Bạn có trung tín trong mọi sự không?
“Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn”.—LU-CA 16:10.
1. Một trong những cách Đức Giê-hô-va tỏ ra thành tín là gì?
BẠN có bao giờ để ý đến bóng cây trải trên mặt đất khi thời gian dần trôi qua không? Đúng thế, bóng râm liên tục thay đổi kích thước và phương hướng! Những nỗ lực và lời hứa của con người thường hay thay đổi như bóng cây. Trái lại, Giê-hô-va Đức Chúa Trời không thay đổi theo thời gian. Môn đồ Gia-cơ nói Ngài là “Cha sáng-láng..., trong Ngài chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào”. (Gia-cơ 1:17) Đức Giê-hô-va không thay đổi nhưng đáng tin cậy ngay trong những chi tiết nhỏ nhất. Ngài là “Đức Chúa Trời thành-tín”.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4.
2. (a) Tại sao chúng ta nên tự xét để biết mình có trung tín không? (b) Về sự trung tín, chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
2 Đức Chúa Trời cảm nghĩ thế nào về tính đáng tin cậy của những người thờ phượng Ngài? Cùng một cảm nghĩ như Đa-vít khi ông nói về họ: “Mắt tôi sẽ chăm xem người trung-tín trong xứ, hầu cho họ ở chung với tôi; ai đi theo đường trọn-vẹn, nấy sẽ hầu-việc tôi”. (Thi-thiên 101:6) Thật vậy, lòng trung tín của các tôi tớ Ngài khiến Đức Giê-hô-va vui lòng. Với lý do chính đáng, sứ đồ Phao-lô viết: “Điều người ta trông-mong nơi người quản-trị là phải trung-thành”. (1 Cô-rinh-tô 4:2) Trung tín hay trung thành bao hàm điều gì? Trong những lĩnh vực nào của đời sống chúng ta nên tỏ ra trung tín? Một người “đi theo đường trọn-vẹn” nhận được những ân phước nào?
Trung tín có nghĩa gì?
3. Điều gì xác định chúng ta có lòng trung tín hay không?
3 Hê-bơ-rơ 3:5 cho biết: “[Môi-se] đã trung-tín..., như một kẻ tôi-tớ”. Nhà tiên tri Môi-se được xem là trung tín vì lý do nào? Trong việc đóng và sắp đặt đền tạm, “Môi-se làm y như mọi điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn mình”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 40:16) Là những người thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta biểu lộ lòng trung tín bằng cách vâng lời trong việc phụng sự Ngài. Điều này chắc chắn bao gồm giữ lòng trung thành với Đức Giê-hô-va trước những thử thách gay go hoặc gian truân khốc liệt. Tuy nhiên, việc vượt qua những thử thách nghiêm trọng không phải là yếu tố duy nhất xác định lòng trung tín của chúng ta. Chúa Giê-su phán: “Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn; ai bất-nghĩa trong việc rất nhỏ, cũng bất-nghĩa trong việc lớn”. (Lu-ca 16:10) Chúng ta phải giữ lòng trung tín ngay cả trong những vấn đề có vẻ nhỏ.
4, 5. Lòng trung tín của chúng ta trong “việc rất nhỏ” cho thấy điều gì?
4 Sự vâng lời hàng ngày trong “việc rất nhỏ” là quan trọng vì hai lý do. Thứ nhất, điều đó cho thấy quan điểm của chúng ta về quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ đến thử thách về lòng trung tín đặt ra cho cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va. Đó không phải là một đòi hỏi quá sức cho hai người. Họ có quyền hưởng tất cả các trái cây trong vườn Ê-đen, chỉ không được ăn trái của một cây—“cây biết điều thiện và điều ác”. (Sáng-thế Ký 2:16, 17) Lòng trung tín trong việc vâng theo mệnh lệnh đơn giản đó hẳn sẽ cho thấy cặp vợ chồng loài người đầu tiên ủng hộ quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Tuân theo những chỉ dẫn của Ngài trong cuộc sống hàng ngày cho thấy chúng ta đứng về phía quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va.
