“Linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ”
“Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta,... thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (MA-THI-Ơ 11:28-30).
1, 2. Hằng thế kỷ nay tình trạng của gia đình nhân loại là gì, và khác thế nào với điều Đức Chúa Trời đã định lúc ban đầu?
“CHÚNG TA biết rằng muôn vật đều than-thở và chịu khó-nhọc cho đến ngày nay”. Đó là điều mà một người nọ đã viết cho các bạn ông tại Rô-ma cách đây nhiều thế kỷ (Rô-ma 8:22). Kể từ ngày đó sự than thở và khó nhọc của toàn thể gia đình nhân loại chỉ gia tăng thêm mà thôi. Thành kiến, sự nghèo khổ, tội ác và nạn đói gieo tai họa thê thảm ở khắp nơi. Hệ thống kinh tế bất công buộc hằng triệu người gặp cảnh mất việc làm và ngay cả mất nhà ở, và ảnh hưởng của Sa-tan làm hao mòn các cố gắng nhằm nuôi nấng trẻ con theo con đường chúng nên đi.
2 Nhưng có lẽ tai họa lớn nhất xảy ra khi sự đau ốm, bệnh tật hay tuổi già làm hao mòn sức lực của con người và cướp đi phẩm giá của họ khi con người họ tàn tạ đi để rồi trở thành như cái bóng mờ khác hẳn bản ngã của họ trước kia. Sự đau đớn và khổ sở khủng khiếp, thường kéo dài hằng tuần, hằng tháng và đôi khi cả đến hết năm này sang năm khác, gây đau lòng và làm cho nước mắt chảy ra nhiều vô kể. Thật là một lời bình luận đau buồn về đời người! Cách đây lâu lắm rồi, một ông vua khôn ngoan đã nói về tình trạng của con người: “Các ngày người chỉ là đau-đớn, công-lao người thành ra buồn-rầu” (Truyền-đạo 2:23; 4:1). Ngày nay, đời sống chắc chắn không đúng như Đức Chúa Trời đã dự trù lúc ban đầu! (Sáng-thế Ký 2:8, 9).
3. Đức Chúa Trời đã tạo ra loài người với tiềm năng nào, và làm sao mà hiện nay ý định này chỉ được thực hiện trong một tầm mức có giới hạn mà thôi?
3 Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã tạo ra loài người là hoàn toàn với tiềm năng vui hưởng sự sống thật sự (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4, 5). Thử nghĩ đến sự khoan khoái khi thưởng thức một bữa ăn ngon, hít thở không khí trong lành, hay ngắm một cảnh hoàng hôn thơ mộng! Chính ông vua khôn ngoan nói trên nhận xét cách đây lâu rồi: “Ta đã thấy công-việc mà Đức Chúa Trời ban cho loài người...Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt-lành trong thì nó... Ta nhìn-biết chẳng có điều gì tốt cho loài người hơn là vui-vẻ, và làm lành trọn đời mình. Lại, ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban-cho của Đức Chúa Trời” (Truyền-đạo 3:10-13).
4. a) Như kinh nghiệm của Giê-su cho thấy, rất nhiều người gặp phải tình trạng đau buồn nào? b) Giê-su đã phát biểu lời mời nồng hậu nào, và điều này gợi ra các câu hỏi nào?
4 Tuy vậy ít người vui hưởng được những điều tốt lành mà Đức Chúa Trời dự định cho chúng ta! Giê-su Christ đã ý thức được tình trạng khốn khổ, thảm thương của nhân loại. Kinh-thánh nói: “Bấy giờ có đoàn dân rất đông đến gần ngài, đem theo những kẻ què, đui, câm, tàn-tật và nhiều kẻ đau khác, để dưới chơn Chúa Giê-su”. Quả thật Giê-su cảm thấy thương hại biết bao đối với những người bất hạnh thể ấy! (Ma-thi-ơ 9:36; 15:30). Một dịp nọ ngài phát biểu một lời mời nồng hậu: “Hỡi những kẻ mệt-mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:28, 29). Chắc chắn đây là những lời chứa đầy hy vọng! Nhưng Giê-su nói về sự yên nghỉ nào? Và làm sao chúng ta có thể tìm được sự yên nghỉ đó?
