BÀI HỌC 13
Dùng công trình sáng tạo để dạy con về Đức Giê-hô-va
“Ai đã tạo các vật ấy?”—Ê-SAI 40:26.
BÀI HÁT 11 Công trình sáng tạo ngợi khen Đức Chúa Trời
GIỚI THIỆUa
1. Cha mẹ muốn điều gì cho con?
Hỡi các bậc cha mẹ, chúng tôi biết anh chị muốn giúp con biết và yêu thương Đức Giê-hô-va. Nhưng ngài là vô hình. Làm thế nào anh chị có thể giúp con xem Đức Chúa Trời là đấng có thật và đến gần ngài?—Gia 4:8.
2. Làm thế nào để dạy con về các đức tính của Đức Giê-hô-va?
2 Một cách quan trọng để giúp con đến gần Đức Giê-hô-va là học Kinh Thánh với con (2 Ti 3:14-17). Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết một cách khác mà người trẻ có thể học về Đức Giê-hô-va. Trong sách Châm ngôn, một người cha nhắc con đừng bao giờ để ‘mắt rời xa’ các đức tính của Đức Giê-hô-va được thấy qua sự sáng tạo (Châm 3:19-21). Hãy xem một số cách mà các bậc cha mẹ có thể dùng sự sáng tạo để giúp con học về các đức tính của ngài.
DÙNG SỰ SÁNG TẠO ĐỂ DẠY CON—NHƯ THẾ NÀO?
3. Cha mẹ nên giúp con thấy điều gì?
3 Kinh Thánh nói: “Dù Đức Chúa Trời là vô hình, nhưng từ lúc thế gian được dựng nên, khi xem xét những vật ngài tạo ra thì người ta có thể thấy rõ các đặc tính của ngài” (Rô 1:20). Hẳn các bậc cha mẹ thích dành thời gian ở ngoài trời với con. Hãy dùng thời gian đó để giúp con thấy được mối liên kết giữa những vật được tạo ra với các đặc tính tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Về khía cạnh này, hãy xem cha mẹ học được gì từ gương của Chúa Giê-su.
4. Chúa Giê-su đã dùng sự sáng tạo để dạy các môn đồ như thế nào? (Lu-ca 12:24, 27-30)
4 Hãy xem Chúa Giê-su dùng sự sáng tạo để dạy dỗ như thế nào. Vào một dịp, ngài bảo các môn đồ quan sát loài quạ và hoa huệ. (Đọc Lu-ca 12:24, 27-30). Chúa Giê-su đã có thể dùng bất cứ con vật hay cây cối nào, nhưng ngài chọn loài chim và loài hoa mà các môn đồ biết rõ. Có thể các môn đồ đã thấy quạ bay trên trời và hoa nở ngoài đồng. Hãy hình dung Chúa Giê-su vừa nói vừa giơ tay chỉ về phía chúng. Ngài đã làm gì sau khi nói những ví dụ đó? Chúa Giê-su dạy các môn đồ một bài học ấn tượng về lòng rộng rãi và nhân từ của Cha trên trời: Đức Giê-hô-va sẽ cung cấp thức ăn và áo mặc cho các tôi tớ trung thành giống như ngài đã làm cho loài quạ và hoa ngoài đồng.
5. Cha mẹ có thể dùng những ví dụ nào trong sự sáng tạo để dạy con về Đức Giê-hô-va?
5 Hỡi các bậc cha mẹ, anh chị có thể bắt chước cách dạy dỗ của Chúa Giê-su như thế nào? Anh chị có thể nói với con về một điều trong sự sáng tạo mà mình yêu thích, chẳng hạn như con vật hoặc cây cối mà anh chị thích nhất. Khi làm thế, hãy giải thích điều ấy cho biết gì về Đức Giê-hô-va. Rồi anh chị có thể hỏi xem con thích con vật hoặc cây cối nào nhất. Nếu anh chị dùng một điều trong sự sáng tạo mà con yêu thích, có lẽ con sẽ chú ý nhiều hơn khi anh chị nói về các đức tính của Đức Giê-hô-va.
