Lời mời đầy yêu thương cho những người mệt mỏi
“Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ” (MA-THI-Ơ 11:28).
1. Giê-su thấy gì tại Ga-li-lê trong chuyến đi rao giảng lần thứ ba?
KHOẢNG đầu năm 32 công nguyên, Giê-su đi rao giảng lần thứ ba trong vùng Ga-li-lê. Ngài đi qua các thành phố và làng mạc, “dạy-dỗ trong các nhà hội, giảng tin-lành nước Đức Chúa Trời, và chữa lành các thứ tật-bịnh”. Trong khi ngài làm điều này, ngài thấy đám đông “thì động lòng thương-xót, vì họ cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:35, 36).
2. Giê-su giúp người ta như thế nào?
2 Tuy nhiên, Giê-su không phải chỉ cảm thấy thương xót đám đông mà thôi. Sau khi chỉ dẫn các môn đồ cầu nguyện “chủ mùa gặt”, tức Giê-hô-va Đức Chúa Trời, ngài còn sai họ đi giúp người ta nữa (Ma-thi-ơ 9:38; 10:1). Rồi chính ngài cam kết với người ta về cách để tìm được niềm an ủi và sự khuây khỏa thật sự. Ngài đưa ra cho họ lời mời làm ấm lòng này: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28, 29).
3. Tại sao lời mời của Giê-su vẫn còn có hấp lực vào thời nay?
3 Ngày nay chúng ta sống trong thời kỳ mà nhiều người cảm thấy lao khổ và bị gánh nặng (Rô-ma 8:22; II Ti-mô-thê 3:1). Đối với một số người, chỉ mỗi việc kiếm kế sinh nhai thôi đã tiêu phí nhiều thì giờ và năng lực của họ rồi, khiến họ chỉ còn lại ít thì giờ cho gia đình, bạn bè hoặc việc gì khác. Nhiều người bị nặng gánh vì bệnh nặng, đau khổ, chán nản và những vấn đề khác về tình cảm và thể xác. Vì cảm thấy bị áp lực, một số người cố tìm cách thoát ra bằng cách đắm mình vào việc mua vui, ăn uống, ngay cả lạm dụng ma túy nữa. Dĩ nhiên, điều này chỉ đẩy họ vào vòng lẩn quẩn, mang đến thêm nhiều vấn đề và áp lực hơn (Rô-ma 8:6). Rõ ràng, lời mời đầy yêu thương của Giê-su vẫn còn có hấp lực vào thời nay giống như là vào thời xưa vậy.
4. Để được lợi ích qua lời mời đầy yêu thương của Giê-su, chúng ta nên xem xét những câu hỏi nào?
4 Nhưng những người sống vào thời Giê-su phải chịu tình cảnh nào làm họ có vẻ “cùng-khốn, và tan-lạc”, khiến cho Giê-su động lòng thương xót họ? Họ phải mang những gánh nặng nào, và lời mời của Giê-su sẽ giúp họ như thế nào? Lời giải đáp cho những câu hỏi này có thể giúp chúng ta rất nhiều để nhận được lợi ích qua lời mời đầy yêu thương của Giê-su dành cho những người mệt mỏi.
Những người “mệt-mỏi và gánh nặng”
5. Tại sao sứ đồ Ma-thi-ơ là người thích hợp để kể lại sự kiện này trong thánh chức rao giảng của Giê-su?
5 Điều đáng chú ý là chỉ có Ma-thi-ơ kể lại sự kiện này trong thánh chức rao giảng của Giê-su. Ma-thi-ơ, cũng được biết đến là Lê-vi, đã từng là người thâu thuế nên biết rất rõ về một gánh nặng đặc biệt này mà người ta phải chịu (Ma-thi-ơ 9:9; Mác 2:14). Sách Daily Life in the Time of Jesus (Đời sống hằng ngày trong thời Giê-su) nói: “Thuế mà [người Do Thái phải] trả bằng tiền hoặc bằng thứ gì tương đương thì rất là nặng, và gánh nặng lại càng nặng thêm vì họ phải trả cùng một lúc hai loại thuế, thuế dân sự và thuế tôn giáo; và cả hai đều nặng”.
6. a) Trong thời Giê-su, người ta dùng hệ thống thuế vụ nào? b) Tại sao những người thâu thuế lại bị tiếng xấu? c) Phao-lô cảm thấy cần phải nhắc nhở anh em tín đồ về điều gì?