Lẽ thật giúp được yên nghỉ
5. Giê-su đã chỉ thế nào con đường dẫn đến sự tự do thật và sự yên nghỉ cho linh hồn chúng ta?
5 Khi Giê-su dự Lễ Lều tạm chừng sáu tháng trước khi chết, ngài chỉ con đường dẫn đến sự tự do và bởi vậy nhận được sự yên nghỉ. Nghĩ đến những người đặt đức tin nơi ngài, ngài nói: “Nếu các ngươi hằng ở trong đạo ta, thì thật là môn-đồ ta; các ngươi sẽ biết lẽ thật, và lẽ thật sẽ [giải cứu] các ngươi” (Giăng 8:31, 32). Giê-su nói về lẽ thật nào? Lẽ thật sẽ giải cứu chúng ta khỏi sự gì? Những người nghe ngài làm nô lệ dưới khía cạnh nào?
6. a) Các đối thủ tôn giáo bắt bẻ gì, và tại sao? b) Tất cả chúng ta đều làm nô lệ dưới khía cạnh nào?
6 Các đối thủ tôn giáo ngắt lời Giê-su, và quả quyết: “Chúng tôi là dòng-dõi Áp-ra-ham, chưa hề làm tôi-mọi ai, vậy sao thầy nói rằng: Các ngươi sẽ trở nên tự-do?” Các đối thủ Do-thái đó tự hào về di sản của họ. Ngay dù nước họ đã rơi vào ách đô hộ ngoại bang, dân Do-thái không chịu bị gọi là người nô lệ. Nhưng Giê-su cho thấy họ làm nô lệ dưới khía cạnh nào, ngài nói: “Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, ai phạm tội-lỗi là tôi-mọi của tội-lỗi”. Đúng, tất cả những người nghe ngài đều là những người “phạm tội-lỗi”, cũng như tất cả chúng ta ngày nay. Đó là vì tất cả chúng ta đều thừa hưởng tội lỗi do tổ tông chúng ta. Nhưng Giê-su hứa: “Nếu Con [giải cứu] các ngươi, các ngươi sẽ thật được tự-do” (Giăng 8:33-36; Rô-ma 5:12).
7. Làm sao có thể đạt được sự tự do thật, và lẽ thật nào sẽ giải cứu chúng ta?
7 Có thể đạt được sự tự do thật chỉ nhờ Con của Đức Chúa Trời là Giê-su Christ, đấng đã phó sự sống như người hoàn toàn làm giá chuộc hy sinh. Đây là sự hy sinh giải cứu chúng ta khỏi tội lỗi đem lại sự chết và giúp chúng ta có thể vui hưởng sự sống đời đời với sức khỏe và hạnh phúc hoàn toàn trong thế giới mới công bình của Đức Chúa Trời (Giăng 3:16; I Giăng 4:10). Do đó, lẽ thật giải cứu chúng ta là lẽ thật về Giê-su Christ và vai trò của ngài trong việc thực thi ý định Đức Chúa Trời. Chính Nước Trời có Vua là đấng Christ sẽ hoàn thành ý muốn Đức Chúa Trời đối với trái đất, và Giê-su làm chứng liên tục về lẽ thật này (Giăng 18:37).
Lẽ thật ban sự yên nghỉ thế nào
8. Có thể ví dụ thế nào để tả việc lẽ thật cung cấp sự yên nghỉ?
8 Có thể dẫn chứng cách mà lẽ thật cung cấp sự yên nghỉ qua trường hợp của một người đàn bà nghe nói là mình bị bệnh ung thư thuộc loại dễ ăn lan nhanh chóng. Biết vậy, bà cảm thấy thật khổ nhọc, nghĩ đến các hậu quả đau đớn, tàn khốc có thể xảy ra. Tuy nhiên, sau đó bà đi khám một bác sĩ khác và được chẩn bệnh thêm. Khi có kết quả thì được biết là hoặc trong lần đầu khám bệnh người ta nói sai hoặc bà đã lành bệnh một cách khả quan, bạn có thể tưởng tượng bà trải qua một cảm giác nhẹ nhõm kỳ diệu làm sao. Linh hồn bà được thơ thới yên nghỉ biết bao!
