Làm thế nào bạn có thể giữ quan điểm thăng bằng về tiền bạc?
Tham tiền và thèm muốn có nhiều tài sản không phải là điều mới, Kinh Thánh cũng không giấu giếm vấn đề này, làm như chúng là một hiện tượng mới có đây. Tham tiền là chuyện rất xưa. Trong Luật Pháp, Đức Chúa Trời truyền cho dân Y-sơ-ra-ên: “Ngươi chớ tham nhà kẻ lân-cận ngươi... hay là vật chi thuộc về kẻ lân-cận ngươi”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17.
THAM TIỀN và tài sản đã phổ biến vào thời Chúa Giê-su. Hãy xem xét tường thuật cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê-su với một người trẻ tuổi “giàu có lắm”. “Đức Chúa Jêsus... phán rằng: Còn thiếu cho ngươi một điều; hãy bán hết gia-tài mình, phân-phát cho kẻ nghèo, thì ngươi sẽ có của-cải ở trên trời; bấy giờ hãy đến mà theo ta. Nhưng người ấy nghe mấy lời thì trở nên buồn-rầu, vì giàu-có lắm”.—Lu-ca 18:18-23.
Quan điểm đúng về tiền bạc
Tuy nhiên, kết luận rằng Kinh Thánh lên án tiền bạc hoặc bất cứ cách dùng cơ bản nào về tiền bạc là sai. Kinh Thánh cho thấy tiền bạc bảo vệ thiết thực chống lại sự bần cùng và những khó khăn đi kèm, nó có khả năng giúp người ta mua được những thứ cần thiết. Vua Sa-lô-môn viết: “Vì sự khôn-ngoan che thân cũng như tiền-bạc che thân vậy”. Và: “Người ta bày tiệc đặng vui chơi, rượu khiến cho đời vui; có tiền-bạc thì ứng cho mọi sự”.—Truyền-đạo 7:12; 10:19.
Đức Chúa Trời chấp nhận việc sử dụng tiền bạc một cách đúng đắn. Thí dụ, Chúa Giê-su bảo: “Hãy dùng của bất-nghĩa mà kết bạn”. (Lu-ca 16:9) Điều này bao gồm việc dùng tiền bạc để đẩy mạnh sự thờ phượng thật đối với Đức Chúa Trời, vì chắc chắn chúng ta muốn Đức Chúa Trời là Bạn của chúng ta. Chính Sa-lô-môn theo gương của Đa-vít, cha ông, đóng góp số lượng lớn tiền bạc và những vật quý trong việc xây dựng đền thờ Đức Giê-hô-va. Một điều răn khác của đạo Đấng Christ là giúp đỡ về vật chất cho người túng thiếu. Sứ đồ Phao-lô nói: “Hãy cung-cấp sự cần-dùng cho các thánh-đồ”. Ông thêm: “Hãy ân-cần tiếp khách”. (Rô-ma 12:13) Việc tiếp khách thường tốn một ít tiền. Tuy nhiên, về tính tham tiền thì sao?
“Thích bạc”
Phao-lô bàn nhiều về “sự tham tiền-bạc”—hay theo nghĩa đen, “thích bạc”—khi viết thư cho người anh em cùng đạo là Ti-mô-thê. Chúng ta có thể tìm thấy lời khuyên của Phao-lô nơi 1 Ti-mô-thê 6:6-19. Lời bình luận của ông về “sự tham tiền-bạc” là một phần trong lời bình luận bao quát về của cải vật chất. Trong xã hội xem trọng tiền bạc ngày nay, chúng ta nên nghiên cứu cẩn thận những lời bình luận được soi dẫn của Phao-lô. Việc xem xét đó rõ ràng có lợi vì nó tiết lộ bí quyết của việc làm thế nào để “cầm lấy sự sống thật”.
Phao-lô cảnh báo: “Sự tham tiền-bạc là cội-rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo-đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau-đớn”. (1 Ti-mô-thê 6:10) Câu này cũng như các câu Kinh Thánh khác không nói tiền bạc tự nó là xấu. Sứ đồ cũng không nói tiền bạc là căn nguyên gây ra “điều ác” hoặc tiền bạc là cội rễ của mọi vấn đề. Thay vì vậy, tính tham tiền có thể là nguyên nhân—dù không phải là nguyên nhân duy nhất—của mọi loại “điều ác”.