6 Điều làm cho người ta đặc biệt nặng gánh là hệ thống thuế vụ vào thời đó. Các công chức La Mã giao quyền thâu thuế trong vùng cho ai đấu giá cao nhất. Rồi những người này mướn người địa phương để giám sát việc thâu thuế. Mọi người trong kế hoạch thâu thuế kiếm lợi này cảm thấy hoàn toàn có lý do chính đáng để tính thêm tiền hoa hồng hoặc phần lời của họ. Thí dụ, Lu-ca kể lại rằng “có một người tên là Xa-chê, làm đầu bọn thâu thuế, và giàu-có” (Lu-ca 19:2). Xa-chê làm “đầu bọn thâu thuế” và những người dưới sự giám sát của ông làm giàu trên sự khổ sở của dân chúng. Sự lạm dụng và tham nhũng do hệ thống ấy gây ra khiến cho người ta xếp những người thâu thuế vào hạng người có tội và gái mãi dâm, và trong nhiều trường hợp có lẽ họ đáng bị xếp hạng như thế (Ma-thi-ơ 9:10; 21:31, 32; Mác 2:15; Lu-ca 7:34). Vì người ta cảm thấy đó là gánh nặng không thể chịu nổi, thành thử sứ đồ Phao-lô thấy cần phải nhắc nhở các anh em tín đồ không nên bực dọc dưới ách của người La Mã mà “phải trả cho mọi người điều mình đã mắc; nộp thuế cho kẻ mình phải nộp thuế; đóng-góp cho kẻ mình phải đóng-góp” (Rô-ma 13:7a; so sánh Lu-ca 23:2).
7. Những luật hình của người La Mã gia tăng gánh nặng của dân chúng như thế nào?
7 Phao-lô cũng nhắc nhở các tín đồ đấng Christ phải “sợ kẻ mình đáng sợ; kính kẻ mình đáng kính” (Rô-ma 13:7b). Người La Mã nổi tiếng về những luật hình tàn bạo và nghiêm khắc. Họ thường dùng những biện pháp như đánh đập, quất bằng roi, giam tù ác nghiệt và xử tử cốt để làm người ta quy phục (Lu-ca 23:32, 33; Công-vụ các Sứ-đồ 22:24, 25). Ngay cả các nhà lãnh đạo Do Thái được giao quyền để thi hành những hình phạt ấy khi họ thấy thích hợp (Ma-thi-ơ 10:17; Công-vụ các Sứ-đồ 5:40). Bất cứ ai sống dưới hệ thống đó chắc chắn đều thấy bị áp chế tột bực, hoặc ngay cả bị đàn áp nữa.
8. Các nhà lãnh đạo tôn giáo chất thêm gánh nặng cho dân chúng như thế nào?
8 Tuy nhiên, gánh nặng mà các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó đặt lên người dân thường còn tệ hơn thuế má và luật pháp của người La Mã nữa. Thật ra, điều này hình như là mối quan tâm chính của Giê-su khi ngài miêu tả người ta bị “mệt-mỏi và gánh nặng”. Giê-su nói rằng thay vì đem niềm hy vọng và lời an ủi đến cho những người bị áp bức, các nhà lãnh đạo tôn giáo “chất cho người ta gánh nặng khó mang, mà tự mình thì không động ngón tay đến” (Ma-thi-ơ 23:4; Lu-ca 11:46). Chúng ta có thể dễ thấy lời miêu tả hết sức rõ ràng trong sách Phúc âm về các nhà lãnh đạo tôn giáo—nhất là các thầy thông giáo và người Pha-ri-si—là nhóm người kiêu ngạo, vô tâm và giả hình. Họ xem những người dân thường như là người thất học và ô uế, và họ khinh dể những người ngoại sống giữa họ. Một lời bình luận nhận xét về thái độ của họ như sau: “Ngày nay một người chất quá nặng trên con ngựa có thể bị buộc tội trước luật pháp. Thế thì chúng ta nói gì về một người ép buộc ‘người dân thường’ không được sự giáo huấn về tôn giáo phải tuân theo 613 điều luật; và rồi không làm gì để giúp họ mà còn lên án họ là những kẻ không kính trọng Đức Chúa Trời?” Dĩ nhiên, gánh nặng thực sự không phải Luật pháp Môi-se nhưng là vô số các lời truyền khẩu mà họ bắt dân chúng phải giữ.