9. Nhờ dạy dỗ lẽ thật Giê-su đã cung cấp sự thoải mái thế nào?
9 Cũng thế, khi Giê-su xuống trái đất, người đương thời đang quằn quại dưới gánh nặng của các hệ thống cổ truyền vô dụng. Giê-su nói về các thầy thông giáo và người Pha-ri-si chịu trách nhiệm về những truyền thống đó: “Bọn ấy buộc những gánh nặng khó chịu, để trên vai người ta, còn mình thì không muốn động ngón tay vào” (Ma-thi-ơ 23:4; Mác 7:2-5). Thật là dễ chịu hơn biết bao khi Giê-su cung cấp cho dân chúng lẽ thật giải cứu họ khỏi các truyền thống kềm kẹp ấy! (Ma-thi-ơ 15:1-9). Ngày nay không khác gì.
10. Nhiều người chịu những gánh nặng nào đánh mất niềm vui, và một người có thể cảm thấy thế nào khi thoát khỏi các gánh nặng này do việc học biết lẽ thật?
10 Có lẽ bạn là người đã sống trong sự kinh hãi vì sợ bị hành hạ bởi lửa địa ngục hay lò luyện tội sau khi chết do gánh nặng của các giáo điều sai lầm gây ra. Hoặc khi một người thân chết, có lẽ bạn thấy khổ nhọc khi một tu sĩ nói với bạn rằng Đức Chúa Trời đã đem con yêu dấu của bạn đi vì Ngài cần có một thiên sứ khác—làm như là con bạn cần thiết cho Đức Chúa Trời hơn là cho bạn. Đôi khi giới lãnh đạo tôn giáo cũng nói với những người bị bệnh là tại Đức Chúa Trời rủa sả nên họ mới bị vậy. Học biết lẽ thật của Kinh-thánh ắt giải cứu một người khỏi sự sai lầm tôn giáo và đem lại sự yên nghỉ, phải không? Thật là một sự nhẹ nhõm lớn biết bao! (Truyền-đạo 9:5, 10; Ê-xê-chi-ên 18:4; Giăng 9:2, 3).
11. a) Một trong những gánh nặng lớn nhất là gì, và làm sao có thể cất đi được? b) Giê-su khi sống trên đất đã đem lại sự yên nghỉ như thế nào cho những người có tội?
11 Một trong những gánh nặng lớn nhất là gánh nặng phải chịu vì tội lỗi mà chính chúng ta phạm. Thật là nhẹ nhõm xiết bao biết rằng, nhờ sự hy sinh làm giá chuộc của đấng Christ, các tội lỗi này có thể được xóa đi. Kinh-thánh cam kết với chúng ta: “Huyết của Chúa Giê-su...làm sạch mọi tội chúng ta” (I Giăng 1:7). Bất kể chúng ta có thể đã phạm tội nào khủng khiếp, nếu chúng ta thật sự ăn năn và sửa chữa đường lối của mình, thì có thể hưởng được sự yên nghỉ giúp chúng ta nhẹ nhõm vì có lương tâm trong sạch và lời cam kết rằng Đức Chúa Trời sẽ không nhớ lại tội lỗi của chúng ta nữa (Thi-thiên 103:8-14; I Cô-rinh-tô 6:9-11; Hê-bơ-rơ 10:21, 22). Hẳn Giê-su đã đem lại sự yên nghỉ lớn biết bao cho những người khổ sở vì gánh nặng của tội lỗi, như các đàn bà xấu nết và những người thâu thuế như Xa-chê! Giê-su an ủi họ bằng lẽ thật của Kinh-thánh khi ngài ăn chung với họ (Lu-ca 5:27-32; 7:36-50; 19:1-10).
12. a) Giê-su đã đem lại sự yên nghỉ cho những người ở trong các thảm trạng nào? b) Trong thế kỷ thứ nhất Giê-su đã chứng tỏ một cách ngoạn mục cho ai thấy rằng ngài là “đường đi, lẽ thật, và sự sống”?
