CHƯƠNG MƯỜI BA
Ông rút kinh nghiệm từ lỗi lầm
1, 2. (a) Giô-na đã đẩy ông và những người trên tàu vào tình huống nào? (b) Câu chuyện về Giô-na có thể giúp chúng ta ra sao?
Giô-na ước gì mình không nghe những âm thanh kinh khủng ấy. Đó không chỉ là tiếng gió rít dữ dội qua những sợi thừng buộc buồm, hay tiếng của những đợt sóng khổng lồ đập mạnh vào mạn tàu, làm những tấm ván tàu kêu ken két. Tệ hơn nữa, đó còn là tiếng la hét của thuyền trưởng, thủy thủ và thuyền viên đang ra sức giữ cho tàu khỏi chìm. Giô-na biết chắc những người này sẽ mất mạng—tất cả chỉ tại ông!
2 Điều gì đã đẩy Giô-na vào tình huống bi đát này? Ông đã mắc lỗi nghiêm trọng với Đức Chúa Trời của ông, Đức Giê-hô-va. Ông đã làm gì? Có thể sửa chữa lỗi lầm này không? Chúng ta sẽ học được nhiều điều nếu biết câu trả lời. Chẳng hạn, câu chuyện về Giô-na giúp chúng ta thấy làm thế nào ngay cả những người có đức tin thật cũng có thể lạc lối, và làm sao họ sửa chữa những lỗi lầm ấy.
Nhà tiên tri từ xứ Ga-li-lê
3-5. (a) Người ta thường tập trung vào điều gì khi nghĩ đến Giô-na? (b) Chúng ta biết gì về xuất thân của Giô-na? (Cũng xem chú thích). (c) Tại sao công việc của Giô-na không hề dễ dàng?
3 Khi nghĩ đến Giô-na, người ta thường tập trung vào những khuyết điểm, chẳng hạn như đôi lần ông không vâng lời hay thậm chí cứng đầu. Nhưng Giô-na cũng có nhiều ưu điểm. Hãy nhớ là Đức Giê-hô-va đã chọn Giô-na làm nhà tiên tri của ngài. Nếu Giô-na là người bất trung hoặc không công chính thì Đức Giê-hô-va đã không giao cho ông trọng trách này.
Giô-na không chỉ có những khuyết điểm, ông cũng có nhiều ưu điểm
4 Kinh Thánh cho biết một vài chi tiết về xuất thân của Giô-na. (Đọc 2 Các Vua 14:25). Quê ông ở Gát-Hê-phe, cách thị trấn Na-xa-rét (nơi Chúa Giê-su lớn lên khoảng tám thế kỷ sau) chỉ 4kma. Giô-na phụng sự với tư cách là nhà tiên tri trong triều đại vua Giê-rô-bô-am II của nước Y-sơ-ra-ên mười chi phái. Thời của nhà tiên tri Ê-li đã qua lâu rồi, và nhà tiên tri kế nghiệp là Ê-li-sê cũng đã qua đời trong triều đại vua cha của Giê-rô-bô-am. Dù Đức Giê-hô-va đã dùng hai nhà tiên tri này để xóa sạch đạo Ba-anh, nước Y-sơ-ra-ên lại cố ý đi sai đường. Cả xứ giờ đây đang chịu ảnh hưởng của vị vua không ngừng “làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va” (2 Vua 14:24). Vì thế công việc của Giô-na không hề dễ dàng. Nhưng ông vẫn làm tròn bổn phận của mình.
5 Dù vậy, một ngày kia, cuộc đời Giô-na rẽ sang một bước ngoặt lớn. Đức Giê-hô-va giao cho ông một nhiệm vụ mà ông thấy vô cùng khó khăn. Ngài bảo ông làm gì?
“Ngươi khá chỗi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve”
6. Đức Giê-hô-va bảo Giô-na làm gì, và tại sao nhiệm vụ này làm Giô-na sợ?