Nguyên do chính gây ra sự khó nhọc
9. Tình trạng của những người trong thời Giê-su ra sao so sánh với những người trong thời Vua Sa-lô-môn?
9 Đôi khi dân chúng bị buộc phải đóng quá nhiều tiền, nên nhiều người bị nghèo khó. Luật Môi-se ấn định dân Y-sơ-ra-ên phải nộp thuế vừa phải. Rồi vào thời Sa-lô-môn trị vì, dân sự đảm trách những công trình rất đồ sộ của quốc gia như là xây cất đền thờ và những đền đài khác (I Các Vua 7:1-8; 9:17-19). Tuy thế, Kinh-thánh nói rằng dân chúng “ăn uống và vui chơi... Trọn đời vua Sa-lô-môn trị-vì, dân Giu-đa và Y-sơ-ra-ên ăn-ở yên-ổn vô-sự từ Đan cho đến Bê-e-Sê-ba, ai nấy đều ở dưới cây nho và cây vả mình” (I Các Vua 4:20, 25). Tại sao có sự khác biệt này?
10. Đến thế kỷ thứ nhất, tại sao dân Y-sơ-ra-ên ở trong cảnh khổ?
10 Hễ chừng nào dân tộc tiếp tục đứng vững trong sự thờ phượng thật, thì họ còn hưởng được ân huệ của Đức Giê-hô-va và được ngài ban cho sự yên ổn và thịnh vượng bất kể chi phí tốn kém của quốc gia. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va báo trước rằng nếu họ “xây bỏ [Ngài], không giữ các điều-răn và luật-lệ [Ngài]”, họ sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng. Thật vậy, “Y-sơ-ra-ên sẽ trở nên lời tục-ngữ và trò cười giữa muôn dân” (I Các Vua 9:6, 7). Sự việc đã xảy ra đúng như thế. Dân Y-sơ-ra-ên bị dân ngoại thống trị, và một nước huy hoàng trước kia đã trở thành một thuộc địa. Thật là một giá quá đắt mà họ phải trả vì đã chểnh mảng những bổn phận thiêng liêng!
11. Tại sao Giê-su cảm thấy rằng dân chúng bị “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn”?
11 Mọi điều này giúp chúng ta hiểu tại sao Giê-su cảm thấy rằng những người mà ngài gặp bị “cùng-khốn, và tan-lạc”. Đây là những người Y-sơ-ra-ên, dân sự của Đức Giê-hô-va nói chung đã cố gắng sống theo luật pháp của Đức Chúa Trời và thực hành sự thờ phượng theo cách được chấp nhận. Tuy nhiên, họ bị bóc lột và áp bức không những bởi giới chính trị và thương mại mà còn bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo bội đạo nữa. Họ giống “như chiên không có kẻ chăn” vì họ không có ai quan tâm hoặc bênh vực cho mình. Họ cần sự giúp đỡ để đối phó với thực tế phũ phàng này. Lời mời đầy yêu thương và dịu dàng của Giê-su thật đúng lúc làm sao!
Lời mời của Giê-su vào thời nay
12. Ngày nay tôi tớ của Đức Chúa Trời và những người chân thật khác cảm thấy bị những áp lực nào?
12 Trên nhiều phương diện, tình trạng ngày nay cũng giống như thế. Những người chân thật đang cố gắng kiếm kế sinh nhai một cách lương thiện nhận thấy rằng hầu như họ không chịu nổi những áp lực và đòi hỏi của hệ thống đồi bại này. Ngay cả những người đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va cũng không tránh khỏi ảnh hưởng này. Các báo cáo cho thấy rằng một số người trong vòng các tôi tớ của Đức Giê-hô-va thấy càng ngày càng khó chu toàn được tất cả trách nhiệm của mình, mặc dù họ muốn làm thế. Họ cảm thấy nặng gánh, mệt mỏi, kiệt sức. Một số người còn cảm thấy rằng họ sẽ được nhẹ nhõm nếu họ có thể buông xuôi tất cả, đi đến một nơi không ai tìm được để họ có thể bình tĩnh mà suy nghĩ. Bạn có bao giờ cảm thấy như thế không? Bạn có biết người nào thân với bạn ở trong tình trạng đó không? Đúng vậy, lời mời nồng ấm của Giê-su có đầy ý nghĩa cho chúng ta ngày nay.
