Tình yêu thương thật sanh nhiều ân phước
“Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài” (Hê-bơ-rơ 6:10).
1, 2. Tại sao tình yêu thương thật lại sanh nhiều ân phước cho cá nhân chúng ta?
Tình yêu thương không ích kỷ là đức tính trọng nhất, cao thượng nhất, quí giá nhất mà chúng ta có thể bày tỏ. Tình yêu thương nầy (tiếng Hy-lạp, a.ga’pe) thường đòi hỏi chúng ta phải cố gắng nhiều. Nhưng vì chúng ta là do một Đức Chúa Trời công bình và yêu thương sáng tạo, chúng ta thấy rằng tình yêu thương không ích kỷ sanh ra nhiều ân phước. Tại sao lại như vậy?
2 Một lý do là tình yêu thương thật sanh nhiều ân phước có liên hệ đến nguyên tắc tương quan giữa tinh thần và cơ thể, ảnh hưởng của tư tưởng và cảm xúc trên cơ thể của chúng ta. Một chuyên gia về bện lo buồn đã nói: “Câu ‘yêu kẻ lân cận’ là lời khôn ngoan nhất đã từng được ban cho để mà trị bịnh”. Đúng vậy, “người nhơn-từ làm lành cho linh-hồn mình” (Châm-ngôn 11:17). Những lời có ý nghĩa tương tợ là: “Lòng rộng-rãi sẽ được no-nê, còn ai nhuần-gội, chính người sẽ được nhuần-gội” (Châm-ngôn 11:25; so sánh Lu-ca 6:38).
3. Đức Chúa Trời hành động thế nào để cho thấy tình yêu thương thật sanh ra ân phước?
3 Tình yêu thương cũng sanh ra ân phước vì Đức Chúa Trời ban thưởng tính không ích kỷ. Chúng ta đọc: “Ai thương-xót kẻ nghèo, tức cho Đức Giê-hô-va vay-mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn-lành ấy cho người” (Châm-ngôn 19:17). Nhân-chứng Giê-hô-va hành động hòa hợp với những lời nầy khi họ thông báo tin mừng về Nước Trời. Họ biết rằng ‘Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của họ đã tỏ ra vì danh Ngài’ (Hê-bơ-rơ 6:10).
Gương mẫu tốt nhất của chúng ta
4. Ai cung cấp gương mẫu tốt nhất rằng tình yêu thương thật sanh ra ân phước, và Ngài đã làm điều đó thế nào?
4 Ai cung cấp cho chúng ta gương mẫu tốt nhất rằng tình yêu thương thật sanh ra ân phước? Không ai khác hơn là chính Đức Chúa Trời! Ngài “đã yêu-thương thế-gian [loài người] đến nỗi đã ban Con một của Ngài” (Giăng 3:16). Việc ban cho Con Ngài để những ai chấp nhận giá chuộc hy sinh có thể có được sự sống đời đời chắc chắn đã là một giá rất đắt đối với Đức Giê-hô-va, và điều đó chứng tỏ là Ngài có cả tình yêu thương và sự thông cảm. Sự kiện “hễ khi dân Ngài bị khốn-khổ chính Ngài cũng khốn-khổ” cho thấy thêm về tình yêu thương của Ngài (Ê-sai 63:9). Còn cái khổ nào hơn cho Đức Giê-hô-va khi thấy Con Ngài chịu đau đớn trên cây khổ hình và nghe tiếng kêu thảm thiết: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa-bỏ tôi?” (Ma-thi-ơ 27:46).
5. Điều gì đã xảy ra bởi vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại nhiều đến nỗi Ngài ban Con Ngài để làm của-lễ hy sinh?
