Trung thành với Đấng Christ và đầy tớ trung tín của ngài
“Chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình”.—MA-THI-Ơ 24:45-47.
1, 2. (a) Theo Kinh Thánh, Đấng Lãnh Đạo của chúng ta là ai? (b) Điều gì cho thấy Đấng Christ tích cực lãnh đạo hội thánh?
“ANH EM cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô”. (Ma-thi-ơ 23:10, Tòa Tổng Giám Mục) Qua những lời này, Chúa Giê-su cho các môn đồ thấy rõ không người nào trên đất sẽ là vị lãnh đạo của họ. Đấng Lãnh Đạo duy nhất của họ sống trên trời—chính Chúa Giê-su. Vai trò này của ngài là do Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Đức Giê-hô-va “khiến Đấng Christ từ kẻ chết sống lại và. . . ban cho Đấng Christ làm đầu Hội-thánh, Hội-thánh là thân-thể của Đấng Christ”.—Ê-phê-sô 1:20-23.
2 Vì Đấng Christ là “đầu Hội-thánh”, ngài có quyền đối với mọi việc diễn ra trong hội thánh. Không điều gì xảy ra trong hội thánh mà ngài không biết. Ngài quan sát tình trạng thiêng liêng của mỗi nhóm tín đồ, tức hội thánh. Điều này được thấy rõ qua sự mặc khải mà sứ đồ Giăng ghi lại trong sách Khải-huyền vào cuối thế kỷ thứ nhất CN. Nói với bảy hội thánh, Chúa Giê-su năm lần phán rằng ngài biết công việc của họ, những mặt mạnh cũng như mặt yếu. Sau đó ngài cho lời khuyên và lời khích lệ phù hợp. (Khải-huyền 2:2, 9, 13, 19; 3:1, 8, 15) Chúng ta có thể tin rằng Đấng Christ cũng biết rõ tình trạng thiêng liêng của các hội thánh ở Tiểu Á, Pha-lê-tin, Sy-ri, Ba-by-lôn, Gờ-réc, Y-ta-li và những nơi khác. (Công-vụ 1:8) Còn ngày nay thì sao?
Đầy tớ trung tín
3. Đấng Christ được ví là đầu và hội thánh ngài là thân thể, tại sao điều này thích hợp?
3 Sau khi được sống lại và ít lâu trước khi trở về với Cha ngài ở trên trời, Chúa Giê-su phán với các môn đồ: “Hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất đã giao cho ta”. Ngài cũng nói: “Nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận-thế”. (Ma-thi-ơ 28:18-20) Ngài sẽ tiếp tục ở cùng họ với tư cách là Đấng làm đầu. Trong các thư gửi cho tín đồ ở Ê-phê-sô và Cô-lô-se, sứ đồ Phao-lô ví hội thánh đạo Đấng Christ như một “thân-thể” mà Chúa Giê-su là Đầu. (Ê-phê-sô 1:22, 23; Cô-lô-se 1:18) Cuốn The Cambridge Bible for Schools and Colleges nói lối ẩn dụ này “không chỉ gợi ý rằng việc kết hợp với Đầu là trọng yếu, mà còn cho thấy Đầu điều khiển các thành viên. Họ là công cụ của Ngài”. Vậy, Đấng Christ dùng nhóm người nào làm công cụ kể từ khi ngài nhận vương quyền Nước Trời vào năm 1914?—Đa-ni-ên 7:13, 14.
4. Phù hợp với lời tiên tri của Ma-la-chi, khi đến thanh tra đền thờ thiêng liêng, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thấy gì?
