Ý định của Đức Giê-hô-va sẽ thành hiện thực!
“Điều ta đã rao ra, ta sẽ làm hoàn-thành, điều ta đã định, ta cũng sẽ làm”.—Ê-SAI 46:11.
1, 2. (a) Đức Giê-hô-va đã tiết lộ điều gì cho con người? (b) Lời đảm bảo nào được tìm thấy nơi sách Ê-sai 46:10, 11 và 55:11?
Kinh Thánh mở đầu bằng những lời đơn giản nhưng sâu sắc: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất” (Sáng 1:1). Đúng là chúng ta chỉ hiểu rất ít về những gì Đức Chúa Trời tạo ra như không gian, ánh sáng và trọng lực. Chúng ta cũng chỉ quan sát được một phần rất nhỏ của vũ trụ (Truyền 3:11). Dù vậy, Đức Giê-hô-va tiết lộ cho con người biết ý định của ngài đối với trái đất và nhân loại. Trái đất sẽ là ngôi nhà lý tưởng cho những người nam và người nữ được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời (Sáng 1:26). Họ sẽ trở thành con cái của ngài và ngài sẽ là Cha họ.
2 Chương ba của sách Sáng-thế Ký cho biết có một sự trở ngại đối với ý định của Đức Giê-hô-va (Sáng 3:1-7). Tuy nhiên, điều đó không thể làm ý định của ngài thất bại. Không ai có thể ngăn cản Đức Giê-hô-va (Ê-sai 46:10, 11; 55:11). Vì vậy, chúng ta có thể chắc chắn rằng ý định ban đầu của ngài sẽ được hoàn thành vào đúng thời điểm!
3. (a) Để hiểu Kinh Thánh, chúng ta cần biết những sự thật cơ bản nào? (b) Tại sao giờ đây chúng ta sẽ thảo luận những sự thật này? (c) Chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào?
3 Chắc chắn, chúng ta đã quen thuộc với những sự thật Kinh Thánh liên quan đến ý định của Đức Chúa Trời đối với trái đất và nhân loại, cũng như vai trò trọng yếu của Chúa Giê-su Ki-tô trong việc thực hiện ý định này. Đó là những sự thật cơ bản và có thể là những điều đầu tiên mà chúng ta đã học khi tìm hiểu Lời Đức Chúa Trời. Chúng ta cũng muốn giúp những người có lòng thành biết đến các sự thật trọng yếu đó. Giờ đây, khi thảo luận bài này, chúng ta đang nỗ lực mời càng nhiều người càng tốt đến dự Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su (Lu 22:19, 20). Những người tham dự sự kiện này sẽ được biết nhiều điều về ý định của Đức Chúa Trời. Do đó, đây là lúc thích hợp để suy ngẫm một số câu hỏi mà chúng ta có thể dùng để giúp học viên Kinh Thánh và những người có lòng thành chú ý tới sự kiện quan trọng này. Chúng ta sẽ xem xét ba câu hỏi sau: Ý định ban đầu của Đức Chúa Trời đối với trái đất và nhân loại là gì? Vấn đề nào đã nảy sinh? Tại sao sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su mở đường cho ý định của Đức Chúa Trời được thực hiện?
Ý ĐỊNH BAN ĐẦU CỦA ĐẤNG TẠO HÓA LÀ GÌ?
4. Các công trình sáng tạo rao ra sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va như thế nào?
4 Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa vĩ đại. Mọi thứ ngài tạo ra đều đạt đến tiêu chuẩn cao nhất (Sáng 1:31; Giê 10:12). Chúng ta học được gì từ vẻ đẹp và sự trật tự thể hiện rõ trong các công trình sáng tạo? Khi quan sát những gì Đức Giê-hô-va tạo ra, chúng ta thấy ấn tượng vì các sản phẩm này, dù lớn hay nhỏ, đều có mục đích. Ai lại không thán phục trước sự phức tạp của tế bào con người, sự dễ thương của trẻ sơ sinh hay vẻ đẹp lộng lẫy của buổi hoàng hôn? Chúng ta trầm trồ trước những công trình ấy vì chúng ta được ban cho khả năng cảm thụ cái đẹp.—Đọc Thi-thiên 19:1; 104:24.