5 Đức Giê-hô-va có thấy việc bày tỏ tình yêu thương thật của chính Ngài sanh nhiều ân phước không? Chắc chắn Ngài đã thấy. Quả thật câu trả lời nổi bật nhất mà Đức Chúa Trời có thể ném vào mặt của Ma-quỉ là sự kiện Giê-su đã chứng tỏ trung thành bất chấp những gì Sa-tan đã có thể gây ra cho ngài! (Châm-ngôn 27:11). Thật vậy, tất cả những gì Nước Trời sẽ thực hiện như việc tẩy sạch vết nhơ khỏi danh Đức Giê-hô-va, tái lập địa-đàng trên đất và ban sự sống đời đời cho hằng triệu người, sẽ xảy ra bởi vì Đức Chúa Trời yêu thương nhân loại rất nhiều đến nỗi ban người yêu quí thân thiết nhất của lòng Ngài để làm của-lễ hy sinh.
Gương mẫu tốt của Giê-su
6. Tình yêu thương đã thúc đẩy Giê-su làm điều gì?
6 Một gương mẫu tốt khác chứng tỏ tình yêu thương thật sanh ra ân phước là gương của Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời. Giê-su yêu thương Cha trên trời và tình yêu thương đó khiến ngài làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va bằng mọi giá (Giăng 14:31; Phi-líp 2:5-8). Giê-su tiếp tục bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời dù cho đôi khi điều đó có nghĩa là ngài phải nài xin Cha ngài và “kêu lớn tiếng khóc-lóc” (Hê-bơ-rơ 5:7).
7. Bằng cách nào Giê-su đã thấy tình yêu thương thật sanh ra nhiều ân phước?
7 Giê-su có được ân phước vì bày tỏ tình yêu thương tự hy sinh đó không? Chắc chắn là có! Hãy nghĩ đến sự vui mừng của ngài xuất phát từ tất cả những điều tốt ngài đã làm trong ba năm rưỡi làm thánh chức rao giảng. Ngài đã giúp biết bao người về thiêng liêng lẫn thể xác! Trên hết mọi sự, bằng cách chứng tỏ rằng một người hoàn toàn có thể giữ vẹn lòng trung kiên đối với Đức Chúa Trời bất chấp những gì Sa-tan có thể đem lại, Giê-su đã có sự thỏa mãn là chứng tỏ Ma-quỉ là kẻ nói dối. Hơn nữa, với tư cách là tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời, Giê-su đã nhận được phần thưởng lớn là sự bất tử khi ngài được sống lại để lên trời (Rô-ma 6:9; Phi-líp 2:9-11; I Ti-mô-thê 6:15, 16; Hê-bơ-rơ 1:3, 4). Và còn bao đặc ân tuyệt diệu trước mặt ngài tại Ha-ma-ghê-đôn và trong Một Ngàn Năm cai trị của ngài, khi địa-đàng được tái lập trên đất và hàng tỉ người sẽ được sống lại! (Lu-ca 23:43). Chắc chắn Giê-su đã thấy tình yêu thương thật sanh ra nhiều ân phước.
Gương của Phao-lô
8. Phao-lô trải qua những kinh nghiệm nào vì bày tỏ lòng yêu thương thật đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại?
8 Có lần sứ đồ Phi-e-rơ hỏi Giê-su: “Nầy, chúng tôi đã bỏ mọi sự mà theo thầy; vậy thì chúng tôi sẽ được chi?” Giê-su đã trả lời phần nào: “Hễ ai vì danh ta mà bỏ anh em, chị em, cha mẹ, con-cái, đất-ruộng, nhà-cửa, thì người ấy sẽ lãnh bội phần hơn, và được hưởng sự sống đời đời” (Ma-thi-ơ 19:27-29). Chúng ta có một gương nổi bật về điểm nầy nơi sứ đồ Phao-lô. Ông hưởng được nhiều ân phước như chính Lu-ca đã ghi lại trong sách Công-vụ các Sứ-đồ. Tình yêu thương chân thật đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại khiến cho Phao-lô vứt bỏ sự nghiệp làm người Pha-ri-si cao trọng. Cũng hãy nghĩ đến những gì Phao-lô đã chịu như những trận đòn, khi gần bị chết, những hiểm nguy, và cơn thiếu thốn, tất cả chỉ vì tình yêu thương chân thật đối với Đức Chúa Trời và thánh chức phụng sự Ngài (II Cô-rinh-tô 11:23-27).
