Hai sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương
“Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy... được sự sống đời đời” (Giăng 3:16).
1. Câu “Đức Chúa Trời là sự yêu-thương” có nghĩa gì?
“Đức Chúa Trời là sự yêu-thương”. Sứ đồ Giăng lập lại lời này hai lần (I Giăng 4:8, 16). Đúng vậy, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đầy yêu thương, không phải chỉ do cách Ngài khôn ngoan, công bình và nhiều uy lực; Ngài LÀ sự yêu thương. Ngài biểu tượng cho sự yêu thương. Bạn có thể tự hỏi: «Tôi có biết tại sao điều đó là sự thật không? Tôi có thể biết cách rõ ràng để giải thích cho người khác, dùng bằng cớ hoặc ví dụ cho thấy Ngài là sự yêu thương không? Và sự kiện này có ảnh hưởng chi trên đời sống và các hoạt động của tôi?»
2. Chúng ta nhìn thấy được những sự bày tỏ gì về tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
2 Tình yêu thương mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời tỏ ra cho nhân loại trên đất thật là bao la thay! Hãy suy gẫm về vẻ thẩm mỹ và sự hữu dụng của cặp mắt, sự kỳ diệu của bộ xương cứng chắc, các bắp thịt mạnh mẽ và xúc giác nhạy cảm thay! Chúng ta có thật nhiều lý do tốt để hòa cùng cảm nghĩ với người viết Thi-thiên mà nói rằng: “Tôi cảm-tạ Chúa, vì tôi được dựng nên cách đáng sợ lạ-lùng”. Và cũng hãy suy gẫm về các núi non hùng vĩ, những dòng suối hiền hòa trong vắt, những cánh đồng đầy hoa lúc mùa xuân và những buổi hoàng hôn rực rỡ. “Hỡi Đức Giê-hô-va, công-việc Ngài nhiều biết bao! Ngài đã làm hết thảy cách khôn-ngoan; Trái đất đầy-dẫy tài-sản Ngài” (Thi-thiên 139:14; 104:24).
3, 4. Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ cung cấp các ví dụ gì về sự bày tỏ tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?
3 Đức Chúa Trời không ngưng bày tỏ lòng yêu thương khi hai người đầu tiên (là A-đam và Ê-va) đã phản bội. Ví dụ, Đức Giê-hô-va bày tỏ sự yêu thương khi Ngài cho phép cặp vợ chồng đó sanh ra con cháu hầu chúng có thể hưởng lợi tốt về sự sắp đặt của Ngài qua lời hứa về “dòng-dõi” sẽ đến (Sáng-thế Ký 3:15). Sau đó Ngài cho Nô-ê sửa soạn một con tàu hầu bảo tồn nhân loại và các loài thú khác trên đất (Sáng-thế Ký 6:13-21). Tiếp theo đó, Ngài bày tỏ sự yêu thương lớn cho Áp-ra-ham, người này được gọi là bạn của Đức Giê-hô-va (Sáng-thế Ký 18:19; Ê-sai 41:8). Bằng cách cứu thoát dòng dõi Áp-ra-ham khỏi ách nô lệ tại xứ Ê-díp-tô, Đức Chúa Trời lần nữa đã bày tỏ sự yêu thương, như chúng ta đọc trong Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:8: “Vì Đức Giê-hô-va thương-yêu các ngươi... nên Đức Giê-hô-va nhờ tay mạnh rút các ngươi ra”.
