‘Điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm’
DO GEORGE COUCH KỂ LẠI
Sau buổi sáng rao giảng từ nhà này sang nhà kia, anh bạn tôi lấy ra hai cặp bánh mì. Khi chúng tôi ăn xong, thì tôi lấy một điếu thuốc ra hút. Anh ấy hỏi: “Anh đã ở trong lẽ thật bao lâu rồi?” Tôi đáp: “Tôi dự nhóm họp lần đầu tiên tối hôm qua”.
TÔI sinh ngày 3-3-1917, ở một nông trại khoảng 50 kilômét về phía đông của Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ, gần thị trấn Avonmore. Ở đó cha mẹ nuôi dưỡng sáu người con: ba anh, một em trai, một chị, và tôi.
Chúng tôi không được giáo dục nhiều về tôn giáo. Có một thời cha mẹ đi nhà thờ, nhưng cha mẹ đã ngừng khi chúng tôi còn nhỏ. Tuy vậy, chúng tôi tin nơi Đấng Tạo Hóa, và gia đình chúng tôi sống theo các nguyên tắc căn bản trong Kinh-thánh.
Điều tốt nhất tôi học được nơi cha mẹ là tinh thần trách nhiệm—đảm nhận và làm tròn trách nhiệm. Đời sống nông trại chủ yếu là thế. Nhưng đời sống chúng tôi không phải chỉ toàn làm việc. Chúng tôi thưởng thức các trò giải trí lành mạnh, như chơi bóng rổ và bóng chày, cưỡi ngựa, và bơi lội. Trong thời đó, tiền bạc khó kiếm, tuy nhiên đời sống ở nông trại lại vui thú. Ở bậc tiểu học, chúng tôi học ở ngôi trường một phòng, và khi lên trung học thì đi học trường ở phố.
Một đêm nọ tôi đang đi ngoài phố với một người bạn. Một cô gái xinh đẹp nọ bước ra khỏi nhà và chào bạn tôi. Anh ấy giới thiệu tôi với Fern Prugh. Điều tiện là nhà cô ấy ở ngay trên đường tôi đi đến trường. Thường khi tôi đi ngang qua nhà, thì Fern làm việc vặt ở ngoài sân. Hiển nhiên, cô là một người chăm chỉ, điều này cho tôi một ấn tượng tốt. Dần dần trở thành bạn thân và yêu nhau, chúng tôi kết hôn vào tháng 4-1936.
Tiếp xúc với lẽ thật
Trước khi tôi sinh ra, có một bà cụ bị những người trong thị trấn ngược đãi vì tôn giáo của bà. Mẹ tôi ghé thăm bà vào những ngày Thứ Bảy khi đi mua sắm dưới phố. Mẹ dọn dẹp nhà bà và giúp bà làm những công việc vặt cho đến khi bà chết. Tôi tin rằng Đức Giê-hô-va đã ban phước cho mẹ vì rất tử tế với bà cụ này, một Học Viên Kinh-thánh, là tên gọi của Nhân-chứng Giê-hô-va thời đó.
Ít lâu sau đó, người con gái trẻ tuổi của bác gái tôi chết thình lình. Nhà thờ của bác không cho bác niềm an ủi nào đáng kể, nhưng một người đàn bà láng giềng, một Học Viên Kinh-thánh, đã an ủi bác, giải thích cho bác biết điều gì xảy ra khi một người chết (Gióp 14:13-15; Truyền-đạo 9:5, 10). Điều này là một nguồn an ủi lớn. Rồi thì, bác nói lại với mẹ tôi về hy vọng sống lại. Điều này khơi dậy sự chú ý của mẹ, bởi lẽ ông bà tôi chết khi mẹ còn trẻ và mẹ nôn nóng muốn biết điều gì xảy ra khi một người chết. Kinh nghiệm đó khắc trong trí nhớ tôi tầm quan trọng của việc luôn luôn tận dụng cơ hội để làm chứng bán chính thức.
