Bạn thật quí giá trước mắt Đức Chúa Trời!
“Phải, ta đã lấy sự yêu-thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhơn-từ mà kéo ngươi đến” (GIÊ-RÊ-MI 31:3).
1. Thái độ của Giê-su đối với dân thường khác với thái độ của người Pha-ri-si như thế nào?
HỌ có thể thấy lòng quan tâm đầy yêu thương trong ánh mắt ngài. Người này, Chúa Giê-su, không giống các lãnh tụ tôn giáo của họ chút nào; ngài thật sự quan tâm đến họ. Ngài thương xót những người này vì họ “cùng-khốn, và tan-lạc như chiên không có kẻ chăn” (Ma-thi-ơ 9:36). Các lãnh tụ tôn giáo của họ đáng lẽ phải tỏ mình là những người chăn chiên đầy yêu thương, đại diện cho Đức Chúa Trời yêu thương và thương xót. Thay vì thế, họ khinh bỉ dân thường, coi họ như lớp người thấp hèn nhất—một dân đáng rủa!a (Giăng 7:47-49; so sánh Ê-xê-chi-ên 34:4). Rõ ràng, một quan điểm lệch lạc, không phù hợp với Kinh-thánh như thế thật khác hẳn với quan điểm của Đức Giê-hô-va về dân sự Ngài. Ngài nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Ta đã lấy sự yêu-thương đời đời mà yêu ngươi” (Giê-rê-mi 31:3).
2. Ba người bạn của Gióp cố gắng thế nào để làm ông cảm thấy Đức Chúa Trời coi ông không ra gì?
2 Tuy nhiên, người Pha-ri-si chắc chắn không phải là những người đầu tiên cố gắng làm chiên yêu quí của Đức Giê-hô-va cảm thấy như họ không ra gì. Hãy xem trường hợp của Gióp. Trước mắt Đức Giê-hô-va, ông là người công bình và không chỗ trách, nhưng ba “kẻ an ủi” ám chỉ rằng Gióp là kẻ bội đạo vô luân và gian ác, một người sẽ chết đi mà không để lại dấu tích nào cả. Họ quả quyết rằng Đức Chúa Trời sẽ không quí trọng sự công bình nào nơi Gióp, vì Đức Chúa Trời ngay cả không đặt tin cậy nơi chính các thiên sứ của Ngài và cũng xem các từng trời như một nơi ô uế! (Gióp 1:8; 4:18; 15:15, 16; 18:17-19; 22:3).
3. Ngày nay Sa-tan dùng những cách nào để cố gắng khiến người ta tin rằng họ không ra gì và không đáng được ai yêu?
3 Ngày nay, Sa-tan vẫn còn dùng ‘mưu kế’ là cố gắng khiến người ta tin rằng họ không được ai yêu và họ không ra gì (Ê-phê-sô 6:11). Đành rằng hắn thường lôi kéo người ta bằng cách lợi dụng lòng tự ái và tính kiêu ngạo (II Cô-rinh-tô 11:3). Nhưng hắn cũng thích chà nát lòng tự trọng của những người yếu đuối. Điều này đặc biệt đúng trong các “ngày sau-rốt” khó khăn này. Ngày nay, nhiều người lớn lên trong những gia đình “vô-tình”; nhiều người phải đương đầu hằng ngày với những người dữ, ích kỷ và cứng đầu (II Ti-mô-thê 3:1-5). Vì bị bạc đãi, kỳ thị chủng tộc hoặc bị đối xử tệ bạc trải qua hàng bao nhiêu năm, những người như thế có thể tin rằng họ không ra gì và không đáng được ai yêu thương. Một người viết: “Tôi không yêu ai hay được ai yêu. Tôi rất khó tin rằng Đức Chúa Trời quan tâm đến tôi chút nào”.
4, 5. a) Tại sao khái niệm cho rằng mình không ra gì là đi ngược với Kinh-thánh? b) Nếu chúng ta tin rằng các cố gắng của chúng ta thật sự không ra gì, điều này sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm nào?
4 Khái niệm cho rằng mình không ra gì đi ngược với lẽ thật chủ yếu trong Lời Đức Chúa Trời, sự dạy dỗ về giá chuộc (Giăng 3:16). Nếu Đức Chúa Trời chịu trả một giá rất cao—mạng sống quí báu của chính Con Ngài—để chuộc lại cho chúng ta cơ hội sống đời đời, tất nhiên Ngài phải yêu thương chúng ta; tất nhiên chúng ta phải có giá trị trước mắt Ngài!