Đề phòng tính tham lam
Việc Kinh Thánh không lên án tiền bạc, không làm giảm giá trị lời cảnh báo của Phao-lô. Tín đồ Đấng Christ nào bắt đầu tham tiền có nguy cơ gặp đủ loại vấn đề, vấn đề tệ nhất là việc đức tin bị trôi giạt. Sự thật này được củng cố bởi những lời Phao-lô nói với tín đồ Đấng Christ ở Cô-lô-se: “Vậy hãy làm chết các chi-thể của anh em ở nơi hạ-giới... ham-muốn xấu-xa, tham-lam, tham-lam chẳng khác gì thờ hình-tượng”. (Cô-lô-se 3:5) Làm thế nào mà tính tham lam, hoặc “tham tiền-bạc” giống như thờ hình tượng? Điều này có nghĩa là muốn có một ngôi nhà lớn hơn, một xe hơi mới hơn, một công việc nhiều lợi tức hơn là sai hay sao? Không, không điều nào trong những điều vừa nêu ra có bản chất xấu xa cả. Câu hỏi là: Động lực nào thúc đẩy một người muốn có những vật này, và chúng có thật sự cần thiết không?
Sự khác biệt giữa ao ước bình thường và sự tham lam có thể giống như sự khác biệt giữa ngọn lửa trại để nấu ăn và ngọn lửa nóng rực tàn phá một khu rừng. Ước muốn lành mạnh và đặt đúng chỗ có thể có ích. Nó thúc đẩy chúng ta lao động và sản xuất. Châm-ngôn 16:26 nói: “Sự biết đói của kẻ lao-khổ giúp làm việc cho người, bởi vì miệng người thúc-giục người”. Nhưng tham lam là nguy hiểm và tàn phá. Nó là ước muốn vô độ.
Vấn đề chính là kiềm chế. Tiền bạc hoặc của cải vật chất tích lũy được có đáp ứng cho nhu cầu của chúng ta không, hay nhu cầu khiến chúng ta thành nô lệ cho tiền bạc? Đó là lý do tại sao Phao-lô nói kẻ “tham-lam, tức là kẻ thờ hình-tượng”. (Ê-phê-sô 5:5) Tham lam điều gì, trên thực tế có nghĩa là ý chí chúng ta bị nó khuất phục—thật ra nó trở thành chủ nhân, thần, đối tượng chúng ta phụng sự. Ngược lại, Đức Chúa Trời nhấn mạnh: “Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 20:3.
Việc chúng ta tham lam cũng cho thấy mình không tin cậy Đức Chúa Trời chu toàn lời hứa là Ngài sẽ cung cấp điều chúng ta cần. (Ma-thi-ơ 6:33) Vậy, tham lam thực chất là từ bỏ Đức Chúa Trời. Theo ý nghĩa này, đó cũng là “thờ hình-tượng”. Không ngạc nhiên gì khi Phao-lô cảnh báo chúng ta rõ ràng đến thế chống lại tính tham lam!
Chúa Giê-su cũng đã ban lời cảnh báo trực tiếp chống lại tính tham lam. Ngài ra lệnh hãy đề phòng chống lại lòng ham muốn mãnh liệt đối với điều chúng ta không có: “Phải đề phòng, đừng để lòng tham lam lôi cuốn. Vì đời sống con người không cốt ở chỗ giàu có dư dật đâu”. (Lu-ca 12:15, Bản Diễn Ý) Theo đoạn văn này và minh họa tiếp theo của Chúa Giê-su, tính tham lam căn cứ trên niềm tin dại dột rằng điều quan trọng trong đời sống là dựa trên những gì người ta có. Đó có thể là tiền bạc, địa vị, quyền lực hay những gì liên quan. Người ta có thể trở nên tham lam với bất cứ điều gì kiếm được. Quan niệm cho rằng có được điều đó sẽ khiến chúng ta thỏa mãn. Nhưng theo Kinh Thánh và kinh nghiệm của loài người, chỉ có Đức Chúa Trời mới có thể—và sẽ—thỏa mãn nhu cầu thật của chúng ta, như Chúa Giê-su lý luận với các môn đồ ngài.—Lu-ca 12:22-31.
