Theo gương Giê-su về sự tin kính
“Sự mầu-nhiệm của sự tin-kính là lớn lắm: Đấng đã được tỏ ra trong xác-thịt” (I TI-MÔ-THÊ 3:16).
1. a) Câu hỏi nào đã không được trả lời trong hơn 4.000 năm? b) Câu hỏi đã được trả lời khi nào và ra sao?
CÓ MỘT câu hỏi đã không được trả lời trong hơn 4.000 năm. Kể từ khi người đàn ông đầu tiên là A-đam không giữ sự trung thành thì đã có câu hỏi là: Trong nhân loại có ai tỏ ra sự tin kính được không? Cuối cùng, trong thế kỷ thứ nhất tây lịch, với sự hiện đến của Con Đức Chúa Trời trên đất thì câu hỏi đó đã được trả lời. Trong từng ý tưởng, lời nói và hành động, Giê-su Christ bày tỏ sự yêu mến của ngài đối với Đức Giê-hô-va. Vì vậy ngài đã tiết lộ “sự mầu-nhiệm của sự tin-kính”, trình bày cách thức cho những người đã dâng mình để gìn giữ sự tin kính đó (I Ti-mô-thê 3:16).
2. Để gắng tìm sự tin kính, tại sao chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng gương mẫu của Giê-su?
2 Trong việc gắng tìm sự tin kính với tư cách là tín đồ đấng Christ đã dâng mình, làm báp têm, chúng ta cần “nghĩ [kỹ] đến” gương mẫu của Giê-su (Hê-bơ-rơ 12:3). Tại sao? Vì hai lý do. Thứ nhất, gương mẫu của Giê-su có thể giúp chúng ta vun trồng sự tin kính. Giê-su biết rõ Cha ngài hơn bất cứ người nào khác (Giăng 1:18). Và Giê-su bắt chước sát theo đường lối và đức tính của Đức Giê-hô-va đến nỗi ngài có thể nói: “Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha” (Giăng 14:9). Bởi vậy, nhìn xem cuộc sống và thánh chức của Giê-su, chúng ta có thể đạt được sự biết ơn sâu xa đối với những đức tính dịu dàng của Đức Giê-hô-va, như thế sẽ làm vững mạnh sự liên hệ của cá nhân chúng ta đối với Đấng Tạo hóa yêu thương. Thứ hai, gương mẫu của Giê-su có thể giúp chúng ta thể hiện lòng tin kính. Ngài đặt gương mẫu hoàn toàn về hạnh kiểm thể hiện lòng tin kính. Vì vậy chúng ta hãy xem xét làm thế nào chúng ta có thể “mặc lấy Chúa Giê-su Christ” nghĩa là dùng ngài làm mẫu, bắt chước gương của ngài (Rô-ma 13:14).
3. Chương trình học Kinh-thánh cá nhân nên bao gồm điều gì và tại sao?
3 Không phải mỗi điều Giê-su nói và làm đều được ghi chép để lại (Giăng 21:25). Vì thế, những điều được ghi chép qua sự soi dẫn nên đặc biệt cho chúng ta chú ý. Như vậy, một chương trình học hỏi Kinh-thánh cá nhân nên bao gồm việc đọc các sách Phúc âm (Tin mừng) ghi lại đời sống của Giê-su. Nhưng nếu muốn việc đọc đó giúp cho chúng ta theo đuổi sự tin kính thì chúng ta phải dành thì giờ mà suy gẫm với lòng biết ơn về những gì chúng ta đọc được. Chúng ta cũng phải lanh trí hiểu sâu hơn điều đọc thấy.
Con giống như Cha
4. a) Điều gì cho thấy Giê-su là người có nhiệt tâm và tình cảm sâu xa? b) Giê-su tự động làm gì trong việc đối xử với người khác?
