Sự sống lại của Chúa Giê-su có nghĩa gì với chúng ta?
‘Ngài đã được sống lại’.—MAT 28:6.
1, 2. (a) Một số nhà lãnh đạo tôn giáo muốn biết điều gì, và Phi-e-rơ đáp lại thế nào? (Xem hình nơi đầu bài). (b) Nhờ đâu Phi-e-rơ có lòng can đảm trong trường hợp đó?
Sau khi Chúa Giê-su chết ít ngày, sứ đồ Phi-e-rơ chạm trán với một nhóm người dữ tợn và thù nghịch. Họ là giới lãnh đạo Do Thái giáo có thế lực—những người đã dàn xếp mọi chuyện để đẩy Chúa Giê-su vào cái chết. Họ yêu cầu một lời giải thích khi Phi-e-rơ chữa lành cho một người đàn ông bị què từ thuở lọt lòng. Họ muốn biết ông lấy quyền chữa bệnh từ đâu hay nhân danh ai để chữa lành cho anh ta. Sứ đồ Phi-e-rơ can đảm đáp lại: “Nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô người Na-xa-rét, đấng các ông đã đóng đinh nhưng được Đức Chúa Trời làm sống lại, và bởi ngài mà người đứng trước mặt các ông được khỏe mạnh”.—Công 4:5-10.
2 Trước đó, Phi-e-rơ đã chối Chúa Giê-su ba lần vì sợ hãi (Mác 14:66-72). Giờ đây nhờ đâu Phi-e-rơ có lòng can đảm khi đứng trước những nhà lãnh đạo tôn giáo? Thần khí đã đóng vai trò trọng yếu, nhưng cũng do Phi-e-rơ tin chắc Chúa Giê-su đã được sống lại. Điều gì giúp sứ đồ này tin chắc Chúa Giê-su đang sống? Tại sao chúng ta cũng có thể tin chắc như thế?
3, 4. (a) Những trường hợp sống lại nào xảy ra trước khi các sứ đồ chào đời? (b) Chúa Giê-su đã làm cho những ai sống lại?
3 Việc người chết có thể sống lại không phải mới lạ đối với các sứ đồ của Chúa Giê-su vì điều này đã xảy ra trước khi họ chào đời. Họ từng biết Đức Chúa Trời ban cho nhà tiên tri Ê-li và Ê-li-sê quyền thực hiện những phép lạ ấy (1 Vua 17:17-24; 2 Vua 4:32-37). Thậm chí một người đàn ông đã được sống lại khi thi thể của ông bị liệng vào mồ và đụng hài cốt của Ê-li-sê (2 Vua 13:20, 21). Các tín đồ thời ban đầu tin những lời tường thuật này, cũng như chúng ta tin Lời Đức Chúa Trời là chân thật.
4 Chắc hẳn tất cả chúng ta đều cảm động khi đọc những trường hợp Chúa Giê-su làm người chết sống lại. Khi ngài làm cho con trai duy nhất của một góa phụ sống lại, hẳn bà vô cùng kinh ngạc (Lu 7:11-15). Vào dịp khác, Chúa Giê-su làm cho bé gái 12 tuổi sống lại. Giờ đây, nỗi đau buồn của cha mẹ em chuyển thành niềm vui mừng và sự kinh ngạc! (Lu 8:49-56). Khi thấy La-xa-rơ bước ra khỏi mộ và khỏe mạnh, những người chứng kiến hẳn vô cùng vui mừng!—Giăng 11:38-44.
TẠI SAO SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊ-SU LÀ TRƯỜNG HỢP CÓ MỘT KHÔNG HAI?