12 Nhiều người mang gánh nặng khó nhọc vì đau ốm, bệnh tật, nản chí trầm trọng và đau buồn kinh khủng trước sự chết của một người thân. Tuy nhiên, Giê-su đã đem lại sự yên nghỉ cho tất cả những người đó là những người “mệt-mỏi và gánh nặng” (Ma-thi-ơ 4:24; 11:28, 29). Ngài đã chữa lành cho một người đàn bà suốt 18 năm đi hết thầy thuốc này đến thầy thuốc khác nhưng không kết quả. Giê-su cũng đã chữa lành một người đàn ông bị bệnh từ 38 năm, và một người khác mù từ thuở mới sanh ra. Bạn có thể tưởng tượng ra nỗi nhẹ nhõm của họ khi được Giê-su chữa lành không? (Lu-ca 13:10-17; Giăng 5:5-9; 9:1-7). Sự thật là tất cả những người đó đi đến Giê-su với đức tin là đến với nguồn của lẽ thật, sự yên nghỉ chân thật, và sự sống. Giê-su quả đã tỏ cho thấy một cách ngoạn mục rằng ngài là “đường đi, lẽ thật, và sự sống” đối với bà góa kia có con trai đã chết được sống lại và đối với cha mẹ của bé gái 12 tuổi được sống lại (Giăng 14:6; 17:3; Lu-ca 7:11-17; 8:49-56).
13. Giê-su dạy chúng ta quay về ai để được giúp đỡ, và điều gì xảy ra khi chúng ta áp dụng lời khuyên của ngài?
13 Chắc hẳn có những lúc bạn gặp phải các vấn đề khó khăn quá đỗi mà bạn không thể giải quyết nổi. Giê-su dạy chúng ta quay về với Đức Giê-hô-va để được giúp đỡ, như chính ngài đã làm (Lu-ca 22:41-44; Hê-bơ-rơ 5:7). Khi chúng ta đều đặn quay về với Đức Giê-hô-va qua sự cầu nguyện, chúng ta chia xẻ các cảm nghĩ của người viết Thi-thiên: “Đáng ngợi-khen Chúa [Đức Giê-hô-va] thay, là Đấng hằng ngày gánh gánh-nặng của chúng tôi, tức là Đức Chúa Trời, sự cứu-rỗi của chúng tôi” (Thi-thiên 55:22; 68:19). Đúng, biết lẽ thật quả đem lại sự yên nghỉ. Lẽ thật đưa chúng ta đến gần Đức Giê-hô-va hơn và giúp chúng ta hiểu rõ rằng, với sự giúp đỡ của Ngài, chúng ta có thể đương đầu một cách mỹ mãn ngay cả với tình thế khó khăn nhất trong đời.
Hy vọng về Nước Trời đem lại sự yên nghỉ
14. Điều gì đã giữ vững Giê-su trong các thử thách của ngài, và điều gì là trong yếu để cho linh hồn của chúng ta được yên nghỉ?
14 Muốn tìm thấy sự yên nghỉ thật sự cho linh hồn chúng ta, chúng ta phải có một hy vọng mạnh mẽ. Chính hy vọng đã giữ vững Giê-su. Kinh-thánh nói: “Chúa Giê-su...vì sự vui-mừng đã đặt trước mặt mình, chịu lấy [cây khổ hình], khinh điều sỉ-nhục, và hiện nay ngồi bên hữu ngai Đức Chúa Trời” (Hê-bơ-rơ 12:2). Hy vọng vui mừng đã giữ vững Giê-su là hy vọng được góp phần làm thánh danh Cha ngài bằng cách giữ sự trung thành cũng như việc chứng tỏ xứng đáng làm Vua trị vì trong Nước Đức Chúa Trời. Việc giữ vững cái nhìn sáng suốt với hy vọng của chúng ta, dù sẽ cùng cai trị với đấng Christ trên trời hay làm thần dân của ngài sống trên trái đất trở thành Địa-đàng cũng sẽ giúp chúng ta đứng vững trong việc phụng sự Đức Chúa Trời. Thật thế, hy vọng đó là trọng yếu để linh hồn của chúng ta được yên nghỉ (Rô-ma 12:12).
