Một dân tộc tự do nhưng phải chịu trách nhiệm
“Các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông-tha [giải cứu] các ngươi” (GIĂNG 8:32).
1, 2. a) Sự tự do có vai trò quan trọng nào trong lịch sử nhân loại? b) Chỉ có một mình ai mới thật sự tự do? Xin giải thích.
TỰ DO. Hai chữ “tự do” mạnh mẽ biết bao! Vì ước muốn được tự do mà nhân loại đã chịu đựng không biết bao nhiêu trận chiến tranh, cách mạng cũng như vô số các cuộc quần chúng nổi dậy! Thật thế, cuốn “Bách khoa Tự điển Hoa Kỳ” (The Encyclopedia Americana) nói: ‘Trong sự tiến triển của nền văn minh không có ý niệm nào đã đóng một vai trò quan trọng hơn là sự tự do’.
2 Tuy nhiên, bao nhiêu người thật sự được tự do? Bao nhiêu người ngay cả biết sự tự do là gì? Cuốn “Bách khoa Tự điển Thế giới” (The World Book Encyclopedia) nói: “Muốn có tự do hoàn toàn, người ta phải được phép suy nghĩ, nói năng và hành động mà không bị hạn chế. Họ phải ý thức được những gì họ có thể chọn lựa, và phải có khả năng quyết định chọn gì”. Bởi thế, bạn có biết một người nào thật sự tự do không? Ai có thể nói rằng mình “được phép suy nghĩ, nói năng và hành động mà không bị hạn chế”? Thật ra thì chỉ một mình Giê-hô-va Đức Chúa Trời là được như vậy trong khắp vũ trụ. Chỉ một mình Ngài mới có sự tự do tuyệt đối. Chỉ một mình Ngài mới có thể chọn lựa điều gì Ngài muốn và rồi thi hành bất kể mọi sự chống đối. Ngài “là Đấng Toàn-năng” (Khải-huyền 1:8; Ê-sai 55:11).
3. Người ta thường vui hưởng sự tự do với điều kiện nào?
3 Những người phàm chỉ có thể có tự do tương đối mà thôi. Sự tự do này thường được bảo đảm hay ban bố bởi một uy quyền nào đó và tùy thuộc nơi sự vâng phục của chúng ta đối với uy quyền đó. Thật vậy, trong hầu hết mọi trường hợp, một người chỉ có thể được tự do nếu thừa nhận uy quyền ban cho sự tự do đó. Chẳng hạn, những người sống trong “thế giới tự do” hưởng được nhiều lợi ích như sự tự do đi lại, tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Điều gì bảo đảm các sự tự do này? Chính luật pháp nhà nước. Một người chỉ có thể hưởng các sự tự do đó khi nào người đó tuân theo luật pháp. Nếu người đó lạm dụng sự tự do và vi phạm luật pháp, tất phải khai trình trước nhà chức trách, và người đó có thể bỗng dưng mất hết tự do vì bị ở tù (Rô-ma 13:1-4).
Sự tự do mà Đức Chúa Trời ban cho đi kèm theo trách nhiệm
4, 5. Những người thờ phượng Đức Giê-hô-va vui hưởng sự tự do nào, và Ngài xem họ phải chịu trách nhiệm về điều gì?
4 Trong thế kỷ thứ nhất, Giê-su nói về sự tự do. Ngài nói với người Do-thái: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn-đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ buông tha [giải cứu] các ngươi” (Giăng 8:31, 32). Giê-su không nói về sự tự do ngôn luận hoặc tự do tín ngưỡng. Ngài chắc chắn không nói về việc giải cứu họ khỏi ách đô hộ của người La Mã, điều mà nhiều người Do-thái mong mỏi. Không, sự tự do mà Giê-su nói đến quí hơn nhiều, một sự tự do được ban cho không phải bởi luật pháp của con người hay bởi ý kiến của một vua chúa nào, mà là bởi Đức Giê-hô-va là Đấng Thống trị Tối cao của vũ trụ. Đó là sự tự do khỏi mê tín dị đoan, tự do khỏi sự ngu dốt về tôn giáo và nhiều, nhiều hơn nữa. Sự tự do mà Đức Giê-hô-va ban cho là tự do thật sự, bền vững cho đến mãi mãi.