4 Mặc dầu dân Y-sơ-ra-ên tiếp tục tỏ ra bội ơn và luôn luôn phản nghịch, Đức Chúa Trời đã không bỏ rơi họ liền. Thay vì thế, Ngài đã nhắc nhở họ với đầy tình yêu thương: “Các ngươi khá xây-bỏ, xây-bỏ đường-lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên?” (Ê-xê-chi-ên 33:11). Tuy nhiên, ngay dù Đức Giê-hô-va là biểu hiệu của sự yêu thương, Ngài cũng công bình và khôn ngoan. Như thế sẽ đến lúc dân phản nghịch này đi tới mức giới hạn của sự chịu đựng của Ngài! Chúng đến mức “chẳng còn phương chữa được”, do đó Ngài để cho chúng bị bắt đi làm phu tù nơi xứ Ba-by-lôn (II Sử-ký 36:15, 16). Song dầu vậy, tình yêu thương của Đức Chúa Trời đã không ngưng luôn mãi mãi. Ngài khiến cho một nhóm còn sót lại được phép trở về xứ của họ 70 năm sau đó. Bạn hãy đọc bài Thi-thiên 126 và xem họ có cảm nghĩ thế nào về chuyến trở về này.
Sửa soạn sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương của Ngài
5. Tại sao có thể nói việc Đức Chúa Trời sai Con mình xuống thế gian là một sự bày tỏ tình yêu thương?
5 Đi dần vào lịch sử, đã đến lúc Đức Giê-hô-va làm sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương của Ngài. Đó thật là một tình yêu thương đầy hy sinh. Sửa soạn cho điều này, Đức Chúa Trời khiến đời sống của Con một của Ngài được chuyển từ thể thiêng liêng ở trên trời vào lòng của người trinh nữ Do-thái là Ma-ri (Ma-thi-ơ 1:20-23; Lu-ca 1:26-35). Hãy tưởng tượng liên hệ đặc biệt khắng khít giữa Đức Giê-hô-va và Con Ngài. Chúng ta đọc về đời sống của Giê-su trước khi ngài xuống thế gian, được nhân cách hóa như là sự khôn ngoan: “Ta ở bên Ngài [Đức Chúa Trời] làm thợ cái, Hằng ngày ta là sự khoái-lạc Ngài, Và thường thường vui-vẻ trước mặt Ngài” (Châm-ngôn 8:30, 31). Do đó, bạn há chẳng đồng ý rằng chỉ sự kiện phải để Con một rời khỏi Ngài hẳn đã là một sự hy sinh của Đức Giê-hô-va rồi sao?
6. Trong phần đầu đời sống của Giê-su trên đất, Đức Giê-hô-va đã tỏ sự chú ý của người cha như thế nào?
6 Chắc chắn Đức Giê-hô-va đã chú ý theo dõi sự nẩy nở của con mình từ lúc thụ thai trở đi. Thánh linh của Đức Chúa Trời bao trùm Ma-ri để không chi có thể làm hại đến bào thai đang lớn lên đó. Đức Giê-hô-va khiến cho Giô-sép và Ma-ri đi đến thành Bết-lê-hem cho việc kiểm tra dân số hầu Giê-su được sanh ra tại đó để ứng nghiệm lời tiên tri ghi nơi Mi-chê 5:1. Đức Chúa Trời cho một thiên sứ đi báo cho Giô-sép biết trước về mưu mô của vua Hê-rốt muốn giết Giê-su, khiến Giô-sép cùng gia đình trốn thoát được đến xứ Ê-díp-tô và ở đó cho đến khi Hê-rốt qua đời (Ma-thi-ơ 2:13-15). Đức Chúa Trời hẳn đã theo dõi sự tiến bộ của Giê-su khi lớn lên. Hẳn Ngài lấy làm đẹp lòng nhìn thấy Giê-su lúc 12 tuổi đã làm kinh ngạc các thầy thông giáo nơi đền thờ qua những câu hỏi và giải đáp của ngài (Lu-ca 2:42-47).
7. Đức Chúa Trời đã tỏ ba lần như thế nào về sự chú ý đến thánh chức rao giảng của Giê-su?
