Cuốn sách này có đáng được tin cậy không?
“Tôi thấy Kinh-thánh có nhiều bằng chứng xác thực hơn bất cứ sách lịch sử thế tục nào” (Sir Isaac Newton, nhà khoa học lừng danh người Anh).1
CHÚNG TA có thể tin cậy Kinh-thánh không? Kinh-thánh có nói đến những người, những nơi và những biến cố có thật không? Nếu có thì hẳn phải có bằng chứng rằng những người viết Kinh-thánh là những người tỉ mỉ và chính trực. Quả thật, chúng ta có bằng chứng ấy. Người ta đã tìm thấy nhiều bằng chứng chôn trong lòng đất, và còn thêm nhiều bằng chứng nữa trong chính nội dung Kinh-thánh.
Khai quật bằng chứng
Những đồ tạo tác cổ xưa tìm thấy ở những nước được Kinh-thánh nhắc đến đã củng cố tính xác thực của Kinh-thánh về mặt lịch sử và địa lý. Chúng ta hãy xem xét chỉ một vài bằng chứng mà các nhà khảo cổ đã khai quật được.
Những ai đọc Kinh-thánh thì biết rõ chàng chăn chiên Đa-vít, người sau này được phong làm vua nước Y-sơ-ra-ên. Tên của ông xuất hiện 1.138 lần trong Kinh-thánh, và nhóm từ “Nhà Đa-vít”—thường nói đến vương triều của ông—xuất hiện 25 lần (I Sa-mu-ên 16:13; 20:16). Nhưng chỉ vài năm trước đây, thì ngoài Kinh-thánh ra, đã không có bằng chứng rõ rệt nào cho thấy Đa-vít là một người có thật. Có phải Đa-vít chỉ là một nhân vật được bịa đặt ra không?
Vào năm 1993, một đội khảo cổ, do Giáo sư Avraham Biran dẫn đầu, đã khám phá một điều rất đáng kinh ngạc. Cuộc khám phá này được đăng trong tờ Israel Exploration Journal (Tập san khảo sát Do Thái). Tại một đồi cổ xưa gọi là Tel Dan ở miền bắc xứ Y-sơ-ra-ên, họ đã phát hiện ra một tảng đá bazan. Trên tảng đá có khắc nhóm từ “Nhà Đa-vít” và “Vua của Y-sơ-ra-ên”.2 Chữ khắc đó đã có từ thế kỷ thứ chín TCN, và người ta nói rằng chữ khắc này là một phần của đài kỷ niệm chiến thắng mà dân A-ram đã dựng lên, dân này là kẻ thù của nước Y-sơ-ra-ên sống ở phía đông. Tại sao chữ khắc cổ xưa này lại quan trọng đến thế?
Dựa theo một bài báo cáo của Giáo sư Biran cùng người bạn đồng nghiệp là Giáo sư Joseph Naveh, một bài báo trong tờ Biblical Archaeology Review (Tạp chí về khảo cổ Kinh-thánh) viết: “Ngoài Kinh-thánh ra, đây là lần đầu tiên mà tên Đa-vít đã được thấy trong chữ khắc xưa”.3a Chữ khắc này có một điểm khác đáng chú ý. Nhóm từ “Nhà Đa-vít” được ghép thành một từ duy nhất. Giáo sư Anson Rainey, một chuyên gia về ngôn ngữ học, giải thích: “Người ta thường bỏ đi dấu chấm ngăn giữa hai từ, đặc biệt nếu nhóm từ đó là một tên riêng được nhiều người biết đến. ‘Nhà Đa-vít’ chắc chắn là một danh từ chính trị và địa lý được nhiều người biết đến vào giữa thế kỷ thứ chín TCN”.5 Như thế, rõ ràng là thế giới cổ xưa đã biết về Vua Đa-vít và vương triều của ông.