15. Nếu không có hy vọng về Nước Trời đời sống chúng ta sẽ có viễn tượng gì?
15 Hãy xem đời sống chúng ta sẽ có viễn tượng gì nếu không có hy vọng về Nước Trời. Một đời người thường chỉ dài khoảng 70 hay có thể là 80 tuổi. Và quãng đời ấy chóng qua thay, thử hỏi bất cứ người nào đã lớn tuổi rồi thì biết! Đúng, Kinh-thánh nói thật về đời người: “Đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi” (Thi-thiên 90:10). Tuy vậy, chúng ta muốn đời cứ mãi tiếp diễn. Chúng ta muốn sống. Có quá nhiều việc để làm và hưởng.
16. Chúng ta cần phải làm gì để cho linh hồn chúng ta được yên nghỉ?
16 Do đó, đặt đức tin nơi “đấng Christ là sự trông-cậy [hy vọng] chúng ta” là trọng yếu biết bao! (I Ti-mô-thê 1:1). Ngài nói: “Đây là ý-muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời” (Giăng 6:40, 51). Chúng ta có tin như thế không? Để cho linh hồn chúng ta được yên nghỉ chúng ta nhất thiết phải làm thế. Chúng ta không thể làm gì nếu không có hy vọng. Thật thế, chúng ta phải lấy “sự trông-cậy [hy vọng] về sự cứu-rỗi làm mão-trụ” đội trên đầu. (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:8; so sánh Hê-bơ-rơ 6:19). Hy vọng đó phải che chở tâm trí, tư tưởng chúng ta. Nếu không, thì chúng ta sẽ chịu gánh nặng và gặp khó khăn đến nỗi làm cho chúng ta bỏ cuộc và mất sự sống đời đời. Do đó, để cho linh hồn bạn vui hưởng sự yên nghỉ, hãy giữ cho hy vọng của bạn về Nước Trời cứ vững mãi.
Làm công việc Đức Chúa Trời đem lại sự yên nghỉ
17. a) Cần phải làm gì để nhận được sự yên nghỉ, và tại sao điều này không quá đáng đối với chúng ta? b) Nhận gánh cái ách của đấng Christ bao hàm gì?
17 Nhưng chỉ giản dị đến với Giê-su thì không đủ để nhận được sự yên nghỉ, mà phải làm nhiều hơn. Ngài nói: “Hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên-nghỉ. Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta [hay, “Hãy cùng ta gánh chung một ách”] và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ-nhàng” (Ma-thi-ơ 11:29, 30). Gánh một cái ách lên người có nghĩa là làm việc. Nhưng lưu ý là Giê-su không có yêu cầu chúng ta gánh ách lên người rồi làm việc một mình. Chúng ta phải cùng ngài gánh chung một ách. Trong trường hợp này nhận gánh cái ách do đấng Christ đưa bao hàm việc dâng mình cho Đức Chúa Trời, biểu hiệu điều này bằng phép báp têm trong nước, và rồi nhận lấy trách nhiệm làm môn đồ của đấng Christ. Nhưng cái ách làm môn đồ thể ấy có thể đem lại sự yên nghỉ bằng cách nào?
18. a) Tại sao nhận gánh cái ách của đấng Christ đem lại sự yên nghỉ? b) Công việc rao giảng đem lại cho chúng ta niềm vui và sự thoải mái như thế nào?
18 Nhận gánh cái ách của đấng Christ đem lại sự yên nghỉ bởi vì Giê-su nhu mì và khiêm nhường. Bởi lẽ ngài không gắt gỏng khó chịu, làm việc với ngài dưới cùng một cái ách thật là thoải mái làm sao! Ngài tôn trọng các giới hạn và sự yếu đuối của chúng ta. Ngài nói: “Ách ta dễ chịu”. Đành rằng cái ách làm môn đồ bao hàm việc làm, phải rao giảng và dạy dỗ giống như Giê-su đã làm và đã huấn luyện các môn đồ thuở ban đầu để họ làm theo (Ma-thi-ơ 28:19, 20; Công-vụ các Sứ-đồ 1:8), nhưng nói với người khác về Đức Chúa Trời đầy yêu thương, về Con Ngài và về Nước Trời quả là thoải mái làm sao! Nói với người khác về cách thức họ có thể sống đời đời trong Địa-đàng thật là một công việc thoải mái biết bao! Và khi người ta hưởng ứng thông điệp Nước Trời ban cho sự sống và kết hợp với chúng ta để hầu việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời, niềm vui của chúng ta quả thật trở nên lớn thay! (I Ti-mô-thê 4:16).