Vào thập niên 1930, mẹ bắt đầu nghe những bài phát thanh vào sáng Chủ Nhật của anh Joseph F. Rutherford, lúc đó là chủ tịch Hội Tháp Canh. Trong những năm đó, các Nhân-chứng cũng bắt đầu rao giảng từ nhà này sang nhà kia nơi chúng tôi sống. Họ thường đặt một máy hát đĩa xách tay dưới bóng cây ở sân nhà tôi và mở những bài giảng ghi âm của anh Rutherford. Những bài ghi âm đó và các tạp chí Tháp Canh và Golden Age (nay là Awake!) giúp mẹ tiếp tục chú ý.
Vài năm sau, vào năm 1938, một bưu thiếp được gửi đến những người nhận tạp chí Tháp Canh dài hạn, mời họ dự một buổi họp đặc biệt tại tư gia cách đó khoảng 25 kilômét. Vì mẹ muốn đi dự, cho nên tôi và Fern cùng hai người anh đi theo mẹ. Khoảng mười hai người chúng tôi nghe các bài diễn giảng của hai anh John Booth và Charles Hessler, hai giám thị lưu động của Nhân-chứng Giê-hô-va. Sau đó, họ bắt đầu tổ chức một nhóm để tham gia thánh chức sáng hôm sau. Không ai tình nguyện đi với họ, cho nên anh Hessler chọn tôi và hỏi: “Sao anh không đi với chúng tôi?” Tôi thật sự không biết họ sẽ làm gì, nhưng không thấy có lý do từ chối.
Chúng tôi đi từ nhà này sang nhà kia cho đến trưa, rồi thì anh Hessler lấy ra hai cặp bánh mì. Chúng tôi ngồi xuống trên thềm của một nhà thờ và bắt đầu ăn. Sau khi tôi lấy điếu thuốc đó ra, thì lúc ấy anh Hessler biết được tôi chỉ mới dự có một buổi họp. Anh theo tôi về nhà để dùng bữa ăn tối ngay chiều hôm đó và yêu cầu chúng tôi mời những người hàng xóm đến thảo luận Kinh-thánh. Sau bữa ăn tối, anh tổ chức một buổi học Kinh-thánh với chúng tôi và nói một bài giảng trước một nhóm độ mười người đến dự. Anh nói chúng tôi nên có một buổi học Kinh-thánh mỗi tuần. Mặc dù các người hàng xóm không ưng thuận, tôi và Fern thu xếp để có một buổi học hỏi Kinh-thánh hàng tuần tại nhà.
Tiến bộ trong lẽ thật
Không lâu sau đó, tôi và Fern tham gia thánh chức rao giảng. Chúng tôi ngồi đằng sau xe, và khi chúng tôi vừa mới châm lửa hút thuốc thì anh tôi quay lại nói: “Anh mới biết được là các Nhân-chứng không hút thuốc”. Ngay lập tức, Fern ném điếu thuốc ra ngoài cửa xe—tôi hút hết điếu của mình. Dù thích hút thuốc, chúng tôi không hề cầm đến một điếu thuốc lần nữa.
Sau khi làm báp têm vào năm 1940, tôi và Fern có mặt tại một buổi họp, nơi đó chúng tôi được học một bài khuyến khích công việc tiên phong, là tên gọi của công việc rao giảng trọn thời gian. Trên đường về, một anh hỏi: “Tại sao anh và Fern không làm tiên phong? Không có điều gì cản trở hai anh chị cả”. Chúng tôi không thể không đồng ý với anh, cho nên chúng tôi tình nguyện. Tôi báo cho hãng biết trước 30 ngày là sẽ nghỉ việc, và tôi thu xếp để làm tiên phong.
