Câu hỏi của độc giả
Giê-su nói: “Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó”. Phải chăng những lời này có nghĩa là tín đồ đấng Christ có thể tha tội?
Không có điều gì trong Kinh-thánh làm căn cứ để kết luận rằng các tín đồ đấng Christ nói chung, hoặc ngay cả các trưởng lão được bổ nhiệm trong hội thánh, được Đức Chúa Trời ban quyền tha tội. Tuy nhiên, những gì Giê-su nói với các môn đồ nơi Giăng 20:23 được trích ở trên, cho thấy rằng Đức Chúa Trời ban cho các sứ đồ quyền năng đặc biệt về vấn đề này. Và lời tuyên bố đó của Giê-su có thể có liên quan đến những gì ngài nói nơi Ma-thi-ơ 18:18 về các quyết định trên trời.
Tín đồ đấng Christ có thể tha thứ những tội nào đó, phù hợp với lời khuyên của sứ đồ Phao-lô được ghi nơi Ê-phê-sô 4:32: “Hãy ở với nhau cách nhơn-từ, đầy-dẫy lòng thương-xót, tha-thứ nhau như Đức Chúa Trời đã tha-thứ anh em trong Đấng Christ vậy”. Ở đây Phao-lô nói về những vấn đề cá nhân giữa tín đồ đấng Christ, chẳng hạn như lời nói thiếu suy nghĩ. Họ nên cố gắng giảng hòa, tha thứ cho nhau. Hãy nhớ lại lời của Giê-su: “Ấy vậy, nếu khi nào ngươi đem dâng của-lễ nơi bàn-thờ, mà nhớ lại anh em có điều gì nghịch cùng mình, thì hãy để của-lễ trước bàn-thờ, trở về giảng-hòa với anh em trước đã; rồi hãy đến dâng của-lễ” (Ma-thi-ơ 5:23, 24; I Phi-e-rơ 4:8).
Tuy nhiên, văn cảnh nơi Giăng 20:23 cho thấy rằng Giê-su nói đến những tội nghiêm trọng hơn, như được thấy qua những gì ngài nói thêm riêng cho nhóm người này. Chúng ta hãy xem tại sao.
Vào ngày Giê-su được sống lại, ngài hiện ra giữa các môn đồ trong một căn phòng khóa kín ở Giê-ru-sa-lem. Lời tường thuật nói: “Ngài lại phán cùng môn-đồ rằng: Bình-an cho các ngươi! Cha đã sai ta thể nào, ta cũng sai các ngươi thể ấy. Khi Ngài phán điều đó rồi, thì hà hơi trên môn-đồ mà rằng: Hãy nhận-lãnh Đức Thánh-Linh. Kẻ nào mà các ngươi tha tội cho, thì tội sẽ được tha; còn kẻ nào các ngươi cầm tội lại, thì sẽ bị cầm cho kẻ đó” (Giăng 20:21-23).
Có thể các môn đồ được đề cập đến chủ yếu là các sứ đồ trung thành. (So sánh câu 24). Khi hà hơi trên môn đồ và nói “Hãy nhận-lãnh Đức Thánh-Linh”, Giê-su đã dùng cách tượng trưng để cho họ biết rằng không bao lâu thánh linh sẽ đổ xuống trên họ. Giê-su nói tiếp rằng họ sẽ có thẩm quyền liên quan đến việc tha tội. Điều hợp lý là cả hai lời ngài nói đều liên kết với nhau, lời này dẫn đến lời kia.
Năm mươi ngày sau khi được sống lại, vào ngày Lễ Ngũ tuần, Giê-su đã đổ thánh linh ra. Việc đó thực hiện điều gì? Một điều được thực hiện là những ai nhận thánh linh thì được sanh lại với tư cách là con thiêng liêng của Đức Chúa Trời có hy vọng làm vua đồng cai trị với Giê-su ở trên trời (Giăng 3:3-5; Rô-ma 8:15-17; II Cô-rinh-tô 1:22). Nhưng việc đổ thánh linh còn thực hiện những điều khác nữa. Một số người nhận được thánh linh đã có được quyền năng làm phép lạ. Nhờ quyền phép đó một số người có thể nói những tiếng lạ mà họ đã không biết nói trước đó. Một số khác có thể nói tiên tri. Lại còn một số khác nữa có thể chữa lành người bệnh và làm người chết sống lại (I Cô-rinh-tô 12:4-11).