4 Hãy xem xét một thí dụ. Giê-su là một người có nhiệt tâm và tình cảm sâu xa. Hãy lưu ý các câu Mác 10:1, 10, 13, 17 và 35 cho thấy người từ mọi hạng tuổi và mọi thành phần thấy ngài dễ đến gần. Nhiều lần, ngài bồng các em nhỏ trong tay ngài (Mác 9:36; 10:16). Tại sao người ta và ngay cả đến con trẻ cũng cảm thấy dễ chịu với Giê-su? Bởi vì ngài thành thật, chú ý thật sự đến họ (Mác 1:40, 41). Điều nầy cũng thấy rõ trong việc ngài thường tự động đến với người khác lúc họ cần sự giúp đỡ. Vì thế, chúng ta đọc rằng ngài “thấy” người mẹ góa ở Na-in có con bị chết đem chôn. Ngài bèn “lại gần” và làm sống lại người con trai, và Kinh-thánh không nói có ai hỏi xin ngài làm điều đó cả (Lu-ca 7:13-15). Ngài không đợi ai hỏi cũng tự động chữa lành người đàn bà đau liệt và một người đàn ông bị bịnh thủy thũng (Lu-ca 13:11-13; 14:1-4).
5. Những sự tường thuật về thánh chức của Giê-su dạy chúng ta điều gì về đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va?
5 Khi bạn đọc về những chuyện như thế, hãy ngừng lại và tự hỏi: “Vì Giê-su bắt chước Cha ngài cách hoàn toàn, những sự tường thuật nầy cho tôi biết gì về đức tính và đường lối của Đức Giê-hô-va?” Những điều đó nên làm chúng ta biết chắc Đức Giê-hô-va là một Đức Chúa Trời có nhiệt tâm và có tình cảm sâu xa. Sự chú ý sâu sắc của Ngài đến gia đình nhân loại đã khiến Ngài tự động làm bước đầu trong việc giao thiệp với họ. Ngài không bị bắt buộc ban Con Ngài “làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28; Giăng 3:16). Ngài tìm dịp để “yêu-mến” những người sẽ phụng sự Ngài vì lòng yêu thương (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:15). Như Kinh-thánh có nói, “con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (II Sử-ký 16:9).
6. Khi suy gẫm về sự nhiệt tâm và tình cảm sâu xa của Đức Giê-hô-va qua gương của Con Ngài, chúng ta sẽ có kết quả gì?
6 Suy nghĩ theo cách đó về sự nhiệt tâm và tình cảm sâu xa của Đức Giê-hô-va qua gương của Con Ngài, sẽ động đến lòng bạn, làm cho lòng đầy sự biết ơn đối với đức tính dịu dàng và hấp dẫn đó. Nhờ thế mà sẽ làm bạn đến gần Ngài. Bạn sẽ cảm thấy tự do đến gần Ngài qua lời cầu nguyện bất cứ lúc nào và dưới mọi hoàn cảnh nào (Thi-thiên 65:2). Điều nầy làm vững mạnh tình yêu thương của bạn đổi với Ngài.
7. Sau khi suy gẫm về sự nhiệt tâm và tình cảm sâu xa của Đức Giê-hô-va, chúng ta nên tự hỏi điều gì và tại sao?
7 Tuy nhiên, hãy nhớ rằng sự tin kính đó không phải chỉ là cảm giác thờ phượng mà còn liên hệ đến nhiều điều nữa. Học giả Kinh-thánh R. Lenski nhận xét sự tin kính “bao gồm toàn thể thái độ tôn kính và thờ phượng của chúng ta và mọi hành động bắt nguồn từ sự tin kính”. (Chúng tôi viết nghiêng). Vậy sau khi suy gẫm về sự nhiệt tâm và tình cảm sâu xa của Đức Giê-hô-va qua gương mẫu của Giê-su, bạn hãy tự hỏi: “Làm sao tôi có thể giống Đức Giê-hô-va nhiều hơn về điểm nầy? Người khác có cảm thấy tôi dễ đến gần không?” Nếu bạn là bậc cha mẹ, các con của bạn phải thấy dễ gần bạn. Và nếu bạn là một trưởng lão trong hội-thánh, chắc chắn người khác phải thấy bạn dễ nói chuyện. Vậy, điều gì sẽ làm cho dễ tâm sự với bạn? Sự nhiệt tâm và tình cảm sâu xa. Bạn phải vun trồng một sự chân thật, thật lòng chú ý đến người khác. Khi bạn thật sự chú ý đến người khác và sẵn sàng để hy sinh cho họ, họ sẽ cảm nhận được điều đó và cảm thấy gần gũi bạn.