5. Sự sống lại của Chúa Giê-su khác với những trường hợp được sống lại trước đó như thế nào?
5 Các sứ đồ biết rằng sự sống lại của Chúa Giê-su khác với những trường hợp được sống lại trước đó. Những người ấy sống lại ở thể xác thịt, rồi cuối cùng cũng chết. Nhưng Chúa Giê-su được sống lại ở thể thần linh không bị mục rữa. (Đọc Công vụ 13:34). Phi-e-rơ viết rằng Chúa Giê-su “bị giết ở thể xác thịt nhưng được làm sống lại ở thể thần linh”. Hơn nữa, ngài “đã lên trời và hiện nay ở bên hữu Đức Chúa Trời; Đức Chúa Trời khiến các thiên sứ, bậc cầm quyền và các thế lực đều phục tùng đấng ấy” (1 Phi 3:18-22). Thật vậy, những trường hợp sống lại trước đó rất kỳ diệu và phi thường nhưng không thể sánh được với trường hợp của Chúa Giê-su.
6. Sự sống lại của Chúa Giê-su ảnh hưởng thế nào đến các môn đồ?
6 Sự sống lại của Chúa Giê-su tác động sâu xa đến các môn đồ. Ngài không còn ở trong sự chết như những kẻ thù của ngài tưởng. Chúa Giê-su sống ở thể thần linh mạnh mẽ và không người nào có thể hãm hại ngài. Sự sống lại của Chúa Giê-su chứng minh rằng ngài là Con của Đức Chúa Trời. Biết điều này đã giúp các môn đồ lên tinh thần. Nỗi buồn của họ đã chuyển sang niềm vui khôn xiết và sự sợ hãi được thay thế bằng lòng can đảm. Sự sống lại của Chúa Giê-su là điểm chính yếu trong ý định Đức Giê-hô-va và trong tin mừng mà các môn đồ dạn dĩ rao truyền khắp nơi.
7. Chúa Giê-su hiện đang làm gì, và những câu hỏi nào được nêu lên?
7 Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta biết rõ Chúa Giê-su không chỉ là người vĩ đại. Ngài hiện đang sống và hướng dẫn một công việc liên quan đến mọi người trên đất. Là Vua của Nước Đức Chúa Trời, không lâu nữa Chúa Giê-su sẽ tẩy sạch sự gian ác khỏi trái đất và biến trái đất thành địa đàng, nơi con người sẽ sống mãi mãi (Lu 23:43). Những việc này không thể xảy ra nếu Chúa Giê-su không được sống lại. Vậy, chúng ta có những lý do nào để tin rằng ngài đã được sống lại? Sự sống lại của ngài có ý nghĩa gì với chúng ta?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA THỂ HIỆN QUYỀN NĂNG CHIẾN THẮNG SỰ CHẾT
8, 9. (a) Tại sao những nhà lãnh đạo Do Thái giáo muốn canh mộ Chúa Giê-su một cách cẩn mật? (b) Điều gì xảy ra khi hai phụ nữ đến thăm mộ?
8 Sau khi Chúa Giê-su bị hành hình, các trưởng tế và người Pha-ri-si đến gặp Phi-lát và nói: “Bẩm quan, chúng tôi nhớ tên lừa đảo ấy khi còn sống đã nói: ‘Sau ba ngày, tôi sẽ sống lại’. Vậy xin quan hãy truyền lệnh canh giữ mộ cho cẩn thận đến ngày thứ ba, để môn đồ hắn không thể đến ăn cắp xác rồi nói với dân chúng: ‘Ngài đã sống lại!’, và vụ lừa đảo này sẽ tệ hại hơn vụ trước”. Phi-lát đáp: “Các ông hãy dẫn lính theo và cố mà canh giữ mộ cho cẩn thận”. Họ làm y như vậy.—Mat 27:62-66.
9 Thi hài của Chúa Giê-su được đặt vào ngôi mộ được đục trong đá, bên ngoài có tảng đá lớn chặn cửa. Đó là nơi mà những nhà lãnh đạo Do Thái giáo muốn Chúa Giê-su vĩnh viễn ở đấy. Nhưng Đức Giê-hô-va có lối suy nghĩ hoàn toàn khác với họ. Khi Ma-ri Ma-đơ-len và một phụ nữ khác cũng tên Ma-ri đến thăm mộ vào ngày thứ ba, họ thấy tảng đá được lăn khỏi cửa mộ và một thiên sứ ngồi lên trên. Thiên sứ giục hai phụ nữ nhìn vào trong và họ thấy ngôi mộ trống không. Thiên sứ nói: “Ngài không có ở đây vì đã được sống lại” (Mat 28:1-6). Chúa Giê-su đã được sống lại!
