Bạn có biết?
Tên Ba-ra-ba phạm tội gì?
▪ Cả bốn sách Phúc âm đều đề cập đến Ba-ra-ba, kẻ được quan La Mã là Bôn-xơ Phi-lát tha thế cho Chúa Giê-su. Ba-ra-ba được gọi là “tên phạm nổi tiếng” và “một kẻ trộm-cướp” (Ma-thi-ơ 27:16; Giăng 18:40). Hắn bị giam ở Giê-ru-sa-lem “với kẻ làm loạn, vì trong khi nổi loạn, chúng nó phạm tội giết người”.—Mác 15:7.
Dù không có bằng chứng ngoài Kinh Thánh nói về các tội của Ba-ra-ba, nhưng hắn được đề cập cùng với những kẻ nổi loạn nên một số học giả cho rằng hắn có dính líu đến các nhóm phản loạn ở Y-sơ-ra-ên vào thế kỷ thứ nhất công nguyên (CN). Sử gia Flavius Josephus cho biết tình trạng xã hội rối loạn thời đó có bàn tay của các nhóm tội phạm xen vào. Những kẻ tội phạm đó cho rằng mình bênh vực công lý cho nông dân Do Thái bị áp bức. Đến giữa thế kỷ thứ nhất, cuộc nổi loạn đã lan rộng khắp nơi, chống lại sự bất công của chính quyền La Mã cùng tầng lớp quý tộc Do Thái. Phần lớn lực lượng Do Thái đánh đuổi quân La Mã khỏi Giu-đê vào năm 66 CN là những người thuộc các băng nhóm này.
Cuốn The Anchor Bible Dictionary (Từ điển Kinh Thánh Anchor) cho biết: “Ba-ra-ba có thể là một trong những kẻ cướp ở vùng nông thôn. Người dân ngưỡng mộ những kẻ này vì chúng cướp tài sản của giới giàu sang, quyền thế ở Y-sơ-ra-ên và gây hỗn loạn cho nhà nước La Mã”.
Vào thời La Mã, tội phạm nào bị tử hình như trường hợp của Chúa Giê-su?
▪ Biện pháp mà người La Mã dùng để hành hình kẻ chống lại chính quyền, sống ngoài vòng pháp luật và những kẻ nổi loạn khác là cột chặt họ vào một dụng cụ hành hình và để họ ở đó cho đến chết. Cách hành hình này được xem là đáng khiếp nhất.
Sách Palestine in the Time of Jesus (Xứ Pha-lê-tin vào thời Chúa Giê-su) cho biết: “[Cách hành hình này] diễn ra trước công chúng, làm cho tử tù mất phẩm giá, đau đớn, và có mục tiêu là gây sợ hãi cho những ai dám đe dọa nền trật tự thời đó”. Liên quan đến việc hành hình tội phạm vào thời xưa, một tác giả người La Mã cho biết: “Họ chọn những con đường đông đúc nhất để nhiều người có thể chứng kiến và thấy sợ hãi”.
Theo ông Josephus, một tù binh bị quân đội Titus bắt khi vây hãm thành Giê-ru-sa-lem vào năm 70 CN và bị hành hình như cách trên. Điều này diễn ra trước vách thành để dân trong thành sợ hãi và đầu hàng. Khi thành thất thủ, nhiều người dân cũng bị hành hình.
Theo lịch sử ghi lại, sau cuộc nổi loạn do Spartacus dẫn đầu (73-71 trước công nguyên), số người nhiều nhất bị hành hình như thế là 6.000 nô lệ và đấu sĩ. Họ bị hành hình cùng một lúc, dọc con đường từ Capua đến La Mã.
[Hình nơi trang 10]
“Xin tha Ba-ra-ba” của Charles Muller, 1878