Đức Chúa Trời quan tâm đến bạn
MARY, một tín đồ gần 50 tuổi, đã gặp nhiều đau khổ trong cuộc đời. Hơn mười năm trước, sự ngoại tình của chồng chị đã đưa đến sự ly dị. Kể từ đó, Mary phấn đấu để làm tròn vai trò một mình nuôi bốn đứa con. Nhưng chị vẫn cô đơn, và đôi khi nỗi cô đơn dường như quá sức chịu đựng của chị. Mary tự hỏi: ‘Phải chăng điều này có nghĩa là Đức Chúa Trời không quan tâm đến tôi hay các con không có cha của tôi?’
Dù bạn có trải qua nghịch cảnh giống như thế hay không, chắc hẳn bạn có thể cảm thông với cảm nghĩ của Mary. Tất cả chúng ta đã trải qua những hoàn cảnh khó khăn, và có lẽ chúng ta tự hỏi không biết khi nào và làm thế nào Đức Giê-hô-va sẽ hành động để giúp mình. Vì tuân theo luật pháp của Đức Chúa Trời nên chúng ta đã gặp một số những vấn đề này (Ma-thi-ơ 10:16-18; Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Chúng ta có thể gặp một số vấn đề khác vì là người bất toàn sống trong thế gian do Sa-tan cai trị (I Giăng 5:19). Sứ đồ Phao-lô viết: “Muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc” (Rô-ma 8:22).
Tuy nhiên, sự kiện bạn gặp một thử thách gay go không có nghĩa là Đức Giê-hô-va đã bỏ rơi bạn hay không chú ý đến hạnh phúc của bạn. Làm sao bạn có thể biết chắc điều này? Điều gì cho thấy là Đức Chúa Trời quan tâm đến bạn?
Một thí dụ thời xưa
Kinh-thánh cung cấp bằng chứng rõ ràng về lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với mỗi người. Hãy xem trường hợp của Đa-vít. Đức Giê-hô-va chú ý đến người chăn trẻ tuổi này, thấy ông là “một người theo lòng Ngài” (I Sa-mu-ên 13:14). Sau này, khi Đa-vít làm vua cai trị, Đức Giê-hô-va hứa với ông: “Ta đã ở cùng ngươi trong mọi công-việc ngươi làm” (II Sa-mu-ên 7:9).
Phải chăng điều này có nghĩa là Đa-vít sống một đời sống “êm đẹp”, không có khó khăn nào ư? Không, Đa-vít đã gặp những sự thử thách gay go trước khi ông lên làm vua cũng như trong lúc ông trị vì. Trong nhiều năm trước khi lên ngôi, ông bị Vua Sau-lơ săn đuổi không ngừng, muốn giết ông. Trong giai đoạn này của cuộc đời, Đa-vít viết: “Linh-hồn tôi ở giữa các sư-tử... các con loài người có răng giống như giáo và tên” (Thi-thiên 57:4).
Dầu vậy, trong suốt nghịch cảnh này Đa-vít tin chắc là Đức Giê-hô-va quan tâm đến mình. Ông nói trong lời cầu nguyện cùng Đức Giê-hô-va: “Chúa đếm các bước đi qua đi lại của tôi”. Đúng vậy, Đa-vít có cảm giác như là Đức Giê-hô-va đã ghi lại cả sự khốn khó của ông. Rồi Đa-vít nói tiếp: “Xin Chúa để nước mắt tôi trong ve của Chúa, nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?”a (Thi-thiên 56:8). Qua lời minh họa này, Đa-vít bày tỏ lòng tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va nhận thấy không những tình trạng thôi mà còn cái ảnh hưởng về xúc cảm do nó gây ra nữa.
Gần cuối đời, Đa-vít có thể viết qua kinh nghiệm cá nhân: “Đức Giê-hô-va định-liệu các bước của người, và Ngài thích đường-lối người: Dầu người té, cũng không nằm sải-dài; vì Đức Giê-hô-va lấy tay Ngài nâng-đỡ người” (Thi-thiên 37:23, 24). Bạn cũng có thể tin chắc rằng ngay dù đang gặp những thử thách dai dẳng, Đức Giê-hô-va để ý thấy và quí sức chịu đựng của bạn. Phao-lô viết: “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa” (Hê-bơ-rơ 6:10).