8. a) Bạn nên nhớ gì khi đọc những sự tường thuật trong Kinh-thánh về Giê-su? b) Chúng ta biết được gì về Đức Giê-hô-va qua những lời tường thuật liệt kê trong phần phụ chú?
8 Vậy khi đọc lời tường thuật trong Kinh-thánh về Giê-su, hãy nhớ rằng bạn có thể học hỏi nhiều về chính Đức Giê-hô-va qua những điều mà Giê-su đã nói và làm.a Khi lòng biết ơn của bạn về những đức tính của Đức Chúa Trời, được phản ảnh qua Giê-su, khiến bạn cố gắng để giống Ngài hơn, bạn đã cho thấy bằng chứng về tin kính của bạn.
Thực hành sự tin kính đối với những người trong gia đình
9, 10. a) Trước khi chết, Giê-su đã bày tỏ lòng yêu thương và lo lắng thế nào đối với mẹ ngài, bà Ma-ri? b)Tại sao Giê-su lại nhờ sứ đồ Giăng mà không nhờ anh em ruột thịt của ngài chăm sóc cho bà Ma-ri?
9 Sự sống và thánh chức của Giê-su Christ tiết lộ nhiều về sự tin kính nên được bày tỏ thế nào. Một thí dụ rất cảm động được ghi nơi Giăng 19:25-27 là: “Tại một bên [cây khổ hình] của Chúa Giê-su, có mẹ ngài đứng đó, với chị mẹ ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len nữa. Chúa Giê-su thấy mẹ mình và một môn-đồ ngài yêu [Giăng] đứng gần người thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đờn-bà kia, đó là con của ngươi! Đoạn, ngài lại phán cùng người môn-đồ rằng: Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu bấy giờ, môn-đồ ấy rước người về nhà mình”.
10 Hãy tưởng tượng điều đó! Vài phút trước khi hy sinh mạng sống trên đất của ngài, sự yêu thương và lo lắng của Giê-su đã khiến ngài giao sự săn sóc mẹ ngài là bà Ma-ri (dường như lúc bấy giờ góa bụa) cho sứ đồ yêu dấu là Giăng. Nhưng tại sao lại giao cho Giăng mà không giao cho một trong các anh em ruột thịt của Giê-su? Bởi vì Giê-su quan tâm không chỉ riêng về nhu cầu thể chất của bà Ma-ri nhưng ngài đặc biệt quan tâm đến lợi ích thiêng liêng của bà. Và sứ đồ Giăng (có thể là anh em bà con của Giê-su) đã chứng tỏ có đức tin, trong khi lúc đó chưa có dấu hiệu gì cho thấy anh em ruột thịt của ngài là những người tin đạo (Ma-thi-ơ 12:46-50; Giăng 7:5).
11. a) Theo sứ đồ Phao-lô thì tín đồ đấng Christ có thể thực hành thế nào sự tin kính trong nhà của mình? b)Tại sao người tín đồ thật của đấng Christ phụng dưỡng cha mẹ già?