10. Sứ đồ Phao-lô đã cung cấp bằng chứng nào về sự sống lại của Chúa Giê-su?
10 Những sự kiện xảy ra 40 ngày sau cho thấy rõ Chúa Giê-su đã được sống lại. Sứ đồ Phao-lô tóm tắt sự việc này khi viết thư cho anh em ở thành Cô-rinh-tô: “Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi truyền cho anh em là điều tôi cũng nhận được, ấy là Đấng Ki-tô chết vì tội lỗi chúng ta theo lời Kinh Thánh, ngài đã được chôn cất, được sống lại vào ngày thứ ba theo lời Kinh Thánh, hiện ra với Sê-pha rồi với mười hai sứ đồ. Sau đó, ngài hiện ra với hơn năm trăm anh em cùng một lúc; tuy một số người trong vòng họ đã an giấc, nhưng phần lớn hiện giờ vẫn còn sống. Kế đến, ngài hiện ra với Gia-cơ, rồi với tất cả các sứ đồ; cuối cùng, ngài hiện ra với tôi như với một đứa bé sinh non”.—1 Cô 15:3-8.
LÝ DO CHÚNG TA BIẾT CHÚA GIÊ-SU ĐÃ ĐƯỢC SỐNG LẠI
11. Sự sống lại của Chúa Giê-su xảy ra “theo lời Kinh Thánh” như thế nào?
11 Lý do thứ nhất chúng ta biết Chúa Giê-su đã được sống lại là vì sự sống lại của ngài xảy ra “theo lời Kinh Thánh”. Lời Đức Chúa Trời báo trước về sự sống lại. Chẳng hạn, Đa-vít viết về “người thánh [“người trung thành”, NW]” của Đức Chúa Trời sẽ không ở trong mồ. (Đọc Thi-thiên 16:10). Vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, sứ đồ Phi-e-rơ cho thấy lời tiên tri này được ứng nghiệm qua Chúa Giê-su, khi nói: “[Đa-vít] đã thấy trước và nói về sự sống lại của Đấng Ki-tô rằng ngài không bị bỏ mặc trong mồ, và xác thịt ngài cũng không mục rữa”.—Công 2:23-27, 31.
12. Ai thấy Chúa Giê-su sau khi ngài được sống lại?
12 Lý do thứ hai chúng ta biết Chúa Giê-su đã được sống lại là vì nhiều người thấy ngài hiện ra sau khi ngài sống lại. Trong vòng 40 ngày, Chúa Giê-su đã hiện ra với các môn đồ ở trong vườn, nơi người ta đặt ngôi mộ của ngài. Ngài cũng hiện ra trên đường đến Em-ma-út và một số nơi khác (Lu 24:13-15). Vào những dịp ấy, ngài nói chuyện với những nhóm người và với từng người, trong đó có Phi-e-rơ. Có lần Chúa Giê-su hiện ra với đám đông hơn 500 người! Như vậy có rất nhiều người thấy Chúa Giê-su hiện ra sau khi ngài được sống lại. Chuyện này không thể là bịa đặt.
13. Làm thế nào sự sốt sắng của các môn đồ cho thấy họ tin chắc Chúa Giê-su đã được sống lại?
13 Lý do thứ ba chúng ta biết Chúa Giê-su đã được sống lại là vì các môn đồ của ngài sốt sắng nói điều đó cho người khác. Họ sốt sắng làm chứng về sự sống lại của Đấng Ki-tô bất kể sự ngược đãi, đau đớn và cái chết. Nếu Chúa Giê-su không sống lại, nếu đó chỉ là một trò lừa đảo, thì tại sao Phi-e-rơ liều mạng để công bố sự sống lại của Đấng Ki-tô cho giới lãnh đạo tôn giáo, những người căm ghét Chúa Giê-su và từng lập mưu giết ngài? Đó là vì Phi-e-rơ và các môn đồ khác tin chắc Chúa Giê-su đã được sống lại và đang hướng dẫn công việc mà Đức Chúa Trời giao. Hơn nữa, sự sống lại của Chúa Giê-su đảm bảo với các môn đồ rằng họ cũng sẽ được sống lại. Chẳng hạn, Ê-tiên chết với niềm tin chắc sẽ có sự sống lại.—Công 7:55-60.
