“Nhơn thánh linh mà cầu nguyện”
12. Lúc nào thì có thể nói rằng một người “nhơn thánh linh mà cầu nguyện”?
12 Sau khi một người dâng mình cho Đức Chúa Trời và biểu hiệu sự dâng mình bằng cách làm báp têm, người đó có vị thế để “nhơn thánh linh mà cầu nguyện”. Về điều nầy, Giu-đe viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, về phần anh em, hãy tự-lập lấy trên nền đức-tin rất thánh của mình, và nhơn thánh linh mà cầu-nguyện, hãy giữ mình trong sự yêu-mến Đức Chúa Trời và trông-đợi sự thương-xót của Chúa Giê-su Christ chúng ta cho được sự sống đời đời” (Giu-đe 20, 21). Một người cầu nguyện bằng thánh linh khi cầu nguyện ở dưới ảnh hưởng của thánh linh, hay sinh hoạt lực của Đức Chúa Trời, và hòa hợp với những điều nói trong Lời Ngài. Kinh-thánh được viết dưới sự soi dẫn của thánh linh Đức Giê-hô-va, chỉ dạy chúng ta cách cầu nguyện và điều gì nên hỏi xin trong lời cầu nguyện. Thí dụ, chúng ta có thể cầu nguyện với lòng tin cậy là Đức Chúa Trời sẽ ban thánh linh Ngài cho chúng ta (Lu-ca 11:13). Khi chúng ta nhơn thánh linh mà cầu nguyện, lời cầu nguyện của chúng ta bày tỏ một tấm lòng mà Đức Chúa Trời yêu mến.
13. Nếu nhơn thánh linh mà cầu nguyện, chúng ta sẽ tránh gì, và chúng ta sẽ áp dụng lời khuyên nào của Giê-su?
13 Khi chúng ta cầu nguyện bằng thánh linh, lời cầu nguyện của chúng ta không có đầy những chữ văn hoa bóng bẩy, cũng không lặp đi lặp lại hoài hoài. Không, lời cầu nguyện không chứa đựng toàn những bài ca ngợi vô nghĩa, không thành thật. Lời cầu nguyện như thế đầy dẫy trong các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ và các tôn giáo khác của Ba-by-lôn Lớn, tức đế quốc tôn giáo giả thế giới. Nhưng các tín đồ thật của đấng Christ nghe lời khuyên của Giê-su: “Khi các ngươi cầu-nguyện, đừng làm như bọn giả-hình; vì họ ưa đứng cầu-nguyện nơi nhà hội và góc đường, để cho thiên-hạ đều thấy... Vả, khi các ngươi cầu-nguyện, đừng dùng những lời lặp vô-ích như người ngoại; vì họ tưởng vì cớ lời nói nhiều thì được nhậm. Vậy, các ngươi đừng như họ” (Ma-thi-ơ 6:5-8).
14. Vài người có những lời nhận thức tốt nào về sự cầu nguyện?
14 Ngoài lời của Giê-su và những người viết Kinh-thánh, những người khác đã có những lời nhận thức tốt về sự cầu nguyện. Thí dụ, tác giả người Anh John Bunyan (1628-88) đã nói: “Cầu nguyện là dốc lòng nói với Đức Chúa Trời một cách thành thật, nhạy cảm, trìu mến, qua trung gian đấng Christ, trong sức mạnh và sự giúp đỡ của thánh linh, cầu xin những gì mà Đức Chúa Trời đã hứa”. Một mục sư Thanh giáo (Puritan) là Thomas Brooks (1608-80) nhận xét: “Đức Chúa Trời không xem nghệ thuật diễn đạt của lời cầu nguyện, dù cho có thanh tao cách mấy; hay là phần hình học của lời cầu nguyện, hoặc chiều dài; hay phần số học của lời cầu nguyện, hoặc bao nhiêu lần; không phải lời cầu nguyện có hợp lý không, có trật tự hay không; nhưng chính sự thành thật là điều Ngài quan tâm tới”. Có thể thêm vào những lời bình luận trên sự nhận xét của ông Bunyan là: “Trong lời cầu nguyện, có lòng mà không có lời (hữu tâm vô tự) tốt hơn là có lời mà không có lòng (hữu tự vô tâm)”. Nhưng nếu chúng ta thành thật và hội đủ các sự đòi hỏi của Đức Chúa Trời, làm thế nào chúng ta có thể chắc chắn là Vua đời đời sẽ nghe lời cầu nguyện của chúng ta?
