Hạnh phúc đời đời chờ đón những người ban cho theo cách của Đức Chúa Trời
“Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (GIĂNG 3:16).
1, 2. a) Ai là Đấng Ban cho lớn nhất, và Ngài ban cho nhân loại món quà lớn nhất nào? b) Khi ban cho món quà lớn nhất, Đức Chúa Trời biểu lộ đức tính nào?
GIÊ-HÔ-VA ĐỨC CHÚA TRỜI là Đấng Ban cho lớn nhất. Môn đồ Gia-cơ viết về Ngài là Đấng Tạo hóa của trời và đất: “Mọi ân-điển tốt-lành, cùng sự ban-cho trọn-vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng-láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào” (Gia-cơ 1:17). Đức Giê-hô-va cũng là Đấng Ban cho món quà lớn nhất trong tất cả các món quà. Kinh-thánh nói về món quà lớn nhất này mà Ngài đã ban cho nhân loại: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
2 Đấng nói ra những lời này không ai khác hơn là chính Con một của Đức Chúa Trời. Con một của một người Cha đương nhiên quí trọng và yêu thương vị cha đầy yêu thương đó như là nguồn của sự sống và của tất cả những gì mà người cha đó cung cấp để cho con hưởng sự sống. Nhưng tình yêu thương của Đức Chúa Trời không chỉ dành cho Con một này của Ngài mà thôi. Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương đến một mức độ phi thường khi Ngài ban món quà như thế cho các tạo vật khác của Ngài. (So sánh Rô-ma 5:8-10). Tình yêu thương này càng rõ rệt hơn nữa khi chúng ta xem xét chữ “ban cho” thật sự có nghĩa gì trong bối cảnh này.
Đức Chúa Trời ban cho “Con rất yêu-dấu Ngài”
3. Ngoài “Con rất yêu-dấu Ngài”, ai khác cũng hưởng được tình yêu thương của Cha trên trời?
3 Trong một thời kỳ không xác định, Đức Chúa Trời vui thích sự kết hợp mật thiết riêng với Con một này—“Con rất yêu-dấu Ngài”—ở trên trời (Cô-lô-se 1:13). Trong suốt thời kỳ đó, Cha và Con gia tăng tình yêu thương và trìu mến lẫn nhau nhiều đến độ không ai khác có thể yêu thương lẫn nhau giống như vậy. Nhờ Con một của Ngài, Đức Chúa Trời làm ra các tạo vật khác và họ cũng được yêu thương với tư cách thành viên của gia đình Đức Giê-hô-va ở trên trời. Như vậy tình yêu thương bao trùm toàn thể gia đình của Đức Chúa Trời. Kinh-thánh ghi lại rất đúng: “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” (I Giăng 4:8). Do đó, gia đình thượng giới của Đức Chúa Trời gồm có những tạo vật mà Cha Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem lòng yêu thương.
4. Việc Đức Chúa Trời ban cho Con Ngài liên quan đến việc mất mát mối quan hệ riêng với Con Ngài như thế nào, và vì ai?
4 Mối quan hệ giữa Đức Giê-hô-va và Con đầu lòng của Ngài mật thiết đến độ nếu mất đi sự quan hệ mật thiết đó thì là cả một sự mất mát lớn lao vô cùng (Cô-lô-se 1:15). Tuy nhiên, đối với Đức Chúa Trời, việc Ngài “ban cho” Con một của Ngài có nghĩa nhiều hơn là chỉ mất đi sự quan hệ mật thiết với “Con rất yêu-dấu Ngài”. Sự ban cho đó còn đi đến độ Đức Giê-hô-va cho phép Con Ngài chịu chết và như vậy tạm thời không còn hiện hữu trong gia đình vũ trụ của Đức Chúa Trời nữa. Sự chết đó là để cứu vớt những người chưa bao giờ thuộc về gia đình Đức Chúa Trời. Không có sự ban cho nào của Đức Chúa Trời lại có thể lớn hơn việc Ngài ban Con một của Ngài cho nhân loại đang cần được giải cứu, và Kinh-thánh cũng nhận diện Con một ấy là “Đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời” (Khải-huyền 3:14).
5. a) Con cháu của A-đam ở trong cảnh ngộ bi đát nào, và công lý Đức Chúa Trời đòi hỏi một trong các con trung thành của Ngài phải làm gì? b) Điều gì đòi hỏi chính nơi Đức Chúa Trời khi Ngài ban cho món quà lớn nhất?