5. Bằng cách nào Đức Giê-hô-va đảm bảo rằng mọi tạo vật hoạt động hài hòa với nhau?
5 Như được thấy rõ qua sự sáng tạo, Đức Giê-hô-va đã yêu thương đặt ra những giới hạn. Ngài thiết lập cả các định luật trong thiên nhiên lẫn những tiêu chuẩn đạo đức để đảm bảo rằng mọi thứ hoạt động một cách hài hòa (Thi 19:7-9). Do vậy, mọi thứ trong vũ trụ này đều có vị trí và chức năng phù hợp với vai trò của chúng trong ý định của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va đặt ra tiêu chuẩn để các tạo vật hoạt động hài hòa với nhau. Chẳng hạn, trọng lực giữ cho tầng khí quyển ở gần trái đất và kiểm soát thủy triều cũng như các đại dương. Trọng lực cũng góp phần làm nên sự trật tự về mặt vật lý, là điều thiết yếu đối với sự sống trên đất. Tất cả các tạo vật, gồm con người, đều hoạt động trong những giới hạn này. Rõ ràng, sự trật tự trong các công trình sáng tạo chứng tỏ rằng Đức Chúa Trời có ý định dành cho trái đất và nhân loại. Trong thánh chức, chúng ta có thể hướng sự chú ý của người ta đến Nguồn của sự trật tự tuyệt vời này không?—Khải 4:11.
6, 7. Một số món quà Đức Giê-hô-va ban cho A-đam và Ê-va là gì?
6 Ý định ban đầu của Đức Giê-hô-va là nhân loại được sống mãi trên đất (Sáng 1:28; Thi 37:29). Ngài rộng lượng ban cho A-đam và Ê-va nhiều món quà quý giá để họ có thể vui hưởng cuộc sống. (Đọc Gia-cơ 1:17). Đức Giê-hô-va ban cho họ sự tự do ý chí, khả năng lý luận cũng như khả năng biết yêu thương và vui hưởng tình bạn. Đấng Tạo Hóa nói chuyện với A-đam và dạy ông biết cách thể hiện sự vâng lời. A-đam cũng học cách chăm lo những nhu cầu của mình cũng như cách chăm sóc các loài vật và quản trị trái đất (Sáng 2:15-17, 19, 20). Ngoài ra, Đức Giê-hô-va ban cho A-đam và Ê-va năm giác quan: vị giác, xúc giác, thị giác, thính giác và khứu giác. Vì vậy, họ có thể thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp và sự phong phú của ngôi nhà địa đàng. Cặp vợ chồng đầu tiên có vô số cơ hội để có công việc thỏa nguyện, đạt được các thành quả và khám phá những điều mới.
7 Ý định của Đức Chúa Trời còn bao gồm điều gì khác nữa? Đức Giê-hô-va ban cho A-đam và Ê-va khả năng sinh ra những người con hoàn hảo. Đức Chúa Trời có ý định để con cái của họ sinh sản cho đến khi gia đình nhân loại đầy cả mặt đất. Ngài muốn A-đam và Ê-va cùng toàn thể con cháu trở thành những người cha mẹ biết yêu thương con cái giống như Đức Giê-hô-va yêu thương họ. Trái đất, với mọi tài nguyên trên đất, sẽ trở thành ngôi nhà vĩnh cửu của họ.—Thi 115:16.
VẤN ĐỀ NÀO ĐÃ NẢY SINH?
8. Điều luật nơi Sáng-thế Ký 2:16, 17 có mục đích gì?