19. Tại sao lời khuyên do cha vợ của Môi-se đáng cho các trưởng lão trong hội-thánh thời nay lưu ý?
19 Trong những năm gần đây hằng triệu người đã đến với tổ chức Đức Giê-hô-va, họ cần sự giúp đỡ để nhận gánh cái ách của đấng Christ, và điều này làm gia tăng công việc của những người rao giảng về Nước Trời và của những người chăn chiên. Đối với những người chăn chiên theo nghĩa thiêng liêng thì lời khuyên mà Môi-se nhận được nơi cha vợ quả là đáng lưu ý. Ông đã cho Môi-se lời khuyên này: “Điều con làm đó chẳng tiện. Quả thật, con cùng dân-sự ở với con sẽ bị đuối chẳng sai, vì việc đó nặng-nề quá sức con, một mình gánh chẳng nổi”. Vậy ông khuyên Môi-se nên chọn những người nam có khả năng để chia xẻ công việc chăn giữ hội chúng. Làm theo lời khuyên này tỏ ra có hiệu nghiệm (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:17-27). Ngày nay sự huấn luyện liên tục sản xuất những người có khả năng, sự “ban...cho [dưới hình thức] loài người”, những người có thể tham gia công việc chăn bầy chiên hầu cho các trưởng lão trong hội-thánh không bị quá mệt (Ê-phê-sô 4:8, 16).
20. Giê-su Christ và Cha ngài đòi hỏi gì nơi chúng ta?
20 Dù đấng Christ khuyên các môn đồ hãy gắng hết sức, chính ngài cũng như Cha ngài không đòi hỏi chúng ta làm quá mức độ vừa phải. Một lần nọ, khi vài người chỉ trích người chị em của La-xa-rơ là Ma-ri vì nàng đã ra công làm ơn cho Giê-su, ngài quở họ rằng: “Hãy để mặc người... Người đã làm điều mình có thể làm được” (Mác 14:6-8; Lu-ca 13:24). Và đó là điều chúng ta được chờ đợi phải làm—điều chúng ta có thể làm được. Hoạt động thể ấy của tín đồ đấng Christ không là một gánh nặng nhưng là một sự yên nghỉ (thoải mái). Tại sao? Bởi vì việc này đem lại sự mãn nguyện cho bây giờ và hy vọng chắc chắn về lợi ích đời đời trong tương lai.
21. a) Gánh nhẹ nhàng của đấng Christ là gì, và điều gì thường làm cho công việc rao giảng trở nên khó khăn? b) Chúng ta nên cương quyết làm gì, và với triển vọng chắc chắn nào?
21 Đành rằng Sa-tan sẽ cố làm cho chúng ta bị bắt bớ, giống như chính Giê-su Christ là đấng cùng mang một ách với chúng ta đã chịu (Giăng 15:20; II Ti-mô-thê 3:12). Nhưng hãy nhớ rằng không phải gánh nhẹ nhàng của đấng Christ lại nặng đối với chúng ta, mà chính sự chống đối của Sa-tan cùng bè lũ của hắn thường làm cho công việc của chúng ta trở nên khó khăn đến thế. Gánh của đấng Christ chỉ gồm việc sống theo những đòi hỏi của Đức Chúa Trời, và các đòi hỏi này không nặng nề (I Giăng 5:3). Vậy thì, mong sao chúng ta có thể tiếp tục ở dưới cái ách của Giê-su Christ cùng với ngài, gắng sức làm công việc rao giảng và dạy dỗ như ngài đã làm. Làm thế thì ‹‹linh-hồn chúng ta sẽ được yên-nghỉ››, như ngài đã hứa.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Theo Rô-ma 8:22 thì tình trạng của nhân loại xưa nay là thế nào?
◻ Biết lẽ thật đem lại sự yên nghỉ dưới những hình thức nào?
◻ Tại sao hy vọng về Nước Trời đem lại sự yên nghỉ (Thoải mái)?
◻ Ách của Giê-su là gì, và tại sao ách ngài dễ chịu?
◻ Mang lấy gánh nào sẽ đem lại cho chúng ta sự yên nghỉ (thoải mái)?