7 Mười tám năm sau đó, Đức Giê-hô-va đã chăm chú nhìn xem khi Giê-su đến nhờ Giăng Báp-tít làm phép báp têm cho ngài. Rồi Đức Giê-hô-va đã vui vẻ giáng thánh linh trên Giê-su và phán: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đàng” (Ma-thi-ơ 3:17). Người tín đồ đấng Christ nào làm cha cũng có thể tưởng tượng được lòng vui sướng của Đức Chúa Trời khi theo dõi công việc rao giảng của Giê-su, xem cách Giê-su hướng mọi sự ngợi khen lên Cha trên trời của ngài. Vào một dịp nọ Giê-su đã dẫn vài sứ đồ lên một núi cao. Nơi đó, Đức Giê-hô-va đã làm cho đấng Christ được sáng ngời vượt bực, và Đức Chúa Cha đã phán: “Nầy là Con yêu-dấu của ta, đẹp lòng ta mọi đường; hãy nghe lời Con đó!” (Ma-thi-ơ 17:5). Đức Giê-hô-va cho giọng nói Ngài vang lên lần thứ ba khi Ngài đáp lại lời cầu khẩn của Giê-su xin Cha làm sáng danh Ngài. Đức Giê-hô-va phán: “Ta đã làm sáng danh rồi, ta còn làm cho sáng danh nữa!” Rõ ràng lời đó trước hết là cho Giê-su vì vài người ở với Giê-su lúc đó đã nghĩ một thiên sứ thốt lên lời đó, trong khi những người khác tưởng nghe tiếng sấm sét (Giăng 12:28, 29).
8. Bạn có cảm nghĩ gì về tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
8 Bạn kết luận gì sau khi ôn lại các hành động của Đức Chúa Trời dành cho Con Ngài và sự chăm chú của Ngài về Con đó? Hẳn ta thấy rõ Đức Giê-hô-va yêu thương tha thiết Con một của Ngài. Lưu ý điều này và cũng biết rằng hầu hết các bậc cha mẹ cũng sẽ cảm thương thống thiết cho con một của mình, sau đây chúng ta hãy xem xét điều xảy ra kế tiếp—sự chết hy sinh của Giê-su.
Sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương
9, 10. Sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương của Đức Chúa Trời đối với nhân loại là gì, và được chứng minh như thế nào trong Kinh-thánh?
9 Kinh-thánh cho thấy Cha trên trời của chúng ta có sự thương xót. Chúng ta đọc nơi Ê-sai 63:9 nói về dân Y-sơ-ra-ên của Ngài: “Hễ khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ, và thiên-sứ trước mặt Ngài đã cứu họ rồi. Chính Ngài đã lấy lòng yêu-đương thương-xót mà chuộc họ. Ngài đã ẵm-bồng, và mang họ trong các ngày thuở xưa”. Thế thì hẳn còn khốn khổ cho Đức Giê-hô-va hơn biết bao khi phải nghe và thấy Giê-su “kêu lớn tiếng khóc-lóc” (Hê-bơ-rơ 5:7). Giê-su đã vừa cầu nguyện vừa khóc lóc như vậy trong vườn Ghết-sê-ma-nê. Ngài bị bắt làm tù nhân, phải ra trước tòa án giả hiệu, bị đánh đập và quất roi, và người ta đã đặt một vòng gai giả làm vương miện lên đầu ngài. Hãy nhớ, Đức Chúa Cha đầy yêu thương của Giê-su chứng kiến tất cả mọi sự này. Ngài cũng đã thấy Giê-su phải vác cây cọc và vấp ngã trước sức nặng của cây cọc ấy, và sau cùng Ngài đã chứng kiến cảnh Con mình bị hành quyết và bị đóng đinh trên cây cọc đó. Chúng ta không nên quên rằng Đức Chúa Trời đã có thể ngăn chặn sự đau khổ thế ấy của Con Ngài. Nhưng Đức Giê-hô-va đã dằn lòng để Giê-su phải chịu đau khổ như thế ấy. Bởi Đức Chúa Trời đầy tình cảm, việc phải chứng kiến những điều xảy ra này hẳn làm Ngài đau xót, một sự đau thương xót xa thống khổ như Ngài chưa từng có và sẽ không bao giờ có nữa.