8 Sự việc không diễn ra ngay lập tức đúng như ý định ban đầu của Đức Chúa Trời. Tại sao? Đức Giê-hô-va đã ban cho A-đam và Ê-va một điều luật đơn giản để kiểm chứng xem họ có nhận biết những giới hạn về sự tự do của mình không. Ngài nói: “Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết” (Sáng 2:16, 17). Không khó để A-đam lẫn Ê-va hiểu và vâng theo điều luật này. Suy cho cùng, họ được ban cho nhiều đồ ăn hơn những gì họ cần.
9, 10. (a) Sa-tan đưa ra lời cáo buộc nào đối với Đức Chúa Trời? (b) A-đam và Ê-va đã quyết định làm gì? (Xem hình nơi đầu bài).
9 Qua một con rắn, Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt đã xúi giục Ê-va cãi lời Cha của bà, là Đức Giê-hô-va. (Đọc Sáng-thế Ký 3:1-5; Khải 12:9). Sa-tan đã đề cập đến sự thật là Đức Chúa Trời không cho phép cặp vợ chồng này ăn “trái các cây trong vườn [“hết mọi trái cây trong vườn”, Các Giờ Kinh Phụng Vụ]”, nhưng hắn nói theo cách cố khiến A-đam và Ê-va cảm thấy ngài đang giới hạn họ một cách bất công. Như thể Sa-tan nói: “Ngươi không thể làm điều mình muốn sao?”. Sau đó, hắn đã nói dối trắng trợn: “Hai ngươi chẳng chết đâu”. Rồi Sa-tan cố khiến Ê-va tin là bà không cần phải vâng lời Đức Chúa Trời khi nói: “Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra”. Sa-tan ám chỉ rằng Đức Giê-hô-va không muốn họ ăn trái cây đó vì điều ấy sẽ giúp họ mở trí khôn. Hơn nữa, Sa-tan còn đưa ra một lời hứa giả dối: ‘Hai ngươi sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác’.
10 Giờ đây, A-đam và Ê-va phải đưa ra quyết định. Họ sẽ vâng lời Đức Giê-hô-va hay nghe theo con rắn? Cặp vợ chồng này đã quyết định cãi lời Đức Chúa Trời. Khi làm vậy, họ đứng về phe Sa-tan. Họ đã chối bỏ Đức Giê-hô-va là Cha của họ và tự đánh mất sự che chở đến từ sự cai trị của Đức Chúa Trời.—Sáng 3:6-13.
11. Tại sao Đức Giê-hô-va không dung túng sự phản nghịch?
11 A-đam và Ê-va đã đánh mất sự hoàn hảo của mình khi phản nghịch Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, cuộc phản nghịch này khiến họ xa cách Đức Chúa Trời vì “mắt ngài quá thánh khiết, đâu thể nhìn điều dữ”. Vì vậy, ngài “không thể làm ngơ trước sự ác” (Ha 1:13, NW). Nếu Đức Chúa Trời dung túng cuộc phản nghịch này, sự bình an và hợp nhất của tất cả các tạo vật trên trời cũng như dưới đất sẽ bị đe dọa. Trên hết, nếu Đức Chúa Trời làm ngơ trước tội lỗi mà họ đã phạm thì sự đáng tin cậy của ngài sẽ bị nghi ngờ. Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va luôn trung thành với các tiêu chuẩn của ngài và không bao giờ vi phạm những tiêu chuẩn đó (Thi 119:142). Vì thế, dù có sự tự do ý chí nhưng A-đam và Ê-va không có quyền bác bỏ luật pháp của Đức Chúa Trời. Khi phản nghịch Đức Chúa Trời, cặp vợ chồng này, vốn được tạo thành từ bụi đất, phải chết và trở về bụi đất.—Sáng 3:19.