5 Sứ đồ Phao-lô nói: “Chúa tức là Thánh-Linh [Thần linh], Thánh-Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự-do cũng ở đó” (II Cô-rinh-tô 3:17). Trải qua hằng thế kỷ, Đức Giê-hô-va liên lạc với nhân loại để cho những người trung thành cuối cùng sẽ vui hưởng loại tự do tốt nhất và lớn nhất dành cho nhân loại, “sự tự-do vinh-hiển của con-cái Đức Chúa Trời” (Rô-ma 8:21). Trong khi chờ đợi, Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một sự tự do có giới hạn qua lẽ thật của Kinh-thánh và Ngài bắt chúng ta khai trình nếu chúng ta lạm dụng sự tự do đó. Sứ đồ Phao-lô viết: “Chẳng có vật nào được giấu-kín trước mặt Chúa, nhưng thảy đều trần-trụi và lộ ra trước mắt Đấng mà chúng ta phải thưa lại” (Hê-bơ-rơ 4:13).
6-8. a) A-đam và Ê-va đã từng vui hưởng những sự tự do nào, và họ có thể tiếp tục được tự do với điều kiện nào? b) A-đam là Ê-va đã đánh mất gì cho chính họ và cho con cháu của họ?
6 Ta thấy rõ vấn đề trách nhiệm đối với Đức Giê-hô-va khi các thủy tổ của chúng ta là A-đam và Ê-va còn sống. Đức Giê-hô-va tạo ra họ với sự tự do lựa chọn, một món quà quí báu. Hễ họ dùng sự tự do lựa chọn đó với tinh thần trách nhiệm, họ hưởng được những ân phước khác, như tự do khỏi sự sợ hãi, khỏi bệnh tật, khỏi sự chết và tự do đến gần Cha trên trời của họ với một lương tâm trong sạch. Nhưng khi họ lạm dụng sự tự do lựa chọn đó, mọi việc đều thay đổi hết.
7 Đức Giê-hô-va đặt A-đam và Ê-va trong vườn Ê-đen và Ngài cho họ hưởng bông trái của tất cả các cây trong vườn—trừ trái của một cây mà thôi. Ngài giữ độc quyền về cây ấy; đó là “cây biết điều thiện và điều ác” (Sáng-thế Ký 2:16, 17). Nếu họ không ăn trái cây đó, A-đam và Ê-va nhìn nhận chỉ một mình Đức Giê-hô-va mới có quyền đặt ra tiêu chuẩn về điều thiện và điều ác. Nếu họ hành động với tinh thần trách nhiệm và không ăn trái cấm, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục ban cho họ những sự tự do khác.
8 Buồn thay, Ê-va đã nghe lời xúi giục xảo quyệt của con Rắn; hắn xúi bà nên tự định đoạt lấy “điều thiện và điều ác” (Sáng-thế Ký 3:1-5). Bà ăn trái cấm trước hết, kế đến A-đam cũng ăn. Hậu quả là khi Đức Chúa Trời Giê-hô-va đến để nói chuyện với họ trong vườn Ê-đen, họ xấu hổ và đi ẩn nấp (Sáng-thế Ký 3:8, 9). Lúc bấy giờ họ trở nên những kẻ có tội và mất đi sự tự do đến gần Đức Chúa Trời vì lương tâm của họ không còn trong sạch nữa. Vì lẽ đó, họ cũng mất luôn sự tự do khỏi bệnh tật và sự chết, cả cho chính họ và cho con cháu của họ nữa. Phao-lô nói: “Như bởi một người [A-đam] mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội” (Rô-ma 5:12; Sáng-thế Ký 3:16, 19).
9. Ai có tên trong danh sách những người dùng đúng cách sự tự do có giới hạn mà họ vui hưởng?
9 Tuy nhiên, nhân loại vẫn còn có quyền tự do lựa chọn và theo dòng thời gian, một số người bất toàn dùng sự tự do đó với tinh thần trách nhiệm để phụng sự Đức Giê-hô-va. Danh sách một số người trong họ vẫn còn được lưu trữ lại từ thuở xưa cho chúng ta. Những người như A-bên, Hê-nóc, Nô-ê, Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp (cũng có tên là Y-sơ-ra-ên) là những người điển hình dùng sự tự do có giới hạn mà họ vẫn còn hưởng được để làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Và kết quả là đời họ được suôn sẻ (Hê-bơ-rơ 11:4-21).
