Chúng ta phải làm gì để được cứu
TẠI SAO chúng ta cần được cứu? Bởi lẽ tất cả chúng ta đều chịu hậu quả tàn khốc của tội lỗi: sự bất toàn, đau đớn, bệnh tật, khổ sở và sau cùng là sự chết. Sứ đồ Phao-lô giải thích rằng sở dĩ chúng ta ở trong tình cảnh này vì tổ phụ chúng ta là A-đam đã phản nghịch chống lại luật pháp Đức Chúa Trời. Phao-lô viết: “Cho nên, như bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12). Tại sao tội lỗi của A-đam lại gây chết chóc cho toàn thể nhân loại? Thật ra, đó là vì cách vận hành tự nhiên của sự vật.
Khi phạm tội, A-đam bị kết án tử hình theo đúng luật pháp thiên thượng. Điều này không chỉ công chính mà còn cần thiết nữa. Công chính, vì sự sống không phải là một quyền, nhưng là một quà tặng đến từ Đức Chúa Trời. Bởi cố ý phạm tội, A-đam đã khước từ hẳn món quà đó (Rô-ma 6:23). Bản án tử hình dành cho A-đam là cần thiết vì không có chi bất toàn mà lại có thể được cho phép tồn tại và làm ô nhiễm vũ trụ vô hạn định. Thế nên, khi phạm tội, A-đam bắt đầu chết và không còn giữ được sự sống hoàn toàn, vô tội cho chính ông và để truyền lại cho con cháu nữa. Ông chỉ có thể cho chúng sự sống bợn vết bất toàn và tội lỗi (Rô-ma 8:18-21).
Tuy nhiên, chúng ta không nên quên rằng, ngay cả sự hiện hữu ngắn ngủi là số phận mà chúng ta có được ngày nay cũng chỉ đến từ lòng tốt của Đức Chúa Trời mà lẽ ra chúng ta không đáng nhận (Gióp 14:1). Đức Chúa Trời không buộc phải cho phép A-đam và Ê-va có con cái trước khi họ chết. Nhưng Ngài cho phép họ, hầu chứng minh rằng một số người bất toàn sẽ ủng hộ quyền tối thượng của Đức Chúa Trời bằng cách giữ sự trung kiên đối với Ngài. Đức Chúa Trời cho phép họ sanh con cũng bởi vì Ngài biết rằng cuối cùng Ngài sẽ chuộc lại hay cứu vớt được những người đáp lại tiếng Ngài tuy họ là con cháu của những kẻ phản nghịch đầu tiên là A-đam và Ê-va. Bằng cách nào?
Cung cấp sự cứu rỗi
Giê-hô-va Đức Chúa Trời không thể ngang nhiên bỏ qua sự phán xét công bình của Ngài. Ngài cũng không thể tự ý muốn quên tội lỗi ban đầu của A-đam cùng tội lỗi mà nhân loại đã chồng chất kể từ dạo đó. Nếu Đức Chúa Trời lờ đi luật pháp công bình của chính Ngài, điều này sẽ làm hao mòn sự kính trọng và tin tưởng đối với toàn thể hệ thống công lý của Ngài. Hãy tưởng tượng tiếng bất bình sẽ nổi lên nếu một quan tòa do ý riêng nào đó tự tiện cho phép kẻ phạm pháp tránh khỏi hình phạt. Tuy nhiên, một quan tòa đầy thương xót có thể sắp xếp thích đáng nếu có vài cá nhân khác sẵn lòng trả một số tiền bảo lãnh theo luật định thay cho kẻ có tội. Dưới một khía cạnh nào đó, đây chính là điều mà Đức Chúa Trời đã làm cho chúng ta.