12. Chuyện gì đã xảy ra với con cháu của A-đam?
12 Khi A-đam và Ê-va ăn trái cấm, họ tự đặt mình vào tình thế là không được chấp nhận làm thành viên trong gia đình hoàn vũ của Đức Chúa Trời. Ngài đã đuổi họ khỏi vườn Ê-đen, và họ không có hy vọng trở lại (Sáng 3:23, 24). Qua đó, Đức Chúa Trời khiến họ gánh chịu hậu quả từ chính quyết định của mình, và điều ngài làm là công bằng. (Đọc Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5). Khi trở nên bất toàn, cặp vợ chồng đầu tiên này không thể phản ánh một cách hoàn hảo các đức tính của Đức Chúa Trời. A-đam không chỉ đánh mất tương lai tươi sáng của chính mình mà còn di truyền cho con cháu sự bất toàn, tội lỗi và sự chết (Rô 5:12). Ông đã cướp đi triển vọng sống đời đời của con cháu. Hơn nữa, A-đam và Ê-va không còn khả năng sinh ra những người con hoàn hảo. Con cháu của họ cũng vậy. Sau khi khiến A-đam và Ê-va chống lại Đức Chúa Trời, Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt tiếp tục lừa gạt nhân loại cho đến ngày nay.—Giăng 8:44.
GIÁ CHUỘC HÀN GẮN MỐI RẠN NỨT
13. Đức Giê-hô-va muốn điều gì cho nhân loại?
13 Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va vẫn yêu thương nhân loại. Mặc dù A-đam và Ê-va phản nghịch, Đức Chúa Trời vẫn muốn nhân loại vui hưởng mối quan hệ tốt đẹp với ngài. Ngài không muốn bất cứ ai phải chết (2 Phi 3:9). Do đó, ngay sau cuộc phản nghịch, Đức Chúa Trời đã có những sắp đặt để giúp nhân loại khôi phục tình bạn với ngài, trong khi vẫn giữ các tiêu chuẩn công chính mà ngài đã lập. Đức Chúa Trời thực hiện điều này bằng cách nào?
14. (a) Theo Giăng 3:16, Đức Chúa Trời đã cung cấp điều gì để khôi phục nhân loại? (b) Chúng ta có thể thảo luận câu hỏi nào với những người chú ý?
14 Đọc Giăng 3:16. Khi mời người khác đến dự Lễ Tưởng Niệm, chúng ta thường đọc câu này cho họ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: “Làm thế nào sự hy sinh của Chúa Giê-su mang lại sự sống vĩnh cửu?”. Qua đợt rao giảng trong mùa Lễ Tưởng Niệm, qua buổi lễ này và việc thăm lại những người tham dự, chúng ta có cơ hội giúp những ai chân thành tìm kiếm sự thật hiểu được lời giải đáp cho câu hỏi quan trọng đó. Những người chân thành như thế có thể cảm thấy ấn tượng khi bắt đầu hiểu rõ hơn cách Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương và sự khôn ngoan qua việc cung cấp giá chuộc. Chúng ta có thể nêu bật những điểm nào về giá chuộc?
15. Người hoàn hảo Giê-su khác biệt thế nào với A-đam?
15 Đức Giê-hô-va cung cấp một người hoàn hảo, người có thể trở thành giá chuộc. Người hoàn hảo ấy cần trung thành với Đức Giê-hô-va và sẵn sàng hy sinh mạng sống để chuộc lại nhân loại tội lỗi (Rô 5:17-19). Đức Giê-hô-va đã chuyển sự sống của tạo vật đầu tiên từ trời xuống trái đất (Giăng 1:14). Nhờ thế, Chúa Giê-su trở thành một người hoàn hảo, giống như A-đam lúc ban đầu. Nhưng khác với A-đam, Chúa Giê-su đã sống theo tiêu chuẩn mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi một người hoàn hảo. Ngay cả khi đứng trước những thử thách cam go nhất, Chúa Giê-su không bao giờ phạm tội hoặc vi phạm bất cứ điều luật nào của Đức Chúa Trời.