Sự tự do của dân sự được Đức Chúa Trời chọn
10. Giao ước mà Đức Giê-hô-va lập với dân đặc biệt của Ngài có những điều kiện nào?
10 Vào thời Môi-se, Đức Giê-hô-va giải cứu con cái Y-sơ-ra-ên—lúc đó đông đến hằng triệu—ra khỏi sự nô lệ tại Ê-díp-tô và Ngài lập với họ một giao ước nhờ đó họ trở nên dân sự đặc biệt của Ngài. Dưới giao ước này, dân Y-sơ-ra-ên có những thầy tế lễ và một hệ thống của-lễ hy sinh bằng thú vật để chuộc tội lỗi của họ một cách tượng trưng. Do đó, họ được tự do đến gần Đức Chúa Trời để thờ phượng. Họ cũng có một hệ thống luật pháp và qui tắc để giúp họ thoát khỏi bị các thực hành mê tính dị đoan và sự thờ phượng sai lầm. Sau đó, họ nhận được Đất Hứa làm sản nghiệp với sự cam kết Đức Chúa Trời sẽ bảo vệ họ chống lại những kẻ thù nghịch. Dân Y-sơ-ra-ên có bổn phận phải giữ Luật pháp Đức Giê-hô-va vì cớ họ nằm trong giao ước với Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên vui lòng chấp thuận điều kiện này. Họ nói: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-8; Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:22-25).
11. Khi dân Y-sơ-ra-ên không tôn trọng lời hứa của họ trong giao ước với Đức Giê-hô-va thì hậu quả là gì?
11 Trong suốt hơn 1.500 năm, dân Y-sơ-ra-ên có được liên lạc đặc biệt đó với Đức Giê-hô-va. Nhưng hết lần này đến lần khác, họ không giữ nổi giao ước. Nhiều phen họ bị sự thờ phượng sai lầm quyến rũ và họ rơi vào vòng nô lệ cho sự thờ hình tượng và mê tín dị đoan, bởi vậy Đức Chúa Trời để cho họ bị quân thù nghịch bắt làm nô lệ (Các Quan Xét 2:11-19). Thay vì vui hưởng các ân phước mang lại tự do nhờ giữ giao ước, họ bị phạt vì vi phạm giao ước (Phục-truyền Luật-lệ Ký 28:1, 2, 15). Cuối cùng, vào năm 607 trước công nguyên, Đức Giê-hô-va để cho dân Y-sơ-ra-ên bị Ba-by-lôn bắt làm nô lệ (II Sử-ký 36:15-21).
12. Cuối cùng điều gì tỏ ra hiển nhiên về giao ước Luật pháp Môi-se?
12 Đây là một bài học chua cay. Đáng lẽ họ phải rút tỉa từ đó một bài học về tầm quan trọng của việc giữ Luật pháp. Tuy nhiên, 70 năm sau, khi những người Y-sơ-ra-ên hồi hương, họ vẫn còn không giữ nổi Luật pháp cho đúng cách. Ngót một trăm năm sau khi họ hồi hương, Đức Giê-hô-va nói với các thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên: “Các ngươi đã xây bỏ đường-lối, làm cho nhiều người vấp-ngã trong luật-pháp, và đã làm sai giao-ước của Lê-vi” (Ma-la-chi 2:8). Thật thế, ngay cả những người thành thật nhất trong vòng dân Y-sơ-ra-ên cũng không thể giữ nổi Luật pháp trọn vẹn. Thay vì Luật pháp là một ân phước, theo lời sứ đồ Phao-lô, nó trở thành “sự rủa-sả” (Ga-la-ti 3:13). Rõ ràng, cần phải có một điều gì tốt hơn giao ước Luật pháp Môi-se để dẫn những người bất toàn nhưng trung thành đến sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời.