6 Đức Giê-hô-va bảo Giô-na: “Ngươi khá chỗi dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và kêu-la nghịch cùng nó; vì tội-ác chúng nó đã lên thấu trước mặt ta” (Giô-na 1:2). Thật dễ hiểu tại sao nhiệm vụ này làm Giô-na sợ. Thành Ni-ni-ve cách Y-sơ-ra-ên khoảng 800km về phía đông, và nếu đi bộ thì mất khoảng một tháng. Tuy nhiên, chuyến đi vất vả ấy có lẽ là phần dễ dàng trong nhiệm vụ được giao. Tại Ni-ni-ve, Giô-na phải loan báo thông điệp phán xét của Đức Giê-hô-va cho người A-si-ri khét tiếng hung tợn, thậm chí tàn ác. Nếu chính dân Đức Chúa Trời còn chẳng hưởng ứng bao nhiêu trước thông điệp của Giô-na thì ông có thể trông mong gì nơi những người ngoại giáo này? Làm thế nào một tôi tớ đơn độc của Đức Giê-hô-va có thể đương đầu với cả thành Ni-ni-ve đông đúc, sau này gọi là “thành đổ máu”?—Na 3:1, 7.
7, 8. (a) Giô-na nhất quyết trốn tránh nhiệm vụ Đức Giê-hô-va giao như thế nào? (b) Tại sao chúng ta không nên vội đánh giá là Giô-na hèn nhát?
7 Có thể Giô-na đã nghĩ đến những điều đó. Chúng ta không rõ, chỉ biết là ông đã chạy trốn. Đức Giê-hô-va bảo Giô-na đi đến phía đông, nhưng ông lại thẳng tiến đến phía tây càng xa càng tốt. Ông đến vùng ven biển, vào cảng gọi là Gia-phô và tìm một chiếc tàu đi Ta-rê-si. Một số học giả cho biết Ta-rê-si ở Tây Ban Nha. Nếu vậy, Giô-na định đi cách xa Ni-ni-ve đến khoảng 3.500km. Hành trình đến bờ bên kia của Biển Lớn có thể mất cả năm! Giô-na nhất quyết trốn tránh nhiệm vụ Đức Giê-hô-va giao!—Đọc Giô-na 1:3.
8 Điều này có nghĩa là Giô-na hèn nhát không? Không nên vội đánh giá, vì chúng ta sẽ thấy ông là người thật sự can đảm. Dù vậy, như hết thảy chúng ta, Giô-na là người bất toàn và phải đấu tranh với nhiều khuyết điểm (Thi 51:5). Có ai trong chúng ta chưa từng chống chọi với nỗi sợ hãi?
9. Có lẽ thỉnh thoảng chúng ta cảm thấy thế nào về nhiệm vụ Đức Giê-hô-va giao, và những lúc ấy chúng ta cần nhớ sự thật nào?
9 Có lẽ thỉnh thoảng chúng ta thấy những điều Đức Chúa Trời muốn mình làm là quá khó, thậm chí bất khả thi. Có thể chúng ta còn sợ rao truyền tin mừng về Nước Trời, một nhiệm vụ của môn đồ Chúa Giê-su (Mat 24:14). Chúng ta rất dễ quên sự thật quan trọng mà Chúa Giê-su đã nói: “Với Đức Chúa Trời thì mọi sự đều có thể” (Mác 10:27). Vì chúng ta cũng có những lúc quên sự thật này nên có lẽ hiểu được cảm giác của Giô-na. Nhưng hậu quả của việc Giô-na chạy trốn là gì?
Đức Giê-hô-va sửa trị nhà tiên tri bướng bỉnh
10, 11. (a) Có lẽ Giô-na hy vọng điều gì khi tàu rời cảng? (b) Con tàu và những thuyền viên gặp phải mối nguy nào?
10 Chúng ta có thể hình dung lúc Giô-na lên tàu, dường như là tàu chở hàng của người Phê-ni-xi. Ông nhìn thuyền trưởng và những thuyền viên bận rộn chuẩn bị đưa tàu rời cảng. Khi bờ dần lùi xa và khuất khỏi tầm mắt, có lẽ Giô-na hy vọng ông sẽ thoát khỏi mối nguy hiểm kinh khiếp. Nhưng thình lình thời tiết thay đổi.
11 Những trận cuồng phong làm biển dậy sóng như một cơn ác mộng. Giữa những đợt sóng khổng lồ ấy, cả những tàu lớn hiện đại cũng trở nên nhỏ nhoi. Vì thế, chẳng bao lâu sau, con tàu gỗ này trông thật bé nhỏ và mong manh, chơi vơi giữa những con sóng cao ngất đang khuấy động biển cả mênh mông. Lúc đó, Giô-na có biết điều mà sau này ông ghi lại là “Đức Giê-hô-va khiến gió lớn thổi trên biển” không? Chúng ta không biết chắc. Tuy nhiên, ông thấy những thủy thủ bắt đầu cầu khẩn thần của họ, và ông biết những thần giả ấy sẽ chẳng giúp được gì (Lê 19:4). Theo lời tường thuật của ông, “chiếc tàu hầu vỡ” (Giô-na 1:4). Làm sao Giô-na có thể kêu cầu Đức Chúa Trời mà ông đang chạy trốn?