Đức Giê-hô-va đã sắp xếp cho Con của Ngài là Giê-su Christ (Ky-tô) phó mạng sống làm người hoàn toàn đổi lấy sự sống hoàn toàn mà A-đam đã từ bỏ. Giê-su sẵn lòng gánh lấy hình phạt dành cho tội lỗi của chúng ta—tức là sự chết (Ê-sai 53:4, 5; Giăng 10:17, 18). Kinh-thánh nói: “Con người đã đến,... phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28; I Ti-mô-thê 2:6). Không ai khác có thể làm điều này. Giê-su là người duy nhất được sinh ra không tội, và tiếp tục giữ mình hoàn toàn, vô tội cho đến chết (Hê-bơ-rơ 7:26; I Phi-e-rơ 2:22). Sự trung thành đến chết của ngài đã tạo cơ hội cho ngài trả tiền bảo lãnh theo luật định cho tội lỗi của chúng ta.
Mặc dù vậy, hãy nhớ rằng Đức Chúa Trời là Quan Án Tối cao không có bổn phận giải cứu mọi người. Ngài xem sự sống con người hoàn toàn làm của-lễ hy sinh của Giê-su như là việc trả món nợ mà chúng ta mắc phải vì tội lỗi. Nhưng Giê-hô-va Đức Chúa Trời sẽ không áp dụng điều này cho những kẻ phạm tội cố ý, không ăn năn và không biết ơn. Thay vì ban cho một loại ân xá thông thường nào đó hay một sự cứu rỗi bao quát, Kinh-thánh đặt ra những điều kiện mà chúng ta phải hội đủ nếu muốn được cứu khỏi hậu quả của tội lỗi di truyền.
Các điều kiện để được cứu rỗi
Vậy chúng ta phải hội đủ điều kiện gì để được cứu? Điều kiện chủ yếu là điều mà sứ đồ Phao-lô từng nói với người cai ngục tại thành Phi-líp: “Hãy tin Chúa Giê-su, thì ngươi... sẽ được cứu-rỗi” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:31). Sự chấp nhận chân tình việc đổ huyết của Chúa Giê-su là cốt yếu nếu chúng ta muốn được cứu. Còn sự cứu rỗi thì có ý nghĩa gì cho chúng ta? Giê-su nêu ra câu trả lời khi ngài nói: “Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta” (Giăng 10:28). Đối với hầu hết mọi người, sự cứu rỗi có nghĩa là sự sống đời đời trên đất được phục hưng trong tình trạng địa-đàng toàn hảo (Thi-thiên 37:10, 11; Khải-huyền 21:3, 4). Tuy nhiên, trong trường hợp của “bầy nhỏ”, đó có nghĩa là được cai trị với Giê-su trong Nước Trời (Lu-ca 12:32; Khải-huyền 5:9, 10; 20:4).
Một số người cho rằng cứ tin vào Giê-su là xong chuyện. Một tờ giấy nhỏ về tôn giáo nói: “Chỉ có mỗi một việc cần phải làm để được lên trời. Đó là: chấp nhận Giê-su Christ là Cứu Chúa của mình, qui phục ngài như Chúa và Thầy, và công khai nhìn nhận ngài như thế trước mắt thế gian”. Thế nên nhiều người tin rằng chúng ta chỉ cần trải qua kinh nghiệm hối cải đột ngột do cảm xúc để được cam kết có sự sống đời đời. Tuy nhiên, tập trung sự chú ý vào chỉ một điều kiện cần yếu cho sự cứu rỗi và rồi loại ra những điều kiện khác thì giống như đọc một điều khoản quyết liệt của một giấy giao kèo và làm ngơ trước phần còn lại.
9 Điều này thành rõ nghĩa hơn khi chúng ta nghe lời phát biểu của một số người một thời nghĩ rằng chỉ việc tự xưng tin nơi Giê-su là hội đủ điều kiện để được cứu. Bernice nói: “Tôi lớn lên trong Nhà thờ Huynh đệ (Brethren Church), nhưng có lúc tôi tự hỏi rằng nếu sự sống đời đời chỉ tùy thuộc nơi Giê-su thì tại sao chính ngài lại nói: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là đấng Cha đã sai đến”” (Giăng 17:3).