Tính chất của sự tự do của tín đồ đấng Christ
13. Căn bản nào tốt hơn cho sự tự do cuối cùng đã được cung cấp?
13 Cái điều tốt hơn đó là sự hy sinh làm giá chuộc của Giê-su Christ. Vào khoảng năm 50 công nguyên, Phao-lô viết cho hội-thánh tín đồ đấng Christ được xức dầu ở miền Ga-la-ti. Ông miêu tả làm thế nào Đức Giê-hô-va đã giải cứu họ ra khỏi vòng nô lệ của giao ước Luật pháp và rồi ông nói: “Đấng Christ đã buông-tha chúng ta cho được tự-do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi-mọi nữa” (Ga-la-ti 5:1). Giê-su giải cứu người ta cách nào?
14, 15. Giê-su giải cứu những người tin đạo gốc Do-thái và không phải Do-thái qua những cách kỳ diệu nào?
14 Sau khi Giê-su qua đời, những người Do-thái chấp nhận ngài là đấng Mê-si và trở thành môn đồ của ngài bước vào một giao ước mới thay thế giao ước cũ theo Luật pháp (Giê-rê-mi 31:31-34; Hê-bơ-rơ 8:7-13). Dưới giao ước mới này, chính họ—và những người không thuộc dân Do-thái sau đó kết hợp với họ—trở nên thành viên của một nước thiêng liêng mới thay thế nước Y-sơ-ra-ên xác thịt để làm dân sự đặc biệt của Đức Chúa Trời (Rô-ma 9:25, 26; Ga-la-ti 6:16). Với tư cách là dân sự của Đức Chúa Trời, họ vui hưởng sự tự do mà Giê-su hứa khi ngài nói: “Lẽ thật sẽ buông tha [giải cứu] các ngươi”. Ngoài việc giải cứu họ khỏi sự rủa sả của Luật pháp Môi-se, lẽ thật giải cứu tín đồ đấng Christ gốc Do-thái khỏi mọi truyền thống phiền hà mà các nhà lãnh đạo tôn giáo gán lên họ. Và lẽ thật cũng giải cứu các tín đồ không phải gốc Do-thái khỏi sự thờ hình tượng và mê tín dị đoan thuộc sự thờ phượng trước đó của họ (Ma-thi-ơ 15:3, 6; 23:4; Công-vụ các Sứ-đồ 14:11-13; 17:16). Và còn nhiều hơn nữa.
15 Khi nói về lẽ thật có tác động giải cứu, Giê-su bảo: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội-lỗi là tôi-mọi của tội-lỗi” (Giăng 8:34). Kể từ khi A-đam và Ê-va phạm tội, mỗi người ra đời đều là kẻ có tội và do đó là nô lệ của tội lỗi. Giê-su là ngoại lệ duy nhất và sự hy sinh của ngài giải cứu những người tin ngài khỏi vòng nô lệ đó. Đành rằng lúc bẩm sinh họ vẫn còn ở trong sự bất toàn và tội lỗi, nhưng bây giờ họ có thể ăn năn tội lỗi và cầu xin được tha thứ dựa trên căn bản sự hy sinh của Giê-su, tin cậy rằng họ sẽ được nhậm lời (I Giăng 2:1, 2). Dựa trên căn bản sự hy sinh của Giê-su để làm giá chuộc, Đức Chúa Trời xưng họ là công bình và họ có thể đến gần Ngài với một lương tâm trong sạch (Rô-ma 8:33). Hơn nữa, bởi vì giá chuộc mở đường cho sự sống lại để sống vô tận, lẽ thật còn giải cứu họ khỏi sự sợ chết nữa (Ma-thi-ơ 10:28; Hê-bơ-rơ 2:15).
16. Làm thế nào sự tự do của tín đồ đấng Christ bao hàm nhiều điều hơn là bất cứ sự tự do nào mà thế gian này cung hiến?
16 Bằng một cách kỳ diệu, nói về phương diện người phàm, bất luận họ ở trong hoàn cảnh nào, những người đàn ông và đàn bà có cơ hội đạt đến sự tự do của người tín đồ đấng Christ. Người nghèo, tù nhân, ngay cả người nô lệ có thể được tự do. Mặt khác, những người cao trọng của các nước gạt bỏ thông điệp về đấng Christ vẫn còn ở trong vòng nô lệ của sự mê tín dị đoan, tội lỗi và sự sợ chết. Chúng ta không bao giờ nên ngưng cảm tạ Đức Giê-hô-va về sự tự do mà chúng ta vui hưởng. Không có gì thế gian cung hiến bì kịp sự tự do này.