Ni-ni-ve—thành phố phồn vinh ở nước A-si-ri được nhắc đến trong Kinh-thánh—có thật không? Đến đầu thế kỷ 19, một số các nhà phê bình Kinh-thánh không tin thành phố này có thật. Nhưng vào năm 1849, Sir Austen Henry Layard đã khai quật lâu đài hư nát của Vua San-chê-ríp ở Kuyunjik, một địa điểm được biết là thuộc thành phố Ni-ni-ve xưa. Vậy về vấn đề này, các nhà phê bình không thể chỉ trích được nữa. Nhưng những tàn tích này đã cho chúng ta biết nhiều hơn nữa. Trên tường của một phòng còn lành lặn, người ta thấy cảnh một thành kiên cố bị hạ, các tù binh bị dẫn đến trước ông vua chiến thắng. Trên đầu ông vua có khắc: “San-chê-ríp, vua thế giới, vua A-si-ri, ngồi trên nîmedu -ngai và kiểm tra chiến lợi phẩm (chiếm được) của thành La-ki (La-ki-su)”.6
Cảnh này và các chữ khắc được triển lãm ở Bảo Tàng Viện Anh Quốc. Sự kiện này phù hợp với lời tường thuật trong Kinh-thánh về việc San-chê-ríp chiếm thành La-ki ở xứ Giu-đa, được ghi nơi II Các Vua 18:13, 14. Về tầm quan trọng của cuộc khám phá này, ông Layard viết: “Trước cuộc khám phá này, ai có thể ngờ là dưới đống đất và rác rưới ở địa điểm Ni-ni-ve mà người ta lại có thể tìm thấy lịch sử về các cuộc chiến tranh giữa Ê-xê-chia [vua Giu-đa] và San-chê-ríp, do chính San-chê-ríp viết ngay lúc những biến cố đó xảy ra, và xác nhận ngay cả chi tiết nhỏ của những điều ghi trong Kinh-thánh?”7
Các nhà khảo cổ đã đào lên nhiều đồ tạo tác khác—đồ gốm, những tòa nhà hư nát, những bảng đất sét, đồng tiền, tài liệu, đài kỷ niệm và những bảng chữ khắc—và những thứ này đều xác nhận Kinh-thánh nói đúng. Những nhà khai quật đã tìm thấy thành phố U-rơ ở xứ Canh-đê là trung tâm thương mại và tôn giáo, và cũng là nơi Áp-ra-ham sinh sống8 (Sáng-thế Ký 11:27-31). Bia sử của Na-bô-nê-đô, được đào lên vào thế kỷ 19, có thuật lại việc Đại đế Si-ru đánh đổ Ba-by-lôn vào năm 539 TCN, một biến cố được tường thuật nơi Đa-ni-ên đoạn 5.9 Người ta tìm thấy chữ khắc trên một cổng chào hình cung ở thành Tê-sa-lô-ni-ca xưa (một vài mảnh được triển lãm ở Bảo Tàng Viện Anh Quốc), có ghi tên những người cai trị thành phố gọi là “politarchs” (“các quan án trong thành”), một từ chưa từng thấy trong văn chương cổ điển Hy Lạp, nhưng được người viết Kinh-thánh Lu-ca dùng10 (Công-vụ các Sứ-đồ 17:6, NW, cước chú). Sự chính xác của Lu-ca đã được chứng minh trong vấn đề này—như đã được chứng minh trong những chi tiết khác. (So sánh Lu-ca 1:3).
Tuy nhiên, các nhà khảo cổ không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, chứ đừng nói đến việc đồng ý với Kinh-thánh. Tuy vậy, trong nội dung Kinh-thánh, chúng ta có bằng chứng hùng hồn rằng chúng ta có thể tin cậy Kinh-thánh.