4 Lời tiên tri của Ma-la-chi báo trước rằng “Chúa” Giê-hô-va cùng với “thiên-sứ của sự giao-ước”—Con Ngài vừa mới lên ngôi là Chúa Giê-su—sẽ đến để phán xét và thanh tra “đền-thờ”, hay nhà thờ phượng theo nghĩa tượng trưng. Sự kiện cho thấy “thời-kỳ” để ‘phán-xét nhà Đức Chúa Trời’ đã bắt đầu năm 1918.a (Ma-la-chi 3:1; 1 Phi-e-rơ 4:17) Những người xưng là đại diện cho Đức Chúa Trời và sự thờ phượng thật trên đất đã được kiểm tra. Qua nhiều thế kỷ, khối đạo xưng theo Đấng Christ đã dạy những giáo lý làm ô danh Đức Chúa Trời và tham gia vào việc tàn sát trong Thế Chiến I. Vì thế họ đã bị từ bỏ. Những tín đồ trung thành được xức dầu còn sót lại đã được thử thách, tinh luyện qua lửa và được chấp nhận; họ “dâng của-lễ cho Đức Giê-hô-va trong sự công-bình”.—Ma-la-chi 3:3.
5. Phù hợp với lời tiên tri của Chúa Giê-su về sự “đến” của ngài, ai đã chứng tỏ là lớp “đầy-tớ” trung tín?
5 Phù hợp với lời tiên tri của Ma-la-chi, khi Chúa Giê-su cho các môn đồ một điềm tổng hợp để giúp họ nhận biết thời kỳ “Chúa đến và tận-thế”, điềm này cũng bao gồm việc nhận diện lớp “đầy-tớ”. Chúa Giê-su phán: “Ai là đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan, mà người chủ đặt cai-trị đầy-tớ mình, đặng cho đồ-ăn đúng giờ? Phước cho đầy-tớ đó, khi chủ đến thấy làm như vậy! Quả thật, ta nói cùng các ngươi, chủ sẽ đặt kẻ ấy coi-sóc cả gia-tài mình”. (Ma-thi-ơ 24:3, 45-47) Vào năm 1918, Đấng Christ “đến” để thanh tra lớp “đầy-tớ”. Lúc ấy ngài thấy những môn đồ trung thành được xức dầu còn sót lại, kể từ năm 1879, đã dùng tạp chí này và các ấn phẩm khác dựa trên Kinh Thánh để cung cấp “đồ-ăn [thiêng liêng] đúng giờ”. Ngài chấp nhận họ là công cụ, hay “đầy-tớ” của ngài. Vào năm 1919, ngài giao cho họ nhiệm vụ quản lý gia tài ngài ở trên đất.
Quản lý tài sản trên đất của Đấng Christ
6, 7. (a) Chúa Giê-su đã dùng một từ nào khác để nói về “đầy-tớ” trung tín? (b) Từ “người quản gia” mà Chúa Giê-su dùng hàm ý gì?
6 Vài tháng trước khi Chúa Giê-su tiên tri về điềm chỉ sự hiện diện của ngài—kể cả lớp “đầy-tớ” đại diện cho ngài trên đất—ngài dùng một từ hơi khác để nói về “đầy-tớ” này, cho biết trách nhiệm của họ. Chúa Giê-su phán: “Ai là người quản gia trung tín, khôn sáng được chủ đặt lên coi sóc gia nhân để phân phát cho họ phần ăn đúng giờ? Thật, ta bảo các con, chủ sẽ lập đầy tớ ấy quản lý cả tài sản mình”.—Lu-ca 12:42, 44, Bản Dịch Mới.
7 Nơi đây, lớp đầy tớ được gọi là quản gia, một từ được dịch từ tiếng Hy Lạp chỉ về “người coi sóc công việc nhà hay điền trang”. Lớp quản gia không chủ yếu là nhóm người trí thức, chuyên giải thích những điểm đáng chú ý của Kinh Thánh. Ngoài việc cung cấp thức ăn thiêng liêng “đúng giờ”, “người quản gia trung tín” được đặt lên để coi sóc toàn thể “gia nhân” của Đấng Christ và được giao nhiệm vụ chăm sóc “cả tài sản” trên đất của ngài. Tài sản đó là gì?
8, 9. Lớp đầy tớ được giao quản lý “tài sản” nào?