Chúng tôi tham khảo ý kiến Hội Tháp Canh về nơi chúng tôi nên phục vụ, rồi chúng tôi di chuyển đến Baltimore, tiểu bang Maryland. Nơi đó có một nhà cho những người tiên phong, và tiền trọ là 10 Mỹ kim một tháng. Chúng tôi có một ít tiền dành dụm mà chúng tôi nghĩ sẽ đủ sống cho đến Ha-ma-ghê-đôn (Khải-huyền 16:14, 16). Xét cho cùng thì chúng tôi lúc nào cũng nghĩ là Ha-ma-ghê-đôn rất gần. Vì vậy, khi bắt đầu làm tiên phong, chúng tôi bán nhà và ngừng đeo đuổi mọi thứ khác.
Chúng tôi làm tiên phong ở Baltimore từ năm 1942 đến 1947. Công việc của Nhân-chứng Giê-hô-va bị chống đối dữ dội trong những năm đó. Thay vì lái xe đến nhà của người học hỏi Kinh-thánh, nhiều lúc chúng tôi nhờ một người khác lái xe đưa đến nhà người học Kinh-thánh. Bằng cách đó bánh xe của chúng tôi không bị người ta dùng dao rạch thủng. Không ai thích bị chống đối như thế, nhưng tôi có thể nói chúng tôi lúc nào cũng thích thú thánh chức rao giảng. Thật vậy, chúng tôi mong có được một ít hào hứng khi làm công việc của Chúa.
Không bao lâu, chúng tôi tiêu hết số tiền đã dành dụm. Bánh xe của chúng tôi đã mòn; quần áo và dày dép chúng tôi cũng thế. Có hai ba lần chúng tôi mắc bệnh lâu. Tiếp tục công việc không phải là điều dễ, nhưng chúng tôi không hề có ý nghĩ ngừng làm tiên phong. Chúng tôi cũng không hề nói đến điều đó. Chúng tôi giảm bớt những thứ khác trong đời sống, hầu có thể tiếp tục công việc tiên phong.
Nhiệm vụ thay đổi
Vào năm 1947 chúng tôi đi dự hội nghị tại Los Angeles, tiểu bang California. Trong lúc ở đó, anh tôi là William và tôi mỗi người nhận được một lá thư; chúng tôi được chỉ định làm công việc lưu động, viếng thăm và giúp các hội thánh. Vào thời đó, chúng tôi không được huấn luyện đặc biệt để làm công việc ấy, nhưng chúng tôi cứ đi. Trong bảy năm sau đó, tôi và Fern phục vụ ở các tiểu bang Ohio, Michigan, Indiana, Illinois, và New York. Năm 1954, chúng tôi được mời đi học khóa 24 của Trường Ga-la-át, trường đào tạo giáo sĩ. Khi ở đó, Fern mắc bệnh bại liệt. Mừng thay Fern hồi phục mau chóng, và chúng tôi được chỉ định làm công việc lưu động ở các tiểu bang New York và Connecticut.
Trong khi chúng tôi phục vụ ở Stamford, tiểu bang Connecticut, thì anh Nathan H. Knorr, lúc đó là chủ tịch Hội Tháp Canh, yêu cầu chúng tôi ở lại cuối tuần với anh và vợ anh là Audrey. Họ đãi chúng tôi một bữa cơm tối ngon miệng, có thịt bò và đủ các món phụ khác. Chúng tôi đã quen họ từ lúc trước, và tôi biết anh Knorr khá rõ, đủ để ý thức được rằng anh có ý gì đây, ngoài việc kết hợp và ăn tối với nhau. Một lúc sau anh hỏi tôi: “Anh có muốn đến phục vụ ở Bê-tên không?”
Tôi đáp: “Tôi không thật sự chắc chắn; tôi không biết gì nhiều về đời sống trong Bê-tên”.