Không bao giờ quay lưng không nghe
15. Đại khái Giê-su đã nói gì nơi Lu-ca 11:5-8?
15 Giê-hô-va Đức Chúa Trời không bao giờ bịt tai trước lời cầu nguyện của các tôi tớ đã dâng mình cho Ngài. Lời đầy khích lệ của Giê-su nói rõ về điều nầy khi môn đồ xin ngài chỉ cách cho họ cầu nguyện. Một phần lời ngài nói là: “Nếu một người trong các ngươi có bạn-hữu, nửa đêm đến nói rằng: Bạn ơi, cho tôi mượn ba cái bánh, vì người bạn tôi đi đường mới tới, tôi không có chi đãi người. Nếu người kia ở trong nhà trả lời rằng: Đừng khuấy-rối tôi, cửa đóng rồi, con-cái và tôi đã đi ngủ, không dậy được mà lấy bánh cho anh;—ta nói cùng các ngươi, dầu người ấy không chịu dậy cho bánh vì là bạn mình, nhưng vì cớ người kia làm rộn, sẽ dậy và cho người đủ sự cần dùng” (Lu-ca 11:1, 5-8). Ý chính của thí dụ minh họa nầy là gì?
16. Về sự cầu nguyện, Giê-su muốn chúng ta làm gì?
16 Chắc chắn Giê-su không nói rằng Đức Giê-hô-va không sẵn lòng giúp chúng ta. Nhưng đấng Christ muốn chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Đức Chúa Trời và yêu thương Ngài đến độ cầu nguyện không thôi. Vì vậy, Giê-su tiếp: “Ta lại nói cùng các ngươi: Hãy xin, sẽ ban cho; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và sẽ mở cửa cho ai gõ” (Lu-ca 11:9, 10). Vậy chắc chắn chúng ta nên tiếp tục cầu nguyện khi bị bắt bớ, hoặc khi chán nản vì sự yếu đuối sâu xa nào đó của chính cá nhân chúng ta hay bất cứ sự thử thách nào khác. Đức Giê-hô-va luôn luôn sẵn sàng giúp các tôi tớ trung thành của Ngài. Ngài không bao giờ nói với chúng ta: “Đừng làm phiền ta nữa”.
17, 18. a) Giê-su khuyến khích chúng ta thế nào về việc hỏi xin thánh linh, và điều gì làm tăng thêm tác dụng lời ngài? b) Giê-su so sánh thế nào về cách đối xử của cha mẹ trên đất với cách đối xử của Đức Chúa Trời?
17 Nếu chúng ta muốn hưởng sự liên lạc mật thiết với Đức Chúa Trời, chúng ta cần thánh linh hay sinh hoạt lực của Ngài. Vì vậy, Giê-su nói tiếp: “Trong các ngươi có ai làm cha, khi con mình xin cá mà cho rắn thay vì cá chăng? Hay là xin trứng mà cho bò cạp chăng? Vậy nếu các ngươi là người xấu, còn biết cho con cái mình vật tốt thay, huống chi Cha các ngươi ở trên trời lại chẳng ban thánh linh cho người xin Ngài!” (Lu-ca 11:11-13, NW). Ma-thi-ơ 7:9-11 nói cho đá thay vì bánh. Tác dụng trong lời của Giê-su gia tăng nếu chúng ta nhận biết bánh của những xứ thời xưa trong Kinh-thánh có kích thước và hình dạng giống như một viên đá dẹp và tròn. Có vài loại rắn giống như vài loại cá nào đó và có bò cạp trắng nhỏ tựa như quả trứng. Nhưng nếu con hỏi xin bánh, cá hay trứng, người cha nào mà lại cho con mình đá, rắn hay bò cạp?
18 Kế đó, Giê-su so sánh cách đối xử của cha mẹ trên đất với hành động của Đức Chúa Trời đối với những phần tử trong gia đình những người thờ phượng Ngài. Nếu chúng ta, dù cho nhiều hay ít đều là xấu vì tội lỗi di truyền cũng còn biết cho con cái những món quà tốt, huống hồ Cha trên trời của chúng ta lại chẳng ban thánh linh tốt lành cho những tôi tớ trung thành khiêm nhường hỏi xin Ngài hay sao?