Xã hội chuyên tiêu dùng ngày nay rất giỏi trong việc nhen nhúm ngọn lửa tham lam. Chịu ảnh hưởng bởi những phương cách tinh vi nhưng vô cùng hữu hiệu, nhiều người tin rằng bất cứ điều gì họ đang có đều không đủ. Họ cần nhiều hơn, lớn hơn, và tốt hơn. Dù không hy vọng thay đổi thế giới chung quanh, làm thế nào cá nhân chúng ta có thể kháng cự xu hướng này?
Sự thỏa lòng so với tính tham lam
Phao-lô đề nghị thay thế tính tham lam bằng sự thỏa lòng. Ông nói: “Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng”. (1 Ti-mô-thê 6:8) Lời miêu tả này về tất cả những gì chúng ta thật sự cần—“đủ ăn đủ mặc”—nghe có vẻ đơn giản hoặc ngây ngô. Để giải trí, nhiều người xem những chương trình truyền hình cho thấy những nhân vật nổi danh sống trong ngôi nhà sang trọng. Đó không phải là cách đạt tới sự thỏa lòng.
Dĩ nhiên, tôi tớ của Đức Chúa Trời không buộc phải chịu sống trong cảnh bần cùng. (Châm-ngôn 30:8, 9) Tuy nhiên, Phao-lô quả có nhắc nhở chúng ta nghèo khổ thật sự là gì: thiếu thực phẩm, quần áo và mái ấm. Mặt khác, nếu có những điều đó rồi, chúng ta có nền tảng để thỏa lòng.
Liệu Phao-lô có chân thật khi bàn về sự thỏa lòng như thế không? Thật sự có thể thỏa lòng với những nhu yếu căn bản—thực phẩm, quần áo, chỗ ở không? Phao-lô hẳn phải biết điều này. Ông đã cảm nghiệm trực tiếp sự giàu có và những thuận lợi đặc biệt dành cho tầng lớp thượng lưu trong cộng đồng Do Thái và quốc tịch La Mã. (Công-vụ 22:28; 23:6; Phi-líp 3:5) Phao-lô cũng đã chịu gian khổ cùng cực trong hoạt động giáo sĩ. (2 Cô-rinh-tô 11:23-28) Qua tất cả những điều đó, Phao-lô đã nắm bí quyết giúp ông giữ vững sự thỏa lòng. Đó là gì?
“Tôi đã nắm được bí quyết này”
Trong một lá thư, Phao-lô giải thích: “Tôi đã trải qua những cơn túng ngặt cũng như những ngày dư dật. Tôi đã nắm được bí quyết này: ở đâu và lúc nào, dù no hay đói, dù dư hay thiếu, tôi vẫn luôn vui thỏa”. (Phi-líp 4:12, BDÝ) Phao-lô có vẻ rất tự tin, rất lạc quan làm sao! Thật dễ cho rằng khi viết những lời này cuộc sống của ông tươi vui nhưng không phải thế. Ông ở trong ngục tại Rô-ma!—Phi-líp 1:12-14.
Đứng trước sự kiện như vậy, đoạn văn này nói lên một cách hùng hồn sự thỏa lòng không những về của cải vật chất mà còn về hoàn cảnh. Giàu có tột bực hay khó khăn cùng cực có thể thử thách những điều ưu tiên của chúng ta. Phao-lô đề cập đến những nguồn thiêng liêng có thể giúp ông thỏa lòng bất kể hoàn cảnh vật chất ra sao: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi”. (Phi-líp 4:13) Thay vì nương cậy nơi tài sản, dù nhiều hay ít, hoặc nơi hoàn cảnh, tốt hay xấu, Phao-lô mong đợi Đức Chúa Trời thỏa mãn những nhu cầu của ông. Kết quả là sự thỏa lòng.
Gương của Phao-lô đặc biệt quan trọng đối với Ti-mô-thê. Sứ đồ khuyên giục người trẻ tuổi này theo đuổi lối sống đặt sự tin kính và mối liên hệ mật thiết với Đức Chúa Trời lên trên sự giàu có. Phao-lô nói: “Nhưng, hỡi con, là người của Đức Chúa Trời, hãy tránh những sự đó đi. Mà tìm điều công-bình, tin-kính, đức-tin, yêu-thương, nhịn-nhục, mềm-mại”. (1 Ti-mô-thê 6:11) Những lời này dành cho Ti-mô-thê, nhưng chúng áp dụng cho bất cứ ai muốn tôn vinh Đức Chúa Trời và có đời sống thật sự hạnh phúc.
