Hãy đi theo sự sáng của thế gian
“Người nào theo ta... có ánh sáng của sự sống” (GIĂNG 8:12).
1. Sự sáng là tối cần thiết như thế nào?
CHÚNG TA sẽ làm gì nếu không có ánh sáng? Thử tưởng tượng bạn thức dậy mỗi ngày trong tối tăm, 24 giờ không có ánh sáng, và quanh năm như vậy. Hãy tưởng tượng một thế giới không có màu sắc, vì nếu không có ánh sáng thì không có màu sắc. Thật vậy, nếu không có ánh sáng, chúng ta cũng không hiện hữu. Tại sao không? Bởi vì trong tiến trình gọi là sự quang hợp, cây cỏ hấp thụ ánh sáng và sản xuất thực phẩm cho chúng ta ăn: ngũ cốc, rau cải và trái cây. Đành rằng đôi khi chúng ta ăn thịt các thú vật, nhưng các thú vật đó ăn cây cỏ hoặc ăn các thú vật khác sống nhờ cây cối. Vì thế, sự sống thể chất của chúng ta tùy thuộc hoàn toàn vào ánh sáng.
2. Có những nguồn sáng mạnh mẽ nào, và điều này cho chúng ta biết gì về Đức Giê-hô-va?
2 Ánh sáng đến từ một tinh tú gọi là mặt trời. Mặt trời chỉ là một ngôi sao trung bình, dù chiếu sáng thật nhiều. Có biết bao ngôi sao còn lớn hơn mặt trời nhiều. Trong dải thiên hà của chúng ta, tức Ngân Hà, có hơn một trăm tỷ ngôi sao. Vậy mà trong vũ trụ có hàng bao tỷ thiên hà, thật là nhiều ngôi sao biết bao! Các ngôi sao tỏa nhiều ánh sáng vô cùng! Đức Giê-hô-va là nguồn ánh sáng mạnh mẽ biết mấy! Ngài là Đấng đã tạo ra tất cả các ngôi sao. Ê-sai 40:26 nói: “Hãy ngước mắt lên cao mà xem: Ai đã tạo những vật nầy? Ấy là Đấng khiến các cơ-binh ra theo số nó, và đặt tên hết thảy; chẳng một vật nào thiếu, vì sức mạnh Ngài lớn lắm, và quyền-năng Ngài rất cao”.
Loại ánh sáng khác
3. Sự sáng về thiêng liêng đến từ Đức Giê-hô-va quan trọng ra sao?
3 Đức Giê-hô-va cũng là Nguồn của một loại ánh sáng khác, loại này giúp chúng ta nhìn thấy về thiêng liêng, có sự soi sáng về thiêng liêng. Một tự điển định nghĩa chữ “soi sáng” là: “Cho sự hiểu biết: dạy dỗ; cho sự thông sáng về thiêng liêng”. Tự điển định nghĩa “được soi sáng” là: “Thoát khỏi sự ngu dốt và sự hiểu biết sai lầm”. Đức Giê-hô-va cung cấp sự soi sáng về thiêng liêng qua sự hiểu biết chính xác về Lời của Ngài là Kinh-thánh. Phải học Kinh-thánh mới biết được Đức Chúa Trời là ai và ý định Ngài là gì. “Vì Đức Chúa Trời,—là Đấng có phán: Sự sáng phải soi từ trong sự tối-tăm!—đã làm cho sự sáng Ngài chói-lòa trong lòng chúng tôi, đặng sự thông-biết về vinh-hiển Đức Chúa Trời soi-sáng nơi mặt Đức Chúa Giê-su Christ” (II Cô-rinh-tô 4:6). Vậy, những lẽ thật của Kinh-thánh giải thoát chúng ta khỏi sự ngu dốt và sự hiểu biết sai lầm. Giê-su nói: “Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha [giải thoát] các ngươi” (Giăng 8:32).
4, 5. Sự hiểu biết đến từ Đức Giê-hô-va dùng làm ánh sáng trong đời sống của chúng ta như thế nào?