11 Vậy thì điều đó biểu lộ lòng tin kính thế nào? Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Hãy kính những người đờn-bà góa thật là góa. Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải học làm điều thảo đối với nhà riêng mình và báo-đáp cha mẹ [và ông bà], vì điều đó đẹp lòng Đức Chúa Trời” (I Ti-mô-thê 5:3, 4). Phao-lô nói hiếu kính cha mẹ bằng cách cung cấp vật chất cho họ khi cần đến là biểu lộ lòng tin kính. Như vậy là thế nào? Đức Giê-hô-va, Đấng Sáng lập gia đình phán rằng con cái phải hiếu kính cha mẹ (Ê-phê-sô 3:14, 15; 6:1-3). Vì thế một tín đồ thật của đấng Christ nhận biết rằng chăm sóc đến gia đình không những bày tỏ tình yêu thương đối với cha mẹ mà cũng biểu lộ sự tôn kính đối với Đức Chúa Trời và vâng theo lời phán Ngài. (So sánh Cô-lô-se 3:20).
12. Bạn thực hành thế nào sự tin kính đối với cha mẹ già, và với động lực nào?
12 Thế thì bạn có thể thực hành sự tin kính thế nào đối với những người trong gia đình? Điều nầy chắc chắn liên quan đến sự sắp đặt để chăm sóc nhu cầu thiêng liêng lẫn vật chất của cha mẹ già cũng như Giê-su đã làm vậy. Không làm thế là bày tỏ sự thiếu lòng tin kính. (So sánh II Ti-mô-thê 3:2, 3, 5). Người tín đồ đấng Christ đã dâng mình cung cấp cho cha mẹ khốn khó không chỉ vì sự tử tế hay là bổn phận nhưng là vì yêu thương gia đình mình và nhận biết Đức Giê-hô-va xem trọng sự đảm nhận trách nhiệm như thế. Vậy thì sự chăm sóc cho cha mẹ già là một sự biểu lộ lòng tin kính.b
13. Người cha là tín đồ đấng Christ có thể thực hành thế nào sự tin kính đối với gia đình?
13 Sự tin kính có thể được thực hành trong vòng gia đình qua những cách khác nhau. Thí dụ, một người cha là tín đồ đấng Christ có trách nhiệm cung cấp cho các nhu cầu vật chất, tình cảm và thiêng liêng cho gia đình. Vì thế ngoài việc cung cấp cho nhu cầu vật chất, người cha yêu thương sắp đặt buổi học Kinh-thánh đều đặn cho gia đình. Anh làm thời khóa biểu để tham gia đều đặn trong công việc rao giảng với gia đình. Anh có thăng bằng, ý thức gia đình cần nghỉ ngơi và giải trí nữa. Và anh khôn ngoan sắp xếp điều cần làm trước, không để cho công việc hội-thánh làm anh bỏ rơi gia đình (I Ti-mô-thê 3:5, 12). Tại sao anh làm tất cả những điều nầy? Không phải chỉ riêng vì cảm thấy có bổn phận mà còn vì tình yêu thương đối với gia đình. Anh nhận biết việc Đức Giê-hô-va coi trọng sự chăm sóc đối với gia đình. Vậy anh thực hành sự tin kính qua sự làm tròn trách nhiệm làm chồng và cha trong gia đình.
14. Người vợ là tín đồ đấng Christ bày tỏ thế nào sự tin kính tại nhà?
14 Người vợ là tín đồ đấng Christ cũng có trách nhiệm thực hành sự tin kính tại nhà. Thế nào? Kinh-thánh nói người vợ nên “vâng-phục” và “kính” chồng (Ê-phê-sô 5:22, 33). Dù cho người chồng không tin đạo, chị cũng “vâng-phục” chồng (I Phi-e-rơ 3:1). Người nữ tín đồ đấng Christ bày tỏ sự tuân phục của người vợ bằng cách ủng hộ chồng trong những quyết định của ông mà không trái ngược với luật pháp Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Và tại sao chị chấp nhận vai trò nầy? Không chỉ vì chị yêu thương chồng mà đặc biệt vì chị nhận biết điều đó “theo ý Chúa”—nghĩa là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời cho gia đình (Cô-lô-se 3:18). Sẵn lòng vâng phục chồng như thế là bày tỏ sự tin kính của chị.
“Vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến”
15. Giê-su bày tỏ sự tin kính qua cách nổi bật nào?
15 Một trong những cách nổi bật mà Giê-su bày tỏ sự tin kính là “rao-giảng [tin mừng] về nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 4:43). Sau phép báp têm của ngài ở sông Giô-đanh năm 29 tây lịch, Giê-su dùng ba năm rưỡi chăm chú bận rộn trong công việc quan trọng nhất nầy. Ngài giải thích “vì ấy là cốt tại việc đó mà ta đã đến” (Mác 1:38; Giăng 18:37). Nhưng công việc nầy bày tỏ sự tin kính của ngài thế nào?
16, 17. a) Điều gì đã thúc đẩy Giê-su để ngài chăm chú bận rộn vào công việc rao giảng và dạy dỗ? b) Tại sao thánh chức rao giảng và dạy dỗ của Giê-su bày tỏ lòng tin kính của ngài?
16 Hãy nhớ lại sự tin kính liên hệ đến việc sống sao cho đẹp lòng Đức Chúa Trời bởi vì bạn yêu mến Ngài và biết ơn sâu xa về những đức tính trìu mến của Ngài. Thế thì điều gì đã khiến cho Giê-su dùng những năm cuối cùng ở trên đất của ngài để chuyên lòng trong công việc rao giảng và dạy dỗ? Có phải chỉ vì bổn phận hay là bị bắt buộc không? Chắc chắn là ngài đã quan tâm tha thiết đến loài người (Ma-thi-ơ 9:35, 36). Và ngài nhận biết rõ sự xức dầu bằng thánh linh của ngài đã bổ nhiệm và ủy thác cho ngài để hoàn thành công việc rao giảng (Lu-ca 4:16-21). Thế nhưng ngài còn động lực sâu xa khác.
17 Giê-su nói rõ với các môn đồ trong đêm cuối cùng của đời sống trên đất của ngài là: “Ta yêu-mến Cha” (Giăng 14:31). Tình thương đó căn cứ trên sự hiểu biết rất sâu xa và thân thiết với những đức tính của Đức Giê-hô-va (Lu-ca 10:22). Thúc đẩy bởi tấm lòng biết ơn sâu xa, Giê-su đã tìm được niềm vui trong việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời (Thi-thiên 40:8). Đó là “đồ-ăn” của ngài—rất cần cho cuộc sống, rất ngon lành (Giăng 4:34). Ngài đặt một gương mẫu hoàn toàn cho việc “trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời” thay vì đặt quyền lợi riêng lên trên hết (Ma-thi-ơ 6:33). Vậy không phải chỉ những gì ngài đã làm hay ngay cả ngài đã làm bao nhiêu, nhưng chính lý do tại sao ngài đã làm khiến cho công việc rao giảng và dạy dỗ của ngài là sự bày tỏ lòng tin kính của ngài.
18. Tại sao dự phần qua loa trong công việc rao giảng không nhất thiết là bày tỏ sự tin kính?
18 Chúng ta có thể đi theo “gương” của Giê-su thế nào trên phương diện nầy? (I Phi-e-rơ 2:21). Tất cả những ai chấp nhận lời mời “hãy đến mà theo ta” của Giê-su đều được Đức Chúa Trời giao cho sứ mạng đi rao giảng tin mừng về Nước Trời và đào tạo môn đồ (Lu-ca 18:22; Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Phải chăng hễ chúng ta dự phần qua loa vào công việc tuyên bố tin mừng thì có nghĩa là theo đuổi sự tin kính? Không hẳn thế. Nếu chúng ta tham gia vào thánh chức với lòng miễn cưỡng hay cho có lệ, hoặc là chỉ muốn làm đẹp lòng người trong gia đình hay người nào khác, thì đó khó có thể được coi là “tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình” (II Phi-e-rơ 3:11).