6. Chúng ta học được gì từ gương của mẹ anh Christopher?
6 Cha mẹ có phải dành nhiều thời gian để nghiên cứu một loài vật hoặc cây cối trước khi thảo luận sự sáng tạo ấy cho biết gì về Đức Giê-hô-va không? Không nhất thiết. Chúa Giê-su không giải thích dài dòng về tập tính kiếm ăn của loài quạ hoặc cấu trúc của hoa huệ. Đúng là đôi khi con của anh chị có lẽ thích nói chi tiết hơn về thiên nhiên, nhưng thường một lời nhận xét hoặc câu hỏi đơn giản cũng đủ để giúp con hiểu điểm chính. Hãy xem điều mà anh Christopher nhớ về tuổi thơ của mình. Anh nói: “Mẹ tôi thường nói những câu đơn giản để giúp chúng tôi quý trọng sự sáng tạo xung quanh mình. Chẳng hạn, khi chúng tôi đi ngang qua núi, mẹ sẽ nói câu như: ‘Nhìn kìa, núi hùng vĩ và đẹp quá phải không các con? Đức Giê-hô-va thật tuyệt vời!’. Hoặc khi chúng tôi đi ngang qua biển, mẹ sẽ nói: ‘Các con nhìn kìa, các ngọn sóng rất mạnh mẽ. Đức Chúa Trời thật quyền năng!’”. Anh Christopher cho biết: “Những câu đơn giản và gợi suy nghĩ như thế tác động lớn đến chúng tôi”.
7. Bằng cách nào anh chị có thể huấn luyện con suy nghĩ về sự sáng tạo?
7 Khi con lớn hơn, anh chị có thể huấn luyện con suy nghĩ thêm về sự sáng tạo và rút ra kết luận về các đức tính của Đức Giê-hô-va. Anh chị có thể nói đến một sự sáng tạo, rồi hỏi con: “Con học được gì về Đức Giê-hô-va qua điều này?”. Có lẽ anh chị sẽ ngạc nhiên khi nghe nhận xét của con.—Mat 21:16.
KHI NÀO CÓ THỂ DÙNG SỰ SÁNG TẠO ĐỂ DẠY CON?
8. Các bậc cha mẹ Y-sơ-ra-ên có cơ hội làm gì khi “đi trên đường”?
8 Các bậc cha mẹ Y-sơ-ra-ên được bảo dạy con những mệnh lệnh của Đức Giê-hô-va khi “đi trên đường” (Phục 11:19). Các con đường ở Y-sơ-ra-ên thường chạy qua vùng quê, và người ta có thể thấy nhiều loài thú, chim chóc và bông hoa. Khi các gia đình Y-sơ-ra-ên đi trên những con đường đó, cha mẹ có cơ hội giúp con chú ý đến sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Hẳn cha mẹ ngày nay cũng có cơ hội tương tự để dạy con qua sự sáng tạo. Hãy xem một số bậc cha mẹ đã làm thế bằng cách nào.
9. Anh chị học được gì từ chị Punitha và chị Katya?
9 Một người mẹ tên Punitha sống tại một thành phố lớn ở Ấn Độ cho biết: “Khi đi thăm gia đình ở vùng quê, chúng tôi xem đó là cơ hội để giúp các con học về sự sáng tạo tuyệt vời của Đức Giê-hô-va. Tôi thấy các con dễ học về sự sáng tạo hơn khi đi xa khỏi những con đường đông đúc và giao thông tấp nập ở thành phố”. Hỡi các bậc cha mẹ, hẳn con anh chị sẽ không bao giờ quên thời gian ở cùng với anh chị trong khung cảnh đẹp. Một chị đến từ Moldova là Katya nói: “Ký ức tuổi thơ sống động nhất của tôi là những lần đi với cha mẹ đến vùng quê. Tôi biết ơn cha mẹ vì đã dạy tôi từ nhỏ để biết ngừng lại và quan sát những gì Đức Giê-hô-va tạo ra và thấy ngài qua sự sáng tạo”.
10. Cha mẹ có thể làm gì nếu thấy khó đi đến vùng quê? (Xem khung “Sự trợ giúp dành cho cha mẹ”).
10 Nói sao nếu anh chị không thể đi đến vùng quê? Anh Amol cũng sống ở Ấn Độ cho biết: “Ở nơi tôi sống, cha mẹ phải làm việc nhiều giờ, và một chuyến đi đến vùng quê có thể rất tốn kém. Tuy nhiên, một công viên nhỏ hoặc sân thượng cũng có thể là nơi để quan sát sự sáng tạo và nói về các đức tính của Đức Giê-hô-va”. Khi quan sát kỹ, hẳn anh chị cũng sẽ khám phá nhiều điều trong sự sáng tạo ở gần nhà mình mà có thể dùng để dạy con (Thi 104:24). Có lẽ anh chị sẽ tìm thấy loài chim, côn trùng, cây cỏ và những điều khác. Chị Karina từ Đức nói: “Mẹ tôi rất thích hoa. Vì thế khi còn nhỏ, mỗi lần tôi đi dạo với mẹ thì mẹ thường chỉ cho tôi xem những bông hoa đẹp”. Các bậc cha mẹ cũng có thể dạy con bằng cách dùng video và ấn phẩm về sự sáng tạo mà tổ chức sản xuất. Thật vậy, dù sống ở đâu đi nữa, anh chị cũng có thể giúp con quan sát sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Hãy xem một số đức tính của ngài mà anh chị có thể giúp con nhận ra.