4 Đức Giê-hô-va là Nguồn của sự soi sáng về thiêng liêng. Ngài “có trí-tuệ trọn-vẹn” (Gióp 37:16). Ngoài ra, Thi-thiên 119:105 nói về Đức Chúa Trời: “Lời Chúa là ngọn đèn cho chơn tôi, ánh sáng cho đường-lối tôi”. Vậy Ngài có thể soi sáng về thiêng liêng không những cho các điều chúng ta sắp làm mà còn cho cả đường đời của chúng ta nữa. Không có sự soi sáng đó, đời sống sẽ giống như lái xe không có đèn, dọc theo một con đường đèo ngoằn ngoèo, khúc khuỷu, trong bóng đêm tăm tối không ngọn đèn nào cả. Người ta có thể ví sự sáng thiêng liêng đến từ Đức Chúa Trời như đèn xe soi sáng đường đi để chúng ta có thể thấy chính xác mình đang đi đâu.
5 Lời tiên tri nơi Ê-sai 2:2-5 cho thấy trong thời kỳ chúng ta ngày nay, Đức Chúa Trời đang thâu nhóm những người trong mọi nước lại. Những người này muốn được soi sáng về thiêng liêng hầu có thể học và thực hành sự thờ phượng thật. Câu 3 nói: “Ngài sẽ dạy chúng ta về đường-lối Ngài, chúng ta sẽ đi trong các nẻo Ngài”. Câu 5 có lời mời cho những người muốn tìm kiếm lẽ thật: “Hãy đến, chúng ta hãy bước đi trong sự sáng của Đức Giê-hô-va”.
6. Sự sáng từ Đức Giê-hô-va cuối cùng sẽ dẫn chúng ta đến đâu?
6 Vậy, Đức Giê-hô-va là nguồn của hai loại ánh sáng đều thiết yếu cho sự sống: ánh sáng thể chất và thiêng liêng. Ánh sáng thể chất giúp cho cơ thể chúng ta sống lúc này, có lẽ khoảng 70 hay 80 năm. Nhưng sự sáng về thiêng liêng dẫn chúng ta đến sự sống đời đời trong địa đàng trên đất. Giê-su đã nói trong lời cầu nguyện dâng lên Đức Chúa Trời: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Giê-su Christ, là Đấng Cha đã sai đến” (Giăng 17:3).
Thế gian trong sự tối tăm thiêng liêng
7. Tại sao bây giờ chúng ta cần sự soi sáng về thiêng liêng hơn bao giờ hết?
7 Ngày nay chúng ta cần sự sáng về thiêng liêng hơn bao giờ hết. Các lời tiên tri như nơi Ma-thi-ơ đoạn 24 và; II Ti-mô-thê đoạn 3, cho thấy chúng ta đang sống rất gần sự tận cùng của hệ thống mọi sự này. Các lời tiên tri này và những lời khác nói trước những biến cố khủng khiếp xảy ra trong thời kỳ chúng ta, cho biết chúng ta đang sống trong “những ngày sau-rốt”. Đúng theo lời tiên tri đó, chúng ta trải qua tai họa này đến tai họa kia trong thế kỷ này. Tội ác và bạo động lan tràn đến độ đáng sợ. Các cuộc chiến tranh đã giết hại hơn một trăm triệu người. Các bệnh tật, chẳng hạn như bệnh miễn kháng (AIDS hay Sida) đe dọa hàng triệu người, người ta tính chỉ riêng tại Hoa Kỳ đã có hơn 160.000 người chết vì bệnh miễn kháng. Đời sống gia đình đổ vỡ và đạo đức tình dục bị xem là không hợp thời.
8. Nhân loại đang đương đầu với tình trạng nào và tại sao?
8 Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Javier Pérez de Cuéllar đã nói: “Tình trạng thế giới là bằng chứng rõ ràng cho thấy nạn nghèo khổ [đang xoi mòn] sự cố kết của xã hội”. Ông nhận xét: “Hiện nay có hơn một tỷ người sống trong sự nghèo khổ cùng cực và sự nghèo khổ đưa đến xung đột hung bạo”. Ông nói những “biện pháp mà các chính phủ đưa ra không cứu chữa nổi sự khổ sở trầm trọng” này. Ông chủ tịch của một tổ chức có uy thế xác nhận: “Vấn đề chính yếu ngày nay là xã hội đã trở nên không thể cai trị được”. Quả thật Thi-thiên 146:3 viết rất đúng: “Chớ nhờ-cậy nơi các vua-chúa, cũng đừng nhờ-cậy nơi con loài người, là nơi không có sự tiếp-trợ”.