5 Hơn nữa, chúng ta sẽ nản lòng biết bao nếu nghĩ rằng chúng ta không làm Đức Chúa Trời hài lòng, rằng các cố gắng của chúng ta thật sự không ra gì! (So sánh Châm-ngôn 24:10). Với quan điểm tiêu cực này, một số người có thể xem những lời khuyên có ý tốt nhằm giúp chúng ta tiến tới trong việc phụng sự Đức Chúa Trời trong những phương diện nào có thể được, như lời buộc tội thay vì lời khuyên. Có thể chúng ta thấy các lời khuyên này như có vẻ phản ảnh chính cái điều mà chúng ta nghĩ trong lòng, đó là dù chúng ta làm bao nhiêu đi nữa cũng vẫn chưa đủ.
6. Cách tốt nhất để chống lại những ý tưởng tiêu cực quá đỗi về chính mình là gì?
6 Nếu bạn thấy chính mình có những cảm nghĩ tiêu cực như thế, chớ nản lòng. Đôi khi nhiều người trong chúng ta tỏ ra quá gắt gao với chính mình. Và hãy nhớ rằng Lời Đức Chúa Trời có mục đích “sửa-trị” và “đập-đổ các đồn-lũy” (II Ti-mô-thê 3:16; II Cô-rinh-tô 10:4). Sứ đồ Giăng viết: “Bởi đó, chúng ta biết mình là thuộc về lẽ thật, và giục lòng vững-chắc ở trước mặt Ngài. Vì nếu lòng mình cáo-trách mình, thì Đức Chúa Trời lại lớn hơn lòng mình nữa, và biết cả mọi sự” (I Giăng 3:19, 20). Vậy chúng ta hãy xem xét ba cách Kinh-thánh dạy chúng ta rằng chúng ta quí giá trước mắt Đức Giê-hô-va.
Đức Giê-hô-va quí bạn
7. Giê-su dạy tất cả các tín đồ đấng Christ về giá trị của mỗi người trước mắt Đức Chúa Trời như thế nào?
7 Trước nhất, Kinh-thánh dạy rằng mỗi người chúng ta có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời. Giê-su nói: “Người ta há chẳng bán năm con chim sẻ giá hai đồng tiền sao? Nhưng Đức Chúa Trời không quên một con nào hết. Dầu đến tóc trên đầu các ngươi cũng đã đếm cả rồi. Đừng sợ chi, vì các ngươi trọng hơn nhiều chim sẻ” (Lu-ca 12:6, 7). Vào thời đó, chim sẻ là loại chim rẻ nhất bán làm đồ ăn, tuy vậy Đấng Tạo hóa không quên một con nào. Như vậy, Kinh-thánh đặt nền cho một sự tương phản tuyệt vời: Nói về con người—quí giá hơn rất nhiều—Đức Chúa Trời biết mọi chi tiết. Điều này giống như là mỗi sợi tóc trên đầu chúng ta được đếm cả rồi!
8. Tại sao tin rằng Đức Giê-hô-va có thể đếm các sợi tóc trên đầu chúng ta là điều thiết thực?
8 Đếm mỗi sợi tóc ư? Nếu bạn nghi ngờ rằng câu này trong lời ví dụ của Giê-su không được thiết thực, hãy nghĩ: Đức Chúa Trời nhớ các tôi tớ trung thành của Ngài một cách đầy đủ đến độ Ngài có thể làm cho họ sống lại—tạo lại con người họ với mọi chi tiết, kể cả mã di truyền phức tạp của họ, và hàng bao nhiêu năm ký ức và kinh nghiệm. So với điều đó, đếm mỗi sợi tóc (trung bình đầu người có khoảng 100.000 sợi) là một chuyện dễ! (Lu-ca 20:37, 38).
Đức Giê-hô-va nhìn thấy gì nơi chúng ta?
9. a) Một số đức tính mà Đức Giê-hô-va quí mến là gì? b) Tại sao bạn nghĩ Ngài quí mến những đức tính đó?
