BÀI HỌC 26
“Hãy trở lại cùng ta”
“Hãy trở lại cùng ta thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi”.—MAL 3:7.
BÀI HÁT 102 “Giúp đỡ những người yếu đuối”
GIỚI THIỆUa
1. Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào khi một trong các con chiên của ngài trở về?
Như đã thảo luận trong bài trước, Đức Giê-hô-va ví ngài với người chăn yêu thương, dịu dàng chăm sóc từng con chiên của ngài. Ngài đi tìm bất cứ con chiên nào bị lạc. Đức Giê-hô-va phán với những người Y-sơ-ra-ên đã từ bỏ ngài: “Hãy trở lại cùng ta thì ta sẽ trở lại cùng các ngươi”. Ngày nay, ngài vẫn có cảm xúc như thế. Ngài nói: “Ta không hề thay đổi” (Mal 3:6, 7). Chúa Giê-su nói rằng Đức Giê-hô-va và các thiên sứ rất đỗi vui mừng ngay cả khi một tôi tớ bị lạc trở về với ngài.—Lu 15:10, 32.
2. Chúng ta sẽ xem xét điều gì trong bài này?
2 Hãy xem xét ba minh họa của Chúa Giê-su nhấn mạnh cách giúp đỡ những người đã rời bỏ Đức Giê-hô-va. Chúng ta sẽ thảo luận những phẩm chất cần có để giúp con chiên lạc trở về với ngài. Chúng ta cũng sẽ xem tại sao là đáng công khi giúp những anh chị yếu đuối này.
TÌM KIẾM ĐỒNG BẠC BỊ MẤT
3, 4. Tại sao người đàn bà trong ngụ ngôn được ghi nơi Lu-ca 15:8-10 tìm kỹ đồng bạc bị mất?
3 Chúng ta cần nỗ lực tìm những anh chị muốn trở về với Đức Giê-hô-va. Trong ngụ ngôn được ghi nơi Phúc âm Lu-ca, Chúa Giê-su miêu tả cách một người đàn bà tìm kiếm một vật bị mất, đó là đồng bạc quý giá. Ngụ ngôn này hướng sự chú ý của chúng ta đến việc bà nỗ lực rất nhiều để tìm kiếm đồng bạc ấy.—Đọc Lu-ca 15:8-10.
4 Chúa Giê-su miêu tả cảm xúc của người đàn bà tìm kiếm một đồng bạc quý giá bị mất. Vào thời Chúa Giê-su, dường như một số người mẹ Do Thái thường cho con gái một bộ mười đồng bạc vào ngày con kết hôn. Có lẽ đồng bạc bị mất này nằm trong số mười đồng đó. Người đàn bà nghĩ rằng đồng bạc bị rơi trên sàn nhà. Thế nên, bà thắp đèn và tìm khắp phòng, nhưng chẳng tìm thấy gì. Có lẽ đèn dầu không đủ sáng. Cuối cùng, bà cẩn thận quét khắp nhà. Trong đống bụi được gom lại, bà tìm thấy đồng bạc quý giá ấy lấp lánh dưới ánh đèn. Thật nhẹ nhõm biết bao! Bà gọi bạn bè và hàng xóm đến chung vui với mình.
5. Tại sao việc tìm anh chị ngưng hoạt động có thể không dễ?
5 Như chúng ta thấy trong minh họa của Chúa Giê-su, để tìm một vật gì đó bị mất đòi hỏi nhiều nỗ lực. Tương tự, chúng ta phải rất nỗ lực để tìm anh chị ngưng hoạt động. Có lẽ họ không kết hợp với chúng ta trong nhiều năm. Hoặc có thể họ chuyển đến một nơi khác mà anh em của chúng ta ở đó không biết họ. Nhưng ngay lúc này đây, hẳn một số anh chị ngưng hoạt động đang rất mong muốn trở về với Đức Giê-hô-va. Họ muốn phụng sự ngài cùng với gia đình ngài gồm những người thờ phượng chân chính, nhưng các anh chị ấy cần sự hỗ trợ của chúng ta.