9. Phao-lô đã được thưởng thế nào vì ông đã bày tỏ tình yêu thương thật?
9 Đức Giê-hô-va có ban ân phước cho Phao-lô vì ông làm gương tốt trong việc bày tỏ tình yêu thương thật không? Có chứ, hãy nghĩ đến sự thành công của Phao-lô trong thánh chức. Ông đã có thể lập hết hội-thánh nầy đến hội-thánh khác. Đức Chúa Trời đã cho ông làm biết bao là phép lạ! (Công-vụ các Sứ-đồ 19:11, 12). Phao-lô cũng có đặc ân nhận được nhiều sự hiện thấy siêu hình và viết ra 14 lá thư nay là một phần trong Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp. Trên hết các điều đó, ông có ân phước được ban cho sự bất tử ở trên trời (I Cô-rinh-tô 15:53, 54; II Cô-rinh-tô 12:1-7; II Ti-mô-thê 4:7, 8). Phao-lô chắc chắn đã thấy Đức Chúa Trời ban thưởng cho tình yêu thương thật.
Tình yêu thương thật sanh nhiều ân phước trong thời nay
10. Trở thành môn đồ của Giê-su và bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va có thể đòi hỏi điều gì?
10 Ngày nay các Nhân-chứng Giê-hô-va cũng nhận thấy tình yêu thương thật sanh ra nhiều ân phước. Bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Giê-hô-va bằng cách đứng về phía Ngài và trở thành môn đồ của Giê-su có thể làm chúng ta mất mạng sống vì muốn giữ lòng trung kiên (So sánh Khải-huyền 2:10). Vì thế mà Giê-su bảo chúng ta phải tính phí tổn. Nhưng chúng ta không phải tính để mà quyết định coi việc làm môn đồ có lợi hay là không. Thật ra, chúng ta tính là để chuẩn bị cho chính mình để trả bất cứ giá nào mà việc làm môn đồ có thể đòi hỏi (Lu-ca 14:28).
11. Tại sao một số người không chịu dâng mình cho Đức Chúa Trời?
11 Ngày nay nhiều người—chắc chắn hằng triệu người—tin nơi thông điệp từ Lời Đức Chúa Trời mà Nhân-chứng Giê-hô-va đem đến cho họ. Nhưng họ lùi bước không dâng mình cho Đức Chúa Trời và làm báp têm. Có thể là vì họ thiếu tình yêu thương thật đối với Đức Chúa Trời mà những người khác có không? Nhiều người không chịu dâng mình và làm báp têm vì họ muốn làm vui lòng người hôn phối không tin đạo. Những người khác không muốn đến gần Đức Chúa Trời vì họ có thái độ như một thương gia nọ đã nói với một Nhân-chứng: “Tôi thích tội lỗi”. Hiển nhiên, những người như vậy không biết ơn tất cả những gì Đức Chúa Trời và đấng Christ đã làm cho họ.
12. Tạp chí nầy đã nói gì để làm nổi bật những ân phước của sự hiểu biết kéo chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn trong tình yêu thương thật?
12 Nếu chúng ta có lòng chân thành biết ơn đối với những gì mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ đã làm cho chúng ta, chúng ta sẽ bày tỏ lòng biết ơn bằng cách sẵn lòng trả bất cứ giá nào để phụng sự Cha trên trời và trở thành môn đồ của Giê-su. Vì tình yêu thương thật đối với Đức Chúa Trời, nhiều người, cả nam lẫn nữ thuộc mọi thành phần trong xã hội—thương gia giàu có, thể tháo gia nổi danh, v.v...—đã bỏ nghề cũ của mình để tình nguyện làm thánh chức của tín đồ đấng Christ, như sứ đồ Phao-lô đã làm. Họ không muốn phần thưởng nào khác để đổi lấy ân phước được biết Đức Chúa Trời và phụng sự Ngài. Về điều nầy, tạp chí Tháp Canh trước kia có lần đã nói: “Chúng tôi đôi khi đã hỏi: Có bao nhiêu anh em sẵn sàng nhận một ngàn đô-la để đổi đi những gì họ biết về lẽ thật? Không có ai giơ tay cả! Ai sẽ nhận mười ngàn đô-la? Không một ai! Ai sẽ nhận một triệu đô-la? Ai sẽ nhận lấy cả thế gian để đổi đi những gì mình biết về cá tính và kế hoạch của Đức Chúa Trời? Không người nào cả! Sau đó chúng tôi nói: Các bạn thân mến, các bạn không phải là những người bất mãn. Nếu các bạn cảm thấy giàu có đến nỗi không chịu lấy gì để đánh đổi sự hiểu biết về Đức Chúa Trời thì các bạn cũng cảm thấy giàu có như chúng tôi vậy” (Số ra ngày 15-12-1914, trang 377). Đúng thế, sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và ý định của Ngài kéo chúng ta đến gần Ngài hơn trong tình yêu thương thật và điều nầy quả sanh nhiều ân phước.