12. (a) Tại sao chúng ta không nên vội đánh giá Giô-na vì ông đã ngủ khi bão ập đến? (Cũng xem chú thích). (b) Đức Giê-hô-va cho biết nguyên nhân của vấn đề bằng cách nào?
12 Thấy mình chẳng thể giúp gì, Giô-na xuống hầm tàu và tìm một chỗ ngả lưng. Sau đó thì ông ngủ mêb. Thuyền trưởng tìm Giô-na, đánh thức ông dậy và giục ông cầu xin thần của ông, như mọi người đang làm. Tin chắc có một lực siêu nhiên nào đó gây nên cơn bão này, những người trên tàu bắt thăm xem ai là nguyên nhân của vấn đề. Chắc Giô-na đã rất lo sợ khi việc bắt thăm loại dần từng người. Chẳng bao lâu sau, sự thật được phơi bày. Đức Giê-hô-va đã khiến cơn bão nổi lên vì một người, và cũng khiến thăm trúng vào người đó, là Giô-na!—Đọc Giô-na 1:5-7.
13. (a) Giô-na thú nhận điều gì với những thủy thủ? (b) Giô-na giục những thủy thủ làm gì, và tại sao?
13 Giô-na giải thích mọi chuyện cho những thủy thủ. Ông là tôi tớ Đức Chúa Trời Toàn Năng, Đức Giê-hô-va. Ông đã làm ngài giận và đang chạy trốn ngài. Do đó, ông khiến họ phải lâm vào tình thế hiểm nghèo này. Những thủy thủ thất kinh, và Giô-na có thể thấy sự khiếp đảm trong ánh mắt họ. Họ hỏi Giô-na rằng phải làm gì để cứu con tàu và mạng sống của họ. Ông trả lời thế nào? Giô-na hẳn đã rùng mình khi nghĩ đến cảnh bị chìm trong biển cả lạnh lẽo và cuồng nộ. Nhưng làm sao ông có thể để những người này phải chết khi biết mình có thể cứu họ? Vì vậy, ông giục họ: “Hãy bắt lấy ta; hãy ném ta xuống biển, thì biển sẽ yên-lặng cho các anh; vì ta biết rằng ấy là vì cớ ta mà các anh đã gặp phải trận bão lớn nầy”.—Giô-na 1:12.
14, 15. (a) Chúng ta có thể noi theo đức tin mạnh mẽ của Giô-na bằng cách nào? (b) Những thủy thủ phản ứng thế nào trước yêu cầu của Giô-na?
14 Thử hỏi một người hèn nhát có nói như vậy không? Hẳn Đức Giê-hô-va ấm lòng khi thấy tinh thần can đảm và hy sinh của Giô-na trong thời điểm gay go ấy. Đến đây, chúng ta thấy rõ đức tin mạnh mẽ của Giô-na. Ngày nay, chúng ta có thể noi gương ông bằng cách đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi bản thân (Giăng 13:34, 35). Khi thấy một người cần giúp đỡ, dù là về vật chất, tình cảm hay tâm linh, chúng ta có hy sinh để giúp người ấy không? Đức Giê-hô-va sẽ vui biết bao khi chúng ta làm thế!
15 Có lẽ những thủy thủ cũng cảm động, vì mới đầu họ không chịu nghe theo Giô-na! Họ làm mọi cách để thoát khỏi cơn bão nhưng vẫn hoài công. Bão càng lúc càng dữ dội hơn. Cuối cùng, vì không còn lựa chọn nào khác nên họ kêu cầu Đức Chúa Trời của Giô-na thương xót, rồi họ nhấc bổng Giô-na lên và quăng xuống biển.—Giô-na 1:13-15.
Giô-na được thương xót và giải cứu
16, 17. Chuyện gì xảy ra khi Giô-na bị quăng xuống biển? (Cũng xem các hình).
16 Giô-na rơi xuống những con sóng giận dữ. Có lẽ ông đã cố trồi lên mặt nước, và xuyên qua những bọt sóng bắn tung tóe, ông thấy con tàu đang nhanh chóng khuất xa. Nhưng những đợt sóng khổng lồ đã đổ ập lên và nhấn chìm ông. Giô-na chìm sâu vào lòng biển và thấy như mọi hy vọng đều tan biến.