6. Làm thế nào cả hội thánh có thể tham gia tìm kiếm những anh chị ngưng hoạt động?
6 Ai có thể tham gia tìm kiếm những anh chị ngưng hoạt động? Tất cả chúng ta gồm các trưởng lão, người tiên phong, người công bố và thành viên trong gia đình đều có thể góp phần. Anh chị có một người bạn hoặc họ hàng ngưng hoạt động không? Khi đi rao giảng từng nhà hoặc làm chứng nơi công cộng, anh chị có gặp một người ngưng hoạt động không? Hãy giải thích rằng nếu người đó muốn được viếng thăm, thì anh chị sẽ vui lòng chuyển thông tin liên lạc của người đó cho các trưởng lão địa phương.
7. Anh chị học được gì từ lời chia sẻ của một trưởng lão tên là Thomas?
7 Các trưởng lão có thể thực hiện các bước thực tế nào để tìm được những anh chị muốn trở về với Đức Giê-hô-va? Hãy lưu ý đến điều mà một trưởng lão tên là Thomasb sống ở Tây Ban Nha chia sẻ. Anh đã giúp được hơn 40 anh chị quay lại hội thánh. Anh cho biết: “Đầu tiên, tôi hỏi các anh chị xem họ có biết một số người ngưng hoạt động đang sống ở đâu không. Hoặc tôi hỏi xem họ có nhớ được ai trước đây từng đến tham dự nhóm họp không. Hầu hết các anh chị trong hội thánh đều sẵn lòng giúp đỡ vì họ cũng cảm thấy mình có thể góp phần vào việc tìm kiếm. Sau đó, khi đến thăm các anh chị ngưng hoạt động, tôi hỏi về con cái và những người thân khác của họ. Một số anh chị ngưng hoạt động từng đem con đến nhóm họp và có thể con của họ là người công bố tại một thời điểm nào đó. Những người con này cũng có thể được giúp đỡ để trở về với Đức Giê-hô-va”.
GIÚP CON TRAI VÀ CON GÁI BỊ LẠC CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA TRỞ VỀ
8. Trong minh họa về người con lạc lối được ghi nơi Lu-ca 15:17-24, người cha đối xử thế nào với người con ăn năn?
8 Chúng ta cần có các phẩm chất nào để giúp những anh chị muốn trở về với Đức Giê-hô-va? Hãy lưu ý đến những bài học được rút ra từ minh họa của Chúa Giê-su về người con ương ngạnh bỏ nhà đi. (Đọc Lu-ca 15:17-24). Chúa Giê-su cho biết cuối cùng người con này cũng tỉnh ngộ và quyết định trở về nhà. Người cha chạy ra đón và ôm lấy người con ấy một cách trìu mến để người con hiểu rằng cha rất yêu thương mình. Người con bị lương tâm dằn vặt và cảm thấy không đáng được gọi là con của cha mình nữa. Người cha đồng cảm khi người con dốc đổ lòng mình. Sau đó, ông có những hành động thực tế để đảm bảo rằng người con được chào đón, không phải với tư cách là người làm thuê mà là người được yêu quý trong gia đình. Để chứng tỏ điều này, người cha mở tiệc và đem áo đẹp nhất ra cho người con ăn năn.
9. Chúng ta cần có những phẩm chất nào để giúp anh chị ngưng hoạt động trở về với Đức Giê-hô-va? (Xin xem khung “Làm sao để giúp những anh chị muốn trở về?”).
9 Đức Giê-hô-va giống như người cha trong minh họa này. Ngài yêu mến những anh chị ngưng hoạt động và muốn họ trở về với ngài. Bằng cách noi gương Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể giúp họ trở về. Điều này đòi hỏi chúng ta phải thể hiện lòng kiên nhẫn, sự đồng cảm và tình yêu thương. Tại sao chúng ta cần thể hiện những phẩm chất này, và chúng ta có thể làm thế ra sao?
10. Sự kiên nhẫn đóng vai trò nào trong việc giúp người khác phục hồi về thiêng liêng?
10 Chúng ta nên kiên nhẫn vì cần có thời gian để một người phục hồi về thiêng liêng. Nhiều anh chị từng ngưng hoạt động cho biết các trưởng lão và anh chị khác đến thăm họ nhiều lần trước khi họ trở về với Đức Giê-hô-va. Một chị tên là Nancy đến từ Đông Nam Á kể lại: “Một người bạn thân trong hội thánh giúp tôi rất nhiều. Chị ấy xem tôi như người trong nhà. Chị giúp tôi nhớ lại quãng thời gian tốt đẹp mà hai chị em có. Chị kiên nhẫn lắng nghe khi tôi nói ra cảm xúc và chị không ngại cho tôi lời khuyên. Chị cho thấy mình là người bạn đích thực, sẵn sàng giúp đỡ bất cứ lúc nào”.