13. Tại sao chúng ta biết chắc rằng Giê-su có thể giúp chúng ta tìm được sự an ủi và khoan khoái?
13 Trước khi Giê-su đưa ra lời mời đầy yêu thương, ngài nói: “Mọi việc Cha ta đã giao cho ta; ngoài Cha không có ai biết Con; ngoài Con và người nào mà Con muốn tỏ ra cùng, thì cũng không ai biết Cha” (Ma-thi-ơ 11:27). Vì mối liên lạc mật thiết giữa Giê-su và Cha ngài, chúng ta được bảo đảm là nếu ta nhận lời mời của Giê-su và trở thành môn đồ của ngài, thì chúng ta có thể bước vào mối liên lạc mật thiết cá nhân với Đức Giê-hô-va, vì Ngài là “Đức Chúa Trời ban mọi sự yên-ủi” (II Cô-rinh-tô 1:3; so sánh Giăng 14:6). Ngoài ra, vì ‘mọi sự đã giao cho ngài’, chỉ Giê-su Christ mới có quyền năng và uy quyền để làm vơi gánh nặng của chúng ta. Những gánh nặng nào? Đó là những gì mà hệ thống chính trị, thương mại và tôn giáo đồi bại chồng chất lên chúng ta, đồng thời cũng có gánh nặng do tội lỗi di truyền và sự bất toàn nữa. Ý tưởng này thật là khích lệ và làm yên lòng biết bao!
14. Giê-su có thể giúp người ta được khoan khoái, tránh khỏi những sự khổ nhọc nào?
14 Giê-su nói tiếp: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Chắc chắn Giê-su không phản đối việc siêng năng làm việc, vì ngài thường khuyên môn đồ ngài gắng sức trong công việc họ đang làm (Lu-ca 13:24). Nhưng “mệt-mỏi” (“lao đao”, bản dịch Nguyễn thế Thuấn) ngụ ý nói là lao động lâu dài và mệt nhọc, nhiều khi không có kết quả đáng kể nào. Và “gánh nặng” có ý nghĩa là mang nặng gánh quá sức bình thường. Ta có thể ví sự khác biệt như một người đào tìm kho tàng chôn giấu và một người bị bắt đào mương trong trại tù khổ sai. Họ đều làm việc khó nhọc giống nhau. Đối với một người, công việc là thích thú, nhưng còn đối với người kia, thì công việc là vất vả và không bao giờ chấm dứt. Điểm làm cho khác biệt là việc này có mục đích còn việc kia thì vô ích.
15. a) Nếu chúng ta cảm thấy mình đang mang gánh quá nặng trên vai thì chúng ta nên tự hỏi những câu hỏi nào? b) Người ta có thể nói gì về nguồn gốc những gánh nặng của chúng ta?
15 Có phải bạn cảm thấy mình đang “mệt-mỏi và gánh nặng”, và có quá nhiều điều đòi hỏi thì giờ và năng lực của bạn chăng? Những gánh mà bạn đang mang có vẻ quá nặng cho bạn chăng? Nếu vậy, điều hữu ích là bạn nên tự hỏi: ‘Tôi đang mệt mỏi vì việc gì đây? Tôi đang mang loại gánh nặng nào?’ Về phương diện này, nhà bình luận Kinh-thánh quan sát hơn 80 năm trước đây: “Chúng ta có thể xếp các gánh nặng trong đời sống thành hai loại; ta có thể gọi là loại tự gây ra và loại không tránh được: những cái do hành động của chúng ta và những cái không do hành động của chúng ta”. Rồi ông nói thêm: “Sau khi tự kiểm điểm kỹ càng, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi khám phá ra rằng phần lớn gánh nặng là do tự mình gây ra”.