19. a) Điều gì là lý do tiên quyết cho những gì chúng ta làm trong thánh chức? b) Khi chúng ta được thúc đẩy bởi lòng yêu thương sâu xa đối với Đức Chúa Trời thì có kết quả nào?
19 Giống như Giê-su, chúng ta phải có động lực sâu xa. Giê-su nói: “Ngươi phải hết lòng [tình cảm, lòng ham muốn và cảm giác nội tâm], hết linh-hồn [sự sống và toàn thể con người], hết trí khôn [toàn khả năng trí tuệ], hết sức mà kính-mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi”. Đến đây, một thầy thông giáo hiểu rõ nói thêm: “Ấy là hơn mọi của-lễ thiêu cùng hết thảy các của-lễ” (Mác 12:30, 33, 34). Vậy không chỉ những gì chúng ta làm là quan trọng mà lý do tại sao chúng ta làm cũng là quan trọng nữa. Một lòng yêu thương sâu xa đối với Đức Chúa Trời cảm thấy tự đáy lòng chúng ta phải là lý do tiên quyết cho những gì chúng ta làm trong công việc rao giảng. Nếu có như vậy, chúng ta sẽ không hài lòng với việc tham gia cho có lệ, nhưng chúng ta sẽ được thúc đẩy để bày tỏ lòng tin kính sâu xa bằng cách làm hết sức mình (II Ti-mô-thê 2:15). Đồng thời, khi lòng yêu thương đối với Đức Chúa Trời là động lực của chúng ta, chúng ta sẽ không chỉ trích, so sánh thánh chức của chúng ta với người khác (Ga-la-ti 6:4).
20. Để gắng tìm sự tin kính, chúng ta có thể được lợi ích trọn vẹn thế nào qua gương mẫu của Giê-su?
20 Chúng ta cảm tạ Đức Giê-hô-va biết bao vì Ngài đã tiết lộ sự mầu nhiệm của sự tin kính cho chúng ta! Bằng cách học hỏi kỹ lưỡng về những điều Giê-su đã nói và làm và bằng cách cố gắng bắt chước ngài, chúng ta sẽ được giúp để vừa vun trồng, vừa biểu lộ lòng tin kính đầy trọn hơn, Đức Giê-hô-va sẽ ban ơn dồi dào khi chúng ta noi theo gương mẫu của Giê-su trong việc gắng tìm sự tin kính với tư cách là những tín đồ đấng Christ đã dâng mình và làm báp têm (I Ti-mô-thê 4:7, 8).
[Chú thích]
a Để có thêm thí dụ, hãy xem xét những gì chúng ta học được về Đức Giê-hô-va qua những sự tường thuật sau đây: Ma-thi-ơ 8:2, 3; Mác 14:3-9; Lu-ca 21:1-4; và Giăng 11:33-36.
b Để thảo luận đầy đủ hơn về những gì liên quan đến việc thực hành sự tin kính đối với cha mẹ già, xin xem Tháp Canh (Anh-ngữ hoặc Pháp-ngữ) số ra ngày 1-6-1987, trang 13-18.
Bạn có nhớ không?
◻ Trong việc gắng tìm sự tin kính, tại sao chúng ta nên xem xét gương mẫu của Giê-su?
◻ Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua tính nhiệt tâm và tình cảm sâu xa của Giê-su?
◻ Chúng ta có thể bày tỏ thế nào lòng tin kính đối với những người trong gia đình?
◻ Để công việc rao giảng là sự bày tỏ lòng tin kính thì động lực của chúng ta phải là gì?
[Hình nơi trang 10]
Một người cha là tín đồ đấng Christ có trách nhiệm cung cấp cho các nhu cầu vật chất, tình cảm và thiêng liêng cho gia đình
[Hình nơi trang 12]
“Nhưng nếu bà góa có con hoặc cháu, thì con cháu trước phải... báo-đáp cha mẹ [và ông bà]”