Chúa Giê-su—Gương mẫu hoàn hảo để noi theo
Bạn có muốn trở thành một người tốt và hạnh phúc hơn không? Sứ đồ Phi-e-rơ giải thích cách chúng ta có thể thực hiện điều này. Ông viết: “Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại cho anh em một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài” (1 Phi-e-rơ 2:21). Thật thế, vì sống một cuộc đời phi thường nên Chúa Giê-su có nhiều điều để chúng ta học hỏi. Chúng ta chắc chắn sẽ trở nên người tốt và hạnh phúc hơn qua việc học hỏi về Chúa Giê-su và noi gương ngài trong đời sống. Chúng ta hãy xem xét kỹ những đức tính hình thành nhân cách của người vĩ đại này, và tìm hiểu làm thế nào để có thể nhận lợi ích từ ngài.
Chúa Giê-su sống thăng bằng. Dù Chúa Giê-su nói ngài “không có chỗ mà gối đầu”, nhưng ngài không sống theo, cũng không cổ vũ lối sống khổ hạnh (Ma-thi-ơ 8:20). Ngài đã tham dự các buổi tiệc (Lu-ca 5:29). Phép lạ đầu tiên Chúa Giê-su thực hiện—biến nước thành rượu ngon trong một tiệc cưới—cho thấy ngài không phải là người sống cách biệt hoặc khắc khổ (Giăng 2:1-11). Tuy nhiên, Chúa Giê-su chỉ rõ điều gì là quan trọng nhất đối với ngài khi phán: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài”.—Giăng 4:34.
□ Bạn có xem xét đời sống mình để biết làm sao có thể giữ thăng bằng trong việc mưu cầu vật chất và phát triển mối quan hệ với Đức Chúa Trời không?
Chúa Giê-su dễ đến gần. Kinh Thánh miêu tả Chúa Giê-su là người nồng ấm và thân thiện. Chúa Giê-su không bực mình khi người ta đến nhờ ngài đưa ra biện pháp cho vấn đề và giải đáp những câu hỏi phức tạp của họ. Vào một dịp nọ, khi đám đông vây quanh ngài, một người đàn bà bị bệnh 12 năm đã sờ vào vạt áo ngài với hy vọng được chữa lành. Chúa Giê-su không quở trách vì hành động dường như vi phạm luật pháp của bà. Ngược lại, ngài nhẹ nhàng nói: “Hỡi con gái ta, đức-tin con đã cứu con” (Mác 5:25-34). Con trẻ cũng thoải mái đến gần ngài vì biết ngài quan tâm đến chúng (Mác 10:13-16). Chúa Giê-su nói chuyện thân mật và cởi mở với các môn đồ. Họ đã không ngần ngại đến gần ngài.—Mác 6:30-32.
□ Người khác có thoải mái đến gần bạn không?
Chúa Giê-su đồng cảm và có lòng trắc ẩn. Một trong những đức tính nổi bật nhất của Chúa Giê-su là ngài có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, hiểu cảm xúc của họ và giúp đỡ họ. Sứ đồ Giăng kể lại khi Chúa Giê-su thấy Ma-ri khóc than vì La-xa-rơ qua đời, ngài “đau lòng cảm-động” và khóc. Những người có mặt ở đấy có thể thấy được tình cảm của Chúa Giê-su đối với gia đình đó, và ngài không xấu hổ khi thể hiện cảm xúc của mình trước người khác. Chúa Giê-su đã biểu lộ lòng trắc ẩn sâu xa biết bao khi làm cho bạn ngài sống lại!—Giăng 11:33-44.
Vào dịp khác, một người đàn ông bị phung—căn bệnh khủng khiếp khiến ông bị tách biệt khỏi cộng đồng—đã van xin Chúa Giê-su: “Nếu Chúa khứng, chắc có thể làm cho tôi sạch được”. Cách Chúa Giê-su phản ứng thật ấm lòng: “Đức Chúa Jêsus giơ tay rờ người, mà phán rằng: Ta khứng [“muốn”, Bản Dịch Mới], hãy sạch đi” (Ma-thi-ơ 8:2, 3). Chúa Giê-su không chữa lành người ta chỉ để làm ứng nghiệm lời tiên tri. Ngài muốn lau ráo nước mắt của họ. Một lời nói đáng nhớ của ngài đã ảnh hưởng đến mọi hành động của ngài, đó là: “Các ngươi muốn người ta làm cho mình thể nào, hãy làm cho người ta thể ấy”.—Lu-ca 6:31.
□ Lòng trắc ẩn của bạn đối với người khác có thể hiện qua hành động không?