16. Tại sao giá chuộc là món quà vô cùng quý giá?
16 Là người hoàn hảo, Chúa Giê-su có thể cứu nhân loại khỏi tội lỗi và sự chết qua việc hy sinh mạng sống vì họ. Ngài đã đáp ứng chính xác mọi điều mà Đức Giê-hô-va đòi hỏi nơi một người hoàn hảo như A-đam. Đó là tuyệt đối trung thành và vâng lời Đức Chúa Trời (1 Ti 2:6). Chúa Giê-su trở thành giá chuộc bằng cách hy sinh mạng sống để mở đường “cho nhiều người”, gồm đàn ông, đàn bà và trẻ em, nhận được sự sống vĩnh cửu (Mat 20:28). Quả thật, giá chuộc mở đường cho ý định ban đầu của Đức Chúa Trời được thực hiện (2 Cô 1:19, 20). Giá chuộc giúp tất cả những người trung thành có triển vọng sống mãi mãi.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA MỞ ĐƯỜNG CHO CHÚNG TA TRỞ VỀ
17. Nhờ giá chuộc, điều gì có thể trở thành hiện thực?
17 Đức Giê-hô-va đã hy sinh rất nhiều khi cung cấp giá chuộc (1 Phi 1:19). Ngài quý trọng nhân loại nhiều đến mức sẵn sàng để Con một của ngài chết vì họ (1 Giăng 4:9, 10). Theo nghĩa nào đó, Chúa Giê-su thay thế cho tổ phụ đầu tiên của chúng ta là A-đam (1 Cô 15:45). Qua việc ấy, Chúa Giê-su không chỉ khôi phục sự sống mà còn cho chúng ta triển vọng trở về với gia đình Đức Chúa Trời. Đúng vậy, dựa trên cơ sở là sự hy sinh của Chúa Giê-su, Đức Giê-hô-va có thể cho con người trở lại với gia đình ngài, trong khi vẫn giữ được các tiêu chuẩn công chính. Chẳng phải thật ấm lòng khi nghĩ đến thời kỳ tất cả những người trung thành sẽ trở nên hoàn hảo sao? Sẽ có sự hợp nhất trọn vẹn giữa phần trên trời và phần dưới đất của gia đình Đức Chúa Trời. Chúng ta sẽ là con cái Đức Chúa Trời theo nghĩa trọn vẹn nhất.—Rô 8:21.
18. Khi nào Đức Giê-hô-va sẽ trở thành “Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật”?
18 Sự phản nghịch của Sa-tan không thể ngăn cản Đức Giê-hô-va biểu lộ tình yêu thương với nhân loại, cũng không thể ngăn ngay cả con người bất toàn trung thành với ngài. Qua việc ban giá chuộc, Đức Giê-hô-va sẽ giúp mọi con cái của ngài trở nên hoàn toàn công chính. Hãy hình dung đời sống sẽ ra sao khi tất cả những ai “thừa nhận và thể hiện đức tin nơi Con” có được sự sống vĩnh cửu (Giăng 6:40). Với tình yêu thương cao cả và sự khôn ngoan vượt bậc, Đức Giê-hô-va sẽ đưa gia đình nhân loại đến sự hoàn hảo, theo ý định ban đầu của ngài. Khi đó, Cha Giê-hô-va của chúng ta sẽ trở thành “Đấng Cai Trị duy nhất trên muôn vật”.—1 Cô 15:28.
19. (a) Lòng biết ơn đối với giá chuộc nên thôi thúc chúng ta làm gì? (Xem khung “Hãy tiếp tục tìm kiếm những người xứng đáng”). (b) Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét khía cạnh nào của giá chuộc?
19 Lòng biết ơn đối với giá chuộc nên thôi thúc chúng ta nỗ lực hết sức để giúp người khác biết họ có thể nhận được lợi ích từ món quà vô giá ấy. Người ta cần biết rằng giá chuộc là phương tiện mà Đức Giê-hô-va dùng để ban cho toàn thể nhân loại triển vọng sống mãi mãi. Dù vậy, giá chuộc còn thực hiện được nhiều điều hơn thế. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét làm thế nào sự hy sinh của Chúa Giê-su cũng giải quyết vấn đề mà Sa-tan nêu ra tại vườn Ê-đen.