5 Cặp vợ chồng đầu tiên là A-đam và Ê-va không giữ nổi cương vị của họ như là người thuộc gia đình Đức Chúa Trời. Đây là trạng thái mà họ thấy họ không còn thuộc về gia đình Đức Chúa Trời sau khi bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen vì đã phạm tội đối với Đức Chúa Trời. Không những họ không còn thuộc về gia đình của Đức Chúa Trời nữa, mà họ lại còn nhận bản án tử hình. Do đó, vấn đề không những là đưa con cháu của họ trở lại ân huệ được thuộc về gia đình Đức Chúa Trời mà lại còn cứu họ khỏi bản án tử hình của Đức Chúa Trời nữa. Theo sự thực thi công lý của Đức Chúa Trời thì một trong các con trung thành của Giê-hô-va Đức Chúa Trời phải chịu thế mạng hoặc làm giá chuộc. Bởi vậy, vấn đề trọng đại là: Người được chọn sẽ sẵn lòng chịu chết thay nhân loại tội lỗi không? Hơn nữa, thực hiện điều này đòi hỏi Đức Chúa Trời Toàn năng làm một phép lạ, và cũng đòi hỏi Đức Chúa Trời biểu lộ tình yêu thương bao la vô bờ bến của Ngài (Rô-ma 8:32).
6. Làm sao Con của Đức Chúa Trời có thể đáp ứng nổi những nhu cầu đặc biệt của tình trạng liên quan đến nhân loại tội lỗi, và ngài nói gì về điều này?
6 Chỉ có Con đầu lòng của Đức Chúa Trời mới có thể đáp ứng nổi những nhu cầu đặc biệt của nhân loại tội lỗi. Ngài là hình ảnh của Cha trên trời trong việc bày tỏ tình yêu thương đối với gia đình thượng giới của Đức Chúa Trời nhiều đến độ không có ai trong vòng các con của Đức Chúa Trời bì kịp ngài. Bởi vì chính ngài là công cụ để tạo ra tất cả mọi tạo vật thông minh khác, chắc chắn ngài yêu mến họ tràn trề. Hơn nữa, tình yêu thương là đức tính chính của Giê-su Christ, Con một của Đức Chúa Trời, bởi vì “Con là sự chói-sáng của sự vinh-hiển Đức Chúa Trời và hình-bóng của bổn-thể Ngài” (Hê-bơ-rơ 1:3). Để chứng tỏ ngài sẵn lòng biểu lộ tình yêu thương này đến mức độ cao nhất bằng cách phó sự sống của ngài cho nhân loại tội lỗi, Giê-su nói với 12 sứ đồ: “Con người đã đến không phải để người ta hầu việc mình, song để hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc cho nhiều người”. (Mác 10:45; cũng xem Giăng 15:13).
7, 8. a) Đức Giê-hô-va có động lực nào khi phái Giê-su Christ xuống thế gian loài người? b) Đức Chúa Trời phái Con một của Ngài xuống đất để thi hành loại sứ mạng nào?
7 Giê-hô-va Đức Chúa Trời có một lý do đặc biệt để phái Giê-su xuống thế giới loài người khốn khổ này. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời thúc đẩy Ngài làm điều này, vì chính Giê-su nói: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời. Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế-gian, chẳng phải để đoán-xét thế-gian đâu, nhưng hầu cho thế-gian nhờ Con ấy mà được cứu” (Giăng 3:16, 17).
8 Đức Giê-hô-va đầy yêu thương phái Con Ngài đến với một sứ mạng cứu chuộc. Đức Chúa Trời không phái Con Ngài xuống đặng xét đoán thế gian. Nếu Con Đức Chúa Trời xuống đây với sứ mạng xét đoán thì tương lai của toàn thể nhân loại có lẽ chỉ là vô vọng. Bản án nghiêm khắc của Giê-su Christ hẳn phải là bản án tử hình cho gia đình nhân loại (Rô-ma 5:12). Vậy qua sự biểu lộ độc nhất về tình yêu thương của Ngài, Đức Chúa Trời xóa bỏ bản án tử hình mà công lý đòi hỏi.