9 Thứ nhì, Kinh-thánh dạy chúng ta về những gì Đức Giê-hô-va quí nơi chúng ta. Nói cách giản dị, Ngài rất mến các đức tính tốt và các cố gắng của chúng ta. Vua Đa-vít nói với con ông là Sa-lô-môn: “Đức Giê-hô-va dò-xét tấm-lòng, và phân-biệt các ý-tưởng” (I Sử-ký 28:9). Khi Đức Chúa Trời dò xét hàng tỷ tấm lòng trong thế gian hung ác và đầy ghen ghét này, chắc hẳn Ngài vui mừng biết bao khi thấy một tấm lòng yêu chuộng hòa bình, lẽ thật và sự công bình! (So sánh Giăng 1:47; I Phi-e-rơ 3:4). Điều gì xảy ra khi Đức Chúa Trời tìm thấy một tấm lòng tràn đầy sự yêu thương đối với Ngài, một tấm lòng muốn tìm hiểu về Ngài và chia xẻ sự hiểu biết đó với người khác? Nơi Ma-la-chi 3:16, Đức Giê-hô-va nói với chúng ta rằng Ngài để ý nghe những người nói với người khác về Ngài và còn có một “sách để ghi-nhớ” những ai “kính-sợ Đức Giê-hô-va và tưởng đến danh Ngài”. Ngài quí mến những đức tính thể ấy!
10, 11. a) Một số người có thể cố gạt bỏ bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va quí mến các đức tính tốt của họ thế nào? b) Trường hợp của A-bi-gia cho thấy Đức Giê-hô-va quí trọng các đức tính tốt dù ít hay nhiều như thế nào?
10 Tuy nhiên, người có lòng tự lên án có thể gạt qua một bên bằng chứng cho thấy giá trị của chúng ta trước mắt Đức Chúa Trời. Lòng người đó có thể luôn nói thì thầm với họ: ‘Nhưng có rất nhiều người khác trổi hơn tôi về những đức tính đó. Chắc Đức Giê-hô-va buồn lòng biết bao khi so sánh tôi với những người ấy!’ Đức Giê-hô-va không so sánh các tôi tớ Ngài, và các tiêu chuẩn của Ngài cũng không cứng rắn quá đỗi (Ga-la-ti 6:4). Ngài dò xét lòng người ta một cách rất tinh tế, và Ngài quí trọng các đức tính tốt dù ít hay nhiều.
11 Thí dụ, khi Đức Giê-hô-va phán quyết rằng cả vương triều bội đạo của Vua Giê-rô-bô-am phải bị tiêu diệt, quét sạch như “phân”, Ngài ra lệnh là chỉ một đứa con duy nhất của vua, A-bi-gia, được chôn cất đàng hoàng. Tại sao? Vì Ngài “thấy nơi nó có chút lòng tốt đối cùng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (I Các Vua 14:10, 13). Phải chăng điều này có nghĩa A-bi-gia là một người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va? Không nhất thiết, vì ông đã chết cũng như gia quyến gian ác của ông (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:16). Tuy thế, Đức Giê-hô-va quí trọng “chút lòng tốt” mà Ngài thấy trong A-bi-gia và đã hành động phù hợp với điều đó. Một cuốn sách (Matthew Henry’s Commentary on the Whole Bible) ghi nhận: “Nếu nơi nào mà có một chút điều tốt, thì nó sẽ được tìm ra: Đức Chúa Trời tìm kiếm lòng tốt, và tìm thấy nó ngay dù ở mức độ rất ít, và Ngài lấy làm hài lòng”. Và chớ quên rằng nếu Đức Chúa Trời tìm thấy ngay cả một chút ít lòng tốt nơi bạn, Ngài có thể làm cho nó lớn lên miễn là bạn cố gắng trung thành phụng sự Ngài.
12, 13. a) Thi-thiên 139:3 cho thấy Đức Giê-hô-va quí trọng các cố gắng của chúng ta như thế nào? b) Chúng ta có thể nói Đức Giê-hô-va sàng sảy công việc chúng ta theo nghĩa nào?