Tự do nhưng phải chịu trách nhiệm
17. a) Làm thế nào một số người trong thế kỷ thứ nhất không còn được hưởng sự tự do của tín đồ đấng Christ? b) Tại sao chúng ta không nên để cho sự tự do bề ngoài của thế gian theo Sa-tan lừa gạt chúng ta?
17 Trong thế kỷ thứ nhất, rất có thể phần đông tín đồ đấng Christ được xức dầu vui mừng trong sự tự do của họ và giữ sự trung thành bằng mọi giá. Tuy nhiên, buồn thay, một số người nếm được sự tự do của tín đồ đấng Christ với tất cả các ân phước và rồi vứt bỏ sự tự do đó để quay về sự nô lệ trong thế gian. Tại sao vậy? Chắc chắn đức tin của nhiều người yếu đi và họ chỉ việc để cho “bị trôi lạc” (Hê-bơ-rơ 2:1). Những người khác ‘chối bỏ đức tin và lương tâm tốt và đức tin họ bị chìm đắm’ (I Ti-mô-thê 1:19). Có lẽ họ rơi vào cạm bẫy của chủ nghĩa vật chất hoặc một lối sống vô luân. Thật là quan trọng biết bao cho chúng ta bảo vệ đức tin và xây dựng thêm lên trên cái nền đó trong khi chúng ta bận rộn học hỏi cá nhân, kết hợp với anh chị em, cầu nguyện và rao giảng đạo đấng Christ! (II Phi-e-rơ 1:5-8). Mong sao chúng ta chớ bao giờ ngưng quí trọng sự tự do của tín đồ đấng Christ! Đành rằng một số người bị cám dỗ vì họ thấy bên ngoài hội-thánh người ta buông lung và họ đi đến chỗ nghĩ rằng những người thế gian tự do hơn chúng ta, nhưng thật ra cái mà có vẻ là tự do trong thế gian thường thường chỉ là tinh thần vô trách nhiệm. Nếu chúng ta không phải là tôi tớ của Đức Chúa Trời, chúng ta làm nô lệ cho tội lỗi và sự nô lệ đó phải trả giá rất đắt (Rô-ma 6:23; Ga-la-ti 6:7, 8).
18-20. a) Làm thế nào mà một số người trở nên “kẻ thù-nghịch thập-tự-giá của Đấng Christ”? b) Làm sao mà một số người “dùng sự tự-do làm cái màn che sự hung-ác”?
18 Ngoài ra, Phao-lô viết trong lá thư gửi người thành Phi-líp: “Tôi đã thường nói điều nầy cho anh em, nay tôi lại khóc mà nói nữa: lắm người có cách ăn-ở như là kẻ thù-nghịch thập-tự-giá của Đấng Christ” (Phi-líp 3:18). Đúng vậy, có những người một thời là tín đồ đấng Christ nhưng đã trở thành kẻ thù nghịch chống lại đức tin, có lẽ trở nên kẻ bội đạo. Thật là trọng yếu biết bao cho chúng ta không theo đường lối của chúng! Hơn nữa, Phi-e-rơ viết: “Hãy ăn-ở như người tự-do, nhưng chớ dùng sự tự-do làm cái màn che sự hung-ác, song phải coi mình là tôi-mọi Đức Chúa Trời” (I Phi-e-rơ 2:16). Làm thế nào mà một người lại có thể dùng sự tự do của mình làm cái màn che sự hung ác? Bằng cách phạm tội nặng—có lẽ một cách lén lút—trong khi vẫn kết hợp với hội-thánh.
19 Xin nhớ lại Đi-ô-trép. Giăng nói về hắn: “Đi-ô-trép là kẻ ưng đứng đầu Hội-thánh không muốn tiếp-rước chúng ta... Người lại không tiếp-rước anh em nữa, mà ai muốn tiếp-rước, thì người ngăn-trở và đuổi ra khỏi Hội-thánh” (III Giăng 9, 10). Đi-ô-trép dùng sự tự do của hắn làm màn che đậy tham vọng ích kỷ của chính mình.