Chúa Giê-su là người hiểu biết và nhận thức sâu sắc. Dù chưa bao giờ mắc sai lầm, Chúa Giê-su không tỏ vẻ cao trọng hơn người hoặc mong đợi người khác phải hoàn hảo. Ngài cũng không hành động khi chưa nắm rõ tình huống. Có lần, một phụ nữ “xấu nết ở thành đó” biểu lộ đức tin và lòng biết ơn của bà với Chúa Giê-su khi bà dùng tóc mình lau nước mắt rơi ướt chân ngài. Chúa Giê-su để cho bà làm điều ấy trước sự kinh ngạc của chủ nhà, người đã đoán xét bà cách khắt khe. Vì hiểu rõ lòng chân thành của bà, Chúa Giê-su không lên án bà vì tội lỗi đã phạm. Thay vì thế, ngài phán: “Đức-tin của ngươi đã cứu ngươi; hãy đi cho bình-an”. Nhờ phản ứng nhân từ của Chúa Giê-su, người phụ nữ ấy rất có thể đã từ bỏ lối sống trước đây.—Lu-ca 7:37-50.
□ Người ta có biết bạn là người thường khen ngợi và không vội lên án người khác không?
Chúa Giê-su không thiên vị và tỏ ra tôn trọng người khác. Có lẽ vì tính tình hợp nhau và là bà con, nên Chúa Giê-su đặc biệt yêu mến Giăng, một môn đồ của ngàia. Dù vậy, ngài không thiên vị hoặc ban cho ông ấy nhiều đặc ân hơn các môn đồ khác (Giăng 13:23). Thật thế, khi Giăng và em ông là Gia-cơ xin địa vị cao trọng nhất trong Nước Trời, Chúa Giê-su trả lời: “Nhưng chí như ngồi bên hữu và bên tả ta thì không phải tự ta cho được”.—Mác 10:35-40.
Chúa Giê-su luôn tỏ ra tôn trọng người khác. Ngài không có thành kiến như những người sống cùng thời. Chẳng hạn, thời đó, người phụ nữ thường bị xem là thấp kém hơn nam giới. Tuy nhiên, Chúa Giê-su đã tôn trọng nhân phẩm của họ. Lần đầu tiên ngài công khai cho biết mình là Đấng Mê-si (đấng được Đức Chúa Trời bổ nhiệm vào chức vụ đặc biệt) là với một người đàn bà, không phải người Do Thái nhưng là người Sa-ma-ri. Người Do Thái nói chung coi khinh người Sa-ma-ri, thậm chí không chào hỏi họ (Giăng 4:7-26). Ngoài ra, Chúa Giê-su cũng cho các phụ nữ đặc ân được làm nhân chứng đầu tiên về sự sống lại của ngài.—Ma-thi-ơ 28:9, 10.
□ Khi đối xử với người không cùng chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hoặc quốc tịch, bạn có thể hiện tính không thiên vị không?
Chúa Giê-su là người con và người anh biết gánh vác trách nhiệm. Hình như ông Giô-sép, cha nuôi của Chúa Giê-su, đã qua đời khi Chúa Giê-su còn trẻ. Rất có thể ngài đã gánh vác trách nhiệm nuôi mẹ và các em bằng nghề thợ mộc (Mác 6:3). Trong giây phút cuối cùng trên đất, Chúa Giê-su đã giao mẹ ngài cho môn đồ Giăng chăm sóc.—Giăng 19:26, 27.
□ Bạn có thể noi gương Chúa Giê-su gánh vác trách nhiệm với gia đình không?
Chúa Giê-su là người bạn chân thật. Chúa Giê-su là một người bạn rất đặc biệt. Như thế nào? Ngài đã không từ bỏ bạn bè chỉ vì họ phạm lỗi, dù họ tái phạm lỗi đó nhiều lần. Các môn đồ không luôn làm theo những điều ngài mong muốn. Nhưng ngài chứng tỏ là người bạn chân thật bằng cách tập trung vào những tính tốt nơi họ, chứ không gán cho họ động lực xấu (Mác 9:33-35; Lu-ca 22:24-27). Chúa Giê-su không áp đặt quan điểm của ngài trên họ, mà khuyến khích họ tự do bày tỏ cảm nghĩ của mình.—Ma-thi-ơ 16:13-15.
Trên hết, Chúa Giê-su yêu mến các bạn của ngài (Giăng 13:1). Đến mức nào? Ngài phán: “Chẳng có sự yêu-thương nào lớn hơn là vì bạn-hữu mà phó sự sống mình” (Giăng 15:13). Có điều gì quý hơn mạng sống mà một người có thể hy sinh vì bạn bè?
□ Ngay cả khi một người xúc phạm hoặc làm bạn bực bội, bạn vẫn giữ tình bạn với người đó không?