12 Tương tự như vậy, Đức Giê-hô-va quí trọng các cố gắng của chúng ta. Chúng ta đọc nơi Thi-thiên 139:1-3: “Hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài đã dò-xét tôi, và biết tôi. Chúa biết khi tôi ngồi, lúc tôi đứng dậy; từ xa Chúa hiểu-biết ý-tưởng tôi. Chúa xét-nét nẻo-đàng và sự nằm-ngủ tôi, quen-biết các đường-lối tôi”. Vậy Đức Giê-hô-va ý thức các việc làm chúng ta. Nhưng Ngài không chỉ ý thức những việc đó. Trong tiếng Hê-bơ-rơ, câu “Chúa... quen-biết các đường-lối tôi” cũng có thể có nghĩa “Chúa quí mến các đường lối tôi” hoặc “lấy làm vui các đường lối tôi”. (So sánh Ma-thi-ơ 6:19, 20). Nhưng làm sao Đức Giê-hô-va có thể quí mến các đường lối chúng ta khi chúng ta là người bất toàn và tội lỗi?
13 Điều đáng chú ý là theo một số học giả, khi Đa-vít viết Đức Giê-hô-va “xét-nét” nẻo đàng và lúc nghỉ ngơi của ông, chữ Hê-bơ-rơ có nghĩa đen là “rây” hoặc “sàng sảy”. Một tài liệu tham khảo nhận xét: “Nó có nghĩa... quạt trấu ra, và để lại hạt gạo—giữ lại điều gì quí giá. Vậy câu này có nghĩa bóng là Đức Chúa Trời sàng sảy ông... Ngài vứt hết phần trấu, hay những gì không có giá trị, và thấy phần còn lại là thật và đáng giá”. Lòng tự lên án có thể sàng sảy công việc của chúng ta theo nghĩa tiêu cực, quở trách chúng ta gay gắt về những lỗi lầm quá khứ và kể các công việc chúng ta như không ra gì. Nhưng Đức Giê-hô-va tha tội cho chúng ta nếu ta thành thật ăn năn và cố gắng hết sức để không tái phạm những lỗi lầm đó (Thi-thiên 103:10-14; Công-vụ các Sứ-đồ 3:19). Ngài tách ra và ghi nhớ các việc làm tốt của chúng ta. Thật vậy, Ngài ghi nhớ đời đời các việc thiện nếu chúng ta tiếp tục trung thành với Ngài. Nếu Ngài quên đi các việc làm này, Ngài sẽ xem đó như một điều bất công, và Ngài không bao giờ bất công! (Hê-bơ-rơ 6:10).
14. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va quí trọng thánh chức của chúng ta?
14 Một số những việc làm tốt lành mà Đức Chúa Trời quí trọng là gì? Hầu như bất cứ điều gì chúng ta làm để bắt chước Con Ngài, Giê-su Christ (I Phi-e-rơ 2:21). Vậy chắc chắn một công việc rất quan trọng là đi phổ biến tin mừng về Nước Đức Chúa Trời. Nơi Rô-ma 10:15, chúng ta đọc: “Những bàn chơn kẻ rao-truyền tin lành là tốt-đẹp biết bao!” Trong khi chúng ta thường không nghĩ đến bàn chân thấp hèn của chúng ta như một điều “tốt-đẹp”, chữ mà Phao-lô dùng nơi đây cũng được dùng trong bản Kinh-thánh Septuagint bằng tiếng Hy Lạp để tả Rê-be-ca, Ra-chên và Giô-sép—Kinh-thánh đề cập đến hình dạng đẹp đẽ của cả ba người này (Sáng-thế Ký 26:7; 29:17; 39:6). Như vậy, khi chúng ta làm thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời chúng ta, Đức Giê-hô-va, điều này rất đẹp đẽ và quí giá trước mắt Ngài (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20).
15, 16. Tại sao Đức Giê-hô-va quí trọng tính chịu đựng, và lời Vua Đa-vít nơi Thi-thiên 56:8 nhấn mạnh điều này như thế nào?