Sau nhiều tuần suy nghĩ về điều này, chúng tôi cho anh Knorr biết chúng tôi sẽ nhận lời nếu anh ấy muốn. Tuần sau thì chúng tôi nhận được một thư báo phải có mặt tại Bê-tên vào ngày 27-4-1957, đúng ngày kỷ niệm lễ cưới thứ 21 của chúng tôi.
Ngày đầu tiên tại Bê-tên, anh Knorr cho tôi chỉ thị rõ ràng về những gì mong đợi nơi tôi. Anh nói: “Anh không còn là giám thị vòng quanh nữa; anh làm việc ở Bê-tên. Đây là công việc quan trọng nhất mà anh phải làm, và chúng tôi muốn anh dồn thì giờ và năng lực vào việc áp dụng sự huấn luyện anh nhận được nơi đây tại Bê-tên. Chúng tôi muốn anh ở lại đây”.
Đời sống có ý nghĩa tại Bê-tên
Trách nhiệm đầu tiên của tôi là làm trong Ban Tạp Chí và Bưu Phẩm. Khoảng ba năm sau, anh Knorr cho người gọi tôi đến văn phòng anh. Lúc đó anh cho tôi biết lý do thật sự tôi được mời vào Bê-tên là làm việc trong khu cư trú. Chỉ thị của anh rất thẳng thắn: “Anh có trách nhiệm quản lý khu cư trú của Bê-tên”.
Việc quản lý khu cư trú của Bê-tên nhắc tôi nhớ đến các bài học cha mẹ dạy khi tôi đang tuổi lớn lên ở nông trại. Khu cư trú của Bê-tên phần nhiều giống như nhà của một gia đình bình thường. Nào giặt quần áo, nào sửa soạn các bữa ăn, nào rửa chén bát, nào dọn chăn giường, v.v... Cách tổ chức chỗ ở cố tạo Bê-tên thành một nơi sống thoải mái, nơi mà một người có thể gọi là nhà của mình.
Tôi tin rằng những gia đình có thể rút ra nhiều bài học từ cách điều hành tại Bê-tên. Chúng tôi thức dậy từ sáng sớm và bắt đầu một ngày với các ý tưởng thiêng liêng, bằng cách xem xét câu Kinh-thánh mỗi ngày. Điều mong đợi ở chúng tôi là làm việc siêng năng, có một đời sống thăng bằng nhưng bận rộn. Bê-tên không giống như một tu viện, như một số người tưởng. Chúng tôi hoàn thành được nhiều việc nhờ lối sống có giờ giấc. Nhiều người đã nói rằng sự huấn luyện họ nhận được ở đây sau này giúp họ đảm đương các trách nhiệm trong gia đình và trong hội thánh đạo đấng Christ.
Những thanh niên nam nữ nào đến Bê-tên phục vụ có thể được chỉ định làm công việc lau chùi, giặt giũ, hoặc làm việc trong nhà máy. Thế gian có thể muốn chúng ta tin rằng công việc lao động chân tay như thế hạ thấp địa vị và dưới phẩm giá của mình. Song, những người trẻ sống tại Bê-tên ý thức được rằng các trách nhiệm như thế cần thiết để gia đình Bê-tên hoạt động đúng đắn và vui vẻ.
Thế gian có thể cũng đề xướng ý tưởng cho rằng ta cần địa vị và danh vọng mới thật hạnh phúc. Điều đó sai. Khi chúng ta hoàn thành trách nhiệm được giao phó, thì chúng ta đang làm ‘điều phải làm’, và chúng ta nhận được ân phước của Đức Giê-hô-va (Lu-ca 17:10). Chúng ta có thể mãn nguyện và hạnh phúc thật sự chỉ khi nào chúng ta nhớ mục đích của công việc mình—làm theo ý định của Đức Giê-hô-va và làm tăng tiến quyền lợi Nước Trời. Nếu nhớ điều đó, thì chúng ta có thể thích thú và thỏa mãn với bất cứ trách nhiệm nào.