9. Người viết Thi-thiên nghĩ thế nào về sự ban cho của Đức Giê-hô-va?
9 Trong mọi sự, Giê-hô-va Đức Chúa Trời bày tỏ và thể hiện tình yêu thương. Và đó là khía cạnh đặc sắc nhất trong cá tính của Ngài. Ngoài ra, người ta có thể nói một cách chính đáng rằng Đức Chúa Trời đầy yêu thương ban cho những người trung thành thờ phượng Ngài trên đất dư dật những điều tốt lành. Người viết Thi-thiên Đa-vít nghĩ như thế khi ông thưa cùng Đức Chúa Trời: “Sự nhơn-từ Chúa, mà Chúa đã dành cho người kính-sợ Chúa, và thi-hành trước mặt con-cái loài người cho những kẻ nương-náu mình nơi Chúa, thật lớn-lao thay!” (Thi-thiên 31:19). Trong thời vua Đa-vít cai trị dân Y-sơ-ra-ên—đúng thế, suốt đời ông là một người thuộc nước Y-sơ-ra-ên mà Đức Chúa Trời chọn một cách đặc biệt—ông thường hưởng được sự nhân từ của Đức Giê-hô-va. Và Đa-vít nhận thấy sự nhân từ của Ngài quá dư dật.
Dân Y-sơ-ra-ên mất món quà lớn mà Đức Chúa Trời ban cho
10. Tại sao dân Y-sơ-ra-ên xưa không giống như bất cứ dân nào khác trên đất?
10 Có được Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của họ, dân Y-sơ-ra-ên xưa khác với mọi dân khác trên đất. Qua nhà tiên tri Môi-se trong vai trò người trung bảo, Đức Giê-hô-va đưa dòng dõi của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp vào trong một mối liên lạc bằng giao ước với chính Ngài. Ngài đã chưa từng đối xử với bất cứ dân nào khác theo cách đó. Do đó, người viết Thi-thiên được soi dẫn có thể nói: “Ngài truyền lời mình cho Gia-cốp, luật-lệ mà mạng-lịnh mình cho Y-sơ-ra-ên. Ngài chẳng hề làm như vậy cho dân nào khác; chúng nó không có biết mạng-lịnh của Ngài. Ha-lê-lu-gia!” (Thi-thiên 147:19, 20).
11. Dân Y-sơ-ra-ên có vị thế được Đức Chúa Trời ưa chuộng cho đến khi nào, và Giê-su bày tỏ sự thay đổi ra sao trong mối liên hệ của họ?
11 Dân Y-sơ-ra-ên về phần xác tiếp tục ở trong mối liên hệ quí báu này với Đức Chúa Trời cho đến khi họ phủ nhận Giê-su Christ là đấng Mê-si vào năm 33 công nguyên. Quả thật, đó là ngày sầu thảm cho dân Y-sơ-ra-ên khi Giê-su buồn bã than thở: “Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên-tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm-họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng! Nầy, nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:37, 38). Những lời của Giê-su cho thấy dân Y-sơ-ra-ên dù trước đó được Đức Giê-hô-va ưa chuộng nhưng lại bỏ mất cơ hội để nhận món quà đặc biệt mà Đức Chúa Trời ban cho. Sao lại như thế?
12. Ai là “các con của Giê-ru-sa-lem”, và sự kiện Giê-su muốn nhóm họ lại có nghĩa gì?
12 Bằng cách dùng chữ “các con”, Giê-su chỉ ngụ ý nói về những người Do-thái được cắt bì về phần xác. Họ sống tại Giê-ru-sa-lem và đại diện cho cả dân Y-sơ-ra-ên. Nhóm lại “các con của Giê-ru-sa-lem” có nghĩa là Giê-su phải đưa “các con” đó vào trong một giao ước mới với Đức Chúa Trời. Chính Giê-su đóng vai trò đấng Trung bảo giữa Đức Giê-hô-va và những người Do-thái về phần xác đó (Giê-rê-mi 31:31-34). Kết cuộc, họ hẳn được tha tội vì nhờ Đức Chúa Trời nới rộng tình yêu thương của Ngài. (So sánh Ma-la-chi 1:2). Món quà đó hẳn phải lớn lắm.
13. Việc dân Y-sơ-ra-ên phủ nhận Con Đức Chúa Trời dẫn đến sự mất mát nào, nhưng tại sao niềm vui của Đức Giê-hô-va không giảm bớt đi?
13 Phù hợp với Lời có tính cách tiên tri của Ngài, Đức Giê-hô-va chờ đợi một thời gian vừa phải trước khi ban món quà cho những người không phải là Do-thái để họ trở thành những người dự phần trong giao ước mới. Bởi lẽ họ đã phủ nhận Con Đức Chúa Trời, không xem ngài là đấng Mê-si, dân Y-sơ-ra-ên về phần xác đánh mất cơ hội nhận được món quà lớn này. Do đó Đức Giê-hô-va phản ứng bằng cách trao món quà cho những người không phải là dân Do-thái. Bằng cách này Đức Giê-hô-va vẫn tiếp tục vui mừng làm Đấng Ban cho Lớn.