Trong chín năm ròng, Norman tin chắc rằng anh được cứu. Nhưng rồi anh thấy nếu chỉ cần cậy cảm xúc mà xưng Giê-su Christ (Ky-tô) là đấng Cứu chuộc của mình thì không đủ. Anh nói: “Tôi thấy Kinh-thánh bảo rằng nếu chỉ nhìn nhận với Đức Chúa Trời là chúng ta có tội và cần sự cứu rỗi thì chưa đủ. Chúng ta cũng cần hành động xứng đáng với sự ăn năn nữa” (Ma-thi-ơ 3:8; Công-vụ các Sứ-đồ 3:19).
Đúng, tin vào Giê-su là điều cốt yếu để được cứu, nhưng ngoài ra, cần phải có thêm nhiều điều khác. Giê-su có nói đến những kẻ tự xưng tin nơi ngài, và thậm chí còn nhân danh ngài mà làm “nhiều phép lạ”. Nhưng ngài chẳng nhìn nhận họ. Tại sao? Bởi vì họ là những “kẻ làm gian-ác” và không làm theo ý muốn của Cha ngài (Ma-thi-ơ 7:15-23). Môn đồ Gia-cơ nhắc nhở chúng ta về sự cần thiết phải “làm theo lời, chớ lấy nghe làm đủ mà lừa-dối mình”. Ông cũng nói: “Ngươi tin rằng chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi, ngươi tin phải; ma-quỉ cũng tin như vậy và run-sợ... Đức-tin không có việc làm [thì] chết” (Gia-cơ 1:22; 2:19, 26).
Dù vậy, một số người tranh biện rằng đằng nào thì những người thật sự được cứu đều đã làm hết các việc ấy. Nhưng trên thực tế có thật như vậy không? Denis, người “đã chấp nhận Giê-su” khi còn là thiếu niên, cho biết: “Những người “được cứu” mà tôi biết thì cảm thấy không cần xem xét Kinh-thánh cho lắm, vì họ nghĩ rằng họ đã làm tất cả những gì cần thiết cho sự cứu rỗi rồi”. Kỳ thực, sự giả hình và các hành vi nghịch với đấng Christ của những kẻ tự xưng được cứu đã bôi nhọ toàn diện vấn đề cứu rỗi.
Tuy nhiên, nhiều người khẳng định rằng Kinh-thánh nói: “Ai tin Con, thì được sự sống đời đời” (Giăng 3:36). Do đó, họ đi đến kết luận rằng một khi bạn chấp nhận Chúa Giê-su Christ (Ky-tô) là đấng Cứu chuộc của chính mình thì không bao giờ bạn có thể lạc mất nữa. Khẩu hiệu của họ là “Một khi được cứu, là được cứu vĩnh viễn”. Nhưng phải chăng đó là điều mà Kinh-thánh nói? Để trả lời, chúng ta cần xem xét mọi điều mà Kinh-thánh nói về đề tài này. Chúng ta không muốn “tự lừa dối mình” bằng lý lẽ giả hiệu qua việc chỉ đọc vài phần chọn lọc của Lời Đức Chúa Trời.
“Một khi được cứu, là được cứu vĩnh viễn” phải không?
Hãy lưu ý đến lời cảnh cáo được soi dẫn của môn đồ Giu-đe. Ông viết: “Hỡi kẻ rất yêu-dấu, vì tôi đã ân-cần viết cho anh em về sự cứu-rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh-chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi” (Giu-đe 3). Tại sao Giu-đe viết điều này? Bởi vì ông biết rằng từng cá nhân tín đồ đấng Christ (Ky-tô) vẫn có thể đánh mất “sự cứu-rỗi chung” của họ. Ông viết tiếp: “Tôi cũng muốn nhắc lại cho anh em rằng, xưa kia Chúa [Đức Giê-hô-va] giải-cứu dân mình [dân Y-sơ-ra-ên] ra khỏi xứ Ê-díp-tô, sau lại tiêu-diệt những kẻ không tin” (Giu-đe 5).