Được đặc ân dự phần vào sự bành trướng
Tại hội nghị ở Cleveland, tiểu bang Ohio, vào năm 1942, hơn mười năm trước khi chúng tôi đến Bê-tên, anh Knorr nói một bài giảng có nhan đề “Hòa bình—Có thể tồn tại lâu dài không?” Anh chỉ rõ là Thế Chiến II, lúc đó còn đang tiếp diễn, sẽ chấm dứt và có một thời kỳ hòa bình, tạo cơ hội nới rộng cuộc vận động rao giảng. Trường Ga-la-át để đào tạo giáo sĩ và Trường Thánh Chức Thần Quyền để cải thiện khả năng nói trước công chúng của các anh được tổ chức vào năm 1943. Những hội nghị lớn cũng được tổ chức. Đặc biệt nổi bật trong thập niên 1950 là các hội nghị tại Vận Động Trường Yankee, tiểu bang New York. Trong các hội nghị tại đó vào năm 1950 và 1953, tôi có cơ hội giúp tổ chức một Thành Phố Xe Moóc khổng lồ, cung cấp chỗ ở cho hàng chục ngàn người trong tám ngày của mỗi hội nghị.
Sau các hội nghị đó, kể cả hội nghị đông nhất vào năm 1958, số người công bố về Nước Trời gia tăng mạnh. Điều này trực tiếp ảnh hưởng đến công việc của chúng tôi tại Bê-tên. Trong những năm cuối của thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, chúng tôi thấy thiếu rất nhiều chỗ và phòng ở cho các người làm việc. Để có đủ chỗ ở cho gia đình càng ngày càng tăng, chúng tôi phải có thêm phòng ngủ, nhà bếp, và phòng ăn.
Anh Knorr yêu cầu anh Max Larson, giám thị nhà máy, và tôi tìm kiếm một bất động sản thích hợp để chuẩn bị cho sự bành trướng ấy. Vào năm 1957, khi tôi đến nhà Bê-tên, gia đình chúng tôi có độ 500 người, ở trong một tòa nhà lớn. Nhưng qua nhiều năm, Hội mua ba khách sạn gần đó và sửa sang lại—Towers, Standish, và Bossert—cũng như nhiều tòa nhà nhỏ hơn. Vào năm 1986, Hội mua một khu bất động sản trước kia là địa điểm của khách sạn Margaret và biến đổi tòa nhà đẹp mới xây cất ở đó thành nơi ở cho khoảng 250 người. Rồi vào đầu thập niên 1990, một tòa nhà 30 tầng được xây cất, đủ cho thêm 1.000 người ở. Bê-tên tại Brooklyn nay có đủ chỗ ăn ở cho hơn 3.300 thành viên của gia đình.
Hội cũng mua đất ở Wallkill, tiểu bang New York, cách Bê-tên Brooklyn gần 160 kilômét. Qua nhiều năm, bắt đầu từ những năm cuối của thập niên 1960, Hội cho xây nhà ở và một xưởng ấn loát lớn tại đó. Hiện nay, có khoảng 1.200 thành viên của gia đình Bê-tên sống và làm việc tại đó. Vào năm 1980, Hội bắt đầu tìm một miếng đất rộng độ 250 hecta gần thành phố New York hơn và thuận tiện cho việc giao thông. Người nhân viên địa ốc cười và nói: “Quý vị tìm đâu ra được bất động sản loại đó? Không thể kiếm được đâu”. Nhưng sáng hôm sau, ông ấy gọi lại và nói: “Tôi đã tìm được bất động sản quý vị muốn”. Ngày nay, Trung Tâm Giáo Dục của Hội Tháp Canh tọa lạc trên bất động sản ấy ở Patterson, tiểu bang New York. Tại đấy có mở các lớp học và gia đình ở Patterson có hơn 1.300 thành viên.