13. Chúng ta coi việc học hỏi cá nhân như thế nào?
13 Nếu chúng ta yêu thương Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ cố gắng học biết và làm ý định của Ngài (I Giăng 5:3). Chúng ta sẽ có thái độ nghiêm chỉnh trong việc học hỏi cá nhân, cầu nguyện và tham dự các buổi nhóm họp. Tất cả những điều nầy đòi hỏi phải tự hy sinh vì các hoạt động nầy liên hệ đến thì giờ, năng lực và các nguồn lợi khác. Chúng ta có thể phải chọn giữa việc xem chương trình truyền hình hay sự học hỏi Kinh-thánh cá nhân. Nhưng chúng ta sẽ được mạnh hơn về thiêng liêng biết bao, có thể làm chứng hữu hiệu hơn biết bao, và đạt sự hiểu biết nhiều hơn biết bao trong buổi họp, nếu chúng ta coi việc học hỏi là quan trọng và dành đầy đủ thì giờ cho việc học hỏi! (Thi-thiên 1:1-3).
14. Cầu nguyện và sự liên lạc tốt với Giê-hô-va Đức Chúa Trời là quan trọng như thế nào?
14 Chúng ta có “bền lòng mà cầu-nguyện” một cách đều đặn cùng với Cha trên trời của chúng ta không? (Rô-ma 12:12). Hay là chúng ta thường quá bận rộn mà không quí trọng đặc ân nầy? “cầu-nguyện không thôi” là một cách thiết thực để làm vững mạnh sự liên lạc của chúng ta với Giê-hô-va Đức Chúa Trời (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Không có gì sánh bằng một sự liên lạc tốt với Đức Giê-hô-va để giúp chúng ta khi đương đầu với sự cám dỗ. Điều gì đã giúp Giô-sép cưỡng lại khi bị vợ của Phô-ti-pha cám dỗ? Và tại sao Đa-ni-ên không chịu ngừng cầu nguyện khi luật của người Mê-đi và Phe-rơ-sơ ngăn cấm ông, cầu xin với Đức Giê-hô-va? (Sáng-thế Ký 39:7-16; Đa-ni-ên 6:4-11). Ấy chính là sự liên lạc với Đức Chúa Trời đã giúp cho những người nầy thắng cuộc, cũng như sẽ giúp cho chúng ta thắng cuộc!
15. Chúng ta nên xem các buổi nhóm họp của tín đồ đấng Christ thế nào và tại sao nên xem như thế?
15 Kế đến, chúng ta xem việc tham dự năm buổi họp hằng tuần như thế nào? Chúng ta có để cho sự mệt mỏi, sự khó chịu một chút trong thân thể, hay thời tiết xấu ngăn cản bổn phận nhóm nhau lại với các anh em đồng đức tin của chúng ta không? (Hê-bơ-rơ 10:24, 25). Một thợ máy người Hoa-kỳ có việc lương cao nhưng thấy rằng việc làm của anh nhiều lần cản trở anh dự buổi nhóm họp. Vì vậy, anh đổi việc làm, chịu số lương thấp hơn để có thể tham dự tất cả những buổi nhóm họp một cách đều đặn. Các buổi họp giúp chúng ta trao đổi lời khích lệ và người nầy làm vững mạnh đức tin của người khác (Rô-ma 1:11, 12). Trong tất cả những điều trên, chúng ta chẳng thấy nguyên tắc “hễ ai gieo nhiều thì gặt nhiều” sao? (II Cô-rinh-tô 9:6). Đúng vậy, bày tỏ lòng yêu thương thật trong các cách như thế sanh nhiều ân phước.