CÁC ĐỨC TÍNH CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA ĐƯỢC THẤY RÕ
11. Làm thế nào để giúp con nhận ra tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?
11 Để giúp con nhận ra tình yêu thương của Đức Giê-hô-va, anh chị có thể hướng con đến cách nhiều loài vật dịu dàng chăm sóc con của mình (Mat 23:37). Anh chị cũng có thể nói đến sự đa dạng tuyệt vời mà chúng ta vui hưởng trong thiên nhiên. Chị Karina, được đề cập ở trên, nói: “Khi đi dạo, mẹ thường khuyến khích tôi ngừng lại và quan sát mỗi bông hoa độc đáo thế nào và vẻ đẹp của nó phản ánh tình yêu thương của Đức Giê-hô-va ra sao. Nhiều năm sau, tôi vẫn còn quan sát kỹ các bông hoa, để ý đến sự đa dạng, cách thiết kế và màu sắc của chúng. Chúng vẫn nhắc tôi nhớ Đức Giê-hô-va yêu thương chúng ta biết bao”.
12. Làm thế nào để giúp con nhận ra sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời? (Thi thiên 139:14) (Cũng xem hình).
12 Hãy giúp con nhận ra sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời. Quả thật, ngài khôn ngoan hơn chúng ta biết bao! (Rô 11:33). Chẳng hạn, anh chị có thể nói với con về cách nước bốc hơi thành những đám mây trôi lơ lửng từ nơi này đến nơi khác (Gióp 38:36, 37). Anh chị cũng có thể nói về sự thiết kế kỳ diệu của cơ thể người. (Đọc Thi thiên 139:14). Hãy xem một người cha tên Vladimir đã làm thế bằng cách nào. Anh nói: “Ngày nọ, con trai chúng tôi bị té xe đạp và bị thương. Sau vài ngày, vết thương ấy lành lại. Vợ chồng tôi giải thích rằng Đức Giê-hô-va tạo ra các tế bào của chúng ta với khả năng tự chữa lành. Chúng tôi nói với con là những điều mà con người tạo ra không có khả năng như thế. Chẳng hạn, một chiếc xe không thể tự sửa chữa sau một vụ tai nạn. Những điều này đã giúp con chúng tôi hiểu sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va”.
13. Làm thế nào để giúp con nhận ra quyền năng của Đức Chúa Trời? (Ê-sai 40:26)
13 Đức Giê-hô-va mời chúng ta ngước mắt lên trời và suy ngẫm về quyền năng đáng kinh ngạc của ngài trong việc vận hành vũ trụ. (Đọc Ê-sai 40:26). Anh chị cũng có thể khuyến khích con nhìn lên trời và suy nghĩ. Hãy lưu ý điều mà chị Tingting đến từ Đài Loan nhớ về tuổi thơ của mình. Chị cho biết: “Có lần mẹ tôi dẫn tôi đi cắm trại, và chúng tôi nhìn lên bầu trời đầy sao, không bị ảnh hưởng bởi ánh đèn thành phố. Trong thời gian đó, tôi đang lo lắng về áp lực bạn bè và băn khoăn không biết mình có thể tiếp tục trung thành phụng sự Đức Giê-hô-va hay không. Mẹ khuyến khích tôi nghĩ về quyền năng mà Đức Giê-hô-va dùng để tạo dựng tất cả các ngôi sao, và nhớ rằng chắc chắn ngài có thể dùng quyền năng đó để giúp tôi đương đầu với bất cứ thử thách nào. Sau khi quan sát sự sáng tạo trong chuyến đi đó, tôi được thôi thúc để biết Đức Giê-hô-va rõ hơn, và càng quyết tâm phụng sự ngài”.
14. Làm thế nào cha mẹ có thể dùng sự sáng tạo để giúp con nhận ra Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời hạnh phúc?