14. Tại sao bạn tin rằng Chúa Giê-su đã được sống lại?
14 Lý do thứ tư chúng ta biết Chúa Giê-su đã được sống lại là vì có bằng chứng cho thấy ngài là Vua đang cai trị và làm Đầu hội thánh đạo Đấng Ki-tô. Nhờ vậy, đạo thật của Đấng Ki-tô ngày càng phát triển. Điều này sẽ không xảy ra nếu Chúa Giê-su không được sống lại. Thật thế, có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ nghe nói về ngài nếu ngài không sống lại. Tuy nhiên, chúng ta có những lý do vững chắc để tin rằng Chúa Giê-su đã được sống lại và đang hướng dẫn công việc rao truyền tin mừng ra khắp nơi.
SỰ SỐNG LẠI CỦA CHÚA GIÊ-SU CÓ NGHĨA GÌ VỚI CHÚNG TA?
15. Tại sao sự sống lại của Chúa Giê-su giúp chúng ta can đảm rao giảng?
15 Sự sống lại của Đấng Ki-tô giúp chúng ta can đảm rao giảng. Trong 2.000 năm, kẻ thù của Đức Chúa Trời đã dùng mọi thủ đoạn để dập tắt tin mừng, chẳng hạn như sự bội đạo, sự chế giễu, đám đông hành hung, sự cấm đoán, tra tấn và hành hình. Nhưng không điều gì, ‘không binh-khí nào chế ra nghịch cùng chúng ta’ có thể làm ngưng công việc rao truyền tin mừng Nước Trời và đào tạo môn đồ (Ê-sai 54:17). Chúng ta không sợ tay sai của Sa-tan. Chúa Giê-su ở với chúng ta và hỗ trợ chúng ta, như ngài đã hứa (Mat 28:20). Chúng ta có mọi lý do để can đảm, vì dù kẻ thù cố gắng đến mấy thì chúng cũng không thể làm chúng ta im tiếng!
16, 17. (a) Sự sống lại của Chúa Giê-su chứng thực thế nào về những gì ngài dạy? (b) Theo Giăng 11:25, Đức Chúa Trời ban cho Chúa Giê-su quyền năng nào?
16 Sự sống lại của Chúa Giê-su chứng tỏ mọi điều ngài dạy là chân thật. Phao-lô viết rằng nếu Đấng Ki-tô không được sống lại thì đức tin và công việc rao giảng của tín đồ đạo Đấng Ki-tô sẽ vô ích. Một học giả Kinh Thánh viết: “Nếu Đấng Ki-tô không được sống lại... Tín đồ đạo Đấng Ki-tô bị lừa gạt cách thê thảm”. Nếu không có sự sống lại của Chúa Giê-su, những lời tường thuật trong sách Phúc âm chỉ là câu chuyện buồn về một người đàn ông tốt bụng và khôn ngoan bị chết trong tay kẻ thù. Nhưng Đấng Ki-tô đã được sống lại và điều này chứng tỏ mọi điều ngài dạy, kể cả những điều ngài nói về tương lai, là chân thật.—Đọc 1 Cô-rinh-tô 15:14, 15, 20.
17 Chúa Giê-su phán: “Tôi là sự sống lại và là sự sống. Ai thể hiện đức tin nơi tôi, dù có chết cũng sẽ sống lại” (Giăng 11:25). Những lời đáng kinh ngạc này chắc chắn sẽ thành hiện thực. Đức Giê-hô-va ban cho Chúa Giê-su quyền năng làm người chết sống lại, không chỉ cho những người được sống lại ở thể thần linh trên trời, nhưng cũng cho hàng tỉ người sẽ được thức dậy với triển vọng sống đời đời trên đất. Sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su và sự sống lại của ngài có nghĩa sự chết sẽ không còn nữa. Chẳng phải sự hiểu biết này giúp bạn thêm vững vàng để chịu đựng bất cứ thử thách nào, ngay cả can đảm đối mặt với cái chết sao?