16. Chúng ta có thể dại dột mang đến cho mình những gánh nặng nào?
16 Chúng ta có thể tự mang đến cho mình những gánh nặng nào? Ngày nay chúng ta sống trong một thế giới duy vật, vô luân và đam mê thú vui (II Ti-mô-thê 3:1-5). Ngay cả những tín đồ tận tụy của đấng Christ cũng bị áp lực không ngừng trong vấn đề theo thời trang và lối sống của thế gian này. Vì vậy mà sứ đồ Giăng viết về “sự mê-tham của xác-thịt, mê-tham của mắt, và sự kiêu-ngạo của đời” (I Giăng 2:16). Những điều này có thể dễ gây ảnh hưởng mạnh mẽ trên chúng ta. Có một số người chịu thiếu nợ ngập đầu để vui hưởng những khoái lạc của thế gian hoặc theo đuổi một lối sống nào đó. Rồi thì họ thấy là mình phải bỏ ra quá nhiều thì giờ cho công việc làm, hoặc phải làm hai ba việc để có tiền trả nợ.
17. Tình trạng nào có thể làm cho khó mang nổi gánh nặng, và chúng ta có thể sửa chữa điều này như thế nào?
17 Một người có thể lý luận rằng có vật chất mà người khác có hoặc làm những gì người khác làm là không có gì sai. Nhưng điều quan trọng là người đó nên xét lại là mình có mang thêm gánh nặng một cách không cần thiết hay không (I Cô-rinh-tô 10:23). Vì sức con người có hạn, cho nên phải bỏ bớt gánh này mới có thể lấy thêm gánh khác. Thường thì những điều thiết yếu cho sức khỏe thiêng liêng của chúng ta lại bị bỏ bê trước hết, chẳng hạn như học hỏi Kinh-thánh cá nhân, đi dự buổi họp và thánh chức rao giảng. Hậu quả là sức mạnh về thiêng liêng bị mất đi, và làm cho chúng ta thấy khó mang nổi gánh nặng. Giê-su Christ báo trước về nguy cơ ấy khi ngài nói: “Hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá-độ, sự say-sưa và sự lo-lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê-mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình-lình trên các ngươi như lưới bủa” (Lu-ca 21:34, 35; Hê-bơ-rơ 12:1). Một người khó ý thức và tránh được cạm bẫy nếu người đó bị nặng gánh và mệt mỏi.
Khuây khỏa và khoan khoái
18. Giê-su đề nghị gì cho những người đến cùng ngài?
18 Do đó, Giê-su yêu thương đã đưa ra giải pháp: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28). Chữ “yên-nghỉ” ở đây và trong câu Ma-thi-ơ 11:29 được dịch từ chữ Hy Lạp tương ứng với chữ “ngày Sa-bát” hoặc “giữ ngày Sa-bát” trong tiếng Hê-bơ-rơ được dùng trong bản dịch Septuagint (Xuất Ê-díp-tô Ký 16:23). Như vậy, Giê-su không hứa rằng những ai đến cùng ngài không còn phải làm việc, mà ngài hứa rằng ngài sẽ làm cho họ được khoan khoái để họ sẵn sàng làm công việc phù hợp với ý định của Đức Chúa Trời.
19. Làm thế nào một người ‘đến cùng Giê-su’?
19 Vậy làm thế nào một người ‘đến cùng Giê-su’? Giê-su nói với môn đồ ngài: “Nếu ai muốn theo ta thì phải quên mình, vác cây khổ hình mình mà theo ta luôn luôn” (Ma-thi-ơ 16:24, NW). Vậy, đến cùng Giê-su có nghĩa là một người phải khắc phục ý muốn của mình để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời và đấng Christ, nhận một số trách nhiệm, và làm điều đó luôn luôn. Mọi điều này có quá khắt khe không? Cái giá phải trả có quá đắt không? Chúng ta hãy xem xét Giê-su nói gì sau khi đưa ra lời mời cho những người mệt mỏi.
Bạn có nhớ không?
◻ Trong thời Giê-su, dân chúng bị nặng gánh về những phương diện nào?
◻ Nguyên do chính gây ra sự khó nhọc cho dân chúng là gì?
◻ Nếu chúng ta cảm thấy quá nặng gánh thì chúng ta nên tự kiểm điểm như thế nào?
◻ Chúng ta có thể dại dột tự mang đến cho mình những gánh nặng nào?
◻ Làm thế nào chúng ta có thể nhận được sự khoan khoái mà Giê-su đã hứa?
[Hình nơi trang 15]
Chúng ta có thể tự mang đến cho mình một số gánh nặng nào?
[Nguồn hình ảnh nơi trang 15]
Hình của Bộ Du lịch Bahamas