17 Sau này, Giô-na kể lại cảm giác của ông lúc ấy. Một số điều xuất hiện thoáng qua trong trí ông. Giô-na sợ rằng ông sẽ mất ân huệ của Đức Chúa Trời vì đã cãi lời ngài. Ông có cảm giác mình đã chìm đến tận đáy biển, đến chân nền các núi và bị rong rêu quấn lấy. Dường như đây sẽ là “hầm-hố”, hay mồ chôn ông.—Đọc Giô-na 2:3-7.
18, 19. Chuyện gì xảy ra cho Giô-na dưới đáy biển, và loài sinh vật ông thấy là gì? Ai đứng đằng sau những chuyện này? (Cũng xem chú thích).
18 Nhưng kìa! Có vật gì đó đang chuyển động gần ông—một sinh vật khổng lồ mờ mờ trong làn nước. Nó lù lù tiến tới và lao về phía ông. Cái miệng to lớn của nó há ra, nuốt chửng ông!
19 Thế là hết! Nhưng Giô-na quá đỗi kinh ngạc. Ông vẫn còn sống! Ông không bị nghiền nát hay bị tiêu hóa, cũng không ngạt thở. Ông vẫn thở dù đang ở trong nơi lẽ ra là mồ của mình. Dần dần, lòng ông tràn ngập niềm kính sợ. Chắc chắn chính Đức Giê-hô-va đã “sắm-sửa một con cá lớn đặng nuốt Giô-na”c.—Giô-na 2:1.
20. Chúng ta học được gì từ lời cầu nguyện của Giô-na trong bụng con cá lớn?
20 Nhiều phút rồi nhiều giờ trôi qua. Trong nơi tối tăm nhất mà Giô-na chưa từng thấy, ông có thời gian ngẫm nghĩ và cầu nguyện với Đức Chúa Trời. Lời cầu nguyện của ông được ghi lại đầy đủ nơi chương hai sách Giô-na, cho thấy ông có sự hiểu biết sâu rộng về Lời Đức Chúa Trời vì ông thường nhắc đến các bài Thi-thiên. Lời cầu nguyện này cũng cho thấy một ưu điểm của ông là lòng biết ơn. Giô-na kết luận: “Nhưng tôi, tôi sẽ dùng tiếng cảm-tạ mà dâng của-lễ cho Ngài; tôi sẽ trả sự tôi đã hứa-nguyện. Sự cứu đến từ Đức Giê-hô-va!”.—Giô-na 2:10.
21. Giô-na nghiệm ra điều gì về sự giải cứu? Chúng ta có thể nhớ điều gì?
21 Trong nơi khác thường ấy, Giô-na nghiệm ra rằng Đức Giê-hô-va có thể cứu bất cứ ai, ở bất cứ đâu và vào bất cứ lúc nào. Dù là “trong bụng cá”, Đức Giê-hô-va vẫn tìm được và giải cứu tôi tớ của ngài đang gặp nguy khốn (Giô-na 2:1). Chỉ Đức Giê-hô-va mới có thể giữ cho một người sống sót và khỏe mạnh suốt ba ngày ba đêm trong bụng cá lớn. Ngày nay, chúng ta sẽ được lợi ích nếu nhớ rằng Đức Giê-hô-va “là Đấng cầm trong tay Ngài hơi-thở” (Đa 5:23). Sự hiện hữu cũng như mỗi hơi thở của chúng ta đều nhờ ngài mà có. Chúng ta có biết ơn ngài không? Chẳng phải bổn phận của chúng ta là vâng lời ngài sao?
22, 23. (a) Làm thế nào Giô-na cho thấy ông biết ơn những gì Đức Giê-hô-va đã làm? (b) Khi mắc lỗi, chúng ta có thể học được gì từ Giô-na?