Hơn nữa, Đức Giê-hô-va có thể hành động để giúp bạn bằng cách thêm sức cho bạn để chịu đựng bất cứ trở ngại nào trên bước đường của bạn. Đa-vít viết: “Người công-bình bị nhiều tai-họa, nhưng Đức Giê-hô-va cứu người khỏi hết” (Thi-thiên 34:19). Thật vậy, Kinh-thánh nói với chúng ta là cặp mắt Đức Giê-hô-va “soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài” (II Sử-ký 16:9).
Đức Giê-hô-va đã thu hút bạn
Lời Giê-su cho thấy thêm bằng chứng về lòng quan tâm tận tình của Đức Giê-hô-va. Giê-su nói: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến, thì chẳng có ai được đến cùng ta” (Giăng 6:44). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va giúp mỗi người hưởng lợi ích từ sự hy sinh của đấng Christ. Như thế nào? Một phần lớn là qua công việc rao giảng về Nước Trời. Đành rằng công việc này có mục đích “làm chứng cho muôn dân”, nhưng nhờ đó mà người ta được nghe tin mừng trên phương diện cá nhân. Sự kiện bạn đang lắng nghe và đáp ứng thông điệp về tin mừng chứng minh là Đức Giê-hô-va tận tình quan tâm đến bạn (Ma-thi-ơ 24:14).
Qua thánh linh, Đức Giê-hô-va thu hút người ta đến Con ngài và niềm hy vọng về sự sống đời đời. Nhờ đó mỗi người có thể hiểu và áp dụng các lẽ thật thiêng liêng bất kể những giới hạn và bất toàn cố hữu nào. Thật vậy, ta không thể hiểu được các ý định của Đức Giê-hô-va nếu không có sự giúp đỡ của thánh linh Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 2:11, 12). Như Phao-lô viết cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca, “chẳng phải hết thảy đều có đức-tin” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:2). Đức Giê-hô-va chỉ ban thánh linh cho những ai biểu lộ tinh thần sẵn sàng muốn được ngài thu hút.
Đức Giê-hô-va thu hút người ta vì ngài yêu thương từng người một và muốn họ đạt được sự cứu rỗi. Thật là một bằng chứng vững chắc về lòng quan tâm tận tình của Đức Giê-hô-va! Giê-su nói: “Cha các ngươi ở trên trời không muốn cho một đứa nào trong những đứa trẻ nầy phải hư-mất” (Ma-thi-ơ 18:14). Đúng vậy, Đức Chúa Trời xem mỗi người là quan trọng và là một cá nhân riêng biệt. Ấy vì thế Phao-lô có thể viết: “Đấng sẽ trả lại cho mỗi người tùy theo công-việc họ làm” (Rô-ma 2:6). Và sứ đồ Phi-e-rơ nói: “Đức Chúa Trời chẳng hề vị-nể ai, nhưng trong các dân, hễ ai [mỗi cá nhân] kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa” (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35).
Phép lạ của Giê-su
Phép lạ do Con ngài là Giê-su làm, chứng minh một cách động lòng rằng Đức Chúa Trời chú ý đến loài người. Giê-su chữa bệnh người ta với lòng đầy thương xót (Mác 1:40, 41). Vì Giê-su “chẳng tự mình làm việc gì được; chỉ làm điều chi mà Con thấy Cha làm”, nên lòng thương xót của ngài phản ảnh sự quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với mỗi một tôi tớ của ngài (Giăng 5:19).
Hãy xem câu chuyện về một phép lạ mà Giê-su đã làm nơi Mác 7:31-37. Tại đây Giê-su chữa lành một người đàn ông vừa điếc vừa ngọng. Kinh-thánh kể lại rằng ngài “đem riêng [ông] ra, cách xa đám đông”. Đoạn, “ngửa mặt lên trời, thở ra mà phán cùng người rằng: Ép-pha-ta! nghĩa là: Hãy mở ra!”
