CHƯƠNG 94
Cần phải cầu nguyện và khiêm nhường
MINH HỌA VỀ BÀ GÓA KIÊN TRÌ
NGƯỜI PHA-RI-SI VÀ NGƯỜI THU THUẾ
Trước đó, Chúa Giê-su đã kể cho các môn đồ minh họa về việc kiên trì cầu nguyện (Lu-ca 11:5-13). Có lẽ lúc này ngài đang ở Sa-ma-ri hoặc Ga-li-lê; một lần nữa ngài nhấn mạnh việc phải bền lòng cầu nguyện. Ngài làm thế bằng cách kể một minh họa khác.
“Trong thành nọ có một quan tòa không kính sợ Đức Chúa Trời, cũng không nể người ta. Tại thành đó cũng có một góa phụ cứ đến gặp ông và thưa: ‘Xin ngài xét xử công minh giữa tôi và đối phương’. Một thời gian ông không muốn giúp bà, nhưng sau đó ông nghĩ: ‘Dù ta không kính sợ Đức Chúa Trời và cũng không nể ai, nhưng vì góa phụ này cứ làm phiền ta nên ta sẽ thực thi công lý cho bà, kẻo bà cứ đến và kêu nài làm ta mệt mỏi’”.—Lu-ca 18:2-5.
Chúa Giê-su áp dụng minh họa này bằng cách nói: “Anh em có nghe lời quan tòa không công chính ấy nói chăng? Vậy lẽ nào Đức Chúa Trời không thực thi công lý cho những người được chọn của ngài, là những người ngày đêm kêu van ngài, trong khi ngài kiên nhẫn với họ?” (Lu-ca 18:6, 7). Chúa Giê-su muốn cho thấy điều gì về Cha ngài?
Chắc chắn Chúa Giê-su không có ý nói Đức Giê-hô-va giống như vị quan tòa không công chính ấy. Thay vì thế, ngài cho thấy một sự tương phản: Ngay cả vị quan tòa là người không công chính mà còn đáp lời cầu xin không ngừng thì huống chi là Đức Chúa Trời. Ngài là đấng công chính và nhân từ nên sẽ đáp lời nếu dân ngài không ngừng cầu nguyện. Chúng ta có thể thấy điều này qua những gì Chúa Giê-su nói: “Tôi nói với anh em, [Đức Chúa Trời] sẽ nhanh chóng thực thi công lý cho họ”.—Lu-ca 18:8.
Người nghèo và thấp hèn thường không được đối xử công bằng, trong khi người giàu và có chức quyền thì thường được thiên vị. Nhưng đường lối của Đức Chúa Trời thì không như vậy. Vào đúng thời điểm, ngài sẽ trừng phạt kẻ gian ác và ban sự sống vĩnh cửu cho tôi tớ ngài.
Ai có đức tin giống như bà góa trong minh họa? Bao nhiêu người thật sự tin rằng Đức Chúa Trời “sẽ nhanh chóng thực thi công lý cho họ”? Chúa Giê-su vừa đưa ra minh họa về việc cần kiên trì cầu nguyện. Giờ đây, ngài nêu lên một câu hỏi liên quan đến đức tin nơi quyền lực của lời cầu nguyện. Chúa Giê-su hỏi: “Khi Con Người đến, ngài sẽ thật sự thấy đức tin như thế trên đất không?” (Lu-ca 18:8). Câu này hàm ý là sẽ không có nhiều người có đức tin như thế khi Đấng Ki-tô đến.
Trong số những người đang nghe Chúa Giê-su, một số người tự mãn là mình có đức tin mạnh. Họ cho mình là người công chính, và họ khinh bỉ người khác. Chúa Giê-su nói với họ minh họa sau:
“Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người Pha-ri-si và một người thu thuế. Người Pha-ri-si đứng cầu nguyện thầm rằng: ‘Lạy Đức Chúa Trời, con tạ ơn ngài vì con không như người khác, tống tiền, bất chính, ngoại tình, cũng không như tên thu thuế kia. Con kiêng ăn một tuần hai lần và nộp một phần mười mọi thứ con kiếm được’”.—Lu-ca 18:10-12.
Người Pha-ri-si được biết đến là người hay khoe khoang sự công chính ở nơi công cộng nhằm gây ấn tượng với người khác. Họ thường kiêng ăn vào thứ hai và thứ năm, là những ngày có rất đông người ở ngoài chợ, để nhiều người nhìn thấy. Thậm chí, họ còn cẩn thận nộp thuế một phần mười các loại rau nhỏ (Lu-ca 11:42). Cách đó vài tháng, họ tỏ ra khinh bỉ dân thường khi nói: “Lũ dân không biết Luật pháp này [theo quan điểm của người Pha-ri-si] thật đáng rủa”.—Giăng 7:49.
Chúa Giê-su kể tiếp: “Còn người thu thuế đang đứng đằng xa thì thậm chí không dám ngước mắt lên trời, nhưng cứ đấm ngực mà nói: ‘Lạy Đức Chúa Trời, xin thương xót con là kẻ tội lỗi’”. Thật vậy, người thu thuế khiêm nhường nhận biết thiếu sót của mình. Rồi Chúa Giê-su kết luận: “Tôi nói với anh em, người này trở về nhà được xem là công chính hơn người Pha-ri-si kia. Vì ai tự tôn mình lên sẽ bị hạ nhục, còn ai tự hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.—Lu-ca 18:13, 14.
Như vậy, Chúa Giê-su cho thấy rõ việc cần phải khiêm nhường. Lời khuyên ấy rất hữu ích đối với các môn đồ vì họ lớn lên trong một xã hội mà người Pha-ri-si luôn đề cao chức tước và địa vị. Đó cũng là lời khuyên quý giá dành cho tất cả những ai theo Chúa Giê-su.