Lời cảnh cáo của Giu-đe thành ra vô nghĩa nếu các tín đồ đấng Christ (Ky-tô) không gặp mối nguy hiểm tương tợ như những người Y-sơ-ra-ên đó. Giu-đe không hề đặt nghi vấn về giá trị sự hy sinh của Giê-su. Sự hy sinh đó đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi của A-đam và Giê-su sẽ bảo vệ những ai thực hành đức tin nơi ngài. Không ai có thể cướp họ khỏi tay ngài. Nhưng chúng ta có thể đánh mất sự bảo vệ đó. Thế nào? Bằng cách làm giống như nhiều người Y-sơ-ra-ên xưa từng được cứu. Chúng ta có thể cố ý cãi lại Đức Chúa Trời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20).
Hãy tưởng tượng bạn được cứu ra khỏi một tòa nhà đang cháy. Hãy nghĩ bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm thế nào khi được an toàn đưa ra khỏi tòa nhà và người cứu hỏa nói: “Bây giờ an toàn rồi nhé”. Đúng, bạn đã được cứu khỏi một cái chết. Nhưng việc gì sẽ xảy ra nếu vì một lý do dại dột nào đó mà bạn quyết định trở vào trong tòa nhà? Sự sống của bạn lại bị lâm nguy nữa.
Các tín đồ đấng Christ (Ky-tô) ở trong tình trạng được cứu. Họ có triển vọng sống đời đời trước mắt vì ở trong vị thế được Đức Chúa Trời chấp nhận. Với tính cách tập thể, họ chắc chắn được cứu khỏi tội lỗi của A-đam cùng tất cả các hậu quả của tội lỗi. Nhưng từng cá nhân họ sẽ được cứu vào sự sống đời đời hay không chỉ khi nào họ tiếp tục hội đủ tất cả các điều kiện của Đức Chúa Trời. Giê-su nhấn mạnh điều này khi ngài tự ví mình với một cây nho và các môn đồ với các nhánh cây nho đó. Ngài nói: “Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì [Đức Chúa Trời] chặt hết... Nếu ai chẳng cứ ở trong ta thì phải ném ra ngoài, cũng như nhánh nho; nhánh khô đi, người ta lượm lấy, quăng vào lửa, thì nó cháy” (Giăng 15:2, 6; Hê-bơ-rơ 6:4-6). Kẻ nào mất đức tin nơi Giê-su thì cũng mất sự sống đời đời.
“Kẻ nào bền chí... thì sẽ được cứu”
Đúng, có nhiều việc khác nhau liên hệ đến việc được cứu. Chúng ta phải học biết chính xác về các ý định và đường lối cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Đoạn, chúng ta phải thực hành đức tin nơi đấng Thực thi sự cứu rỗi là Giê-su Christ (Ky-tô), và làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời trong suốt quãng đời còn lại của chúng ta (Giăng 3:16; Tít 2:14). Sự cứu rỗi là chắc chắn cho những ai làm theo đường lối này. Nhưng điều này đòi hỏi chúng ta phải bền lòng cho đến hết đời sống hiện tại của chúng ta hoặc cho đến sự cuối cùng của hệ thống mọi sự này. Chỉ có “kẻ nào bền chí cho đến cuối-cùng, thì sẽ được cứu” (Ma-thi-ơ 24:13).
Người cai ngục tại thành Phi-líp cùng với người nhà của ông đã tích cực đáp ứng thông điệp cứu rỗi mà Phao-lô và Si-la giảng cho họ. “Rồi tức thì người và mọi kẻ thuộc về mình đều chịu phép báp-têm” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:33). Chúng ta có thể hành động tích cực tương tợ như thế. Bởi đó, chúng ta sẽ tìm được mối liên lạc mật thiết và đầy ân phước với Giê-hô-va Đức Chúa Trời và với Con Ngài là Giê-su Christ, và có thể hoàn toàn vững tin nơi sự sắp đặt thiên thượng dành cho sự cứu rỗi. Người cai ngục thành Phi-líp “với cả nhà mình đều mừng-rỡ vì đã tin Đức Chúa Trời” (Công-vụ các Sứ-đồ 16:34). Hành động như thế cũng sẽ làm cho chúng ta “mừng-rỡ” nhiều lắm.
[Hình nơi trang 7]
Việc gì sẽ xảy ra nếu bạn lại chạy trở vào trong tòa nhà đang cháy, sau khi đã được cứu ra khỏi đó?