8 Lớp đầy tớ có trách nhiệm giám sát những trụ sở mà môn đồ Chúa Giê-su dùng để thực hiện các hoạt động của đạo Đấng Christ, như trụ sở trung ương quốc tế, các chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va, cũng như các nơi thờ phượng—Phòng Nước Trời và Phòng Hội Nghị—trên khắp thế giới. Quan trọng hơn, lớp đầy tớ cũng chăm lo việc xây dựng đức tin qua chương trình học Kinh Thánh tại các buổi nhóm họp hàng tuần, tại những hội nghị và đại hội định kỳ. Trong những buổi nhóm này, cử tọa được nghe trình bày về sự ứng nghiệm các lời tiên tri cũng như những hướng dẫn đúng lúc về cách áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh trong đời sống thường ngày.
9 Người quản gia cũng có trách nhiệm giám sát công việc hết sức quan trọng là rao giảng ‘tin mừng về nước Đức Chúa Trời’ và đào tạo môn đồ. Điều này bao gồm việc dạy người ta phải giữ mọi điều mà Đấng Christ, Đầu của hội thánh, đã truyền cho họ phải làm trong thời kỳ cuối cùng. (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20; Khải-huyền 12:17) Một đám đông “vô-số người”, bạn đồng hành trung thành của những người xức dầu còn sót lại, là kết quả của công việc dạy dỗ và rao giảng. “Những sự ao-ước [này] của các nước” được kể như một phần “tài sản” quý giá của Đấng Christ mà lớp đầy tớ trung tín quản trị.—Khải-huyền 7:9; A-ghê 2:7.
Hội Đồng Lãnh Đạo đại diện cho lớp đầy tớ
10. Trong thế kỷ thứ nhất, nhóm người nào có trách nhiệm quyết định về các vấn đề, và điều đó mang lại kết quả nào cho hội thánh?
10 Lớp đầy tớ trung tín hẳn có trọng trách quyết định về nhiều vấn đề. Thời ban đầu, các sứ đồ và trưởng lão ở Giê-ru-sa-lem đại diện cho lớp đầy tớ, quyết định cho toàn thể hội thánh tín đồ Đấng Christ. (Công-vụ 15:1, 2) Vào thế kỷ thứ nhất, những quyết định của hội đồng lãnh đạo được truyền đến các hội thánh qua những lá thư và người đại diện lưu động. Các tín đồ thời ấy vui mừng khi nhận được sự hướng dẫn rõ ràng, và việc họ sẵn lòng hợp tác với hội đồng lãnh đạo đã góp phần mang lại sự bình an, hợp nhất trong hội thánh.—Công-vụ 15:22-31; 16:4, 5; Phi-líp 2:2.
11. Ngày nay, Đấng Christ dùng ai để hướng dẫn hội thánh của ngài, và chúng ta nên có thái độ nào đối với nhóm người được xức dầu này?
11 Như thời ban đầu của đạo Đấng Christ, ngày nay, một nhóm nhỏ giám thị được xức dầu bằng thánh linh hợp thành Hội Đồng Lãnh Đạo của tín đồ Đấng Christ trên đất. Bằng “tay hữu”, tức quyền năng mà ngài thể hiện, Đấng Christ—Đầu của hội thánh—hướng dẫn những người trung thành này giám sát công việc Nước Trời. (Khải-huyền 1:16, 20) Trong tự truyện, anh Albert Schroeder, một thành viên lâu năm của Hội Đồng Lãnh Đạo đã kết thúc đời sống trên đất trong năm vừa qua, viết: “Hội Đồng Lãnh Đạo họp mỗi Thứ Tư. Các anh mở đầu buổi họp bằng lời cầu nguyện xin thánh linh Đức Giê-hô-va hướng dẫn. Các anh cố gắng lo sao cho mọi quyết định và mọi vấn đề được giải quyết phù hợp với Kinh Thánh, Lời Đức Chúa Trời”.b Chúng ta có thể tin cậy những tín đồ trung thành được xức dầu ấy. Đặc biệt đối với họ, chúng ta để ý đến lời khuyên của sứ đồ Phao-lô: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em”.—Hê-bơ-rơ 13:17.