Hạnh phúc của sự ban cho
14. Tại sao Giê-su Christ là tạo vật hạnh phúc nhất trong khắp vũ trụ?
14 Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời hạnh-phước” (I Ti-mô-thê 1:11). Ban cho người khác là một điều làm cho Ngài thấy hạnh phúc. Ngoài ra, vào thế kỷ thứ nhất, Con một của Ngài nói: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Phù hợp với nguyên tắc này, Giê-su đã trở thành tạo vật hạnh phúc nhất của Đấng Tạo hóa của cả vũ trụ. Như vậy là thế nào? Ngoài Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Giê-su Christ đã ban cho món quà lớn hơn hết bằng cách phó sự sống của ngài cho nhân loại. Thật thế, ngài là “Đấng Chủ-tể hạnh-phước” (I Ti-mô-thê 6:15). Vậy Giê-su làm gương cho điều ngài nói về sự ban cho đem lại niềm hạnh phúc lớn hơn.
15. Đức Giê-hô-va sẽ không ngừng làm gương về điều gì, và các tạo vật thông minh của Ngài có thể có được phần nào hạnh phúc của Ngài ra sao?
15 Qua Giê-su Christ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ luôn luôn làm Đấng Ban cho rộng lượng đối với tất cả các tạo vật thông minh của Ngài và sẽ mãi mãi là gương mẫu tốt nhất về sự ban cho. Bởi lẽ chính Ngài thấy thích thú trong việc ban quà tốt lành cho người khác, Ngài cũng đặt tinh thần rộng lượng vào lòng các tạo vật thông minh của Ngài ở trên đất. Bằng cách đó họ phản ảnh và bắt chước cá tính của Ngài và có được phần nào hạnh phúc của Ngài (Sáng-thế Ký 1:26; Ê-phê-sô 5:1). Thật thích hợp thay khi Giê-su nói với môn đồ: “Hãy cho, người sẽ cho mình; họ sẽ lấy đấu lớn, nhận, lắc cho đầy tràn, mà nộp trong lòng các ngươi; vì các ngươi lường mực nào, thì họ cũng lường lại cho các ngươi mực ấy” (Lu-ca 6:38).
16. Giê-su ngụ ý nói đến sự ban cho nào nơi Lu-ca 6:38?
16 Giê-su nêu gương rất tốt cho các môn đồ của ngài bằng cách tập luyện sự ban cho đến khi thành thói quen. Ngài nói những người nhận lãnh sẽ hưởng ứng vui vẻ đối với sự ban cho như thế. Nơi Lu-ca 6:38, Giê-su không chỉ nói riêng về những món quà bằng vật chất. Ngài không có nói với môn đồ theo đuổi một nếp sống khiến họ trở thành những người túng thiếu về vật chất. Thay vì thế, ngài chỉ dẫn họ một nếp sống đem lại sự mãn nguyện về thiêng liêng.
Bảo đảm hạnh phúc đời đời
17. Đức Chúa Trời ban món quà kỳ diệu nào cho các Nhân-chứng của Ngài trong những ngày sau rốt này?
17 Thật là một món quà kỳ diệu mà Đức Giê-hô-va là Đấng Cai quản toàn thể sự sáng tạo ban cho các Nhân-chứng của Ngài trong những ngày sau rốt này! Ngài cho chúng ta tin mừng về Nước Trời. Chúng ta có đặc ân lớn được làm những người tuyên bố về Nước Đức Chúa Trời đã thành lập. Nước này nằm trong tay của Con Ngài hiện đang cai trị là Giê-su Christ (Ma-thi-ơ 24:14; Mác 13:10). Được làm Nhân-chứng để nói về Đức Chúa Trời Chí Cao là một món quà quí báu vô cùng, và cách tốt nhất mà chúng ta có thể thực hành sự ban cho trong việc bắt chước Đức Chúa Trời là chia xẻ thông điệp Nước Trời với người khác trước khi sự cuối cùng của hệ thống gian ác này đến.