5 Thứ nhì, cách xử sự trong “việc rất nhỏ” có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta xử sự “trong việc lớn”, nghĩa là khi phải đối phó với những vấn đề nghiêm trọng hơn trong cuộc sống. Về mặt này, hãy xem xét trường hợp của Đa-ni-ên và ba người bạn Hê-bơ-rơ trung tín—Ha-na-nia, Mi-sa-ên và A-xa-ria. Họ bị lưu đày sang Ba-by-lôn vào năm 617 TCN. Khi còn trẻ, có lẽ ở độ tuổi vị thành niên, bốn chàng trai này bị đưa vào cung Vua Nê-bu-cát-nết-sa. Ở đấy, “vua định mỗi ngày ban cho họ một phần đồ ngon vua ăn và rượu vua uống, hầu cho khi đã nuôi họ như vậy ba năm rồi, thì họ sẽ đứng chầu trước mặt vua”.—Đa-ni-ên 1:3-5.
6. Tại cung vua Ba-by-lôn, Đa-ni-ên và ba người bạn Hê-bơ-rơ phải đối phó với thử thách nào?
6 Tuy nhiên, thức ăn vua Ba-by-lôn ban lại là một thử thách đối với bốn người trẻ tuổi Hê-bơ-rơ. Cao lương mỹ vị dành cho vua rất có thể gồm những thức ăn mà Luật Pháp Môi-se cấm. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 14:3-20) Những con thú bị giết có thể không được đổ huyết theo đúng tiêu chuẩn Luật Pháp Đức Chúa Trời, và dùng loại thịt ấy là phạm luật. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:23-25) Theo phong tục thờ phượng của người Ba-by-lôn, thức ăn cũng có thể đã được cúng cho các thần tượng trước khi đem ra ăn chung.
7. Sự vâng lời của Đa-ni-ên và ba người bạn cho thấy điều gì?
7 Rõ ràng việc ăn kiêng không phải là vấn đề được xem trọng đối với hoàng gia Ba-by-lôn. Tuy nhiên, Đa-ni-ên và các bạn ông quyết tâm không để mình bị ô uế vì những thức ăn cấm trong Luật Pháp mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Đây là vấn đề liên quan đến lòng trung thành và trung tín của họ đối với Đức Chúa Trời. Thế nên, họ xin theo chế độ ăn uống bằng rau quả và nước, việc đó được chấp thuận. (Đa-ni-ên 1:9-14) Đối với một số người ngày nay, điều mà bốn người trẻ tuổi làm có vẻ là việc không quan trọng. Tuy nhiên, việc họ vâng lời Đức Chúa Trời cho thấy họ đứng về phía nào trong vấn đề liên quan đến quyền tối thượng của Đức Giê-hô-va.
8. (a) Ba người Hê-bơ-rơ phải đối mặt với thử thách quan trọng nào về lòng trung tín? (b) Thử thách mang lại kết quả nào, và việc này minh họa cho điều gì?
8 Chứng tỏ lòng trung tín trong việc có vẻ ít quan trọng đã chuẩn bị cho ba người bạn của Đa-ni-ên đương đầu với một thử thách lớn hơn. Hãy mở chương 3 của sách Đa-ni-ên trong Kinh Thánh, và tự đọc xem cách nào ba người Hê-bơ-rơ đã đối diện với cái chết vì từ chối không thờ lạy pho tượng bằng vàng do Vua Nê-bu-cát-nết-sa dựng lên. Khi bị điệu ra trước mặt vua, họ vững tin cho biết quyết tâm của mình: “Nầy, hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu-việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu-việc các thần của vua, và không thờ-phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng”. (Đa-ni-ên 3:17, 18) Đức Giê-hô-va có giải cứu họ không? Toán lính ném ba người thanh niên vào lò lửa hực đã bị chết cháy, nhưng ba người Hê-bơ-rơ trung thành được vô sự bước ra khỏi lò—thậm chí sức nóng của lò lửa cũng không cháy sém họ! Sự trung tín đã trở thành nề nếp giúp họ sẵn sàng biểu lộ đức tính này trong thử thách quan trọng ấy. Vậy, chẳng phải gương này cho thấy rõ tầm quan trọng của sự trung tín trong việc nhỏ, hay sao?
