Sự sinh lại—Diễn ra thế nào?
Trong cuộc nói chuyện với Ni-cô-đem, Chúa Giê-su cho biết tầm quan trọng, mục đích của sự sinh lại và ai có quyền quyết định điều này. Không những thế, ngài còn cho biết sự sinh lại diễn ra thế nào khi phán: ‘Nếu một người chẳng nhờ nước và thánh-linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời’ (Giăng 3:5). Vì vậy, một người được sinh lại là nhờ ‘nước và thánh-linh’, nhưng cụm từ này có nghĩa gì?
‘Nước và thánh-linh’ là gì?
Khi Chúa Giê-su dùng từ ‘thánh-linh’, chắc hẳn ông Ni-cô-đem—một người Do Thái và là một học giả tôn giáo—hiểu đó là quyền năng của Đức Chúa Trời. Thế nên, ông rất quen thuộc với cách mà phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ đề cập đến những lần quyền năng của Đức Chúa Trời tác động trên con người để họ thực hiện những điều kỳ diệu.—Sáng-thế Ký 41:38; Xuất Ê-díp-tô Ký 31:3; 1 Sa-mu-ên 10:6.
Khi đề cập đến nước, ý Chúa Giê-su là gì? Hãy xem những sự kiện được ghi lại ngay trước và sau cuộc nói chuyện với Ni-cô-đem. Những sự kiện đó cho thấy cả Giăng Báp-tít và các môn đồ Chúa Giê-su đều làm báp têm trong nước (Giăng 1:19, 31; 3:22; 4:1-3). Thực hành này rất thông thường ở Giê-ru-sa-lem. Thế nên, khi Chúa Giê-su nói về nước, Ni-cô-đem hẳn hiểu ngài không nói đến nước chung chung nhưng nói đến nước của phép báp têm.
Báp têm ‘nhờ thánh-linh’
Nếu ‘nhờ nước mà sanh’ liên quan đến việc báp têm trong nước, thì ‘nhờ thánh-linh mà sanh’ có nghĩa gì? Trước khi Chúa Giê-su nói chuyện với Ni-cô-đem, Giăng Báp-tít cho biết không chỉ nước mà thánh linh cũng có vai trò trong việc làm báp têm. Ông nói: “Ta làm phép báp-têm cho các ngươi bằng nước; nhưng Ngài [Chúa Giê-su] sẽ làm phép báp-têm cho các ngươi bằng [thánh-linh]” (Mác 1:7, 8). Người viết Phúc âm là Mác ghi lại lần đầu tiên việc báp têm bằng thánh linh diễn ra: “Trong những ngày đó, Đức Chúa Jêsus đến từ Na-xa-rét là thành xứ Ga-li-lê, và chịu Giăng làm phép báp-têm dưới sông Giô-đanh. Vừa khi lên khỏi nước, Ngài thấy các từng trời mở ra, và [thánh-linh] ngự xuống trên mình Ngài như chim bồ-câu” (Mác 1:9, 10). Khi Chúa Giê-su báp têm ở sông Giô-đanh, ngài làm báp têm bằng nước. Vào lúc nhận thánh linh từ trời, ngài được báp têm bằng thánh linh.
Khoảng ba năm sau khi làm báp têm, Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ: “Trong ít ngày, các người sẽ chịu phép báp-têm bằng [thánh-linh]” (Công-vụ 1:5). Khi nào điều đó xảy ra?
Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khoảng 120 môn đồ của Chúa Giê-su nhóm lại tại một căn nhà ở Giê-ru-sa-lem. “Thình-lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào-ào, đầy khắp nhà môn-đồ ngồi. Các môn-đồ thấy... lưỡi bằng lửa hiện ra... Hết thảy đều được đầy dẫy [thánh-linh]” (Công-vụ 2:1-4). Cũng trong ngày ấy, nhiều người ở Giê-ru-sa-lem được khuyến khích làm báp têm trong nước. Sứ đồ Phi-e-rơ nói với đám đông: “Hãy hối-cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban-cho [thánh-linh]”. Họ phản ứng thế nào? “Những kẻ nhận lời đó đều chịu phép báp-têm; và trong ngày ấy, có độ ba ngàn người thêm vào Hội-thánh”.—Công-vụ 2:38, 41.
Tiến trình gồm hai phần
Hai phép báp têm này cho thấy gì về sự sinh lại? Chúng cho thấy sự sinh lại là một tiến trình gồm hai phần. Hãy lưu ý, trước tiên Chúa Giê-su làm báp têm bằng nước, sau đó ngài nhận thánh linh. Tương tự, các môn đồ vào thế kỷ thứ nhất trước tiên làm báp têm bằng nước (một số do Giăng Báp-tít làm báp têm), rồi họ mới nhận được thánh linh (Giăng 1:26-36). Cũng thế, 3.000 người cải đạo đã trải qua tiến trình gồm hai phần này.
Sự sinh lại diễn ra thế nào thời nay? Chúng ta hãy nhớ đến phép báp têm xảy ra vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN. Sự sinh lại thời nay cũng giống như trường hợp các sứ đồ của Chúa Giê-su và các môn đồ thời ban đầu. Trước tiên, một người phải ăn năn tội lỗi của mình, từ bỏ đường lối sai lầm, dâng đời mình để thờ phượng cũng như phụng sự Đức Giê-hô-va, và công khai biểu trưng điều này qua việc báp têm bằng nước. Sau đó, nếu được chọn làm người cai trị trong nước của Đức Chúa Trời, người ấy sẽ nhận thánh linh. Phần đầu của tiến trình này (báp têm bằng nước) là do cá nhân quyết định, phần sau (báp têm bằng thánh linh) do Đức Chúa Trời quyết định. Khi một người trải qua cả hai hình thức báp têm này, người ấy được sinh lại.
Vậy trong cuộc nói chuyện với Ni-cô-đem, tại sao Chúa Giê-su dùng cụm từ ‘nhờ nước và thánh-linh mà sanh’? Vì Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh rằng những người báp têm bằng nước và thánh linh trải qua một sự thay đổi đặc biệt. Bài kế tiếp sẽ xem xét khía cạnh này của sự sinh lại.
[Hình nơi trang 9]
Giăng làm báp têm bằng nước cho người Y-sơ-ra-ên biết ăn năn