Tình yêu thương thật và thánh chức rao giảng
16. Khi tình yêu thương thúc đẩy chúng ta làm chứng “không theo thể thức thường lệ” thì có thể có kết quả nào?
16 Tình yêu thương thúc đẩy chúng ta rao giảng tin mừng với tư cách là dân tộc của Đức Giê-hô-va. Chẳng hạn, tình yêu thương nầy thúc đẩy chúng ta tham gia vào việc làm chứng “không theo thể thức thường lệ” (informal witnessing). Chúng ta có thể do dự làm chứng cách nầy nhưng tình yêu thương sẽ thúc đẩy chúng ta nói. Thật vậy, tình yêu thương sẽ khiến chúng ta nghĩ đến những cách tế nhị để bắt đầu gợi chuyện với người khác và hướng cuộc đối thoại đến Nước Trời. Để thí dụ: Trong một chuyến máy bay, một trưởng lão tín đồ đấng Christ có ngồi cạnh một linh mục Công giáo. Thoạt đầu, anh trưởng lão đặt nhiều câu hỏi rất tự nhiên. Tuy nhiên, đến chừng ông linh mục xuống máy bay, sự chú ý của ông về những gì anh trưởng lão nói đã khiến ông nhận hai cuốn sách của chúng ta. Kết quả của việc làm chứng “không theo thể thức thường lệ” thật tốt biết bao!
17, 18. Tình yêu thương sẽ khiến chúng ta làm gì trong thánh chức của tín đồ đấng Christ?
17 Tình yêu thương thật cũng khiến chúng ta tham dự đều đặn vào công việc rao giảng “từ nhà nầy sang nhà kia” và những hình thức khác của thánh chức. Và nếu có thể có những cuộc thảo luận về Kinh-thánh thì chúng ta có dịp đem vinh dự cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời và giúp những người giống như chiên đi trên con đường dẫn đến sự sống đời đời (So sánh Ma-thi-ơ 7:13, 14). Dù cho nếu chúng ta không có thể có cuộc thảo luận về Kinh-thánh, sự số gắng của chúng ta không phải là vô ích. Chính sự hiện diện của chúng ta tại nhà người ta cũng đã làm chứng rồi, và chính chúng ta cũng được lợi ích vì chúng ta tuyên bố tin mừng thì sẽ được vững mạnh đức tin. Thật vậy, cần phải có tính khiêm nhường để đi làm chứng từ nhà nầy sang nhà kia, “hãy làm mọi điều vì cớ tin mừng, hầu cho chúng ta cũng có phần trong đó” (I Cô-rinh-tô 9:19-23). Nhưng vì tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người đồng loại, chúng ta khiêm nhường cố gắng và được ban thưởng cho nhiều ân phước (Châm-ngôn 10:22).
18 Tôi tớ Đức Giê-hô-va cũng cần tình yêu thương thật để tận tâm trở lại viếng thăm những người chú ý đến Kinh-thánh. Điều khiển cuộc học hỏi Kinh-thánh tuần nầy qua tuần khác, tháng nầy qua tháng khác, là bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và người lân cận, vì công việc nầy đòi hỏi thời gian, cố gắng và tài chánh (Mác 12:28-31). Nhưng khi chúng ta thấy một trong những người học hỏi Kinh-thánh nầy làm báp têm và có thể thậm chí bước vào công việc thánh chức trọn thời gian, chúng ta hẳn tin chắc tình yêu thương thật sanh nhiều ân phước, phải không? (So sánh II Cô-rinh-tô 3:1-3).