Vì lời Giê-su nơi Giăng 20:22 nói về việc thánh linh được đổ ra trên các môn đồ, cho nên những lời ngài nói ngay sau đó liên quan đến việc tha tội dường như có nghĩa rằng qua hoạt động của thánh linh, Đức Chúa Trời ban cho các sứ đồ thẩm quyền đặc biệt để tha tội hoặc cầm tội lại. (Xem Tháp Canh [Anh ngữ], số ra ngày 1-3-1949, trang 78).
Kinh-thánh không cho chúng ta lời tường thuật đầy đủ về mỗi trường hợp khi các sứ đồ dùng thẩm quyền đó, nhưng Kinh-thánh cũng không ghi lại mỗi trường hợp khi họ dùng sự ban cho huyền diệu để nói tiếng lạ, nói tiên tri hoặc chữa bệnh (II Cô-rinh-tô 12:12; Ga-la-ti 3:5; Hê-bơ-rơ 2:4).
Một trường hợp mà các sứ đồ đã dùng thẩm quyền để tha hoặc cầm tội lại là trường hợp liên quan đến A-na-nia và Sa-phi-ra, là những người đã lừa dối thánh linh. Phi-e-rơ, người đã nghe Giê-su thốt ra những gì chúng ta đọc nơi Giăng 20:22, 23, đã vạch mặt A-na-nia và Sa-phi-ra. Trước tiên Phi-e-rơ nói với A-na-nia, và ông bị chết ngay tại chỗ. Sau đó, khi Sa-phi-ra bước vào và tiếp tục nói dối, Phi-e-rơ kết án bà. Phi-e-rơ không tha tội bà nhưng nói: “Kìa, chơn những kẻ chôn chồng ngươi đương ở ngoài cửa, họ sẽ đem ngươi đi luôn”. Bà cũng chết ngay tại chỗ (Công-vụ các Sứ-đồ 5:1-11).
Trong trường hợp này sứ đồ Phi-e-rơ sử dụng thẩm quyền đặc biệt để chỉ đến một tội chắc chắn sẽ bị cầm lại, tức sự hiểu biết huyền diệu rằng Đức Chúa Trời sẽ không tha thứ tội lỗi của A-na-nia và Sa-phi-ra. Các sứ đồ hiển nhiên cũng đã có sự thông hiểu siêu phàm về những trường hợp mà họ biết chắc là tội lỗi đã được tha thứ dựa trên căn bản sự hy sinh của đấng Christ. Vì thế các sứ đồ được thánh linh trợ giúp có thể tuyên bố tội lỗi được tha thứ hoặc bị cầm lại.a
Điều này không có nghĩa rằng tất cả các trưởng lão được thánh linh xức dầu vào thời đó đều có thẩm quyền thần diệu như thế. Chúng ta có thể thấy điều này qua những gì sứ đồ Phao-lô nói về người đàn ông bị khai trừ khỏi hội thánh Cô-rinh-tô. Phao-lô không nói ‘tôi tha thứ tội lỗi của ông đó’ hoặc ngay cả ‘tôi biết rằng ông này đã được tha thứ từ trên trời, vậy nên tiếp nhận ông lại’. Trái lại, Phao-lô khuyến giục cả hội thánh nên tha thứ tín đồ được nhận vào lại này và bày tỏ lòng yêu thương đối với người đó. Phao-lô nói thêm: “Anh em tha-thứ ai, thì tôi cũng tha-thứ” (II Cô-rinh-tô 2:5-11).
Một khi người này đã được nhận lại vào hội thánh, tất cả các anh chị tín đồ đấng Christ có thể tha thứ theo nghĩa là không nghĩ đến những gì người đó đã phạm. Tuy nhiên, trước hết người đó phải biết ăn năn và được nhận vào lại. Điều đó xảy ra như thế nào?