9. Ai là kẻ chính phải chịu trách nhiệm cho sự tối tăm vây phủ nhân loại, và ai có thể giải thoát chúng ta khỏi ảnh hưởng này?
9 Tình trạng thế gian ngày nay đúng như Kinh-thánh đã báo trước nơi Ê-sai 60:2: “Nầy, sự tối-tăm vây-phủ đất, sự u-ám bao-bọc các dân”. Sự tối tăm này vây phủ đại đa số dân cư trên đất là vì họ không chịu tiếp nhận sự sáng về thiêng liêng do Đức Giê-hô-va cung cấp. Và căn nguyên của sự tối tăm về thiêng liêng là Sa-tan và các quỉ, những kẻ thù chính của Đức Chúa Trời sáng láng. Chúng là “các vua-chúa của thế-gian mờ-tối nầy” (Ê-phê-sô 6:12). II Cô-rinh-tô 4:4 nói Ma-quỉ là “chúa đời nầy”, kẻ “làm mù lòng những kẻ chẳng tin, hầu cho họ không trông thấy sự vinh-hiển chói-lói của Tin-lành Đấng Christ, là ảnh-tượng của Đức Chúa Trời”. Không chính phủ nào của loài người có thể loại trừ ảnh hưởng của Sa-tan trên khắp thế giới. Chỉ Đức Chúa Trời mới có thể làm được mà thôi.
“Sự sáng lớn”
10. Ê-sai báo trước thế nào là trong thời chúng ta ánh sáng sẽ chiếu trên nhân loại?
10 Tuy nhiên, trong khi sự u ám bao bọc đa số các dân, Kinh-thánh cũng tiên tri nơi Ê-sai 60:2, 3: “Song Đức Giê-hô-va dấy lên trên ngươi, vinh-quang Ngài tỏ rạng trên ngươi. Các dân-tộc sẽ đến nơi sự sáng ngươi”. Điều này phù hợp với lời tiên tri nơi Ê-sai đoạn 2 có hứa rằng sự thờ phượng thật của Đức Giê-hô-va được lập vững trong những ngày sau rốt này, và như Ê-sai đoạn 2 câu 2 và 3 nói, “mọi nước sẽ đổ về đó và nhiều dân-tộc sẽ đến mà nói rằng: Hãy đến; chúng ta hãy lên núi Đức Giê-hô-va”, có nghĩa là đến với sự thờ phượng thật đã được trổi lên cao. Vậy thì, mặc dù Sa-tan kiểm soát thế gian này, sự sáng của Đức Chúa Trời vẫn tỏa chiếu và đang giải thoát vô số người khỏi sự tối tăm.
11. Ai là người nổi bật nhất trong việc phản chiếu sự sáng của Đức Giê-hô-va, và Si-mê-ôn đã nhận diện ngài như thế nào?
11 Lời tiên tri nơi Ê-sai 9:1 báo trước Đức Chúa Trời sẽ sai một đấng mang sự sáng xuống thế gian. Nơi đó nói: “Dân đi trong nơi tối-tăm đã thấy sự sáng lớn; và sự sáng đã chiếu trên những kẻ ở xứ thuộc về bóng của sự chết”. “Sự sáng lớn” này là Giê-su Christ, Phát ngôn viên của Đức Giê-hô-va. Giê-su đã nói: “Ta là sự sáng của thế-gian; người nào theo ta, chẳng đi trong nơi tối-tăm, nhưng có ánh sáng của sự sống” (Giăng 8:12). Một ít người đã biết được điều này ngay từ khi Giê-su còn nhỏ tuổi. Lu-ca 2:25 thuật lại rằng “một người công-bình đạo-đức”, tên là Si-mê-ôn được “thánh linh ngự trên người”. Khi Si-mê-ôn thấy con trẻ Giê-su, ông cầu nguyện Đức Chúa Trời: “Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu-vớt của Ngài, mà Ngài đã sắm-sửa đặng làm ánh-sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên-hạ” (Lu-ca 2:30-32).