Tại sao Giê-su đem ông này đi cách xa đám đông? Có lẽ người điếc hầu như không thể nói được sẽ cảm thấy ngượng ngùng trước mặt những người quan sát. Giê-su có lẽ chú ý đến vẻ ngượng nghịu của ông nên ngài chọn chữa bệnh cho ông ở nơi vắng vẻ. Một học giả Kinh-thánh nhận xét: “Cả câu chuyện cho chúng ta thấy rõ rằng Giê-su không xem ông này chỉ là một bệnh nhân; ngài xem ông là một người. Ông có nhu cầu và vấn đề đặc biệt, và với lòng ân cần hết sức dịu dàng Giê-su đối đãi với ông sao cho không làm tổn thương lòng tự trọng của ông đồng thời sao cho ông có thể hiểu được”.
Câu chuyện này cho thấy Giê-su tận tình quan tâm đến người ta. Bạn có thể tin chắc là ngài cũng chú ý đến bạn như thế. Đành rằng ngài tỏ lòng yêu thương cho cả thế gian nhân loại có thể cứu chuộc được khi chịu chết để làm của-lễ hy sinh. Nhưng bạn có thể xem hành động ấy như áp dụng cho chính mình, như Phao-lô đã làm. Ông viết: “Con Đức Chúa Trời... yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20). Và vì Giê-su nói rằng “ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha”, nên chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va cũng chú ý thể ấy đến mỗi tôi tớ của ngài (Giăng 14:9).
Đức Giê-hô-va là Đấng Ban thưởng
Thu thập sự hiểu biết về Đức Chúa Trời bao gồm cả việc biết đến mỗi khía cạnh của cá tính ngài như được thấy qua trong Kinh-thánh. Chính danh Đức Giê-hô-va có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”, gợi ý là Đức Giê-hô-va có thể trở nên bất cứ thế nào ngài chọn hầu thực hiện ý muốn của ngài. Trong suốt lịch sử, ngài đóng nhiều vai trò khác nhau, kể cả vai trò Đấng Tạo hóa, Cha, Chúa Thống trị, Đấng Chăn giữ, Đức Giê-hô-va vạn quân, Đấng nghe lời cầu nguyện, Đấng Đoán xét, Đấng Dạy dỗ Vĩ đại và Đấng Cứu chuộc.b
Muốn hiểu ý nghĩa trọn vẹn của danh Đức Chúa Trời, chúng ta cũng phải biết Đức Giê-hô-va trong vai trò là Đấng Ban thưởng. Phao-lô viết: “Không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài; vì kẻ đến gần Đức Chúa Trời phải tin rằng có Đức Chúa Trời, và Ngài là Đấng hay thưởng cho kẻ tìm-kiếm Ngài” (Hê-bơ-rơ 11:6).
Đức Giê-hô-va hứa ban sự sống đời đời trong địa đàng trên đất cho những ai ngày nay chọn phụng sự ngài hết lòng. Chúng ta không ích kỷ khi mong chờ sự ứng nghiệm của lời hứa tuyệt diệu ấy, và chúng ta không quá tự tin khi hình dung chính mình sống ở nơi đó. Môi-se đã “ngửa trông sự ban-thưởng” (Hê-bơ-rơ 11:26). Phao-lô cũng thiết tha mong đợi Đức Chúa Trời thực hiện lời hứa cho tín đồ trung thành được xức dầu. Ông viết: “Tôi nhắm mục-đích mà chạy, để giựt giải về sự kêu-gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus-Christ” (Phi-líp 3:14).