15 Đức Chúa Trời cũng quí trọng đức tính chịu đựng (Ma-thi-ơ 24:13). Hãy nhớ rằng Sa-tan muốn bạn xây bỏ Đức Giê-hô-va. Mỗi một ngày mà bạn giữ vững sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va là thêm một ngày bạn góp phần vào việc trả lời sự thách thức của Sa-tan (Châm-ngôn 27:11). Đôi khi muốn chịu đựng không phải là chuyện dễ. Những vấn đề về sức khỏe, tiền bạc, cảm xúc, v.v... có thể khiến mỗi ngày trôi qua là một thử thách. Chịu đựng trước những thử thách thể ấy là đặc biệt quí giá trước mắt Đức Giê-hô-va. Vì lẽ đó Vua Đa-vít xin Đức Giê-hô-va cất nước mắt của ông trong một “ve” theo nghĩa bóng, và ông hỏi với lòng tự tin: “Nước mắt tôi há chẳng được ghi vào sổ Chúa sao?” (Thi-thiên 56:8). Đúng vậy, Đức Giê-hô-va quí trọng và ghi nhớ các giọt lệ và nỗi đau khổ mà chúng ta chịu đựng trong khi giữ vững lòng trung thành đối với Ngài. Điều đó cũng quí giá trước mắt Ngài.
16 Vì lẽ các đức tính tốt và cố gắng của chúng ta, rõ ràng có rất nhiều điều mà Đức Giê-hô-va quí trọng nơi mỗi người chúng ta! Dù thế gian của Sa-tan đối đãi chúng ta cách nào đi nữa, Đức Giê-hô-va xem chúng ta như quí giá và một phần của “những sự ao-ước của các nước” (A-ghê 2:7).
Những gì Đức Giê-hô-va đã làm để bày tỏ lòng yêu thương
17. Tại sao sự hy sinh làm giá chuộc của đấng Christ nên khiến chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương mỗi người chúng ta?
17 Thứ ba, Đức Giê-hô-va làm rất nhiều điều để chứng tỏ Ngài yêu thương chúng ta. Chắc chắn sự hy sinh làm giá chuộc của đấng Christ là cách mạnh mẽ nhất để đối đáp lời nói dối của Sa-tan cho rằng chúng ta thật sự không ra gì và không đáng được ai yêu thương. Chúng ta chớ bao giờ quên rằng cái chết đau đớn mà Giê-su chịu đựng trên cây khổ hình và nỗi đau khổ còn lớn hơn thế của Đức Giê-hô-va khi nhìn Con Ngài chịu chết, là bằng chứng về lòng yêu thương của hai Đấng ấy đối với chúng ta. Hơn nữa, lòng yêu thương đó áp dụng cho mỗi cá nhân chúng ta. Sứ đồ Phao-lô có cùng quan điểm khi ông viết: “Con Đức Chúa Trời... đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi” (Ga-la-ti 2:20).
18. Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến đấng Christ theo nghĩa nào?
18 Đức Giê-hô-va chứng tỏ lòng yêu thương của Ngài bằng cách giúp mỗi cá nhân chúng ta hưởng lợi ích từ sự hy sinh của đấng Christ. Giê-su nói nơi Giăng 6:44: “Ví bằng Cha, là Đấng sai ta, không kéo đến thì chẳng có ai được đến cùng ta”. Đức Giê-hô-va đích thân kéo chúng ta đến Con Ngài và đến hy vọng về sự sống đời đời qua công việc rao giảng nhờ đó mà mỗi người chúng ta được nghe lẽ thật, và qua thánh linh Ngài, mà Đức Giê-hô-va dùng để giúp chúng ta thấu hiểu và áp dụng các lẽ thật thiêng liêng, dù chúng ta bất toàn và bị hạn chế. Vì vậy Đức Giê-hô-va có thể nói về chúng ta như Ngài nói về dân Y-sơ-ra-ên: “Ta đã lấy sự yêu-thương đời đời mà yêu ngươi; nên đã lấy sự nhơn-từ mà kéo ngươi đến” (Giê-rê-mi 31:3).
19. Tại sao đặc ân cầu nguyện nên khiến chúng ta tin rằng Đức Giê-hô-va yêu thương mỗi người chúng ta?
19 Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nếm biết lòng yêu thương của Đức Giê-hô-va cách mật thiết nhất qua đặc ân cầu nguyện. Ngài mời mỗi người chúng ta “cầu-nguyện [Ngài] không thôi” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17). Ngài thật sự lắng nghe! Kinh-thánh còn gọi Ngài là “Đấng nghe lời cầu-nguyện” (Thi-thiên 65:2). Ngài đã không ủy thác chức vụ này cho bất cứ một người nào khác, ngay cả chính Con của Ngài. Hãy nghĩ xem: Đấng Tạo hóa của vũ trụ khuyến khích chúng ta đến với Ngài qua lời cầu nguyện, và mời chúng ta nói năng dạn dĩ. Lời cầu khẩn của bạn có thể động lòng Đức Giê-hô-va để làm điều mà Ngài có lẽ không làm nếu bạn đã không cầu nguyện (Hê-bơ-rơ 4:16; Gia-cơ 5:16; xem Ê-sai 38:1-16).