12. Giê-su đã bắt đầu vén cái màn u ám bao bọc thế gian khi nào, và thế nào?
12 Giê-su đã bắt đầu vén cái màn u ám bao bọc thế gian ít lâu sau khi làm báp têm. Ma-thi-ơ 4:12-16 cho biết là lời tiên tri nơi Ê-sai 9:1, 2 lúc đó được ứng nghiệm, khi nói đến “ánh sáng lớn” sẽ bắt đầu chiếu trên những người bước đi trong sự tối tăm thiêng liêng. Ma-thi-ơ 4:17 nói: “Từ lúc đó, Đức Chúa Giê-su khởi giảng-dạy rằng: Các ngươi hãy ăn-năn, vì nước thiên-đàng đã đến gần”. Chính bằng cách rao giảng tin mừng về Nước Đức Chúa Trời mà Giê-su làm sáng tỏ ý định của Đức Chúa Trời cho dân chúng. Ngài “đã dùng Tin-lành để phô-bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ-ràng” (II Ti-mô-thê 1:10).
13. Giê-su đã miêu tả chính mình như thế nào và tại sao ngài có thể nói chắc như vậy?
13 Giê-su đã phản chiếu sự sáng của Đức Chúa Trời một cách trung thành. Ngài nói: “Ta là sự sáng đã đến thế-gian, để ai tin ta, chẳng ở nơi tối-tăm nữa... Ta chẳng nói theo ý riêng ta; nhưng Cha sai ta đến, đã truyền lịnh cho ta phải nói điều chi và phải nói thể nào. Ta biết mạng-lịnh Cha, ấy là sự sống đời đời” (Giăng 12:44-50).
“Trong Ngài có sự sống”
14. Giăng 1:1, 2 nhận diện Giê-su như thế nào?
14 Đúng vậy, Đức Giê-hô-va đã sai Con Ngài xuống trái đất để làm sự sáng dẫn đường cho người ta đến sự sống đời đời. Hãy lưu ý điều này được nói rõ trong sách Giăng 1:1-16. Câu 1 và 2 viết: “Ban đầu có Ngôi-Lời, Ngôi-Lời ở cùng Đức Chúa Trời, và Ngôi-Lời là một [vị thần]. Ban đầu Ngài ở cùng Đức Chúa Trời” (NW). Ở đây Giăng nói đến Giê-su trước khi xuống thế gian làm người và gọi ngài bằng danh hiệu “Ngôi-Lời”. Danh hiệu này cho biết ngài có chức vụ làm phát ngôn viên cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Và khi Giăng nói “ban đầu có Ngôi-Lời” thì hẳn có nghĩa Ngôi lời là sự khởi đầu của công việc sáng tạo của Đức Giê-hô-va, “đấng làm đầu cội-rễ cuộc sáng-thế của Đức Chúa Trời” (Khải-huyền 3:14). Địa vị cao trọng của ngài trong vòng tất cả các tạo vật của Đức Chúa Trời khiến ngài có lý do chính đáng để được gọi là “một vị thần”, tức một đấng có quyền năng. Ê-sai 9:5 gọi ngài là “Thần Quyền năng” (NW), tuy không phải là Đức Chúa Trời Toàn năng.