Trung tín về “của bất-nghĩa”
9. Bối cảnh của lời Chúa Giê-su được ghi nơi Lu-ca 16:10 là gì?
9 Trước khi nói đến nguyên tắc cơ bản về một người trung tín trong những việc nhỏ cũng trung tín trong những việc lớn, Chúa Giê-su khuyên những người nghe ngài: “Hãy dùng của bất-nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời”. Sau đó, ngài nói về việc trung tín trong việc nhỏ. Tiếp đến, ngài nói: “Vậy nếu các ngươi không trung-tín về của bất-nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi?... Không có đầy-tớ nào làm tôi hai chủ được; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hay là hiệp với chủ nầy mà khinh-dể chủ kia. Các ngươi không có thể đã làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn nữa”.—Lu-ca 16:9-13.
10. Chúng ta có thể tỏ lòng trung tín trong việc dùng “của bất-nghĩa” như thế nào?
10 Theo bối cảnh, lời của Chúa Giê-su ghi nơi Lu-ca 16:10 áp dụng trước tiên cho việc dùng “của bất-nghĩa”, của cải vật chất hay tài sản của chúng ta. Chúng được gọi là bất nghĩa vì của cải vật chất—đặc biệt là tiền bạc—thuộc phạm vi của con người bất toàn. Ngoài ra, ước muốn đạt được nhiều của cải có thể dẫn đến những hành vi bất chính. Chúng ta cho thấy lòng trung tín qua việc sử dụng của cải vật chất một cách khôn ngoan. Thay vì dùng nó vào những mục tiêu ích kỷ, chúng ta muốn sử dụng của cải vào việc đẩy mạnh quyền lợi Nước Trời và giúp đỡ những ai thiếu thốn. Khi tỏ lòng trung tín theo cách này, chúng ta kết bạn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su Christ là các chủ của “nhà đời đời”. Họ sẽ tiếp nhận chúng ta vào nhà ấy, ban cho chúng ta sự sống đời đời hoặc ở trên trời hoặc trong Địa Đàng.
11. Tại sao chúng ta không ngần ngại giải thích với người đối thoại về việc đóng góp cho công việc Nhân Chứng Giê-hô-va đang thực hiện trên toàn cầu?
11 Cũng nghĩ xem, khi rao giảng thông điệp Nước Trời và mời người ta nhận Kinh Thánh hay các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh, chúng ta cho họ cơ hội nào khi giải thích về việc đóng góp cho công việc mà dân Đức Giê-hô-va đang thực hiện trên toàn cầu? Chẳng phải chúng ta cho họ cơ hội sử dụng của cải vật chất cách khôn ngoan, hay sao? Dù câu Lu-ca 16:10 được áp dụng trước tiên cho việc sử dụng của cải vật chất, nguyên tắc này cũng áp dụng trong những khía cạnh khác của đời sống.
Tính lương thiện thật sự quan trọng
12, 13. Chúng ta có thể biểu lộ tính lương thiện trong những lĩnh vực nào?