18. Là Nhân-chứng Giê-hô-va, chúng ta phải đem điều gì đến cho người khác?
18 Sứ đồ Phao-lô nhắc đến những sự gian khổ mà ông đã chịu đựng để rao báo thông điệp Nước Trời cho người khác (II Cô-rinh-tô 11:23-27). Các Nhân-chứng thời nay của Đức Giê-hô-va cũng chịu những sự gian khổ và gác lại một bên những sở thích riêng của họ nhằm cố gắng đem hy vọng Nước Trời đến những người khác. Chúng ta có lẽ không thấy hứng thú đi gõ cửa nhà người khác, nhất là nếu chúng ta nhút nhát. Nhưng là môn đồ của đấng Christ, chúng ta không thể trốn tránh đặc ân đem những điều thiêng liêng đến cho người khác bằng cách rao giảng “tin-lành nầy về nước Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 24:14). Chúng ta cần có thái độ giống như Giê-su. Khi sắp phải chết, ngài cầu nguyện: “Cha ơi!... xin...không theo ý-muốn Con, mà theo ý-muốn Cha” (Ma-thi-ơ 26:39). Trong việc đem tin mừng về Nước Trời đến cho những người khác, các tôi tớ của Đức Giê-hô-va phải làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, chứ không phải ý muốn của họ. Điều này có nghĩa là họ làm điều Ngài muốn chứ không phải điều họ muốn.
19. Chủ của “nhà đời đời” là ai, và chúng ta có thể làm bạn với họ như thế nào?
19 Đem tin mừng đến cho người khác đòi hỏi thì giờ và tài sản của chúng ta nhưng nhờ làm người ban cho theo cách của Đức Chúa Trời, chúng ta chắc chắn rằng hạnh phúc của mình sẽ được lâu dài. Tại sao? Bởi vì Giê-su nói: “Hãy dùng của bất-nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi, họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời” (Lu-ca 16:9). Chúng ta nên đặt mục tiêu dùng “của bất-nghĩa” để làm bạn với hai Đấng có “nhà đời đời”. Là Đấng Tạo hóa, Đức Giê-hô-va làm Chủ mọi thứ và Con đầu lòng của Ngài cùng chia xẻ quyền làm chủ đó với tư cách là đấng Thừa kế mọi sự (Thi-thiên 50:10-12; Hê-bơ-rơ 1:1, 2). Để làm bạn với họ, chúng ta phải dùng của cải theo cách mà họ chấp nhận. Điều này bao gồm việc có thái độ đúng khi dùng của cải vật chất để giúp người khác. (So sánh Ma-thi-ơ 6:3, 4; II Cô-rinh-tô 9:7). Chúng ta có thể dùng tiền bạc đúng cách để thắt chặt tình bạn với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ. Chẳng hạn, chúng ta dùng những gì chúng ta có để giúp những người thật sự túng thiếu và dùng tài sản của chúng ta để đẩy mạnh công việc của Nước Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 19:17; Ma-thi-ơ 6:33).
20. a) Tại sao Đức Giê-hô-va và Giê-su có thể dẫn chúng ta vào “nhà đời đời”, và “nhà” đó có thể ở đâu? b) Chúng ta sẽ hưởng được đặc ân nào trong suốt tương lai vô tận?
20 Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ là hai vị bất tử, họ có thể làm bạn mãi mãi với chúng ta và dẫn chúng ta vào “nhà đời đời”. Điều này đúng như thế dù “nhà” đó ở trên trời với tất cả các thiên sứ thánh hoặc ở trên trái đất trở thành Địa-đàng (Lu-ca 23:43). Tất cả những điều này có thể có được nhờ Đức Chúa Trời ban món quà đầy yêu thương là Giê-su Christ cho chúng ta (Giăng 3:16). Ngoài ra, Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ dùng Giê-su để tiếp tục phân phát sự ban cho đến toàn thể sự sáng tạo. Điều này sẽ đem lại cho Ngài một niềm hạnh phúc đặc biệt. Thật thế, trong suốt tương lai vô tận chính chúng ta cũng sẽ có đặc ân được ban cho người khác dưới sự thống trị hoàn vũ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và dưới triều đại trị vì của Con một của Ngài là Giê-su Christ tức Chúa và Cứu Chúa của chúng ta. Điều này sẽ đem lại hạnh phúc đời đời cho tất cả những người ban cho theo cách của Đức Chúa Trời.
Bạn có nhớ không?
◻ Điều gì đòi hỏi nơi Đức Chúa Trời khi Ngài ban cho món quà lớn nhất?
◻ Đức Chúa Trời phái Con Ngài xuống đất thi hành loại sứ mạng nào?
◻ Tạo vật nào hạnh phúc nhất trong khắp vũ trụ, và tại sao?
◻ Những người ban cho theo cách của Đức Chúa Trời sẽ hưởng được hạnh phúc đời đời như thế nào?
[Hình nơi trang 10]
Bạn có biết ơn việc Đức Chúa Trời ban Con của Ngài để hy sinh làm giá chuộc không?
[Hình nơi trang 12]
Bạn có trước hết tìm kiếm Nước Đức Chúa Trời bằng cách rao giảng tin mừng và giúp đỡ công việc đó bằng cách tài trợ tùy theo khả năng của mình không?