Ti-mô-thê cũng như bất cứ tín đồ Đấng Christ khác cần cảnh giác về tính tham lam. Dường như trong hội thánh ở Ê-phê-sô có những người giàu lúc Ti-mô-thê ở đấy và nhận được thư của Phao-lô. (1 Ti-mô-thê 1:3) Phao-lô đã đến trung tâm thương mại phồn thịnh này để rao truyền tin mừng về Đấng Christ, khiến nhiều người cải đạo. Rõ ràng, một số những người này là người giàu, ngày nay điều đó cũng đúng trong một số hội thánh tín đồ Đấng Christ.
Thế thì, câu hỏi đặt ra đặc biệt chiếu theo sự dạy dỗ nơi 1 Ti-mô-thê 6:6-10 là: Người có nhiều tiền hơn mức trung bình nên làm gì nếu muốn tôn vinh Đức Chúa Trời? Phao-lô nói họ nên bắt đầu bằng cách xem xét thái độ của mình. Tiền bạc thường có khuynh hướng tạo cảm giác tự mãn. Phao-lô nói: “Hãy răn-bảo kẻ giàu ở thế-gian nầy đừng kiêu-ngạo và đừng để lòng trông-cậy nơi của-cải không chắc-chắn, nhưng hãy để lòng trông-cậy nơi Đức Chúa Trời, là Đấng mỗi ngày ban mọi vật dư-dật cho chúng ta được hưởng”. (1 Ti-mô-thê 6:17) Những người giàu phải biết nhìn xa hơn tiền bạc họ có; họ cần trông đợi Đức Chúa Trời, nguồn của mọi sự giàu có.
Nhưng có thái độ đúng thôi thì chưa đủ. Sớm hay muộn, tín đồ Đấng Christ giàu cần sử dụng của cải cách khôn ngoan. Phao-lô khuyên: “Hãy răn-bảo họ làm điều lành, làm nhiều việc phước-đức, kíp ban-phát và phân-chia của mình có”.—1 Ti-mô-thê 6:18.
“Sự sống thật”
Mục đích lời khuyên của Phao-lô là chúng ta cần tự nhắc nhở về giá trị tương đối của vật chất. Lời Đức Chúa Trời nói: “Tài-vật người giàu, ấy là cái thành kiên-cố của người, trong ý-tưởng người cho nó như một bức tường cao”. (Châm-ngôn 18:11) Thật thế, sự an toàn mà của cải có thể cung cấp cuối cùng chỉ là tưởng tượng và thực tế là dối trá. Tập trung đời sống chúng ta vào tài sản hơn là được sự chuẩn chấp của Đức Chúa Trời là điều sai lầm.
Của cải vật chất thường không chắc chắn và rất mỏng manh cho nên không đáng cho chúng ta đặt niềm hy vọng nơi nó. Hy vọng chân thật phải được neo vào điều gì mạnh mẽ, có ý nghĩa, và vĩnh cửu. Hy vọng của tín đồ Đấng Christ đặt vững chắc nơi Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và lời Ngài hứa về sự sống vĩnh cửu. Đúng là người ta không thể mua hạnh phúc bằng tiền và càng đúng hơn nữa là tiền không thể mua được sự cứu chuộc. Chỉ đức tin nơi Đức Chúa Trời cho chúng ta hy vọng đó.
Thế nên dù giàu hay nghèo, chúng ta hãy theo đuổi lối sống khiến chúng ta “giàu-có nơi Đức Chúa Trời”. (Lu-ca 12:21) Không điều gì giá trị hơn vị thế được Đấng Tạo Hóa chấp nhận. Mọi nỗ lực duy trì sự chấp nhận này góp phần vào việc ‘dồn-chứa về ngày sau một cái nền tốt và bền vững cho mình để được cầm lấy sự sống thật’.—1 Ti-mô-thê 6:19.
[Hình nơi trang 7]
Phao-lô nắm được bí quyết của sự thỏa lòng
[Các hình nơi trang 8]
Chúng ta có thể hạnh phúc và thỏa lòng với điều mình có