12 Sứ đồ Phao-lô viết: “Chúng tôi biết mình chắc có lương-tâm tốt, muốn ăn-ở trọn-lành [“lương thiện”, Nguyễn Thế Thuấn] trong mọi sự”. (Hê-bơ-rơ 13:18) Hẳn “mọi sự” bao gồm những vấn đề liên quan đến tiền bạc. Chúng ta trả những khoản nợ và thuế một cách nhanh chóng và lương thiện. Tại sao? Chúng ta làm thế vì lương tâm, và chủ yếu là vì yêu thương Đức Chúa Trời và vâng theo những dạy dỗ của Ngài. (Rô-ma 13:5, 6) Chúng ta sẽ phản ứng thế nào khi nhặt được một vật không phải của mình? Chúng ta tìm cách trả lại cho sở hữu chủ. Thật là một cách làm chứng tốt khi giải thích động lực nào thôi thúc chúng ta hoàn trả vật ấy cho chủ!
13 Tỏ ra trung tín và lương thiện trong mọi sự đòi hỏi phải lương thiện tại nơi làm việc. Tính lương thiện của chúng ta trong công việc khiến người ta chú ý đến Đức Chúa Trời mà chúng ta đại diện. Chúng ta không “trộm-cắp” thì giờ của chủ vì biếng nhác. Trái lại, chúng ta làm việc chăm chỉ, như làm cho Đức Giê-hô-va. (Ê-phê-sô 4:28; Cô-lô-se 3:23) Theo ước đoán tại một xứ ở Châu Âu, một phần ba nhân công dù không bị ốm nhưng đã từng xin bác sĩ giấy chứng nhận để được phép nghỉ ốm. Tôi tớ thật của Đức Chúa Trời không bịa đặt những lý do để không đi làm. Đôi khi Nhân Chứng Giê-hô-va được đề nghị thăng chức vì các người chủ nhận thấy tính lương thiện và chăm chỉ của họ.—Châm-ngôn 10:4.
Trung tín trong thánh chức
14, 15. Chúng ta có thể chứng tỏ lòng trung tín của mình trong thánh chức qua những cách nào?
14 Làm thế nào chúng ta có thể cho thấy lòng trung tín trong thánh chức được giao phó cho chúng ta? Kinh Thánh nói: “Hãy cậy Đức Chúa Jêsus mà hằng dâng tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”. (Hê-bơ-rơ 13:15) Cách chủ yếu cho thấy lòng trung tín trong thánh chức là đều đặn tham dự công việc rao giảng. Lẽ nào chúng ta để cho một tháng trôi qua mà không làm chứng về Đức Giê-hô-va và ý định Ngài? Đều đặn tham gia công việc rao giảng cũng giúp chúng ta trau dồi kỹ năng và trở nên hữu hiệu hơn.
15 Một cách khác rất tốt cho thấy lòng trung tín trong thánh chức rao giảng là áp dụng những lời đề nghị trong Tháp Canh và tờ Thánh Chức Nước Trời. Khi chuẩn bị và dùng những lời trình bày mẫu hay những gợi ý thiết thực khác, chẳng phải chúng ta nhận thấy thánh chức của mình ngày càng đạt hiệu quả hơn sao? Khi gặp một người tỏ ra chú ý đến thông điệp Nước Trời, chúng ta có nhanh chóng trở lại thăm không? Về việc học hỏi Kinh Thánh tại nhà mà chúng ta có thể bắt đầu với người chú ý thì sao? Chúng ta có tỏ ra đáng tin cậy và trung tín trong việc chăm lo cho các người học hỏi không? Khi chứng tỏ lòng trung tín trong thánh chức, không những chính chúng ta mà cả những người nghe cũng có thể nhận được sự sống.—1 Ti-mô-thê 4:15, 16.
Giữ mình tách biệt khỏi thế gian
16, 17. Chúng ta cho thấy mình tách biệt khỏi thế gian qua những cách nào?