Bạn cũng có thể mong đợi phần thưởng mà Đức Giê-hô-va hứa sẽ ban cho những ai bền bỉ chịu đựng. Mong đợi phần thưởng đó là một khía cạnh thiết yếu của sự hiểu biết về Đức Chúa Trời cũng là một yếu tố chính để giúp bạn bền bỉ chịu đựng trong công việc của ngài. Vậy hãy suy gẫm hằng ngày về những ân phước mà Đức Giê-hô-va dành sẵn cho bạn. Mary, được đề cập đến ở đầu bài, đã dồn hết nỗ lực để làm điều này. Chị nói: “Lần đầu tiên trong đời, tôi mới chấp nhận sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su áp dụng cho tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy Đức Giê-hô-va quan tâm đến tôi với tư cách là một người. Tôi đã là tín đồ đấng Christ hơn 20 năm rồi, nhưng chỉ gần đây tôi mới thật sự bắt đầu tin điều này”.
Nhờ học hỏi và suy gẫm chân thành về Kinh-thánh, Mary cùng với hàng triệu người khác đang học biết rằng Đức Giê-hô-va quan tâm đến dân ngài không những với tư cách là cả nhóm mà còn từng cá nhân nữa. Sứ đồ Phi-e-rơ hết sức tin tưởng điều này nên ông viết: “Hãy trao mọi điều lo-lắng mình cho Ngài, vì Ngài hay săn-sóc anh em” (I Phi-e-rơ 5:7). Đúng vậy, Đức Chúa Trời quan tâm đến bạn!
[Chú thích]
a Cái ve là cái bầu da thú dùng để đựng những thứ như là nước, dầu, sữa, rượu, bơ và pho mát. Cái ve vào thời xưa có đủ cỡ và hình dạng, có loại như cái bị bằng da còn những cái khác là cái bầu có cổ nhỏ có nút.
b Xem Các Quan Xét 11:27; Thi-thiên 23:1; 65:2; 73:28; 89:26; Ê-sai 8:13; 30:20; 40:28; 41:14, NW; cũng xem New World Translation of the Holy Scriptures—With References, Appendix 1J, trang 1568, do Hội Tháp Canh xuất bản.
[Khung nơi trang 6]
Sự sống lại—Bằng chứng là Đức Chúa Trời có quan tâm
TRONG Kinh-thánh nơi Giăng 5:28, 29 (NW), chúng ta thấy bằng chứng vững chắc là Đức Chúa Trời chú ý đến mỗi người: “Giờ đến khi mọi người ở trong mồ tưởng niệm sẽ nghe tiếng [Giê-su] và ra khỏi”.
Điều đáng chú ý là chữ Hy Lạp mne·meiʹon (mồ tưởng niệm) được dùng ở đây thay vì chữ taʹphos (mồ mả). Chữ taʹphos chỉ nói lên ý tưởng về một nơi chôn cất. Nhưng chữ mne·meiʹon gợi ý rằng lý lịch của người đã chết được nhớ đến.
Về phương diện này, hãy nghĩ xem sự sống lại sẽ đòi hỏi Giê-hô-va Đức Chúa Trời phải làm gì. Muốn làm người chết sống lại, ngài phải biết mọi điều về người đó—kể cả các đặc tính di truyền và tất cả trí nhớ của người đó. Chỉ trong trường hợp như thế thì người đó mới có thể được có lại với nhân cách giống như trước.
Dĩ nhiên, theo quan điểm của loài người thì điều này không thể nào thực hiện được, nhưng “Đức Chúa Trời làm mọi sự được cả” (Mác 10:27). Ngài còn có thể biết chắc những gì ở trong lòng người ta. Ngay cả nếu một người đã chết nhiều thế kỷ qua, trí nhớ của Đức Chúa Trời về người đó vẫn không suy suyển, không lu mờ (Gióp 14:13-15). Vì vậy, khi đề cập đến Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, Giê-su có thể nói ngay cả hàng bao thế kỷ sau khi họ qua đời rằng Đức Giê-hô-va “không phải là Đức Chúa Trời của kẻ chết, nhưng của kẻ sống; vì ai nấy đều sống cho Ngài” (Lu-ca 20:38).
Do đó, hàng tỷ người đã chết đang ở trong trí nhớ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời với đầy đủ chi tiết. Thật là bằng chứng tuyệt vời cho thấy Đức Chúa Trời quan tâm đến loài người trên phương diện cá nhân!
[Hình nơi trang 7]
Giê-su tận tình chú tâm đến những người ngài chữa bệnh