14 Sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va cho thấy ngài là đấng vui mừng và có tính hài hước. Các nhà khoa học nhận thấy rằng đa số các loài vật đều chơi đùa, kể cả chim và cá (Gióp 40:20). Con của anh chị có bao giờ cười thích thú khi xem một con vật chơi đùa không? Có lẽ chúng thấy một con mèo con đang đuổi theo cuộn len hoặc những chú chó con giỡn với nhau. Lần tới, nếu thấy con anh chị cười thích thú khi xem một con vật làm trò vui, hãy nhắc con nhớ rằng đấng mà chúng ta phụng sự là Đức Chúa Trời hạnh phúc.—1 Ti 1:11.
CẢ NHÀ HÃY CÙNG THƯỞNG THỨC SỰ SÁNG TẠO CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
15. Điều gì có thể giúp cha mẹ “múc lấy” suy nghĩ của con? (Châm ngôn 20:5) (Cũng xem hình).
15 Đôi khi cha mẹ thấy khó để khiến con nói ra vấn đề chúng đang gặp. Nếu ở trong hoàn cảnh đó, có lẽ anh chị cần “múc lấy” hay giúp con nói ra suy nghĩ. (Đọc Châm ngôn 20:5). Một số bậc cha mẹ thấy dễ hơn để làm thế khi cùng con ra ngoài thiên nhiên. Tại sao? Một lý do là vì ngoài thiên nhiên có ít điều gây phân tâm hơn cho cha mẹ và con cái. Một người cha ở Đài Loan tên Masahiko cho biết lý do khác: “Khi dành thời gian ngoài trời với các con, chẳng hạn như đi bộ lên núi hoặc dọc theo bờ biển, thì các con thường cảm thấy thoải mái hơn. Chúng tôi thấy những lúc đó thì dễ hơn để giúp các con nói ra suy nghĩ và biết chúng đang gặp vấn đề gì”. Chị Katya, được đề cập ở trên, nói: “Sau khi tôi đi học về, mẹ thường dẫn tôi đến một công viên đẹp. Trong khung cảnh thoải mái ấy thì tôi thấy dễ hơn để nói với mẹ chuyện xảy ra ở trường hoặc điều khiến mình lo lắng”.
16. Làm thế nào các gia đình có thể thư giãn và vui vẻ trong khi thưởng thức sự sáng tạo?
16 Sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va cũng có thể giúp các gia đình thư giãn và vui vẻ, nhờ thế thắt chặt mối quan hệ với nhau. Kinh Thánh nói rằng “có kỳ vui cười” và “có kỳ nhảy cẫng” (Truyền 3:1, 4, chú thích). Qua công trình sáng tạo của ngài, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta những khung cảnh tuyệt vời để có các hoạt động vui chơi lành mạnh. Nhiều gia đình thích cùng nhau đến khu bảo tồn thiên nhiên, vùng quê, miền núi hoặc bờ biển. Một số trẻ em thích chạy nhảy và vui chơi trong công viên, quan sát loài vật hoặc bơi ở sông, hồ hay biển. Quả là những cơ hội tuyệt vời để thưởng thức thiên nhiên và những gì Đức Giê-hô-va tạo ra!
17. Tại sao cha mẹ nên giúp con vui hưởng sự sáng tạo của Đức Chúa Trời?
17 Trong thế giới mới, cha mẹ và con cái sẽ vui hưởng trọn vẹn sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va. Khác với ngày nay, chúng ta sẽ không có lý do để sợ loài vật, và chúng sẽ không sợ chúng ta (Ê-sai 11:6-9). Chúng ta sẽ có thời gian vô tận để thưởng thức những gì Đức Giê-hô-va tạo ra (Thi 22:26). Nhưng hỡi các bậc cha mẹ, đừng đợi đến lúc đó mới giúp con vui hưởng sự sáng tạo. Khi anh chị dùng sự sáng tạo để dạy con về Đức Giê-hô-va, rất có thể chúng sẽ đồng ý với điều vua Đa-vít nói: “Đức Giê-hô-va ôi,… chẳng có việc nào như công việc ngài”.—Thi 86:8.
BÀI HÁT 134 Con cái là sản nghiệp từ Đức Chúa Trời
a Nhiều anh chị có kỷ niệm đẹp khi được thưởng thức công trình sáng tạo cùng với cha mẹ đạo Đấng Ki-tô. Họ không quên cha mẹ đã dùng những dịp ấy như thế nào để dạy họ về các đức tính của Đức Giê-hô-va. Nếu có con, làm thế nào anh chị có thể dùng công trình sáng tạo để dạy chúng về những đức tính của ngài? Bài này sẽ trả lời câu hỏi đó.