16 Trong lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su nói về các môn đồ: “Con đã truyền lời Cha cho họ, và thế-gian ghen-ghét họ, vì họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian vậy. Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:14-16) Có lẽ chúng ta quyết tâm giữ sự tách biệt khỏi thế gian trong nhiều vấn đề lớn, chẳng hạn như sự trung lập, các ngày lễ và phong tục tôn giáo, và sự vô luân. Nhưng, về những chuyện nhỏ hơn thì sao? Có thể nào chúng ta chịu ảnh hưởng của thế gian mà chẳng hay biết gì? Chẳng hạn, nếu bất cẩn, cách ăn mặc của chúng ta dễ trở nên không đứng đắn và không thích hợp. Trung tín đòi hỏi phải “nết-na và đức-hạnh”, tức khiêm tốn và biết suy xét trong vấn đề ăn mặc và trang sức. (1 Ti-mô-thê 2:9, 10) Đúng thế, ‘chúng ta chẳng làm cho ai vấp-phạm, hầu cho chức-vụ của mình khỏi bị một tiếng chê-bai nào. Nhưng chúng ta làm cho mình đáng trượng trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời’.—2 Cô-rinh-tô 6:3, 4.
17 Vì muốn tôn vinh Đức Giê-hô-va, chúng ta ăn mặc đứng đắn khi đến các buổi họp của hội thánh. Điều này cũng đúng khi chúng ta nhóm lại đông đảo tại các hội nghị và đại hội. Quần áo của chúng ta phải gọn ghẽ và chỉnh tề. Đây là cách làm chứng với những người quan sát chúng ta. Ngay cả các thiên sứ cũng chú ý đến các việc làm của chúng ta như họ đã làm thế đối với Phao-lô và các anh em tín đồ Đấng Christ. (1 Cô-rinh-tô 4:9) Thật thế, chúng ta nên luôn phục sức đứng đắn. Đối với một số người, trung tín trong việc lựa chọn trang phục dường như là chuyện nhỏ, nhưng trước mắt Đức Chúa Trời đó là chuyện quan trọng.
Được ân phước nhờ lòng trung tín
18, 19. Lòng trung tín mang lại những ân phước nào?
18 Tín đồ Đấng Christ chân chính được nói đến như “người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời”. Họ làm được như thế “nhờ sức Đức Chúa Trời ban”. (1 Phi-e-rơ 4:10, 11) Ngoài ra, là những người quản lý, chúng ta được tín nhiệm giao cho những điều không thuộc về mình—các thứ ơn của Đức Chúa Trời, bao gồm thánh chức rao giảng. Để chứng tỏ là những người quản lý tốt, chúng ta nương cậy nơi “quyền-phép lớn” vượt quá mức bình thường do Đức Chúa Trời ban. (2 Cô-rinh-tô 4:7) Quả là một cách hữu hiệu để rèn luyện chúng ta hầu đối phó với bất cứ thử thách nào có thể xảy ra trong tương lai!
19 Người viết Thi-thiên hát: “Hỡi các thánh của Đức Giê-hô-va, hãy yêu-mến Ngài. Đức Giê-hô-va gìn-giữ những người thành-tín”. (Thi-thiên 31:23) Chúng ta hãy quyết tâm chứng tỏ mình trung tín, hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va là “Cứu-Chúa của mọi người, mà nhứt là của tín-đồ [“người trung thành”, NW]”.—1 Ti-mô-thê 4:10.
Bạn có nhớ không?
• Tại sao chúng ta nên “trung-tín trong việc rất nhỏ”?
• Làm thế nào chúng ta chứng tỏ mình trung tín:
về tính lương thiện?
trong thánh chức?
trong việc giữ mình tách biệt khỏi thế gian?
[Hình nơi trang 26]
Trung tín trong việc nhỏ, cũng trung tín trong việc lớn
[Hình nơi trang 29]
Hãy ‘ăn-ở lương thiện trong mọi sự’
[Hình nơi trang 29]
Một cách tốt để tỏ lòng trung tín là chuẩn bị kỹ cho thánh chức
[Hình nơi trang 30]
Hãy khiêm tốn trong cách ăn mặc và trang sức