11. Tại sao lòng đồng cảm có thể giúp xoa dịu cảm giác bị tổn thương?
11 Giống như thuốc mỡ hữu hiệu để bôi vết thương, lòng đồng cảm có thể xoa dịu cảm giác bị tổn thương. Một số người ngưng hoạt động phải vật lộn với cảm xúc cay đắng về một ai đó trong hội thánh suốt nhiều năm. Cảm xúc này có thể cản trở họ quay về với Đức Giê-hô-va. Có thể một số anh chị nghĩ mình bị đối xử bất công. Họ cần ai đó lắng nghe cũng như thấu hiểu cảm xúc của mình (Gia 1:19). Chị Mai, từng ngưng hoạt động, nói: “Lúc đó, tôi cần một người biết lắng nghe, một chỗ dựa tinh thần và một bàn tay nâng đỡ”.
12. Hãy nêu minh họa cho thấy cách Đức Giê-hô-va kéo những anh chị ngưng hoạt động trở về với dân ngài.
12 Kinh Thánh miêu tả tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho dân ngài giống như sợi dây thừng. Theo nghĩa nào? Hãy xem minh họa này: Giả sử anh chị sắp bị chết đuối trên biển có sóng mạnh. Bỗng dưng một người quăng cho anh chị áo phao. Chắc chắn anh chị rất biết ơn người đó vì nhờ sự giúp đỡ ấy, anh chị có thể dễ nổi hơn. Nhưng chỉ có áo phao thôi thì chưa đủ. Nước biển rất lạnh và anh chị không thể sống sót trừ khi lên được thuyền cứu sinh. Anh chị cần ai đó ném cho sợi dây thừng và kéo anh chị đến chiếc thuyền đó. Đức Giê-hô-va nói về dân Y-sơ-ra-ên đi lạc như sau: “Ta cứ kéo chúng đến... bằng dây của tình thương” (Ô-sê 11:4). Ngày nay, Đức Chúa Trời cũng có cảm xúc như thế về những anh chị ngưng phụng sự ngài và đang bị chìm ngập trong vô số vấn đề và sự lo lắng. Đức Giê-hô-va muốn họ biết rằng ngài yêu thương và muốn kéo họ đến gần ngài. Đức Giê-hô-va có thể dùng anh chị để thể hiện tình yêu thương đó.
13. Hãy kể một kinh nghiệm cho thấy sức mạnh của tình huynh đệ.
13 Điều quan trọng là cần đảm bảo với anh chị ngưng hoạt động rằng Đức Giê-hô-va yêu mến họ và chúng ta cũng thế. Anh Pablo, người được đề cập trong bài trước, từng ngưng hoạt động suốt hơn 30 năm. Anh kể: “Buổi sáng nọ, khi tôi chuẩn bị rời khỏi nhà, một bác gái nồng hậu trong hội thánh đến gặp và nói chuyện với tôi một cách yêu thương. Tôi bắt đầu khóc giống như đứa trẻ. Tôi nói với bác là dường như Đức Giê-hô-va đã phái bác đến trò chuyện với tôi. Ngay lúc đó, tôi quyết định trở về với ngài”.
NÂNG ĐỠ NHỮNG ANH CHỊ YẾU ĐUỐI VỚI TÌNH YÊU THƯƠNG
14. Theo minh họa được ghi nơi Lu-ca 15:4, 5, người chăn làm gì sau khi tìm thấy con cừu bị lạc?
14 Anh chị ngưng hoạt động cần được chúng ta kiên trì hỗ trợ. Giống như người con lạc lối trong minh họa của Chúa Giê-su, họ có thể chịu vết thương lòng mà mất nhiều thời gian mới lành được. Rất có thể các anh chị ấy bị yếu về thiêng liêng vì những điều đã trải qua trong thế gian của Sa-tan. Chúng ta cần giúp họ củng cố đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Trong minh họa về con cừu bị lạc, Chúa Giê-su miêu tả rằng người chăn vác con cừu ấy trên vai và đem nó trở về bầy. Người chăn đã dành thời gian và công sức để đi tìm con cừu bị lạc. Nhưng ông nhận ra là cần vác con cừu ấy về chuồng vì nó không còn đủ sức để tự trở về.—Đọc Lu-ca 15:4, 5.