19. Tình yêu thương có liên hệ gì đến thánh chức trọn thời gian?
19 Tình yêu thương không ích kỷ thúc đẩy chúng ta hy sinh những tiện nghi vật chất để dấn thân làm công việc rao giảng trọn thời gian, nếu chúng ta có thể tham gia vào hoạt động đó. Hằng ngàn Nhân-chứng có thể chứng thực rằng bày tỏ tình yêu thương của họ đến độ đó đã sanh nhiều ân phước. Nếu hoàn cảnh cho phép bạn tham gia vào thánh chức trọn thời gian nhưng bạn không nắm lấy cơ hội đó, bạn không biết đến những ân phước mà bạn có thể nhận được (So sánh Mác 10:29, 30).
Lợi ích trong những cách khác
20. Tình yêu thương giúp thế nào cho chúng ta có tính hay tha thứ?
20 Một cách khác cho thấy tình yêu thương sanh ra ân phước là giúp chúng ta có tính hay tha thứ. Đúng vậy, tình yêu thương “chẳng nghi-ngờ sự dữ”. Thật thế, “tình yêu-thương che-đậy vô-số tội-lỗi” (I Cô-rinh-tô 13:5; I Phi-e-rơ 4:8). “Vô-số” nghĩa là rất nhiều tội lỗi, phải không? Khi bạn tha thứ, thì bạn và người phạm tội cùng bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm hơn. Nhưng có một điều quan trọng hơn là chỉ khi nào chúng ta đã tha thứ những người phạm tội cùng chúng ta rồi, thì chúng ta mới mong Đức Giê-hô-va tha thứ cho chúng ta (Ma-thi-ơ 6:12; 18:23-35).
21. Tình yêu thương thật giúp thế nào cho chúng ta vâng phục?
21 Hơn nữa, tình yêu thương sanh ra ân phước là giúp chúng ta vâng phục. Nếu chúng ta yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ khiêm nhường phục dưới bàn tay mạnh mẽ của Ngài (I Phi-e-rơ 5:6). Tình yêu thương đối với Ngài cũng sẽ khiến chúng ta vâng phục “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” do Ngài chọn lựa để dạy dỗ chúng ta. Điều nầy bao hàm việc vâng phục những người dẫn dắt trong hội-thánh. Điều nầy sanh nhiều ân phước vì nếu không làm thế sẽ gây “tai-hại” cho chúng ta (Ma-thi-ơ 24:45-47; Hê-bơ-rơ 13:17). Dĩ nhiên, nguyên tắc về sự vâng phục nầy cũng áp dụng trong phạm vi gia đình. Điều nầy có lợi ích vì làm tăng sự vui mừng, bình an và hòa hợp trong gia đình đồng thời đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn vì biết rằng chúng ta đang làm vui lòng Đức Chúa Trời (Ê-phê-sô 5:22; 6:1-3).
22. Làm thế nào chúng ta có thể thật sự có hạnh phúc?
22 Vậy, rõ ràng là đức tính cao trọng nhất mà chúng ta có thể vun trồng là a.ga’pe, tình yêu thương không ích kỷ dựa trên nguyên tắc. Chắc chắn tình yêu thương thật sanh nhiều ân phước. Thế nên, chúng ta sẽ thật sự có hạnh phúc nếu chúng ta vun trồng và bày tỏ đức tính nầy trong mực độ càng nhiều càng tốt để làm vinh hiển Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời đầy yêu thương của chúng ta.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Giê-hô-va Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương thật qua những cách nào?
◻ Giê-su đã bày tỏ tình yêu thương như thế nào?
◻ Sứ đồ Phao-lô làm gương cho chúng ta thế nào trong việc bày tỏ tình yêu thương thật?
◻ Các Nhân-chứng Giê-hô-va bày tỏ tình yêu thương như thế nào?
◻ Tại sao bạn sẽ nói tình yêu thương thật sanh nhiều ân phước?
[Hình nơi trang 14]
Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại đã khiến Ngài ban Con một của Ngài để chúng ta có thể đạt được sự sống đời đời. Bạn có biết ơn tình yêu thương thật như thế không?
[Hình nơi trang 16]
Tình yêu thương thật đối với Đức Giê-hô-va sẽ thúc đẩy chúng ta “bền lòng mà cầu-nguyện”