10 Sau khi xem xét các điều trên, chúng ta có thể nhận biết ý nghĩa sâu đậm của lời Giê-su nói với Ni-cô-đem: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Lời của Giăng, sứ đồ thân cận của Giê-su, cũng có ý nghĩa sâu đậm tương đương: “Lòng Đức Chúa Trời yêu chúng ta đã bày-tỏ trong điều nầy: Đức Chúa Trời đã sai Con một Ngài đến thế-gian, đặng... làm của-lễ chuộc tội chúng ta” (I Giăng 4:9, 10).
11. Sứ đồ Phao-lô đã làm sáng nghĩa sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương của Đức Chúa Trời như thế nào?
11 Như vây bạn hẳn có thể hiểu tại sao sứ đồ Phao-lô đã nhấn mạnh tình yêu thương lớn của Giê-hô-va Đức Chúa Trời với lời lẽ ghi nơi Rô-ma 5:6-8 như sau: “Khi chúng ta còn yếu-đuối, đấng Christ đã theo kỳ hẹn chịu chết vì kẻ có tội. Vả, họa mới có kẻ chịu chết vì người nghĩa; dễ thường cũng có kẻ bằng lòng chết vì người lành. Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu-thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì đấng Christ vì chúng ta chịu chết”. Chắc chắn, bằng cách sai Con một của Ngài xuống thế gian, chịu khổ và phải chết với một cái chết đầy sỉ nhục, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã làm sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương.
Sự bày tỏ vĩ đại thứ nhì về tình yêu thương
12, 13. a) Tại sao cách Giê-su bày tỏ tình yêu thương là duy nhất không ai khác có thể làm được? b) Phao-lô đã lưu ý chúng ta thế nào về tình yêu thương lớn của Giê-su?
12 Bạn có lẽ sẽ hỏi: “Thế thì sự bày tỏ vĩ đại thứ nhì về tình yêu thương là chi?” Giê-su nói: “Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Thật vậy trong lịch sử loài người có những người đã hy sinh mạng sống mình cho những người khác. Song mạng sống của họ chỉ là một đời sống ngắn ngủi; những người đó biết trước sau gì cũng phải chết. Với Giê-su Christ thì khác. Ngài là một người hoàn toàn, có quyền được sống. Ngài không phải chịu sự chết vì tội lỗi di truyền như toàn thể nhân loại; và cũng không ai có thể giết ngài được nếu ngài không tự để cho giết (Giăng 10:18; Hê-bơ-rơ 7:26). Hãy nhớ lại lời ngài nói: “Ngươi tưởng ta không có thể xin Cha ta lập-tức cho ta hơn mười hai đạo thiên-sứ sao?” (Ma-thi-ơ 26:53; Giăng 10:17, 18).
13 Chúng ta càng có thể hiểu thấu ý nghĩa của tình yêu thương của Giê-su khi xem xét khía cạnh này: Ngài đã rời bỏ một đời sống đầy vinh quang trong thể thiêng liêng trên trời, nơi mà ngài đã sống trong địa vị thân cận và làm việc chung với Đấng Tối cao khắp vũ trụ và Vua đời đời. Thế mà, vì lòng yêu thương bất vị kỷ, Giê-su đã hành động như lời sứ đồ Phao-lô nói với chúng ta: “Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ; chính ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người; ngài đã hiện ra như một người, tự hạ mình xuống, vâng-phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây [khổ hình]” (Phi-líp 2:6-8).