20. Tại sao lòng yêu thương của Đức Chúa Trời không phải là cớ để chúng ta coi mình quan trọng quá đáng?
20 Người tín đồ đấng Christ thăng bằng sẽ không lợi dụng lòng yêu thương và quí trọng mà Đức Chúa Trời bày tỏ để lấy cớ coi mình quan trọng quá đáng. Phao-lô viết: “Vậy, nhờ ơn đã ban cho tôi, tôi nói với mỗi người trong anh em chớ có tư-tưởng cao quá lẽ, nhưng phải có tâm-tình tầm-thường, y theo lượng đức-tin mà Đức Chúa Trời đã phú cho từng người” (Rô-ma 12:3). Vậy trong khi chúng ta vui sướng được Cha trên trời chúng ta yêu thương trìu mến, chúng ta hãy có tâm tình tầm thường và nhớ rằng chúng ta không đáng được Đức Chúa Trời ban ân điển. (So sánh Lu-ca 17:10).
21. Chúng ta phải tiếp tục chống cự lời nói dối nào của Sa-tan, và phải luôn suy gẫm về lẽ thật nào của Đức Chúa Trời?
21 Mỗi người chúng ta hãy cố gắng hết sức để chống cự tất cả các ý kiến mà Sa-tan chủ trương trong thế gian cũ gần chết này. Điều này bao gồm việc bác bỏ ý kiến cho rằng chúng ta thật sự không ra gì hoặc không được ai yêu thương. Nếu đời sống trong hệ thống này đã khiến bạn xem mình như một trở ngại quá lớn mà ngay cả lòng yêu thương bao la của Đức Chúa Trời không thể vượt qua được, hoặc nghĩ rằng các công việc tốt của bạn quá nhỏ nhoi nên Đức Chúa Trời chẳng để ý đến mặc dù mắt Ngài thấy mọi điều, hoặc bạn đã phạm quá nhiều tội lỗi và ngay cả cái chết của Con yêu quí Ngài không thể chuộc lại được, bạn hãy biết rằng lối suy nghĩ này là một sự nói dối. Hãy bác bỏ và gớm ghê các lời nói dối ấy! Chúng ta hãy ghi nhớ các lời được soi dẫn của sứ đồ Phao-lô nơi Rô-ma 8:38, 39: “Vì tôi chắc rằng bất-kỳ sự chết, sự sống, các thiên-sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền-phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân-rẽ chúng ta khỏi sự yêu-thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta”.
[Chú thích]
a Thật vậy, họ dùng từ ngữ đầy khinh miệt “ʽam-ha·ʼaʹrets,” hay “dân của đất” để cho thấy họ coi người nghèo không ra gì. Theo một học giả, người Pha-ri-si dạy không nên giao vật quí báu cho những người này, cũng không nên tin lời chứng của họ, không tiếp họ như khách, không làm khách của họ, ngay cả không mua gì của họ. Các lãnh tụ tôn giáo nói rằng nếu người nào gả con gái mình cho một trong những người này, điều đó không khác gì để mặc nó bất lực trước thú dữ.
Bạn nghĩ sao?
◻ Tại sao Sa-tan cố khiến chúng ta nghĩ rằng chúng ta không ra gì và không được ai yêu thương?
◻ Giê-su dạy rằng Đức Giê-hô-va quí trọng mỗi người chúng ta như thế nào?
◻ Làm sao chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va quí mến các đức tính tốt của chúng ta?
◻ Làm sao chúng ta có thể biết chắc rằng Đức Giê-hô-va quí trọng các cố gắng của chúng ta?
◻ Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ lòng yêu thương đối với mỗi người chúng ta qua những cách nào?
[Hình nơi trang 13]
Đức Giê-hô-va để ý và ghi nhớ những ai tưởng đến danh Ngài