18. Sự sống lại của Chúa Giê-su đảm bảo điều gì?
18 Sự sống lại của Chúa Giê-su đảm bảo rằng dân cư trên đất sẽ được phán xét theo tiêu chuẩn yêu thương của Đức Giê-hô-va. Phao-lô nói với một nhóm người ở thành A-thên xưa: “[Đức Chúa Trời] đã định một ngày để xét xử dân cư trên đất một cách công bằng bởi người mà ngài đã chọn. Ngài đoan chắc điều này với mọi người qua việc làm cho người ấy sống lại” (Công 17:31). Thật vậy, Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời bổ nhiệm làm Quan Án. Vì thế, chúng ta có thể tin chắc ngài sẽ phán xét công bằng và yêu thương.—Đọc Ê-sai 11:2-4.
19. Niềm tin nơi sự sống lại của Đấng Ki-tô ảnh hưởng thế nào đến chúng ta?
19 Niềm tin nơi sự sống lại của Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Nếu Chúa Giê-su không hy sinh và không được sống lại thì chúng ta vẫn còn gánh chịu tội lỗi và sự chết (Rô 5:12; 6:23). Nếu Chúa Giê-su không sống lại, có lẽ chúng ta sẽ nghĩ: “Hãy ăn, uống vì ngày mai chúng ta sẽ chết” (1 Cô 15:32). Tuy nhiên, chúng ta không tập trung vào việc hưởng thụ cuộc sống. Thay vì thế, chúng ta quý trọng hy vọng về sự sống lại và có đủ lý do để làm theo chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va trong mọi việc.
20. Sự sống lại của Chúa Giê-su chứng thực Đức Giê-hô-va vĩ đại như thế nào?
20 Sự sống lại của Đấng Ki-tô là bằng chứng thầm lặng nhưng hùng hồn và chứng thực sự vĩ đại của Đức Giê-hô-va, “đấng ban thưởng cho những ai sốt sắng tìm kiếm ngài” (Hê 11:6). Đức Giê-hô-va thể hiện sự khôn ngoan và quyền năng lớn biết bao khi làm cho Chúa Giê-su sống lại trong thể thần linh bất tử ở trên trời! Ngoài ra, qua việc này Đức Chúa Trời cũng cho thấy ngài có quyền năng thực hiện mọi lời ngài hứa. Trong đó có những lời hứa mang tính tiên tri về một “dòng-dõi” đặc biệt sẽ đóng vai trò trọng yếu trong việc giải quyết quyền cai trị hoàn vũ. Để lời hứa này được ứng nghiệm thì Chúa Giê-su phải chết và được sống lại.—Sáng 3:15.
21. Hy vọng về sự sống lại có nghĩa gì đối với bạn?
21 Chẳng phải bạn muốn cảm tạ Đức Giê-hô-va, đấng đã ban hy vọng chắc chắn về sự sống lại sao? Kinh Thánh đảm bảo rằng: “Này! Đền tạm của Đức Chúa Trời ở giữa nhân loại. Ngài sẽ ở với họ và họ sẽ là dân ngài. Chính Đức Chúa Trời sẽ ở cùng họ. Ngài sẽ lau hết nước mắt trên mắt họ, sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa. Những điều trước kia nay đã qua rồi”. Triển vọng tuyệt diệu này được truyền cho sứ đồ trung thành Giăng. Ông được lệnh: “Hãy ghi lại, vì những lời ấy là trung tín và chân thật”. Giăng đã nhận sự mặc khải này từ ai? Đó là từ Chúa Giê-su Ki-tô, đấng đã được sống lại.—Khải 1:1; 21:3-5.