Những bài học tôi đã học được
Tôi đã học được rằng một người giám thị tốt là người có thể khai thác những tin tức giá trị từ những người khác. Hầu hết những sáng kiến mà tôi, là người giám thị Bê-tên, có đặc ân đem ra thi hành, là của những người khác.
Khi tôi đến Bê-tên, có nhiều người lớn tuổi hơn, như tôi ngày nay vậy. Đa số nay đã khuất bóng rồi. Ai thế chỗ những người già đi và chết? Không phải lúc nào cũng là những người có nhiều khả năng nhất, nhưng là những người đã ở đây, phụng sự trung thành trong công việc của họ, tự nguyện hiến thân mình.
Một vấn đề quan trọng khác cần nhớ là giá trị của người vợ đảm đang. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của Fern, người vợ yêu dấu, tôi đã làm tròn những trách nhiệm thần quyền. Những người chồng có trách nhiệm phải chắc chắn rằng vợ của họ thích thú với công việc được giao phó. Tôi cố sắp đặt một điều nào đó mà tôi và Fern thích làm. Không bắt buộc phải là điều gì đắt tiền, chỉ cần thay đổi bầu không khí. Người chồng có trách nhiệm làm cho vợ mình vui. Thì giờ hai vợ chồng dành cho nhau rất quý và trôi qua nhanh chóng, cho nên chồng cần phải tận dụng nó.
Tôi vui mừng được sống trong những ngày cuối cùng mà Chúa Giê-su nói đến. Đây là thời kỳ lạ lùng nhất trong suốt lịch sử nhân loại. Chúng ta có thể quan sát và, bằng đôi mắt của đức tin, thấy cách Chúa phát triển tổ chức của ngài, nhằm sửa soạn cho thế giới mới Đức Chúa Trời đã hứa. Khi nhìn lại cuộc đời phụng sự Đức Giê-hô-va, tôi có thể thấy chính Đức Giê-hô-va đang điều hành tổ chức này—không phải người ta. Chúng ta chỉ là tôi tớ Ngài. Là tôi tớ, chúng ta phải luôn luôn trông chờ sự hướng dẫn của Ngài. Một khi Ngài đã định những gì chúng ta phải làm, thì chúng ta phải tuân theo và chung vai sát cánh với nhau mà làm.
Hiến thân mình cho tổ chức, thì bạn được bảo đảm một đời sống hạnh phúc, trọn vẹn. Bất cứ điều gì bạn đang làm—dù là làm tiên phong, công việc vòng quanh, làm người công bố phụng sự cùng với hội thánh, làm việc tại Bê-tên, hay làm giáo sĩ—hãy theo sự hướng dẫn đã đề ra, và quý trọng công việc được giao phó. Cố hết sức để vui thích mọi công việc và mỗi ngày làm việc trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va. Có lúc bạn sẽ mệt, và bạn có thể làm nhiều quá sức hoặc chán nản. Lúc đó là khi bạn phải nhớ mục tiêu của việc dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va. Đó là làm theo ý muốn Ngài, chứ không phải ý riêng của bạn.
Chưa từng có một ngày nào tôi đi làm mà lại không vui thích công việc. Tại sao? Bởi vì khi hết lòng hiến thân cho Đức Giê-hô-va, chúng tôi mãn nguyện vì biết rằng ‘điều chúng tôi đã làm là điều chắc phải làm’.
[Hình nơi trang 19]
Tiên phong ở Baltimore, 1946
[Hình nơi trang 19]
Tại Thành Phố Xe Moóc cùng với Fern vào năm 1950
[Hình nơi trang 19]
Ban Tạp Chí
[Hình nơi trang 19]
Thành Phố Xe Moóc, 1950
[Hình nơi trang 22]
Với Audrey và Nathan Knorr
[Hình nơi trang 23]
Trung Tâm Giáo Dục của Hội Tháp Canh ở Patterson, New York
[Hình nơi trang 24]
Với Fern ngày nay