Tường thuật một cách thật thà
Những sử gia nào thật thà thì phải ghi chép không riêng gì những cuộc thắng trận (như chữ khắc kể lại việc San-chê-ríp chiếm thành La-ki) mà còn ghi chép những cuộc thất trận, không riêng gì những lúc thành công mà còn những lúc thất bại, không riêng gì những ưu điểm mà còn những khuyết điểm nữa. Rất ít sách sử thế tục phản ảnh tinh thần thật thà như thế.
Daniel D. Luckenbill giải thích về các sử gia của A-si-ri: “Chúng ta rất thường thấy rằng các sử gia đã phải bóp méo lịch sử để lấy lòng của các vua chúa”.11 Để minh họa cho điều này, sử biên niên của Vua Ashurnasirpal của A-si-ri, khoe khoang: “Ta thuộc bậc vương giả, ta huy hoàng, ta cao siêu, ta hùng mạnh, ta được tôn vinh, ta được vinh hiển, ta xuất sắc, ta quyền năng, ta dũng cảm, ta can đảm như sư tử, và ta anh hùng!”12 Bạn có tin rằng mọi điều bạn đọc trong sử biên niên như thế là lịch sử chính xác không?
Ngược lại, những người viết Kinh-thánh đã bày tỏ tính thật thà khác thường. Môi-se, lãnh tụ nước Y-sơ-ra-ên, đã thật thà thuật lại những khuyết điểm của anh ông là A-rôn, chị là Mi-ri-am, hai người cháu là Na-đáp và A-bi-hu, của dân sự, cũng như những lỗi lầm của chính ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:11, 12; 32:1-6; Lê-vi Ký 10:1, 2; Dân-số Ký 12:1-3; 20:9-12; 27:12-14). Người viết Kinh-thánh đã không giấu giếm nhưng viết xuống những lỗi lầm nghiêm trọng của Vua Đa-vít—và đó là vào lúc Đa-vít vẫn còn làm vua (II Sa-mu-ên, đoạn 11 và 24). Ma-thi-ơ, người viết sách mang tên ông, kể về việc các sứ đồ (có ông trong đó nữa) đã cãi lẫy về ai là người quan trọng nhất, và việc họ bỏ Chúa Giê-su vào đêm ngài bị bắt (Ma-thi-ơ 20:20-24; 26:56). Những người viết các lá thư trong Kinh-thánh phần tiếng Hy Lạp đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề trong một vài hội thánh tín đồ đấng Christ thời ban đầu—những vấn đề như sự vô luân và sự chia rẽ. Và họ đã thẳng thắn bàn về những vấn đề này (I Cô-rinh-tô 1:10-13; 5:1-13).
Lời tường thuật thẳng thắn và cởi mở như thế cho thấy những người viết Kinh-thánh rất muốn ghi lại sự thật. Vì họ sẵn sàng ghi chép những điều không hay về người thân yêu, về những người đồng hương và ngay cả chính họ nữa, chẳng phải đó là lý do chính đáng để tin lời tường thuật của họ hay sao?
Chính xác từng chi tiết
Trong các vụ xét xử, người ta thường dựa theo những sự kiện nhỏ để đánh giá một người làm chứng có đáng tin cậy hay không. Khi những sự kiện nhỏ hòa hợp với nhau thì điều này có thể xác minh rằng lời chứng chính xác và trung thực, trong khi những mâu thuẫn lớn có thể vạch trần lời chứng giả. Mặt khác, lời chứng quá tỉ mỉ—được sắp xếp từng chi tiết một—có thể là dấu hiệu của lời chứng giả.
Xét theo tiêu chuẩn này thì ta có thể nói gì về “lời chứng” của những người viết Kinh-thánh? Giữa những người viết Kinh-thánh có sự nhất quán đáng kể. Họ nói hòa hợp với nhau ngay cả về những chi tiết nhỏ nhặt. Tuy nhiên, họ đã không cố tình sắp đặt để viết một lời tường thuật ăn khớp với nhau, như vậy khiến người khác phải nghi ngờ. Rõ ràng những trường hợp này xảy ra một cách tình cờ, vì những người viết Kinh-thánh đã không cố ý viết những lời phù hợp với nhau. Chúng ta hãy xem một vài thí dụ.