Kính trọng lớp đầy tớ trung tín
12, 13. Theo Kinh Thánh, chúng ta có những lý do nào để biểu lộ lòng kính trọng đối với lớp đầy tớ trung tín?
12 Lý do chính để chúng ta biểu lộ lòng kính trọng thích đáng đối với lớp đầy tớ trung tín là vì, khi làm thế chúng ta biểu lộ lòng kính trọng đối với Chủ của họ, Chúa Giê-su Christ. Phao-lô viết về những người xức dầu: “Ai đương tự-do mà được gọi, thì làm tôi-mọi của Đấng Christ. Anh em đã được chuộc bằng giá cao”. (1 Cô-rinh-tô 7:22, 23; Ê-phê-sô 6:6) Vì vậy, khi trung thành phục tùng sự hướng dẫn của lớp đầy tớ trung tín và Hội Đồng Lãnh Đạo đại diện họ, tức là chúng ta phục tùng Đấng Christ, Chủ của đầy tớ trung tín. Biểu lộ lòng kính trọng đối với công cụ mà Đấng Christ dùng để quản lý tài sản trên đất của ngài, là một trong nhiều cách chúng ta “xưng Jêsus-Christ là Chúa, mà tôn-vinh Đức Chúa Trời, là Đức Chúa Cha”.—Phi-líp 2:11.
13 Theo Kinh Thánh, còn một lý do khác cho biết tại sao chúng ta phải biểu lộ lòng kính trọng đối với lớp đầy tớ trung tín. Đó là vì những tín đồ được xức dầu sống trên đất được gọi là “đền-thờ”, theo nghĩa bóng, mà Đức Giê-hô-va ngự “trong Thánh-Linh”. Thế nên họ là “thánh”. (1 Cô-rinh-tô 3:16, 17; Ê-phê-sô 2:19-22) Nhóm người hợp thành đền thờ thánh được Chúa Giê-su giao việc quản lý tài sản trên đất của ngài. Điều này có nghĩa là một số quyền hành và trách nhiệm trong hội thánh chỉ dành riêng cho lớp đầy tớ này. Vì thế, mọi người trong hội thánh xem việc vâng theo và ủng hộ sự hướng dẫn của lớp đầy tớ trung tín và Hội Đồng Lãnh Đạo là nhiệm vụ thiêng liêng. Thật vậy, khi hỗ trợ lớp đầy tớ chăm sóc tài sản của Chủ, các “chiên khác” xem đó là một đặc ân.—Giăng 10:16.
Trung thành ủng hộ
14. Như Ê-sai đã tiên tri, các chiên khác bước theo lớp đầy tớ được xức dầu và phục vụ như “lao công” theo nghĩa nào?
14 Việc các chiên khác khiêm nhường phục tùng những thành viên được xức dầu của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng đã được báo trước trong lời tiên tri của Ê-sai: “Đức Giê-hô-va phán như vầy: Lời-lãi [“lao công”, Nguyễn Thế Thuấn] nước Ê-díp-tô, của-cải nước Ê-thi-ô-bi, cùng người Sa-bê, người vóc-dạng cao-lớn, đều sẽ qua cùng ngươi và thuộc về ngươi. Họ sẽ bước theo ngươi; mang xiềng mà đến, quị-lụy trước mặt ngươi và nài-xin rằng: Thật Đức Chúa Trời ở giữa ngươi; ngoài Ngài chẳng có ai khác, không có Đức Chúa Trời nào nữa”. (Ê-sai 45:14) Theo nghĩa bóng, ngày nay các chiên khác bước theo sự hướng dẫn của lớp đầy tớ được xức dầu và Hội Đồng Lãnh Đạo đại diện họ. Như “lao công”, các chiên khác sẵn lòng dùng sức lực và tài chính để ủng hộ công việc rao giảng trên toàn cầu mà Đấng Christ đã giao cho các môn đồ được xức dầu sống trên đất.—Công-vụ 1:8; Khải-huyền 12:17.