14. Nhà tiên tri Ê-sai đã nói gì về sự bày tỏ vĩ đại về tình yêu thương của Giê-su?
14 Đó chẳng là một sự bày tỏ tình yêu thương hay sao? Chắc chắn là vậy—một sự bày tỏ vĩ đại hạng nhì sau sự bày tỏ vĩ đại hạng nhất của Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Cha của ngài ở trên trời. Lời tiên tri trong sách Ê-sai đoạn 53 nói lên mọi sự đau khổ mà Giê-su đã phải trải qua: “Người đã bị người ta khinh-dể và chán-bỏ, từng-trải sự buồn-bực, biết sự đau-ốm... Thật người đã mang sự đau-ốm của chúng ta, đã gánh sự buồn-bực của chúng ta; mà chúng ta lại tưởng rằng người đã bị Đức Chúa Trời đánh và đập, và làm cho khốn-khổ. Nhưng người đã vì tội-lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian-ác chúng ta mà bị thương... Bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh... Người đã đổ mạng-sống mình cho đến chết” (Ê-sai 53:3-5, 12).
15, 16. Lời nào của Giê-su cho thấy ngài hẳn đã làm một sự hy sinh lớn?
15 Bởi tất cả mọi sự đó phải đến với sự chết của ngài, Giê-su đã dâng lời cầu nguyện trong vườn Ghết-sê-ma-nê: “Cha ơi, nếu có thể được, xin cho chén nầy lìa khỏi Con! Song không theo ý-muốn Con, mà theo ý-muốn Cha” (Ma-thi-ơ 26:39). Giê-su đã cầu xin gì khi nói những lời đó? Phải chăng ngài nài nỉ để khỏi làm “Chiên con của Đức Chúa Trời, là đấng cất tội-lỗi thế-gian đi”? (Giăng 1:29). Không thể có nghĩa vậy, vì từ đầu Giê-su đã nói với các môn đồ là ngài sẽ phải chịu khổ và chết, ngay cả nói rõ cách nào ngài sẽ chịu chết (Ma-thi-ơ 16:21; Giăng 3:14). Vậy hẳn Giê-su muốn nói điều gì khác khi cầu nguyện như thế.
16 Hẳn Giê-su lo lắng về việc sẽ bị buộc tội phạm thượng, tội nặng nhất cho người Do-thái. Tại sao ngài phải lo lắng bị buộc tội oan như thế? Bởi vì việc ngài chết trong hoàn cảnh như vậy sẽ làm hổ danh Cha ngài ở trên trời. Đúng vậy, Con vô tội của Đức Chúa Trời, đấng hằng yêu sự công bình và hằng ghét sự phi pháp, đấng đã xuống thế gian để làm sáng danh Cha ngài, nay lại bị chính dân của Đức Chúa Trời kết án tử hình vì tội phạm thượng xúc phạm đến Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:9; Giăng 17:4).
17. Tại sao cách Giê-su chịu chết là cả một sự thử thách to lớn cho ngài?
17 Trước đó, trong thời gian làm thánh chức, Giê-su đã nói: “Có một phép báp-têm mà ta phải chịu, ta đau-đớn biết bao cho đến chừng nào phép ấy được hoàn-thành!” (Lu-ca 12:50). Bấy giờ là cực điểm của phép báp têm ấy. Chắc chắn vì vậy mà khi ngài cầu nguyện, mồ hôi đổ ra như những giọt máu lớn (Lu-ca 22:44). Hơn nữa, đêm ấy ngài phải gánh chịu một thử thách to lớn hơn sức loài người có thể tưởng tượng được. Ngài biết phải chứng tỏ sự trung thành, vì nếu không thì sẽ là một sỉ nhục lớn như tát vào mặt Đức Giê-hô-va! Sa-tan Ma-quỉ sẽ hô hào hắn nói đúng và Giê-hô-va Đức Chúa Trời nói sai. Nhưng khi Giê-su chứng tỏ trung thành cho đến chết, hẳn đó cũng như tát vào mặt Sa-tan vậy! Vì như thế Giê-su đã chứng minh Sa-tan là một kẻ nói dối hèn hạ, tồi bại và quỷ quyệt (Châm-ngôn 27:11).