Người viết Kinh-thánh là Ma-thi-ơ ghi chép: “Đoạn, Đức Chúa Jêsus vào nhà Phi-e-rơ, thấy bà gia người nằm trên giường, đau rét” (Ma-thi-ơ 8:14). Ở đây Ma-thi-ơ nói đến một chi tiết tuy đáng chú ý nhưng cũng không cần thiết: Phi-e-rơ có vợ. Phao-lô xác minh sự kiện nhỏ này khi ông viết: “Há không có phép dắt một người chị em làm vợ đi khắp nơi với chúng tôi như các sứ-đồ khác... và Sê-pha đã làm, hay sao?”b (I Cô-rinh-tô 9:5). Văn cảnh cho thấy Phao-lô đang bênh vực cho mình trước những lời chỉ trích vô căn cứ (I Cô-rinh-tô 9:1-4). Rõ ràng Phao-lô đã không nhắc tới sự kiện nhỏ nhặt này—rằng Phi-e-rơ có vợ—cốt để xác minh lời tường thuật của Ma-thi-ơ, nhưng ông chỉ tình cờ nói đến mà thôi.
Cả bốn người viết Phúc Âm—Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng—ghi lại rằng vào đêm Chúa Giê-su bị bắt, một môn đồ rút gươm và đánh đầy tớ của thầy cả thượng phẩm, chém đứt tai của hắn. Chỉ có Phúc Âm theo Giăng mới ghi lại một chi tiết có vẻ không cần thiết: “Đầy-tớ đó tên là Man-chu” (Giăng 18:10, 26). Tại sao chỉ một mình Giăng mới nêu tên người này? Vài câu sau trong lời tường thuật, chúng ta đọc một chi tiết không thấy ở nơi nào khác: Giăng “quen với thầy cả thượng-phẩm”. Người nhà thầy cả thượng phẩm cũng biết Giăng; các đầy tớ đều biết ông, và ông cũng biết họ (Giăng 18:15, 16). Vậy rất dễ hiểu tại sao Giăng nêu tên người bị thương, trong khi ba người viết Phúc Âm kia thì không, vì họ đã không quen người này.
Đôi khi lời tường thuật của một người không kể tỉ mỉ một chuyện nào đó, nhưng một người khác có thể tình cờ giải thích cùng chuyện ấy. Thí dụ, khi tường thuật về việc Tòa Công Luận Do Thái xét xử Chúa Giê-su, Ma-thi-ơ nói rằng một vài người ở đó “vả Ngài, mà nói rằng: Hỡi Đấng Christ, hãy nói tiên-tri đi; cho chúng ta biết ai đánh ngươi” (Ma-thi-ơ 26:67, 68). Tại sao họ lại kêu Chúa Giê-su “tiên-tri” ai đã đánh ngài, trong khi người đó đang đứng ngay trước mặt ngài? Ma-thi-ơ không giải thích điều này. Nhưng hai người kia viết Phúc Âm bù thêm chi tiết này: Những kẻ đánh đập Chúa Giê-su đã che mặt ngài trước khi ngài bị vả (Mác 14:65; Lu-ca 22:64). Ma-thi-ơ tường thuật mà không lo rằng mình phải ghi xuống mỗi chi tiết.