Có những tội lỗi nghiêm trọng mà các trưởng lão của hội thánh phải xử lý như trộm cắp, nói dối hoặc vô luân. Họ cố gắng sửa trị và khiển trách những người phạm tội đó, giúp họ ăn năn. Nhưng nếu người nào đó cố tình thực hành tội nghiêm trọng, thì các trưởng lão áp dụng lời chỉ dẫn của Đức Chúa Trời là khai trừ người phạm tội (I Cô-rinh-tô 5:1-5, 11-13). Những gì Giê-su nói nơi Giăng 20:23 không áp dụng cho những trường hợp này. Các trưởng lão này không có những sự ban cho mầu nhiệm của thánh linh, chẳng hạn như khả năng chữa lành bệnh hoặc làm người chết sống lại; những phép lạ này đã đạt được mục đích vào thế kỷ thứ nhất và rồi không còn nữa (I Cô-rinh-tô 13:8-10). Hơn nữa, ngày nay các trưởng lão không được Đức Chúa Trời ban cho quyền để tha thứ tội nghiêm trọng bằng cách tuyên bố một người phạm tội nặng là trong sạch trước mặt Đức Giê-hô-va. Sự tha thứ này phải dựa trên căn bản của sự hy sinh làm giá chuộc, và chỉ có Đức Giê-hô-va mới có thể tha thứ dựa trên căn bản đó (Thi-thiên 32:5; Ma-thi-ơ 6:9, 12; I Giăng 1:9).
Như trong trường hợp của người đàn ông ở thành Cô-rinh-tô xưa, khi người nào phạm tội nghiêm trọng mà từ chối không chịu ăn năn, người đó phải bị khai trừ. Nếu sau này người đó ăn năn và làm những việc xứng đáng với sự ăn năn thì Đức Chúa Trời có thể tha thứ người (Công-vụ các Sứ-đồ 26:20). Trong trường hợp như thế, Kinh-thánh cho các trưởng lão lý do để tin rằng Đức Chúa Trời thật sự đã tha thứ người phạm tội. Thế rồi một khi người đó được nhận vào lại, các trưởng lão có thể giúp người đó về mặt thiêng liêng để người này có được đức tin vững chắc. Những người khác trong hội thánh có thể tha thứ theo cùng một cách mà các tín đồ đấng Christ ở Cô-rinh-tô vào thời xưa đã tha thứ người bị khai trừ nhưng rồi được nhận vào lại.
Khi giải quyết các vấn đề theo đường lối này, các trưởng lão không tự mình lập nên những tiêu chuẩn xét đoán. Họ áp dụng các nguyên tắc Kinh-thánh và làm sát theo các phương thức của Kinh-thánh mà Đức Chúa Trời hoạch định. Như vậy, dù có tha thứ hay không, các trưởng lão sẽ làm điều này theo ý nghĩa của lời Giê-su nơi Ma-thi-ơ 18:18: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ điều gì mà các ngươi buộc ở dưới đất thì cũng sẽ buộc ở trên trời, và điều gì mà các ngươi mở ở dưới đất thì cũng sẽ mở ở trên trời”. Những hành động của họ chỉ giản dị phản ảnh quan điểm của Đức Chúa Trời về những vấn đề như đã được trình bày trong Kinh-thánh.
Do đó, những gì Giê-su nói, như được ghi nơi Giăng 20:23, thì không đi ngược với những đoạn Kinh-thánh khác, nhưng lời này cho thấy rằng các sứ đồ đã có thẩm quyền đặc biệt liên quan đến việc tha thứ, phù hợp với vai trò đặc biệt của họ trong thời phôi thai của hội thánh đấng Christ.
[Chú thích]
a Ngay cả trước khi Giê-su chết và cung cấp giá chuộc, ngài đã có thẩm quyền để nói rằng tội lỗi của người nào đó đã được tha. (Ma-thi-ơ 9:2-6; so sánh “Câu hỏi của độc giả” trong Tháp Canh số ra ngày 1-6-1995).