15. Bằng cách nào chúng ta có thể nâng đỡ những anh chị yếu đuối muốn trở về với Đức Giê-hô-va? (Xin xem khung “Một công cụ vô cùng quý giá”).
15 Có lẽ cần nhiều thời gian và công sức để giúp một số anh chị ngưng hoạt động mạnh mẽ trở lại. Nhưng với sự hỗ trợ của thần khí, Kinh Thánh và các ấn phẩm, chúng ta có thể giúp họ hồi phục về thiêng liêng (Rô 15:1). Chúng ta có thể làm thế bằng cách nào? Một trưởng lão giàu kinh nghiệm nói: “Hầu hết những anh chị ngưng hoạt động cần được mời học Kinh Thánh sau khi quyết định trở về với Đức Giê-hô-va”.c Thế nên, khi được nhờ học với người ngưng hoạt động, anh chị nên vui lòng nhận đặc ân đó nếu có thể. Anh trưởng lão trên cũng cho biết: “Người công bố học với anh chị ngưng hoạt động cần trở thành bạn tốt, là người mà họ có thể tâm sự”.
NIỀM VUI Ở TRÊN TRỜI VÀ DƯỚI ĐẤT
16. Tại sao chúng ta biết các thiên sứ sẽ giúp đỡ chúng ta?
16 Nhiều kinh nghiệm cho thấy thiên sứ làm việc cùng chúng ta và giúp chúng ta tìm những anh chị ngưng hoạt động muốn trở về với Đức Giê-hô-va (Khải 14:6). Chẳng hạn, anh Silvio, sống ở Ecuador, đã tha thiết cầu xin được giúp để trở lại hội thánh. Trong lúc anh còn đang cầu nguyện thì có tiếng chuông cửa. Khi mở cửa, anh thấy hai trưởng lão. Trong cuộc viếng thăm này, các trưởng lão vui mừng khi bắt đầu giúp đỡ anh Silvio để anh trở về với Đức Giê-hô-va.
17. Chúng ta nhận được phần thưởng nào khi giúp đỡ những anh chị ngưng hoạt động?
17 Chúng ta sẽ tìm được nhiều niềm vui trong việc giúp những anh chị ngưng hoạt động trở về với Đức Giê-hô-va. Anh Salvador, một tiên phong rất quan tâm đến những anh chị ngưng hoạt động, cho biết: “Đôi khi, tôi không cầm được nước mắt. Tôi rất vui khi thấy Đức Giê-hô-va giải cứu một trong các con chiên yêu dấu của ngài khỏi thế gian của Sa-tan, và tôi có đặc ân được hợp tác với ngài trong công việc này”.—Công 20:35.
18. Nếu là người ngưng hoạt động, anh chị có thể chắc chắn điều gì?
18 Nếu là người ngưng kết hợp với dân của Đức Giê-hô-va, anh chị có thể chắc chắn rằng ngài vẫn yêu mến anh chị. Ngài muốn anh chị quay lại. Anh chị sẽ cần thực hiện các bước để trở về với ngài. Nhưng giống như người cha trong minh họa của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va luôn mong ngóng anh chị và rất đỗi vui mừng chào đón anh chị trở về nhà.
BÀI HÁT 103 Những anh chăn bầy—Món quà từ Đức Chúa Trời
a Đức Giê-hô-va muốn những anh chị không còn kết hợp với hội thánh trở về với ngài. Chúng ta có thể làm nhiều điều để khích lệ những anh chị muốn nhận lời mời của Đức Giê-hô-va: “Hãy trở lại cùng ta”. Bài này sẽ xem làm thế nào chúng ta có thể giúp những anh chị ấy trở lại cùng ngài.
b Một số tên đã được thay đổi.
c Một số anh chị ngưng hoạt động được lợi ích nhờ học các phần của sách Hãy luôn ở trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, còn số khác được lợi ích nhờ ôn lại các chương trong sách Hãy đến gần Đức Giê-hô-va. Ủy ban Công tác Hội thánh sẽ quyết định ai phù hợp nhất để điều khiển cuộc học hỏi.
d HÌNH ẢNH: Ba anh trong hội thánh giúp một anh muốn trở về với Đức Giê-hô-va. Họ làm thế bằng cách giữ liên lạc, đảm bảo rằng anh ấy được yêu mến và lắng nghe với sự thấu hiểu.