Sách Phúc Âm theo Giăng kể lại một dịp nọ khi một đám đông tụ họp lại để nghe Chúa Giê-su giảng dạy. Theo lời tường thuật, khi Chúa Giê-su thấy đám đông, ngài “phán với Phi-líp rằng: Chúng ta sẽ mua bánh ở đâu, để cho dân này có mà ăn?” (Giăng 6:5). Trong số tất cả các môn đồ có mặt, tại sao Chúa Giê-su lại hỏi Phi-líp là họ có thể mua bánh ở đâu? Người viết Kinh-thánh không trả lời câu hỏi này. Tuy nhiên, cũng trong lời tường thuật giống như vậy, Lu-ca kể rằng chuyện này đã diễn ra gần Bết-sai-đa, một thành phố ở phía bắc bờ Biển Ga-li-lê, và trước đó trong sách Phúc Âm của Giăng, ông nói rằng “Phi-líp là người Bết-sai-đa” (Giăng 1:44; Lu-ca 9:10). Vậy, Chúa Giê-su hỏi một người quê gần đó là điều hợp lý. Sự hòa hợp giữa các chi tiết này thật đáng chú ý, và rõ ràng là vô tình mà thôi.
Trong vài trường hợp, sự kiện một người viết Kinh-thánh không nói đến những chi tiết nào đó thật ra làm tăng sự tín nhiệm cho người đó. Thí dụ, người viết sách I Các Vua nói về một nạn hạn hán trầm trọng ở Y-sơ-ra-ên. Nạn hạn hán trầm trọng đến độ vua còn không kiếm được đủ nước và cỏ để nuôi sống các con ngựa và la (I Các Vua 17:7; 18:5). Tuy nhiên, cùng lời ấy tường thuật rằng nhà tiên tri Ê-li kêu người ta đem đủ nước cho ông ở Núi Cạt-mên (để dùng vào việc dâng của-lễ) để đổ đầy cái mương đào xung quanh một khu có diện tích khoảng 1.000 mét vuông (I Các Vua 18:33-35). Trong lúc đang bị hạn hán, người ta lấy nước ở đâu? Người viết sách I Các Vua đã không nhọc lòng giải thích. Tuy nhiên, người nào sống ở nước Y-sơ-ra-ên cũng đều biết rằng Núi Cạt-mên nằm bên bờ Địa Trung Hải, một chi tiết được kể lại sau này trong lời tường thuật (I Các Vua 18:43). Vậy thì nước biển có sẵn cho họ lấy. Nếu quyển sách này ghi đầy đủ những chi tiết tỉ mỉ khác và nếu nó thực ra chỉ là chuyện tiểu thuyết được trình bày như là sự kiện có thật, thì tại sao người viết, đáng lý là kẻ giả mạo khéo léo, lại bỏ lửng một sự thiếu sót rành rành như thế trong bản văn?
Vậy thì Kinh-thánh có đáng tin cậy không? Các nhà khảo cổ đã đào lên đầy đủ những đồ tạo tác để xác minh rằng Kinh-thánh nhắc tới những người có thật, những chỗ có thật và những biến cố có thật. Tuy vậy, bằng chứng hùng hồn hơn thế nữa được tìm thấy trong chính nội dung cuốn Kinh-thánh. Những người viết thật thà đã không bỏ sót ai cả—ngay cả chính mình—khi ghi lại các sự kiện có thật. Nội dung hòa hợp của các sách trong Kinh-thánh, kể cả trong những trường hợp tình cờ, khiến cho người ta thấy rõ “lời chứng” là thật. Nhờ có “bằng chứng xác thực” như thế, chắc chắn bạn có thể tin cậy cuốn Kinh-thánh.
[Chú thích]
a Sau cuộc khám phá đó, Giáo sư André Lemaire báo cáo rằng một hàng chữ bị hư trên bia đá Mesha tìm thấy vào năm 1868 (cũng được gọi là Bia đá Mô-áp), đã được tu chỉnh lại. Hàng chữ này cũng nhắc đến “Nhà Đa-vít”.4
b “Sê-pha” là “Phi-e-rơ” bằng tiếng Xêmít (Giăng 1:42).
[Hình nơi trang 15]
Mảnh Tel Dan
[Hình nơi trang 16]
Hình vẽ trên bức tường của người A-si-ri, tả cảnh thành La-ki bị vây hãm, nói đến nơi II Các Vua 18:13, 14