19. a) Lời của Giê-su ghi nơi Lu-ca 11:11-13 và Ma-thi-ơ 7:9-11 cho biết gì? b) Nếu được thánh linh hướng dẫn, chúng ta xem thử thách của chúng ta thế nào?
19 Lời của Giê-su cho biết rằng chúng ta nên hỏi xin Đức Chúa Trời để Ngài ban thêm thánh linh. Nếu được thánh linh hướng dẫn, chúng ta sẽ không “phàn-nàn luôn về số-phận mình” và không xem sự thử thách và chán nản thất vọng là điều tổn hại cho chúng ta (Giu-đe 16). Thật vậy, “loài người bởi người nữ sanh ra, sống tạm ít ngày, bị đầy-dẫy sự khốn-khổ”, và nhiều người cả đời liên miên thấy những vấn đề hay sự đau lòng (Gióp 14:1). Nhưng chúng ta đừng bao giờ xem những thử thách của chúng ta như là đá, rắn hay bò cạp mà Đấng nghe lời cầu nguyện đã đem lại cho chúng ta. Ngài rất là yêu thương và không thử thách bất cứ người nào với điều gì ác. Trái lại, Ngài cho chúng ta “mọi ân-điển tốt-lành cùng sự ban-cho trọn-vẹn”. Cuối cùng, Ngài sẽ điều chỉnh mọi điều cho đúng cho tất cả những ai yêu thương và kính sợ Ngài (Gia-cơ 1:12-17; I Giăng 4:8). Những người ở trong lẽ thật nhiều năm đã biết qua kinh nghiệm cá nhân rằng những sự thử thách khó khăn gay go nhưng nhờ cầu nguyện và đức tin đã chấm dứt tốt đẹp và đem lại nhiều lợi ích và gia tăng bông trái thánh linh trong đời sống họ (III Giăng 4). Thật vậy, có cách nào khác tốt hơn không để chúng ta có thể học tập sự lệ thuộc nơi Cha trên trời và được Ngài giúp để vun trồng bông trái của thánh linh như sự yêu thương, vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhận từ, hiền lành, trung tín, mềm mại và tiết độ? (Ga-la-ti 5:22, 23).
20. Lời của Giê-su ghi nơi Lu-ca 11:5-13 nên có tác động gì trên chúng ta?
20 Vậy lời của Giê-su ghi lại nơi Lu-ca 11:5-13 cam đoan với chúng ta về lòng yêu thương và sự chăm sóc trìu mến của Đức Giê-hô-va. Điều nầy nên làm lòng chúng ta đầy tràn sự biết ơn và tình yêu thương sâu đậm đối với Ngài! Điều nầy phải làm đức tin chúng ta vững mạnh và gia tăng lòng ham muốn thường xuyên đến gần bệ chân của Vua đời đời và nấn ná bên sự hiện diện yêu thương của Ngài. Hơn nữa, lời Giê-su cam đoan với chúng ta rằng chúng ta sẽ không bao giờ bị đuổi đi tay không. Cha trên trời của chúng ta rất vui lòng khi chúng ta trao gánh nặng cho Ngài (Thi-thiên 55:22; 121:1-3). Và khi chúng ta là tôi tớ dâng mình trung thành của Ngài hỏi xin thánh linh, Ngài sẽ ban cho chúng ta một cách dồi dào. Ngài là Đức Chúa Trời yêu thương của chúng ta, và chúng ta có thể tin cậy trọn vẹn nơi Ngài là Đấng nghe lời cầu nguyện của chúng ta.
Bạn có nhớ không?
◻ Chúng ta phải qua ai để đến gần Đức Chúa Trời bằng lời cầu nguyện, và tại sao?
◻ Theo nghĩa nào cầu nguyện là một đặc ân có giới hạn?
◻ “Nhơn thánh linh mà cầu nguyện” có nghĩa gì?
◻ Làm thế nào bạn có thể chứng tỏ bằng Kinh-thánh là Đức Giê-hô-va nghe lời cầu nguyện của các Nhân-chứng trung thành đã làm báp têm?
[Các hình nơi trang 18]
Giống như những người cha trên đất cho con cái họ những món quà tốt, Đức Giê-hô-va ban thánh linh cho những ai hỏi xin nơi Ngài