Chúa Giê-su là người đàn ông dũng cảm và mạnh mẽ. Chúa Giê-su hoàn toàn không phải là một người yếu đuối, thụ động như một số họa sĩ đã thể hiện qua các tác phẩm của họ. Các sách Phúc âm miêu tả ngài là người mạnh mẽ, đầy sinh lực. Hai lần Chúa Giê-su đuổi những người buôn bán cùng với hàng hóa của họ ra khỏi đền thờ (Mác 11:15-17; Giăng 2:14-17). Khi một đám đông đến bắt “Jêsus người Na-xa-rét”, ngài đã can đảm bước ra và xác nhận mình để bảo vệ các môn đồ. Ngài dõng dạc tuyên bố: “Chính ta đây; vậy nếu các ngươi tìm bắt ta, thì hãy để cho những kẻ nầy đi” (Giăng 18:4-9). Khi Bôn-xơ Phi-lát thấy Chúa Giê-su tỏ ra can đảm vào lúc bị bắt và bị ngược đãi, không lạ gì ông đã thốt lên: “Kìa, xem người nầy!”.—Giăng 19:4, 5.
□ Bạn có hành động kiên quyết và dũng cảm khi biết điều mình phải làm không?
Những đức tính này và những tính nổi bật khác khiến Chúa Giê-su trở thành gương mẫu hoàn hảo cho chúng ta. Nếu để cho hạnh kiểm của ngài tác động đến mình, chúng ta sẽ là những người tốt và hạnh phúc hơn. Vì lý do này mà sứ đồ Phi-e-rơ khuyến giục những người theo Chúa Giê-su theo sát gương mẫu của ngài. Bạn có cố gắng theo sát gương mẫu của Chúa Giê-su không?
Không chỉ là gương mẫu
Tuy nhiên, Chúa Giê-su không chỉ nêu gương mà thôi, ngài đã nói: “Ta là đường đi, lẽ thật, và sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Chúa Giê-su đã giúp người khác biết sự thật về Đức Chúa Trời và do đó, mở đường cho họ đến gần Cha trên trời. Không chỉ thế, nhờ ngài, những người trung thành có thể nhận được sự sống.—Giăng 3:16.
Chúa Giê-su nói thêm về điều này: “Con người đã đến, không phải để người ta hầu việc mình, song để mình hầu việc người ta, và phó sự sống mình làm giá chuộc nhiều người” (Ma-thi-ơ 20:28). Khi hy sinh mạng sống, Chúa Giê-su đã đặt nền tảng để nhân loại hưởng sự sống vĩnh cửu. Cá nhân chúng ta phải làm gì để nhận được lợi ích từ sự hy sinh này? Chúa Giê-su giải thích: “Sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật, cùng Jêsus-Christ, là Đấng Cha đã sai đến”.—Giăng 17:3.
Thật vậy, học biết về Chúa Giê-su, noi theo cách sống và thể hiện đức tin nơi sự hy sinh của ngài là những đòi hỏi để nhận được sự sống vĩnh cửu. Chúng tôi mời bạn dành thời gian để tìm hiểu nguồn cung cấp sự hiểu biết này là Kinh Thánh, và cố gắng làm những gì Kinh Thánh dạy, như gương của Chúa Giê-sub.
Đời sống gương mẫu của Chúa Giê-su cho chúng ta biết chúng ta nên trở thành hạng người nào. Sự hy sinh mạng sống của ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cái giá phải trả cho nó là sự chết (Rô-ma 6:23). Nếu Chúa Giê-su không ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống chúng ta, thì thật đáng buồn thay! Đừng bao giờ để những lo lắng và băn khoăn trong cuộc sống khiến bạn mất cơ hội xem xét và theo sát gương mẫu của người vĩ đại nhất đã từng sống, Chúa Giê-su.
[Chú thích]
a Bà Sa-lô-mê, mẹ của Giăng, và bà Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-su, rất có thể là hai chị em ruột. Hãy so sánh Ma-thi-ơ 27:55, 56 với Mác 15:40 và Giăng 19:25 (Bản Dịch Mới dịch vế sau của Giăng 19:25 là: “Mẹ của Đức Giê-su, dì của Ngài, Ma-ri vợ của Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len”).
b Muốn biết thêm chi tiết về cuộc đời trên đất của Chúa Giê-su, xin xem sách Người vĩ đại nhất đã từng sống, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Khung/Các hình nơi trang 7]
◼ Chúa Giê-su không thiên vị và tôn trọng mọi người
◼ Ngài là người bạn chân thật cho đến cuối cùng
◼ Ngài là người dũng cảm
Bạn có cố gắng theo sát gương mẫu của Chúa Giê-su không?
[Các hình nơi trang 5]
Chúa Giê-su là người thăng bằng...
dễ đến gần...
có lòng trắc ẩn