15. Lời tiên tri nơi Ê-sai 61:5, 6 cho biết gì về mối quan hệ giữa các chiên khác và dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng?
15 Các chiên khác vui mừng và biết ơn được phụng sự Đức Giê-hô-va dưới sự giám sát của lớp đầy tớ và Hội Đồng Lãnh Đạo. Họ nhận biết những người được xức dầu là “dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”. (Ga-la-ti 6:16) Là “khách lạ” và “người ngoại-quốc” kết hợp với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, họ vui mừng phục vụ như “kẻ cày ruộng và trồng nho” dưới sự hướng dẫn của lớp người được xức dầu, tức “thầy tế-lễ của Đức Giê-hô-va” và “chức-dịch của Đức Chúa Trời”. (Ê-sai 61:5, 6) Các chiên khác sốt sắng rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ trong muôn dân. Họ hết lòng hỗ trợ lớp đầy tớ trong việc chăn bầy và chăm sóc những chiên mới.
16. Điều gì thúc đẩy các chiên khác trung thành ủng hộ lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan?
16 Các chiên khác nhận biết rằng họ được nhiều lợi ích qua nỗ lực của lớp đầy tớ trung tín để cung cấp đồ ăn thiêng liêng đúng giờ. Họ khiêm nhường thừa nhận rằng nếu không nhờ lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan họ sẽ biết rất ít, hoặc thậm chí không biết gì, về những lẽ thật quý giá của Kinh Thánh như: quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va, việc làm thánh danh Ngài, Nước Trời, trời mới đất mới, linh hồn, tình trạng của người chết, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thật sự là ai, và thánh linh là gì. Với lòng biết ơn và trung thành, các chiên khác hết lòng ủng hộ “anh em” được xức dầu của Đấng Christ sống trên đất trong thời kỳ cuối cùng này.—Ma-thi-ơ 25:40.
17. Hội Đồng Lãnh Đạo thấy cần phải làm gì, và chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài kế tiếp?
17 Vì số người xức dầu sống trên đất ngày càng giảm, họ không thể hiện diện trong tất cả các hội thánh để đảm bảo rằng công việc quản lý tài sản của Đấng Christ được thực hiện một cách đúng đắn. Do đó, Hội Đồng Lãnh Đạo bổ nhiệm những người nam thuộc chiên khác để quản lý các chi nhánh, địa hạt, vòng quanh và các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Thái độ của chúng ta đối với những người chăn phụ này liên hệ thế nào đến sự trung thành của chúng ta đối với Đấng Christ và lớp đầy tớ trung tín của ngài? Điều này sẽ được xem xét trong bài kế tiếp.
[Chú thích]
a Muốn biết thêm chi tiết, xin xem Tháp Canh ngày 1-3-2004, trang 13-18, và ngày 1-9-1993, trang 13.
b Được đăng trong Tháp Canh (Anh ngữ) ngày 1-3-1988, trang 10-17.
Để ôn lại
• Ai là Đấng Lãnh Đạo của chúng ta, và điều gì cho thấy ngài biết rõ tình trạng trong các hội thánh?
• Khi “đền-thờ” được thanh tra, ai chứng tỏ là lớp đầy tớ trung tín và họ được giao quản lý tài sản nào?
• Theo Kinh Thánh, chúng ta có những lý do nào để trung thành ủng hộ lớp đầy tớ trung tín?
[Các hình nơi trang 23]
“Gia-tài” hay “tài sản” mà “người quản-gia” trông nom bao gồm các cơ sở vật chất, các chương trình xây dựng đức tin và hoạt động rao giảng
[Hình nơi trang 25]
Các chiên khác ủng hộ lớp đầy tớ trung tín bằng cách sốt sắng rao giảng