18. Tại sao Giê-su bị tình trạng căng thẳng tột bực vào đêm đó?
18 Giê-hô-va Đức Chúa Trời tin cậy nơi sự trung tín của Con Ngài đến nỗi Ngài đã nói tiên tri rằng Giê-su sẽ chứng tỏ trung thành (Ê-sai 53:9-12). Tuy vậy, Giê-su cũng biết gánh nặng giữ sự trung tín là nằm trong tay ngài. Ngài đã có thể thất bại. Ngài đã có thể phạm tội (Lu-ca 12:50). Sự sống đời đời của chính ngài và của toàn thể nhân loại tùy thuộc vào ngài đêm đó. Thật là cả một sự căng thẳng tinh thần! Nếu Giê-su đã bị yếu đuối và phạm tội, ngài sẽ không thể xin tha thứ nhờ giá chuộc hy sinh của ai khác, như chúng ta bất toàn có thể làm.
19. Do đường lối bất vị kỷ của ngài, Giê-su đã làm được những gì?
19 Chắc chắn, sự kiên trì của Giê-su vào ngày 14 Ni-san năm 33 tây lịch đã là một sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương bất vị kỷ do một con người trên đất, chỉ đứng hạng nhì sau sự bày tỏ do Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà thôi. Và qua sự chết của ngài, Giê-su đã làm được những điều lớn lao biết bao! Qua sự chết của ngài, ngài trở nên “Chiên con của Đức Chúa Trời, là đấng cất tội-lỗi thế-gian đi” (Giăng 1:29). Ngài mở đường cho 144.000 người môn đồ để trở nên vua và thầy tế lễ hầu cùng trị vì với ngài trong một ngàn năm (Khải-huyền 20:4, 6). Ngoài ra, “đám đông” các “chiên khác” ngày nay hưởng lợi ích do sự hy sinh của đấng Christ và có hy vọng sống sót qua sự hủy diệt của hệ thống mọi sự cũ này. Họ sẽ là những người đầu tiên vui hưởng các ân phước của một địa-đàng trên đất. Rồi nhờ việc làm của Giê-su mà sẽ có hàng tỷ người được sống lại. Họ cũng sẽ có dịp vui hưởng sự sống đời đời trong địa-đàng trên đất (Khải-huyền 7:9-14; Giăng 10:16; 5:28, 29). Thật thế, “[bất luận nhiều đến đầu], các lời hứa của Đức Chúa Trời đều là phải trong ngài cả”, tức được thực hiện qua Giê-su Christ vậy (II Cô-rinh-tô 1:20).
20. Chúng ta nên chứng tỏ gì để đáp lại hai sự bày tỏ vĩ đại nhất về tình yêu thương của Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ?
20 Chắc hẳn điều thích hợp nhất là chúng ta nên chứng tỏ sự biết ơn về mọi điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Giê-su Christ đã làm cho chúng ta qua những sự bày tỏ vĩ đại nhất như vậy về tình yêu thương. Chúng ta cần phải biết ơn sâu đậm và, hầu hưởng được mọi ân phước, chúng ta phải tỏ sự biết ơn như thế. Bài kế tiếp sẽ chỉ vài cách tốt nhất để chúng ta có thể làm vậy.
Bạn còn nhớ không?
◻ Toàn thể nhân loại có thể thấy những sự bày tỏ nào về tình yêu thương của Đức Chúa Trời?
◻ Làm sao chúng ta biết Đức Giê-hô-va đau xót khi Ngài thấy Con Ngài bị đau đớn?
◻ Sự chết hy sinh của Giê-su cho nhân loại khác thế nào với sự chết hy sinh của một số người khác?
◻ Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va và Giê-su nên có ảnh hưởng thế nào trên chúng ta?