22 Còn Giô-na thì sao? Ông có biết thể hiện lòng biết ơn Đức Giê-hô-va bằng cách vâng lời không? Có. Sau ba ngày ba đêm, con cá mang Giô-na đến bờ biển và ‘mửa ông ra trên đất khô’ (Giô-na 2:11). Hãy thử hình dung, sau tất cả mọi chuyện, Giô-na không cần phải bơi vào bờ! Dĩ nhiên ông phải tự tìm đường đi, dù bờ biển ấy ở đâu. Không lâu sau, Giô-na phải cho thấy ông có biết ơn những gì Đức Giê-hô-va đã làm hay không. Nơi Giô-na 3:1, 2 nói: “Lại có lời Đức Giê-hô-va phán cùng Giô-na lần thứ hai mà rằng: Ngươi khá chờ dậy! Hãy đi đến thành lớn Ni-ni-ve, và rao cho nó lời ta đã dạy cho ngươi”. Giô-na sẽ làm gì?
23 Giô-na không ngại làm theo. Kinh Thánh nói: “Vậy Giô-na chờ dậy và đi đến Ni-ni-ve, theo lịnh của Đức Giê-hô-va” (Giô-na 3:3). Đúng thế, ông đã vâng lời. Rõ ràng ông đã rút kinh nghiệm từ lỗi lầm. Chúng ta cũng cần noi theo đức tin của Giô-na về phương diện này. Tất cả chúng ta đều phạm tội và mắc lỗi (Rô 3:23). Nhưng chúng ta có bỏ cuộc không? Hay chúng ta rút kinh nghiệm từ lỗi lầm và đi theo đường lối vâng phục Đức Chúa Trời?
24, 25. (a) Sau này Giô-na đã nhận được phần thưởng nào? (b) Giô-na sẽ nhận được những phần thưởng nào trong tương lai?
24 Đức Giê-hô-va có thưởng cho sự vâng lời của Giô-na không? Có. Một phần thưởng là dường như sau này Giô-na biết những thủy thủ vẫn còn sống. Cơn bão đã ngưng ngay sau hành động hy sinh của Giô-na, những thủy thủ ấy đã “rất kính-sợ Đức Giê-hô-va” và dâng vật tế lễ cho ngài thay vì cho thần giả của họ.—Giô-na 1:15, 16.
25 Một thời gian lâu sau, Giô-na nhận được phần thưởng khác lớn hơn. Chúa Giê-su đã dùng thời gian Giô-na trong bụng con cá lớn để làm hình ảnh tiên tri về thời gian ngài ở trong mồ mả, hay Sheol. (Đọc Ma-thi-ơ 12:38-40). Khi Giô-na được sống lại trên đất, ông sẽ phấn khởi xiết bao khi biết ân phước đó! (Giăng 5:28, 29). Đức Giê-hô-va cũng muốn ban phước cho bạn. Như Giô-na, bạn sẽ rút kinh nghiệm từ lỗi lầm, biết vâng lời và thể hiện tinh thần bất vị kỷ không?
a Việc Giô-na xuất thân từ một thị trấn ở Ga-li-lê là đáng lưu ý vì khi nhắc đến Chúa Giê-su, những người Pha-ri-si kiêu ngạo đã nói: “Hãy tra cứu thì sẽ thấy, không có đấng tiên tri nào ra từ Ga-li-lê cả” (Giăng 7:52). Nhiều dịch giả và nhà nghiên cứu nghĩ rằng những người Pha-ri-si nhận định chung là không bao giờ có nhà tiên tri nào xuất thân từ xứ Ga-li-lê nghèo hèn. Nếu quả là vậy thì họ đã lờ đi lịch sử và lời tiên tri trong Kinh Thánh.—Ê-sai 8:23; 9:1.
b Bản dịch Septuagint thêm chi tiết Giô-na đã ngáy để nhấn mạnh là ông ngủ mê đến mức nào. Thế nhưng, thay vì đánh giá việc Giô-na ngủ là dấu hiệu của sự vô tâm, chúng ta có thể nhớ rằng đôi khi một người xuống tinh thần không thể cưỡng lại cơn buồn ngủ. Trong giờ phút Chúa Giê-su đau buồn ở vườn Ghết-sê-ma-nê, Phi-e-rơ, Gia-cơ và Giăng đang “ngủ vì kiệt sức do lo buồn”.—Lu 22:45.
c Khi dịch sang tiếng Hy Lạp, từ “con cá” trong tiếng Hê-bơ-rơ được dịch là “quái vật biển” hay “cá khổng lồ”. Dù không thể xác định đó là sinh vật biển nào, nhưng người ta nhận thấy ở Địa Trung Hải có những loại cá mập đủ lớn để nuốt trọn một người. Cũng có nhiều loại cá mập lớn hơn ở những nơi khác. Loại cá mập lớn nhất (cá nhám kình) có thể dài đến 15m hoặc hơn!