15. Giăng 1:3-5 cho chúng ta biết gì thêm về Giê-su?
15 Giăng 1:3 viết tiếp: “Muôn-vật bởi Ngài làm nên, chẳng vật chi đã làm nên mà không bởi Ngài”. Cô-lô-se 1:16 cũng nói: “Muôn vật đã được dựng nên trong Ngài, bất luận trên trời, dưới đất”. Giăng 1:4 nói: “Trong Ngài có sự sống, sự sống là sự sáng của loài người”. Như vậy nhờ Ngôi lời, mọi loài sống khác được dựng nên. Và cũng nhờ Con Ngài, Đức Chúa Trời cho nhân loại tội lỗi đang chết có thể đạt được sự sống đời đời. Chắc chắn Giê-su chính là đấng quyền năng mà Ê-sai 9:1 gọi là “sự sáng lớn”. Giăng 1:5 nói: “Sự sáng soi trong tối-tăm, nhưng tối-tăm chẳng khuất phục được sự sáng” (NW). Sự sáng có nghĩa là lẽ thật và sự công bình, ngược lại với sự tối tăm, tức sai lầm và không công bình. Vì vậy, Giăng cho thấy rằng sự tối tăm sẽ không thắng được sự sáng.
16. Giăng Báp-tít nói gì về tầm mức của công việc mà Giê-su làm?
16 Giăng biện luận kế tiếp trong Giăng 1 câu 6 đến 9: “Có một người Đức Chúa Trời sai đến, tên là Giăng [tức Giăng Báp-tít]. Người đến để làm chứng, là làm chứng về sự sáng, hầu cho bởi người ai nấy đều tin. Chính người [Giăng Báp-tít] chẳng phải là sự sáng, song người phải làm chứng về sự sáng [Giê-su]. Sự sáng này là sự sáng thật, khi đến thế-gian soi sáng mọi người”. Giăng Báp-tít chỉ về đấng Mê-si sắp đến và cũng bảo các môn đồ của ông hướng đến Giê-su. Dần dần, đủ mọi hạng người có được cơ hội để nhận sự sáng. Vậy Giê-su đến không phải chỉ vì lợi ích của những người Do-thái nhưng vì lợi ích của cả nhân loại, bất kể giàu hay nghèo, bất kể là giống dân nào.
17. Giăng 1:10, 11 nói cho chúng ta biết gì về tình trạng thiêng liêng của người Do-thái trong thời Giê-su?
17 Câu 10 và 11 [Giăng 1:10, 11] viết tiếp: “Ngôi-Lời ở thế-gian, và thế-gian đã làm nên bởi Ngài; nhưng thế-gian chẳng từng nhìn biết Ngài. Ngài đã đến trong xứ mình, song dân mình chẳng hề nhận lấy”. Giê-su trước khi xuống thế gian đã được dùng để tạo ra loài người. Nhưng khi ngài ở trên đất, đa số người Do-thái là dân tộc của ngài đã không nhìn biết ngài. Họ không thích Giê-su phơi bày những điều xấu và sự giả hình của họ. Họ thích sự tối tăm hơn sự sáng.
18. Làm thế nào Giăng 1:12, 13 cho thấy một số người có thể trở thành con cái của Đức Chúa Trời được thừa hưởng một cơ nghiệp đặc biệt?
18 Giăng viết tiếp trong Giăng 1 câu 12 và 13: “Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền-phép trở nên con-cái Đức Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin danh Ngài, là kẻ chẳng phải sanh bởi khí-huyết, hoặc bởi tình-dục, hoặc bởi ý người, nhưng sanh bởi Đức Chúa Trời vậy”. Các câu này cho thấy các môn đồ của Giê-su lúc đầu không phải là những con cái của Đức Chúa Trời. Trước khi đấng Christ xuống thế gian, loài người không có cơ hội trở thành con cái Đức Chúa Trời và cũng không có hy vọng được lên trời. Nhưng nhờ Giê-su chịu chết hy sinh làm giá chuộc và vì họ thực hành đức tin nơi giá chuộc ấy, một số người được nhận làm con cái Đức Chúa Trời và có thể có được hy vọng lên trời để cai trị cùng với đấng Christ trong Nước Đức Chúa Trời.