20 Môn đồ Giu-đe viết: “Có mấy kẻ kia lẻn vào trong vòng chúng ta, là những kẻ bị định đoán-phạt từ lâu rồi, kẻ chẳng tin-kính đổi ơn Đức Chúa Trời chúng ta ra việc tà-ác, chối Đấng Chủ-tể và Chúa có một của chúng ta, là Đức Chúa Giê-su Christ” (Giu-đe 4). Trong khi kết hợp với hội-thánh, những kẻ này gây ảnh hưởng xấu xa đồi bại (Giu-đe 8-10, 16). Nơi sách Khải-huyền chúng ta đọc thấy trong các hội-thánh Bẹt-găm và Thi-a-ti-rơ có nạn bè phái, thờ hình tượng và vô luân (Khải-huyền 2:14, 15, 20-23). Thật là một việc dùng sai sự tự do của tín đồ đấng Christ!
21. Những ai lạm dụng sự tự do của tín đồ đấng Christ sẽ gánh chịu hậu quả nào?
21 Những ai lạm dụng sự tự do của tín đồ đấng Christ như thế này phải chịu hậu quả nào? Xin nhớ điều đã xảy ra cho dân Y-sơ-ra-ên. Y-sơ-ra-ên là một dân được Đức Chúa Trời chọn, nhưng cuối cùng Đức Giê-hô-va từ bỏ họ. Tại sao? Bởi vì dân Y-sơ-ra-ên dùng sự liên lạc của họ với Đức Chúa Trời như là một cái màn che đậy sự hung ác. Họ tự hào là con cháu Áp-ra-ham nhưng từ bỏ Giê-su, Dòng dõi của Áp-ra-ham và cũng là đấng Mê-si mà Đức Giê-hô-va đã chọn (Ma-thi-ơ 23:37-39; Giăng 8:39-47; Công-vụ các Sứ-đồ 2:36; Ga-la-ti 3:16). “Dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời” nói chung sẽ không tỏ ra bất trung như họ đâu (Ga-la-ti 6:16). Nhưng bất cứ tín đồ nào của đấng Christ mà gây ra sự ô nhiễm về thiêng liêng hoặc đạo đức cuối cùng sẽ gánh chịu sự sửa trị, ngay cả hình phạt. Tất cả chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về cách chúng ta dùng sự tự do của người tín đồ đấng Christ.
22. Những người dùng sự tự do của tín đồ đấng Christ để làm tôi tớ cho Đức Chúa Trời sẽ hưởng được niềm vui nào?
22 Làm tôi tớ cho Đức Chúa Trời và như vậy được tự do thật sự quả là tốt hơn biết bao. Chỉ có Đức Giê-hô-va ban cho sự tự do có giá trị thật sự. Câu Châm-ngôn nói: “Hỡi con, khá khôn-ngoan, và làm vui lòng cha, để cha có thế đáp lại cùng kẻ nào sỉ-nhục cha” (Châm-ngôn 27:11). Chúng ta hãy dùng sự tự do của người tín đồ đấng Christ để biện minh cho Đức Giê-hô-va. Nếu làm như thế, chúng ta sẽ có đời sống đầy ý nghĩa, sẽ làm vui lòng Cha trên trời của chúng ta và cuối cùng chúng ta sẽ có mặt trong số những người vui hưởng sự tự do vinh hiển của con cái Đức Chúa Trời.
Bạn có thể giải thích không?
◻ Chỉ có một mình ai mới thật sự tự do?
◻ A-đam và Ê-va đã vui hưởng những sự tự do nào, và tại sao họ mất hết tự do?
◻ Dân Y-sơ-ra-ên đã vui hưởng những sự tự do nào khi họ tôn trọng giao ước giữa họ với Đức Giê-hô-va?
◻ Những ai chấp nhận Giê-su nhận được những sự tự do nào?
◻ Một số tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất đã đánh mất hay lạm dụng thế nào sự tự do của họ?
[Hình nơi trang 13]
Sự tự do mà Giê-su ban cho tốt hơn rất nhiều sự tự do mà loài người có thể cung hiến