19. Tại sao Giê-su ở trong vị thế tốt nhất để phản chiếu ánh sáng của Đức Chúa Trời như được nói nơi Giăng 1:14?
19 Câu 14 lý luận: “Ngôi-Lời đã trở nên xác-thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh-hiển của Ngài, thật như vinh-hiển của Con một đến từ nơi Cha”. Khi ở trên đất Giê-su đã phản chiếu sự vinh hiển của Đức Chúa Trời theo cách mà chỉ Con một của Đức Chúa Trời mới có thể làm được mà thôi. Vậy nên qua cách có một không hai, Giê-su là đấng có đủ tư cách nhất để tỏ bày về Đức Chúa Trời và ý định Ngài cho mọi người.
20. Như được ghi nơi Giăng 1:15, Giăng Báp-tít nói cho chúng ta biết gì về Giê-su?
20 Sau đó Giăng viết tiếp trong Giăng 1 câu 15: “Giăng [Báp-tít] làm chứng về Ngài khi kêu lên rằng: Ấy là về Ngài mà ta đã nói: Đấng đến sau ta trổi hơn ta, vì Ngài vốn trước ta”. Giăng Báp-tít sanh ra trước Giê-su khoảng sáu tháng. Nhưng Giê-su làm rất nhiều việc hơn Giăng, bởi vậy Giê-su trổi hơn Giăng Báp-tít về mọi phương diện. Và Giăng nhìn nhận Giê-su đã hiện hữu trước ông vì Giê-su đã ở trên trời trước khi xuống thế gian làm người.
Các sự ban cho của Đức Giê-hô-va
21. Tại sao Giăng 1:16 nói rằng chúng ta đã nhận “ơn càng thêm ơn”?
21 Giăng 1:16 lý luận: “Vả, bởi sự đầy-dẫy của Ngài mà chúng ta đều có nhận được, và ơn càng thêm ơn”. Mặc dù loài người đã sanh ra trong tội lỗi di truyền đến từ A-đam, Đức Giê-hô-va có ý định: hủy diệt thế gian hung ác này, cho hàng triệu người sống sót để vào thế giới mới, cho người chết sống lại, và xóa bỏ tội lỗi và sự chết, kết quả là sẽ có sự sống đời đời trong địa đàng trên đất. Tất cả những ơn phước này không phải là do loài người tội lỗi có công gì mà được, nhưng là ân điển ban cho bởi Đức Giê-hô-va qua đấng Christ.
22. a) Sự ban cho lớn nhất của Đức Chúa Trời làm cho những gì có thể có được? b) Sách cuối cùng của Kinh-thánh mời chúng ta làm gì?
22 Tất cả các ân phước này có thể có được nhờ sự ban cho lớn nhất nào? “Vì Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian [loài người nói chung], đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Vậy thì những ai muốn có sự sáng thiêng liêng và sự sống đời đời rất cần phải có sự hiểu biết chính xác về Đức Chúa Trời và Con Ngài, “Chúa của sự sống” (Công-vụ các Sứ-đồ 3:15). Bởi vậy sách cuối cùng của Kinh-thánh mời tất cả những người yêu mến lẽ thật và muốn sự sống: “Hãy đến! Kẻ nào nghe cũng hãy nói rằng: Hãy đến! Ai khát, khá đến. Kẻ nào muốn, khá nhận lấy nước sự sống cách nhưng-không” (Khải-huyền 22:17).
23. Những người giống như chiên sẽ làm gì khi họ đến với sự sáng?
23 Những người khiêm nhường, giống như chiên không những sẽ đến với sự sáng của thế gian mà còn đi theo sự sáng đó: “Chiên theo sau, vì chiên quen tiếng [lẽ thật của] người” (Giăng 10:4). Quả thật, họ vui mừng “noi dấu chơn Ngài” bởi vì họ biết làm thế sẽ được sống đời đời (I Phi-e-rơ 2:21).
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Hai loại ánh sáng nào đến từ Đức Giê-hô-va?
◻ Tại sao ngày nay sự soi sáng về thiêng liêng là quan trọng đến thế?
◻ Giê-su là “sự sáng lớn” bằng cách nào?
◻ Giăng đoạn 1 nói cho chúng ta biết gì về Giê-su?
◻ Những người theo sự sáng của thế gian nhận được sự ban cho nào?
[Hình nơi trang 10]
Si-mê-ôn gọi Giê-su là “ánh-sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên-hạ”